ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
46/2024/QĐ-UBND
|
Vĩnh Phúc, ngày
15 tháng 10 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CỤ THỂ MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẤT ĐAI THUỘC THẨM QUYỀN
CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm
2020;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 18
tháng 01 năm 2024;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Đất Đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật
các Tổ chức tín dụng ngày 29/6/2024.
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 272/TTr-STNMT ngày 09 tháng 10 năm
2024 và Tờ trình số 275/TTr-STNMT ngày 15 tháng 10 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này Quy định cụ thể một số điều của Luật Đất đai thuộc
thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.
Điều 2. Hiệu
lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực
thi hành kể từ ngày 25 tháng 10 năm 2024.
2. Các Quyết định số
42/2014/QĐ-UBND ngày 15 tháng 9 năm 2014 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về
việc Ban hành quy định về giao đất xây dựng nhà ở, hạn mức giao đất ở, hạn mức
công nhận diện tích đất ở và diện tích chia, tách thửa đất ở tối thiểu; hạn mức
giao đất trống đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng cho hộ
gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 28/2016/QĐ-UBND
ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về việc sửa đổi, bổ
sung một số Điều của Quyết định số 42/2014/QĐ-UBND ngày 15 tháng 9 năm 2014 của
Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực
thi hành.
Điều 3. Tổ
chức thực hiện
Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân
tỉnh; Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố;
Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức và các hộ gia đình, cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- Công an tỉnh;
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh;
- Toà án Nhân dân tỉnh;
- Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh;
- Cục Thuế tỉnh;
- HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Đài Phát thanh truyền hình tỉnh;
- Báo Vĩnh Phúc;
- Cổng Thông tin điện tử Vĩnh Phúc;
- Văn phòng UBND tỉnh: CVP, các PCVP UBND tỉnh, CV NCTH, Trung tâm tin học -
Công báo;
- Lưu: VT, NN5(T… b).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Vũ Việt Văn
|
QUY ĐỊNH
CỤ THỂ MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẤT ĐAI THUỘC THẨM QUYỀN CỦA ỦY
BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
(Kèm theo Quyết định số: 46/2024/QĐ-UBND ngày 15 tháng 10 năm 2024 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc)
Chương I:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
Ban hành quy định cụ thể thi
hành một số nội dung của Luật Đất đai năm 2024 thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh
Vĩnh Phúc bao gồm: điểm n, khoản 1, Điều 137; khoản 4, Điều 139; khoản 5 Điều
141; khoản 5 Điều 176; khoản 3 Điều 177; khoản 3, Điều 178; khoản 2 Điều 195;
khoản 2 Điều 196; khoản 4, Điều 213; khoản 4, Điều 220 Luật Đất đai.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
1. Cơ quan nhà nước.
2. Người sử dụng đất theo quy định
tại Điều 4 Luật Đất đai.
3. Các cơ quan, tổ chức, cá
nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai theo quy định
của Luật Đất đai và pháp luật khác có liên quan.
Chương
II:
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3.
Các giấy tờ khác về quyền sử dụng đất có trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do
UBND tỉnh quy định theo điểm n khoản 1 Điều 137 Luật Đất đai
Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng
đất ổn định, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh
chấp mà có một trong các loại giấy tờ sau đây được lập trước ngày 15/10/1993
thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với
đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:
1. Giấy tờ về việc bán thanh lý
nhà, hóa giá nhà (để ở, không phải tháo dỡ lấy nguyên vật liệu) do cơ quan nhà
nước, tổ chức thuộc nhà nước cấp cho cán bộ, công nhân viên thuộc cơ quan, tổ
chức đó.
2. Giấy tờ về việc cho mượn đất,
đổi đất để làm nhà của UBND cấp xã, HTX trước ngày 08/01/1988 (ngày Luật Đất
đai năm 1987 có hiệu lực).
3. Giấy tờ xác lập việc mua
bán, chuyển nhượng nhà ở, nhà tập thể giữa các cơ quan, đơn vị nhà nước với cán
bộ, công nhân viên.
4. Giấy tờ giao đất của Uỷ ban
nhân dân cấp xã, HTX nông nghiệp về việc giao đất làm nhà ở trước ngày
08/01/1988 (ngày Luật Đất đai năm 1987 có hiệu lực).
5. Giấy tờ về việc giải quyết
liên quan đến tranh chấp đất đai của Uỷ ban nhân dân cấp xã đã có hiệu lực pháp
luật trước ngày 08/01/1988 (ngày Luật Đất đai năm 1987 có hiệu lực).
Điều 4. Quy
định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền
với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp do tự khai hoang,
không có tranh chấp theo khoản 4, Điều 139 Luật Đất đai
Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất
có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 01 tháng 7 năm 2014, đang sử dụng đất
nông nghiệp do tự khai hoang, không có tranh chấp thì được Nhà nước cấp Giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo diện tích sử
dụng thực tế được UBND cấp xã xác nhận nhưng không quá hạn mức giao đất nông
nghiệp cho cá nhân quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 176 Luật Đất đai.
Điều 5. Quy
định Hạn mức công nhận đất ở đối với trường hợp sử dụng đất trước ngày 15 tháng
10 năm 1993 theo Khoản 5, Điều 141 Luật Đất đai
Hạn mức công nhận đất ở đối với
hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 18 tháng 12 năm 1980 và từ ngày 18
tháng 12 năm 1980 đến trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 đang sử dụng đất có một
trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4,
5, 6 và 7 Điều 137 của Luật đất đai mà trên giấy tờ đó có thể hiện mục đích sử
dụng để làm nhà ở, đất ở hoặc thổ cư nhưng không ghi rõ diện tích đất ở thì diện
tích đất ở được xác định khi cấp Giấy chứng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài
sản gắn liền với đất như sau:
1. Trường hợp sử dụng đất trước
ngày 18 tháng 12 năm 1980:
a) Đất ở tại nông thôn: Không
quá năm (5) lần hạn mức giao đất ở quy định tại Điều 9 bản Quy định này.
b) Đất ở tại đô thị: Không quá
năm (5) lần hạn mức giao đất ở quy định tại Điều 10 bản Quy định này.
2. Trường hợp thửa đất hình
thành từ ngày 18 tháng 12 năm 1980 đến trước ngày 15 tháng 10 năm 1993:
a) Đất ở tại nông thôn: Không
quá ba (3) lần hạn mức giao đất ở quy định tại Điều 9 Quy định này.
b) Đất ở tại đô thị: Không quá
ba (3) lần hạn mức giao đất ở quy định tại Điều 10 Quy định này.
3. Trường hợp sử dụng đất trước
15/10/1993 theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 138 Luật Đất đai thì hạn mức
công nhận bằng hạn mức giao đất theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Quy định này.
4. Hạn mức công nhận diện tích
đất ở quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này không vượt quá diện tích của thửa
đất mà hộ gia đình, cá nhân đó đang sử dụng được UBND cấp xã xác nhận.
Điều 6. Quy
định hạn mức giao đất chưa sử dụng cho cá nhân đưa đất vào sử dụng theo quy hoạch
theo Khoản 5 Điều 176 Luật Đất đai
Hạn mức giao đất chưa sử dụng
cho cá nhân đưa vào sử dụng theo quy hoạch để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp,
nuôi trồng thủy sản bằng hạn mức giao đất tối đa quy định tại các khoản 1, 2, 3
và 4 Điều 176 Luật Đất đai.
Điều 7. Quy
định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân theo khoản
3, Điều 177 Luật Đất đai
Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng
đất nông nghiệp của cá nhân bằng mười lăm (15) lần hạn mức giao đất nông nghiệp
tối đa cho cá nhân đối với mỗi loại đất được quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều
176 Luật đất đai.
Điều 8. Quy
định người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để
sử dụng đất kết hợp đa mục đích theo quy định tại Điều 218 của Luật này; được sử
dụng một diện tích đất theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để xây dựng
công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, trường hợp sử dụng đất lúa
thì thực hiện theo quy định tại Điều 182 của Luật này theo khoản 3, Điều 178 Luật
Đất đai
Người sử dụng đất nông nghiệp
được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản
xuất nông nghiệp, cụ thể:
1. Đối với loại đất nông nghiệp
quy định tại điểm a, b, d, g khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024 (trừ đất lúa):
Người sử dụng đất quy mô tập trung từ 05 ha trở lên đối với cây hàng năm; từ 10
ha trở lên đối với cây lâu năm liền vùng, liền khoảnh thì được sử dụng 0,1% tổng
diện tích đất nông nghiệp được sử dụng (quy định tại Khoản 1 Điều 178 Luật đất
đai 2024) nhưng tối đa không quá 200 m2 để xây dựng công trình phục
vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
2. Đối với đất Lâm nghiệp (đất
rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ và đất rừng sản xuất): Người sử dụng đất
thực hiện theo quy định của pháp luật về Lâm nghiệp.
3. Đối với đất trồng lúa: Người
sử dụng đất trồng lúa trồng lúa hợp pháp có quy mô tập trung tối thiểu từ 50
ha, thì được sử dụng 0,01% tổng diện tích đất nông nghiệp được sử dụng nhưng tối
đa không quá 200 m2 để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất
nông nghiệp.
Điều 9. Quy
định hạn mức giao đất ở cho cá nhân tại nông thôn theo Khoản 2 Điều 195 Luật Đất
đai
1. Các xã khu vực đồng bằng tối
đa không quá 200 m2;
2. Các xã khu vực trung du tối
đa không quá 300 m2;
3. Các xã khu vực miền núi tối
đa không quá 400 m2.
Điều 10.
Quy định hạn mức giao đất ở cho cá nhân tại đô thị theo Khoản 2 Điều 196 Luật Đất
đai
1. Đối với khu vực thuộc phường
tối đa không quá 120 m2;
2. Đối với khu vực thị trấn đồng
bằng tối đa không quá 150 m2;
3. Đối với khu vực thị trấn
trung du tối đa không quá 180 m2;
4. Đối với khu vực thị trấn miền
núi tối đa không quá 200 m2.
Điều 11.
Quy định hạn mức giao đất cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trên
địa bàn tỉnh theo Khoản 4 Điều 213 Luật Đất đai
1. Đối với cơ sở tôn giáo đang
hoạt động và đang sử dụng đất ổn định, hợp pháp nhưng chưa được cơ quan nhà nước
giao đất, công nhận quyền sử dụng đất trước ngày Quyết định này có hiệu lực thì
hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất theo hiện trạng đất đang sử dụng.
2. Đối với cơ sở tôn giáo đang
sử dụng đất hợp pháp có nhu cầu mở rộng diện tích hoặc cơ sở tôn giáo chưa được
giao đất nay có nhu cầu giao đất xây dựng cơ sở tôn giáo mới (theo dự án) thì
Căn cứ vào chính sách tôn giáo của Nhà nước, nhu cầu thực tế về sử dụng đất cho
hoạt động tôn giáo, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền
phê duyệt, khả năng đáp ứng quỹ đất của địa phương ở từng thời điểm, từng địa
bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định diện tích giao đất mới cho tổ chức
tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc để sử dụng vào mục đích đất tôn giáo đối
với từng trường hợp cụ thể nhưng diện tích tối đa không quá 4.000 m2.
Điều 12.
Quy định cụ thể điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa
đất đối với từng loại đất theo Khoản 4, Điều 220 Luật Đất đai
Việc tách thửa đất, hợp thửa đất
phải đảm bảo các nguyên tắc, điều kiện quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 220
Luật Đất đai và quy định của tỉnh như sau:
1. Điều kiện chung:
a) Thửa đất sau khi tách thửa
và thửa đất còn lại phải đảm bảo về diện tích, kích thước (đã trừ phần diện
tích thuộc quy hoạch công trình giao thông đã được công bố, cắm mốc) tối
thiểu đảm bảo theo quy định tại các khoản 2, khoản 3 và khoản 4 của Điều này.
Trường hợp khi chia tách thửa đất
có đất ở mà hình thành lối đi chung thì lối đi đó phải có mặt cắt ngang từ 4m
trở lên. Trường hợp đường vào thửa đất chia tách (giao thông hiện hữu)
có mặt cắt ngang nhỏ hơn 4m thì căn cứ vào hiện trạng khu dân cư và quy hoạch cải
tạo chỉnh trang khu dân cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp không
có quy hoạch thì mặt cắt ngang tối thiểu bằng độ rộng nhỏ nhất của đường khu
dân cư hiện hữu.
b) Đối với trường hợp thửa đất
được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để
thực hiện dự án đầu tư thì việc tách thửa đất, hợp thửa phải tuân thủ dự án đầu
tư được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; tuân thủ quy hoạch chi tiết xây dựng
được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
c) Đối với thửa đất ở đã được
cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất cho người sử dụng đất theo quy hoạch
chi tiết tỷ lệ 1/500 thì không được tách thửa, hợp thửa (trừ trường hợp được
cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc trường
hợp giao đất tái định cư cho người sử dụng đất mà thửa đất sau khi chia tách có
cạnh chiều ngang tiếp giáp đường tối thiểu 4m đối với khu vực nông thôn và tối
thiểu 3m đối với khu vực đô thị. Đồng thời diện tích sau chia tách thửa tối thiểu
phải đảm bảo theo quy định tại khoản 2 của Điều này)
d) Đối với thửa đất đã có Thông
báo thu hồi đất hoặc Quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
thì không được tách thửa, hợp thửa (trừ trường hợp Thông báo thu hồi đất hết
hiệu lực 12 tháng, hoặc đã quá 03 năm kể từ thời điểm có quyết định thu hồi đất
mà không thực hiện, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận).
2. Điều kiện cụ thể tách thửa,
hợp thửa đối với thửa đất ở; thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất:
a) Tại khu vực đô thị (phường,
thị trấn): Thửa đất có đất ở sau tách thửa để hình thành thửa đất mới phải
đảm bảo diện tích đất ở tối thiểu 50 m2, chiều rộng cạnh tiếp giáp
đường (lối đi) của thửa đất tối thiểu 03m, chiều sâu thửa đất tối thiểu
là 05m.
b) Tại khu vực nông thôn (các xã):
Thửa đất có đất ở sau tách thửa để hình thành thửa đất mới phải đảm bảo diện
tích đất ở tối thiểu 80 m2, chiều rộng cạnh tiếp giáp đường (lối đi)
của thửa đất tối thiểu 04m, chiều sâu thửa đất tối thiểu là 10m.
c) Trường hợp khi chia tách thửa
đất ở mà trên đất mà hình thành lối đi chung, ngoài việc đảm bảo quy định tại
điểm a, điểm b khoản này thì lối đi đó phải đảm bảo quy định tại điểm a khoản 1
Điều này.
d) Trường hợp chia tách thửa đối
với phần diện tích đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở; hoặc chia tách
thửa đối với diện tích đất nông nghiệp có nguồn gốc đã được tách ra từ thửa đất
ở có vườn ao theo quy định của pháp luật đất đai thành thửa đất riêng biệt thì
các thửa đất sau khi tách thửa, phải đảm bảo các điều kiện về diện tích bằng suất
tái định cư tối thiểu theo quy định của tỉnh; chiều rộng cạnh tiếp giáp đường
(lối đi) và chiều sâu thửa đất tối thiểu như quy định tại điểm a, điểm b, điểm
c khoản này.
3. Điều kiện cụ thể tách
thửa đối với nhóm đất nông nghiệp.
a) Đất trồng cây hàng năm, diện
tích thửa đất sau khi tách thửa phải đảm bảo điều kiện sau:
Đối với khu vực đã thực hiện việc
dồn thửa đổi ruộng, diện tích đất được tách thửa phải đảm bảo tối thiểu 720m2;
Thuộc địa bàn các xã còn lại tối
thiểu 360 m2;
Thuộc địa bàn các phường, thị
trấn tối thiểu 200 m2;
b) Đất trồng cây lâu năm, diện
tích thửa đất sau khi tách thửa phải đảm bảo điều kiện sau:
Thuộc địa bàn các xã tối thiểu
300 m2;
Thuộc địa bàn các phường, thị
trấn tối thiểu 150 m2;
c) Đất rừng sản xuất, diện tích
thửa đất sau khi tách thửa phải đảm bảo: tối thiểu 3.000 m2.
d) Đất nuôi trồng thủy sản, diện
tích thửa đất sau khi tách thửa phải đảm bảo tối thiểu 300m2.
đ) Đất nông nghiệp khác, diện
tích thửa đất sau khi tách thửa phải đảm bảo tối thiểu 300 m2, trừ
khu vực đã có quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, kinh tế trang trại trồng trọt,
trang trại nuôi thuỷ sản, trang trại tổng hợp có diện tích tối thiểu 1 ha.
e) Đất nông nghiệp trong khu
dân cư, điều kiện được tách thửa như đối với đất nông nghiệp trong cùng thửa đất
có đất ở quy định tại điểm d khoản 2 Điều này.
f) Đất rừng phòng hộ, rừng đặc
dụng thì không được tách thửa.
4. Điều kiện cụ thể tách
thửa, hợp thửa đối với thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.
a) Trường hợp đất phi nông nghiệp
có thời hạn sử dụng đất ổn định lâu dài phù hợp quy định pháp luật, thuộc trường
hợp được chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở theo quy định tại khoản 3 Điều
121 Luật Đất đai, người sử dụng đất có nhu cầu thì được phép tách thửa, hợp thửa.
Điều kiện tách thửa, hợp thửa trong trường hợp này phải đảm bảo các điều kiện về
diện tích, chiều rộng cạnh tiếp giáp đường (lối đi) và chiều sâu thửa đất như
quy định tại khoản 2 Điều này.
b) Trường hợp tách thửa đất
trong Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp cần căn cứ vào dự án đầu tư, chủ trương
đầu tư, Quy hoạch chi tiết được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nhưng
phải đảm bảo khả năng kết nối hạ tầng giao thông và các tiện ích hạ tầng kỹ thuật,
đảm bảo phòng cháy chữa cháy và mật độ xây dựng; hài hòa cảnh quan kiến trúc, bảo
vệ môi trường và được cơ quan quản lý nhà nước tại các Khu công nghiệp, Cụm
công nghiệp xác nhận điều kiện chia tách thửa đất tại các Khu công nghiệp, Cụm
công nghiệp.
5. Những trường hợp không áp dụng
quy định việc tách thửa, hợp thửa tại bản Quy định này.
a) Cấp Giấy chứng nhận cho phần
diện tích đất còn lại của thửa đất sau khi nhà nước thu hồi một phần thửa đất.
b) Tặng cho quyền sử dụng đất
cho Nhà nước; tặng cho quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư để xây dựng các
công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng hoặc mở rộng đường giao thông
theo quy hoạch; tặng cho quyền sử dụng đất để làm nhà tình nghĩa, nhà tình
thương, nhà đại đoàn kết gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.
Chương
III:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13.
Quy định chuyển tiếp
Đối với các hồ sơ đề nghị cấp
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, hồ sơ
xin chuyển mục đích sử dụng đất, hồ sơ đề nghị xác định lại diện tích đất ở
trong trường hợp thửa đất ở có vườn, ao, đất thổ cư; hồ sơ đề nghị tách thửa, hợp
thửa đất mà đã nộp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ trước ngày Quyết định này có hiệu lực
thi hành thì thực hiện theo các quy định có hiệu lực tại thời điểm nộp hồ sơ.
Trường hợp người sử dụng đất đề nghị thực hiện theo quy định tại Quyết định này
thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại Quyết định này.
Điều 14. Tổ
chức thực hiện
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Tổ chức triển khai; phối hợp
với các sở, ngành có liên quan hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho UBND các huyện,
thành phố; các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện Quy định này.
b) Tổ chức thanh tra, kiểm tra
việc chấp hành các quy định tại bản Quy định này; tổng hợp, báo cáo, tham mưu cho
Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý, giải quyết các vướng mắc (nếu có) trong quá trình
thực hiện.
c) Tổng hợp và báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh về tình hình triển khai thực hiện các nội dung tại quyết định này
định kỳ vào ngày 30 tháng 6 và ngày 31 tháng 12 hàng năm.
2. Các sở, ngành khác có liên
quan
a) Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với
Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Dân tộc,
UBND cấp huyện xác định, công khai cụ thể các xã, phường, thị trấn thuộc khu vực
đồng bằng, trung du, miền núi theo địa giới hành chính các huyện, thành phố để
áp dụng thực hiện quy định tại Điều 9, Điều 10 Quy định này.
b) Theo chức năng, nhiệm vụ được
giao có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện Quy định này.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện và
UBND cấp xã:
a) UBND cấp huyện phối hợp cùng
Sở Nội vụ xác định, công khai cụ thể các xã, phường thị trấn thuộc khu vực đồng
bằng, trung du, miền núi trên địa bàn để áp dụng thực hiện quy định tại Điều 9,
Điều 10 Quy định này.
b) Tổ chức tuyên truyền, triển
khai thực hiện quy định này tại địa phương.
c) Kiểm tra, giám sát việc thực
hiện theo Quy định này.
4. Trong quá trình thực hiện, nếu
có phát sinh vướng mắc, các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố,
UBND cấp xã phường thị trấn; các tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh kịp thời
về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem
xét, chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết./.