ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH TRÀ VINH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
17/2013/QĐ-UBND
|
Trà Vinh, ngày
07 tháng 6 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT
ĐAI CỦA CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Đất đai ngày
26/11/2003;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung Điều
126 của Luật nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai ngày 18/6/2009;
Căn cứ Luật Khiếu nại ngày
11/11/2011;
Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP
ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số
75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khiếu
nại 2011;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Tài nguyên và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này Quy định giải quyết tranh chấp đất đai của các cơ quan hành chính nhà
nước trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh,
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các Sở - Ban ngành tỉnh, Chủ tịch
UBND các huyện - thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Trần Khiêu
|
QUY ĐỊNH
GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI CỦA CÁC CƠ QUAN
HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 17/2013/QĐ-UBND
Ngày 07/6/2013 của UBND tỉnh Trà Vinh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về hòa giải tranh chấp đất
đai, giải quyết tranh chấp đất đai, giải quyết khiếu nại quyết định giải quyết
tranh chấp đất đai của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Trà
Vinh.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, công chức các
bộ phận tiếp công dân liên quan đến việc giải quyết tranh chấp đất đai.
2. Các bên trong vụ việc tranh chấp, người có
nghĩa vụ, quyền lợi liên quan đến vụ việc tranh chấp đất đai.
Điều 3. Giải thích từ
ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền và
nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.
2. Vụ việc phức tạp là vụ việc mà chứng cứ
không đầy đủ, chưa được pháp luật quy định rõ, còn nhiều quan điểm khác nhau,
cần phải áp dụng văn bản quy phạm pháp luật ở nhiều thời kỳ hoặc của nhiều
ngành luật khác nhau để giải quyết.
3. Ngày làm việc là tổng số ngày trong tuần trừ
các ngày nghỉ, ngày lễ, Tết cổ truyền theo quy định của pháp luật về lao động.
Điều 4. Các tranh chấp, khiếu
nại không được thụ lý giải quyết
Tranh chấp, khiếu nại quyết định giải quyết
tranh chấp đất đai thuộc một trong các trường hợp sau đây không được thụ lý giải
quyết:
1. Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai bị
khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu
nại.
2. Người tranh chấp, khiếu nại không có năng lực
hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp.
3. Người đại diện không hợp pháp thực hiện tranh
chấp, khiếu nại.
4. Đơn tranh chấp, khiếu nại không có chữ ký hoặc
điểm chỉ của người tranh chấp, người khiếu nại.
5. Thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà không
có lý do chính đáng.
6. Khiếu nại quyết định giải quyết tranh chấp đất
đai đã có quyết định giải quyết khiếu nại của thủ trưởng cơ quan hành chính cấp
trên.
7. Có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết
khiếu nại mà sau 30 ngày người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại.
8. Việc tranh chấp, khiếu nại đã được giải quyết
bằng bản án, quyết định của Toà án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án
dân sự, vụ án hành chính của Tòa án.
Điều 5. Tiếp nhận, xử lý đơn
tranh chấp đất đai, đơn khiếu nại quyết định giải quyết tranh chấp đất đai
1. Văn phòng UBND tỉnh là đầu mối tiếp nhận đơn
tranh chấp đất đai, đơn khiếu nại quyết định giải quyết tranh chấp đai do tổ chức,
hộ gia đình, cá nhân gửi đến UBND tỉnh. Sau khi tiếp nhận đơn, Văn phòng UBND tỉnh
vào sổ, phân loại, xử lý, theo dõi kết quả giải quyết và tổng hợp báo cáo UBND
tỉnh. Việc xử lý đơn theo hướng sau:
a) Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch
UBND tỉnh thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, Văn phòng UBND tỉnh (được ủy quyền
của Chủ tịch UBND tỉnh) chuyển đến cơ quan chuyên môn thụ lý xác minh.
b) Đơn không thuộc quyền giải quyết của Chủ tịch
UBND tỉnh thì Văn phòng UBND tỉnh trực tiếp hướng dẫn hoặc có văn bản chuyển
đơn của công dân đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
c) Đơn có nội dung không rõ ràng, chưa cung cấp
đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến nội dung đơn khiếu nại thì
có văn bản yêu cầu hoặc mời công dân bổ túc hồ sơ để xử lý theo quy định, thời
hạn chậm nhất là 07 ngày làm việc.
d) Đơn thuộc một trong các trường hợp quy định tại
Điều 4 của Quy định này thì Văn phòng UBND tỉnh có văn bản trả lời cho người gửi
đơn biết đơn không được thụ lý để giải quyết.
2. Văn phòng HĐND và UBND các huyện - thành phố
(dưới đây gọi tắt là Văn phòng cấp huyện) là đầu mối tiếp nhận, phân loại, xử
lý đơn, đôn đốc và theo dõi kết quả giải quyết theo trình tự thủ tục như Văn
phòng UBND tỉnh.
3. Công chức Tư pháp - Hộ tịch xã, phường, thị
trấn (dưới đây gọi chung là cấp xã) là đầu mối tiếp nhận, xử lý đơn, tham mưu
cho Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai.
Điều 6. Xác định thẩm quyền
trong trường hợp vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khởi kiện
Cơ quan có thẩm quyền thụ lý đơn mời người khiếu
nại đến giải thích và hướng dẫn cho người khiếu nại một trong các trường hợp
sau được quyền lựa chọn:
a) Nếu khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án thì
làm đơn xin rút đơn khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011 và hướng
dẫn người khiếu nại gửi đơn khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.
b) Nếu khiếu nại hành chính thì làm đơn xin rút
đơn khởi kiện vụ án hành chính.
Chương II
QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT
TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI CỦA CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC
Mục 1. HÒA GIẢI TRANH CHẤP ĐẤT
ĐAI
Điều 7. Hòa giải tranh chấp
đất đai ở cơ sở
1. Các bên tranh chấp đất đai phải chủ động gặp
gỡ để tự hòa giải, nếu không thỏa thuận được thì thông qua Tổ hòa giải ở cơ sở
để hòa giải.
2. Tổ chức và hoạt động của Tổ hòa giải ở cơ sở
thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
Điều 8. Hòa giải tranh chấp
đất đai của UBND cấp xã
1. Trường hợp Tổ hòa giải ở cơ sở hòa giải không
thành thì việc tranh chấp đất đai phải được hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất
tranh chấp.
2. Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp xã có
trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành
viên của Mặt trận và tùy trường hợp mời thêm tổ chức xã hội khác tham gia để
hòa giải tranh chấp đất đai.
Điều 9. Trình tự các bước tiến
hành hòa giải của UBND cấp xã
1. Trước khi hòa giải, UBND cấp xã phải khảo sát
vị trí đất tranh chấp, tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập các
giấy tờ, tài liệu chứng cứ có liên quan.
2. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản gửi
cho các bên tranh chấp và lưu tại UBND cấp xã.
Biên bản hòa giải gồm các nội dung sau:
a) Thời gian và địa điểm tiến hành phiên hòa giải.
b) Thành phần tham gia phiên hòa giải, gồm: đại
diện cơ quan, tổ chức hòa giải; các bên tranh chấp, người có quyền và nghĩa vụ
liên quan.
c) Tóm tắt nội dung tranh chấp, nguyên nhân phát
sinh tranh chấp.
d) Thông tin địa chính về diện tích đất (thửa đất
hoặc chiết thửa đất, tờ bản đồ, năm lập tài liệu đo đạc, hình thể, kích thước
diện tích đất tranh chấp; diện tích đất tranh chấp có hay không có giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất hoặc có hay không có một trong các loại giấy tờ quy định
tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003).
đ) Ý kiến các bên tranh chấp; căn cứ kết quả thỏa
thuận giữa các bên tranh chấp, người chủ trì hòa giải phải có xác nhận ghi
trong biên bản hòa giải thành hoặc hòa giải không thành.
e) Biên bản hòa giải phải có chữ ký hoặc điểm chỉ
của tất cả các thành viên tham gia phiên hòa giải.
Trường hợp người bị tranh chấp không đến dù đã
được mời hợp lệ đến lần thứ ba hoặc đến nhưng không ký tên, điểm chỉ vào biên bản
thì UBND cấp xã lập biên bản hòa giải không thành nêu rõ lý do và có chữ ký xác
nhận của những người được mời tham dự.
3. Trường hợp hòa giải thành mà không thay
đổi hiện trạng đất hoặc không thay đổi chủ sử dụng đất, trong thời hạn 08
ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành, nếu các bên tranh
chấp không có ý kiến khác thì UBND cấp xã tiến hành lập thủ tục chuyển đến
Phòng Tài nguyên và Môi trường để trình Chủ tịch UBND cấp huyện tiến hành cấp
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người được sử dụng đất.
Trường hợp hoà giải thành mà có thay đổi hiện trạng
về ranh giới, chủ sử dụng đất thì UBND cấp xã gửi biên bản hoà giải thành đến
Phòng Tài nguyên và Môi trường. Đối với trường hợp thuộc thẩm quyền của UBND cấp
huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường trình UBND cùng cấp xem xét quyết định
công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất. Đối với trường hợp thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, Phòng Tài nguyên
và Môi trường đề xuất UBND cùng cấp báo đến Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét
trình UBND tỉnh quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
4. Trường hợp hòa giải không thành thì UBND cấp
xã hướng dẫn đương sự nộp đơn đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều
136 Luật Đất đai (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 264 Luật Tố tụng hành chính
năm 2010).
Đối với các trường hợp tranh chấp mà đương sự
không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ quy
định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 thì UBND cấp xã chuyển
đến UBND cấp có thẩm quyền biên bản hoà giải không thành kèm văn bản nêu ý kiến
của Hội đồng tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai cấp xã.
Thành phần Hội đồng tư vấn giải quyết tranh chấp
đất đai cấp xã theo quy định tại Khoản 2, Điều 161 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP
ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai.
Điều 10. Thời hạn hòa giải
Thời hạn hòa giải là 30 ngày làm việc, kể từ
ngày UBND cấp xã nhận được đơn, không kể thời gian được mời hợp lệ mà đương sự
không đến dự hòa giải.
Mục 2. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
ĐẤT ĐAI
Điều 11. Tranh chấp đất
đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND tỉnh
1. Tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch
UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết theo quy định tại Khoản 2, Điều
136 Luật Đất đai năm 2003 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 264 Luật Tố tụng
hành chính năm 2010) và Khoản 1, Khoản 2, Điều 160 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP
ngày 29/10/2004 của Chính phủ.
2. Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết tranh chấp
đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau.
3. Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết tranh chấp đất
đai giữa tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức
nước ngoài, cá nhân nước ngoài với nhau hoặc giữa tổ chức, cơ sở tôn giáo, người
Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài với hộ
gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.
Điều 12. Cơ quan được giao
xác minh vụ việc tranh chấp
1. Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên
và Môi trường (gọi chung là cơ quan Tài nguyên và Môi trường) có trách nhiệm
giúp Chủ tịch UBND cùng cấp xác minh vụ việc tranh chấp đất đai.
2. Những trường hợp vụ việc phức tạp, Chủ tịch
UBND các cấp giao cơ quan Thanh tra cùng cấp thẩm tra lại hồ sơ do cơ quan Tài
nguyên và Môi trường trình.
Điều 13. Nhiệm vụ của cơ
quan Tài nguyên và Môi trường
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày
nhận văn bản của cơ quan chức năng chuyển đến giao thụ lý xác minh đơn tranh chấp,
khiếu nại, Thủ trưởng cơ quan Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện các
nhiệm vụ như sau:
a) Thông báo bằng văn bản về việc thụ lý xác
minh đơn tranh chấp gửi cho đương sự và UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp.
b) Phân công Thanh tra viên, công chức xác minh
nội dung vụ việc tranh chấp, xây dựng hồ sơ giải quyết tranh chấp.
Hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai bao gồm:
a) Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp.
b) Các văn bản có liên quan của cơ quan hành
chính nhà nước, cơ quan giám sát trong quá trình giải quyết tranh chấp (nếu
có).
c) Biên bản hoà giải không thành.
d) Biên bản kiểm tra hiện trạng đất tranh chấp.
đ) Bản trích lục bản đồ phần đất tranh chấp do
Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cùng cấp cung cấp (ghi chú đầy đủ số tờ bản
đồ, số thửa hoặc chiết thửa đất, diện tích, hình thể, kích thước, loại đất…).
e) Biên bản làm việc, đối chất (nếu có) với các
bên tranh chấp; biên bản làm việc với người có liên quan, người am hiểu về nguồn
gốc, quá trình sử dụng phần đất tranh chấp.
f) Tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp.
g) Các tài liệu có liên quan khác.
h) Văn bản của Thủ trưởng cơ quan Tài nguyên và
Môi trường đề xuất hướng giải quyết tranh chấp. Nội dung cơ bản của văn bản phải
nêu rõ: nguồn gốc đất tranh chấp, diễn biến quá trình quản lý, sử dụng đất, tư
liệu địa chính qua các thời kỳ, hiện trạng đất tranh chấp, nguyên nhân phát
sinh tranh chấp, quá trình giải quyết tranh chấp, nhận xét của cơ quan Tài
nguyên và Môi trường về vụ việc khiếu nại, căn cứ pháp luật để đề xuất hướng giải
quyết tranh chấp.
Hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai phải được
đánh bút lục rõ ràng, đầy đủ.
3. Thời hạn xác minh và trình toàn bộ hồ sơ đến
UBND cùng cấp là không quá 20 ngày làm việc.
Điều 14. Nhiệm vụ của cơ
quan Thanh tra
1. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể
từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan Tài nguyên và Môi trường gửi đến, nếu xét thấy
cần thiết thì Chủ tịch UBND cùng cấp có văn bản gửi đến cơ quan Thanh tra tiến
hành thẩm tra hồ sơ.
2. Hồ sơ thẩm tra bao gồm:
a) Toàn bộ hồ sơ do cơ quan Tài nguyên và Môi
trường xây dựng.
b) Biên bản xác minh, làm việc, đối chất (nếu
có) với các bên tranh chấp; với người có liên quan, người am hiểu về nguồn gốc,
quá trình sử dụng phần đất tranh chấp;
c) Các tài liệu có liên quan khác (nếu có);
d) Biên bản cuộc họp giữa cơ quan Thanh tra với
cơ quan Tài nguyên và Môi trường (trường hợp chưa thống nhất về kiến nghị hướng
giải quyết);
đ) Báo cáo kết quả thẩm tra, trong đó nêu nhận
xét, kết luận về hồ sơ do cơ quan Tài nguyên và Môi trường xây dựng, kiến nghị
hướng giải quyết.
3. Thời hạn thẩm tra là không quá 15 ngày làm việc.
Điều 15. Trình tự ban hành
quyết định giải quyết tranh chấp
1. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được
hồ sơ của cơ quan Tài nguyên và Môi trường, cơ quan Thanh tra nêu tại Điều 13,
Điều 14 Quy định này, Văn phòng trình Chủ tịch UBND cùng cấp xem xét ban hành
quyết định giải quyết tranh chấp.
Trường hợp vụ việc phức tạp thì Chủ tịch UBND có
thẩm quyền trước khi ban hành quyết định giải quyết tranh chấp tổ chức cuộc họp
Hội đồng tư vấn để tham khảo ý kiến, thời gian thực hiện không quá 20 ngày làm
việc.
2. Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai phải
có các nội dung sau:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tên, địa chỉ của các bên tranh chấp, người có
nghĩa vụ, quyền lợi liên quan.
c) Nội dung tranh chấp.
d) Kết quả xác minh nội dung tranh chấp.
đ) Quá trình giải quyết đã qua.
e) Căn cứ pháp luật để giải quyết tranh chấp.
g) Công nhận hoặc không công nhận quyền sử dụng
đất của các bên tranh chấp.
h) Quyền khiếu nại, quyền khởi kiện tại Tòa án.
3. Thời hạn ban hành quyết định giải quyết tranh
chấp đất đai là không quá 45 ngày làm việc, trong trường hợp vụ việc phức tạp
là không quá 60 ngày làm việc, kể từ ngày gửi thông báo về việc thụ lý xác minh
cho người có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp.
4. Quyết định giải quyết tranh chấp được gửi cho
cơ quan chuyển đơn đến (nếu có), cơ quan được giao nhiệm vụ xác minh, Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc cùng cấp, UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan được
giao nhiệm vụ xác minh có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan,
UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp lập biên bản tống đạt quyết định cho các bên
tranh chấp, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; xác định ranh giới, mốc giới
diện tích đất nêu trong quyết định trên thực địa.
Mục 3. GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI ĐỐI
VỚI QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI
Điều 16. Thủ tục khiếu nại
1. Trường hợp Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết
tranh chấp đất đai mà một hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải
quyết đó, không khởi kiện tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính
năm 2010 thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh.
2. Thời hạn khiếu nại là 45 ngày, kể từ ngày nhận
được quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.
3. Hồ sơ khiếu nại, gồm:
a) Đơn khiếu nại có ký tên hoặc điểm chỉ của người
khiếu nại.
b) Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của
Chủ tịch UBND cấp huyện (bản sao hoặc bản photo).
c) Các tài liệu có liên quan (nếu có).
Điều 17. Thụ lý xác minh
đơn khiếu nại
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận
văn bản của Văn phòng UBND tỉnh về việc giao thụ lý xác minh đơn khiếu nại,
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Thông báo bằng văn bản về việc thụ lý xác
minh đơn khiếu nại gửi cho đương sự, Văn phòng cấp huyện, UBND cấp xã nơi có đất
tranh chấp.
2. Phân công Thanh tra viên, công chức xác minh
nội dung khiếu nại, xây dựng hồ sơ xác minh nội dung khiếu nại.
Điều 18. Xác minh nội dung
khiếu nại
1. Việc xác minh phải bảo đảm khách quan, chính
xác thông qua các hình thức sau đây:
a) Kiểm tra, xác minh thông qua các tài liệu, chứng
cứ mà người khiếu nại cung cấp, đối chiếu với hồ sơ giải quyết tranh chấp đất
đai.
b) Kiểm tra, xác minh lại hiện trạng sử dụng đất.
c) Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
2. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện
và UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp có trách nhiệm phối hợp, cung cấp hồ sơ
theo yêu cầu của người có trách nhiệm xác minh.
3. Hồ sơ xác minh nội dung khiếu nại bao gồm:
a) Đơn khiếu nại quyết định giải quyết tranh chấp.
b) Các văn bản có liên quan của cơ quan hành
chính nhà nước, cơ quan giám sát trong quá trình giải quyết khiếu nại (nếu có).
c) Toàn bộ hồ sơ giải quyết tranh chấp của UBND
cấp huyện.
d) Biên bản kiểm tra hiện trạng đất tranh chấp.
đ) Biên bản kiểm tra, xác minh.
e) Tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp.
f) Các tài liệu có liên quan khác.
g) Tờ trình của Thủ trưởng cơ quan Tài nguyên và
Môi trường đề xuất hướng giải quyết khiếu nại. Nội dung cơ bản của tờ trình phải
nêu rõ: kết quả kiểm tra hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai (về nguồn gốc đất
tranh chấp, diễn biến quá trình quản lý, sử dụng đất, ...); kết quả xem xét các
chứng cứ mà các bên cung cấp để xác định chủ thể được quyền sử dụng đất; công
nhận, công nhận một phần hoặc không công nhận kết quả giải quyết của Chủ tịch
UBND cấp huyện.
Hồ sơ xác minh nội dung khiếu nại quyết định giải
quyết tranh chấp đất đai phải được đánh bút lục rõ ràng, đầy đủ.
4. Thời hạn xác minh, trình hồ sơ đến UBND tỉnh
là không quá 30 ngày làm việc, trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn thực hiện
không quá 40 ngày làm việc.
Điều 19. Quan hệ làm việc
giữa Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường với Chủ tịch UBND cấp huyện trong quá
trình xác minh
1. Trường hợp hồ sơ giải quyết tranh chấp đất
đai chưa đầy đủ, chưa đúng quy định mà không thể khắc phục được, Giám đốc Sở
Tài nguyên và Môi trường trao đổi với Chủ tịch UBND cấp huyện để cấp huyện nhận
lại hồ sơ xem xét biện pháp khắc phục. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường báo
cáo kết quả trao đổi đến Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời thông báo bằng văn bản
cho các bên đương sự về việc chuyển hồ sơ.
2. Trường hợp chưa thống nhất về kết quả giải
quyết tranh chấp, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trao đổi với Chủ tịch
UBND cấp huyện về quan điểm giải quyết trước khi trình hồ sơ xác minh nội dung
khiếu nại.
Biên bản trao đổi quan điểm giải quyết được lưu
vào hồ sơ xác minh nội dung khiếu nại.
Điều 20. Trình tự ban hành
quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định giải quyết tranh chấp đất
đai
1. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được
hồ sơ của cơ quan Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng UBND tỉnh trình Chủ tịch
UBND tỉnh xem xét ban hành quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định
giải quyết tranh chấp đất đai.
Trường hợp vụ việc phức tạp thì Chủ tịch UBND tỉnh
trước khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại tổ chức cuộc họp Hội đồng tư
vấn để tham khảo ý kiến, thời gian thực hiện không quá 20 ngày làm việc.
2. Quyết định giải quyết khiếu nại quyết định giải
quyết tranh chấp đất đai phải có các nội dung sau:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định.
b) Tên, địa chỉ của người khiếu nại.
c) Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai bị
khiếu nại, nội dung khiếu nại.
d) Kết quả xác minh nội dung khiếu nại.
đ) Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại.
e) Kết luận nội dung khiếu nại.
g) Giữ nguyên, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một
phần hay toàn bộ quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.
3. Thời hạn ban hành quyết định giải quyết khiếu
nại đối với quyết định giải quyết tranh chấp đất đai là không quá 60 ngày làm
việc, kể từ ngày gửi thông báo về việc thụ lý xác minh cho người có đơn khiếu nại.
4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, quyết định
giải quyết khiếu nại được gửi cho cơ quan được giao nhiệm vụ xác minh.
Trong thời hạn 04 ngày làm việc, kể từ ngày nhận
được quyết định giải quyết khiếu nại, cơ quan được giao nhiệm vụ xác minh có
trách nhiệm phối hợp với UBND cấp huyện, UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp lập
biên bản tống đạt quyết định cho người khiếu nại, người có quyền lợi, nghĩa vụ
liên quan; xác định ranh giới, mốc giới diện tích đất nêu trong quyết định trên
thực địa.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 21. Trách nhiệm phối hợp
giữa các cấp, các ngành trong giải quyết tranh chấp đất đai
1. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp và
UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài
liệu, chính sách, chế độ có liên quan đến nội dung giải quyết tranh chấp đất
đai theo đề nghị của cơ quan được giao nhiệm vụ xác minh.
2. Cơ quan được giao nhiệm vụ xác minh có trách
nhiệm phối hợp, tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn, Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam, các tổ chức đoàn thể cùng cấp trong quá trình xác minh, kiến nghị giải
quyết.
Điều 22. Tổ chức thực hiện
1. Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường triển
khai quyết định này, hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải, giải quyết tranh chấp đất
đai; định kỳ hàng tháng báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh (thông qua Thanh tra tỉnh) về
kết quả hòa giải, giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn tỉnh.
Giao Chánh Thanh tra tỉnh theo dõi, kiểm tra, tổng
hợp kết quả hòa giải, giải quyết tranh chấp đất đai và tình hình giải quyết khiếu
nại về đất đai trên địa bàn tỉnh, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo định kỳ hàng
tháng.
2. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có
vướng mắc, Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn theo thẩm quyền;
trường hợp phát sinh vấn đề mới, Chủ tịch UBND cấp huyện, Thủ trưởng các
cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ảnh về UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh hoặc Sở Tài
nguyên và Môi trường) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kịp thời sửa đổi, bổ sung
cho phù hợp./.