HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 388/NQ-HĐND
|
Hòa Bình, ngày 28
tháng 6 năm 2024
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ VIỆC CHẤP HÀNH QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT ĐẤT ĐAI
ĐỐI VỚI VIỆC CHO THUÊ ĐẤT, VIỆC SỬ DỤNG ĐẤT CỦA CÁC DOANH NGHIỆP, HỢP TÁC XÃ, HỘ
GIA ĐÌNH VÀ CÁ NHÂN ĐƯỢC NHÀ NƯỚC CHO THUÊ ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 19
Căn cứ Luật Tổ chức
chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22
tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Hoạt động
giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Trên cơ sở Nghị quyết
số 251/NQ-HĐND ngày 14 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chương
trình giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2024; Nghị quyết số 252/NQ-HĐND
ngày 14 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về thành lập Đoàn giám sát
chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2024;
Sau khi xem xét Báo
cáo số 195/BC-ĐGS ngày 24 tháng 6 năm 2024 của Đoàn giám sát của Hội đồng nhân
dân tỉnh về kết quả giám sát “Tình hình chấp hành quy định pháp luật đất đai đối
với việc cho thuê đất, việc sử dụng đất của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ
gia đình và cá nhân được Nhà nước cho thuê đất trên địa bàn tỉnh”; ý kiến thảo
luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều
1. Hội đồng nhân
dân tỉnh cơ bản tán thành nội dung Báo cáo số 195/BC-ĐGS ngày 24 tháng 6 năm
2024 của Đoàn giám sát về kết quả giám sát “Tình hình chấp hành quy định
pháp luật đất đai đối với việc cho thuê đất, việc sử dụng đất của các doanh
nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước cho thuê đất trên địa
bàn tỉnh” với những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chủ yếu
sau đây:
1.
Kết quả đạt được
Trong giai đoạn
2020-2023, công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh đã được Ủy ban nhân dân tỉnh,
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quan tâm tập trung chỉ đạo, điều hành có
những chuyển biến tích cực, hiệu quả. Hệ thống tổ chức quản lý được tăng cường,
kiện toàn về số lượng và chất lượng chuyên môn ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã; phân
cấp quản lý nhà nước về đất đai được đẩy mạnh theo hướng phân cấp nhiều hơn cho
Ủy ban nhân dân cấp huyện được cụ thể hóa về thẩm quyền theo quy định của Luật
Đất đai; công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đo đạc lập bản đồ địa chính,
đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã đạt được kết quả, cụ thể:
1.1. Việc thực hiện
cho thuê đất đối với Doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân
1.1.1. Kết quả cho
thuê đất
1.1.1.1. Trường hợp
cho thuê đất thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh:
Đã thực hiện 7cho 5 Doanh
nghiệp, Hợp tác xã thuê đất theo hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm,
tổng diện tích cho thuê là 698,11ha (trong đó: 02 Doanh nghiệp thuê đất
vào mục đích đất nông nghiệp, diện tích 5,12ha; 73 Doanh nghiệp thuê đất
vào mục đích đất phi nông nghiệp, diện tích 683,99ha). Tổng số tiền thuê
đất phải nộp 234.330.763.721 đồng (Trong đó: Số tiền miễn giảm
36.000.387.657 đồng, số tiền đã nộp 41.729.717.854 đồng, số tiền còn nợ đến
31/12/2023 là 156.600.658.210 đồng).
1.1.1.2. Trường hợp
cho thuê đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện, thành phố:
Giai đoạn 2020 - 2023,
trên địa bàn toàn tỉnh có 4/10 huyện, thành phố (huyện Yên Thủy, Kim Bôi, Mai
Châu, Lạc Thủy) đã thực hiện cho 34 hộ gia đình, cá nhân thuê đất để sử
dụng vào các mục đích nông nghiệp và phi nông nghiệp với tổng diện tích là 99,16ha;
tổng số tiền thuê đất thu được là 5.350.745.262 đồng; số tiền thuê đất
còn nợ là 898.938.057 đồng (tại huyện Kim Bôi).
1.1.1.3. Trường hợp
cho thuê đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã, phường, thị trấn:
Giai đoạn 2020 - 2023,
trên địa bàn tỉnh có 6/10 huyện, thành phố đã thực hiện cho các hộ gia đình, cá
nhân thuê đất thuộc quỹ đất công ích do UBND các xã, phường, thị trấn quản lý
(đất 5%). Theo số liệu của cơ quan thuế thì tình hình thu nộp ngân sách nhà nước
đối với đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích (đất 5%) là 4.392.074.610
đồng (trong đó: thành phố Hòa Bình 987.752.790 đồng; huyện Đà Bắc
20.574.350 đồng; huyện Kim Bôi 1.946.069.911 đồng; huyện Tân Lạc 1.221.839.959
đồng; huyện Cao Phong 6.023.600 đồng; huyện Yên Thủy 182.414.000 đồng, huyện
Lương Sơn 27.400.000 đồng).
1.1.2. Tình hình cấp
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền
với đất đối với các Doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ gia đình và cá nhân đã được
nhà nước cho thuê đất.
Sau khi các Doanh nghiệp,
hộ gia đình, cá nhân thực hiện nộp tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước, cơ
quan có thẩm quyền đã thực hiện bàn giao đất, ký hợp đồng thuê đất, cấp Giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
theo quy định.
1.1.3. Việc thực hiện
ký hợp đồng thuê đất, điều chỉnh đơn giá thuê đất.
1.1.3.1. Đối với các dự
án thuê đất mới: Sau khi được UBND tỉnh ban hành Quyết định cho thuê đất, Sở
Tài nguyên và Môi trường đã chuyển thông tin sang cơ quan Thuế ban hành Thông báo
đơn giá thuê đất, thực hiện ký hợp đồng thuê đất cho chủ đầu tư đảm bảo về thời
gian theo quy định.
1.1.3.2. Đối với các dự
án thuê đất đã hết thời gian ổn định đơn giá thuê đất: Hàng năm Sở Tài nguyên
và Môi trường rà soát số liệu các doanh nghiệp đã được UBND tỉnh cho thuê đất
và số liệu do cơ quan Thuế gửi đến để thực hiện xác định khu vực, vị trí đất
thuê đối với các doanh nghiệp đã hết hạn ổn định đơn giá thuê đất chuyển thông
tin để cơ quan Thuế ban hành Thông báo đơn giá thuê đất cho chu kỳ tiếp theo.
1.2. Việc sử dụng đất
1.2.1. Đối với trường
hợp sử dụng đất của các Doanh nghiệp, Hợp tác xã:
Qua rà soát đã phát hiện
16 dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng theo Nghị quyết
số 74/NQ-QH15 ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội, gồm 3 nhóm như sau: Nhóm
dự án chưa được giao đất gồm 4 dự án; nhóm dự án đã giao đất, cho thuê đất và
đã xử lý xong gồm 4 dự án; nhóm dự án đã giao đất, cho thuê đất nhưng chưa xử
lý xong gồm 8 dự án.
1.2.2. Đối với trường
hợp sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện
cho thuê đất:
Các trường hợp đã được Ủy
ban nhân dân cấp huyện cho thuê trong giai đoạn 2020 - 2023, sau khi được nhà
nước cho thuê đất, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thuê đúng mục đích, đúng
ranh giới. UBND cấp huyện đã thành lập Đoàn kiểm tra các dự án đầu tư ngoài
ngân sách đối với hộ gia đình, cá nhân có thực hiện việc thuê đất trên địa bàn,
nhằm kiểm tra, đánh giá việc sử dụng đất thuê của các hộ gia đình, cá nhân và
có biện pháp xử lý đối với các vi phạm trong việc sử dụng đất thuê theo quy định
pháp luật về đất đai.
1.2.3. Đối với trường
hợp sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền UBND cấp xã cho thuê
đất:
Qua kiểm tra, giám sát việc
cho thuê đất, sử dụng quỹ đất công ích tại một số địa bàn cấp xã vẫn còn trường
hợp để xảy ra sai phạm như trồng cây lâu năm trên đất trồng cây hàng năm khác,
xây dựng nhà tạm, xưởng sản xuất, chế biến nông sản trên đất nông nghiệp... khi
chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
1.3. Quản lý, giám
sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất
Các tổ chức, hộ gia đình,
cá nhân cơ bản chấp hành đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong
việc kê khai, đăng ký, thực hiện nghĩa vụ tài chính, lập hồ sơ chuyển đổi, chuyển
nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn, gia hạn sử
dụng đất; chấp hành quy định đăng ký đất đai, đăng ký biến động đất đai khi
chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện quyền của người sử dụng đất, gia hạn sử
dụng đất.
1.4. Công tác thanh
tra, kiểm tra, theo dõi, đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về
thuê đất, sử dụng đất
1.4.1. Về công tác
thanh tra
Trong giai đoạn
2020-2023, Thanh tra tỉnh đã thực hiện 05 cuộc thanh tra có liên quan đến việc
chấp hành quy định pháp luật đất đai đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ
gia đình và cá nhân được Nhà nước cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; kết
thúc thanh tra, Thanh tra tỉnh đã ban hành 06 kết luận thanh tra với tổng số 49
nội dung kết luận và 55 nội dung kiến nghị. Qua các cuộc thanh tra về việc chấp
hành quy định pháp luật đất đai đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia
đình và cá nhân được Nhà nước cho thuê đất đã phát hiện một số vi phạm, tồn tại,
thiếu sót.
1.4.2. Kết quả thực hiện
các kết luận, kiến nghị sau thanh tra
1.4.2.1. Đối với các kiến nghị xử lý về kinh tế các đơn vị đã thực
hiện nộp đầy đủ số tiền 1.175.452.000đ vào ngân sách Nhà nước theo quy định.
1.4.2.2. Đối với các kiến nghị xử lý về hành chính các cơ quan, tổ
chức, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc việc tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm
đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm, khuyết điểm, thiếu sót đã nêu tại các
kết luận thanh tra.
1.4.2.3. Đối với các kiến nghị xử lý khác các tổ chức, đơn vị, cá
nhân đã cơ bản thực hiện nghiêm túc kết luận, kiến nghị sau thanh tra. Tuy
nhiên, có một số nội dung kết luận, kiến nghị cần phải có thời gian để thực hiện;
thanh tra tỉnh sẽ tăng cường đôn đốc, kiểm tra để đảm bảo việc thực hiện kết luận,
kiến nghị được thực hiện nghiêm túc.
2. Tồn
tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả
tích cực, việc cho thuê đất, sử dụng đất của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia
đình và cá nhân được Nhà nước cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Hòa Bình còn những
tồn tại, hạn chế, cụ thể như sau:
2.1. Còn tình trạng doanh
nghiệp được Nhà nước cho thuê đất chưa triển khai hoặc chậm triển khai thực hiện
dự án. Theo số liệu báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh
còn 16 dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng theo Nghị
quyết số 74/NQ-QH15 ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội.
2.2. Doanh nghiệp chưa có
giấy phép xây dựng nhưng đã thực hiện đầu tư xây dựng các hạng mục công trình
trên đất thuê; xây dựng các hạng mục công trình không đúng giấy phép xây dựng
đã được cấp.
2.3. Doanh nghiệp hoạt động
sản xuất kinh doanh nhưng chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục thuê đất theo quy định;
sử dụng đất sai mục đích theo hợp đồng thuê đất; công tác quản lý, bảo vệ đất
cho thuê còn chưa sát, còn xảy ra tình trạng một số hộ gia đình, cá nhân bao
chiếm đất thuê của doanh nghiệp để sử dụng xong chưa được xem xét, xử lý theo
quy định.
2.4. Doanh nghiệp, Hợp
tác xã thuê đất theo Thông báo của cơ quan thuế và Hợp đồng thuê đất đã ký với
Sở Tài nguyên và Môi trường còn nợ tiền thuê đất đến 31 tháng 12 năm 2023 chưa
nộp vào ngân sách nhà nước là hơn 156 tỷ đồng.
2.5. Có một số UBND xã,
thị trấn thực hiện trình tự, thủ tục cho các hộ gia đình, cá nhân thuê đất thuộc
quỹ đất công ích do UBND các xã, phường, thị trấn quản lý (đất 5%) để sử dụng
vào mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản chưa đảm bảo theo quy định
tại Điều 132 Luật Đất đai 2013; chính quyền địa phương tiến hành cho thuê đất
không thông qua đấu giá mà thực hiện theo hình thức chỉ định, là chưa đảm bảo
theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013; Việc xác định
đơn giá cho thuê đất thuộc quỹ đất công ích do UBND các xã, phường, thị trấn quản
lý (đất 5%) giữa các xã, thị trấn không có sự đồng nhất; số tiền thuê đất nộp
vào Ngân sách Nhà nước hằng năm từ tiền thuê đất thuộc quỹ đất công ích do UBND
các xã, phường, thị trấn quản lý (đất 5%) còn thấp.
2.6. Một số xã chưa lập
quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích (5%) để phục vụ cho các nhu cầu
công ích của địa phương theo quy định tại Điều 132 Luật đất đai năm 2013.
2.7. Một số hồ sơ cho hộ
gia đình, cá nhân thuê đất không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; không đấu
giá quyền sử dụng đất; đồng thời một số địa phương, chính quyền xã ký ban hành
quyết định không đúng thẩm quyền được quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Đất đai
năm 2013.
2.8. Các hộ gia đình, cá
nhân ở một số địa phương sử dụng đất không đúng mục đích theo hợp đồng thuê đất,
tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không thực hiện dự án thuê đất, khi ký hợp
đồng thuê đất theo hình thức hộ gia đình, cá nhân nhưng thực tế là các tổ chức
(Công ty) sử dụng đất, tuy nhiên các vi phạm này chưa được xem xét, xử lý kịp
thời theo quy định.
3.
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế
3.1. Nguyên nhân
khách quan:
(1) Là một tỉnh miền núi
có nguồn thu ngân sách hàng năm đạt thấp nên ngân sách đầu tư cho công tác quản
lý đất đai, nhất là việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất
đai gặp khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về đất
đai.
(2) Quỹ đất nông nghiệp
do UBND xã, phường, thị trấn quản lý (đất 5%) đa số là những khu đất nhỏ lẻ,
manh mún, kém mầu mỡ, địa hình chia cắt, giao thông không thuận lợi nên các hộ
dân trước đây không chọn để khai phá canh tác.
(3) Việc ban hành các văn
bản quy phạm pháp luật còn chậm, văn bản hướng dẫn một số quy định chưa rõ,
chưa thống nhất dẫn đến chưa đạt mục tiêu đề ra, ảnh hưởng đến kết quả chung.
3.2. Nguyên nhân chủ
quan:
(1) Việc thực hiện quy hoạch,
kế hoạch sử dụng đất đạt thấp do nhu cầu nguồn lực tài chính quá lớn so với khả
năng đáp ứng nhu cầu thực tế.
(2) Một số cấp ủy, chính
quyền cơ sở thiếu quyết liệt trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai; đội
ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai ở cả 3 cấp chưa đáp ứng về chuyên môn
nghiệp vụ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát quản lý đất đai ở cấp huyện,
cấp xã chưa thực hiện thường xuyên, chưa kịp thời phát hiện việc người sử dụng
đất vi phạm pháp luật đất đai.
(3) Một số địa phương cấp
xã chưa nghiêm túc chấp hành quy định của Luật đất đai về lập quỹ đất nông nghiệp
sử dụng vào mục đích công ích (5%) để phục vụ cho các nhu cầu công ích của địa
phương theo quy định.
(4) Còn một số tổ chức, hộ
gia đình, cá nhân sử dụng đất chưa nhận thức đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của
người sử dụng đất; cố tình không thực hiện đúng quy định của pháp luật đất đai,
không tự giác kê khai đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; không thực
hiện di chuyển tài sản khi Nhà nước thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng;
sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý lấn chiếm, tranh chấp đất đai,... làm ảnh
hưởng tới công tác quản lý đất đai.
Điều
2. Để khắc phục
những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả trong thực hiện quy định pháp luật
đất đai đối với việc cho thuê đất, việc sử dụng đất của các doanh nghiệp, hợp
tác xã, hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước cho thuê đất trên địa bàn tỉnh
trong thời gian tới, Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:
1.
Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh
1.1. Tập trung chỉ đạo
các Sở, ngành, địa phương có giải pháp giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng
mắc liên quan đến thực hiện việc cho thuê đất, việc sử dụng đất của các doanh
nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước cho thuê đất trên địa
bàn tỉnh nêu tại Báo cáo giám sát.
1.2. Chỉ đạo các Sở,
ngành, địa phương khẩn trương rà soát có giải pháp xử lý đối với các trường hợp
thuê đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn (đất
5%) được chỉ định thầu không đúng theo quy định; làm rõ trách nhiệm đối với các
tổ chức, cá nhân để xảy ra việc thực hiện trình tự cho thuê đất không đúng quy
định (nếu có). Đồng thời, để tăng cường công tác quản lý đất đai, cần phải tiến
hành rà soát hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc cho thuê đất theo quy định của
pháp luật. Báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả triển khai thực hiện trước Kỳ
họp thường lệ cuối năm 2024.
1.3. Chỉ đạo các Sở,
ngành, địa phương khẩn trương rà soát, đôn đốc các tổ chức, cá nhân hoàn thiện
việc ký hợp đồng thuê đất, bàn giao đất; rà soát các tổ chức, cá nhân, doanh
nghiệp còn nợ tiền thuê đất để có giải pháp xử lý theo quy định; đồng thời, rà
soát các diện tích đất nông nghiệp đã giao, cho thuê đối với các tổ chức, cá
nhân, doanh nghiệp nhưng hoạt động kém hiệu quả hoặc không triển khai thực hiện
để thu hồi trả lại cho địa phương quản lý, sử dụng theo quy định.
1.4. Xây dựng dự thảo Nghị
quyết để trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách của địa phương về đất
đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh được quy định
tại Điều 16 Luật Đất đai năm 2024; đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng
quy định về các tiêu chí để quyết định thực hiện đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư
thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất phù hợp với tình hình thực tế của địa
phương trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu
lực.
1.5. Tăng cường công tác
kiểm tra, thanh tra, giám sát, để kịp thời phòng chống tiêu cực, tham nhũng,
lãng phí; ngăn chặn vi phạm trong việc thực hiện quy định pháp luật đối với việc
cho thuê đất, việc sử dụng đất của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và
cá nhân được Nhà nước cho thuê đất trên địa bàn tỉnh; nhất là các vấn đề liên
quan đến trình tự, thủ tục, thẩm quyền cho thuê đất nông nghiệp sử dụng vào mục
đích công ích của xã, phường, thị trấn (đất 5%).
1.6. Xem xét hỗ trợ kinh
phí cho các huyện, thành phố thực hiện công tác đo đạc chỉnh lý bản đồ địa
chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính
trên phạm vi toàn tỉnh; thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ,
công chức, viên chức và các đối tượng có liên quan đến quy định về quản lý đất
đai, đặc biệt đối với Luật đất đai năm 2024.
2.
Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
2.1. Tăng cường công tác tuyên
truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai, đặc biệt là phổ biến rộng rãi
các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, trách nhiệm đăng ký đất đai, những
hành vi bị nghiêm cấm theo quy định để Nhân dân biết và chấp hành đúng pháp luật
đất đai
2.2. Tăng cường công tác
thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai nói chung, việc
cho thuê đất đối với các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn nói riêng, đặc biệt
là việc cho thuê đất 5% của UBND các phường, xã, thị trấn cũng như việc sử dụng
đất của các hộ gia đình, cá nhân sau khi được nhà nước cho thuê đất. Chỉ đạo Ủy
ban nhân dân các xã chưa lập quỹ đất công ích, cần rà soát về tổng diện tích đất
nông nghiệp, để dành một phần đất phục vụ cho các nhu cầu công ích của địa
phương theo quy định của pháp luật.
2.3. Thường xuyên kiểm
tra, cập nhật việc sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân để phát hiện kịp thời
các trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng đất không đúng mục đích
cho thuê để có giải pháp xử lý kịp thời.
2.4. Quản lý chặt chẽ hồ
sơ địa chính lưu tại huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn; khi có thay
đổi nhân sự phải lập hồ sơ bàn giao tài liệu; hằng năm, tổng hợp thống kê, đánh
giá tình trạng hồ sơ địa chính tại địa phương (dạng giấy và dạng số); xử lý
trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân làm mất tài liệu hồ sơ địa chính theo quy
định.
2.5. Quản lý chặt chẽ quỹ
đất chưa giao, chưa cho thuê, đất bãi bồi ven sông, hồ; quỹ đất đã giải phóng mặt
bằng; quỹ đất công ích (đất 5%), xử lý nghiêm khắc, kịp thời đối với các trường
hợp sử dụng các quỹ đất công ích (5%) không đúng pháp luật về đất đai (nếu có).
2.6. Kiện toàn năng lực
cho Phòng Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức làm nhiệm vụ GPMB và cán bộ địa
chính cấp xã để đáp ứng yêu cầu trong quản lý đất đai hiện nay; khắc phục những
hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương.
Điều
3. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ
chức triển khai việc thực hiện Nghị quyết này.
2. Thường trực Hội đồng
nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng
nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết
này theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết này đã được Hội
đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình Khóa XVII, Kỳ họp thứ 19 thông qua ngày 28 tháng 6
năm 2024 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày thông qua./.
Nơi nhận:
- UBTV Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ TN&MT;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- LĐVP Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- LĐ và CV các phòng CM;
- TT tin học và Công báo VPUBND tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, CTHĐND (Hg).
|
CHỦ TỊCH
Bùi Đức Hinh
|