QUY ĐỊNH
DIỆN TÍCH TỐI THIỂU ĐƯỢC TÁCH THỬA VÀ VIỆC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN
QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT CHO THỬA ĐẤT CÓ DIỆN TÍCH NHỎ HƠN DIỆN TÍCH TỐI THIỂU CHO HỘ
GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN ĐANG SỬ DỤNG ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 57/2007/QĐ-UBND ngày 18 tháng 12 năm 2007 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.
1. Phạm vi điều chỉnh.
a) Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất,
cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất vào mục đích đất nông nghiệp, phi
nông nghiệp có nhu cầu tách thửa để thực hiện các quyền về sử dụng đất theo quy
định của pháp luật đất đai.
b) Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất đủ điều
kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà diện tích thửa đất đang sử dụng
nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo Quy định này.
c) Các trường hợp không thuộc phạm vi điều chỉnh
của Quy định này:
- Bán nhà ở theo Nghị định 61/CP ngày 05 tháng 7
năm 1994 của Chính phủ.
- Các trường hợp tách thửa do Nhà nước thu hồi,
hiến một phần diện tích thửa đất để thực hiện dự án, công trình phục vụ phát
triển kinh tế - xã hội của địa phương.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Cơ quan nhà nước thực hiện quyền hạn và trách
nhiệm đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thực hiện nhiệm vụ thống nhất quản
lý nhà nước về đất đai.
b) Người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân
đang sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp.
c) Các đối tượng khác có liên quan đến quản lý,
sử dụng đất.
Điều 2. Nguyên tắc xác định diện tích tối thiểu được tách thửa.
1. Căn cứ vào thực tế nhu cầu sử dụng đất của mỗi
hộ gia đình, cá nhân để tách từ một thửa đất thành hai hoặc nhiều thửa đất
nhưng diện tích các thửa đất đã tách hoặc thửa đất còn lại không được thấp hơn
diện tích tối thiểu theo Quy định này.
2. Căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc
quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ
quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.
Điều 3. Giải thích từ ngữ.
1. Diện tích tối thiểu được tách thửa là diện
tích nhỏ nhất được tách ra từ một thửa đất để được cấp giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất.
2. Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất là việc
Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho người sử dụng đất.
3. Nhà nước giao đất là Nhà nước trao quyền sử dụng
đất bằng quyết định hành chính cho đối tượng có nhu cầu sử dụng đất.
4. Nơi có quy hoạch là khu vực đất đã được cơ
quan nhà nước có thẩm quyền quy hoạch xây dựng và được cơ quan nhà nước có thẩm
quyền phê duyệt.
6. Đất đô thị là đất thuộc các phường, thị trấn
và những khu vực có quy hoạch phát triển đô thị đã được cơ quan nhà nước có thẩm
quyền phê duyệt; đất nông thôn là đất thuộc các khu vực còn lại.
Chương II
DIỆN TÍCH TỐI THIỂU ĐƯỢC
TÁCH THỬA VÀ VIỆC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT CHO THỬA ĐẤT CÓ DIỆN
TÍCH NHỎ HƠN DIỆN TÍCH TỐI THIỂU
Điều 4. Diện tích tối thiểu được tách thửa.
1. Đối với đất nông nghiệp:
a) Khu vực đô thị: diện tích tối thiểu từ 500m2
trở lên.
b) Khu vực nông thôn: diện tích tối thiểu từ
1.000m2 trở lên.
2. Đối với đất ở:
a) Khu vực đô thị:
- Thửa đất có nhà ở: diện tích tối thiểu từ 40m2
trở lên.
- Thửa đất không có nhà ở: diện tích tối thiểu từ
70m2 trở lên.
b) Khu vực nông thôn:
- Thửa đất có nhà ở: diện tích tối thiểu từ 60m2
trở lên.
- Thửa đất không có nhà ở: diện tích tối thiểu từ
80m2 trở lên.
c) Các trường hợp quy định tại điểm a, b khoản 2
Điều này kích thước của mỗi cạnh tối thiểu phải đảm bảo từ 3,3m trở lên tính từ
chỉ giới xây dựng.
d) Đối với các khu vực đã có quy hoạch chi tiết
xây dựng (tỷ lệ 1/500) được duyệt thì diện tích tốt thiểu theo quy hoạch.
3. Đối với đất phi nông nghiệp (không phải là đất
ở): việc tách thửa phải có dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch được cơ quan cấp
thẩm quyền phê duyệt.
Diện tích tối thiểu được tách thửa từ 200m2 trở
lên không phân biệt khu vực nông thôn hay đô thị.
Điều 5. Xử lý một số trường hợp được phép tách thửa.
1. Người sử dụng đất xin tách thửa đất thành thửa
đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu đồng thời với việc xin được hợp thửa
đất đó với thửa đất khác liền kề để tạo thành thửa đất mới có diện tích bằng hoặc
lớn hơn diện tích tối thiểu được tách thửa thì được phép tách thửa đồng thời với
việc hợp thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất mới.
2. Người sử dụng đất xin tách thửa đất thành thửa
đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu đồng thời hiến thửa đất đó cho cơ
sở tôn giáo, cộng đồng dân cư hoặc hiến cho Nhà nước để sử dụng vào mục đích
công trình công cộng, phúc lợi xã hội thì được phép tách thửa đồng thời với việc
tập thủ tục hồ sơ hiến đất.
3. Trường hợp thửa đất đang sử dụng là đất nông
nghiệp xin tách thửa đồng thời với việc xin chuyển mục đích sử dụng đất vào mục
đích đất ở mà tại vị trí thửa đất này Nhà nước đã quy hoạch là đất ở thì được
tách thửa nhưng diện tích tối thiểu theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Quy định
này.
Điều 6. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất có diện
tích nhỏ hơn diện tích quy định được phép tách thửa.
1. Không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối
với trường hợp tự tách thửa đất thành hai hoặc nhiều thửa đất trong đó có một
hoặc nhiều thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích đất tối thiểu quy định tại
Điều 4 Quy định này.
2. Trường hợp thửa đất đang sử dụng được hình
thành từ trước ngày Quy định này có hiệu lực thi hành thì được cấp giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đất đai.
3. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách
nhiệm xác nhận bằng văn bản về thời điểm hình thành thửa đất, tình trạng tranh
chấp, nguồn gốc sử dụng, sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt,
của thửa đất thuộc đơn vị hành chính mình quản lý.
Chương III
TRÁCH NHIỆM THI HÀNH
Điều 7. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố;
Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn.
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thành phố; Ủy
ban nhân dân xã, phường, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được
pháp luật quy định có trách nhiệm thực hiện đúng theo quy định của pháp luật đất
đai và Quy định này.
2. Người sử dụng đất có nhu cầu xin tách thửa có
trách nhiệm tuân theo các quy định của pháp luật đất đai và Quy định này.
Điều 8. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành Tỉnh.
1. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách
nhiệm tổ chức triển khai, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện. Tổng hợp những
khó khăn vướng mắc (nếu có) trong quá trình thực hiện trình Ủy ban nhân dân Tỉnh.
2. Giám đốc Sở Xây dựng có trách nhiệm:
- Xác nhận quy hoạch xây dựng trong đô thị, quy
hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn.
- Cung cấp các hồ sơ, tài liệu, thông tin cần
thiết cho các ngành hữu quan có liên quan đến việc tách thửa.
3. Thủ trưởng các sở, ban, ngành chức năng có
liên quan: trong phạm vi chức năng quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức
thực hiện.
Trong quá trình thực hiện có phát sinh những khó
khăn, vướng mắc, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành Tỉnh, Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố kịp thời phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để
tổng hợp trình Ủy ban nhân dân Tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.