VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 10067/BC-VPCP
|
Hà Nội, ngày 25
tháng 12 năm 2023
|
BÁO CÁO
VỀ
ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ
Kính gửi:
Chính phủ
Bộ Xây dựng có Tờ trình Chính phủ số 56/TTr-BXD
ngày 30/11/2023 về Đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị (Đề nghị xây
dựng Luật). VPCP xin báo cáo Chính phủ như sau:
I. Về sự cần thiết, trình tự, thủ
tục lập Đề nghị xây dựng Luật
1. Đề nghị xây dựng Luật được Bộ Xây dựng chủ trì
soạn thảo, trình Chính phủ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật. Thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ, VPCP đã gửi lấy ý kiến
TVCP về 05 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật và hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật.
Đến ngày 25/12/2023, có 24/26 TVCP gửi ý kiến về VPCP, trong đó 24/26
TVCP đồng ý với sự cần thiết phải xây dựng, ban hành Luật quản lý phát triển đô
thị.
2. VPCP thống nhất với Bộ Xây dựng về sự cần thiết
ban hành Luật Quản lý phát triển đô thị nhằm thể chế hóa các đường lối, chủ
trương của Đảng, các chính sách, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
trong lĩnh vực phát triển đô thị1; tham khảo kinh
nghiệm quốc tế để xây dựng Luật cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, yêu
cầu của thực tiễn về quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam hiện nay; bảo đảm sự
đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi trong quản lý, phát
triển đô thị.
II. Về các chính sách trong Đề
nghị xây dựng Luật
1. Tổng hợp ý kiến TVCP:
- Bộ Xây dựng đề xuất 05 chính sách trong Đề nghị
xây dựng Luật, gồm:
Chính sách 1: Phân loại, quản lý phát triển bền vững
hệ thống đô thị;
Chính sách 2: Quản lý phát triển mới, cải tạo chỉnh
trang và tái phát triển đô thị;
Chính sách 3: Quản lý phát triển hạ tầng đô thị đồng
bộ;
Chính sách 4: Quản lý phát triển không gian ngầm đô
thị;
Chính sách 5: Nâng cao năng lực quản lý phát triển
đô thị.
- Kết quả tổng hợp ý kiến TVCP như sau: 24/26
TVCP thống nhất với các Chính sách do Bộ Xây dựng đề xuất, trong đó có 04 TVCP
(Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính có 20 ý
kiến góp ý về tên gọi, nội dung chính sách và Đề cương chi tiết Luật): Phụ lục
xin gửi kèm.
2. Về các nội dung đã tiếp thu ý kiến của Thường
trực Chính phủ và ý kiến Thành viên Chính phủ:
Trên cơ sở ý kiến của Thường trực Chính phủ tại cuộc
họp ngày 19/12/2023 và ý kiến của các Thành viên Chính phủ, Bộ Xây dựng đã
nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật (Tờ
trình số 58/TTr-BXD ngày 22/12/2022), bao gồm các nội dung tiếp thu, chỉnh lý về:
rà soát, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, không quy định
chồng chéo với các luật chuyên ngành hiện nay, xác định rõ phạm vi điều chỉnh của
dự án Luật như nêu tại mục IV Tờ trình này; bước đầu nghiên cứu, chỉnh lý tên gọi,
nội dung chính sách để thể hiện rõ hơn nội hàm, các yêu cầu của quản lý phát
triển đô thị; các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật tuân thủ chặt chẽ yêu
cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phân cấp, phân quyền, cải
cách thủ tục hành chính trong quản lý phát triển đô thị; chỉnh lý một số nội
dung trong Đề cương chi tiết Luật, hoàn thiện Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật.
3. Ý kiến của VPCP:
Về cơ bản, VPCP thống nhất với các nội dung tiếp
thu, chỉnh lý của Bộ Xây dựng tại Tờ trình số 58/TTr-BXD được Bộ trưởng Bộ Xây
dựng trình bày trước Chính phủ. Để hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, VPCP
đề nghị Bộ Xây dựng:
(1) Tiếp tục nghiên cứu ý kiến của Thường trực
Chính phủ, ý kiến của các Thành viên Chính phủ để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện
hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật;
(2) Rà soát, xác định rõ phạm vi điều chỉnh, mối
quan hệ của Luật này với các luật có liên quan như: Luật Quy hoạch, Luật Đầu
tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật
Nhà ở, Luật Đường bộ, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn2... để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật;
(3) Nghiên cứu, chỉnh lý tên gọi, nội dung, giải
pháp thực hiện chính sách, Đề cương chi tiết Luật, bảo đảm thống nhất về chủ
trương, giải pháp của Chính phủ về quản lý phát triển đô thị với các quy phạm cụ
thể trong Đề cương chi tiết Luật. Nội dung và giải pháp thực hiện chính sách cần
thể hiện rõ chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền; rà soát các quy định về
thẩm quyền và các cơ chế chính sách đặc thù để quản lý phát triển đô thị3, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản
lý phát triển đô thị; đánh giá tác động kỹ lưỡng, thuyết minh rõ nội dung cụ thể
của từng chính sách: về kinh tế, xã hội, pháp luật khi ban hành các chính sách,
lập luận có tính thuyết phục, có minh chứng cụ thể sự cần thiết xây dựng Luật
theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
(4) Rà soát thủ tục hành chính trong dự thảo Đề
cương, ứng dụng khoa học công nghệ để hạn chế tối đa thủ tục hành chính; đẩy mạnh
xã hội hóa, phân cấp quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh
nghiệp theo đúng tinh thần tại các nghị quyết của Chính phủ4.
III. Kiến nghị của VPCP:
VPCP kiến nghị Chính phủ: Giao Bộ Xây dựng tiếp tục
chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, VPCP và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu,
tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của TVCP; chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị
xây dựng Luật, gửi Bộ Tư pháp để đưa vào Đề nghị của Chính phủ về Chương trình
xây dựng luật năm 2025 (trình Quốc hội Khóa XV xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp
thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) theo quy định
của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
VPCP kính báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- VPCP: BTCN, PCN Cao Huy, các Vụ, Cục: CN, KTTH, KSTT;
- Lưu: VT, PL (2)
|
BỘ TRƯỞNG, CHỦ
NHIỆM
Trần Văn Sơn
|
PHỤ LỤC
Ý KIẾN KHÁC CỦA THÀNH VIÊN CHÍNH PHỦ
(Kèm theo Báo cáo số 10067/BC-VPCP ngày 25 tháng 12 năm 2023)
I. Bộ trưởng Bộ Nội vụ:
1. Về chính sách 1: Đề nghị chỉ quy định về tiêu chuẩn
phân loại đô thị, không quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị; Chỉnh
sửa và hoàn thiện Điều 19 dự thảo Đề cương chi tiết Luật phù hợp với quy định tại
Điều 111 Hiến pháp.
2. Về chính sách 5: Đề nghị xác định cụ thể nhóm đối
tượng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý phát triển đô thị để có
chính sách đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, tránh xác định phạm vi quá rộng sẽ khó bảo
đảm tính hiệu quả, khả thi; đồng thời, có sự phân biệt giữa hoạt động quản lý
nhà nước về phát triển đô thị với các hoạt động cung ứng dịch vụ công trên địa
bàn đô thị (do Nhà nước hoặc doanh nghiệp thực hiện) để có giải pháp và nguồn lực
phù hợp; không quy định về chứng chỉ bồi dưỡng về quản lý phát triển đô thị tại
dự án Luật này.
- Bộ Xây dựng tiếp thu, chỉnh lý nội dung chính
sách 1 theo hướng chỉ quy định về phân loại và phương pháp đánh giá chất lượng
đô thị; chỉnh lý Điều 19 Đề cương chi tiết Luật theo hướng quy định rõ trách
nhiệm của chủ đầu tư, chính quyền địa phương cấp cơ sở để quản lý trật tự, hạ tầng
đô thị khi dự án đạt ngưỡng dân số lớn hơn mức quy định đối với một phường hoặc
thị trấn; giới hạn 08 nhóm cán bộ, công chức làm công tác quản lý phát triển đô
thị đã được xác định tại Quyết định số 1961/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 của Thủ tướng
Chính phủ và chỉnh lý Điều 84 Đề cương chi tiết Luật; bổ sung nội dung quản lý
nhà nước, trách nhiệm của các bộ, chính quyền địa phương, các hoạt động cung ứng
dịch vụ công do các tổ chức khác thực hiện vào nội dung, giải pháp thực hiện
Chính sách 05 và Đề cương chi tiết Luật; bỏ quy định về cấp chứng chỉ bồi dưỡng
quản lý phát triển đô thị, chỉnh lý Điều 92 Đề cương chi tiết Luật theo hướng
quy định việc bồi dưỡng về quản lý phát triển đô thị là một nội dung quản lý
nhà nước nhằm nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, viên chức về quản lý
phát triển đô thị.
II. Bộ trưởng Bộ Tư pháp:
Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị: Bám sát các nội
dung liên quan trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đảm bảo các chính sách
trong đề nghị xây dựng Luật phù hợp với quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng
về chính sách đất đai; phù hợp với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; Bảo
đảm sự thống nhất với các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật cấp, thoát nước
và dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Nghiên cứu, hoàn thiện Báo cáo tổng
hợp kinh nghiệm quốc tế.
Bộ Xây dựng xin tiếp thu, trong quá trình lập Đề
nghị xây dựng Luật, Bộ Xây dựng đã làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật này với
Luật cấp, thoát nước, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục
rà soát, bảo đảm sự thống nhất với nội dung của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất
động sản vừa được Quốc hội thông qua và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được
trình Quốc hội.
III. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên
và Môi trường:
- Bổ sung làm rõ nguyên tắc và nội dung về bảo vệ môi
trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong phát triển bền vững đô thị;
bổ sung yêu cầu và nội dung về bảo tồn và sử dụng đa dạng sinh học đô thị, bảo
vệ cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan sinh thái, các vùng đất ngập nước và di sản
thiên nhiên trong các đô thị; bổ sung nội dung về việc triển khai phát triển hệ
thống hạ tầng đô thị đảm bảo tương thích với phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn
thiên nhiên và đa dạng sinh học trong các quy hoạch tỉnh, quy hoạch bảo vệ môi
trường quốc gia, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia và quy hoạch tổng
thể quốc gia; sửa đổi Chương II dự thảo Đề cương chi tiết Luật thành “Phân loại
đô thị, quản lý phát triển bền vững hệ thống đô thị” để thống nhất với các
chính sách đã xác định trong đề nghị xây dựng Luật; bổ sung tại Điều 12 dự thảo
Đề cương chi tiết Luật nội dung: Khu vực phát triển mới phải tính đến khả năng
đáp ứng, chịu tải của nguồn nước mặt và không nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ
nguồn nước ở các đoạn sông bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở; Quy hoạch đô thị,
quy hoạch xây dựng khu đô thị, quy hoạch giao thông đô thị phải hạn chế việc
san lấp hồ, ao, kênh, mương và có giải pháp tích trữ, tiêu thoát nước mưa bảo đảm
không gây ngập úng nhân tạo; Việc xây dựng, cải tạo hạ tầng đô thị phải hạn chế
tối đa việc cống hóa sông, suối, kênh, mương, rạch để bảo đảm khả năng tiêu
thoát nước và giảm thiểu ngập úng nhân tạo, bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh. Đề
nghị bổ sung tại Điều 25 nội dung quy định về việc phục hồi các sông, suối,
kênh, mương, rạch, hồ, ao có chức năng điều hòa, cấp nước, phòng, chống ngập
úng, tạo cảnh quan, môi trường, bảo vệ, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng,
giá trị văn hóa, đa dạng sinh học đã bị san lấp, suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.
Đề nghị bổ sung tại Điều 68 nội dung quy định bảo vệ nước dưới đất; rà soát bảo
đảm thống nhất với quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) khi được thông qua có
các nội dung quy định về đất xây dựng công trình ngầm.
- Bộ Xây dựng tiếp thu các ý kiến, bổ sung nội dung
Điều 23, 27, 83, Điều 36 Đề cương chi tiết Luật; rà soát, chỉnh lý để tên gọi
các Chương trong Đề cương chi tiết Luật thống nhất với các chính sách; bổ sung
nội dung Điều 12, 25, 68 Đề cương chi tiết Luật và sẽ tiếp tục nghiên cứu, cụ
thể hóa trong quá trình soạn thảo Luật; tiếp tục rà soát, bảo đảm sự thống nhất
với nội dung của Luật Đất đai (sửa đổi) khi được thông qua
IV. Bộ trưởng Bộ Tài chính:
- Chính sách 1: Đề nghị rà soát và làm rõ nội dung
này do việc phân loại thành phố, thị xã, thị trấn đã quy định rõ tại Luật Tổ chức
chính quyền địa phương về nguyên tắc phân loại đơn vị hành chính; rà soát cơ sở
pháp lý khi đề xuất về hình thức phát triển đô thị tại khoản 1 Điều 15 dự thảo
Đề cương Luật quy định các mô hình xây dựng - quản lý - chuyển giao và mô hình
xây dựng cơ sở hạ tầng - chuyển giao.
- Chính sách 2: Đề nghị cụ thể hóa các quy định của
Luật, đảm bảo sự đồng bộ thống nhất với các quy định hiện hành về ưu tiên, ưu
đãi theo quy định của pháp luật về đầu tư, thuế, phí, lệ phí và các pháp luật
khác có liên quan; rà soát cơ sở pháp lý khi đề xuất nội dung quy định tại khoản
1 Điều 28: “1. Chủ đầu tư dự án tái phát triển đô thị được áp dụng điều chỉnh
tăng chỉ tiêu quy hoạch đô thị đối với các công trình thương mại xây dựng trong
phạm vi dự án để cân đối chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng, tái phát triển đô thị”;
làm rõ về thẩm quyền trong việc được phép điều chỉnh tăng chỉ tiêu quy hoạch đô
thị thuộc chủ đầu tư hay cơ quan quản lý nhà nước để tránh vi phạm quy hoạch được
duyệt.
- Chính sách 3: Cần có đề xuất và giải pháp cụ thể
để thực hiện Chính sách quản lý phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ; rà
soát với các quy định của pháp luật có liên quan trên cơ sở phân định rõ phạm
vi quản lý nhà nước của các cơ quan có liên quan để đảm bảo tính thống nhất, đồng
bộ trong hệ thống pháp luật và tính khả thi sau khi ban hành, tránh chồng chéo,
mâu thuẫn, đảm bảo tính khả thi, tính dự báo.
- Chính sách 4: Đề nghị cần xây dựng các giải pháp
cụ thể về không gian ngầm.
- Chính sách 5: Cần đề xuất chính sách riêng biệt về
tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước từ trung ương đến địa
phương trong Luật Quản lý phát triển đô thị từ nội dung quản lý phát triển mới
cho đến cải tạo, chỉnh trang đô thị, hệ thống hạ tầng đô thị để nâng cao năng lực
cũng như trách nhiệm của các cấp trong quản lý phát triển đô thị.
- Bộ Xây dựng tiếp thu, chỉnh lý nội dung chính
sách 01 và Đề cương chi tiết Luật, thể hiện rõ Luật này chỉ quy định về phân loại
và phương pháp đánh giá chất lượng đô thị; bổ sung cơ sở đề xuất về hình thức
phát triển đô thị và việc quy định các mô hình; rà soát để bảo đảm đồng bộ thống
nhất của pháp luật về đầu tư, thuế, phí, lệ phí và các pháp luật khác có liên
quan; chỉnh lý Điều 28 Đề cương chi tiết Luật (gửi kèm) theo hướng việc điều chỉnh
chỉ tiêu quy hoạch chi tiết đối với công trình phải bảo đảm phù hợp với chỉ
tiêu chung của quy hoạch phân khu và phù hợp thẩm quyền theo quy định của pháp
luật về quy hoạch đô thị; nghiên cứu, quy định cụ thể với nguyên tắc phân định
rõ phạm vi quản lý nhà nước của các cơ quan có liên quan; tiếp thu, trong nội
dung, giải pháp thực hiện Chính sách 04 và Đề cương chi tiết Luật, chú trọng
các đặc thù, tính hệ thống, liên kết trong phát triển không gian ngầm và sẽ tiếp
tục quy định cụ thể khi soạn thảo Luật; tăng cường phân cấp, phân quyền trong
quản lý nhà nước./.
1 Nghị quyết số
13-NQ/TW ngày 16/02/2012 của BCH Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ
nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm
2020; Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của BCH Trung ương về chiến lược
phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ đạo
phát triển hệ thống đô thị ven biển có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng
bộ, hiện đại theo mô hình, tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh; Nghị
quyết Đại hội Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày
24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững
đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15
ngày 5/11/2021 của UBTVQH triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ
Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội
khóa XV; Quyết định 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban
hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng
Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
2 Bộ Xây dựng đang
chủ trì soạn thảo.
3 Luật hóa Nghị
quyết số 1210/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15.
4 Nghị quyết số
68/NQ-CP ngày 12/5/2020 về cắt giảm thủ tục hành chính, Nghị quyết số 01/NQ-CP
ngày 06/01/2023 của Chính phủ.