ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
36/2013/QĐ-UBND
|
Tiền Giang,
ngày 10 tháng 10 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ PHẠM VI ĐẤT DÀNH CHO ĐƯỜNG
BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng
11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24
tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng
giao thông đường bộ;
Căn cứ Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18
tháng 5 năm 2011 của Bộ Giao thông vận tải về Hướng dẫn thực hiện một số điều của
Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về
quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp quản lý phạm
vi đất dành cho đường bộ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày
ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Giao thông
vận tải; thủ trưởng các sở, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường,
thị trấn; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan, chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Kim Mai
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP QUẢN LÝ PHẠM VI ĐẤT DÀNH CHO ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH TIỀN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 36/2013/QĐ-UBND ngày 10
tháng 10 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng áp dụng
và phạm vi áp dụng
Quy chế này quy định trách nhiệm của các sở, ban,
ngành tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh
có hoạt động liên quan đến phạm vi đất dành cho đường bộ trên địa bàn tỉnh Tiền
Giang.
Điều 2. Phối hợp trong việc
quản lý
Sở Giao thông vận tải là cơ quan thực hiện chức
năng quản lý nhà nước về giao thông vận tải; là cơ quan chủ trì phối hợp với
các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan, các địa phương để thực hiện:
1. Quản lý và sử dụng phạm vi đất dành cho đường
bộ bao gồm đất của đường bộ và hành lang an toàn đường bộ theo quy định pháp luật.
2. Tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời các hành
vi vi phạm trong việc khai thác, sử dụng trái phép phạm vi đất dành cho đường bộ
làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và chất lượng kỹ thuật của kết cấu
công trình đường bộ.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
theo quy định tại Điều 3, Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008 và
Khoản 1, Điều 12 - Thông tư 39/2011/TT-BGTVT ngày 18 tháng 5 năm 2011 của Bộ
Giao thông vận tải như sau:
1. Phạm vi đất dành cho đường bộ gồm đất
của đường bộ và đất hành lang an toàn đường bộ.
2. Đất của đường bộ là phần đất trên đó
công trình đường bộ được xây dựng và phần đất dọc hai bên đường bộ để quản lý,
bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ.
3. Hành lang an toàn đường bộ là phần đất
dọc hai bên đất của đường bộ (tính từ mép ngoài đất của đường bộ ra hai bên) nhằm
bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và bảo vệ công trình đường bộ.
4. Công trình thiết yếu bao gồm:
a) Công trình phục vụ quốc phòng, an ninh.
b) Công trình phục vụ quản lý, khai thác đường bộ.
c) Công trình viễn thông, điện lực, đường ống cấp,
thoát nước, xăng, dầu, khí.
d) Công trình có yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật
không thể bố trí ngoài phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; công
trình phải bố trí trên cùng một mặt bằng với công trình đường bộ để bảo đảm
tính đồng bộ và tiết kiệm.
Điều 4. Phạm vi đất dành cho
đường bộ
1. Đối với đường do Trung ương quản lý: Thực hiện
theo Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định
về Quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (sau đây gọi tắt là
Nghị định số 11/2010/NĐ-CP).
2. Đối với đường do địa phương quản lý: thực hiện
theo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành.
Điều 5. Quản lý phạm vi đất
dành cho đường bộ
1. Việc quản lý phạm vi đất dành cho đường bộ thực
hiện theo Điều 26, Điều 27, Điều 28 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP; Điều 25 Thông
tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18 tháng 5 năm 2011 của Bộ Giao thông vận tải về Hướng
dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm
2010 của Chính phủ.
2. Phạm vi đất dành cho đường bộ chỉ dành để xây
dựng công trình đường bộ, sử dụng và khai thác để phục vụ cho mục đích an toàn
giao thông vận tải đường bộ, trừ một số công trình thiết yếu không thể bố trí
ngoài phạm vi đất dành cho đường bộ được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền
đồng ý bằng văn bản.
3. Công trình nhà ở, cơ sở sản xuất, kinh doanh,
dịch vụ trên đất hành lang an toàn đường bộ có trước khi quy định về quản lý
hành lang an toàn đường bộ có hiệu lực, đúng với mục đích sử dụng trong Giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của
cơ quan có thẩm quyền cấp, chưa ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an toàn công trình
đường bộ, được tạm thời tồn tại nhưng phải giữ nguyên hiện trạng không được cơi
nới, mở rộng.
Trường hợp công trình bị xuống cấp, chưa được
nhà nước đền bù, giải tỏa và chủ công trình có nhu cầu cải tạo, nâng cấp, sửa
chữa thì Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, kiểm kê đất và tài sản trên đó để
làm cơ sở đền bù sau này hoặc cấp phép xây dựng tạm theo quy định của pháp luật
về xây dựng.
4. Đối với trường hợp lấn chiếm, sử dụng trái
phép phạm vi đất dành cho đường bộ, kiên quyết giải tỏa, không bồi thường cho
các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Điều 6. Xác định mốc thời
gian đối với công trình tồn tại trong phạm vi đất dành cho đường bộ
Mốc thời gian của các công trình nằm trong đất
hành lang an toàn giao thông quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP theo các mốc
thời gian sau đây:
1. Đối với đường quốc lộ trên địa bàn tỉnh:
a) Công trình xây dựng trước ngày 21 tháng 12
năm 1982 là thời gian chưa có quy định cụ thể về hành lang an toàn đường bộ.
b) Công trình xây dựng từ ngày 21 tháng 12 năm
1982 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2000 là giai đoạn cấm xây dựng, cơi nới và
lấn chiếm trong hành lang bảo vệ đường bộ theo Nghị định số 203/HĐBT ngày 21
tháng 12 năm 1982 của Hội đồng Bộ trưởng về Điều lệ bảo vệ đường bộ.
c) Công trình xây dựng từ ngày 01 tháng 01 năm 2000
đến trước ngày 30 tháng 11 năm 2004 là giai đoạn cấm xây dựng, cơi nới và lấn
chiếm trong hành lang bảo vệ đường bộ theo Nghị định số 172/1999/NĐ-CP ngày 07
tháng 12 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ
công trình giao thông đối với công trình giao thông đường bộ.
d) Công trình xây dựng từ ngày 30 tháng 11 năm
2004 đến trước ngày 15 tháng 4 năm 2010 là giai đoạn cấm xây dựng, cơi nới và lấn
chiếm trong hành lang an toàn theo Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11
năm 2004 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông
đường bộ.
đ) Công trình xây dựng từ ngày 15 tháng 4 năm
2010 là giai đoạn cấm xây dựng, cơi nới và lấn chiếm trong hành lang an toàn
theo Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
2. Đối với đường do địa phương quản lý, thực hiện
theo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện được phân
cấp.
Điều 7. Giải quyết các công
trình tồn tại trong phạm vi đất dành cho đường bộ
Thực hiện theo Điều 44, Nghị định số 11/2010/NĐ-CP,
cụ thể như sau:
1. Yêu cầu chủ công trình dỡ bỏ ngay các công
trình gây nguy hại đến sự ổn định của công trình đường bộ và an toàn hoạt động
giao thông vận tải đường bộ.
2. Những công trình xét thấy chưa ảnh hưởng trực
tiếp đến sự ổn định của công trình đường bộ và an toàn giao thông đường bộ thì
trước mắt cho phép giữ nguyên hiện trạng nhưng chủ công trình phải cam kết
không cơi nới và thực hiện dỡ bỏ công trình khi có yêu cầu của cơ quan quản lý
nhà nước có thẩm quyền.
3. Việc bồi thường, hỗ trợ cho chủ công trình bị
dỡ bỏ thực hiện theo quy định của pháp luật.
Chương II
TRÁCH NHIỆM TRONG CÔNG
TÁC QUẢN LÝ PHẠM VI ĐẤT DÀNH CHO ĐƯỜNG BỘ
Điều 8. Trách nhiệm của Sở
Giao thông vận tải
1. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương tuyên truyền,
phổ biến các thông tin có liên quan trong công tác quản lý phạm vi đất dành cho
đường bộ; đề ra các giải pháp để tiến hành thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử
lý và xử phạt vi phạm nhằm bảo vệ tốt phạm vi đất dành cho đường bộ.
2. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện,
ngành có liên quan công bố, công khai và tổ chức việc cắm mốc lộ giới trên thực
địa và bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, bảo vệ phạm vi hành lang an
toàn đường bộ đã được cắm mốc lộ giới đối với hệ thống đường tỉnh.
3. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện các
công việc sau:
a) Thanh tra giao thông vận tải
- Đối với đường địa phương:
Lập và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra của
đơn vị.
Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối
với các đối tượng liên quan đến công tác quản lý phạm vi đất dành cho đường bộ;
chịu trách nhiệm về quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định.
Phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ và chính
quyền địa phương kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm.
Chủ trì, phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ
hoàn thiện hồ sơ vi phạm công trình đường bộ, lấn, chiếm, sử dụng trái phép đất
dành đường bộ; xử lý theo thẩm quyền. Trường hợp hành vi vi phạm gây hậu quả
nghiêm trọng, chuyển hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của
pháp luật.
Phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ và các bộ
phận chức năng của chính quyền địa phương thực hiện giải tỏa công trình lấn chiếm,
sử dụng trái phép đất dành cho đường bộ.
- Đối với đường cấp Trung ương:
Phối hợp Thanh tra đường bộ (cấp Trung ương) thực
hiện quản lý phạm vi đất dành cho đường bộ các tuyến thuộc thẩm quyền Trung
ương quản lý.
b) Đoạn Quản lý giao thông: (đơn vị trực tiếp quản
lý hệ thống đường tỉnh)
Thường xuyên tuần đường, kiểm tra, phát hiện kịp
thời các hành vi lấn, chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ, đất
của đường bộ. Ngay khi phát hiện vi phạm phải yêu cầu chủ công trình đình chỉ
hành vi vi phạm và thông báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Thanh tra
giao thông vận tải để phối hợp lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý theo thẩm
quyền.
Phối hợp với Thanh tra giao thông vận tải và các
bộ phận chức năng của chính quyền địa phương thực hiện giải tỏa công trình lấn
chiếm, sử dụng trái phép đất dành cho đường bộ.
Điều 9. Trách nhiệm của các
sở, ngành có liên quan
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
Phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các sở,
ban ngành khác có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện cập nhật thông tin xác định
ranh giới tại thực địa và trên bản đồ phần đất mà nhà nước đã thu hồi, bồi thường
giải phóng mặt bằng và chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các tổ chức,
cá nhân để làm cơ sở cho việc quản lý đất đai theo quy định hiện hành và quản
lý phạm vi đất dành cho đường bộ.
2. Sở Xây dựng
a) Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Ủy ban
nhân dân cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước về xây dựng công trình nhà ở, cơ
sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ theo thẩm quyền nhằm quản lý phạm vi đất dành
cho đường bộ.
b) Phối hợp các ngành, các cấp xử lý vi phạm
hành chính về xây dựng theo thẩm quyền; hỗ trợ, tham gia cưỡng chế khi có đề
nghị của chính quyền địa phương.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải và các sở,
ngành khác có liên quan tổ chức tuyên truyền, thông tin kịp thời đến các doanh
nghiệp có công trình viễn thông và vận động người dân thực hiện chấp hành các
quy định của nhà nước liên quan đến phạm vi đất dành cho đường bộ.
4. Công an tỉnh
a) Phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức
tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định của nhà nước về trật tự
an toàn giao thông liên quan đến hành lang an toàn đường bộ.
b) Chỉ đạo lực lượng phối hợp chặt chẽ với các sở,
ngành có liên quan thực hiện tốt Quy chế này trên từng tuyến đường, địa bàn quản
lý.
c) Hỗ trợ, tham gia cưỡng chế khi có đề nghị của
chính quyền địa phương.
d) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan
kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường
bộ.
5. Ban An toàn giao thông tỉnh
Phối hợp Sở Giao thông vận tải và các sở, ngành
khác có liên quan trong việc thông tin, tuyên truyền, vận động người dân chấp
hành các quy định của nhà nước về an toàn giao thông và hành lang an toàn đường
bộ.
6. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh
Phối hợp Sở Giao thông vận tải và các sở, ban
ngành khác có liên quan thông tin kịp thời đến nhân dân các quy định của nhà nước
liên quan đến việc quản lý phạm vi đất dành cho đường bộ.
7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
và các tổ chức thành viên phối hợp Sở Giao thông vận tải và các sở, ban, ngành
khác có liên quan trong việc vận động, tuyên truyền các quy định của nhà nước
liên quan đến hành lang an toàn đường bộ trong nhân dân.
Điều 10. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân cấp huyện
1. Phối hợp Sở Giao thông vận tải và các sở,
ngành khác có liên quan thực hiện các giải pháp trong công tác quản lý phạm vi
đất dành cho đường bộ do Trung ương quản lý, hệ thống đường tỉnh và tổ chức thực
hiện quản lý đối với hệ thống đường huyện, đường xã được phân cấp quản lý.
2. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến giáo dục
pháp luật cho nhân dân các quy định về đất của đường bộ và hành lang an toàn đường
bộ; cung cấp thông tin về quy hoạch, các văn bản liên quan tới người dân được
biết.
3. Quản lý phạm vi đất dành cho đường bộ theo
quy định của pháp luật. Chỉ đạo các ngành liên quan xử lý kịp thời, tổ chức cưỡng
chế tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trong phạm vi đất dành cho đường
bộ.
4. Chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan không
cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, lập hộ khẩu đối với các hộ đã có hành
vi lấn chiếm, xây dựng trái phép nhà ở, công trình trong phạm vi đất dành cho
đường bộ.
5. Tổ chức việc cắm mốc lộ giới trên thực địa đối
với hệ thống đường huyện, đường xã và bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản
lý, bảo vệ phạm vi hành lang an toàn đường bộ đã được cắm mốc lộ giới.
6. Thường xuyên cập nhật thông tin xác định ranh
giới tại thực địa và trên bản đồ phần đất mà nhà nước đã thu hồi, đền bù giải
phóng mặt bằng làm cơ sở cho việc quản lý đất đai theo quy định hiện hành và quản
lý phạm vi đất dành cho đường bộ.
7. Thực hiện cấp phép xây dựng tạm:
a) Đối với công trình, nhà ở nằm trên đất hành
lang an toàn đường bộ (quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện và đường xã) chủ sở hữu
có nhu cầu cải tạo, nâng cấp, sửa chữa. Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện giải
quyết đơn xin (diện riêng lẻ) theo các bước sau:
- Kiểm tra, vận động chủ công trình sửa chữa nhà
ở trên phần diện tích nằm ngoài đất hành lang an toàn đường bộ.
- Kiểm kê hiện trạng quy mô kết cấu công trình
làm cơ sở đền bù về sau.
- Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết
đối với công trình thuộc hành lang an toàn của đường tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp
huyện xem xét, giải quyết đối với công trình thuộc hành lang an toàn của đường
huyện, đường xã; đối với các công trình nằm trong hành lang an toàn của các tuyến
quốc lộ, cao tốc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Trung ương thì báo cáo
cho Thanh tra đường bộ và cơ quan quản lý quốc lộ, đồng thời báo cáo về Sở Giao
thông vận tải phối hợp giải quyết.
b) Đối với hàng rào cần xây dựng, sửa chữa nằm
trong hành lang an toàn đường bộ. Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức xem xét, giải
quyết đối với công trình thuộc hành lang an toàn của đường huyện, đường xã; lấy
ý kiến Sở Giao thông vận tải để giải quyết đối với công trình thuộc hành lang
an toàn của đường tỉnh.
8. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên
quan đến việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn huyện
theo quy định của pháp luật.
9. Thực hiện chỉ đạo
a) Các bộ phận chức năng, chuyên môn của huyện
hướng dẫn nghiệp vụ đối với công tác bảo vệ hành lang an toàn đường bộ cấp xã;
phối hợp với Thanh tra xây dựng, giao thông vận tải kiểm tra việc chấp hành các
quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ đối với Ủy
ban nhân dân cấp xã.
b) Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các biện
pháp quản lý đất dành cho đường bộ, bảo vệ công trình đường bộ, tiếp nhận và giữ
gìn các cột mốc lộ giới, mốc giải phóng mặt bằng của dự án; phát hiện ngăn chặn,
lập biên bản đình chỉ vi phạm hành chính trình Ủy ban nhân dân cấp huyện xử lý
kịp thời các trường hợp lấn chiếm, sử dụng trái phép phạm vi đất dành cho đường
bộ; hỗ trợ, tham gia cưỡng chế.
c) Chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ của địa
phương thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Điều 26 Thông tư số
39/2011/TT-BGTVT.
Điều 11. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân cấp xã
1. Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nhân dân
các quy định về phạm vi đất dành cho đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao
thông đường bộ.
2. Quản lý việc sử dụng đất dành cho đường bộ
theo quy định của pháp luật; phối hợp với đơn vị trực tiếp quản lý công trình
đường bộ và các lực lượng liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình
đường bộ bao gồm cả việc tiếp nhận bàn giao, quản lý và bảo vệ các cột mốc lộ
giới, mốc giải phóng mặt bằng của dự án.
3. Phát hiện kịp thời, lập biên bản đình chỉ vi
phạm, kiên quyết không để tiếp tục thực hiện và phối hợp lực lượng Thanh tra
giao thông vận tải có biện pháp ngăn chặn, không để phát sinh thêm các hành vi
vi phạm; chịu trách nhiệm để xảy ra tình trạng các tổ chức, cá nhân xây dựng lấn
chiếm, sử dụng trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ.
4. Hỗ trợ các cấp, các ngành liên quan tham gia
cưỡng chế tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trong phạm vi đất dành cho
đường bộ.
5. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên
quan đến việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn cấp xã
theo quy định của pháp luật.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Giám đốc Sở Giao
thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy
ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức triển khai thực
hiện Quy chế này.
2. Trong quá trình thực hiện, giao Sở Giao thông
vận tải tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh biểu dương khen thưởng những cá
nhân, tập thể có thành tích xuất sắc; xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân thiếu
trách nhiệm, vi phạm đến việc thực hiện Quy chế này.
3. Quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có phát
sinh khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ
đạo./.