Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 2098/QĐ-UBND 2021 phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bến Tre

Số hiệu: 2098/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre Người ký: Nguyễn Trúc Sơn
Ngày ban hành: 01/09/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2098/QĐ-UBND

Bến Tre, ngày 01 tháng 9 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2021-2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Nhà ở ngày 25 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở;

Căn cứ Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở;

Căn cứ Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội;

Căn cứ Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ -CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính Phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội;

Căn cứ Nghị quyết số 53/NQ-HĐND ngày 24 tháng 8 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre khóa X, kỳ họp thứ 2 về việc thông qua Chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 2107/TTr-SXD ngày 31 tháng 8 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2030 (có Chương trình kèm theo) với một số nội dung chủ yếu như sau:

1. Chỉ tiêu phát triển nhà ở

a) Giai đoạn 2021-2025

- Chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh phấn đấu đạt 29,2 m2 sàn/người, trong đó: khu vực đô thị 30,0 m2 sàn/người, khu vực nông thôn 28,9 m2 sàn/người.

- Chỉ tiêu diện tích nhà ở đầu người đạt tối thiểu 10 m2/người.

- Tổng diện tích nhà ở tăng thêm của tỉnh phấn đấu đạt 8.048.424 m2 sàn, tương đương 53.683 căn nhà, căn hộ. Trong đó:

+ Nhà ở thương mại: khoảng 695.625 m2 sàn, tương đương 3.865 căn.

+ Nhà ở xã hội: khoảng 21.447 m2 sàn, tương đương 457 căn.

+ Nhà ở tái định cư: khoảng 139.125 m2 sàn, tương đương 1.391 căn

+ Nhà ở của hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng: khoảng 753.448 m2 sàn, tương đương 5.023 căn.

- Nâng chất lượng nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt trên 90%, giảm tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ còn dưới 10%.

b) Giai đoạn 2026-2030

- Chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh phấn đấu đạt 30,0 m2 sàn/người, trong đó: khu vực đô thị 31,0 m2 sàn/người, khu vực nông thôn 29,2 m2 sàn/người.

- Chỉ tiêu diện tích nhà ở đầu người đạt tối thiểu 12 m2/người.

- Diện tích nhà ở tăng thêm của tỉnh phấn đấu đạt 9.771.654 m2 sàn, tương đương 65.672 căn nhà, căn hộ. Trong đó:

+ Nhà ở thương mại: khoảng 4.212.655 m2 sàn, tương đương 23.404 căn.

+ Nhà ở xã hội: khoảng 240.000 m2 sàn, tương đương 4.000 căn.

+ Nhà ở tái định cư: khoảng 842.531 m2 sàn, tương đương 8.425căn.

+ Nhà ở của hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng: khoảng 4.476.467 m2 sàn, tương đương 29.843 căn.

- Nâng chất lượng nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt trên 92%, giảm tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ còn dưới 8%.

2. Định hướng phát triển nhà ở

- Phát triển nhà ở khu vực đô thị:

+ Đảm bảo phù hợp quy hoạch đô thị theo hướng văn minh hiện đại, có bản sắc, tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.

+ Nâng cấp cải tạo các khu nhà ở hiện có kết hợp với chỉnh trang đô thị. Trong các khu dân cư cũ đối với những nhà ở cần sửa chữa, cải tạo, xây mới cần quy định rõ chiều cao, hình thức kiến trúc mặt đứng công trình.

+ Đối với khu vực đô thị ven biển: tuân thủ các quy hoạch được phê duyệt. Phát triển nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện môi trường và tăng trưởng xanh.

- Phát triển nhà ở khu vực nông thôn:

+ Sắp xếp, tổ chức dân cư theo mô hình tập trung tại trung tâm xã và gắn với hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo quy hoạch đã được phê duyệt.

+ Di dời và xây dựng các khu dân cư tập trung có khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

+ Đảm bảo nhà ở đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới; kiến trúc phù hợp phong tục, tập quán, lối sống của từng địa phương.

+ Khuyến khích phát triển nhà ở theo dự án ở những khu vực đã có quy hoạch xây dựng hoặc có điều kiện và các yếu tố thúc đẩy đô thị hóa.

3. Nhu cầu diện tích đất phát triển nhà ở

a) Giai đoạn 2021-2025

Tổng nhu cầu đất để phát triển nhà ở là 4.581 ha, trong đó:

- Quỹ đất dành cho phát triển nhà ở thương mại là 3.933,7 ha.

- Quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội là 309,1 ha.

- Quỹ đất dành cho phát triển nhà ở tái định cư là 87,0 ha.

- Quỹ đất dành cho phát triển nhà ở dân tự xây dựng là 251,2 ha.

b) Giai đoạn 2026-2030

Tổng nhu cầu đất để phát triển nhà ở là 5.311,1 ha, trong đó:

- Quỹ đất dành cho phát triển nhà ở thương mại là 4.544,9 ha.

- Quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội là 362,5 ha.

- Quỹ đất dành cho phát triển nhà ở tái định cư là 105,3 ha.

- Quỹ đất dành cho phát triển nhà ở dân tự xây dựng là 298,4 ha.

4. Nhu cầu về vốn phát triển nhà ở

a) Giai đoạn 2021-2025

Tổng nhu cầu vốn dự kiến là 70.662 tỷ đồng, trong đó:

- Vốn ngân sách Nhà nước là 1.188 tỷ đồng.

- Vốn doanh nghiệp là 42.913 tỷ đồng.

- Vốn hộ gia đình, cá nhân là 26.561 tỷ đồng.

b) Giai đoạn 2026-2030

Tổng nhu cầu vốn dự kiến là 111.374 tỷ đồng, trong đó:

- Vốn ngân sách Nhà nước là 2.216 tỷ đồng.

- Vốn doanh nghiệp là 68.725 tỷ đồng.

- Vốn hộ gia đình, cá nhân là 40.433 tỷ đồng.

5. Giải pháp thực hiện

a) Hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển nhà ở

- Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Tạo điều kiện và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở để đáp ứng nhu cầu của Nhân dân.

- Nghiên cứu, đóng góp, điều chỉnh hoàn thiện các quy định pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản tạo điều kiện thuận lợi thực hiện Chương trình.

- Nghiên cứu cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản. Giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo có liên quan đến phát triển nhà ở.

- Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý và phát triển nhà ở cấp tỉnh, cấp huyện để tăng cường lực lượng quản lý phát triển nhà ở, thực hiện vai trò điều tiết, định hướng và kiểm soát lĩnh vực phát triển nhà ở.

b) Về quy hoạch, kiến trúc và công nghệ xây dựng

- Chú trọng việc phát triển nhà ở theo dự án đối với khu vực đô thị, điểm dân cư nông thôn, khu vực được quy hoạch để phát triển đô thị trong tương lai nhằm bảo đảm việc phát triển nhà ở được xây dựng đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

- Thiết kế nhà ở ngoài việc đảm bảo các nguyên tắc thích dụng, bền vững, mỹ quan, kinh tế gắn với phát triển đô thị, điểm dân cư nông thôn theo hướng thông minh, hiện đại. Đồng thời, phải đảm bảo nguyên tắc kết hợp giữa công trình nhà ở riêng lẻ với các công trình khác thành một tổng thể kiến trúc hài hòa, phù hợp với môi trường cảnh quan và bản sắc của từng đại phương.

c) Về vốn và cơ chế, chính sách tài chính về nhà ở

- Thực hiện công khai quy hoạch, tạo quỹ đất để thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở.

- Sử dụng nguồn thu tiền sử dụng đất của các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị có quy mô sử dụng dưới 05 ha, tương đương giá trị quỹ đất ở 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước vào ngân sách tỉnh để ưu tiên đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

- Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bến Tre ưu tiên cho đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, công nhân có nhu cầu về nhà ở xã hội vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định.

- Nguồn vốn cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bến Tre và từ tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

- Vốn thương mại tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

d) Về đất ở

- Dành quỹ đất cho việc phát triển nhà ở đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.

- Thực hiện nghiêm việc dành 20% quỹ đất ở trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 05 ha trở lên để thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

- Nghiên cứu xem xét quỹ đất ở tại các trung tâm đô thị để kêu gọi đầu tư thực hiện các dự án phát triển nhà ở chung cư kết hợp trung tâm thương mại để tăng sức thu hút cho các sản phẩm của dự án. Đồng thời, nghiên cứu mở rộng các dự án nhà ở xã hội ra các vùng ngoại ô đô thị để tận dụng quỹ đất giá rẻ, để giải phóng mặt bằng và kích thích phát triển kinh tế vùng.

đ). Về chính sách quản lý thị trường bất động sản: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về giao dịch nhà ở.

e) Về nhà ở cho các đối tượng:

- Đối với nhà ở thương mại: khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nhà ở theo dự án; đồng thời ưu tiên phê duyệt các dự án hạ tầng đấu nối (hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội) đồng bộ với dự án nhà ở để khai thác có hiệu quả các dự án nhà ở, khu đô thị.

- Đối với nhà ở cho người có thu nhập thấp đô thị, công nhân làm việc trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp: phát triển các dự án nhà ở xã hội kết hợp giữa nhà riêng lẻ và nhà chung cư để tạo sự đa dạng trong sản phẩm cũng như sự lựa chọn cho người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp sử dụng lao động tạo lập quỹ nhà để bố trí cho công nhân, người lao động hoặc mua, thuê lại nhà ở xã hội tại các dự án để bố trí cho công nhân, người lao động.

- Đối với nhà ở cho hộ người có công với cách mạng, hộ nghèo khu vực nông thôn: thực hiện lồng ghép các Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, huy động các nguồn lực từ “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, “Quỹ vì người nghèo” nguồn tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để hỗ trợ về nhà ở cho hộ người có công với cách mạng, hộ nghèo khu vực nông thôn.

- Đối với nhà ở công vụ: tiếp tục sử dụng và rà soát lại quỹ nhà ở công vụ hiện có; lập Đề án kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bán nhà ở công vụ không còn phù hợp với nhu cầu bố trí nhà ở công vụ của tỉnh trong giai đoạn tới và không đạt tiêu chuẩn theo Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 2015 về tiêu chuẩn nhà ở công vụ để lấy kinh phí cải tạo, duy tu quỹ nhà ở công vụ còn lại.

- Đối với nhà ở tái định cư: Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị hoặc dự án hạ tầng khu công nghiệp thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở để phục vụ tái định cư theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 35 của Luật Nhà ở.

g) Về giải pháp phát triển các khu dân cư đô thị, điểm dân cư nông thôn tập trung:

- Đối với khu vực đô thị: phát triển các khu dân cư đảm bảo chất lượng về không gian kiến trúc, chất lượng xây dựng công trình. Quan tâm phát triển nhà ở dạng chung cư, đặc biệt chung cư nhà ở xã hội.

- Đối với khu vực nông thôn: đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, công trình kết nối phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa để thu hút các nhà đầu tư phát triển điểm dân cư nông thôn.

h) Về giải pháp tuyên truyền, vận động: tuyên truyền, vận động các tầng lớp dân cư thay đổi nhận thức về tập quán sinh sống, thay đổi thói quen sinh sống liền canh liền cư, phân tán chuyển sang các khu dân cư đô thị, điểm dân cư nông thôn tập trung với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hoàn chỉnh. Phát huy sức mạnh cộng đồng trong phát triển nhà ở, đặc biệt là hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội, các hộ nghèo cải thiện chỗ ở.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Xây dựng

- Chủ trì phối hợp các ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm và 5 năm làm cơ sở thực hiện.

- Chủ trì tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận đầu tư dự án phát triển nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn có liên quan, Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

- Công bố công khai, minh bạch Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở, quy hoạch xây dựng các khu nhà ở, khu đô thị, các dự án phát triển nhà ở; hướng dẫn việc triển khai, cơ chế chính sách phát triển nhà ở, quỹ đất để phát triển nhà ở trên cổng thông tin điện tử của tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện và các sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện Chương trình phát triển nhà ở; hướng dẫn, đôn đốc và giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện;tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Chương trình với Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Xây dựng theo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu.

- Tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo:

+ Thực hiện Chương trình phát triển nhà ở; đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố và các huyện trong từng thời kỳ và hàng năm để triển khai thực hiện; chỉ đạo, điều hành và kiểm điểm kết quả thực hiện theo định kỳ; chỉ đạo việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm và 5 năm.

+ Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện việc hỗ trợ nhà ở cho hộ người có công với cách mạng, hộ nghèo khó khăn trên địa bàn tỉnh.

+ Quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển từng loại nhà ở trên phạm vi địa bàn tỉnh.

+ Kiểm tra đôn đốc việc thực hiện Chương trình phát triển nhà ở của các Sở, Ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố.

- Tổ chức, xây dựng, vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định tại Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Lồng ghép các dự án, chương trình phát triển nông thôn, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu để thực hiện việc di dân, tái định cư, bố trí lại dân cư vùng thiên tai ven sông, ven biển, kênh rạch, lâm trường gắn với tổ chức sản xuất và xây dựng nông thôn.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Tổ chức thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện theo đúng quy định trong đó có bố trí quỹ đất ở nhằm đáp ứng chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030.

- Thực hiện hướng dẫn thủ tục giao đất ở, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

- Tổ chức triển khai thực hiện Quy định về tạo lập quỹ đất sạch để khai thác, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Phối hợp báo cáo cung cấp thông tin về tình hình giao dịch đất ở, cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà theo yêu cầu để Sở Xây dựng cập nhật bổ sung vào hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản của tỉnh.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng bổ sung các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh để làm cơ sở chỉ đạo, điều hành, kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện định kỳ theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận đầu tư dự án phát triển nhà ở theo quy định Luật Đầu tư.

- Báo cáo cung cấp thông tin về số lượng doanh nghiệp hoạt động ngành nghề kinh doanh bất động sản để được cập nhật bổ sung vào hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản của tỉnh.

5. Sở Tài chính

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về việc sử dụng hiệu quả nguồn thu từ việc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị dưới 5 ha tại các đô thị loại II và Loại III, thực hiện nghĩa vụ tài chính nộp tiền tương đương với giá trị quỹ đất 20% để phát triển đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật hiện hành; đặc biệt là đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước để cho thuê, giải quyết cho các đối tượng rất khó khăn về nhà ở do không thuê được nhà ở xã hội do các doanh nghiệp đầu tư xây dựng.

- Phối hợp với Sở Xây dựng trong công tác xây dựng bảng giá nhà, vật kiến xây dựng mới; giá cho thuê nhà ở công vụ; giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

6. Sở Giao thông vận tải: Phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan trong việc lập quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, nông thôn đảm bảo đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất, phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh.

7. Sở Khoa học và Công nghệ

- Đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý, quy hoạch, đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở.

- Khuyến khích nghiên cứu áp dụng các loại vật liệu mới, công nghệ xây dựng hiện đại nhằm nâng cao chất lượng và rút ngắn thời gian xây dựng, đồng thời giảm giá thành nhà ở.

- Khuyến khích nghiên cứu các loại nhà ở thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, có thể tái sử dụng hoặc tái chế các nguồn tài nguyên đã sử dụng.

8. Sở Tư pháp: Báo cáo cung cấp thông tin về lượng giao dịch bất động sản đã bán qua công chứng để được cập nhật bổ sung vào hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản của tỉnh.

9. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xác định nhu cầu nhà ở của các người có công với cách mạng, hộ nghèo khó khăn về nhà ở.

10. Cục Thuế tỉnh: báo cáo cung cấp thông tin về tình hình thu nộp ngân sách từ đất đai và từ hoạt động kinh doanh bất động sản để được cập nhật bổ sung vào hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản của tỉnh.

11. Cục Thống kê tỉnh: chỉ đạo Chi cục Thống kê các huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp cung cấp số liệu thống kê về nhà ở khi có yêu cầu; thực hiện báo cáo thống kê về diện tích sàn nhà ở bình quân hàng năm trên địa bàn để được cập nhật bổ sung vào hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản của tỉnh.

12. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh: chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các ngành có liên quan đánh giá, xác định nhu cầu về nhà ở của công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

13. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bến Tre: Chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bến Tre, các tổ chức tín dụng (được chỉ định) trên địa bàn triển khai thực hiện tốt việc cho vay ưu đãi tín theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; tiếp nhận đề xuất cải tiến thủ tục giao dịch theo hướng tinh gọn, đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn nói chung và vay vốn cho các nhu cầu về nhà ở nói riêng.

14. Ngân hàng Chính sách Xã hội - Chi nhánh tỉnh Bến Tre: Thực hiện cho vay các đối tượng được quy định tại khoản 1,4,5,6 và 7 Điều 49 của Luật Nhà ở để mua, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định.

15. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre:

- Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện và giám sát việc thực hiện pháp luật về nhà ở; vận động các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp quan tâm thực hiện Chương trình phát triển nhà ở, đặc biệt phát triển nhà ở xã hội nhằm tạo điều kiện cho người lao động có nhà ở, ổn định công tác.

- Phối hợp với các sở, ngành có liên quan huy động nguồn lực từ các nhà hảo tâm, các tổ chức chính trị xã hội để hỗ trợ hộ nghèo, người có công và các đối tượng chính sách theo các chương trình hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn tỉnh.

16. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh: Phổ biến và vận động các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp quan tâm thực hiện Chương trình phát triển nhà ở tỉnh, đặc biệt phát triển nhà ở xã hội nhằm tạo điều kiện cho người lao động có nhà ở, ổn định công tác.

17. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Tổ chức, chỉ đạo triển khai Chương trình phát triển nhà ở và thực hiện quản lý nhà nước về nhà ở trên địa bàn. Tổng hợp kết quả thực hiện Chương trình phát triển nhà trên địa bàn và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Xây dựng) theo định kỳ vào giữa quí IV hàng năm.

- Trên cơ sở Chương trình phát triển nhà ở của tỉnh, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ban ngành thực hiện lập, điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn để đáp ứng nhu cầu phát triển nhà ở trên địa bàn, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho các đối tượng có nhu nhập thấp, người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội để thực hiện Chương trình phát triển nhà ở các địa phương.

- Phối hợp với Sở Xây dựng lập kế hoạch phát triển nhà ở đô thị và nông thôn 5 năm và hàng năm.

- Xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm theo quy định.

- Bổ sung nhu cầu diện tích đất phát triển nhà ở trên địa bàn vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định.

- Cải cách hành chính, đơn giản thủ tục trong cấp phép xây dựng; đồng thời cập nhật, báo cáo về công tác cấp phép xây dựng trên địa bàn phép xây dựng.

- Nghiêm túc triển khai, duy trì hệ thống thông tin, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản theo Nghị định số 117/2015/NĐ -CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Xây dựng;
- TT TU, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- UBMTTQVN và các TCCTXH tỉnh;
- Cục Thống kê;
- Cục Thuế tỉnh;
- Ngân hàng Nhà nước CN tỉnh Bến Tre;
- Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Phòng: TCĐT, TH, KT, KGVX ;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, SXD.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trúc Sơn

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2021-2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2098/QĐ-UBND ngày 01 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

 

MỤC LỤC

MỞ ĐẦU

1. Sự cần thiết

2. Căn cứ pháp lý

3. Phạm vi nghiên cứu

4. Mục tiêu và yêu cầu

CHƯƠNG I. TÁC ĐỘNG ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH BẾN TRE

1. Đặc điểm tự nhiên

1.1. Vị trí địa lý

1.2. Đặc điểm địa hình, đất đai

1.3. Đặc điểm khí hậu

2. Đặc điểm xã hội

2.1.Đơn vị hành chính

2.2. Đặc điểm phân bố dân cư

2.3. Lao động

3. Hiện trạng kinh tế và tác động tới phát triển nhà ở

3.1. Tình hình kinh tế

3.2. Cơ cấu và hướng dịch chuyển kinh tế

CHƯƠNG II: HIỆN TRẠNG NHÀ Ở TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Phân tích hiện trạng nhà ở trên địa bàn tỉnh

1.1. Số lượng và diện tích nhà ở

1.2. Chất lượng nhà ở

1.3. Mật độ nhà ở và mật độ dân số

1.4. Hiện trạng công tác phát triển và quản lý nhà ở

2. Đánh giá chung về thực trạng nhà ở trên địa bàn thành phố

2.1. Kết quả đạt được

2.2. Đánh giá việc thực hiện Chương trình

2.3. Những tồn tại

2.4. Nguyên nhân

CHƯƠNG III: DỰ BÁO NHU CẦU NHÀ Ở, KHẢ NĂNG CUNG ỨNG PHÁT TRIỂN NHÀ Ở

1. Cơ sở dự báo nhu cầu nhà ở tỉnh

1.1. Các yêu cầu khi dự báo nhu cầu nhà ở

1.2. Cơ sở dự báo nhu cầu nhà ở

2. Dự báo nhu cầu nhà ở

2.1. Nhu cầu chung về nhà ở

2.2. Nhu cầu nhà ở của các nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội

3. Nhu cầu về vốn đầu tư

4. Nhu cầu về diện tích đất để phát triển nhà ở

CHƯƠNG IV: ĐỊNH HƯỚNG, CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Quan điểm, định hướng phát triển nhà ở

1.1. Quan điểm phát triển nhà ở

1.2. Định hướng phát triển nhà ở

1.3. Phát triển theo khu vực phát triển đô thị

1.4. Định hướng phát triển nhà ở khu vực nông thôn

2. Mục tiêu phát triển nhà ở

2.1. Chỉ tiêu diện tích nhà ở tăng thêm

2.2. Chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân

2.3. Chỉ tiêu diện tích nhà ở tăng thêm theo loại nhà

2.4. Chỉ tiêu diện tích nhà ở đầu người tối thiểu

2.5. Chỉ tiêu chất lượng nhà ở

2.6. Chỉ tiêu phát triển nhà ở của các đơn vị hành chính

3. Các giải pháp thực hiện

3.1. Hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách

3.2. Giải pháp về đất ở

3.3. Giải pháp về kiến trúc quy hoạch

3.4. Giải pháp về phát triển thị trường nhà ở và quản lý sử dụng nhà ở

3.5. Giải pháp về công nghệ

3.6. Các giải pháp về vốn

3.7. Giải pháp cải cách thủ tục hành chính

3.8. Giải pháp nhà ở công vụ

3.9. Giải pháp nhà ở thương mại

3.10. Giải pháp nhà ở tái định cư:

3.11. Giải pháp nhà ở xã hội

3.12. Giải pháp tuyên truyền, vận động

3.13. Phát triển các khu dân cư đô thị, điểm dân cư nông thôn tập trung

CHƯƠNG V: TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Xây dựng

2. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn:

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

5. Sở Tài chính

6. Sở Giao thông vận tải

7. Sở Khoa học và Công nghệ

8. Sở Tư Pháp

9. Cục Thuế tỉnh

10. Sở Lao động - Thương binh và xã hội

11. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh

12. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

 

MỞ ĐẦU

1. Sự cần thiết

Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bến Tre đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 18/2013/NQ-HĐND ngày 05 tháng 12 năm 2013) đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre tổ chức triển khai thực hiện bằng Quyết định số 94/QĐ-UBND ngày 15 tháng 01 năm 2014; Kế hoạch số 2939/KH-UBND ngày 16 tháng 6 năm 2015, về việc Phát triển nhà ở tỉnh Bến Tre năm 2015 và các năm tiếp theo (giai đoạn 2016-2020) và các Kế hoạch thực hiện hàng năm. Chương trình được ban hành phù hợp với Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bến Tre đến năm 2030 được Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre thông qua tại Nghị quyết số 20/2013/NQ- HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2013. Chương trình phát triển nhà ở đã đem lại tác động tích cực đến công tác quản lý và phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh, qua đó thúc đẩy thị trường bất động sản của địa phương trong thời gian qua. Cùng với đó, UBND tỉnh Bến Tre đã đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, chính sách pháp luật của Nhà nước và cơ chế của tỉnh ngày một thay đổi dẫn đến sức hút đầu tư ngày một gia tăng, nhu cầu phát triển nhà ở tại địa phương đã có nhiều thay đổi.

Tuy nhiên, sau khi Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bến Tre đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 ban hành, hệ thống các văn bản pháp luật về nhà ở đã có nhiều thay đổi, bao gồm việc ban hành Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về việc phát triển và quản lý nhà ở xã hội…

Bên cạnh đó, Chương trình phát triển nhà ở tỉnh được UBND tỉnh Bến Tre phê duyệt tại Quyết định số 94/QĐ-UBND ngày 15 tháng 01 năm 2014 chưa có hệ thống chỉ tiêu phát triển nhà ở cụ thể cho giai đoạn sau năm 2020 (bao gồm diện tích nhà ở tăng thêm, chỉ tiêu phát triển các loại nhà ở thương mại, nhà xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở công vụ). Vì vậy để có cơ sở quản lý, phát triển nhà ở chi tiết hơn trong giai đoạn 2021 - 2030, cần phải bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.

Để đáp ứng các nhu cầu phát triển, chuyển dịch về cơ cấu kinh tế - xã hội trong thời gian tới, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, nhanh chóng khắc phục những tồn tại nhằm phát triển nhà ở, đảm bảo các mục tiêu về an sinh xã hội, đồng thời phát triển nhà ở bền vững gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân thì việc xây dựng “Chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2030” là thực sự cần thiết.

2. Căn cứ pháp lý

- Căn cứ Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2014;

- Căn cứ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở;

- Căn cứ Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở;

- Căn cứ Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính Phủ về việc phát triển và quản lý nhà ở xã hội;

- Căn cứ Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính Phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội;

- Căn cứ Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

- Căn cứ Quyết định số 83/QĐ-TTg ngày ngày 13 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre đến năm 2020;

- Căn cứ Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh;

- Căn cứ Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 29 tháng 01 năm 2021 của Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre về phát triển đô thị tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030;

- Căn cứ Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre khóa IX- kỳ họp thứ 19 về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre 5 năm 2021-2025;

- Căn cứ Nghị quyết số 53/2021/NQ-HĐND ngày 24 tháng 8 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa X - Kỳ họp thứ 2 về việc thông qua Chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2030;

3. Phạm vi nghiên cứu

a) Phạm vi về không gian: Nghiên cứu nhà ở đô thị và nông thôn tại 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 01 thành phố và 08 huyện trên địa bàn tỉnh.

b) Phạm vi về thời gian: từ năm 2014 đến năm 2030.

4. Mục tiêu và yêu cầu

a) Mục tiêu:

- Điều tra, khảo sát và đánh giá thực trạng nhà ở hiện nay trên địa bàn tỉnh.

- Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phát triển nhà ở của tỉnh đến năm 2020 đã được phê duyệt.

- Dự báo nhu cầu nhà ở của các nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.

- Dự báo nhu cầu nhà ở do hộ dân tự đầu tư xây dựng, nhà ở thương mại theo dự án.

- Đưa ra chỉ tiêu đến năm 2025.

- Đặt ra mục tiêu phát triển nhà ở đến năm 2030.

- Dự báo quỹ đất cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển nhà ở của tỉnh.

- Xây dựng hệ thống giải pháp phù hợp với tình hình cụ thể của tỉnh, dựa trên các mục tiêu được đề ra nhưng vẫn đảm bảo được tính bền vững cho công tác phát triển nhà ở.

- Làm cơ sở để quản lý công tác phát triển nhà ở và triển khai thực hiện các dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh; thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở.

- Thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh.

b) Yêu cầu:

- Công tác phát triển nhà ở tỉnh Bến Tre phải phù hợp với nhu cầu nhà ở của người dân trong từng giai đoạn; đảm bảo tuân thủ pháp luật về nhà ở, quy hoạch, kế hoạch do các cấp phê duyệt và các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành.

- Chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu nhà ở xã hội phải được xác định là một trong những chỉ tiêu cơ bản của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từng thời kỳ.

- Xác định quỹ đất để đáp ứng nhu cầu phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp, người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Điều tra, thu thập, xác định đầy đủ và đảm bảo các chỉ tiêu trong chương trình phát triển nhà ở theo quy định.

 

CHƯƠNG I. TÁC ĐỘNG ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH BẾN TRE

1. Đặc điểm tự nhiên

1.1. Vị trí địa lý

Bến Tre là một trong 13 tỉnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tọa độ địa lý tỉnh Bến Tre: 10°14'54'' vĩ độ Bắc; 106°22'34'' kinh độ Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Tiền Giang; Phía Tây và phía Nam giáp tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh; Phía Đông giáp biển Đông với chiều dài bờ biển 65 km.

Bến Tre nằm ở hạ lưu sông Mekong, giáp với Biển Đông. Bến Tre có bốn con sông lớn chảy qua là Tiền Giang, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên bao bọc đồng thời chia Bến Tre thành ba cù lao (cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh). Hệ thống sông ngòi ở Bến Tre rất thuận lợi về giao thông đường thủy, nguồn thủy sản phong phú, nước tưới cho cây trồng ít gặp khó khăn, tuy nhiên cũng gây trở ngại đáng kể cho giao thông đường bộ, cũng như việc cấp nước vào mùa khô.

1.2. Đặc điểm địa hình, đất đai

Về địa hình, Bến Tre là tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long nên địa hình tương đối bằng phẳng, có độ cao trung bình 1-2m so với mặt nước biển.

Bến Tre có phần lớn đất đai bị nhiễm mặn; nền đất yếu, khả năng chịu tải thấp nên việc xây dựng, phát triển nhà ở đòi hỏi kinh phí cao, vì vậy nhà ở trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhà thấp tầng, xây dựng đơn giản.

1.3. Đặc điểm khí hậu

Bến Tre nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, đồng nhất trên địa giới toàn tỉnh, khí hậu ở đây được chia làm 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Trong đó, mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình hàng năm của tỉnh từ 26°c-27°c. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.250 đến 1.500 mm, tập trung vào mùa mưa, chiếm 90 đến 95% lượng mưa cả năm. Những đặc điểm về khí hậu như trên tương đối thuận lợi cho phát triển nông nghiệp toàn diện nhưng lại ảnh hưởng đến công tác xây dựng nhà ở.

2. Đặc điểm xã hội

2.1. Đơn vị hành chính

Tỉnh Bến Tre có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố và 8 huyện. Được phân chia thành 157 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 8 phường, 7 thị trấn và 142 xã. Trong đó Thành phố Bến Tre là đô thị loại II và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, thương mại và dịch vụ tổng hợp của tỉnh Bến Tre, nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 85 km.

BẢNG 1.1. CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

STT

Đơn vị hành chính

Số lượng đơn vị hành chính cấp dưới

Phường

Thị trấn

1

Thành phố Bến Tre

8

 

6

2

Huyện Ba Tri

 

1

22

3

Huyện Bình Đại

 

1

19

4

Huyện Châu Thành

 

1

20

5

Huyện Chợ Lách

 

1

10

6

Huyện Giồng Trôm

 

1

20

7

Huyện Mỏ Cày Bắc

 

 

13

8

Huyện Mỏ Cày Nam

 

1

15

9

Huyện Thạnh Phú

 

1

17

2.2. Đặc điểm phân bố dân cư

Tính đến ngày 01/04/2019 dân số tỉnh Bến Tre là 1.288.463 người, mật độ dân số bình quân là 538 người/km2. Mật độ dân số của tỉnh cao hơn so với mật độ dân số của các tỉnh lân cận như Long An (376 người/km2), Trà Vinh (414 người/km2). Bến Tre có mật độ dân số cao hơn so với các tỉnh lân cận vì Bến Tre là tỉnh có nhiều sông kênh rạch và giáp biển Đông tạo điều kiện cho người dân tập trung sinh sống và làm ăn buôn bán. Bên cạnh đó tỉnh cũng có vị trí thuận lợi để phát triển du lịch, vì thế số lượng dân cư lớn đến sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh.

BẢNG 1.2. PHÂN BỐ DÂN CƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

TT

Đơn vị hành chính

Diện tích tự nhiên (km2)

Dânsố (người)

Mật độ dân số (người/km2)

1

Thành phố Bến Tre

70,6

124.499

1.763

2

Huyện Châu Thành

224,9

175.893

782

3

Huyện Chợ Lách

169,1

111.418

659

4

Huyện Mỏ Cày Bắc

165,2

113.210

685

5

Huyện Mỏ Cày Nam

231,0

143.577

622

6

Huyện Giồng Trôm

312,6

169.987

544

7

Huyện Bình Đaị

427,6

137.304

321

8

Huyện Ba Tri

367,4

184.734

503

9

Huyện Thạnh Phú

426,6

127.841

300

TOÀN TỈNH

2.394,8

1.288.463

538

(Nguồn: Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở 2019)

Có thể thấy dân cư trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung tại thành phố Bến Tre 1.763 người/km2 và huyện Châu Thành 782 người/km2; thành phố Bến Tre có giao thông thuận tiện, kinh tế phát triển, tập trung nhiều ngành nghề, huyện Châu Thành là nơi có 02 khu công nghiệp lớn, thu hút lao động về sinh sống và làm việc với trên 35.000 công nhân. Trái ngược với khu vực đô thị, khu vực các huyện Thạnh Phú, huyện Bình Đại có mật độ dân cư thấp do mức độ phát triển kinh tế còn thấp, cơ hội nghề nghiệp việc làm chưa đủ thu hút lao động tại địa phương và từ nơi khác về sinh sống và làm việc.

Nhìn chung, mật độ dân số ảnh hưởng đến nhu cầu nhà ở, khu vực có mật độ dân số cao sẽ có nhu cầu về nhà ở lớn, tạo điều kiện tiên quyết cho thị trường nhà ở và bất động sản phát triển. Các khu vực có mật độ dân số thấp sẽ gặp nhiều khó khăn trong kêu gọi đầu tư, cũng như phát triển nâng cao chất lượng nhà ở, diện mạo đô thị địa phương.

2.3. Lao động

Nguồn nhân lực lao động tại tỉnh Bến Tre khá dồi dào, theo số liệu thống kê, hiện nay lực lượng lao động đang làm việc trên địa bàn tỉnh có khoảng 829.000 người, chiếm khoảng 64% so với dân số toàn tỉnh.

BẢNG 1.3. LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

STT

CHỈ TIÊU

Năm 2015

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

1

Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc (người)

793.711

791.512

798.753

808.543

815.257

2

Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo (%)

12,45

12,20

13,00

13,05

13,1

(Nguồn: Cục thống kê tỉnh Bến Tre)

Thời gian qua, tình hình tập trung và phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre có những thay đổi cơ cấu lao động chuyển dịch cao từ nông nghiệp sang công nghiệp giúp thu nhập người dân tăng. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động làm nghề nông và các nghề đơn giản vẫn chiếm tỷ lệ lớn dẫn tới thu nhập và khả năng chi trả cho nhà ở của phần lớn người dân còn thấp.

Trong thời gian tới, cơ cấu lao động theo nghề nghiệp sẽ tiếp tục dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng lao động làm việc trong các ngành thương mại dịch vụ, công nghiệp xây dựng. Vì vậy, cần tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng của lực lượng lao động để đáp ứng được các yêu cầu về phát triển kinh tế, tạo nguồn lực để thúc đẩy phát triển nhà ở.

Trong giai đoạn từ 2015 đến năm 2020, lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh khá ổn định, biến động không nhiều, dẫn đến nhu cầu nhà ở không cao. Tuy nhiên, với định hướng phát triển kinh tế tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2030, sẽ là điều kiện để thu hút lao động khiến cho nhu cầu nhà ở tăng cao, thị trường nhà ở có sự chuyển dịch trong các phân khúc nhà ở cho thuê, nhà ở cho người thu nhập thấp.

3. Hiện trạng kinh tế và tác động tới phát triển nhà ở

3.1. Tình hình kinh tế

Tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 05 năm đạt 7,2%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 44,1 triệu đồng/người/năm.

Nông nghiệp tiếp tục được đầu tư phát triển khá toàn diện, tập trung xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị 08 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như: dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn,...việc đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng được chú trọng; hạ tầng thủy lợi được quan tâm đầu tư,... Cơ cấu cây trồng, vật nuôi tiếp tục được chuyển đổi theo hướng chất lượng, hiệu quả, từng bước gắn thị trường. Diện tích, sản lượng dừa, cây ăn trái đặc sản, hoa kiểng tăng. Chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao. Công tác quản lý, bảo vệ, phát triển diện tích rừng được thực hiện khá tốt; tổng diện tích rừng ước đạt 4.700 ha.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 53.500 tỷ đồng, tăng bình quân 13,3%/năm.

Kinh tế đối ngoại được mở rộng; hàng xuất khẩu của tỉnh đã tiếp cận thị trường ở 126 nước và vùng lãnh thổ, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến và một số sản phẩm có giá trị cao, giảm dần tỷ trọng hàng thô. Các loại hình dịch vụ như: vận tải, hậu cần được đầu tư nâng cấp, bưu chính viễn thông và internet tiếp tục phát triển, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Du lịch phát triển khá mạnh; hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được tăng cường; các loại hình du lịch tiếp tục phát triển. Lượng khách du lịch đến Bến Tre tăng bình quân 16,3%/năm, doanh thu từ du lịch tăng bình quân 26%/năm.

* Định hướng phát triển kinh tế tác động đến phát triển nhà ở

Căn cứ theo Nghị quyết số 09-NQ/ĐH ngày 16/10/2020 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, theo đó mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 như sau:

- Đến năm 2025: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt từ 8,5 - 9,5%/năm. GRDP bình quân đầu người phấn đấu tăng gấp đôi năm 2020 (khoảng 87 triệu).

- Đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân đạt 12 - 13%.

GRDP bình quân đầu người đạt mức bình quân của cả nước.

Căn cứ theo Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 29/01/2021 của Tỉnh ủy Bến Tre về phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Bến Tre sẽ phát triển về hướng Đông nhằm:

- Cải tạo cảnh quan biển, mở ra không gian phát triển mới cho địa phương và khu vực, thúc đẩy liên kết trong toàn vùng; là động lực tạo sự đột phá trong phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre.

- Khai thác và sử dụng hiệu quả lợi thế kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh và thích ứng với biến đổi khí hậu; ưu tiên tuyến giao thông động lực ven biển và các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, cảng biển, logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo, khu đô thị - dịch vụ - du lịch tổng hợp, nông nghiệp giá trị gia tăng cao...

Như vậy với các định hướng tăng trưởng kinh tế cao, dự kiến phát triển nhà ở cũng được tác động mạnh mẽ do một số yếu tố:

- GRDP tăng cao, thu nhập bình quân của người dân được cải thiện, khả năng chi trả cho nhà ở tăng lên, tạo điều kiện kích cầu cho thị trường bất động sản.

- Kinh tế phát triển, là động lực thu hút nguồn nhân lực dồi dào di chuyển về tỉnh, dẫn đến nhu cầu của thị trường nhà ở tăng cao, đặc biệt là phân khúc nhà trọ cho thuê, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp...

- Các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các khu công nghiệp, khu đô thị được đầu tư, hình thành mới là điều kiện tốt để phát triển các dự án nhà ở trong tương lai.

3.2. Cơ cấu và hướng dịch chuyển kinh tế

Quy mô và cơ cấu tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh Bến Tre năm 2020 theo giá hiện hành ước đạt 53.250 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 44,1 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu nền kinh tế có sự dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, và các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng khá, giá trị sản xuất tăng bình quân 13,1%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến và các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được đầu tư; các khu công nghiệp cơ bản được lấp đầy và hoạt động ổn định; Công tác hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến công, phát triển tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống được chú trọng; nhiều sản phẩm truyền thống của địa phương và một số sản phẩm mới được thị trường chấp nhận, có xu hướng phát triển tốt.

Trong giai đoạn 2015-2020, tỷ trọng các ngành kinh tế dịch chuyển theo đúng hướng, tiếp tục phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh, ngoài ra tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp và xây dựng.

Với kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua, đã nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn tỉnh, tác động tích cực đến cung, cầu nhà ở trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Đó sẽ là một động lực, nguồn lực giúp cải thiện đời sống xã hội của người dân khi được thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế của tỉnh. Từ những thành quả phát triển kinh tế giúp nâng cao chất lượng nhà ở đối với người dân thuận lợi hơn.

CHƯƠNG II. HIỆN TRẠNG NHÀ Ở TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Phân tích hiện trạng nhà ở trên địa bàn tỉnh

1.1. Số lượng và diện tích nhà ở

Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 01/04/2019 và kết quả khảo sát, tính toán về công tác phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Bến Tre, hiện trạng chung về nhà ở trên địa bàn tỉnh như sau:

- Trên địa bàn tỉnh có khoảng 400.391 căn nhà với tổng diện tích sàn nhà ở là 36.377.203 m².

- Diện tích nhà ở bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh Bến Tre là 28,2 m² sàn/người. Trong đó khu vực thành thị là 27,6 m² sàn/người và khu vực nông thôn là 28,3 m² sàn/người.

BIỂU ĐỒ 2.1. DIỆN TÍCH NHÀ Ở BÌNH QUÂN ĐẦU NGƯỜI TOÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2009 - 20191

BIỂU ĐỒ 2.2. TỔNG DIỆN TÍCH NHÀ Ở TOÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2009 - 20192

BẢNG 2.1. SỐ LƯỢNG NHÀ Ở TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2009-20193

STT

Thời gian

Tổng số căn

Tổng diện tích sàn (m2)

Diện tích bình quân đầu người (m2/người)

1

Năm 2009

358.691

28.639.901

22,8

2

Năm 2019

400.391

36.377.203

28,2

Có thể thấy trong giai đoạn 10 năm, nhu cầu phát triển nhà ở ngày càng tăng cao; đặc biệt tại khu vực đô thị lượng nhà ở tăng thêm sau 10 năm gần bằng với lượng nhà ở có tại thời điểm năm 2009, qua đó cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu nhập người dân trên địa bàn tỉnh Bến Tre ngày càng được cải thiện. Nhu cầu về nhà ở tập trung vào khu vực đô thị, khả năng tích lũy để đầu tư vào căn nhà ở ngày càng được chú trọng, các căn nhà cũ kỹ xuống cấp dần dần được nâng cấp hoặc tháo dỡ xây dựng mới thành những căn nhà khang trang kiên cố theo quy hoạch, góp phần cải tạo bộ mặt các khu dân cư đô thị, các điểm dân cư, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngày càng đẹp và hiện đại.

1.2. Chất lượng nhà ở

Lượng nhà ở kiên cố và nhà bán kiên cố trên địa bàn tỉnh chiếm 86 %, nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ chiếm 14 %. Cụ thể như sau:

BẢNG 2.2. CHẤT LƯỢNG NHÀ Ở TOÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2009-2019

Đơn vị: căn nhà

STT

Thời gian

Tổng số căn nhà

Nhà ở kiên cố và bán kiên cố

Nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ

1

Năm 2009

358.691

227.818

130.873

3

Năm 2019

400.391

344.484

55.907

(Nguồn: Tổng cục Thống kê và tính toán của HRC)

Sau giai đoạn 10 năm, nhà ở tăng thêm trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhà ở kiên cố và bán kiên cố (tăng 51%). Lượng nhà ở kiên cố và bán kiên cố tăng thêm này phần lớn là nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ được người dân cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng lại; nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ đến nay chỉ còn 14% so với thời điểm 2009 (giảm gần 75 nghìn căn).

Chất lượng nhà ở của người dân trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, lượng nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ trên địa bàn tỉnh vẫn còn 55.907 căn, các căn nhà này chủ yếu là nhà ở của các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và người có thu nhập thấp.

BẢNG 2.3. CHẤT LƯỢNG NHÀ Ở TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

STT

Đơn vị hành chính

Số căn nhà

Chất lượng nhà ở (căn)

Nhà ở kiên cố và bán kiên cố

Nhà ở thiếu kiên cố và đơn

 

Toàn tỉnh

400.391

344.504

55.887

1

Thành phố Bến Tre

41.274

39.689

1.585

2

Huyện Châu Thành

57.563

53.056

4.507

3

Huyện Chợ Lách

32.851

29.359

3.492

4

Huyện Mỏ Cày Bắc

34.289

28.909

5.380

5

Huyện Mỏ Cày Nam

45.643

38.691

6.951

6

Huyện Giồng Trôm

53.883

44.885

8.999

7

Huyện Bình Đại

42.610

36.138

6.472

8

Huyện Ba Tri

54.398

46.662

7.735

9

Huyện Thạnh Phú

37.880

27.114

10.765

1.3. Mật độ nhà ở và mật độ dân số

Bến Tre là tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long với đặc thù có nhiều hệ thống kênh rạch. Đa số dân cư nông thôn phân bố tự nhiên theo các tuyến đường giao thông thủy bộ. Trên các tuyến dân cư đó, cứ cách khoảng 6 km hình thành các điểm, cụm dân cư nông thôn giống như thị tứ, đô thị thu nhỏ.

Với hình thái phân bố dân cư phân tán không tập trung, tập quán liền canh liền cư; gây nhiều trở ngại cho việc cải thiện các dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế.., các cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông thôn như: giao thông, cấp nước, cấp điện… Sự phân tán dân cư trải dài còn làm ngành dịch vụ kém phát triển tại các vùng nông thôn.

Dân số tỉnh Bến Tre là 1.288.463 người. Trong vòng 10 năm (2009-2019) dân số toàn tỉnh tăng thêm 32.327 người so với thời điểm năm 20094.

Mật độ dân số toàn tỉnh là 538 người/km2, mật độ nhà ở toàn tỉnh là: 167 căn/km2. Trong đó cao nhất là thành phố Bến Tre: có mật độ dân số 1.763 người/km2, mật độ nhà ở 583 căn nhà/km2; thấp nhất là 03 huyện ven biển Ba Tri, Thạnh Phú và Bình Đại.

BẢNG 2.4. MẬT ĐỘ NHÀ Ở VÀ MẬT ĐỘ DÂN SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ST T

Đơn vị hành chính

DTBQ (m2/người)

Dân số (người)

Tổng số căn nhà

Mật độ dân số (người/km2)

Mật độ nhà ở (căn/km2)

Toàn tỉnh

28,20

1.289,098

400.391

538

167

1

Tp. Bến Tre

27,06

124.560

41.156

1.763

583

2

H. Châu Thành

27,06

175.979

57.398

782

255

3

H. Chợ Lách

29,06

111.493

32.757

659

194

4

H. Mỏ Cày Bắc

28,77

113.286

35.338

685

214

5

H. Mỏ Cày Nam

30,41

143.628

45.512

622

197

6

H. Giồng Trôm

27,17

170.051

53.729

544

172

7

H. Bình Đaị

28,25

137.392

42.488

321

99

8

H. Ba Tri

28,09

184.805

54.242

503

148

9

H. Thạnh Phú

28,95

127.904

37.771

300

89

1.4. Hiện trạng công tác phát triển và quản lý nhà ở

Quá trình phát triển tới nay, nhà ở xây mới trên địa bàn tỉnh chủ yếu được phát triển theo loại hình nhà ở riêng lẻ, bao gồm nhà ở riêng lẻ do dân tự xây và nhà ở riêng lẻ phát triển theo dự án nhà ở thương mại.

a) Nhà ở dân tự xây

Nhà ở do dân tự xây dựng chiếm chủ yếu trong tổng số nhà ở hiện hữu và xây mới trên địa bàn tỉnh. Phần lớn nhà ở tự xây phát triển theo các trục đường giao thông, nhà ở được xây dựng từ 1-3 tầng, một số có thể là những căn biệt thự rộng rãi cho tầng lớp giàu có hoặc các ngôi nhà tạm bợ cho người có thu nhập thấp.

Hình 2.1. Nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh, buôn bán tại huyện Bình Đại

Nhà ở tự xây cũng được phát triển nhiều hơn tại các khu vực trung tâm, xây dựng trên nền đất trong các dự án hoặc trên đất ở hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ tại các khu vực trung tâm ngoài mục đích để ở còn là nơi phát triển các dịch vụ thương mại, văn phòng. Nhà ở dân tự xây chủ yếu xây dựng tự phát khiến cho kiến trúc cảnh quan đô thị chưa được hài hòa, các khu nhà ở do dân tự đầu tư xây dựng thể hiện sự chắp vá, đủ mọi hình khối, đường nét, màu sắc. Mặt khác, từ chỉ giới đường đỏ đến chỉ giới xây dựng thường bị người dân tận dụng làm quán bán hàng, kinh doanh, khiến cho bộ mặt kiến trúc đô thị tại nhiều nơi không hài hòa, không đồng nhất.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Bến Tre còn có sự đan xen giữa nhà ở khu dân cư với những nhà ở ven sông rạch tại các đô thị, do vậy không đồng nhất về cảnh quan, đồng thời gây ô nhiễm môi trường cho các đô thị.

b) Nhà ở thương mại

Trên địa bàn tỉnh Bến Tre có 09 dự án phát triển nhà ở đang triển khai thực hiện, có quy mô 146 ha. Một số dự án phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh theo hình thức đầu tư hạ tầng kỹ thuật phân lô, bán nền; một số dự án phát triển nhà ở thương mại theo hình thức xây dựng nhà ở riêng lẻ. Các dự án phát triển nhà ở góp phần đa dạng hóa sản phẩm nhà ở cho người dân lựa chọn, giải quyết một phần nhu cầu nhà ở của người dân.

Hình 2.2. Khu dân cư Hưng Phú, phường Phú Tân, TP. Bến Tre

Nhà ở thương mại chỉ chiếm một phần nhỏ so với lượng nhà ở hiện có trên toàn tỉnh, tất cả đều phát triển dưới dạng nhà ở riêng lẻ, một số dự án hỗn hợp cùng với kinh doanh dịch vụ. Phát triển nhà ở thương mại theo dự án tạo cảnh quan khang trang, hiện đại; hình thành các khu đô thị mới, đồng bộ, có hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh như Khu dân cư Hưng Phú, Khu nhà ở Sơn Đông, thành phố Bến Tre. Nhà ở thương mại phát triển đa dạng về kiểu dáng, không gian kiến trúc cũng như nâng cao tính thẩm mỹ về nội thất và ngoại thất,kiến trúc đẹp, hiện đại và công năng khá hoàn chỉnh.

 



c) Nhà ở công vụ

Trên địa bàn tỉnh có 02 khu nhà ở công vụ tại thành phố Bến Tre được đầu tư xây dựng từ năm 2003 - 2008, bao gồm:

- 46 căn chung cư với tổng diện tích là 1.062 m2 sàn, hiện nay đã bố trí cho thuê 18 căn.

- 31 căn nhà liền kề với tổng diện tích là 1.736 m2 sàn, hiện nay đã bố trí cho thuê 25 căn. (Loại hình nhà liền kề này hiện nay không đạt tiêu chuẩn và không thuộc quy định thiết kế nhà ở công vụ theo Quyết định 27/2015/QĐ-TTg ngày 10/07/2015 của Chính phủ về nhà ở công vụ).

Hiện nay, các cán bộ thuộc diện được điều động, luân chuyển đủ điều kiện được thuê nhà công vụ trên địa bàn tỉnh rất hạn chế, các cán bộ này đa phần đã có nhà ở tại thành phố Bến Tre hoặc không có nhu cầu thuê nhà ở công vụ. Vì vậy, vẫn còn một số căn nhà ở công vụ chưa có đối tượng cho thuê.

Nguồn thu từ việc cho thuê nhà ở công vụ là rất thấp và không đủ kinh phí để sửa chữa, cải tạo thường xuyên khiến cho các khu nhà ở công vụ này đã có dấu hiệu xuống cấp.

d) Nhà ở cho người có thu nhập thấp khu vực đô thị

Việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất nhiều hạn chế. Trên địa bàn tỉnh chỉ có 02 dự án nhà ở xã hội, tổng diện tích sàn xây dựng 26.706 m2 sàn xây dựng với khoảng 242 căn hộ, cụ thể như sau:

- Đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 01 dự án từ năm 2014 là dự án Khu nhà ở cán bộ công nhân viên Gò Đàng, thành phố Bến Tre (giai đoạn 2), quy mô 05 tầng, 42 căn hộ với tổng diện tích sàn xây dựng 2.870,70 m2, hiện nay đã cho thuê 42/42 căn, các công chức, viên chức sống tại đây có hoàn cảnh khó khăn và không có khả năng tạo lập nhà ở. Dự án được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước; do kinh phí bảo trì lớn, nguồn thu từ tiền cho thuê không đủ chi phí để cải tạo khiến khu nhà ở đã có dấu hiệu xuống cấp.

- Đang triển khai thực hiện 01 dự án là Dự án Khu nhà ở xã hội Sơn Đông tại Quốc lộ 57C, xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre có tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 24.835 m2, số căn hộ chung cư: 200 căn, được đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân, dự kiến hoàn thành trong năm 2022.

STT

Dự án

Địa điểm

Số căn

Tổng diện tích sàn (m2)

 

Toàn tỉnh

 

242

26.706

I

Đã hoàn thành

 

 

 

1

Khu nhà ở CB, công nhân viên Gò Đàng

Tp Bến Tre

42

2.871

II

Đang thực hiện

 

 

 

1

Khu nhà ở xã hội Sơn Đông

Tp Bến Tre

200

24.835

Việc phát triển dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của các cấp, bộ ngành, địa phương và người dân. Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội đến nay không cao do gặp phải hạn chế từ nguồn vốn đầu tư và quỹ đất sạch hình thành dự án và không nhận được sự quan tâm của của các nhà đầu tư. Do đó, việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được đáp ứng được kịp thời so với nhu cầu của của các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội.

đ) Nhà ở cho hộ người có công với cách mạng

Thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, theo Đề án tỉnh Bến Tre có 4.862 hộ người có công cần được hỗ trợ, trong đó có 3.212 hộ xây mới và 1.650 hộ sửa chữa. Quá trình thực hiện đến nay, tỉnh đã hoàn thành hỗ trợ cho 4.583 hộ, trong đó có 3.027 hộ xây mới và 2.556 hộ sửa chữa; các hộ xây dựng nhà mới hoặc cải tạo sửa chữa đều đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30 m2, đảm bảo tiêu chí 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng và mái cứng).

Ngân sách thực hiện (gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ đối với trường hợp phải phá dỡ để xây mới nhà ở; hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ đối với trường hợp phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở. Ngoài nguồn kinh được hỗ trợ theo quy định, tỉnh vận động từ nguồn xổ số kiến thiết để hỗ trợ thêm 10 triệu/một căn nhà ở xây dựng mới và 5 triệu/một căn nhà ở thuộc diện sửa chữa. Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các Đoàn thể, đặc biệt là Hội Cựu chiến binh đã tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia ủng hộ, giúp đỡ người có công xây dựng nhà ở bằng nhiều hình thức như: Ủng hộ bằng tiền, vật liệu xây dựng, ngày công lao động để nhà ở xây dựng mới hoặc sửa chữa hoàn thành được khang trang, bền chắc hơn. Đối với những hộ già cả, neo đơn không có khả năng tự tổ chức xây dựng nhà ở, UBND cấp xã tổ chức xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình này.

e) Nhà ở cho hộ gia đình nghèo

Thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính Phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2). Đến nay tỉnh đã hoàn thành hỗ trợ có 958 hộ nghèo xây dựng mới nhà ở (tương đương 92,03% so với số lượng nhà ở theo Đề án rà soát, điều chỉnh lần cuối cùng đã được phê duyệt tại Quyết định số 1058/QĐ- UBND ngày 20/5/2019 là 1.041 căn).

Nhà được xây dựng với kết cấu chính là: Móng, khung, cột bê tông cốt thép; tường xây gạch ống, tô, quét vôi mặt trước (mặt tiền) mái lợp tôn hoặc fibrôximăng; nền láng xi măng hoặc lát gạch ceramic và lắp dựng cửa đi, cửa sổ hoàn chỉnh, đạt chất lượng theo yêu cầu. Diện tích xây dựng trung bình 48 m2 (nhà có diện tích xây dựng nhỏ nhất là 36 m2, nhà có diện tích xây dựng lớn nhất là 70 m2).

h) Hộ gia đình thuộc khu vực nông thôn thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu

Trên địa bàn tỉnh có 6.128 hộ sống trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu. Hiện nay có 1.815 hộ cần được di dời khỏi vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, trong đó có 1.210 hộ có nhu cầu về nhà ở nếu phải di dời.

Hàng năm, dưới ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu và sạt lở thiệt hại về nhà ở bị hư hỏng được thống kê theo số liệu của Niên giám 04 năm qua như sau:

BẢNG 2.7. THỐNG KÊ SỐ LƯỢNG NHÀ Ở THIỆT HAI DO THIÊN TAI

Stt

Thiệt hại về nhà ở do thiên tai

Năm 2015

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

 

Tổng số

52

24

202

21

1

Số nhà bị sập đổ, cuốn trôi

25

01

40

2

2

Nhà bị ngập nước, sạt lở, tốc mái, hư hại

27

23

162

19

(Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Bến Tre)

i) Nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp

Trên địa bàn tỉnh có 01 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2016 là dự án Khu nhà ở công nhân khu công nghiệp Giao Long tại huyện Châu Thành, gồm 07 block (03 block nhà 01 trệt 02 lầu và 04 block nhà 01 trệt 03 lầu), quy mô 407 căn với tổng diện tích sàn xây dựng là 17.054 m2.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 02 khu công nghiệp nằm trên địa bàn huyện Châu Thành. Số lượng công nhân đang làm việc là 35.565 người, đa số là người địa phương, trong đó có 12.916 công nhân đã có chỗ ở ổn định, 22.649 công nhân đang thuê nhà trọ do người dân xây dựng. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có 04 cụm công nghiệp đi vào hoạt động: Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm; An Đức, huyện Ba Tri; Long Phước, huyện Châu Thành và Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc; tỷ lệ lắp đầy khoảng 34%.

BẢNG 2.8. HIỆN TRẠNG VÀ DỰ BÁO NHU CẦU NHÀ Ở CỦA CÔNG NHÂN, NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

Stt

Tên khu công nghiệp

Tỷ lệ lấp đầy (%)

Hiện trạng

Tổng số công nhân

Tổng số công nhân đã có chỗ ở (người

Tổng số CN chưa có chỗ ở (người)

1

KCN Giao Long

100

30.061

10.728

19.368

2

KCN An Hiệp

100

5.504

2.188

3.281

 

Toàn tỉnh

 

35.565

12.916

22.649

k) Nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức

Tính đến nay số lượng cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan toàn tỉnh có 31.617 cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó có:

- 7.300 người trong độ tuổi dưới 30;

- 19.499 người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 40;

- 3.604 người trong độ tuổi từ 41 đến dưới 50 tuổi;

- 1.214 người trong độ tuổi từ 51 đến 60 tuổi.

Qua quá trình khảo sát, những cán bộ công chức, viên chức có độ tuổi trên 30 tuổi (chiếm 77%) đa số đã có nhà ở thuộc sở hữu của riêng mình, không có nhu cầu bức thiết về nhà ở. Còn lại là nhóm cán bộ, công chức, viên chức dưới 30 tuổi là nhóm cán bộ trẻ, mới lập gia đình, nhóm đối tượng này phần lớn có thu nhập thấp, chưa có nhà ở và đang ở chung với gia đình gồm nhiều thế hệ, một số ít phải ở trọ, thuê nhà do làm việc xa nhà, sẽ có nhu cầu tách hộ ở riêng trong thời gian tới.

l) Nhà ở cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề.

Tính đến hết năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 01 trường trung cấp và 02 trường cao đẳng, 01 Phân hiệu Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; tổng số sinh viên đang theo học tại các trường trên là 2.956 sinh viên. Tuy nhiên qua hàng năm, số lượng học sinh, sinh viên tới theo học tại các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn có sự sụt giảm.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 khu kí túc xá với tổng diện tích sàn là 4.752,6 m2, trong đó tổng số chỗ ở tại 02 khu là 312 chỗ, số lượng sinh viên đang ở trong kí túc xá là 165 người. Số lượng sinh viên ở tại kí túc xá thấp là do các kí túc xá xây dựng đã lâu, đã xuống cấp và cần cải tạo sửa chữa lại. Số lượng sinh viên còn lại không ở trong kí túc là ở tại nhà người quen hoặc ở trọ gần trường.

m) Nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ

Theo số liệu báo cáo của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tại Báo cáo số 648/BC- BCH ngày 15 tháng 8 năm 2020, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 34 chiến sĩ đang được bố trí ở tại đơn vị. Tính đến tháng 12/2020 trên địa bàn tỉnh có 34 chiến sĩ có nhu cầu về nhà ở, trong đó có 1 chiến sĩ có nhu cầu ở Ban Chỉ huy quân sự Thạnh Phú còn lại 33 chiến sĩ là ở cơ quan trực thuộc Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Bến Tre.

2. Đánh giá chung về thực trạng nhà ở trên địa bàn tỉnh

2.1. Kết quả đạt được

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bến Tre đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 94/QĐ-UBND ngày 15/01/2014, cụ thể như sau:

BẢNG 2.6. KẾT QUẢ THỰC HIỆN MỘT SỐ CHỈ TIÊU ĐỀ RA TẠI CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TỈNH BẾN TRE ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Stt

Nội dung

Mục tiêu

Đánh giá

Chương trình nhà ở đã được phê duyệt

Đến hết năm 2019

1

Diện tích bình quân (m²/người)

25,4

28,2

Đạt

2

Chất lượng nhà ở

- Nhà ở kiên cố: 75%

- Nhà ở bán kiên cố: 20%

- Nhà ở kiên cố và bán kiên cố: 86%

Chưa đạt

- Thiếu kiên cố và đơn sơ: 5%

- Nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ: 14%

Chưa đạt

2.2. Đánh giá việc thực hiện Chương trình a) Phát triển nhà ở của tỉnh

Trong vòng 10 năm (2009-2019) dân số toàn tỉnh tăng thêm 32.327 người so với thời điểm năm 2009, dân số và nhà ở tập trung cao tại những nơi phát triển du lịch, dịch vụ thương mại như thành phố Bến Tre và tập trung các khu công nghiệp như huyện Châu Thành.

Diện tích nhà ở bình quân đầu người trên toàn tỉnh tăng từ 22,8 m²/người năm 2009 lên 28,2 m²/người năm 2019: Đạt với mục tiêu đề ra của Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bến Tre đến năm 2020. Diện tích nhà ở bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh tăng trưởng ở mức cao (khoảng 0,54 m2/người mỗi năm) và xếp thứ 4 toàn quốc, xếp thứ 2 so với 13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (chỉ xếp sau tỉnh Tiền Giang).

STT

Đơn vị hành chính

Diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh (m2/người)

Diện tích nhà ở bình quân thành thị (m2/người)

Diện tích nhà ở bình quân khu vực nông thôn (m2/người)

So với toàn quốc

So với vùng ĐBSCL

1

Tiền Giang

28,5

26,8

28,8

3

1

2

Bến Tre

28,2

27,6

28,3

4

2

3

Long An

27,5

28,5

27,3

5

3

4

Vĩnh Long

24,9

24,4

25,1

23

4

5

Trà Vinh

23,7

25,6

23,2

33

5

6

Hậu Giang

23,7

25,1

23,3

34

6

7

Cần Thơ

22,5

22,4

22,6

43

7

8

Đồng Tháp

22,1

23,7

21,8

46

8

9

Cà Mau

21,4

22,7

21

47

9

10

An Giang

20,4

21,9

19,7

50

10

11

Sóc Trăng

20,4

21,9

19,7

51

11

12

Kiên Giang

20

22,2

19,2

53

12

13

Bạc Liêu

19

20,8

18,4

58

13

Có thể thấy sự phát triển về nhà ở trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng được nhu cầu của người dân hiện tại và nhu cầu của dân số tăng thêm, tuy nhiên việc phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ tập trung phát triển theo loại hình nhà ở riêng lẻ, bao gồm nhà ở riêng lẻ do dân tự xây và nhà ở riêng lẻ phát triển theo dự án nhà ở thương mại.

BIỂU ĐỒ 2.4. DIỆN TÍCH NHÀ Ở BÌNH QUÂN MỘT SỐ TỈNH KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

b) Chất lượng nhà ở được cải thiện và nâng cao

Nhà ở trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng. Nhà ở tăng thêm trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhà ở kiên cố và bán kiên cố (tăng 51% so với thời điểm 2009), tập trung tại khu vực nông thôn. Lượng nhà ở kiên cố và bán kiên cố tăng thêm này phần lớn là nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ được người dân cải tạo, xây dựng lại hoặc nâng cấp nhà ở hiện có; do vậy lượng nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ giai đoạn này được giảm đi rất nhiều, chỉ còn 43% so với thời điểm 2009 (giảm gần 75.000 căn).

Tuy nhiên, lượng nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ trên địa bàn tỉnh vẫn còn 55.907 căn nhà, các căn nhà này chủ yếu là nhà ở của các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và có thu nhập thấp. Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục quan tâm, phát triển nhà ở một cách bền vững, từng bước cải thiện, xóa bỏ loại hình nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ để đáp ứng với xu hướng phát triển, đảm bảo chất lượng nhà ở và thích ứng với biến đổi khí hậu.

c) Phát triển nhà ở theo những dự án đã thay đổi diện mạo tỉnh, dần hình thành hình ảnh của các khu đô thị hiện đại

Phát triển nhà ở theo dự án có quy mô và đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật, nhiều khu nhà mới khang trang trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng, hình thành các khu đô thị mới, đồng bộ, tương đối hoàn chỉnh. Nhà ở phát triển đa dạng về kiểu dáng, không gian kiến trúc cũng như nâng cao tính thẩm mỹ về nội thất và ngoại thất, có kiến trúc đẹp, hiện đại, hạ tầng và công năng khá hoàn chỉnh.

Phát triển nhà ở theo dự án mang đến hình ảnh của các khu đô thị khang trang, hiện đại và cần phải được khuyến khích và tạo điều kiện phát triển trong thời gian tới.

d) Nhà ở xã hội

Việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất nhiều hạn chế. Trên địa bàn tỉnh chỉ có 02 dự án nhà ở xã hội, tổng diện tích sàn xây dựng 26.706 m2 sàn xây dựng với khoảng 242 căn hộ.

Mặc dù thời gian vừa qua đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, bộ ngành, địa phương và người dân, tuy nhiên kết quả phát triển nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh; một phần do gặp phải hạn chế từ nguồn vốn đầu tư và quỹ đất sạch hình thành dự án, một phần do không nhận được sự quan tâm của của các nhà đầu tư. Do đó, việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được đáp ứng được kịp thời so với nhu cầu của của các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội.

đ) Phát triển nhà ở theo các chương trình hỗ trợ hộ nghèo, người có công với cách mạng về nhà ở theo các đề án được duyệt

- Đối với Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ: tỉnh Bến Tre đã hỗ trợ hộ nghèo vay vốn xây dựng nhà ở hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng 785 căn. Các hộ gia đình được vay tối đa 25 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở. Tiến độ thực hiện trong 5 năm 2016-2020.

- Đối với Chương trình hỗ trợ hộ gia đình người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ: đến nay đã hoàn thành hỗ trợ cho 4.583 hộ, trong đó có 3.027 hộ xây mới và 2.556 hộ sửa chữa.

Mặc dù quá trình thực hiện còn một số khó khăn vướng mắc tồn tại, nhưng nhìn chung kết quả đạt được của chính sách đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp người dân có được nhà ở an toàn, ổn định, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống về vật chất và tinh thần.

Ngoài ra việc thực hiện chính sách đã khơi dậy tinh thần nhân ái thủy chung “Tương thân tương ái” của dân tộc, thể hiện được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với những người và gia đình đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, với những hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở.

2.3. Những tồn tại

- Trong giai đoạn 2014-2020, chỉ tiêu về chất lượng nhà ở đặt ra trong chương trình vẫn chưa được hoàn thành.

- Trình tự thủ tục về lựa chọn chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở, chấp thuận đầu tư dự án khu đô thị mới còn nhiều bất cập, chồng chéo, mất nhiều thời gian chưa có sự thống nhất giữa quy trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án khu đô thị giữa Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Đất đai mới dẫn đến nhiều dự án nhà ở, đô thị chậm tiến độ.

- Việc phát triển các dự án nhà ở xã hội đặc biệt nhà ở công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu cho người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Công tác quản lý đất đai còn vướng mắc trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án còn gặp nhiều khó khăn. Đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng chưa phù hợp với thực tế và thấp so với các địa phương lân cận; còn thiếu sự đồng thuận của người dân trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án...

- Việc thu hút các nhà đầu tư xây dựng phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, kém hiệu quả.

- Công tác huy động vốn để thực hiện dự án còn gặp nhiều khó khăn do quá trình thắt chặt tín dụng của Chính phủ; một số chủ đầu tư huy động vốn chưa đảm bảo các quy định của pháp luật;

- Cán bộ làm công tác quản lý phát triển nhà ở cấp huyện, cấp xã thường kiêm nhiệm không có cán bộ chuyên trách.

2.4. Nguyên nhân

- Hệ thống các văn bản quản lý nhà nước về lĩnh vực quản lý phát triển nhà ở, khu đô thị thay đổi, thiếu tính ổn định, chưa có sự thống nhất gây khó khăn trong công tác chỉ đạo điều hành tăng thủ tục hành chính (như Luật Nhà ở 2014, Luật Đầu tư 2014; Luật Quy hoạch đô thị; Luật Xây dựng, Nghị định 71/2010/NĐ- CP và Nghị định 11/2013/NĐ-CP , Nghị định 99/2015/NĐ-CP ...);

- Về đầu tư nhà ở xã hội hiện nay trên địa bàn tỉnh thực hiện chủ yếu từ vốn của doanh nghiệp; do vốn đầu tư bỏ ra lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận không cao; mặt khác gói hỗ trợ lãi suất vay của trung ương chậm triển khai, lượng vốn hỗ trợ cho vay lãi suất thấp thông qua ngân hàng chính sách địa phương thấp. Do vậy, việc kêu gọi đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn; ngoài ra thủ tục hành chính lựa chọn chủ đầu tư còn vướng mắc do quy định của pháp luật về công tác lựa chọn chủ đầu tư còn chồng chéo, chưa cụ thể, quy trình thực hiện nhiều bước, thủ tục phức tạp nên trong thực hiện mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng lớn đến việc thu hút đầu tư.

- Việc phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu do nhiều nguyên nhân:

+ Quỹ đất ở riêng lẻ trên địa bàn tỉnh còn nhiều, mức giá đa dạng, phù hợp với thu nhập của người dân nên có nhiều sự lựa chọn thay vì mua nhà ở tại dự án nhà ở xã hội khiến cho các nhà đầu tư chưa quan tâm đến loại hình này.

+ Các doanh nghiệp, tổ chức không mặn mà đầu tư nhà ở xã hội do lợi nhuận thấp, nhiều thủ tục, nội dung phức tạp,…

+ Một số nhà đầu tư các dự án trong khu công nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng, chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.

- Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng còn gặp khó khăn do đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng chưa phù hợp với thực tế và thấp; còn thiếu sự đồng thuận của người dân trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án...

- Ngoài ra thì công tác phối hợp tại một số cấp chính quyền còn hạn chế, chưa tạo được sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng phát triển nhà ở,… Dẫn đến huy động nguồn lực xã hội hóa, thu hút đầu tư phát triển các dự án nhà ở chưa đạt kết quả như mong muốn, đặc biệt là nhà ở xã hội.

CHƯƠNG III. DỰ BÁO NHU CẦU NHÀ Ở, KHẢ NĂNG CUNG ỨNG PHÁT TRIỂN NHÀ Ở

1. Cơ sở dự báo nhu cầu nhà ở tỉnh

1.1. Các yêu cầu khi dự báo nhu cầu nhà ở

Để phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh cần những yếu tố sau:

- Phát triển nhà ở gắn liền với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho nên hoàn thành các mục tiêu này là yếu tố quan trọng để công tác phát triển nhà ở đạt hiệu quả cao.

- Bên cạnh sử dụng nguồn vốn Ngân sách và nguồn vốn của doanh nghiệp, cần huy động được nguồn vốn của các hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển nhà ở.

- Bố trí đủ quỹ đất để triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

- Thực hiện nâng cấp, đầu tư mới hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội để đảm bảo tính đồng bộ với công tác phát triển nhà ở.

1.2. Cơ sở dự báo nhu cầu nhà ở

Chỉ tiêu nhà ở trên địa bàn tỉnh được dự báo dựa trên cơ sở về sự gia tăng dân số, chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân từng giai đoạn và quy mô phát triển đô thị theo quy hoạch. Cụ thể:

- Mục tiêu phát triển về kinh tế - xã hội của tỉnh, tốc độ tăng trưởng GRDP; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025;

- Sự gia tăng dân số dựa trên cơ sở Nghị quyết về phát triển đô thị tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030;

- Việc phát triển các dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở xã hội, nhà ở dân tự xây trên địa bàn tỉnh.

2. Dự báo nhu cầu nhà ở

2.1. Nhu cầu chung về nhà ở

Công thức dự báo nhu cầu nhà ở:

ST = Sbq x Ds (m²)

Trong đó: ST là tổng diện tích nhà ở

Sbq là diện tích nhà ở bình quân đầu người

Ds là dân số toàn tỉnh

a) Dự báo dân số

Theo nghiên cứu quá trình phát triển dân số từ năm 2010 đến năm 2019, dự báo dân số tỉnh tương lai theo tỷ lệ tăng trung bình hàng năm của tỉnh theo công thức:

Dt = D0 * (1+r)t

Trong đó:

Dt là dân số năm dự báo

D0 là dân số năm 2019

r: tốc độ tăng trưởng dân số trung bình

t: Khoảng cách giữa năm dự báo và năm 2019

Căn cứ số liệu dân số theo niên giám thống kê (từ 2005-2019):

BẢNG 3.1. THỐNG KÊ DÂN SỐ TOÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2005-2019

Stt

Năm

Dân số toàn tỉnh (người)

1

Năm 2005

1.273.184

2

Năm 2006

1.269.305

3

Năm 2007

1.264.769

4

Năm 2008

1.259.611

5

Năm 2009

1.256.136

6

Năm 2010

1.259.394

7

Năm 2011

1.262.660

8

Năm 2012

1.266.735

9

Năm 2013

1.269.718

10

Năm 2014

1.272.510

11

Năm 2015

1.275.810

12

Năm 2016

1.278.619

13

Năm 2017

1.282.437

14

Năm 2018

1.285.963

15

Năm 2019

1.289.098

(Nguồn: Niên giám thống kê từ năm 2010 đến năm 2019)

Căn cứ hiện trạng dân số toàn tỉnh từ năm 2005 - 2019; căn cứ Nghị quyết về phát triển đô thị tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2025, theo đó mục tiêu đến năm 2030, thành phố Bến Tre đạt đô thị loại I với 500.000 dân; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 27%, đến năm 2030 đạt 45%, dự báo dân số toàn tỉnh đến năm 2025 và 2030 như sau:

BẢNG 3.2. HIỆN TRẠNG VÀ DỰ BÁO DÂN SỐ TOÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2030

Stt

Khu vực

Hiện trạng năm 2020

Dự báo đến năm 2025

Dự báo đến năm 2030

 

Toàn tỉnh

1.293.134

1.532.681

1.816.602

1

Khu vực đô thị

265.323

413.824

817.471

2

Khu vực nông thôn

1.027.811

1.118.857

999.131

b) Dự báo nhu cầu diện tích nhà ở tăng thêm trên cơ sở đạt được mục tiêu quốc gia về nhà ở

Căn cứ quyết định 2127/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược nhà ở quốc gia, theo đó mục tiêu đến năm 2030 trung bình toàn quốc đạt 30 m2 sàn/người. Để đạt được mục tiêu đó, dự báo tổng diện tích sàn lũy kế đến thời điểm năm 2030 như sau:

BẢNG 3.5. DỰ BÁO DIỆN TÍCH NHÀ Ở VÀ DIỆN TÍCH NHÀ Ở BÌNH QUÂN

Stt

Năm

Diện tích nhà ở bình quân (m2/người)

Dự báo dân số (người)

Lũy kế tổng diện tích sàn nhà ở (m2)

1

Năm 2020

28,4

1.293.134

36.677.983

2

Năm 2021

28,5

1.337.843

38.165.013

3

Năm 2022

28,7

1.384.098

39.711.024

4

Năm 2023

28,9

1.431.952

41.318.319

5

Năm 2024

29,0

1.481.460

42.989.286

6

Năm 2025

29,2

1.532.681

44.726.406

7

Năm 2026

29,3

1.585.672

46.532.258

8

Năm 2027

29,5

1.640.495

48.409.516

9

Năm 2028

29,7

1.697.214

50.360.960

10

Năm 2029

29,8

1.755.893

52.389.476

11

Năm 2030

30

1.816.602

54.498.060

Dự báo đến năm 2025 diện tích nhà ở bình quân của tỉnh đạt 29,2 m²/người; đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh đạt 30,0 m²/người.

Nhu cầu diện tích nhà ở tăng thêm mỗi giai đoạn như sau:

BẢNG 3.6. DIỆN TÍCH NHÀ Ở TĂNG THÊM QUA CÁC GIAI ĐOẠN

Giai đoạn

2021-2025

2026-2030

Diện tích nhà ở tăng thêm (m2)

8.078.424

9.771.654

c) Nhu cầu nhà ở riêng lẻ và chung cư

Dựa trên tình hình phát triển dân số và diện tích nhà ở bình quân đầu người đến năm 2025 và năm 2030, nhu cầu diện tích nhà ở tăng thêm của tỉnh qua các giai đoạn như sau:

BẢNG 3.7. TỔNG DIỆN TÍCH NHÀ Ở TỈNH QUA CÁC GIAI ĐOẠN

Khu vực

31/12/2020

Dự báo đến năm 2025

Dự báo đến năm 2030

Dân số (người)

DTBQ (m2/người)

Diện tích (m2)

Dân số (người)

DTBQ (m2/người)

Diện tích (m2)

Dân số (người)

DTBQ (m2/người)

Diện tích (m2)

Toàn tỉnh

1.293.134

28,4

36.677.983

1.532.681

29,2

44.726.406

1.816.602

30,0

54.498.060

Như vậy, nhu cầu nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 cần tăng thêm 17.820.077 m² sàn; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 là 8.078.424 m2 sàn; giai đoạn 2026 - 2030 là 9.771.654 m2 sàn.

Theo Kết quả khảo sát nhu cầu nhà ở của Trung tâm HRC, hiện nay người dân trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã có nhu cầu về nhà ở chung cư, tập trung chủ yếu tại các dự án nhà ở xã hội và tại khu vực lõi đô thị, ước tính chiếm 12% diện tích nhà ở dự án đang triển khai tại khu vực đô thị:

BẢNG 3.8. NHU CẦU PHÁT TRIỂN NHÀ Ở CHUNG CƯ VÀ RIÊNG LẺ

STT

Loại nhà ở

Giai đoạn 2021 - 2025 (m²)

Giai đoạn 2026 - 2030 (m²)

 

Nhà ở tăng thêm toàn tỉnh

8.078.424

9.771.654

 

Nhà ở tăng thêm theo dự án đang triển khai 5

285.359

322.655

1

Nhà ở chung cư

34.243

38.719

2

Nhà ở riêng lẻ

8.014.181

9.732.935

Dự báo nhu cầu nhà ở riêng lẻ đến năm 2025 là 8.014.181 m² sàn. Nhu cầu nhà ở chung cư trên địa bàn tỉnh là 34.243 m² sàn.

Dự báo nhu cầu nhà ở riêng lẻ trong giai đoạn 2026 - 2030 là 9.732.935 m² sàn. Nhu cầu nhà ở chung cư trên địa bàn tỉnh là 38.719 m² sàn.


BẢNG 3.9. DỰ BÁO DÂN SỐ, NHU CẦU NHÀ Ở CỦA TỪNG ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH ĐẾN NĂM 2025, 2030

TT

Đơn vị hành chính

Hiện trạng 31/12/2020

Dự báo đến năm 2025

Dự báo đến năm 2030

Dân số (người)

Diện tích bình quân (m2/người)

Diện tích (m2)

Dân số (người)

Diện tích bình quân (m2/người)

Diện tích (m2)

Dân số (người)

Diện tích bình quân (m2/người)

Diện tích (m2)

 

Toàn tỉnh

1.293.134

28,4

36.677.983

1.532.681

29,2

44.726.406

1.816.602

30,0

54.498.060

 

Khu vực đô thị

265.323

28,0

7.429.044

413.824

30,0

12.414.713

817.471

31,0

25.341.598

 

Khu vực nông thôn

1.027.811

28,5

29.248.939

1.118.857

28,9

32.311.694

999.131

29,2

29.156.462

1

Thành phố Bến Tre

127.543

28,0

3.564.973

283.665

31,1

8.810.453

499.304

30,2

15.063.008

2

Huyện Châu Thành

175.993

27,1

4.766.101

181.119

27,3

4.938.338

185.378

27,8

5.148.965

3

Huyện Chợ Lách

111.462

29,1

3.240.613

113.696

29,2

3.315.682

116.473

29,4

3.425.588

4

Huyện Mỏ Cày Nam

113.364

28,8

3.266.956

121.251

29,1

3.531.967

131.189

29,5

3.864.561

5

Huyện Mỏ Cày Bắc

143.670

30,4

4.372.150

148.427

30,5

4.531.987

153.538

30,9

4.742.613

6

Huyện Giồng Trôm

170.031

27,2

4.621.352

172.265

27,3

4.696.422

175.042

27,5

4.806.328

7

Huyện Bình Đại

137.743

28,4

3.907.113

160.262

29,1

4.663.707

177.297

31,5

5.589.033

8

Huyện Ba Tri

185.185

28,2

5.218.240

208.331

28,8

5.995.891

226.786

30,6

6.945.094

9

Huyện Thạnh Phú

128.144

29,0

3.720.485

143.664

29,5

4.241.959

151.597

32,4

4.912.869

 (Nguồn: Tính toán của HRC)


2.2. Nhu cầu nhà ở của các nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội

a) Hộ gia đình người có công với cách mạng

Trong giai đoạn tới số hộ người có công có nhu cầu về nhà ở như sau:

- Giai đoạn 2021-2025: có 1.144 hộ người có công có nhu cầu về nhà ở.

- Giai đoạn 2026-2030: có 1.159 hộ người có công có nhu cầu về nhà ở.

BẢNG 3.10. NHU CẦU HỖ TRỢ NHÀ Ở CHO HỘ NGƯỜI CÓ CÔNG GIAI ĐOẠN 2021- 2030

TT

Đơn vị hành chính

Dự báo nhu cầu hỗ trợ nhà ở (hộ)

2021- 2025

2026-2030

1

Thành phố Bến Tre

13

0

2

Huyện Châu Thành

53

71

3

Huyện Chợ Lách

58

68

4

Huyện Mỏ Cày Nam

206

200

5

Huyện Mỏ Cày Bắc

171

42

6

Huyện Giồng Trôm

188

139

7

Huyện Bình Đại

85

230

8

Huyện Ba Tri

178

244

9

Huyện Thạnh Phú

192

165

 

TOÀN TỈNH

1144

1159

b) Hộ nghèo

Trên địa bàn tỉnh hiện có 18.853 hộ nghèo. Trong giai đoạn tới, số hộ gia đình cần hỗ trợ cụ thể như sau:

- Giai đoạn 2021-2025: có 3.536 hộ nghèo có nhu cầu về nhà ở.

- Giai đoạn 2026-2030: có 3.077 hộ nghèo có nhu cầu về nhà ở.

Dự kiến thực hiện hỗ trợ các hộ gia đình này thông qua việc cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội kết hợp với mở rộng quy mô và phạm vi hỗ trợ của các quỹ từ thiện cùng với sự đóng góp của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm.

BẢNG 3.11. NHU CẦU HỖ TRỢ NHÀ Ở CHO HỘ NGHÈO GIAI ĐOẠN 2021- 2030

TT

Đơn vị

Hộ nghèo (hộ)

Tổng số hộ nghèo

Nhu cầu hỗ trợ nhà ở dự kiến

2021-2025

2026-2030

1

TP.Bến Tre

444

24

7

2

Châu Thành

1.587

186

164

3

Bình Đại

3.467

252

44

4

Ba Tri

3.700

508

423

5

Giồng Trôm

3.062

1.117

949

6

Mỏ Cày Nam

2.185

800

1.000

7

Mỏ Cày Bắc

1.246

123

94

8

Thạnh Phú

2.530

342

220

9

Chợ Lách

1.076

184

183

 

Tổng cộng

18.853

3.536

3.077

c) Hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu

Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 1.815 hộ cần được di dời khỏi vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; trong đó sẽ có 1.210 hộ gia đình có nhu cầu về nhà ở nếu phải di dời.

Đặc thù của nhóm đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội này là nhà ở phân tán tại khu vực nông thôn, những huyện thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt khác.

Vì vậy trong giai đoạn tới cần bố trí quỹ đất tái định cư hoặc nhà ở tái định cư để thực hiện di dời những hộ bị ảnh hưởng này ra khỏi vùng nguy hiểm, dự báo trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2025 số hộ phải di dời có nhu cầu về nhà ở là 992 hộ, giai đoạn 2026-2030 là 799 hộ.

d) Người thu nhập thấp khu vực đô thị

Trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 72.097 lao động tại khu vực đô thị. Trừ đi những đối tượng trùng lặp khác, toàn tỉnh còn lại khoảng 10.000 lao động tại khu vực đô thị là đối tượng thuộc diện thu nhập thấp. Các đối tượng thu nhập thấp có hộ khẩu tại địa phương phần lớn đã có nhà ở hoặc ở chung với gia đình (đối với người lao động trẻ), các đối tượng là người lao động ngoại tỉnh mới dịch chuyển đến chủ yếu phải thuê nhà hoặc ở nhờ nhà người thân. Vì vậy trong thời gian tới, cần đẩy mạnh phát triển loại hình nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị.

đ) Công nhân, người lao động tại khu công nghiệp

Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được đầu tư, các khu công nghiệp cơ bản được lấp đầy và hoạt động ổn định: Khu công nghiệp Phú Thuận, huyện Bình Đại đang được tập trung triển khai: 10 cụm công nghiệp đã được thành lập: trong đó có 04 cụm đi vào hoạt động là Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm; An Đức, huyện Ba Tri; Long Phước, huyện Châu Thành và Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, tỷ lệ lấp đầy 34%. Với sự gia tăng về tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp và sự gia tăng về số lượng công nhân, phát triển các cụm công nghiệp, dự báo nhu cầu về nhà ở công nhân trong các giai đoạn tiếp theo như sau:

- Giai đoạn 2021-2025: khoảng 40.950 công nhân có nhu cầu về nhà ở.

- Giai đoạn 2026-2030: khoảng 10.000 công nhân có nhu cầu về nhà ở.

Vì vậy để đáp ứng được nhu cầu về nhà ở cho công nhân trong giai đoạn tới, cần kêu gọi các doanh nghiệp sử dụng lao động đầu tư xây dựng loại hình nhà ở cho công nhân, ngoài ra cần phát triển các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp ngoài khu công nghiệp để các công nhân có điều kiện thực hiện mua, thuê, thuê mua.

Ngoài ra để thu hút thêm nguồn lực lao động trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh, cần ưu tiên phát triển nhà ở và hạ tầng nhà ở xã hội gần sát các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

e) Cán bộ, công chức, viên chức

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 31.617 cán bộ, công chức, viên chức hiện đang làm việc tại các cơ quan và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Trong đó có:

- 7.300 người trong độ tuổi dưới 30;

- 19.499 người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 40;

- 3.604 người trong độ tuổi từ 41 đến dưới 50 tuổi;

- 1.214 người trong độ tuổi từ 51 đến 60 tuổi.

Qua quá trình khảo sát cho thấy, những cán bộ công chức, viên chức có độ tuổi trên 30 đa số đã có nhà ở thuộc sở hữu của riêng mình, không có nhu cầu bức thiết về nhà ở. Còn lại là nhóm cán bộ, công chức, viên chức dưới 30 tuổi là nhóm cán bộ trẻ, mới lập gia đình, nhóm đối tượng này phần lớn có thu nhập thấp, chưa có nhà ở và đang ở chung với gia đình gồm nhiều thế hệ, một số ít phải ở trọ, thuê nhà do làm việc xa nhà, sẽ có nhu cầu tách hộ ở riêng trong thời gian tới. Trong giai đoạn 2021-2030, ước tính có khoảng 4.200 cán bộ, công chức, viên chức có nhu cầu về nhà ở.

h) Sinh viên, học sinh trên địa bàn tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 02 ký túc xá của Trường Cao đẳng Bến Tre được xây dựng vào năm 1998 và trường Cao đẳng Đồng Khởi được xây dựng vào năm 2013 với diện tích sàn 2.772,6 m2, có 62 phòng với 420 sinh viên, trong đó có 165 sinh viên đang ở. Các ký túc xá của các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh phần lớn đều đã xây dựng từ lâu, đã xuống cấp, chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu về chỗ ở cho sinh viên. Vì vậy trong thời gian tới, cần thực hiện kêu gọi các cơ sở đào tạo đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng quy mô ký túc xá hiện có để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho sinh viên. Bên cạnh đó, xem xét phát triển loại hình nhà trọ do người dân tự xây với thiết kế phù hợp đảm bảo điều kiện sinh hoạt và học tập để cho sinh viên thuê trọ.

Dự báo đến năm 2025 có 490 sinh viên có nhu cầu nhà ở, giai đoạn 2026-2030 có 670 sinh viên có nhu cầu nhà ở.

i) Cán bộ, công nhân viên chức thuộc đơn vị lực lượng vũ trang

Theo số liệu tổng hợp của Ban chỉ huy Quân sự tỉnh, hiện nay Ban chỉ huy Quân sự tỉnh đã bố trí chỗ ở cho 34 cán bộ, chiến sỹ tại đơn vị, nơi công tác. Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất nhiều cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị lực lượng vũ trang chưa có nhà ở. Tính đến hết tháng 12/2020, vẫn còn 34 cán bộ, chiến sĩ có nhu cầu về nhà ở, trong đó cơ quan trực thuộc Bộ chỉ huy ở Thành phố Bến Tre là 33 người và Ban chỉ huy Quân sự huyện Thạnh Phú là 1 người. Dự báo đến năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 có 39 và 36 cán bộ chiến sĩ có nhu cầu về nhà ở. Xem xét xây dựng nhà ở cho các cán bộ, chiến sỹ chưa có nhà ở trong thời gian tới.

k) Nhà ở phục vụ tái định cư

Trong thời gian qua, việc di dời giải tỏa người dân ra khỏi vùng bị ảnh bởi thiên tai và tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng từ các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dùng vốn ngân sách nhà nước đang được thực hiện thông qua hình thức hỗ trợ bằng tiền, đất nền, hoặc cả bằng tiền và đất nền để người dân tái định cư tự xây dựng nhà ở.

Qua quá trình điều tra khảo sát, tại các địa phương vẫn có nhiều hộ gia đình có có nhu cầu tái định cư bằng nhà ở. Vì vậy, giai đoạn tới ngoài việc tiếp tục thực hiện việc bồi thường, tái định cư thông qua hình thức hỗ trợ bằng tiền và đất nền, hoặc cả bằng tiền để người dân tự xây dựng nhà ở thì cần đầu tư xây dựng loại hình nhà ở tái định cư, đảm bảo chỗ ở cho người dân có nhu cầu.

3. Nhu cầu về vốn đầu tư

* Cách xác định nguồn vốn phát triển nhà ở:

“Nguồn vốn” = “Diện tích sàn” x “Suất vốn đầu tư xây dựng”

Trong đó:

- Diện tích sàn là diện tích dự kiến hoàn thành của các loại nhà ở;

- Suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở căn cứ theo Quyết định số 65/QĐ-BXD ngày 20/01/2021 của Bộ Xây dựng công bố suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2020.

BẢNG 3.10. SUẤT VỐN ĐẦU TƯ NHÀ Ở

TT

Các loại nhà ở

Suất vốn đầu tư giai đoạn 2020-2025
(triệu đồng/m2)

Suất vốn đầu tư giai đoạn 2026-2030
(triệu đồng/m2)

1

Nhà ở thương mại

7,683

9,806

2

Nhà ở xã hội

9,190

11,729

3

Nhà ở tái định cư

7,491

9,561

4

Nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng

5,667

7,233

5

Đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu đô thị cho các dự án phát triển mới

9,0926

12,486

(Suất vốn đầu tư giai đoạn 2026-2030 ước tính trên cơ sở suất vốn đầu tư năm 2020 và trượt giá 5%/năm)

Suất vốn đầu tư căn cứ dựa trên các công trình điển hình của mỗi hình thức phát triển nhà ở sau:

BẢNG 3.11. MÔ TẢ CÔNG TRÌNH ĐIỂN HÌNH

STT

Các loại nhà ở

Mô tả công trình điển hình

I

Nhà ở thương mại

 

1

Dự án đang xây dựng

Nhà từ 2 đến 3 tầng, kết cấu khung chịu lực BTCT; tường bao xây gạch; sàn, mái BTCT đổ tại chỗ

2

Dự án phát triển mới

3

Hạ tầng kỹ thuật

Khu đô thị từ 20-50 ha, mật độ 60% hạ tầng

II

Nhà ở xã hội

 

1

Dự án đang xây dựng

Nhà chung cư từ 7 đến 15 tầng

2

Dự án phát triển mới

3

Hạ tầng kỹ thuật

Khu đô thị dưới 20 ha, mật độ 60% hạ tầng

4

Chi phí bồi thường, GPMB

bồi thường, GPMB M2 đất

III

Nhà ở TĐC

 

1

Đầu tư xây dựng nhà ở

Nhà từ 2 đến 3 tầng, kết cấu khung chịu lực BTCT; tường bao xây gạch; sàn, mái BTCTđổ tại chỗ

2

Hạ tầng kỹ thuật

Khu đô thị dưới 20 ha, mật độ 60% hạ tầng

III

Nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng

 

 

Ngoài dự án

Nhà từ 1 đến 3 tầng, kết cấu khung chịu lực BTCT; tường bao xây gạch; sàn, mái BTCTđổ tại chỗ

* Dự kiến có các nguồn vốn để phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh bao gồm:

- Phát triển nhà ở thương mại bằng nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, ...;

- Nhà ở riêng lẻ tự xây của các hộ gia đình bằng nguồn vốn tích lũy thu nhập của các hộ gia đình;

- Vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng ưu đãi, Ngân hàng chính sách xã hội, ...

- Vốn đầu tư dự án nhà ở tái định cư dự kiến từ nguồn vốn của người dân tự xây dựng nhà ở trên lô nền tái định cư.

- Vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các dự án phát triển mới bao gồm nguồn vốn của các chủ đầu tư thực hiện dự án và nguồn vốn từ Ngân sách nhà nước. Trong đó nguồn vốn Ngân sách nhà nước sử dụng để hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào đối với Dự án nhà ở xã hội (khoảng 30%) và xây dựng toàn bộ hạ tầng kỹ thuật đối với dự án nhà ở tái định cư.

- Vốn Ngân sách nhà nước giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội.


BẢNG 3.12. CƠ CẤU NGUỒN VỐN PHÁT TRIỂN NHÀ Ở GIAI ĐOẠN 2021-2025

STT

Các loại nhà ở

Đơn vị

Quy mô

Suất vốn đầu tư (triệu đồng)

Cơ cấu nguồn vốn giai đoạn 2021 - 2025 (tỷ đồng)

Ngân sách tỉnh

Doanh nghiệp

Người dân

Tổng

I

Nhà ở thương mại

m2 sàn

3.478.124

7,683

0

40.498

0

40.496

1

Dự án đang xây dựng

m2 sàn

258.124

7,683

0

1.983

0

1.983

2

Dự án phát triển mới

m2 sàn

3.220.000

7,683

0

24.741

0

24.739

3

Hạ tầng kỹ thuật

ha

1.515

9.092

 

13.774

 

13.774

II

Nhà ở xã hội

m2 sàn

137.235

9,190

714

2.414

0

3.128

1

Dự án đang xây dựng

m2 sàn

27.235

9,190

0

250

0

250

2

Dự án phát triển mới

m2 sàn

110.000

9,190

0

1.011

0

1.011

3

Hạ tầng kỹ thuật

ha

181

9.092

494

1.153

 

1.647

4

Chi phí bồi thường, GPMB

m2 sàn

110.000

2,0

220

 

 

220

III

Nhà ở TĐC

m2 sàn

695.625

7,491

474

0

5.211

5.685

1

Đầu tư xây dựng nhà ở

m2 sàn

695.625

7,491

0

0

5.211

5.211

2

Hạ tầng kỹ thuật

ha

52

9.092

474

0

 

474

III

Nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng

m2 sàn

3.767.440

5,667

0

0

21.350

21.350

 

Ngoài dự án

m2 sàn

3.767.440

5,667

0

0

21.350

21.350

Tổng cộng

 

 

 

1.189

42.913

26.561

70.662

BẢNG 3.13. CƠ CẤU NGUỒN VỐN PHÁT TRIỂN NHÀ Ở GIAI ĐOẠN 2026-2030

STT

Các loại nhà ở

Đơn vị

Quy mô

Suất vốn đầu tư
(triệu đồng)

Cơ cấu nguồn vốn giai đoạn 2026-2030
(tỷ đồng)

Ngân sách tỉnh

Doanh nghiệp

Người dân

Tổng

I

Nhà ở thương mại

m2 sàn

4.212.655

 

0

41.310

0

64.009

1

Dự án đang xây dựng

m2 sàn

322.655

9,806

 

3.164

 

3.164

2

Dự án phát triển mới

m2 sàn

3.890.000

9,806

 

38.146

 

38.146

3

Hạ tầng kỹ thuật

ha

1.818

12.486

 

 

 

22.699

II

Nhà ở xã hội

m2 sàn

240.000

 

1.427

4.716

0

6.143

1

Dự án đang xây dựng

m2 sàn

0

11,729

 

0

 

0

2

Dự án phát triển mới

m2 sàn

240.000

11,729

 

2.815

 

2.815

3

Hạ tầng kỹ thuật

ha

218

12.486

815

1.901

 

2.716

4

Chi phí bồi thường, GPMB

m2 sàn

240.000

2,6

613

 

 

613

III

Nhà ở TĐC

m2 sàn

0

 

789

0

8.055

8.844

1

Đầu tư xây dựng nhà ở

m2 sàn

842.531

9,561

0

0

8.055

8.055

2

Hạ tầng kỹ thuật

ha

63

12.486

789

 

 

789

III

Nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng

m2 sàn

4.476.467

7,233

0

0

32.377

32.377

 

Ngoài dự án

m2 sàn

4.476.467

7,233

0

0

32.377

32.377

Tổng cộng

 

9.771.654

 

2.216

46.026

40.432

111.374


4. Nhu cầu về diện tích đất để phát triển nhà ở

Dựa trên chỉ tiêu về diện tích sàn tăng thêm của các loại nhà ở, dự báo nhu cầu đất để phát triển nhà ở của Tỉnh chủ yếu là đất ở tại các dự án phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư.

Căn cứ các dự án nhà ở đang xây dựng và nhu cầu diện tích tăng thêm của các loại nhà ở thương mại và nhà ở xã hội, dự kiến quỹ đất phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và 2030 như sau:

BẢNG 3.14. NHU CẦU VỀ DIỆN TÍCH ĐẤT ĐỂ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở

STT

Loại dự án

TOÀN TỈNH (ha)

Giai đoạn 2021-2025

Giai đoạn 2026-2030

I

Nhà ở thương mại

3.933,7

4.544,9

1

Dự án đang xây dựng

146,3

-

2

Dự án phát triển mới

2.525,0

3.029,9

3

Dự án hoàn thành giai đoạn sau

1.262,5

1.515,0

II

Nhà ở xã hội

309,1

362,5

1

Dự án đang xây dựng

7,1

-

2

Dự án phát triển mới

302,0

362,5

III

Nhà ở tái định cư

87,0

105,3

 

Dự án mới

87,0

105,3

IV

Nhà ở dân tự xây dựng

251,2

298,4

 

TỔNG CỘNG TOÀN TỈNH

4.580,9

5.311,2

Nhu cầu diện tích đất phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 là 4.580,9 ha; giai đoạn 2026 - 2030 là 5.311,2 ha. Cụ thể tại các đơn vị hành chính như sau:

- Thành phố Bến Tre

STT

Loại dự án

TP Bến Tre (ha)

Giai đoạn 2021-2025

Giai đoạn 2026-2030

I

Nhà ở thương mại

2.717,6

3.114,8

1

Dự án đang xây dựng

121,9

 

2

Dự án phát triển mới

1.730,5

2.076,5

3

Dự án hoàn thành giai đoạn sau

865,2

1.038,3

II

Nhà ở xã hội

111,6

90,6

1

Dự án đang xây dựng

1,8

-

2

Dự án phát triển mới

109,8

90,6

III

Nhà ở tái định cư

42,8

51,6

 

Dự án mới

42,8

51,6

IV

Nhà ở dân tự xây dựng

208,5

247,7

 

TỔNG CỘNG

3.080,5

3.504,7

- Huyện Châu Thành

STT

Loại dự án

Huyện Châu Thành (ha)

Giai đoạn 2021-2025

Giai đoạn 2026-2030

I

Nhà ở thương mại

180,9

217,1

1

Dự án đang xây dựng

 

 

2

Dự án phát triển mới

120,6

144,8

3

Dự án hoàn thành giai đoạn sau

60,3

72,4

II

Nhà ở xã hội

32,7

30,2

1

Dự án đang xây dựng

5,3

-

2

Dự án phát triển mới

27,5

30,2

III

Nhà ở tái định cư

1,3

1,5

 

Dự án mới

1,3

1,5

IV

Nhà ở dân tự xây dựng

6,7

7,9

 

TỔNG CỘNG

221,6

256,8

- Huyện Chợ Lách

STT

Loại dự án

Huyện Chợ Lách (ha)

Giai đoạn 2021-2025

Giai đoạn 2026-2030

I

Nhà ở thương mại

21,8

26,2

1

Dự án đang xây dựng

 

 

2

Dự án phát triển mới

14,5

17,4

3

Dự án hoàn thành giai đoạn sau

7,3

8,7

II

Nhà ở xã hội

20,6

30,2

1

Dự án đang xây dựng

 

-

2

Dự án phát triển mới

20,6

30,2

III

Nhà ở tái định cư

1,3

1,5

 

Dự án mới

1,3

1,5

IV

Nhà ở dân tự xây dựng

1,0

1,2

 

TỔNG CỘNG

44,6

59,1

- Huyện Mỏ Cày Nam

STT

Loại dự án

Huyện Mỏ Cày Nam (ha)

Giai đoạn 2021-2025

Giai đoạn 2026-2030

I

Nhà ở thương mại

52,0

56,6

1

Dự án đang xây dựng

4,9

 

2

Dự án phát triển mới

31,4

37,7

3

Dự án hoàn thành giai đoạn sau

15,7

18,9

II

Nhà ở xã hội

27,5

30,2

1

Dự án đang xây dựng

 

-

2

Dự án phát triển mới

27,5

30,2

III

Nhà ở tái định cư

3,2

4,0

 

Dự án mới

3,2

4,0

IV

Nhà ở dân tự xây dựng

6,7

7,9

 

TỔNG CỘNG

89,3

98,7

- Huyện Mỏ Cày Bắc

STT

Loại dự án

Huyện Mỏ Cày Bắc (ha)

Giai đoạn 2021-2025

Giai đoạn 2026-2030

I

Nhà ở thương mại

351,5

421,8

1

Dự án đang xây dựng

 

 

2

Dự án phát triển mới

234,3

281,2

3

Dự án hoàn thành giai đoạn sau

117,2

140,6

II

Nhà ở xã hội

20,6

30,2

1

Dự án đang xây dựng

 

-

2

Dự án phát triển mới

20,6

30,2

III

Nhà ở tái định cư

1,3

1,5

 

Dự án mới

1,3

1,5

IV

Nhà ở dân tự xây dựng

6,7

7,9

 

TỔNG CỘNG

380,0

461,4

- Huyện Giồng Trôm

STT

Loại dự án

Huyện Giồng Trôm (ha)

Giai đoạn 2021-2025

Giai đoạn 2026-2030

I

Nhà ở thương mại

77,3

92,7

1

Dự án đang xây dựng

 

 

2

Dự án phát triển mới

51,5

61,8

3

Dự án hoàn thành giai đoạn sau

25,8

30,9

II

Nhà ở xã hội

20,6

30,2

1

Dự án đang xây dựng

 

-

2

Dự án phát triển mới

20,6

30,2

III

Nhà ở tái định cư

1,3

1,5

 

Dự án mới

1,3

1,5

IV

Nhà ở dân tự xây dựng

1,0

1,2

 

TỔNG CỘNG

100,1

125,6

- Huyện Bình Đại

STT

Loại dự án

Huyện Bình Đại (ha)

Giai đoạn 2021-2025

Giai đoạn 2026-2030

I

Nhà ở thương mại

182,7

209,6

1

Dự án đang xây dựng

8,0

 

2

Dự án phát triển mới

116,5

139,8

3

Dự án hoàn thành giai đoạn sau

58,2

69,9

II

Nhà ở xã hội

27,5

45,3

1

Dự án đang xây dựng

 

-

2

Dự án phát triển mới

27,5

45,3

III

Nhà ở tái định cư

12,9

15,5

 

Dự án mới

12,9

15,5

IV

Nhà ở dân tự xây dựng

8,5

10,1

 

TỔNG CỘNG

231,6

280,6

- Huyện Ba Tri

STT

Loại dự án

Huyện Ba Tri (ha)

Giai đoạn 2021-2025

Giai đoạn 2026-2030

I

Nhà ở thương mại

338,4

406,1

1

Dự án đang xây dựng

 

 

2

Dự án phát triển mới

225,6

270,7

3

Dự án hoàn thành giai đoạn sau

112,8

135,4

II

Nhà ở xã hội

27,5

45,3

1

Dự án đang xây dựng

 

-

2

Dự án phát triển mới

27,5

45,3

III

Nhà ở tái định cư

12,5

15,0

 

Dự án mới

12,5

15,0

IV

Nhà ở dân tự xây dựng

11,2

13,3

 

TỔNG CỘNG

389,6

479,7

- Huyện Thạnh Phú

STT

Loại dự án

Huyện Thạnh Phú (ha)

Giai đoạn 2021-2025

Giai đoạn 2026-2030

I

Nhà ở thương mại

11,5

-

1

Dự án đang xây dựng

11,5

 

2

Dự án phát triển mới

 

-

3

Dự án hoàn thành giai đoạn sau

-

-

II

Nhà ở xã hội

20,6

30,2

1

Dự án đang xây dựng

 

-

2

Dự án phát triển mới

20,6

30,2

III

Nhà ở tái định cư

10,6

13,2

 

Dự án mới

10,6

13,2

IV

Nhà ở dân tự xây dựng

1,0

1,2

 

TỔNG CỘNG

43,6

44,6

CHƯƠNG IV. ĐỊNH HƯỚNG, CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Quan điểm, định hướng phát triển nhà ở

1.1. Quan điểm phát triển nhà ở

- Chương trình phát triển nhà ở phải phù hợp với chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Chương trình phát triển đô thị của tỉnh và phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre;

- Phát triển nhà ở phải đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu cho các hộ gia đình sinh sống trên và ven kênh rạch; các hộ gia đình trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai, biến đổi khí hậu;

- Phát triển nhà ở đa dạng các mức giá để đáp ứng cho các tầng lớp dân cư với mức thu nhập khác nhau, trong đó chú trọng phát triển nhà ở giá thấp để đáp ứng nhu cầu và khả năng chi trả của đại bộ phận người lao động trên địa bàn;

- Phát triển nhà ở phải đảm bảo đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; sử dụng quỹ đất tiết kiệm, hiệu quả; nâng cao chất lượng kiến trúc, cảnh quan và môi trường; phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, gắn liền với việc chỉnh trang và phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư với mức thu nhập khác nhau, đặc biệt là nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở.

1.2. Định hướng phát triển nhà ở

- Chương trình phát triển nhà ở phải phù hợp với chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Chương trình phát triển đô thị của tỉnh và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;

- Phát triển nhà ở phải đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu cho các hộ gia đình sinh sống trên và ven kênh rạch; các hộ gia đình trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai, biến đổi khí hậu;

- Phát triển nhà ở đa dạng các mức giá để đáp ứng cho các tầng lớp dân cư với mức thu nhập khác nhau, trong đó chú trọng phát triển nhà ở giá thấp để đáp ứng nhu cầu và khả năng chi trả của đại bộ phận người lao động trên địa bàn;

- Phát triển nhà ở phải đảm bảo đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; sử dụng quỹ đất tiết kiệm, hiệu quả; nâng cao chất lượng kiến trúc, cảnh quan và môi trường; phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, gắn liền với việc chỉnh trang và phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư với mức thu nhập khác nhau, đặc biệt là nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở.

1.3. Phát triển theo khu vực phát triển đô thị

Định hướng phát triển nhà ở tập trung vào các đô thị, đặc biệt là các đô thị có tốc độ đô thị hóa cao, cụ thể:

- Giai đoạn: 2021-2025:

+ Hoàn thành công nhận 08 đô thị loại V các trung tâm xã: Thới Thuận, Châu Hưng, huyện Bình Đại; Tân Phú, huyện Châu Thành; Phước Long, huyện Giồng Trôm; Phú Phụng, huyện Chợ Lách; An Định, huyện Mỏ Cày Nam; Tân Phong, huyện Thạnh Phú; Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc.

+ Tập trung triển khai xây dựng các tiêu chuẩn đô thị loại I đối với thành phố Bến Tre, tiêu chuẩn đô thị loại III (các thị trấn mở rộng Ba Tri, Bình Đại, Mỏ Cày), tiêu chuẩn đô thị loại loại IV (thị trấn Thạnh Phú, Chợ Lách) đảm bảo cơ bản đạt trên 70% tiêu chuẩn theo quy định.

- Giai đoạn: 2026-2030:

+ Công nhận nâng loại 01 đô thị loại I, thành phố Bến Tre; 03 đô thị loại III (các thị trấn mở rộng Ba Tri, Bình Đại, Mỏ Cày Nam); 02 đô thị loại IV (thị trấn Thạnh Phú, Chợ Lách).

+ Hoàn thành công nhận 06 đô thị loại V các trung tâm xã: An Hiệp, Phú Túc, An Hóa, huyện Châu Thành; Châu Hòa, huyện Giồng Trôm; An Thới, huyện Mỏ Cày Nam; Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc.

* Phát triển nhà ở khu vực các đô thị này như sau:

- Phát triển đa dạng các loại hình nhà ở về giá cả, vị trí, diện tích, đẩy mạnh phát triển loại hình nhà ở thương mại giá thấp theo hướng tăng tỷ lệ nhà ở xây dựng thô trong tổng quy mô các dự án phát triển mới hàng năm (đặc biệt đối với Thành phố Bến Tre, thị trấn Ba Tri, Bình Đại, Mỏ Cày Nam); khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư; phát triển ở cho thuê cho các đối tượng thu nhập thấp;

- Phát triển Nhà ở thương mại gắn với phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, nghỉ dưỡng ven sông, ... hướng tới phong cách kiến trúc xanh;

- Khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp theo mô hình tập trung, tránh tình trạng nhà ở phát triển phân tán gắn liền với sản xuất;

- Phát triển nhà ở khu dân cư mới tuân thủ các quy hoạch được phê duyệt;

- Nâng cấp cải tạo các khu nhà ở hiện có kết hợp với chỉnh trang đô thị. Trong các khu dân cư cũ đối với những nhà ở cần sửa chữa, cải tạo, xây mới cần quy định rõ chiều cao, hình thức kiến trúc để tạo sự đồng nhất về mặt đứng công trình, tường nhà,...

- Phát triển nhà ở đảm bảo phù hợp Quy hoạch chung xây dựng đô thị theo hướng văn minh hiện đại, có bản sắc, tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu;

- Phát triển các khu đô thị, khu dân cư, dự án nhà ở bám dọc theo tuyến đường giao thông quan trọng sẽ hình thành và kết nối giao thông trong giai đoạn 2021 - 2030, đặc biệt tuyến giao thông động lực ven biển kết nối Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh, kết nối giao thông thông suốt từ thành phố Bến Tre đến khu vực biển qua tuyến đường Quốc lộ 57, 57B, 57C.

* Định hướng phát triển khu vực các đô thị ven biển:

- Phát triển các đô thị trung tâm, đô thị ven biển, các điểm dân cư nông thôn tập trung. Khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại quy mô lớn, có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn với phát triển dịch vụ - du lịch; hình thành các khu đô thị sinh thái;

- Quy hoạch, định hướng phát triển nhà ở theo mô hình khu dân cư nông thôn tập trung, tránh tình trạng nhà ở chỉ phát triển bám dọc theo các trục giao thông đặc biệt là tỉnh lộ, huyện lộ;

- Phát triển nhà ở đáp ứng cho các nguồn lực đến đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp (dự kiến KCN Phú Thuận đưa vào hoạt động và các khu, cụm công nghiệp mới tại huyện Thạnh Phú) và các ngành nghề kinh tế ven biển; thông qua các hình thức phát triển:

+ Phát triển nhà ở trọ do người dân xây dựng (quản lý về việc đăng ký kinh doanh và chất lượng nhà trọ đảm bảo theo quy định);

+ Phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động;

+ Phát triển nhà ở thương mại giá thấp, khu đô thị, khu dân cư phù hợp với thu nhập.

- Trong các khu dân cư, phát triển nhà ở theo hướng giữ mật độ xây dựng thấp, đảm bảo yêu cầu nhà ở có sân vườn, cây xanh, tạo môi trường và cảnh quan đẹp;

- Phát triển nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện môi trường và tăng trưởng xanh.

1.4. Định hướng phát triển nhà ở khu vực nông thôn

- Quy hoạch xây dựng xã theo mô hình nông thôn mới tập trung gắn với hệ thống giao thông liên huyện, liên xã. Điểm dân cư mới hình thành gắn với các vùng chuyên canh lớn, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Xây dựng hệ thống các điểm dân cư với mục tiêu nâng cao chất lượng sống của người dân, giảm dần tình trạng ở phân tán, “liền canh liền cư” của người dân. Phát huy thế mạnh riêng của từng vùng để thu hút nguồn xã hội hóa để tổ chức hệ thống các điểm dân cư gắn liền với địa hình, cảnh quan nông thôn khác nhau của từng vùng huyện, từng khu vực theo hướng giữ gìn bản sắc đặc trưng của từng địa phương.

- Sắp xếp, tổ chức dân cư theo mô hình tập trung tại trung tâm xã và gắn với hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo quy hoạch đã được phê duyệt của các điểm dân cư tập trung.

- Di dời và xây dựng các khu dân cư tập trung có khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Bảo vệ, xây dựng các tuyến đê, quản lý ven bờ, tôn cao đất đai và bảo vệ các công trình ven sông… khu vực có nguy cơ sạt lở, nhằm ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.

- Phát triển nhà ở khu vực nông thôn đảm bảo nhà ở đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới: nền, khung, mái cứng; các công trình phụ trợ (bếp, nhà vệ sinh, chuồng trại, chăn nuôi, …) phải được bố trí đảm bảo vệ sinh; kiến trúc phù hợp phong tục, tập quán, lối sống của mỗi vùng;

- Phát triển nhà ở theo hướng giữ mật độ xây dựng thấp, đảm bảo yêu cầu nhà ở có sân vườn, cây xanh, tạo môi trường và cảnh quan đẹp;

- Tập trung cao cho phát triển các khu dân cư tại các địa phương gần khu công nghiệp;

- Phát triển nhà ở nông thôn gắn với công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, đảm bảo phù hợp với điều kiện sản xuất, đặc điểm tự nhiên và tập quán sinh hoạt của từng vùng miền; sử dụng có hiệu quả quỹ đất ở sẵn có, hạn chế việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở;

- Khuyến khích phát triển nhà ở theo dự án ở những khu vực đã có quy hoạch xây dựng hoặc có điều kiện và các yếu tố thúc đẩy đô thị hóa;

2. Mục tiêu phát triển nhà ở

2.1. Chỉ tiêu diện tích nhà ở tăng thêm

Căn cứ dự báo tổng diện tích nhà ở toàn tỉnh đến năm 2025 và 2030, chỉ tiêu diện tích nhà ở tăng thêm qua các giai đoạn như sau:

BẢNG 4.1. CHỈ TIÊU DIỆN TÍCH NHÀ Ở TĂNG THÊM

Khu vực

Giai đoạn 2021-2025
(m2 sàn)

Giai đoạn 2026-2030
(m2 sàn)

Toàn tỉnh

8.078.424

9.771.654

Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 diện tích nhà ở tăng thêm đạt 8.078.424 m2 sàn nhà ở; giai đoạn 2026 - 2030 tăng thêm 9.771.654 m2 sàn.

2.2. Chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân

Căn cứ mục tiêu của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, phấn đấu đến năm 2030 diện tích nhà ở bình quân đạt 30 m2 sàn/người; năm 2025 phấn đấu đạt 29,2 m2 sàn/người.

BẢNG 4.2. CHỈ TIÊU DIỆN TÍCH NHÀ Ở BÌNH QUÂN

STT

Khu vực

Đến năm 2025
(m2
sàn/người)

Đến năm 2030
(m2
sàn/người)

1

Toàn tỉnh

29,2

30,0

2

Khu vực đô thị

30,0

31,0

3

Khu vực nông thôn

28,9

29,2

2.3. Chỉ tiêu diện tích nhà ở tăng thêm theo loại nhà

Căn cứ định hướng phát triển kinh tế xã hội, xem xét tình hình triển khai các dự án đã có chủ đầu tư, các dự án kêu gọi chủ đầu tư trong tương lai và diện tích nhà ở người dân tự xây phát triển mới hàng năm, chỉ tiêu diện tích nhà ở phân theo giai đoạn cụ thể như sau:

a) Nhà ở thương mại

Theo kết quả tổng hợp các dự án nhà ở thương mại đang xây dựng (chi tiết xem tại phụ lục I), nếu các dự án này hoàn thành và lắp đầy 100% sẽ cung ứng khoảng 645.311 m² sàn. Tuy nhiên, thực tế thị trường có độ trễ cung, cầu và không thể giao dịch đủ lượng nhà ở trên. Vì vậy việc đặt chỉ tiêu phát triển nhà ở sẽ dựa trên khả năng cung ứng thực tế của các dự án đang triển khai xây dựng. Ngoài các dự án nhà ở đang đầu tư, giai đoạn 2021 - 2030 sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển các dự án mới (danh sách vị trí dự kiến xem tại Phụ lục II), tổng mục tiêu diện tích nhà ở thương mại xây dựng mới trong mỗi giai đoạn như sau:

Giai đoạn 2021 - 2025, chỉ tiêu phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư hoàn thành là 3.478.124 m² sàn tương ứng khoảng 19.323 căn; trong đó:

+ 258.124 m2 sàn tương ứng 1.434 căn hoàn thành từ các dự án đang triển khai (danh sách dự án cụ thể xem tại Phụ lục I);

+ 3.220.000 m2 sàn tương ứng 17.889 căn hoàn thành từ các dự án kêu gọi phát triển mới (danh sách vị trí dự kiến tại Phụ lục II, danh sách này được cập nhật và tiếp tục kêu gọi trong kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm để phù hợp với thực tế).

Giai đoạn 2026 - 2030, chỉ tiêu phát triển nhà ở thương mại hoàn thành là 4.212.655 m², tương ứng khoảng 21.611 căn; trong đó:

+ 322.655 m2 sàn tương ứng 1.793 căn hoàn thành từ các dự án đang triển khai (danh sách dự án cụ thể xem tại Phụ lục I);

+ 3.890.000 m2 sàn tương ứng 21.611 căn hoàn thành từ các dự án kêu gọi phát triển mới (danh sách vị trí dự kiến tại Phụ lục II, danh sách này được cập nhật và tiếp tục kêu gọi trong kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm để phù hợp với thực tế).

b) Nhà ở xã hội

Giai đoạn 2021-2025, tổng diện tích các dự án nhà ở xã hội đang thực hiện có thể cung ứng khoảng 27.235 m² sàn. Ngoài các dự án nhà ở đang đầu tư, sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển các dự án mới, chỉ tiêu diện tích nhà ở xã hội xây dựng mới trong mỗi giai đoạn như sau:

Giai đoạn 2021 - 2025, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội là 137.235 m2 sàn, tương ứng khoảng 2.287 căn, trong đó các dự án đang xây dựng cung ứng 27.235 m² và từ các dự án phát triển mới là 110.000 m² sàn.

Giai đoạn 2026 - 2030, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội là 240.000 m2 sàn, tương ứng khoảng 4.000 căn.

c) Nhà ở riêng lẻ tự xây dựng của hộ gia đình

Giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến nhà ở dân tự xây khoảng 3.767.440 m2 sàn, tương ứng khoảng 25.116 căn.

Giai đoạn 2026 - 2030, dự kiến nhà ở dân tự xây khoảng 4.476.467 m2 sàn, tương ứng khoảng 29.843 căn.

Tổng hợp chỉ tiêu phát triển các loại nhà ở qua các giai đoạn như sau:

BẢNG 4.3. CHỈ TIÊU DIỆN TÍCH NHÀ Ở TĂNG THÊM THEO LOẠI NHÀ

STT

Các loại nhà ở

Giai đoạn 2021-2025

Giai đoạn 2026-2030

Số căn

Diện tích sàn (m2)

Số căn

Diện tích sàn (m2)

I

Nhà ở thương mại

19.323

3.478.124

23.404

4.212.655

1

Dự án đang xây dựng

1.434

258.124

1.793

322.655

2

Kêu gọi đầu tư phát triển mới

17.889

3.220.000

21.611

3.890.000

II

Nhà ở xã hội

2.287

137.235

4.000

240.000

1

Dự án đang xây dựng

454

27.235

0

0

2

Kêu gọi đầu tư phát triển mới

1.833

110.000

4.000

240.000

III

Nhà ở tái định cư

6.956

695.625

8.425

842.531

IV

Nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng

25.116

3.767.440

29.843

4.476.467

 

Ngoài dự án

25.116

3.767.440

29.843

4.476.467

Tổng cộng

53.683

8.078.424

65.672

9.771.654

2.4. Chỉ tiêu diện tích nhà ở đầu người tối thiểu

Căn cứ mục tiêu của chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia7. Chỉ tiêu tiện tích nhà ở bình quân đầu người tối thiểu đến năm 2025 phấn đấu đạt khoảng 10 m2/người, đến năm 2030 phấn đấu đạt khoảng 12 m2/người.

2.5. Chỉ tiêu chất lượng nhà ở

Căn cứ hiện trạng nhà ở toàn tỉnh đến năm 2020, dự báo nhu cầu nhà ở toàn tỉnh đến năm 2025 và năm 2030, chỉ tiêu chất lượng nhà ở toàn tỉnh như sau:

- Đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu nâng chất lượng nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt trên 90%, giảm tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ còn dưới 10%.

- Đến năm 2030, toàn tỉnh phấn đấu nâng chất lượng nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt trên 92%, giảm tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ còn dưới 8%.

2.6. Chỉ tiêu phát triển nhà ở của các đơn vị hành chính

- Thành phố Bến Tre:

STT

Các loại nhà ở

Giai đoạn 2021-2025

Giai đoạn 2026-2030

Số căn

Diện tích sàn (m2)

Số căn

Diện tích sàn (m2)

I

Nhà ở thương mại

9.508

1.711.391

11.468

2.064.239

1

Dự án đang xây dựng

1.174

211.391

1.468

264.239

2

Kêu gọi đầu tư phát triển mới

8.333

1.500.000

10.000

1.800.000

II

Nhà ở xã hội

1.081

64.835

1.000

60.000

1

Dự án đang xây dựng

414

24.835

0

 

2

Kêu gọi đầu tư phát triển mới

667

40.000

1.000

60.000

III

Nhà ở tái định cư

3.423

342.278

4.128

412.848

IV

Nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng

20.847

3.126.975

24.770

3.715.468

 

Ngoài dự án

20.847

3.126.975

24.770

3.715.468

Tổng cộng

34.858

5.245.480

41.366

6.252.555

- Huyện Châu Thành:

STT

Các loại nhà ở

Giai đoạn 2021-2025

Giai đoạn 2026-2030

Số căn

Diện tích sàn (m2)

Số căn

Diện tích sàn (m2)

I

Nhà ở thương mại

278

50.000

333

60.000

1

Dự án đang xây dựng

0

0

0

0

2

Kêu gọi đầu tư phát triển mới

278

50.000

333

60.000

II

Nhà ở xã hội

207

12.400

333

20.000

1

Dự án đang xây dựng

40

2.400

0

 

2

Kêu gọi đầu tư phát triển mới

167

10.000

333

20.000

III

Nhà ở tái định cư

100

10.000

120

12.000

IV

Nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng

666

99.837

791

118.626

 

Ngoài dự án

666

99.837

791

118.626

Tổng cộng

1.250

172.237

1.577

210.626

- Huyện Chợ Lách:

STT

Các loại nhà ở

Giai đoạn 2021-2025

Giai đoạn 2026-2030

Số căn

Diện tích sàn (m2)

Số căn

Diện tích sàn (m2)

I

Nhà ở thương mại

278

50.000

333

60.000

1

Dự án đang xây dựng

0

0

0

0

2

Kêu gọi đầu tư phát triển mới

278

50.000

333

60.000

II

Nhà ở xã hội

125

7.500

333

20.000

1

Dự án đang xây dựng

0

 

0

 

2

Kêu gọi đầu tư phát triển mới

125

7.500

333

20.000

III

Nhà ở tái định cư

100

10.000

120

12.000

IV

Nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng

100

15.070

119

17.906

 

Ngoài dự án

100

15.070

119

17.906

Tổng cộng

603

82.570

906

109.906

- Huyện Mỏ Cày Nam:

STT

Các loại nhà ở

Giai đoạn 2021-2025

Giai đoạn 2026-2030

Số căn

Diện tích sàn (m2)

Số căn

Diện tích sàn (m2)

I

Nhà ở thương mại

718

129.312

898

161.640

1

Dự án đang xây dựng

52

9.312

65

11.640

2

Kêu gọi đầu tư phát triển mới

667

120.000

833

150.000

II

Nhà ở xã hội

167

10.000

333

20.000

1

Dự án đang xây dựng

0

 

0

 

2

Kêu gọi đầu tư phát triển mới

167

10.000

333

20.000

III

Nhà ở tái định cư

259

25.862

323

32.328

IV

Nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng

666

99.837

791

118.626

 

Ngoài dự án

666

99.837

791

118.626

Tổng cộng

1.809

265.012

2.345

332.594

- Huyện Mỏ Cày Bắc:

STT

Các loại nhà ở

Giai đoạn 2021-2025

Giai đoạn 2026-2030

Số căn

Diện tích sàn (m2)

Số căn

Diện tích sàn (m2)

I

Nhà ở thương mại

278

50.000

333

60.000

1

Dự án đang xây dựng

0

0

0

0

2

Kêu gọi đầu tư phát triển mới

278

50.000

333

60.000

II

Nhà ở xã hội

125

7.500

333

20.000

1

Dự án đang xây dựng

0

 

0

 

2

Kêu gọi đầu tư phát triển mới

125

7.500

333

20.000

III

Nhà ở tái định cư

100

10.000

120

12.000

IV

Nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng

666

99.837

791

118.626

 

Ngoài dự án

666

99.837

791

118.626

Tổng cộng

1.169

167.337

1.577

210.626

- Huyện Giồng Trôm:

STT

Các loại nhà ở

Giai đoạn 2021-2025

Giai đoạn 2026-2030

Số căn

Diện tích sàn (m2)

Số căn

Diện tích sàn (m2)

I