ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 208/QĐ-UBND
|
Kon Tum, ngày 28
tháng 4 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG TƯ VẤN GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ
TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI CỦA TỈNH
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Khiếu nại ngày 11 tháng 11 năm 2011;
Căn cứ Luật Tố cáo ngày 12 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Quyết định số 207/QĐ-UBND ngày 28 tháng 4
năm 2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc kiện toàn Hội đồng
tư vấn giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai tỉnh;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh tại Tờ
trình số 14/TTr-TTr ngày 24 tháng 4 năm 2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy chế hoạt động của Hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại, tố
cáo và tranh chấp đất đai của tỉnh.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số
1314/QĐ-UBND ngày 06 tháng 12 năm 2011 của Ủy ban nhân
dân tỉnh Kon Tum về việc ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng tư vấn pháp lý
tỉnh.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh; Chánh Thanh tra tỉnh; thành viên Hội đồng tư vấn giải quyết
khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai của tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3 (t/h);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố
- VP UBND tỉnh:
+ CVP, các PCVP;
+ Ban Tiếp Công dân tỉnh;
- Lưu: VT, NC.NĐB.
|
CHỦ TỊCH
Lê Ngọc Tuấn
|
QUY CHẾ
HOẠT
ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG TƯ VẤN GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI CỦA
TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 208/QĐ-UBND ngày 28 tháng 4 năm 2023 của
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và
đối tượng áp dụng
Quy chế này quy định nguyên tắc hoạt động; nhiệm vụ,
quyền hạn, phương thức hoạt động của Hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại, tố
cáo và tranh chấp đất đai của tỉnh (sau đây gọi tắt là Hội đồng tư vấn)
trong việc tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết khiếu nại, tố cáo
và tranh chấp đất đai được kiện toàn theo Quyết định số 207/QĐ-UBND ngày 28
tháng 4 năm 2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.
Quy định trách nhiệm của các thành viên Hội đồng tư
vấn; mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan là thành viên Hội đồng tư vấn và
trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong việc cung cấp
hồ sơ, tài liệu... và các nội dung khác có liên quan nhằm phục vụ công tác tham
mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai trong quá trình Hội đồng
tư vấn tổ chức cuộc họp.
Điều 2. Nguyên tắc hoạt động
của Hội đồng tư vấn
1. Hội đồng tư vấn hoạt động theo nguyên tắc dân chủ,
tuân thủ theo quy định của pháp luật; Chủ tịch Hội đồng tư vấn kết luận trên cơ
sở tập trung, thống nhất ý kiến của đa số các thành viên dự họp và chịu trách
nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tư vấn, tham mưu của Hội đồng
tư vấn.
2. Khi các thành viên Hội đồng tư vấn có ý kiến
khác nhau thì người chủ trì cuộc họp có trách nhiệm ghi nhận và báo cáo bằng
văn bản những ý kiến khác nhau và ý kiến của người chủ trì để trình Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Chương II
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ
TRÁCH NHIỆM CỦA HỘI ĐỒNG TƯ VẤN
Điều 3. Chức năng của Hội đồng
tư vấn
Hội đồng tư vấn có chức năng tư vấn, giúp Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh trong việc xem xét, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo
và tranh chấp đất đai có tính chất phức tạp (vụ việc có nhiều người cùng khiếu
nại về một nội dung; còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan được giao xác minh với
cơ quan có thẩm quyền giải quyết lần đầu; có liên quan đến trách nhiệm của nhiều
cơ quan, địa phương; người khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai kéo dài, đã được
kiểm tra rà soát và vụ việc có thái độ gay gắt, làm ảnh hưởng đến an ninh,
chính trị, trật tự an toàn xã hội...) thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh theo Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Đất đai hiện hành
Điều 4. Nhiệm vụ của Hội đồng
tư vấn
Nghiên cứu, tư vấn và đề xuất hướng giải quyết giúp
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc xem xét, giải quyết các vụ việc khiếu
nại, tố cáo và tranh chấp đất đai có tính chất phức tạp thuộc thẩm quyền giải
quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao nhiệm vụ cho sở, ban ngành kiểm
tra, xác minh và có báo cáo đề xuất hướng giải quyết vụ việc.
Điều 5. Trách nhiệm của Hội đồng
tư vấn
Hội đồng tư vấn có trách nhiệm tư vấn cho Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh thông qua các nội dung sau:
1. Chủ động nghiên cứu, đề xuất hướng giải quyết đối
với những vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và tranh chấp đất đai của công
dân có tính chất phức tạp thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh. Tổ chức nghiên cứu, đề xuất những giải pháp nhằm đưa ra hướng giải
quyết mang lại hiệu quả trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp
đất đai trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật.
2. Tham gia đóng góp ý kiến đầy đủ với tinh thần
trách nhiệm và chất lượng ý kiến tư vấn cao để góp phần vào việc giải quyết các
vụ việc khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh.
3. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh về các ý kiến tư vấn và kiến nghị của Hội đồng.
Chương III
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA
THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG TƯ VẤN
Điều 6. Nhiệm vụ và quyền hạn của
Chủ tịch Hội đồng tư vấn
1. Chịu trách nhiệm chung; chỉ đạo, điều hành hoạt
động của Hội đồng tư vấn theo quy định của pháp luật và Quy chế này; phân công
nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng tư vấn.
2. Quyết định các vụ việc thuộc thẩm quyền cần đưa
ra Hội đồng tư vấn để xem xét, giải quyết.
3. Quyết định thời gian, địa điểm tổ chức họp Hội đồng
tư vấn.
4. Ủy quyền cho các Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chủ
trì cuộc họp Hội đồng tư vấn khi xét thấy cần thiết.
Điều 7. Nhiệm vụ và quyền hạn của
các Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn
1. Chủ trì các cuộc họp Hội đồng tư vấn theo sự ủy
quyền của Chủ tịch Hội đồng; chậm nhất 03 ngày làm việc phải có Thông báo kết
luận cuộc họp theo quy định và báo cáo Chủ tịch Hội đồng tư vấn biết, theo dõi;
trường hợp vượt quá thẩm quyền hoặc có khó khăn vướng mắc thì báo cáo Chủ tịch
Hội đồng xem xét, chỉ đạo.
2. Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn là đồng chí Phó Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh được quyền triệu tập và chủ trì cuộc họp Hội đồng tư
vấn để xem xét các vấn đề, nội dung thuộc lĩnh vực công tác mình phụ trách theo
Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Giúp Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo, triển khai các
công việc của Hội đồng tư vấn tại các cuộc họp khi được ủy quyền.
4. Kiểm tra, đôn đốc các thành viên Hội đồng tư vấn,
Tổ Thư ký triển khai công việc theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng.
5. Thực hiện trách nhiệm, quyền hạn tại Điều 9 Quy
chế này.
Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của
Thành viên Hội đồng tư vấn
1. Nhiệm vụ
- Tham gia đầy đủ các cuộc họp và các hoạt động của
Hội đồng tư vấn khi được triệu tập; không cử người đi họp thay nếu không được sự
đồng ý Chủ tịch Hội đồng tư vấn.
- Nghiên cứu trước hồ sơ, tài liệu để tham gia ý kiến,
đề xuất hướng giải quyết về những vụ việc sẽ đưa ra thảo luận tại cuộc họp Hội
đồng tư vấn.
- Trường hợp vì lý do khách quan không thể tham gia
cuộc họp, thì phải có ý kiến, đề xuất hướng giải quyết vụ việc bằng văn bản gửi
đến Thanh tra tỉnh (cơ quan thường trực Hội đồng tư vấn) trước 02 ngày
làm việc của Hội đồng tư vấn.
- Lưu giữ hồ sơ, tài liệu theo quy định về nguyên tắc
bảo mật của nhà nước. Đông thời phải chịu trách nhiệm bảo mật về những thông
tin, hồ sơ, tài liệu các vụ việc khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai đang
được Hội đồng tư vấn tham mưu thuộc Danh mục bí mật nhà nước chưa được Ủy ban
nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh công bố.
2. Quyền hạn
- Được cung cấp hồ sơ, tài liệu cần thiết về các vụ
việc có liên quan đến cuộc họp và hoạt động của Hội đồng tư vấn.
- Kiến nghị, thảo luận và biểu quyết những vấn đề
thuộc nhiệm vụ của Hội đồng tư vấn.
Điều 9. Trách nhiệm của Tổ thư
ký
1. Phối hợp với sở, ban ngành được giao nhiệm vụ kiểm
tra, xác minh vụ việc để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến cuộc họp; chuyển
đến các thành viên Hội đồng tư vấn trước khi họp ít nhất 03 ngày.
2. Tham mưu, trình Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng
tư vấn ký phát hành Giấy mời họp; chuẩn bị địa điểm, các điều kiện cần thiết phục
vụ cuộc họp, đồng thời thông qua nội dung, chương trình làm việc tại cuộc họp.
3. Báo cáo tổng hợp các ý kiến tham gia đề xuất bằng
văn bản (đối với các thành viên vắng mặt không có người dự họp thay).
4. Ghi biên bản cuộc họp; dự thảo thông báo kết luận
của Chủ tịch Hội đồng tư vấn, chủ trì cuộc họp sau các cuộc họp.
5. Tham mưu, đề xuất với Hội đồng tư vấn những giải
pháp nhằm thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 4 Quy chế này; tổng hợp, định
kỳ báo cáo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng tư vấn.
6. Chi trả tiền hỗ trợ cho các thành viên Hội đồng
tư vấn theo quy định.
Chương IV
PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA
HỘI ĐỒNG TƯ VẤN
Điều 10. Các thành viên Hội
đồng tư vấn tham gia ý kiến các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh khi đưa ra cuộc họp với tư cách độc lập, khách quan và
theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Các phiên họp thường
kỳ hoặc đột xuất của Hội đồng tư vấn phải có ít nhất 60% tổng số thành viên
chính thức của Hội đồng tư vấn tham dự.
Điều 12. Hội đồng tư vấn
làm việc theo nguyên tắc dân chủ, thảo luận công khai và quyết định thuộc thẩm
quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Ngoài việc tổ chức thảo luận tập trung
để các thành viên tham gia ý kiến trực tiếp tại các cuộc họp; Hội đồng tư vấn
có thể lấy ý kiến tham gia của các thành viên bằng văn bản đối với vụ việc cần
ý kiến tham gia của thành viên Hội đồng tư vấn.
Điều 13. Các kết luận của
Hội đồng tư vấn là một trong những nguồn thông tin, tư liệu tham khảo để phục vụ
cho việc xem xét trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh.
Chương V
KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG
Điều 14. Kinh phí hoạt động
của Hội đồng tư vấn được sử dụng từ nguồn ngân sách của địa phương cấp. Nội
dung chi cho hoạt động gồm:
1. Được hỗ trợ kinh phí hoạt động theo quy định của
Ủy ban nhân dân tỉnh cho từng vụ việc.
2. Phô tô các hồ sơ, tài liệu của vụ việc cần đưa
ra thảo luận tại cuộc họp và các điều kiện làm việc của Hội đồng tư vấn.
3. Chi khác (nếu có).
Việc chi và quyết toán kinh phí phục vụ cho hoạt động
của Hội đồng tư vấn do Thanh tra tỉnh đảm nhiệm và thực hiện theo chế độ tài
chính hiện hành.
Chương VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Hội đồng tư vấn
giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai của tỉnh có trách nhiệm thực
hiện đúng Quy chế này và các quy định liên quan.
Thanh tra tỉnh - Cơ quan Thường trực Hội đồng Tư vấn
có trách nhiệm theo dõi việc triển khai, thực hiện Quy chế này.
Trong quá trình thực hiện có phát sinh khó khăn, vướng
mắc, Hội đồng Tư Vấn có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh để bổ sung, sửa đổi Quy chế kịp thời./.