UỶ
BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
761/2000/QĐ-UB
|
Ninh
Bình, ngày 01 tháng 6 năm 2000
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI BÁN ĐẤU GIÁ QUYỀN SỬ DỤNG
ĐẤT ĐỂ XÂY DỰNG NHÀ Ở VÀ CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH
BÌNH
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;
- Căn cứ Luật đất đai ngày 14/7/1993.
- Căn cứ Điều 454 của Bộ luật dân sự nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Căn cứ Nghị định của Chính phủ số: 44/CP ngày 03/8/1996 về việc bổ sung Điều
1 của Nghị định số 89/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ về việc thu tiền sử dụng
đất và lệ phí địa chính.
- Căn cứ Nghị định của Chính phủ số: 86/CP ngày 19/12/1996 ban hành Quy chế bán
đấu giá tài sản.
Xét đề nghị của Sở Tài chính - Vật giá.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy chế tạm thời bán đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở
và các công trình khác trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực
kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 861/QĐ-UB ngày 23/8/1995 của UBND tỉnh.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh,
Giám đốc các sở: Tài chính - Vật giá, Xây dựng, Địa chính, Tư pháp, Cục trưởng
Cục Thuế, Thủ trưởng các ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã
chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3
- TT Tỉnh uỷ
- TT HĐND Tỉnh
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh
- CPVP UBND tỉnh
- Lưu VT, VP4, VP5
tt/61
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Bùi Thị Thanh
|
QUY CHẾ
TẠM THỜI BÁN ĐẤU GIÁ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT ĐỂ XÂY DỰNG NHÀ Ở VÀ
CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 761/2000/QĐ-UB ngày 01/6/2000 của UBND tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng:
1) Quy chế
này áp dụng cho việc đấu giá quyền sử dụng đất do Nhà nước đang trực tiếp quản lý,
sử dụng hoặc thu hồi từ các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của Pháp luật
cho các tổ chức, cá nhân mua để làm nhà ở, xây dựng các công trình khác trên địa
bàn tỉnh Ninh Bình.
2) Các tổ chức,
cá nhân nước ngoài có nhu cầu sử dụng đất tại Việt Nam không áp dụng quy chế
này.
Điều 2. Hình thức bán đấu giá:
Bán đấu giá
là hình thức bán tài sản công khai có nhiều người muốn mua cùng tham gia trả
giá theo thủ tục được quy định tại quy chế này.
Điều 3.
1) Người bán đấu giá quyền sử dụng đất là Hội đồng bán đấu
giá được thành lập theo đúng quy định của pháp luật ở cấp tỉnh, huyện, thị xã.
Thời hạn hoạt động của Hội đồng được quy định cụ thể trong quyết định thành lập
Hội đồng bán đấu giá.
2) Hội đồng
bán đấu giá quyền sử dụng đất ở huyện, thị xã (sau đây gọi tắt là Hội đồng bán
đấu giá cấp huyện) do đồng chí Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND huyện, thị xã
làm Chủ tịch Hội đồng, đồng chí Trưởng phòng tài chính làm Phó chủ tịch Hội đồng
và các uỷ viên là đại diện các cơ quan: Địa chính, Xây dựng, Thuế, Tư pháp, Viện
kiểm sát... cấp huyện.
Giúp việc cho
Hội đồng có tổ công tác gồm các đồng chí chuyên viên thuộc các ngành Tài chính,
Xây dựng, Địa chính... do Chủ tịch Hội đồng quyết định.
3) Trong trường
hợp đặc biệt và thấy cần thiết hoặc đối với những khu đất ở trung tâm các thị
xã, thị trấn phải đầu tư lớn, khả năng sinh lời cao thì UBND tỉnh quyết định
thành lập Hội đồng bán đấu giá quyền sử dụng đất cấp tỉnh. Hội đồng bán đấu giá
quyền sử dụng đất cấp tỉnh do đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội
đồng, đồng chí Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá làm Phó chủ tịch Hội đồng và các
thành viên là đại diện lãnh đạo các sở: Địa chính, Xây dựng, Tư pháp, Cục Thuế,
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và một số sở, ban ngành có liên quan.
Giúp việc cho
Hội đồng đấu giá cấp tỉnh có tổ công tác gồm các đồng chí chuyên viên thuộc các
ngành: Tài chính, Địa chính, Xây dựng... do Chủ tịch Hội đồng quyết định.
Điều 4.
1) Người được tham gia đấu giá:
a. Cá nhân là
công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên có đủ điều kiện về năng lực hành vi dân sự
theo quy định của Pháp luật tại thời điểm tham gia đấu giá.
b. Các tổ chức
được thành lập theo quy định của pháp luật.
2) Người
không được tham gia đấu giá:
a. Người
không có quyền mua tài sản đấu giá theo quy định của Pháp luật.
b. Người
không có đủ năng lực hành vi dân sự, người mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi
dân sự theo quy định từ điều 23 đến điều 25 của Bộ luật dân sự hoặc người tại
thời điểm đấu giá không tự nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
c. Những người
làm việc trong Hội đồng bán đấu giá hoặc cha, mẹ, vợ, chồng con của những người
đó.
Điều 5. Người điều hành bán đấu giá:
Là người do Hội
đồng bán đấu giá cử ra để điều hành cuộc bán đấu giá.
Điều 6. Giá khởi điểm và giá trúng đấu giá:
1) Giá khởi
điểm: Là mức giá do Hội đồng định giá xác định được UBND tỉnh phê duyệt.
2) Giá trúng
đấu giá: Là giá được tổ chức, cá nhân trả với giá cao nhất mà không thấp hơn
giá khởi điểm.
Điều 7. Nguyên tắc bán đấu giá:
Việc bán đấu
giá phải thực hiện theo nguyên tắc trực tiếp, công khai, trung thực, bảo vệ quyền
và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia đấu giá.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 8. Điều kiện của các lô đất bán đấu giá:
1) Đất đang
do cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế, các cá nhân quản lý, sử dụng được cơ quan
Nhà nước có thẩm quyền thu hồi theo đúng quy định của pháp luật.
2) Đất không
có tranh chấp và đã được giải phóng mặt bằng.
3) Đất bố trí
theo đúng quy hoạch chi tiết được duyệt và xác định cụ thể về diện tích, quy mô
xây dựng, tính chất, mục đích sử dụng của công trình theo quy hoạch được duyệt.
4) Đã được
UBND tỉnh phê duyệt phương án đấu giá đất.
Điều 9. Quyền và nghĩa vụ của Hội đồng bán đấu giá:
1) Xây dựng
phương án, hồ sơ đấu giá đất đề nghị UBND tỉnh phê duyệt.
2) Định giá
khởi điểm của lô đất bán đấu giá.
3) Lập dự
toán chi phí bán đấu giá.
4) Thông báo,
niêm yết công khai đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết có liên quan đến
lô đất bán đấu giá.
5) Thu tiền đặt
cọc tham gia đấu giá, tiền bán đấu giá.
6) Chỉ dẫn
cho các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá được khảo sát tại thực địa.
7) Tổ chức
bán đấu giá theo đúng nguyên tắc, thủ tục và trình tự quy định tại quy chế này.
8) Lập văn bản
bán đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 10 quy chế này.
9) Đăng ký
quyền sử dụng cho người trúng đấu giá.
Điều 10. Văn bản bán đấu giá:
1) Văn bản
bán đấu giá quyền sử dụng đất có nội dung sau đây:
a. Thành phần
Hội đồng bán đáu giá.
b. Tên, địa
chỉ của người điều hành bán đấu giá.
c. Tên, địa
chỉ người tham gia đấu giá.
d. Thời gian,
địa điểm bán đấu giá.
đ. Tên lô đất
đem bán đấu giá.
e. Giá khởi
điểm.
f. Giá trúng
đấu giá.
g. Tên, địa
chỉ người trúng thầu giá.
h. Thời hạn,
phương thức, địa điểm thanh toán tiền.
i. Thời gian
giao đất tại thực địa.
k. Thời gian giao
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
2) Văn bản được
lập thành 3 bản, một bản cho người trúng đấu giá, một bản cho cơ quan có thẩm
quyền đăng ký quyền sử dụng đất, một bản lưu Hội đồng đấu giá đất.
Điều 11. Hội đồng thẩm định phương án đấu giá đất.
Hội đồng bán
đấu giá đất các cấp có trách nhiệm lập đầy đủ hồ sơ đấu giá đất trình Hội đồng
thẩm định tỉnh phê duyệt. Thành phần Hội đồng thẩm định tỉnh gồm:
1) Giám đốc Sở
Tài chính - Vật giá Chủ tịch Hội đồng.
2) Lãnh đạo
các ngành Địa chính, Xây dựng làm uỷ viên.
Hội đồng có
nhiệm vụ thẩm định phương án đấu giá đất, hồ sơ đấu giá đất, chi phí đấu giá đất
trình UBND tỉnh quyết định.
Điều 12. Quyền và nghĩa vụ của người tham gia đấu giá:
1) Quyền của
người tham gia đấu giá đất:
a. Được Hội đồng
đấu giá đất cung cấp đầy đủ các thông tin về lô đất đấu giá như: Vị trí lô đất,
giá khởi điểm của các lô đất, khảo sát trên thực địa (nếu người tham gia đấu
giá yêu cầu) và những thông tin khác liên quan đến đấu giá đất.
b. Được quyền
trả giá cạnh tranh theo quy định tại Điều 17 của quy chế này.
c. Được cơ
quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định giao quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất và tiến hành giao đất tại thực địa khi đã trúng đấu giá
và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định tại điểm 2 Điều 12 quy chế này.
2) Nghĩa vụ:
a. Phải có
đơn đăng ký tham gia đấu giá đất (theo mẫu quy định).
b. Nộp tiền đặt
cọc theo quy định tại Điều 16 quy chế này.
c. Khi trúng
đấu giá phải nộp kịp thời, đầy đủ các khoản tiền sau đây:
- Tiền trúng
đấu giá đất.
- Lệ phí địa
chính
- Lệ phí trước
bạ.
Điều 13. Hồ sơ đấu giá đất:
1) Hồ sơ thu
hồi đất và quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh.
2) Quy hoạch
chi tiết mặt bằng từng lô đất đấu giá đã được Sở Xây dựng duyệt.
3) Biên bản định
giá khởi điểm của từng lô đất bán đấu giá.
4) Kế hoạch đấu
giá đất của Hội đồng đấu giá.
5) Tờ trình đề
nghị phê duyệt phương án đấu giá đất.
6) Hồ sơ về đền
bù giải phóng mặt bằng (nếu có).
Điều 14. Các định giá khởi điểm
Căn cứ để xây
dựng giá khởi điểm;
1) Khung giá
do UBND tỉnh quy định.
2) Chi phí đền
bù giải phóng mặt bằng, giá trị tài sản, vật kiến trúc trên đất (nếu có).
3) Chi phí
san lấp tôn tạo, bồi trúc (nếu có).
4) Chi phí đầu
tư xây dựng các công trình hạ tầng như cấp thoát nước... (nếu có).
5) Vị trí và
khả năng sinh lời của lô đất.
6) Giá đất
trên thị trường tại thời điểm bán đấu giá.
Điều 15. Niêm yết và thông báo công khai việc bán đấu giá:
1) Trước khi
tiến hành bán đấu giá 30 ngày Hội đồng bán đấu giá phải niêm yết việc bán đấu
giá tại nơi tổ chức bán đấu giá. Bản niêm yết có nội dung như sau:
a. Thời gian,
địa điểm bán đấu giá.
b. Số lô đất,
diện tích và vị trí từng lô đất.
c. Giá khởi
điểm của từng lô đất.
d. Những
thông tin cần thiết về quy hoạch, xây dựng có liên quan đến lô đất bán đấu giá.
e. Thời gian,
địa điểm đăng ký đấu giá và nộp tiền đặt cọc.
2) Cùng với
việc niêm yết bán đấu giá, Hội đồng bán đấu giá phải thông báo công khai trên
các phương tiện thông tin đại chúng 2 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày. Nội dung
thông báo phải đầy đủ các nội dung trong bản niêm yết.
Điều 16. Đăng ký tham gia đấu giá:
1) Người muốn
tham gia đấu giá phải nộp đơn đăng ký đấu giá đất (theo mẫu quy định) chậm nhất
là 5 ngày trước ngày tổ chức bán đấu giá.
2) Nộp một
khoản tiền đặt cọc bằng 1 - 5% giá khởi điểm, mức cụ thể do Hội đồng đấu giá quyết
định.
a. Trong trường
hợp người tham gia trúng đấu giá thì khoản tiền đặt cọc được trừ vào giá mua, nếu
không trúng đấu giá thì khoản tiền đặt cọc được trả lại cho người nộp ngay sau
khi cuộc bán đấu giá kết thúc.
b. Trường hợp
người tham gia đấu gia đã nộp một khoản tiền đặt trước nhưng sau đó không tham
gia đấu giá mà không có lý do chính đáng được Hội đồng đấu giá chấp nhận thì
khoản tiền đặt cọc được nộp vào NSNN.
Điều 17. Phương thức và trình tự đấu giá đất:
Tuỳ từng điều
kiện và trường hợp cụ thể mà Hội đồng đấu giá đất quyết định phương thức đấu
giá theo một trong hai phương thức sau:
1) Phương thức
bỏ phiếu kín:
Việc đấu giá
đất được tiến hành qua nhiều vòng bỏ phiếu. Sau mỗi vòng bỏ phiếu, người điều
hành bán đấu giá công bố phiếu có giá trả cao nhất, sau đó tiếp tục bỏ phiếu
các vòng tiếp theo. Người trúng đấu giá là người có giá trả cao nhất của vòng
cuối cùng nhưng không được thấp hơn giá khởi điểm.
2) Phương thức
đấu giá công khai trực tiếp;
a. Người điều
hành đấu giá nhắc lại giá khởi điểm và yêu cầu người đấu giá tham gia trả giá.
b. Nhắc lại một
cách rõ ràng chính xác bằng lời nói giá đã trả sau cao hơn giá người trước đã
trả mỗi lần cách nhau 30 giây.
c. Công bố
người trúng đấu giá nếu sau 3 lần nhắc lại giá người đó đã trả mà không có người
nào trả giá cao hơn. Trong trường hợp có nhiều người cùng trả một giá thì người
điều hành bán đấu giá tổ chức rút thăm giữa những người đó và công bố người rút
thăm là người mua được tài sản bán đấu giá.
3) Mức trả giá
của người trả giá sau phải cao hơn người trả giá trước từ 1% đến 3% của giá khởi
điểm, mức cụ thể do Hội đồng đấu giá quyết định.
Điều 18. Tiến hành bán đấu giá:
Tại cuộc bán
đấu giá người điều hành bán đấu giá thực hiện các hành vi sau đây:
1) Giới thiệu
thành phần Hội đồng bán đấu giá, giới thiệu bản thân và người giúp việc (nếu
có).
2) Điểm danh
người đã đăng ký có đủ điều kiện tham gia đấu giá, công bố số tiền đặt cọc...
3) Nhắc lại
giá khởi điểm và điều hành cuộc đấu giá theo một trong hai phương thức đấu giá
quy định tại điều 17 quy chế này.
4) Công bố
người trúng đấu giá.
Trong trường
hợp giá đã trả cao nhất thấp hơn so với giá khởi điểm cuộc bán đấu giá coi như
không thành. Hội đồng bán đấu giá phải tổ chức bná đấu giá lại. Trình tự, thủ tục
bán đấu giá lần sau thực hiện như lần trước.
Điều 19. Rút lại giá đã trả:
Tại cuộc bán
đấu giá nếu người đã trả giá cao nhất rút lại giá đã trả, thì việc bán đấu giá
được tổ chức lại ngay và bắt đầu từ giá trả trước đó, người rút lại giá đã trả
không được tham gia trả giá.
Trong trường
hợp giá bán tài sản đấu giá thấp hơn giá mà người rút lại giá đã trả thì người
rút lại phải trả khoản tiền chênh lệch cho người bán đấu giá, nếu tài sản bán
được giá cao hơn thì người rút lại không được hưởng khoản tiền chênh lệch đó.
Nếu cuộc bán
đấu giá không thành thì người rút lại giá đã trả không được hoàn trả khoản tiền
đặt cọc trước đó.
Điều 20. Từ chối mua:
Sau khi văn bản
bán đấu giá đã được lập mà người trúng đấu giá từ chối mua thì phải được Hội đồng
bán đấu giá chấp thuận nhưng phải chịu mọi chi phí liên quan đến việc bán đấu
giá và không được hoàn trả tiền đặt cọc. Khoản tiền đặt cọc được sung công quỹ
Nhà nước.
Điều 21. Thời hạn thanh toán tiền:
Chậm nhất là
20 ngày kể từ ngày bán đấu giá người trúng đấu giá phải nộp đủ số tiền thưo quy
định tại điểm c khoản 2 điều 12 quy chế này.
Điều 22. Đăng ký quyền sử dụng đất:
1) Sau khi đã
nộ đủ tiền vào NSNN, cá nhân hoặc tổ chức trúng đấu giá sẽ được cơ quan Nhà nước
có thẩm quyền tổ chức giao đất tại thực địa.
2) Chậm nhất
là 30 ngày sau khi người trúng đấu giá đã nộp đủ tiền vào NSNN. Hội đồng bán đấu
giá có trách nhiệm hoàn thành thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất cho người trúng đấu giá.
Điều 23. Chi phí bán đấu giá:
1) Hội đồng
bán đấu giá được sử dụng nguồn thu từ bán đấu giá để chi phí cho các khoản sau
đây:
a. Chi xây dựng
phương án bán đấu giá.
b. Chi khảo
sát, vẽ bản đồ hiện trạng, quy hoạch chi tiết lô đất bán đấu giá.
c. Chi bồi dưỡng
cho các thành viên hội đồng bán đấu giá.
d. Chi mua sổ
sách giấy tờ, thông tin quảng cáo... cho việc tổ chức bán đấu giá.
e. Các khoản
chi khác (nếu có).
2) Trong trường
hợp chưa có nguồn để chi cho việc tổ chức đấu giá đất thì căn cứ vào dự toán được
duyệt, cơ quan Tài chính các cấp giải quyết cho tạm ứng trước. Khi thực hiện
xong đấu giá thì thu hồi trả lại cho NSNN.
Điều 24. Quản lý, sử dụng tiền thu về đấu giá quyền sử dụng đất:
1) Cơ quan
Tài chiính các cấp được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để quản lý toàn bộ số
tiền phát sinh trong quá trình đấu giá. Kết thúc cuộc bán đấu giá Hội đồng đấu
giá phải xử lý ngay số tiền trên tài khoản này. Toàn bộ số tiền thu về bán đấu
giá được xử lý như sau:
a. Chi phí
cho Hội đồng bán đấu giá đất theo quy định tại điều 23 quy chế này.
b. Chi xây dựng
cơ sở hạ tầng (trong trường hợp không thuộc NSNN).
c. Chi phí
san lấp, cải tạo mặt bằng (trong trường hợp không thuộc NSNN).
d. Tổng số tiền
còn lại sau khi trừ các khoản chi phí trên được nộp vào mục cấp quyền sử dụng đất
theo mục lục NSNN để phân bổ cho các cấp ngân sách theo quy định nhưng số tiền
còn lại nộp vào NSNN không được thấp hơn giá đất theo bảng giá đất của UBND tỉnh
quy định theo khung giá đất của Chính phủ.
2) Trường hợp
đất đưa đấu giá phải đền bù thiệt hại về đất cho các tổ chức và cá nhân có đất
bị thu hồi thì số tiền đấu giá đất còn phải trừ đi số tiền đền bù thiệt hại về
đất, tài sản trên đất theo quy định của Pháp luật.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 25. Sở Tài chính -
Vật giá có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết thực hiện quy chế này.
Điều 26. Mọi khiếu nại, tranh
chấp có liên quan đến việc bán đấu giá quyền sử dụng đất được giải quyết theo
quy định của luật khiếu nại, tố cáo.