BỘ
LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------
|
Số:
128/BC-LĐTBXH(CT138)
|
Hà
Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2009
|
BÁO CÁO
KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM NGÀNH LAO ĐỘNG -
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI NĂM 2009
Thực hiện chương trình công tác năm
2009 của Ban chỉ đạo 138 Trung ương và Kế hoạch công tác năm 2009 của Ban chỉ đạo
138 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về thực hiện Chương trình quốc gia
phòng, chống tội phạm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo kết quả hoạt
động công tác phòng, chống tội phạm năm 2009 và phương hướng hoạt động năm
2010, như sau:
I. ĐÁNH GIÁ KẾT
QUẢ CÔNG TÁC
1. Công tác chỉ
đạo, triển khai
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm
năm 2009 (Kế hoạch số 948/KH-LĐTBXH ngày 30/3/2009), trong đó tập trung vào các
nội dung: rà soát, đánh giá các chính sách về dạy nghề, tạo việc làm cho người
sau cai nghiện; thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống tội phạm trong ngành
Lao động - Thương binh và Xã hội; khảo sát tình hình người nghiện ma túy có tiền
án, tiền sự, mãn hạn tù vào cai nghiện tại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục -
Lao động xã hội…;
- Các đơn vị: Vụ Pháp chế, Thanh
tra Bộ, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội … tham mưu với Bộ nghiên cứu, sửa đổi và
ban hành các văn bản chỉ đạo phòng, chống tệ nạn xã hội; chính sách, chế độ, thực
hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống ma túy.
- Hướng dẫn các tỉnh, thành phố tổng
kết, đánh giá 5 năm (2003 - 2008) thực hiện Pháp lệnh phòng, chống mại dâm và
02 năm thực hiện Quyết định số 52/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương
trình phối hợp liên ngành phòng, chống mại dâm giai đoạn 2006 - 2010.
- Để chuẩn bị đánh giá kết quả 5
năm thực hiện Kế hoạch tổng thể phòng, chống ma túy giai đoạn 2006 - 2010, Bộ
đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố xây dựng kế
hoạch đánh giá công tác cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy theo Quyết
định số 49/2005/QĐ-TTg ngày 10/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế
hoạch tổng thể phòng, chống ma túy đến năm 2010;
- Hướng dẫn và tổ chức tổng kết 5
năm thực hiện Đề án 3, Quyết định 130/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về
công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn
bán từ nước ngoài trở về.
- Công đoàn Bộ đã tổ chức tập huấn
cho toàn thể cán bộ công nhân viên của Bộ để tuyên truyền công tác phòng, chống
tội phạm; phòng, chống HIV/AIDS.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
các tỉnh, thành phố tiến hành điều tra, đánh giá việc thực hiện công tác dạy nghề,
hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho những người mãn hạn tù, người sau cai nghiện
từ các Cơ sở cai nghiện trở về tái hòa nhập cộng đồng.
2. Một số kết
quả đạt được
2.1. Công tác xây dựng văn bản:
Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan trình Chính phủ ban hành các
văn bản dưới luật, cụ thể:
- Ban hành 19 Nghị định của Chính
phủ, 11 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 47 Thông tư thuộc các lĩnh vực
phòng, chống tệ nạn xã hội, việc làm, bảo vệ chăm sóc trẻ em, bảo trợ xã hội,
người có công, quản lý lao động ngoài nước, dạy nghề …, như: Nghị định số
94/2009/NĐ-CP ngày 26/10/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy về quản lý sau cai nghiện
ma túy, Nghị định cai nghiện tại gia đình và cai nghiện tại cộng đồng, Nghị định
sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 135/2004/NĐ-CP về quy định chế độ áp dụng
biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo
Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chế độ đối với người chưa thành niên, người
tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh, Nghị định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm
pháp luật lao động, Nghị định về tổ chức hoạt động của Thanh tra ngành lao động
thương binh xã hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục
các nghề, công việc phải sử dụng lao động đã qua đào tạo …
- Xây dựng Đề án trình Thủ tướng
Chính phủ “Hoàn thiện tổ chức và cơ chế chỉ đạo hoạt động phòng chống HIV/AIDS
và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm ở xã phường, thị trấn”.
- Xây dựng Đề án trình Thủ tướng
Chính phủ “Quan điểm, giải pháp về phòng, chống mại dâm trong tình hình mới”
theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.
2.2. Công tác thanh tra, kiểm
tra, tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo:
2.2.1. Công tác thanh tra, kiểm
tra: Trong năm 2009, Bộ đã chỉ đạo Thanh tra ngành thanh tra, kiểm tra việc
thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước; thực hiện pháp luật, chính
sách, cụ thể:
- Thanh tra việc thực hiện chức
năng nhiệm vụ tại 03 đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và thanh
tra thực hiện Luật thanh tra, Luật khiếu nại, tố cáo tại 02 Sở.
- Thanh tra việc thực hiện pháp luật
lao động: tại 469 doanh nghiệp, đơn vị cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn
23 tỉnh, thành phố. Có 3.588 kiến nghị được ban hành, 43 quyết định xử phạt
hành chính với tổng số tiền là 603,2 triệu đồng.
- Thanh tra việc thực hiện chính
sách đối với Người có công tại 4 tỉnh, có 47 kiến nghị được ban hành. Kết quả:
cắt trợ cấp 3 trường hợp thương binh giả mạo; tạm dừng 92 trường hợp thương
binh; dừng 9 trường hợp đang hưởng trợ cấp chất độc hóa học; điều chỉnh mức hưởng
của 18 trường hợp là con của người hoạt động kháng chiến; cắt 3 trường hợp hưởng
chính sách vợ liệt sĩ tái giá; kiến nghị thu hồi 268.932.400 đồng cho đối tượng
hưởng không đúng quy định.
- Thanh tra công tác quản lý bảo hiểm
xã hội tại 03 tỉnh, có 53 kiến nghị, trong đó 7 kiến nghị về quản lý tại tỉnh;
3 kiến nghị về công tác quản lý ngành; 2 kiến nghị về sửa đổi, bổ sung chính
sách, các kiến nghị còn lại nhằm đề nghị đơn vị được thanh tra khắc phục những
thiếu sót, khuyết điểm được phát hiện trong quá trình thanh tra.
- Thanh tra về chính sách đối với
lĩnh vực trẻ em tại 13 tỉnh, 174 kiến nghị, cụ thể: 01 cuộc thanh tra tiếp nhận
nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại các cơ sở nuôi dưỡng
trẻ em; vấn đề cho trẻ em làm con nuôi ở nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh với
55 kiến nghị được ban hành; 02 cuộc kiểm tra việc thực hiện Nghị định số
67/2007/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.
Đồng thời đẩy mạnh hoạt động thanh
tra, kiểm tra phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại
Bộ và các đơn vị thuộc Bộ nhằm ngăn ngừa phòng, chống tội phạm xảy ra trong
ngành.
2.2.2. Công tác tiếp dân, xử lý
đơn thư, khiếu nại, tố cáo:
- Lãnh đạo Bộ, các Cục, Vụ và Thanh
tra Bộ tiếp 1.101 lượt người. Trong đó, Lãnh đạo Bộ tiếp 305 lượt người.
- Số lượng đơn thư đến Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội là 7.906 đơn thư và toàn bộ số đơn thư đã được bộ phận
“một cửa” phân loại, xử lý gửi các đơn vị xem xét, giải quyết và đã xử lý được
8.501 trong tổng số 8.998 đơn thư (có 1.092 đơn còn tồn từ năm 2008 chuyển
sang).
- Đã xử lý 9/86 vụ khiếu nại thuộc
thẩm quyền, còn 77 vụ đang xem xét, giải quyết (trong đó 72 vụ khiếu nại liên
quan đến 72 công nhân của Nông trường Đình lập thuộc tỉnh Lạng Sơn mới nhận
tháng 11 nên đang nghiên cứu, xử lý); giải quyết 01/02 vụ tố cáo, còn 01 vụ
đang thẩm tra, xác minh.
2.3. Về công tác dạy nghề cho
người hết hạn tù và người đặc xá trở về:
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
đã chỉ đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, thống kê số người
chấp hành xong phạt tù và người được đặc xá về cộng đồng để xây dựng kế hoạch
phối hợp với các tổ chức đoàn thể trên địa bàn, tạo điều kiện cho những người
mãn hạn tù trở về tham gia học nghề trong các chương trình dạy nghề cho nông
dân và các chương trình học nghề khác theo kế hoạch đào tạo hàng năm.
2.4. Công tác phòng, chống tệ
nạn xã hội
a. Kết quả cai nghiện phục hồi:
- Công tác cai nghiện: 9 tháng đầu
năm 2009, cả nước đã tổ chức cai nghiện cho 51.644 người nghiện, trong đó:
+ Tại Trung tâm: tiếp nhận vào cai
nghiện mới là 15.520 người và hoàn thành chương trình cai nghiện là 17.394 người.
+ Tại Cộng đồng: cai nghiện mới cho
3.565 lượt người.
+ Số đối tượng được học văn hóa:
2.192 người.
+ Số được dạy nghề tại Trung tâm:
10.192 người (50 Trung tâm báo cáo)
+ Số được tạo việc làm, hỗ trợ cho
vay vốn là: 155 người.
- Tình hình quản lý đối tượng:
Trong 9 tháng đầu năm 2009 có nhiều chuyển biến, số đối tượng vi phạm (trốn, quậy
phá …) đã được hạn chế, số vụ xảy ra ít hơn 39/54 vụ (giảm 28%) so với cùng kỳ
năm trước; đời sống tinh thần, văn hóa được nâng lên rõ rệt. Trong quản lý các
Trung tâm đều thực hiện đầy đủ chế độ trực lãnh đạo, trực chỉ huy, trực y tế
24/24h; phối hợp tốt với các đơn vị bạn, đặc biệt là lực lượng Công an, Quân đội
và chính quyền sở tại trên địa bàn có kế hoạch và biện pháp phòng ngừa, phát hiện
những biểu hiện tiêu cực, phòng chống cháy nổ trong khu vực xung quanh.
- Theo kết quả khảo sát tại 50
Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thì từ năm 2006 - 9/2009,
trong tổng số học viên vào cai nghiện tại Trung tâm thì có khoảng 30 - 40% là
có tiền án, tiền sự và 10 - 15% là mãn hạn tù vào cai nghiện Trung tâm, do đó
công tác quản lý, giáo dục học viên vào cai nghiện tại Trung tâm cũng gặp nhiều
khó khăn.
b. Công tác phòng, chống mại
dâm:
- Quản lý địa bàn và thanh tra, kiểm
tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ: Trong 09 tháng đầu năm 2009, theo báo cáo của
các địa phương trong cả nước đã tiến hành kiểm tra 26.180 lượt cơ sở kinh doanh
dịch vụ (tương đương với cùng kỳ năm 2008), phát hiện 9.456 cơ sở vi phạm (chiếm
36%), đã xử lý cảnh cáo 6.520 cơ sở (chiếm 69%), phạt tiền gần 3.000 cơ sở
(30%), nộp ngân sách Nhà nước gần 15 tỷ đồng.
- Công tác đấu tranh, truy quét,
triệt phá ổ nhóm hoạt động mại dâm: Trong 09 tháng đầu năm 2009, theo báo cáo
chưa đầy đủ của các địa phương, lực lượng công an các cấp đã triệt phá 442 vụ với
tổng số 1.355 đối tượng. Một số địa phương triệt phá được nhiều vụ có đường dây
lớn với nhiều đối tượng tham gia như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa -
Vũng Tàu, Hải Phòng, Tây Ninh, Quảng Ninh …
- Giáo dục, chữa trị và hỗ trợ tái
hòa nhập cho người bán dâm: Công tác giáo dục, dạy nghề cho đối tượng bán dâm từng
bước nâng cao về chất lượng, đặc biệt trong việc hỗ trợ tâm lý xã hội, nâng cao
nhận thức, thay đổi hành vi của đối tượng. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa
phương, 9 tháng đầu năm đã chữa trị, giáo dục cho 2.405/3.000 đối tượng tại trung
tâm (đạt 80% chỉ tiêu kế hoạch năm); tổ chức dạy nghề, tạo việc làm và học văn
hóa cho 1.663/2.000 đối tượng tại Trung tâm và cộng đồng (đạt 83% chỉ tiêu kế
hoạch).
- Công tác xây dựng xã, phường lành
mạnh không có tệ nạn xã hội: Cả nước hiện có 6.576 xã, phường không có tệ nạn mại
dâm. Đặc biệt, số xã, phường được duy trì và chuyển hóa không có tệ nạn mại dâm
tăng mạnh tại các địa phương như: Thái Nguyên, Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh, …
Nhiều địa phương đạt trên 80% số xã, phường không có tệ nạn mại dâm như: Yên
Bái, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Nam, Hòa Bình, Nam Định, Hải Phòng, Đà
Nẵng …
c. Công tác xây dựng mô hình thí
điểm tại cộng đồng và hỗ trợ trẻ em bị xâm phạm tình dục:
- Nhân rộng tại 10 xã, phường, thị
trấn của 5 tỉnh mô hình can thiệp tại cộng đồng do địa phương thực hiện - mô
hình này nhấn mạnh đến công tác phòng ngừa tại cộng đồng và hỗ trợ có hiệu quả
cho trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em có nguy cơ cao, đặc biệt là hỗ trợ về
tâm lý, phục hồi sức khoẻ cho trẻ em là nạn nhân - nâng tổng số lên 35 xã, phường,
thị trấn ở 17 tỉnh, thành phố.
- Hàng năm, trên cả nước vẫn xảy ra
khoảng 1.000 vụ xâm phạm tình dục trẻ em, trong đó số trẻ được hỗ trợ chiếm
90%. Các hình thức hỗ trợ chủ yếu là trợ cấp khó khăn (chiếm 90% số trẻ em được
hỗ trợ); sách, vở và dụng cụ học tập (60%); dạy nghề, tạo việc làm đối với nạn
nhân trên 13 tuổi (25%); khám và chữa bệnh miễn phí, tư vấn tâm lý … Ngoài ra,
hàng ngàn trẻ em có nguy cơ bị xâm phạm tình dục đã được hỗ trợ khó khăn, dạy
nghề, tạo việc làm. Một số địa phương thực hiện tốt công tác hỗ trợ phục hồi và
tái hòa nhập cộng đồng như Khánh Hòa, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hải Phòng, An Giang,
Bạc Liêu, Đà Nẵng, Thái Nguyên …
d. Công tác hỗ trợ tái hòa nhập
cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về:
Tính đến tháng 9/2009 số nạn nhân
là phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về là 2.790 trường hợp, trong số
đó 60% nạn nhân tự trở về, 25% được giải cứu, 15% tiếp nhận chính thức. Trong số
2.790 nạn nhân trở về có 2.232 nạn nhân (chiếm 80%) được tiếp cận các dịch vụ
tư vấn tâm lý và cung cấp thông tin, chính sách hỗ trợ; có 837 trường hợp nạn
nhân (chiếm 30%) nhận được kinh phí hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ học
nghề từ nguồn ngân sách của nhà nước.
3. Đánh giá
chung
3.1. Mặt được
- Các cơ quan, đơn vị trong Bộ đã
cơ bản quán triệt và triển khai tổ chức thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị và kế
hoạch phòng chống tội phạm của Bộ, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
ban hành nhiều Nghị định, Quyết định đúng tiến độ và toàn diện các lĩnh vực:
lao động việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động, phòng chống tệ nạn xã hội … Đồng
thời giải quyết kịp thời các đơn thư, khiếu tố, tố cáo của công dân, đặc biệt
thực hiện quy chế “một cửa” tiếp dân.
- Phối hợp với Bộ ngành đi kiểm
tra, thanh tra về thực hiện các chính sách, các chỉ tiêu, kế hoạch về an toàn
lao động, dạy nghề, tạo việc làm và công tác phòng chống tệ nạn xã hội … đã kịp
thời chấn chỉnh và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng kế hoạch cụ thể, về phòng
chống tội phạm trong lĩnh vực ngành quản lý, xây dựng và nhân rộng các mô hình,
điển hình tiên tiến như Nghệ An, Bình Thuận, Quảng Ngãi …
3.2. Một số khó khăn
- Học viên vào cai nghiện tại Trung
tâm có trình độ văn hóa thấp và không đồng đều, đặc biệt là nhóm học viên có tiền
án, tiền sự và mãn hạn tù nên công tác dạy nghề, truyền nghề cũng gặp nhiều khó
khăn, do vậy sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện trở về cộng đồng khó
tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đã được dạy.
- Cơ chế chính sách về bảo vệ, hỗ
trợ nạn nhân bị buôn bán chưa được quy định cụ thể nên gây khó khăn cho công
tác tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, nhằm đảm bảo quyền lợi và lợi
ích hợp pháp cho nạn nhân.
- Cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ
công tác dạy nghề tại Cơ sở chữa bệnh cũng như ở cộng đồng còn nhiều hạn chế
nên ngành nghề được dạy, chất lượng dạy nghề chưa cao, không đáp ứng được nhu cầu
công việc thực tế của xã hội.
- Một số địa phương chưa chủ động,
tích cực việc quản lý, động viên khuyến khích và tạo điều kiện cho đối tượng
tham gia học nghề, còn kỳ thị, xa lánh với những người từng chấp hành hình phạt
tù, người sau cai nghiện, gái mại dâm hoàn lương, tạo ra cho họ tâm lý mặc cảm,
bị cô đơn và đó là một trong những nguyên nhân khiến họ dễ sa vào con đường tái
phạm, tái nghiện.
- Đa số các cơ sở sản xuất, doanh
nghiệp không nhận người sau cai nghiện và người mãn hạn tù trở về cộng đồng vào
làm việc.
4. Một số kiến
nghị với Ban chỉ đạo 138/CP
4.1. Thường xuyên thông báo tình
hình, cung cấp tài liệu, thông tin về phòng, chống tội phạm để tạo điều kiện nắm
bắt cụ thể và kịp thời có biện pháp phù hợp trong công tác phòng, chống tội phạm
của từng bộ, ngành theo nhiệm vụ được phân công.
4.2. Tăng kinh phí cho hoạt động
phòng, chống tội phạm ở các bộ, ngành có nhiều nội dung hoạt động liên quan trực
tiếp đến công tác phòng, chống tội phạm.
4.3. Cần tăng cường hợp tác, phối hợp
giữa các bộ, ngành chức năng với các tổ chức quốc tế trong hoạt động nghiên cứu,
chia sẻ kinh nghiệm; xây dựng chính sách, cơ chế theo dõi, giám sát và chỉ số
đánh giá kết quả, hiệu quả của công tác phòng, chống tội phạm; tập huấn nâng
cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia công tác phòng, chống tội phạm ở các bộ,
ngành và địa phương.
II. PHƯƠNG HƯỚNG,
NHIỆM VỤ NĂM 2010
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả
Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm, trong năm 2010, Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số công tác trọng tâm
sau:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
phổ biến về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, quản lý con người, bảo
vệ tài sản … cho cán bộ công nhân viên trong ngành lao động thương binh xã hội.
2. Tăng cường công tác phối hợp chỉ
đạo: việc dạy nghề cho các đối tượng ở các trại giam, cơ sở chữa bệnh; đưa
chương trình việc làm vào các trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;
hỗ trợ giải quyết việc làm cho các đối tượng hoàn thành chương trình cai nghiện,
mãn hạn tù giúp họ tái hòa nhập với cộng đồng.
3. Rà soát chính sách khen thưởng
và chế độ đãi ngộ vật chất, tinh thần đối với các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ công
an nhân dân và công dân có thành tích xuất sắc và những người hy sinh, bị
thương, bị thiệt hại tài sản trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
4. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết
bị dạy nghề cho các Cơ sở cai nghiện. Hoàn thiện đánh giá, tổng kết và nhân rộng
mô hình điển hình cai nghiện và quản lý sau cai nghiện có hiệu quả, nhằm giảm tỷ
lệ tái nghiện xuống 70% năm 2010, tăng 3-5% số xã, phường không có người nghiện
ma túy và mại dâm.
5. Tăng cường các hoạt động thanh
tra, kiểm tra các lĩnh vực công tác trong ngành có liên quan trực tiếp với công
tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống tệ nạn xã hội.
6. Giám sát và đảm bảo công tác
thông tin báo cáo, sơ kết, tổng kết định kỳ về công tác phòng, chống tội phạm;
chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vụ việc, động viên khen thưởng các mô hình, điển
hình tiên tiến trong lĩnh vực công tác này.
Trên đây là kết quả thực hiện công
tác Chương trình phòng, chống tội phạm của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội
năm 2009 và kế hoạch công tác năm 2010.
Nơi nhận:
- BCĐ Phòng, chống tội phạm QG;
- Bộ trưởng (để b/c);
- VP Bộ, Thanh tra Bộ;
- Lưu: VP, PCTNXH (03).
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Trọng Đàm
|