ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 21/2022/QĐ-UBND
|
Bình
Dương, ngày 13 tháng 7 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC THU TIỀN BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN ĐẤT TRỒNG LÚA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng
11 năm 2013;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước
ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 35/2015/NĐ-CP
ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;
Căn cứ Nghị định số 62/2019/NĐ-CP
ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định
số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất
trồng lúa;
Căn cứ Thông tư số 18/2016/TT-BTC
ngày 21 tháng 01 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của
Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý,
sử dụng đất trồng lúa;
Căn cứ Nghị quyết số
53/2016/NQ-HĐND9 ngày 16 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về thu
tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Bình Dương;
Căn cứ Nghị quyết số
06/2021/NQ-HĐND ngày 14 tháng 9 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ
sung Điều 1 Nghị quyết số 53/2016/NQ-HĐND9 ngày 16 tháng 12 năm 2016 của Hội
đồng nhân dân tỉnh về thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn
tỉnh Bình Dương;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài
chính tại Tờ trình số 05/TTr-STC ngày 09 tháng 02 năm 2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Quy
định về việc thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Bình
Dương, như sau:
1. Phạm vi điều chỉnh: Quyết định này
quy định về việc thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa và chế độ thu nộp,
quản lý, sử dụng nguồn thu bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh
Bình Dương.
2. Đối tượng áp dụng: Các cơ quan, tổ
chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan
đến quản lý, sử dụng đất chuyên trồng lúa nước.
3. Thu tiền bảo vệ, phát triển đất
trồng lúa
a) Người được Nhà nước giao đất, cho
thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước
phải thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai và phải nộp một khoản tiền
để bảo vệ phát triển đất trồng lúa.
b) Mức tiền phải nộp
Mức
thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa (đồng)
|
=
|
Diện
tích
(m2)
|
x
|
Giá
của loại đất trồng lúa (đồng/m2)
|
x
|
70%
|
Trong đó:
- Diện tích (m2) là phần
diện tích đất chuyên trồng lúa nước chuyển sang đất phi nông nghiệp ghi cụ thể
trong quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất chuyên trồng lúa
nước sang đất phi nông nghiệp của cơ quan có thẩm quyền;
- Giá của loại đất trồng lúa (đồng/m2)
tính theo Bảng giá đất đang được áp dụng tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất
do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.
4. Số thu tiền bảo vệ, phát triển đất
trồng lúa được nộp vào ngân sách nhà nước và được phân chia nguồn thu như sau:
- Ngân sách cấp tỉnh được hưởng 100%
số tiền thu được theo thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chuyển mục
đích sử dụng đất nông nghiệp chuyên trồng lúa nước sang mục đích đất phi nông
nghiệp;
- Ngân sách huyện, thị xã, thành phố
được hưởng 100% số tiền thu được theo thẩm quyền của Ủy ban nhân dân huyện, thị
xã, thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trồng lúa nước
sang mục đích đất phi nông nghiệp.
5. Chính sách hỗ trợ địa phương sản
xuất lúa; quản lý sử dụng kinh phí; lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh
phí: thực hiện theo quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 Thông tư số
18/2016/TT-BTC ngày 21 tháng 01 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện
một số điều của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính
phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
6. Việc thu tiền bảo vệ và phát triển
đất trồng lúa khi chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước sang mục đích phi
nông nghiệp thực hiện từ ngày Nghị định số 35/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.
Điều 2. Trách
nhiệm của cơ quan tài chính, cơ quan tài nguyên và môi trường và Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố:
1. Cơ quan tài chính:
a) Căn cứ vào phiếu chuyển thông tin
về diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải nộp tiền của cơ quan tài nguyên và
môi trường, xác định số tiền phải nộp theo quy định đối với diện tích đất
chuyên trồng lúa nước phải nộp và thông báo cho người được nhà nước giao đất,
cho thuê đất theo quy định.
b) Tổ chức thu khoản tiền bảo vệ,
phát triển đất trồng lúa và nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định. Trường
hợp quá thời hạn nộp theo công văn của cơ quan tài chính, người được nhà nước
giao đất, cho thuê đất sẽ phải nộp thêm tiền chậm nộp theo quy định của pháp
luật về quản lý thuế.
2. Cơ quan tài nguyên và môi trường
và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
a) Cung cấp thông tin về diện tích
đất chuyên trồng lúa nước phải nộp tiền cho cơ quan tài chính; kiểm tra kết quả
nộp tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa trước khi thực hiện thủ tục bàn
giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp chưa nộp tiền vào
ngân sách thì yêu cầu người sử dụng đất có trách nhiệm kê khai số tiền bảo vệ,
phát triển đất trồng lúa phải nộp, tương ứng với diện tích đất chuyên trồng lúa
nước được Nhà nước giao, cho thuê và nộp tiền trước khi thực hiện thủ tục cấp
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
b) Rà soát các trường hợp được Nhà
nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất từ đất chuyên trồng
lúa nước sang sử dụng vào mục đích đất phi nông nghiệp trên địa bàn từ ngày 01
tháng 7 năm 2015 đến trước ngày có hiệu lực của Quyết định này để cung cấp
thông tin cho cơ quan tài chính tổ chức thực hiện thu tiền bảo vệ và phát triển
đất trồng lúa phải nộp theo quy định.
Điều 3. Chánh
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi
trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Kế hoạch và
Đầu tư; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Bình
Dương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá
nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Điều 4. Quyết
định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27 tháng 7 năm 2022 và thay thế Quyết
định số 62/2016/QĐ-UBND ngày 20 tháng 02 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về
việc thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Bình Dương./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội,
Chính phủ;
- Các Bộ: Tư pháp, Tài chính;
- Cục Kiểm tra Văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Chủ tịch và PCT UBND tỉnh Bình Dương;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Thường trực HĐND và UBND cấp huyện;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lãnh đạo VP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH và HĐND;
- Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật (Sở Tư pháp);
- Trung tâm công báo tỉnh Bình Dương;
- Website, Báo, Đài PTTH tỉnh Bình Dương;
- LĐVP, Tn, KT, TH, HCTC;
- Lưu: VT.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
Mai Hùng Dũng
|