UỶ
BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số:
06/2008/QĐ-UBND
|
Phủ
Lý, ngày 09 tháng 4 năm 2008
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ
NƯỚC THU HỒI ĐẤT, TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về bồi
thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Nghị định số
17/2006/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số
Điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định
bổ sung về việc cấp GCNQSDĐ, thu hồi đất, thực hiện QSDĐ, trình tự, thủ tục bồi
thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về
đất đai;
Căn cứ Thông tư số 116/2004/TT-BTC ngày 07 tháng 12 năm 2004 của Bộ Tài chính
hướng dẫn thực hiện Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ; Thông tư số
14/2008/TTLT-BTC-BTNMT của Liên Bộ Tài chính - Bộ Tài nguyên Môi trường hướng dẫn
thực hiện Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ;
Xét đề nghị của Sở Tài chính, Sở Tài nguyên Môi trường về cơ chế chính sách bồi
thường giải phóng mặt bằng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về bồi thường,
hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký;
thay thế Quyết định số 136/2005/QĐ-UB ngày 28 tháng 01 năm 2005 của Uỷ ban nhân
dân tỉnh Hà Nam về việc ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
khi Nhà nước thu hồi đất.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở:
Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã
và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành./.
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Đậu
|
QUY ĐỊNH
VỀ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2008/QĐ-UBND ngày 09 /4/2008 của Uỷ ban
nhân dân tỉnh Hà Nam)
Phần I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Thực hiện việc bồi thường hỗ
trợ và tái định cư, khi thu hồi đất theo nội dung quy định tại Nghị định số
197/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ; Nghị định số
17/2006/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ; Nghị định số
84/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ; Thông tư số: 116/2004/TT-BTC
ngày 07 tháng 12 năm 2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số
197/2004/NĐ-CP ; Thông tư số: 69/2006/TT-BTC ngày 02/8/2006 của Bộ Tài chính về
việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số: 116/2004/TT-BTC ; Thông tư số
14/2008/TTLT-BTC-BTNMT ngày 31 tháng 01 năm 2008 của Liên bộ Bộ Tài chính - Bộ
Tài nguyên Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định số 84/2007/NĐ-CP .
2. Bản quy định này cụ thể hoá một
số nội dung về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên
địa bàn tỉnh Hà Nam.
Phần II
BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VỀ ĐẤT
1. Nguyên tắc và điều kiện được
bồi thường:
a) Nguyên tắc bồi thường được
quy định tại Điều 6 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ.
b) Điều kiện được bồi thường
theo quy định tại Điều 8 Nghị định 197/NĐ-CP của Chính phủ; Điều 44 Nghị định số
84/2007/NĐ-CP của Chính phủ.
2. Giá bồi thường, hỗ trợ đất
nông nghiệp
a) Giá nhóm đất nông nghiệp:
Theo bảng giá quy định của UBND tỉnh công bố vào ngày 01 tháng 01 hàng năm.
b) Đất nông nghiệp xen kẽ trong
khu dân cư, đất vườn, ao liền kề với đất ở trong khu dân cư (Đất của hộ gia
đình cá nhân trong cùng thửa với đất ở, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,
nhưng không được cấp có thẩm quyền công nhận là đất ở) theo khoản 1 Điều 43 Nghị
định 84/2007/NĐ-CP được bồi thường hỗ trợ như sau:
- Khu vực nông thôn giá đất được
xác định bằng: 1,5 lần mức giá đất trồng cây lâu năm hạng cao nhất cùng vùng.
- Khu vực đô thị giá đất được
xác định bằng: 2,0 lần mức giá đất trồng cây lâu năm hạng cao nhất cùng vùng.
- Ngoài mức giá bồi thường trên
còn được hỗ trợ bằng tiền, giá tính hỗ trợ bằng 50% giá đất ở liền kề (tối đa
không cao hơn giá đất ở liền kề).
c) Đất vườn, ao theo khoản 2 Điều
43 Nghị định 84/2007/NĐ-CP được bồi thường như sau:
- Khu vực nông thôn thì giá đất
được xác định bằng: 1,5 lần mức giá đất trồng cây lâu năm hạng cao nhất cùng
vùng (tối đa không cao hơn giá đất ở liền kề).
- Khu vực đô thị thì giá đất được
xác định bằng: 2,0 lần mức giá đất trồng cây lâu năm hạng cao nhất cùng vùng (tối
đa không cao hơn giá đất ở liền kề).
d) Đất nông nghiệp xác định theo
khoản 3 Điều 43 Nghị định 84/2007/NĐ-CP được bồi thường bằng giá đất trồng cây
lâu năm hạng cao nhất cùng vùng.
e) Đối với đất công ích của xã:
- Trường hợp thu hồi đất công
ích của xã mức hỗ trợ bằng mức giá quy định tại điểm a, mục 2.
- Người thuê (nhận thầu, khoán)
đất công ích của xã không được bồi thường về đất, nhưng được bồi thường chi phí
đầu tư vào đất còn lại là các chi phí thực tế người sử dụng đất đã đầu tư vào đất
để sử dụng theo mục đích được phép sử dụng:
+ Tiền thuê đất nộp trước còn lại
được UBND xã thanh toán.
+ Chí phí đào đắp, san lấp tôn tạo
được tính theo giá trị tài sản trên đất.
3. Giá bồi thường, hỗ trợ đất
phi nông nghiệp:
a) Giá bồi thường đất phi nông
nghiệp: Theo bảng giá quy định của UBND tỉnh công bố vào ngày 01 tháng 01 hàng
năm.
b) Đối với một thửa đất phi nông
nghiệp (đất ở) diện tích để xác định vị trí 1 tính từ mặt tiền của thửa đất tiếp
giáp với trục đường giao thông, chiều sâu của vị trí 1 không quá 30 m, phần còn
lại nối tiếp vị trí 1 xác định là vị trí 2.
c) Đối với đất ở trong ngõ hẻm
có nhiều thửa đất có điều kiện giao thông như nhau, nhưng khoảng cách từ các thửa
đất tới các đường phố hoặc đường giao thông chính khác nhau nhiều, các thửa đất
xác định là vị trí 2 được xác định theo chiều sâu của ngõ hẻm so với thửa đất
có vị trí 1 (gần nhất) không quá 150 m; các thửa đất xác định là vị trí 3 được
xác định theo chiều sâu của ngõ hẻm so với thửa đất có vị trí 1 (gần nhất)
không quá 300 m.
Phần III
BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VỀ
TÀI SẢN
1. Bồi thường tài sản, cây trồng,
vật nuôi theo quy định tại Chương III Nghị định 197 của Chính phủ và Phần III
Thông tư số: 116/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số
197 của Chính phủ.
2. Đơn giá bồi thường, tài sản,
cây trồng, vật nuôi theo quy định của UBND tỉnh về việc ban hành đơn giá bồi
thường tài sản, cây trồng, vật nuôi.
Phần IV
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ
1. Hỗ trợ đối với hộ gia đình cá
nhân có thu hồi đất nông nghiệp.
Điều kiện, đối tượng được hỗ trợ:
Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi trên
30% diện tích đất nông nghiệp đựơc giao, được hỗ trợ ổn định đời sống và hỗ trợ
chuyển đổi nghề nghiệp.
a) Hỗ trợ ổn định
đời sống:
- Nhân khẩu được hỗ trợ: được
tính 1 lần đối với số nhân khẩu nông nghiệp có tên trong sổ hộ khẩu tại thời điểm
lập phương án hỗ trợ.
- Thời gian hỗ trợ:
+ Không phải di chuyển chỗ ở: Thời
gian hỗ trợ là 3 tháng.
+ Phải di chuyển chỗ ở: Thời
gian hỗ trợ là 6 tháng.
- Mức hỗ trợ bằng tiền cho nhân
khẩu 1 tháng tương đương 30 kg gạo, giá gạo theo thông báo của Sở Tài chính tại
thời điểm lập phương án hỗ trợ.
b) Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp
và tạo việc làm, hỗ trợ đất dịch vụ:
b.1) Hỗ trợ
chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm:
- Đối tượng được hỗ trợ: Là lao
động nông nghiệp trong độ tuổi lao động (Nam từ 18 đến 60 tuổi; Nữ từ 18 đến 55
tuổi) có tên trong sổ hộ khẩu gia đình tại thời điểm lập phương án.
- Số lao động được hỗ trợ theo tỷ
lệ đất nông nghiệp thu hồi:
+ Hộ có diện tích đất thu hồi
trên 30 đến 50% được hỗ trợ 01 lao động.
+ Hộ có diện tích đất thu hồi
trên 50 đến 70% được hỗ trợ 02 lao động.
+ Hộ có diện tích đất thu hồi
trên 70% được hỗ trợ toàn bộ số lao động trong độ tuổi có tên trong sổ hộ khẩu.
+ Diện tích để tính tỷ lệ thu hồi
được cộng dồn các đợt thu hồi; lao động đã được hỗ trợ đợt trước thì không được
tính hỗ trợ vào đợt sau 01 lao động chỉ được hỗ trợ 1 lần.
- Mức hỗ trợ: 1.500.000 đồng/lao
động.
- Hình thức hỗ trợ: Chủ yếu bằng
hình thức cho đi học nghề tại cơ sở dạy nghề. Nếu người được hỗ trợ không muốn
tham gia đào tạo nghề tại cơ sở dạy nghề của địa phương phải có bản cam kết và
được hỗ trợ bằng tiền.
- Trường hợp hộ gia đình, cá
nhân có thu hồi đất nông nghiệp trên 70% diện tích đất nông nghiệp được giao
thì được hỗ trợ cho số nhân khẩu nông nghiệp ngoài độ tuổi lao động có tên
trong sổ hộ khẩu. Mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/1 nhân khẩu.
- Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp
và tạo việc làm được tính 1 lần; trong trường hợp hộ gia đình cá nhân có thu hồi
đất nông nghiệp nhiều lần: Số lao động đã được hỗ trợ lần trước không được tính
vào số lao động để hỗ trợ lần sau; trường hợp nhân khẩu đã được hỗ trợ theo
nhân khẩu ngoài độ tuổi lao động lần trước, lần sau thu hồi đất nhân khẩu đó
trong độ tuổi lao động được hỗ trợ bổ sung 500.000 đồng.
b.2) Hỗ trợ bằng đất sản xuất,
kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp hoặc đất ở khi nhà nước thu hồi đất nông
nghiệp (được áp dụng đối với dự án cụ thể):
Hộ gia đình, cá nhân nhà nước
thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp mà không được nhà nước bồi thường bằng
đất nông nghiệp tương ứng thì được bồi thường theo quy định sau:
- Được giao đất sản xuất, kinh
doanh dịch vụ phi nông nghiệp hoặc đất ở có thu tiền sử dụng đất phù hợp với
quy hoạch. Diện tích được giao bằng 7% diện tích đất nông nghiệp thu hồi, được
bố trí phân lô theo quy hoạch diện tích phải từ 40m2 trở lên.
- Trường hợp hộ gia đình, cá
nhân có diện tích đất sản xuất, kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp hoặc đất ở
được bồi thường nhỏ hơn 40m2 thì các hộ được phép chuyển đổi, chuyển nhượng
theo thoả thuận có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã.
- Giá đất phải nộp bằng giá loại
đất nông nghiệp tương ứng đã thu hồi (bao gồm cả diện tích đất làm hạ tầng) cộng
với chi phí đầu tư hạ tầng nhưng không cao hơn giá đất ở có điều kiện tương ứng
tại thời điểm thu hồi đất đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định.
- Diện tích đất sản xuất, kinh
doanh dịch vụ phi nông nghiệp bồi thường được sử dụng lâu dài, khi có nhu cầu
chuyển mục đích sử dụng sang đất ở không phải nộp tiền sử dụng đất.
Sở Tài nguyên Môi trường hướng dẫn
hình thức tổ chức đầu tư và giao đất.
2. Hỗ trợ đối với hộ gia đình cá
nhân có thu hồi đất ở:
a) Hỗ trợ ổn định đời sống cho
người có thu hồi đất ở và phải tháo dỡ nhà chính được hỗ trợ ổn định sản xuất
và đời sống như sau:
- Tháo dỡ dưới 50% diện tích nhà
chính nhưng không phải di chuyển chỗ ở: Mỗi nhân khẩu được hỗ trợ thời gian 2
tháng, mỗi tháng 30 kg gạo.
- Tháo dỡ ≥ 50% diện tích nhà
chính trở lên nhưng không phải di chuyển chỗ ở: Mỗi nhân khẩu được hỗ trợ thời
gian 4 tháng, mỗi tháng 30 kg gạo.
- Các hộ phải tháo dỡ nhà chính
và di chuyển chỗ ở: Mỗi nhân khẩu được hỗ trợ thời gian 6 tháng, mỗi tháng 30
kg gạo.
- Nhân khẩu được hỗ trợ là nhân
khẩu có tên trong sổ hộ khẩu tại thời điểm lập phương án hỗ trợ. Giá gạo để
tính hỗ trợ (theo thông báo giá của Sở Tài chính tại thời điểm lập phương án hỗ
trợ).
b) Hỗ trợ tiền thuê nhà cho các
hộ phải di chuyển chỗ ở do bị thu hồi đất ở.
- Mức hỗ trợ cho hộ có từ 1 đến
2 nhân khẩu: 300.000 đồng/ tháng
- Mức hỗ trợ cho hộ có 3 nhân khẩu:
400.000 đồng/tháng
- Mức hỗ trợ cho hộ từ 4 nhân khẩu
trở lên: 500.000 đồng/tháng
- Thời gian hỗ trợ là 5 tháng.
c) Hỗ trợ di chuyển cho hộ khi
Nhà nước thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở đi nơi khác:
- Mức hỗ trợ được xác định theo
diện tích, loại nhà bị tháo dỡ và đơn giá:
+ Đối với nhà cấp 4 trở xuống:
40.000 đồng/m2
+ Đối với nhà cấp 3 trở lên:
50.000 đồng/m2
+ Mức hỗ trợ cho hộ di chuyển chỗ
ở trong phạm vi tỉnh (được tính theo diện tích, loại nhà bị tháo dỡ, đơn giá
quy định trên): Mức tối thiểu 500.000 đồng/hộ và mức tối đa là 3.000.000 đồng/hộ;
+ Mức hỗ trợ cho hộ di chuyển chỗ
ở sang tỉnh khác (được tính theo diện tích, loại nhà bị tháo dỡ, đơn giá quy định
trên): Mức tối thiểu 1.000.000 đồng/hộ và mức tối đa là 5.000.000 đồng/hộ.
d) Hỗ trợ cho hộ gia đình phải
di chuyển chỗ ở đi nơi khác, có người đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội của Nhà
nước (có xác nhận của Phòng Nội vụ):
- Hộ có 1 người hưởng chính
sách: Mức 1.000.000 đồng/hộ.
- Hộ có 2 người hưởng chính
sách: Mức 1.500.000 đồng/hộ.
- Hộ có từ 3 người trở lên hưởng
chính sách: Mức 2.000.000 đồng/hộ.
e) Hỗ trợ cho gia đình phải di
chuyển chỗ ở đối với hộ nghèo (có chứng nhận hộ nghèo của Sở LĐTB và XH): Mức
1.000.000 đồng/hộ.
3. Thưởng cho các hộ gia đình cá
nhân di chuyển tài sản, vật kiến trúc, bàn giao mặt bằng theo đúng kế hoạch của
Hội đồng BTHT-GPMB quy định; Mức thưởng bằng 1% giá trị được bồi thường phần
tài sản trên đất; mức tối thiểu 500.000 đồng/1 hộ và tối đa 5.000.000 đồng/1 hộ.
4. Đối với đất thuộc hành lang
an toàn khi xây dựng công trình có hành lang bảo vệ an toàn:
Trường hợp Nhà nước không thu hồi
đất thì đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn được bồi thường thiệt hại do hạn
chế khả năng sử dụng đất như sau:
- Trường hợp không thu hồi đất
nhưng làm thay đổi mục đích sử dụng đất: Được bồi thường bằng chênh lệch về giá
trị quyền sử dụng đất theo mục đích sử dụng. Mục đích sử dụng đất theo quy định
của pháp luật về quản lý đất đai.
- Trường hợp không thu hồi đất,
không làm thay đổi mục đích sử dụng đất nhưng làm hạn chế khả năng sử dụng đất
thì được bồi thường tối đa không quá 50% giá trị quyền sử dụng đất. Mục đích sử
dụng đất theo quy định của pháp luật về quản lý đất đai.
5. Hỗ trợ ổn định sản xuất:
Khi nhà nước thu hồi đất của các
tổ chức kinh tế, hộ sản xuất kinh doanh có đăng ký kinh doanh mà bị ngừng sản
xuất kinh doanh thì được hỗ trợ không quá 30% một năm thu nhập sau thuế, theo mức
thu nhập bình quân của 3 năm liền kề trước đó được cơ quan Thuế xác nhận.
Phần V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Nguyên tắc tổ chức thực hiện
được thực hiện theo quy định tại Điều 39, 40, 43, 44, 45, 48, Nghị định
197/NĐ-CP; Chương V Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của
Chính phủ.
2. Phê duyệt phương án bồi thường,
hỗ trợ và tái định cư: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã phê duyệt phương
án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
3. Giám đốc các Sở: Tài chính,
Tài nguyên Môi trường, Xây dựng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và
các cá nhân, đơn vị có liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện các nội
dung tại bản quy định này./.