ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
45/2024/QĐ-UBND
|
Đà Nẵng, ngày 15
tháng 10 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY
ĐỊNH CÁC TRƯỜNG HỢP KHÔNG CÓ TÍNH KHẢ THI ĐỂ KHÔI PHỤC LẠI TÌNH TRẠNG BAN ĐẦU CỦA
ĐẤT TRƯỚC KHI VI PHẠM VÀ MỨC ĐỘ KHÔI PHỤC LẠI TÌNH TRẠNG BAN ĐẦU CỦA ĐẤT ĐỐI VỚI
HÀNH VI VI PHẠM HỦY HOẠI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành
văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 18 tháng 01 năm 2024;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20
tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành
chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 123/2024/NĐ-CP ngày 04 tháng
10 năm 2024 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi
trường tại Tờ trình số 412/TTr-STNMT ngày 14 tháng 10 năm 2024; trên cơ sở kết
quả biểu quyết của các thành viên UBND thành phố tại cuộc họp ngày 15 tháng 10
năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này là Quy định các trường hợp không có tính khả thi để khôi phục lại
tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và mức độ khôi phục lại tình trạng
ban đầu của đất đối với hành vi vi phạm hủy hoại đất quy định tại khoản 1 và
khoản 2 Điều 14 Nghị định số 123/2024/NĐ-CP ngày 04/10/2024 của Chính phủ quy định
về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố Đà
Nẵng.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2024.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân thành phố; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành của thành phố; Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các quận, huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường và các tổ
chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Vụ pháp chế - Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật
- Bộ Tư pháp;
- Đoàn ĐBQH thành phố;
- TT.TU, TT.HĐND thành phố;
- Chủ tịch, các PCT UBND thành phố;
- UBMT Tổ quốc và các đoàn thể;
- Các Sở, ban ngành thành phố;
- UBND các quận, huyện, xã, phường;
- Cổng thông tin điện tử thành phố;
- Lưu VT, STNMT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Quang Nam
|
QUY ĐỊNH
QUY
ĐỊNH CÁC TRƯỜNG HỢP KHÔNG CÓ TÍNH KHẢ THI ĐỂ KHÔI PHỤC LẠI TÌNH TRẠNG BAN ĐẦU CỦA
ĐẤT TRƯỚC KHI VI PHẠM VÀ MỨC ĐỘ KHÔI PHỤC LẠI TÌNH TRẠNG BAN ĐẦU CỦA ĐẤT ĐỐI VỚI
HÀNH VI VI PHẠM HỦY HOẠI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 45/2024/QĐ-UBND ngày 15 tháng 10 năm 2024 của
Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này Quy định các trường hợp không có tính
khả thi để khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và mức độ
khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đối với hành vi vi phạm hủy hoại đất
quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 14 Nghị định số 123/2024/NĐ-CP ngày
04/10/2024 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
đất đai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính
quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 14 Nghị định số 123/2024/NĐ-CP ngày
04/10/2024 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
đất đai xảy ra trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, trừ trường hợp Điều ước quốc tế
mà Việt Nam là thành viên có quy định khác, gồm:
a) Cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước
ngoài là công dân Việt Nam, cá nhân nước ngoài, người gốc Việt Nam định cư ở nước
ngoài;
b) Hộ gia đình, cộng đồng dân cư;
c) Tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài, tổ chức
kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.”.
2. Cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt và tổ chức,
cá nhân có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Quyết
định này.
Chương II
MỨC ĐỘ KHÔI PHỤC LẠI TÌNH
TRẠNG BAN ĐẦU CỦA ĐẤT TRƯỚC KHI VI PHẠM
Điều 3. Hành vi làm suy giảm
chất lượng đất
1. Hành vi làm mất hoặc giảm độ dày tầng đất đang
canh tác: Thì buộc khôi phục lại độ dày tầng đất như trước khi vi phạm; loại đất
sử dụng để khôi phục lại tầng đất canh tác phải sử dụng loại đất cũ đã lấy đi.
Trường hợp đất cũ đã vận chuyển đi nơi khác để sử dụng vào mục đích khác thì sử
dụng đất khác và phải cải tạo đất đảm bảo chất lượng phù hợp với mục đích sử dụng
ban đầu của thửa đất hoặc tương đương các thửa đất liền kề có cùng mục đích sử
dụng.
2. Hành vi làm thay đổi lớp mặt của đất sản xuất
nông nghiệp bằng các loại vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn cát, sỏi, đá hay loại
đất có thành phần khác với loại đất đang sử dụng trước khi vi phạm: Thì phải
xúc bỏ các loại vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn cát, sỏi, đá hay loại đất có
thành phần khác ra khỏi diện tích đất vi phạm và khôi phục mặt đất như tình trạng
ban đầu của đất trước khi thực hiện hành vi vi phạm. Trường hợp đất cũ đã vận
chuyển đi nơi khác để sử dụng vào mục đích khác thì sử dụng đất khác và phải cải
tạo đất đảm bảo chất lượng phù hợp với mục đích sử dụng ban đầu của thửa đất hoặc
tương đương các thửa đất liền kề có cùng mục đích sử dụng.
3. Hành vi gây bạc màu, gây xói mòn, rửa trôi đất
nông nghiệp mà dẫn đến làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất đã được xác định:
Tùy theo hành vi vi phạm mà phải thực hiện biện pháp luân canh cây trồng, trồng
cây che phủ, canh tác theo đường đồng mức; Xây dựng bờ kè, bờ bao để giữ nước
và ngăn chặn dòng chảy làm trôi đất, đặc biệt trong các khu vực có địa hình dốc;
thực hiện nón phân hữu cơ (Sử dụng phân chuồng, phân xanh và các loại phân hữu
cơ khác để cải thiện hàm lượng chất hữu cơ trong đất, giúp tăng khả năng giữ nước
và dinh dưỡng); Trồng cây, tạo thảm thực vật giúp tăng cường khả năng giữ đất,
giảm thiểu xói mòn và tạo môi trường bền vững; Điều chỉnh lượng nước tưới phù hợp
với nhu cầu cây trồng và khả năng giữ nước của đất, tránh tình trạng ngập úng
hoặc rửa trôi; Xây dựng hệ thống thu gom và lưu trữ nước mưa để sử dụng trong
mùa khô, đồng thời giảm tải áp lực dòng chảy gây xói mòn trong mùa mưa.
Điều 4. Đối với hành vi vi phạm
làm biến dạng địa hình đất
1. Hành vi thay đổi độ dốc bề mặt đất; hạ thấp bề mặt
đất: Thì phải san lấp điều chỉnh lại độ dốc bề mặt đất như trước khi vi phạm;
san lấp, khôi phục lại độ cao thửa đất hoặc phải san gạt đất trở lại trạng thái
ngang bằng với thửa đất liền kề.
2. Hành vi san lấp đất có mặt nước chuyên dùng (trừ
hồ thủy lợi): Tại thời điểm quyết định xử lý vi phạm mặt nước chuyên dùng đó vẫn
còn cần thiết cho mục đích sử dụng đã được xác định thì phải nạo vét trả lại hiện
trạng mặt nước chuyên dùng như trước khi vi phạm.
3. Hành vi san lấp nâng cao, hạ thấp bề mặt của đất
sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng
đất theo mục đích đã được xác định (trừ trường hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng,
vật nuôi trên đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, xây dựng
công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa, cải tạo đất
nông nghiệp thành ruộng bậc thang và hình thức cải tạo đất khác phù hợp với mục
đích sử dụng đất được giao, được thuê, được công nhận quyền sử dụng đất hoặc
phù hợp với dự án đầu tư đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao đất,
cho thuê đất phê duyệt hoặc chấp thuận): Thì phải san lấp, khôi phục lại độ cao
thửa đất hoặc phải san gạt đất trở lại trạng thái ngang bằng với thửa đất liền
kề. Loại đất sử dụng để san lấp khôi phục lại tình trạng ban đầu thửa đất phải
sử dụng loại đất cũ đã lấy đi. Trường hợp đất cũ đã vận chuyển đi nơi khác để sử
dụng vào mục đích khác thì sử dụng đất khác và phải cải tạo đất đảm bảo chất lượng
phù hợp với mục đích sử dụng ban đầu của thửa đất hoặc tương đương các thửa đất
liền kề có cùng mục đích sử dụng.
Chương III
QUY ĐỊNH CÁC TRƯỜNG HỢP
KHÔNG CÓ TÍNH KHẢ THI ĐỂ KHÔI PHỤC LẠI TÌNH TRẠNG BAN ĐẦU CỦA ĐẤT TRƯỚC KHI VI
PHẠM
Điều 5. Hành vi làm suy giảm chất
lượng đất
1. Hành vi làm mất hoặc giảm độ dày tầng đất đang
canh tác: Trường hợp diện tích vi phạm thuộc các thửa đất nông nghiệp bị ảnh hưởng
bởi các dự án đang triển khai thực hiện, đã có quy hoạch, không còn tiếp tục sản
xuất, canh tác được nữa do thấp trũng và không có nguồn nước, bị bỏ hoang không
canh tác.
Trong quá trình xác lập Biên bản vi phạm hành
chính, người có thẩm quyền lập biên bản yêu cầu UBND xã, phường chịu trách nhiệm
xác định diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi các dự án, không sản xuất
được nữa để làm cơ sở cho người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm
hành chính áp dụng mức tiền phạt đối với trường hợp không có tính khả thi để
khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất.
2. Hành vi làm thay đổi lớp mặt của đất sản xuất
nông nghiệp bằng các loại vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn cát, sỏi, đá hay loại
đất có thành phần khác với loại đất đang sử dụng trước khi vi phạm: Trường hợp
diện tích vi phạm thuộc các thửa đất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi các dự án
đang triển khai thực hiện, đã có quy hoạch, không sản xuất được nữa do thấp
trũng và không có nguồn nước, bị bỏ hoang không canh tác.
Trong quá trình xác lập Biên bản vi phạm hành
chính, người có thẩm quyền lập biên bản yêu cầu UBND xã, phường chịu trách nhiệm
xác định diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi các dự án, không sản xuất
được nữa để làm cơ sở cho người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm
hành chính áp dụng mức tiền phạt đối với trường hợp không có tính khả thi để
khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất.
3. Hành vi gây bạc màu, gây xói mòn, rửa trôi đất
nông nghiệp mà dẫn đến làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất đã được xác định:
Trường hợp diện tích đất vi phạm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử
dụng đất, quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt, phù hợp mục đích sử dụng
đất được giao, được thuê hoặc phù hợp với dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm
quyền chấp thuận.
Trong quá trình xác lập Biên bản vi phạm hành
chính, người có thẩm quyền lập Biên bản đề nghị UBND các xã, phường chịu trách
nhiệm xác nhận diện tích đất vi phạm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch
sử dụng đất, quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt, phù hợp mục đích sử dụng
đất được giao, được thuê hoặc phù hợp với dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm
quyền chấp thuận để làm cơ sở cho người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt
vi phạm hành chính áp dụng mức tiền phạt đối với trường hợp không có tính khả
thi để khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất.
Điều 6. Đối với hành vi vi phạm
làm biến dạng địa hình đất
1. Hành vi thay đổi độ dốc bề mặt đất; hạ thấp bề mặt
đất:
- Trường hợp hành vi vi phạm làm thay đổi bề mặt đất
từ đất dốc hoặc đất không bằng phẳng thành đất bằng phẳng thì không phải khôi
phục trở lại độ dốc, đất không bằng phẳng như ban đầu.
- Hành vi vi phạm làm thay đổi độ dốc bề mặt đất mà
hiện nay diện tích đất vi phạm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng
đất, quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt, phù hợp mục đích sử dụng đất
được giao, được thuê hoặc phù hợp với dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền
chấp thuận.
Trong quá trình xác lập Biên bản vi phạm hành
chính, người có thẩm quyền lập Biên bản đề nghị UBND các xã, phường chịu trách
nhiệm xác nhận diện tích đất vi phạm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch
sử dụng đất, quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt, phù hợp mục đích sử dụng
đất được giao, được thuê hoặc phù hợp với dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm
quyền chấp thuận để làm cơ sở cho người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt
vi phạm hành chính áp dụng mức tiền phạt đối với trường hợp không có tính khả
thi để khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất.
2. Hành vi san lấp đất có mặt nước chuyên dùng (trừ
hồ thủy lợi): Tại thời điểm xử lý vi phạm hành chính thì diện tích đất mặt nước
chuyên dùng đó không còn cần thiết cho mục đích sử dụng đã được xác định.
Trong quá trình xác lập Biên bản vi phạm hành
chính, người có thẩm quyền lập biên bản yêu cầu UBND xã, phường chịu trách nhiệm
xác định diện tích đất vi phạm không còn sử dụng vào mục đích tưới tiêu nước hoặc
tạo môi trường, cảnh quan để làm cơ sở cho người có thẩm quyền ban hành Quyết định
xử phạt vi phạm hành chính áp dụng mức tiền phạt đối với trường hợp không có
tính khả thi để khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất.
3. Hành vi san lấp nâng cao, hạ thấp bề mặt của đất
sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng
đất theo mục đích đã được xác định (trừ trường hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng,
vật nuôi trên đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, xây dựng
công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa, cải tạo đất
nông nghiệp thành ruộng bậc thang và hình thức cải tạo đất khác phù hợp với mục
đích sử dụng đất được giao, được thuê, được công nhận quyền sử dụng đất hoặc
phù hợp với dự án đầu tư đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao đất,
cho thuê đất phê duyệt hoặc chấp thuận): Trường hợp diện tích đất vi phạm phù hợp
với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết 1/500 đã được
phê duyệt, phù hợp mục đích sử dụng đất được giao, được thuê hoặc phù hợp với dự
án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Trong quá trình xác lập Biên bản vi phạm hành
chính, người có thẩm quyền lập Biên bản đề nghị UBND các xã, phường chịu trách
nhiệm xác nhận diện tích đất vi phạm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch
sử dụng đất, quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt, phù hợp mục đích sử dụng
đất được giao, được thuê hoặc phù hợp với dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm
quyền chấp thuận để làm cơ sở cho người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt
vi phạm hành chính áp dụng mức tiền phạt đối với trường hợp không có tính khả
thi để khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Trách nhiệm kiểm tra kết
quả khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất
Người lập biên bản vi phạm hành chính chịu trách
nhiệm chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra, xác nhận
kết quả mức độ khôi phục, biện pháp khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước
khi vi phạm, các trường hợp không không có tính khả thi để khôi phục lại tình
trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm theo quy định tại Quyết định này.
Điều 8. Trách nhiệm của các cơ
quan, tổ chức có liên quan
1. Ủy ban nhân dân các cấp và các Sở, ngành, tổ chức,
đoàn thể có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phổ biến,
thực hiện nội dung Quy định này.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện Quy định
này, nếu có khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh thì các cơ quan, đơn vị, địa
phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh về Sở Tài nguyên
và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, sửa đổi,
bổ sung cho phù hợp./.