Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 2079/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa Người ký: Đầu Thanh Tùng
Ngày ban hành: 15/06/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2079/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 15 tháng 6 năm 2023

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HỖ TRỢ NHÀ Ở CHO HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN CÁC HUYỆN NGHÈO CỦA TỈNH THANH HÓA THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021-2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: Số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025; số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025; số 1506/QĐ-TTg ngày 02/12/2022 về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2023;

Căn cứ Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng về Hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Kế hoạch số 208/KH-UBND ngày 28/5/2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 3688/SXD-QLN ngày 08/6/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này “Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025”.

Điều 2. Căn cứ Đề án, Giám đốc các sở: Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND các huyện: Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện theo đúng nội dung đã được phê duyệt.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch UBND các huyện: Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 3 Quyết định;
- Các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội (để b/c);
- TTr: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (để b/c);
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh (để b/c);
- MTTQ và các đoàn thể Chính trị - Xã hội tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- Huyện ủy các huyện: Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát;
- Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thanh Hóa;
- Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Thanh Hóa;
- Báo Thanh Hóa, Đài PT&TH tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh (để đăng tải);
- Lưu: VT, VX, CN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đầu Thanh Tùng

ĐỀ ÁN

HỖ TRỢ NHÀ Ở CHO HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN CÁC HUYỆN NGHÈO CỦA TỈNH THANH HÓA THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2079/QĐ-UBND ngày 15/6/2023 của UBND tỉnh Thanh Hóa)

I. MỞ ĐẦU

1. Khái quát về tỉnh Thanh Hóa.

- Thanh Hóa là tỉnh ở vùng Bắc Trung Bộ với đường biên giới dài 213,6km giáp tỉnh Hủa Phăn (Lào) ở phía Tây; phía Đông giáp Biển Đông với chiều dài đường bờ biển 102 km; phía Nam giáp Nghệ An với đường giáp ranh dài 160km; phía Bắc giáp 3 tỉnh gồm: Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình với đường giáp ranh dài 175km. Tỉnh có 27 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 11 huyện miền núi (06 huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025).

- Kinh tế - xã hội của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu chủ yếu đạt kết quả cao so với bình quân chung của cả nước; quốc phòng - an ninh được giữ vững; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, hiện nay thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh còn thấp hơn trung bình cả nước; số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn còn lớn, chủ yếu là ở khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó nhiều hộ gia đình còn đang gặp khó khăn về nhà ở, tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách để hỗ trợ các hộ nghèo xây nhà.

2. Sự cần thiết phải lập Đề án.

Việc giảm nghèo nhanh và bền vững là nhiệm vụ quan trọng đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tình đặc biệt quan tâm. Để giải quyết vấn đề này, Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo của tỉnh và các chương trình giảm nghèo của Trung ương. Thanh Hóa là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhu cầu về nhà ở an toàn, ổn định, nâng cao mức sống, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững của địa phương là hết sức cần thiết. Tuy đã có nhiều chính sách hỗ trợ về nhà ở, nhưng là một tỉnh nằm trong khu vực hay xảy ra bão, tố, lốc, lũ lụt nên Thanh Hóa vẫn còn nhiều gia đình đang phải sinh sống trong những ngôi nhà tạm bợ, dột nát, hư hỏng, xuống cấp không đảm bảo điều kiện sống ổn định cũng như an toàn sinh mạng khi có thiên tai xảy ra.

Nhằm thực hiện Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được đồng bộ, kịp thời, thống nhất và có hiệu quả; thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ; việc lập Đề án “Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025” theo quy định Thông tư 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 là cần thiết.

3. Cơ sở pháp lý xây dựng Đề án.

- Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;

- Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025;

- Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;

- Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;

- Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025;

- Quyết định số 1506/QĐ-TTg ngày 02/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2023;

- Thông tư 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng về Hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;

- Công văn số 7747/UBND-VX ngày 02/6/2022 của UBND tỉnh về việc báo cáo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh năm 2022;

- Danh sách phê duyệt đối tượng của 06 huyện: Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát.

II. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG NHÀ Ở ĐỐI VỚI HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Nhận xét, đánh giá thực trạng nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.

a) Về số lượng nhà ở:

- Hiện nay, theo kết quả rà soát thời điểm đến ngày 31/5/2022:

+ Tổng số hộ nghèo: 67.684 hộ chiếm tỷ lệ 6,77%; tăng 349 hộ (0,03%) so với rà soát cuối năm 2021;

+ Tổng số hộ cận nghèo: 86.912 hộ chiếm tỷ lệ 8,70%; tăng 86 hộ (0,01%) so với rà soát cuối năm 2021.

- Theo kết quả rà soát, toàn tỉnh có: 20.878 hộ không đảm bảo chất lượng về nhà ở; 19.058 hộ không đảm bảo về diện tích nhà ở bình quân đầu người.

b) Về chất lượng nhà ở:

Chất lượng nhà ở của các hộ nghèo, hộ cận nghèo đa phần bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo điều kiện sống ổn định, đặc biệt là các hộ gia đình thuộc dân tộc thiểu số, hộ nghèo neo đơn, tàn tật. Cụ thể:

- Đa phần là kiểu nhà ba gian truyền thống và nhà rường, kết cấu đòn tay gỗ, tre (luồng); móng nhà bằng gạch hoặc đá, tường xây gạch; kết cấu tường chịu lực; mái lợp tôn, ngói hoặc fibrô xi măng; nhà có đầy đủ cửa đi, cửa sổ.

- Kết cấu nhà cửa đơn giản, không có liên kết giằng cho nhà cửa; vật liệu xây dựng nhà kém chất lượng. Nhà xây lâu năm có tường và mái xuống cấp nghiêm trọng, kết cấu mái gỗ đã mục, mối mọt nhiều, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

- Phần lớn các hộ gia đình có nhà xuống cấp trầm trọng nhưng không có khả năng gia cố, tu sửa hoặc xây dựng lại; việc gia cố nền móng, tu sửa lại từng phần được thực hiện tạm bợ vì kinh phí hạn hẹp.

2. Đánh giá tác động của các yếu tố khí hậu đối với nhà ở về đảm bảo an toàn khi xảy ra bão, tố, lốc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

- Hàng năm mưa bão đã tàn phá hoa màu, ruộng vườn, nhà cửa.

- Năm nào cũng xảy ra ít nhất từ 1-2 cơn bão kèm lũ lụt và lốc lớn.

- Đối với khu vực ven biển, bão thường đi kèm triều cường, xâm nhập mặn nhanh chóng làm hư hỏng các kết cấu của nhà ở, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân khi gặp bão lốc.

Trải qua các đợt thiên tai, phần lớn nhà không đủ khả năng chống chịu với bão, rất nguy hiểm cho tính mạng và tài sản vật dụng trong nhà của người dân.

3. Nhận xét, đánh giá chung về thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo đã và đang thực hiện tại địa phương.

Từ năm 2009 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo như: Hỗ trợ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ; Xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt theo Quyết định số 716/2012/QĐ-TTg; Xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ; Hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg .

a) Về ưu điểm:

- Địa phương đã nhận thức rõ ý nghĩa, yêu cầu mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững nói chung, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trong chiến lược kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, qua đó cụ thể hóa chương trình, nghị quyết chuyên đề của các cấp ủy Đảng và kế hoạch của UBND tỉnh; cùng với sự tham gia tích cực của các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể với nhiều mô hình, giải pháp hiệu quả và sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân đã tạo sự thống nhất cao trong thực hiện chăm lo hỗ trợ hộ nghèo ổn định chỗ ở, an cư lập nghiệp, vươn lên ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng được phát huy, dân chủ cơ sở được đẩy mạnh.

- Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở đã tạo điều kiện cho người nghèo có nhà ở ổn định, từng bước đảm bảo an sinh, an toàn về chỗ ở.

- Được sự quan tâm chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của mọi tầng lớp nhân dân. Nguồn vốn của Trung ương và nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách kịp thời.

b) Về các hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và biện pháp khắc phục:

- Hạn chế, tồn tại:

+ Các hộ gia đình đều xây nhà ở kết hợp việc phòng tránh thiên tai nên giá thành xây dựng nhà cao; trong khi đó, số tiền hỗ trợ của Nhà nước và vốn vay ưu đãi còn thấp;

+ Việc huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp rất khó khăn, vì hiện nay các doanh nghiệp hiện đang gặp nhiều khó khăn;

+ Các biện pháp khắc phục nhà ở sau thiên tai còn chưa hiệu quả. Việc xây dựng nhà ở phòng chống thiên tai ở một số địa phương chưa nhiều;

+ Người dân còn chưa hiểu rõ lợi ích của các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo.

- Nguyên nhân: Số hộ nghèo mới phát sinh hàng năm ở địa phương còn nhiều. Nguồn lực của tỉnh còn hạn chế.

- Biện pháp khắc phục: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng người dân để hiểu rõ hơn về lợi ích của các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo; vận động cộng đồng tham gia đóng góp hỗ trợ nâng cao chất lượng xây dựng nhà ở, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội.

III. ĐÁNH GIÁ PHƯƠNG THỨC HUY ĐỘNG VÀ QUẢN LÝ NGUỒN LỰC CỦA ĐỊA PHƯƠNG ĐÃ THỰC HIỆN NHẰM HỖ TRỢ NHÀ Ở ĐỐI VỚI HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO

1. Về phương thức huy động nguồn lực.

Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương về công tác giảm nghèo nói chung, hỗ trợ hộ nghèo nói riêng, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện tốt việc huy động các nguồn lực tại địa phương để nhằm chung tay góp sức giúp đỡ hộ nghèo vượt qua khó khăn, sớm ổn định chỗ ở, yên tâm sản xuất và đã đạt được một số kết quả nhất định. Song đến nay, việc huy động nguồn lực tại chỗ còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng với mục tiêu đề ra, mức huy động chiếm tỷ lệ nhỏ so với số lượng hộ nghèo còn nhiều.

2. Về quản lý nguồn lực của địa phương trong quá trình thực hiện hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Các chương trình hỗ trợ người nghèo về nhà ở đều thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo; thông qua Ban chỉ đạo triển khai thực hiện đến cấp cơ sở theo đúng kế hoạch. Hàng năm, Ban chỉ đạo tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về kết quả đã làm được trong năm, nêu lên những mặt còn hạn chế chưa làm được và đề ra giải pháp, kế hoạch cho năm tới. Đồng thời, HĐND tỉnh đã thường xuyên tổ chức giám sát thực hiện chương trình theo quy định.

3. Về thực hiện việc quản lý sử dụng, cấp phát, thanh toán nguồn vốn cấp, vay tín dụng ưu đãi cũng như các nguồn vốn huy động khác.

Nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn lực huy động khác được cấp về cho các huyện, thị xã, thành phố quản lý và cấp xuống các xã theo kế hoạch để triển khai thực hiện đảm bảo đúng đối tượng; cấp phát đến tận tay hộ nghèo. Ngoài nguồn vốn được hỗ trợ theo các chương trình, Mặt trận Tổ quốc các cấp còn đứng ra huy động thêm các nguồn lực khác như: Nguyên vật liệu hiện có tại địa phương, ngày công, nguồn vốn từ các tổ chức cá nhân, anh em trong gia đình, dòng họ.

4. Về cách thức hỗ trợ.

Các hộ dân tự làm nhà hoặc do các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng, sau đó bàn giao cho hộ dân dưới sự giám sát của chính quyền và Mặt trận tổ quốc địa phương; bên cạnh đó huy động sự giúp đỡ về ngày công, tiền, nguyên vật liệu... từ các tổ chức, cá nhân, anh em trong gia đình, dòng họ.

5. Đánh giá chung về việc thực hiện huy động và quản lý nguồn lực của địa phương trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo đã thực hiện trong thời gian qua.

Việc thực hiện huy động và quản lý nguồn lực của địa phương trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo đã thực hiện trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cơ bản đạt yêu cầu, đảm bảo quy định.

IV. NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu, nguyên tắc hỗ trợ.

a) Mục tiêu: Hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

b) Nguyên tắc hỗ trợ:

- Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân. Ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu địa phương và sử dụng lao động tại chỗ để thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình.

- Phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện, đặc điểm, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.

- Hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số và hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng.

- Huy động từ nhiều nguồn vốn để thực hiện, kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm theo nguyên tắc: Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo ở các cấp, các ngành. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực và xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, lãng phí và các vi phạm trong quá trình thực hiện.

2. Yêu cầu về diện tích và chất lượng nhà ở.

Các huyện, xã tổ chức giới thiệu các mẫu thiết kế để người dân tham khảo, lựa chọn mẫu nhà. Tôn trọng nguyện vọng của người dân, không bắt buộc các hộ gia đình xây dựng nhà ở theo thiết kế mẫu. Tùy theo điều kiện cụ thể người dân có thể xây dựng, sửa chữa, nâng cấp nhà ở theo kinh nghiệm, truyền thống, phù hợp với điều kiện kinh tế, sinh hoạt của gia đình, nhưng phải đảm bảo tiêu chí tối thiểu về diện tích, chất lượng như sau:

- Sau khi được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa, nhà ở phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, đảm bảo “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên.

- Các bộ phận nền - móng, khung - tường, mái của căn nhà phải được làm từ các loại vật liệu có chất lượng tốt, không làm từ các loại vật liệu tạm, mau hỏng, dễ cháy. Cụ thể:

+ “Nền - móng cứng” là nền - móng nhà làm bằng các loại vật liệu có tác dụng làm tăng độ cứng của nền như: vữa xi măng - cát, bê tông, bê tông cốt thép, xây gạch/đá, gạch lát, gỗ;

+ “Khung - tường cứng” bao gồm hệ thống khung, cột, tường. Tùy điều kiện cụ thể, khung, cột được làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc; tường xây gạch/đá hoặc làm từ gỗ bền chắc;

+ “Mái cứng” gồm hệ thống đỡ mái và mái lợp. Tùy điều kiện cụ thể, hệ thống đỡ mái có thể làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc. Mái làm bằng bê tông cốt thép, lợp ngói. Trường hợp mái bằng tôn lợp giả ngói, tôn lạnh, tôn cách nhiệt, tôn cán sóng và có kết cấu đỡ chắc chắn (khung sắt, gỗ...) liên kết bền chặt với tường xây, cột bê tông cốt thép thì mái tôn trong trường hợp này được coi là vật liệu bền chắc;

- Tùy điều kiện thực tế, các bộ phận nhà ở có thể làm bằng các loại vật liệu có chất lượng tương đương có sẵn tại địa phương đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo thời hạn sử dụng. UBND cấp huyện chủ động nghiên cứu, đề xuất với UBND tỉnh (qua Sở Xây dựng) để xem xét quy định chủng loại vật liệu địa phương cụ thể (nếu có) để báo cáo Bộ Xây dựng xem xét, quyết định.

3. Đối tượng được hỗ trợ nhà ở.

a) Đối tượng:

- Hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021 - 2025) trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, đang cư trú trên địa bàn huyện nghèo và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Chương trình có hiệu lực thi hành tối thiểu 03 năm;

- Đối tượng thụ hưởng dự án không bao gồm các hộ đã được hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, đề án, chính sách khác.

b) Tiêu chí được hỗ trợ:

Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nhà ở thuộc một trong các trường hợp sau:

- Hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở hoặc nhà ở thuộc loại không bền chắc (trong ba kết cấu chính là nền - móng, khung - tường, mái thì có ít nhất hai kết cấu được làm bằng vật liệu không bền chắc).

- Diện tích nhà ở bình quân đầu người của hộ nghèo, hộ cận nghèo nhỏ hơn 8m2.

- Chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội hoặc tổ chức xã hội khác.

4. Phạm vi áp dụng.

Trên địa bàn 06 huyện nghèo được phê duyệt tại Quyết định số 353/QĐ- TTg ngày 15 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025; cụ thể: huyện Thường Xuân, huyện Lang Chánh, huyện Bá Thước, huyện Quan Hóa, huyện Quan Sơn, huyện Mường Lát.

5. Xác định số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở trên địa các huyện nghèo.

- Tổng số hộ nghèo thuộc diện đối tượng được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở (tính đến thời điểm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực thi hành): 6.045 hộ.

- Tổng số hộ cận nghèo thuộc diện đối tượng được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở (tính đến thời điểm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực thi hành): 2.472 hộ.

Trong đó:

- Tổng số hộ đề xuất hỗ trợ xây mới là: 4.637 hộ;

- Tổng số hộ đề xuất hỗ trợ cải tạo là: 3.880 hộ.

(Chi tiết tại Phụ lục số 01 kèm theo).

6. Phân loại đối tượng ưu tiên

a) Hộ nghèo dân tộc thiểu số: 6.314 hộ.

b) Hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng: 24 hộ.

c) Hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội: 258 hộ.

d) Hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật): 655 hộ.

đ) Hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai: 367 hộ.

e) Các hộ nghèo, hộ cận nghèo còn lại: 2.663 hộ.

(Chi tiết tại Phụ lục số 02 kèm theo).

7. Nguồn vốn thực hiện:

Các nguồn vốn quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

8. Xác định tổng số vốn thực hiện và phân khai nguồn vốn thực hiện:

Tổng số vốn cần có để thực hiện: 263.080.000.000 đồng.

- Vốn ngân sách Trung ương: 263.080.000.000 đồng;

- Vốn ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa: Giao Sở Tài chính căn cứ điều kiện thực tế và khả năng cân đối của ngân sách tỉnh, tham mưu đề UBND tỉnh quyết định việc hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương.

9. Cách thức thực hiện:

a) Bình xét và phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nhà ở: Thực hiện theo quy định tại Thông tư 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng.

b) Cấp vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ làm nhà ở: Cơ chế quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí nguồn ngân sách Trung ương thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

c) Thực hiện xây dựng nhà ở:

- Hộ nghèo, hộ cận nghèo trong danh sách được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở ký cam kết xây mới hoặc sửa chữa nhà ở và đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã đề nghị cung ứng vật liệu để xây mới hoặc sửa chữa nhà ở (nếu có nhu cầu), đề xuất lựa chọn mẫu nhà, phương thức xây mới hoặc sửa chữa nhà ở (theo mẫu tại Phụ lục II kèm theo Thông tư 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng);

- Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật) không có khả năng tự xây mới hoặc sửa chữa nhà ở thì Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp Mặt trận Tổ quốc xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận để thống nhất phân công các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tổ chức xây mới hoặc sửa chữa nhà ở cho các đối tượng này;

- Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở phải báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã khi hoàn thành các phần việc theo giai đoạn (hoàn thành phần móng đối với những hộ xây dựng nhà ở mới, hoàn thành từ 30% khối lượng công việc trở lên đối với những hộ sửa chữa nhà ở hiện có) hoặc hoàn thành toàn bộ công trình để tổ chức nghiệm thu làm cơ sở thực hiện giải ngân vốn hỗ trợ;

- Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, giám sát và giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo trong quá trình xây mới hoặc sửa chữa nhà ở đảm bảo tiến độ và chất lượng; lập biên bản xác nhận hoàn thành theo giai đoạn và biên bản xác nhận hoàn thành công trình đưa vào sử dụng (theo mẫu tại Phụ lục III và Phụ lục IV kèm theo Thông tư 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng).

10. Tiến độ thực hiện:

- Năm 2023: Thực hiện hỗ trợ khoảng 40% đối tượng;

- Năm 2024: Thực hiện hỗ trợ khoảng 30% đối tượng;

- Năm 2025: Thực hiện hỗ trợ khoảng 30% đối tượng.

11. Tiến độ huy động vốn dự kiến hàng năm:

a) Năm 2023: 182.140.000.000 đồng (theo Quyết định số 1506/QĐ-TTg ngày 02/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ);

b) Năm 2024: 40.470.000.000 đồng;

c) Năm 2025: 40.470.000.000 đồng.

12. Tổ chức thực hiện:

a) Trách nhiệm của Sở Xây dựng:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện Đề án và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

- Nghiên cứu tổ chức thiết kế mẫu nhà ở điển hình (tối thiểu 03 mẫu) kèm theo dự toán kinh phí, dự trù vật liệu.

- Báo cáo Quý (theo mẫu tại Phụ lục V kèm theo Thông tư 01/2022/TT- BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng) trước ngày 15 tháng cuối Quý và báo cáo năm (theo mẫu tại Phụ lục VI kèm theo Thông tư 01/2022/TT -BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng) trước ngày 10 tháng 12 hàng năm kết quả thực hiện gửi Bộ Xây dựng để tổng hợp gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

- Hướng dẫn, giám sát, kiểm tra các địa phương tổ chức thực hiện Đề án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Giải quyết các vướng mắc theo thẩm quyền hoặc trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND tỉnh giao.

b) Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng xây dựng phương án phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp cho các đơn vị thực hiện dự án; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định và chức năng nhiệm vụ được giao.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND tỉnh giao.

c) Trách nhiệm của Sở Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp cho các đơn vị thực hiện Đề án; đồng thời hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán nguồn kinh phí thực hiện Đề án theo quy định hiện hành.

- Căn cứ điều kiện thực tế và khả năng cân đối của ngân sách tỉnh, tham mưu đề xuất làm cơ sở tham mưu cho UBND tỉnh quyết định việc hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương góp phần nâng cao chất lượng nhà ở của các hộ nghèo, hộ cận nghèo ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND tỉnh giao.

d) Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Căn cứ Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo đã được UBND tỉnh phê duyệt, phối hợp với Sở Tài chính lập kế hoạch và phân bổ vốn đảm bảo theo quy định.

đ) Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa:

- Tuyên truyền chính sách, tuyên truyền vận động các tổ chức, đoàn thể, mọi tầng lớp nhân dân tham gia ủng hộ tiền của, vật chất, công sức giúp hộ nghèo xây dựng nhà ở;

- Chỉ đạo thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đến người dân bằng hình thức phù hợp. Tổ chức công công bố công khai các tiêu chí, đối tượng được thụ hưởng chính sách.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND tỉnh giao.

đ) Trách nhiệm của UBND cấp huyện:

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện, đảm bảo chính sách đến được từng hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở thuộc diện đối tượng được hỗ trợ; không để xảy ra thất thoát, tiêu cực; đảm bảo các hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở đạt chất lượng theo quy định sau khi được hỗ trợ.

- Tổ chức giới thiệu các mẫu nhà ở điển hình do Sở Xây dựng tổ chức thiết kế để người dân tham khảo, lựa chọn. Tôn trọng nguyện vọng của người dân, không bắt buộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng nhà ở theo thiết kế mẫu.

- Tuyên truyền vận động các tổ chức trên địa bàn, đoàn thể, mọi tầng lớp nhân dân tham gia ủng hộ tiền của, vật chất, công sức giúp hộ nghèo xây dựng nhà ở.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND tỉnh giao.

e) Trách nhiệm của UBND cấp xã:

- Nghiệm thu, xác nhận khối lượng xây dựng hoàn thành theo giai đoạn (hoàn thành phần móng đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng mới hoặc hoàn thành từ 30% khối lượng công việc xây dựng trở lên đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện sửa chữa nhà ở hiện có) và xác nhận hoàn thành công trình đưa vào sử dụng để làm cơ sở giải ngân vốn hỗ trợ theo quy định;

- Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo, giám sát các hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng vốn hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở đúng mục đích, đảm bảo nhà ở phải được xây dựng hoàn chỉnh để đưa vào sử dụng; vận động các tổ chức, đoàn thể như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo xây mới hoặc sửa chữa nhà ở; phát huy cao nhất khả năng huy động nguồn lực từ cộng đồng, các nhà cung ứng vật liệu và hộ gia đình; tận dụng, khai thác vật liệu tại chỗ như cát, đá, sỏi, gỗ theo quy định của pháp luật để đảm bảo giảm giá thành xây dựng nhà ở.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác được giao.

V. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

1. Kết luận:

- Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được xây dựng trên cơ sở các chính sách ban hành theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025, đồng thời kết hợp với thực trạng và nhu cầu về nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương.

- Nội dung Đề án được xây dựng với hệ thống giải pháp, cơ chế chính sách đồng bộ, ngân sách trung ương giữ vai trò hỗ trợ, dẫn dắt kết hợp với sự hỗ trợ của cộng đồng và bản thân hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhằm tạo cơ hội cho các hộ nghèo, cận nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

2. Kiến nghị:

Đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan xem xét nội dung Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định

Trên đây là Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm giúp đỡ địa phương trong công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện đảm bảo nội dung Đề án. Trong quá trình triển khai thực hiện có khó khăn, vướng mắc phát sinh đơn vị, địa phương báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Xây dựng) để xem xét xử lý theo quy định./.

PHỤ LỤC SỐ 01:

BIỂU TỔNG HỢP

Danh sách đề nghị hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo thông tư số 01/2022/TT-BXD của Bộ xây dựng

(Kèm theo Đề án ban hành kèm theo Quyết định số 2079/QĐ-UBND ngày 15/6/2023 của UBND tỉnh Thanh Hóa)

TT

Đơn vị

Loại hộ

Đề xuất hỗ trợ

Ghi chú

Hộ nghèo

Hộ cận nghèo

Xây mới

Sửa chữa

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

I

Huyện Thường Xuân

591

276

589

278

1

Thị trấn Thường Xuân

19

34

20

33

Quyết định số 833/QĐ- UBND ngày 15/5/2023 của Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân

2

Xã Bát Mọt

53

3

46

10

3

Xã Yên Nhân

59

8

35

32

4

Xã Ngọc Phụng

18

25

24

19

5

Xã Vạn Xuân

35

25

38

22

6

Xã Xuân Lẹ

24

9

27

6

7

Xã Xuân Chinh

11

0

10

1

8

Xã Xuân Lộc

27

1

25

3

9

Xã Xuân Thắng

45

5

43

7

10

Xã Tân Thành

69

11

59

21

11

Xã Luận Khê

120

32

113

39

12

Xã Luận Thành

31

40

41

30

13

Xã Xuân Cao

18

27

26

19

14

Xã Thọ Thanh

21

24

18

27

15

Xã Xuân Dương

20

25

36

9

16

Xã Lương Sơn

21

7

28

0

II

Huyện Lang Chánh

1.138

560

836

862

1

Thị trấn Lang Chánh

139

42

160

21

Quyết định số 348/QĐ-UBND ngày 10/4/2023 của UBND huyện Lang Chánh

2

Xã Giao Thiện

204

81

122

163

3

Xã Giao An

33

19

30

22

4

Xã Đồng Lương

122

14

129

7

5

Xã Tân Phúc

63

35

80

18

6

Xã Yên Khương

238

154

13

379

7

Xã Trí Nang

41

4

39

6

8

Xã Tam Văn

144

143

170

117

9

Xã Lâm Phú

102

54

61

95

10

Xã Yên Thắng

52

14

32

34

III

Huyện Bá Thước

1.690

967

1.575

1.082

1

Xã Kỳ Tân

72

37

90

19

Quyết định số 1587/QĐ- UBND ngày 15/5/2023 của UBND huyện Bá Thước

2

Xã Văn Nho

177

98

230

45

3

Xã Thiết Ống

127

20

130

17

4

Xã Thiết Kế

75

61

87

49

5

Xã Ban Công

44

50

75

19

6

Xã Thành Lâm

25

9

28

6

7

Xã Thành Sơn

45

37

31

51

8

Xã Lũng Niêm

53

68

60

61

9

Xã Cổ Lũng

149

78

88

139

10

Xã Lũng Cao

75

27

64

38

11

Xã Hạ Trung

90

10

82

18

12

Xã Ái Thượng

58

32

60

30

13

Thị trấn Cành Nàng

61

38

56

43

14

Xã Điền Lư

14

2

14

2

15

Xã Điền Quang

131

76

111

96

16

Xã Điền Hạ

118

92

75

135

17

Xã Điền Thượng

198

141

149

190

18

Xã Điền Trung

43

50

42

51

19

Xã Lương Ngoại

37

15

33

19

20

Xã Lương Trung

36

16

25

27

21

Xã Lương Nội

62

10

45

27

IV

Huyện Quan Sơn

1.047

279

671

655

1

Xã Na Mèo

124

15

78

61

Quyết định số 746/QĐ- UBND ngày 17/5/2023 của UBND huyện Quan Sơn

2

Xã Sơn Thủy

98

8

91

15

3

Xã Mường Mìn

36

9

14

31

4

Xã Sơn Điện

90

21

19

92

5

Xã Tam Thanh

113

31

42

102

6

Xã Tam Lư

77

13

40

50

7

Thị trấn Sơn Lư

134

18

74

78

8

Xã Sơn Hà

37

11

15

33

9

Xã Trung Thượng

68

15

53

30

10

Xã Trung Tiến

61

7

45

23

11

Xã Trung Hạ

142

53

124

71

12

Xã Trung Xuân

67

78

76

69

V

Huyện Quan Hóa

594

293

526

361

1

Xã Phú Nghiêm

4

1

5

0

Quyết định số 646/QĐ- UBND ngày 15/5/2023 của UBND huyện Quan Hóa

2

Thị trấn Hồi Xuân

26

18

25

19

3

Xã Phú Xuân

62

40

30

72

4

Xã Phú Lệ

8

13

20

1

5

Xã Phú Sơn

44

5

26

23

6

Xã Phú Thanh

27

36

32

31

7

Xã Thành Sơn

49

10

37

22

8

Xã Trung Thành

34

10

19

25

9

Xã Trung Sơn

29

4

25

8

10

Xã Nam Xuân

15

10

13

12

11

Xã Nam Tiến

61

46

71

36

12

Xã Nam Động

36

15

28

23

13

Xã Thiên Phủ

62

35

66

31

14

Xã Hiền Chung

16

1

16

1

15

Xã Hiền Kiệt

121

49

113

57

VI

Huyện Mường Lát

985

97

440

642

1

Xã Mường Chanh

1

2

3

0

Quyết định số 640/QĐ- UBND ngày 20/4/2023 của UBND huyện Mường Lát

2

Xã Quang Chiểu

99

33

70

62

3

Thị trấn Mường Lát

181

8

53

136

4

Xã Tam Chung

121

12

44

89

5

Xã Pù Nhi

207

15

107

115

6

Xã Nhi Sơn

46

4

24

26

7

Xã Trung Lý

212

16

83

145

8

Xã Mường Lý

118

7

56

69

TỔNG

6.045

2.472

4.637

3.880

PHỤ LỤC SỐ 02:

BIỂU PHÂN LOẠI ĐỐI TƯỢNG ƯU TIÊN
(Kèm theo Đề án ban hành kèm theo Quyết định số 2079/QĐ-UBND ngày 15/6/2023 của UBND tỉnh Thanh Hóa)

STT

Đơn vị

LOẠI ĐỐI TƯỢNG ƯU TIÊN

Hộ nghèo dân tộc thiểu số

Hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng

Hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội

Hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật)

Hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai

Các hộ nghèo, hộ cận nghèo còn lại

1

Thường Xuân

552

5

57

13

9

231

2

Lang Chánh

1.417

7

100

36

33

105

3

Bá Thước

1.630

10

63

5

27

922

4

Quan Sơn

1.317

0

0

0

0

9

5

Quan Hóa

632

2

19

8

4

222

6

Mường Lát

766

0

19

3

294

0

TỔNG

6.314

24

258

65

367

1.489

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 2079/QĐ-UBND ngày 15/06/2023 phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Thanh Hóa ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.617

DMCA.com Protection Status
IP: 18.117.74.47
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!