ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
17/2023/QĐ-UBND
|
Bắc Giang, ngày
30 tháng 6 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP THỰC HIỆN CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG NHÀ
NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Luật Trách nhiệm bồi
thường của nhà nước ngày 20 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số
68/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ Quy định chi tiết một số
điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
Căn cứ Thông tư số
08/2019/TT-BTP ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Quy định biện
pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước;
Căn cứ Thông tư số
09/2019/TT-BTP ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Quy định biện
pháp hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường
nhà nước;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Tư pháp tại Tờ trình số 38/TTr-STP ngày 15 tháng 6 năm 2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà
nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Điều 2. Quyết
định này có hiệu lực từ ngày 15/7/2023.
Điều 3. Giám
đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng
các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường,
thị trấn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh, các tổ chức CT-XH tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh:
+ LĐVP, KTN, KGVX, KTTH, TH,
+ Trung tâm thông tin (đăng tải);
+ Lưu: VT, NC.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Mai Sơn
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP THỰC HIỆN CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH BẮC GIANG
(Kèm theo Quyết định số 17/2023/QĐ-UBND ngày 30 tháng 6 năm 2023 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Bắc Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định nguyên tắc,
nội dung, hình thức và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa
phương liên quan trong thực hiện công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh
Bắc Giang.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
1. Các cơ quan chuyên môn thuộc
Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Các cơ quan được tổ chức
theo ngành dọc trung ương đóng trên địa bàn tỉnh.
3. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện), Ủy ban nhân dân xã, phường,
thị trấn (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã).
4. Các tổ chức, cá nhân có liên
quan trong công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Điều 3.
Nguyên tắc phối hợp
1. Tuân thủ các quy định của Luật
Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số 10/2017/QH14 ngày 20/6/2018 của Quốc hội
và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Việc phối hợp trong công tác
bồi thường nhà nước được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của
từng cơ quan, đơn vị, địa phương và không ảnh hưởng tới hoạt động của cơ quan,
đơn vị, địa phương liên quan.
3. Bảo đảm tính chủ động, thường
xuyên, chặt chẽ, kịp thời; phân công rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ
quan phối hợp trong quá trình phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước.
Điều 4. Nội
dung phối hợp
1. Phối hợp trong hoạt động quản
lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước theo quy định khoản 3 Điều 73 Luật
Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trừ các nội dung quy định tại khoản 2, 3,
4 Điều này.
2. Phối hợp trong công tác giải
quyết yêu cầu bồi thường nhà nước.
3. Phối hợp trong thanh tra, kiểm
tra thực hiện công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh.
4. Phối hợp trong thực hiện báo
cáo, thống kê, cung cấp thông tin trong công tác bồi thường nhà nước.
Điều 5.
Hình thức phối hợp
1. Phối hợp bằng văn bản.
2. Tổ chức cuộc họp liên ngành.
3. Thành lập đoàn kiểm tra,
thanh tra liên ngành.
4. Các hình thức phù hợp khác
theo quy định của pháp luật.
Chương II
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ
QUAN, ĐƠN VỊ, ĐỊA PHƯƠNG TRONG PHỐI HỢP THỰC HIỆN CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC
Điều 6. Phối
hợp trong thực hiện quản lý nhà nước về bồi thường nhà nước
1. Sở Tư pháp có trách nhiệm
tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh:
a) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng
nghiệp vụ cho đội ngũ công chức được giao thực hiện công tác bồi thường nhà nước
của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
b) Hướng dẫn nghiệp vụ công tác
bồi thường nhà nước theo quy định.
c) Xác định cơ quan giải quyết
bồi thường thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.
d) Hướng dẫn người bị thiệt hại
thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường khi có yêu cầu.
đ) Theo dõi, đôn đốc công tác bồi
thường nhà nước.
e) Giải quyết khiếu nại, tố cáo
và xử lý vi phạm trong công tác bồi thường nhà nước.
g) Kiến nghị cơ quan có thẩm
quyền xử lý vi phạm về việc giải quyết bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn
trả trong phạm vi do mình quản lý theo quy định.
h) Kiến nghị người có thẩm quyền
kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường.
i) Yêu cầu thủ trưởng cơ quan
trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hủy quyết định giải quyết
bồi thường trong trường hợp không ra quyết định hủy khi có một trong các căn cứ
quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 3 Điều 48 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà
nước.
2. Các cơ quan chuyên môn thuộc
Ủy ban nhân dân tỉnh, cơ quan được tổ chức theo ngành dọc trung ương đóng trên
địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:
a) Cử công chức, viên chức tham
mưu thực hiện công tác bồi thường nhà nước thuộc phạm vi quản lý của cơ quan,
đơn vị, địa phương tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác bồi
thường nhà nước do Sở Tư pháp và cơ quan có thẩm quyền khác tổ chức.
b) Đề nghị Sở Tư pháp hướng dẫn
nghiệp vụ trong công tác bồi thường nhà nước theo quy định.
c) Thực hiện cung cấp thông
tin, báo cáo theo yêu cầu của Sở Tư pháp theo quy định tại khoản 1 Điều này.
d) Thực hiện các kiến nghị, yêu
cầu của cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước theo quy định
tại khoản 1 Điều này.
Điều 7. Phối
hợp xác minh thiệt hại, thương lượng việc bồi thường
1. Cơ quan giải quyết bồi thường
có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện xác minh thiệt
hại và tổ chức thương lượng việc bồi thường thiệt hại theo quy định.
2. Sở Tư pháp, Sở Tài chính có
trách nhiệm cử đại diện tham gia vào việc xác minh thiệt hại đối với các vụ việc
phức tạp theo đề nghị của cơ quan giải quyết bồi thường quy định tại khoản 4 Điều
19 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ Quy định
chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà
nước.
3. Sở Tư pháp có trách nhiệm cử
đại diện tham gia thương lượng đối với tất cả các vụ việc yêu cầu bồi thường
thuộc trách nhiệm giải quyết của cơ quan giải quyết bồi thường trên địa bàn tỉnh.
4. Các cơ quan, tổ chức, cá
nhân có liên quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan giải quyết bồi thường
trong việc xác minh thiệt hại; tham gia thương lượng bồi thường theo đề nghị của
cơ quan giải quyết bồi thường trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21
Nghị định số 68/2018/NĐ-CP .
Điều 8. Phối
hợp chi trả tiền bồi thường
1. Cơ quan trực tiếp quản lý
người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị cấp kinh phí
bồi thường và quyết toán kinh phí bồi thường theo quy định.
2. Sở Tài chính có trách nhiệm
phối hợp với cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại quyết
toán kinh phí bồi thường theo quy định.
Điều 9. Phối
hợp xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại
1. Cơ quan đã chi trả tiền bồi
thường có trách nhiệm thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả (gọi tắt
là Hội đồng), thực hiện phương thức làm việc của Hội đồng theo quy định tại Điều
28 và Điều 29 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP .
2. Các cơ quan, tổ chức, cá
nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp nắm bắt thông tin vụ việc, cử đại diện
tham gia Hội đồng đúng thành phần và trình bày ý kiến tại các cuộc họp của Hội
đồng.
Điều 10.
Phối hợp gửi văn bản trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường và xác định
trách nhiệm hoàn trả
1. Sở Tư pháp có trách nhiệm
yêu cầu cơ quan giải quyết bồi thường báo cáo các nội dung về giải quyết yêu cầu
bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả và xử lý kỷ luật người thi hành công
vụ của cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp quy định tại điểm e khoản
3 Điều 73 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và tiếp nhận các văn bản do
các cơ quan, đơn vị, địa phương quy định tại khoản 2 Điều này gửi đến để theo
dõi, tổng hợp.
2. Cơ quan tiến hành tố tụng,
cơ quan thi hành án; các cơ quan hành chính tỉnh, cấp huyện, cấp xã trong quá
trình giải quyết yêu cầu bồi thường và xác định trách nhiệm hoàn trả có trách
nhiệm gửi Sở Tư pháp các văn bản quy định tại khoản 7 Điều 15, khoản 4 Điều 43,
khoản 5 Điều 48, khoản 3 Điều 49, khoản 4 Điều 50, khoản 3 Điều 51 và khoản 4
Điều 66 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Điều 11.
Phối hợp kiểm tra, thanh tra công tác bồi thường nhà nước
1. Sở Tư pháp tham mưu, giúp
UBND tỉnh thanh tra, kiểm tra công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động quản
lý hành chính, tố tụng và thi hành án tại địa phương có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan có liên quan xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm tra công tác bồi thường nhà
nước hằng năm trên địa bàn tỉnh trước ngày 31/3 hàng năm.
Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan liên quan ban hành kế hoạch và thực hiện kiểm tra đột xuất trong trường hợp
quy định tại khoản 2 Điều 18 Thông tư số 08/2019/TT-BTP ngày 10 tháng 12 năm
2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý
nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.
Nội dung, căn cứ, hình thức,
thành phần, kết luận, biện pháp xử lý sau kiểm tra được thực hiện theo quy định
tại Điều 16, 17, 18, 20, 22 Thông tư số 08/2019/TT-BTP .
b) Tham mưu, giúp UBND tỉnh thực
hiện thanh tra công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh theo quy định của
pháp luật về thanh tra và quy định pháp luật có liên quan.
2. Các cơ quan liên quan có
trách nhiệm:
a) Góp ý kiến vào dự thảo kế hoạch
thanh tra, kiểm tra.
b) Cử đại diện tham gia đoàn kiểm
tra theo yêu cầu của Sở Tư pháp.
c) Cung cấp kịp thời, đầy đủ,
chính xác các thông tin, tài liệu khi được yêu cầu.
d) Phối hợp với Sở Tư pháp tổ
chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra công tác bồi thường nhà nước theo
quy định của pháp luật.
Điều 12.
Báo cáo, thống kê việc thực hiện công tác bồi thường nhà nước
1. Sở Tư pháp có trách nhiệm:
a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
thực hiện công tác thống kê, báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất về công tác bồi
thường nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân
dân tỉnh báo cáo công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh trước ngày 02
tháng 12 hằng năm để báo cáo Bộ Tư pháp theo quy định.
b) Hướng dẫn các cơ quan chuyên
môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, các cơ quan được tổ
chức theo ngành dọc trung ương đóng trên địa bàn thực hiện công tác báo cáo, thống
kê về công tác bồi thường nhà nước theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của
Bộ Tư pháp.
2. Các cơ quan chuyên môn thuộc
Ủy ban nhân dân tỉnh, cơ quan được tổ chức theo ngành dọc trung ương đóng trên
địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm báo cáo, thống kê công tác bồi
thường nhà nước thuộc phạm vi quản lý về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp)
trước ngày 25 tháng 11 hằng năm.
3. Trách nhiệm thống kê quy định
tại khoản 2 Điều này được thực hiện như sau:
a) Các cơ quan chuyên môn thuộc
Ủy ban nhân dân tỉnh thống kê việc thực hiện công tác bồi thường nhà nước của
cơ quan.
b) Các cơ quan được tổ chức
theo ngành dọc trung ương đóng trên địa bàn thống kê việc thực hiện công tác bồi
thường nhà nước của cơ quan mình và cơ quan thuộc phạm vi quản lý.
c) Ủy ban nhân dân cấp huyện thống
kê việc thực hiện công tác bồi thường nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp huyện và
Ủy ban nhân dân cấp xã.
Chương
III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13.
Trách nhiệm thực hiện
1. Sở Tư pháp có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi
thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án trên
địa bàn tỉnh.
b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
xây dựng, ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về
công tác bồi thường nhà nước.
c) Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh
tham mưu triển khai thực hiện, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Quy chế
này.
2. Các cơ quan chuyên môn thuộc
Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc trung ương đóng
trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:
a) Hằng năm, căn cứ kế hoạch công
tác bồi thường nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh và chỉ đạo, hướng dẫn của cơ
quan nhà nước cấp trên; trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và tình hình
thực tế tại cơ quan, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực
hiện công tác bồi thường nhà nước trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương.
b) Thực hiện công tác giải quyết
bồi thường, xác định trách nhiệm hoàn trả, thực hiện quyết định hoàn trả; xử lý
kỷ luật, xử lý vi phạm trong giải quyết bồi thường theo thẩm quyền.
c) Chỉ đạo cơ quan cấp huyện
theo ngành dọc giải quyết bồi thường, xác định trách nhiệm hoàn trả theo quy định.
d) Thực hiện các nội dung khác
theo quy định của Quy chế này và các văn bản pháp luật có liên quan.
3. Công an tỉnh có trách nhiệm:
a) Thực hiện các nhiệm vụ quy định
tại khoản 2 Điều này.
b) Chỉ đạo cơ quan Công an cấp
huyện có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã bảo đảm an
ninh, trật tự cho buổi trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai theo đề nghị của
cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.
4. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh
a) Thực hiện các nhiệm vụ quy định
tại khoản 2 Điều này.
b) Gửi các bản án có nội dung
giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước và chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp huyện gửi
các bản án có nội dung giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước cho Sở Tư pháp.
5. Sở Tài chính có trách nhiệm:
a) Thực các nhiệm vụ quy định tại
khoản a, b, d khoản 2 Điều này.
b) Thực hiện lập dự toán kinh
phí bồi thường nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều 61 Luật Trách nhiệm bồi
thường của nhà nước.
c) Thực hiện cấp phát kinh phí
bồi thường và quyết toán kinh phí bồi thường theo quy định tại Điều 62, Điều 63
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
d) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
bố trí kinh phí thực hiện công tác quản lý nhà nước về bồi thường nhà nước theo
quy định của pháp luật.
6. Bảo hiểm xã hội tỉnh có
trách nhiệm:
a) Thực hiện các nhiệm vụ quy định
tại khoản 2 Điều này.
b) Chỉ đạo cơ quan bảo hiểm xã
hội đang trả lương hưu cho người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm
thu tiền theo quyết định hoàn trả và nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước.
c) Tham gia Hội đồng xem xét
trách nhiệm hoàn trả với tư cách là cơ quan chi trả lương hưu cho người thi
hành công vụ gây thiệt hại trong trường hợp người đó đã nghỉ hưu.
7. Ủy ban nhân dân cấp huyện có
trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quy định tại điểm a, b, d khoản 2 Điều này.
8. Ủy ban nhân dân xã có trách
nhiệm:
a) Hằng năm, căn cứ kế hoạch và
chỉ đạo của cấp trên chủ động triển khai thực hiện công tác bồi thường nhà nước
trong phạm vi quản lý địa phương.
b) Thực hiện công tác giải quyết
bồi thường, xác định trách nhiệm hoàn trả, thực hiện quyết định hoàn trả theo
quy định.
Điều 14.
Điều khoản thi hành
Trong quá trình triển khai, thực
hiện Quy chế, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc vấn đề mới phát sinh thì các cơ
quan, đơn vị, địa phương phản ánh kịp thời về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.