Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật Nhà ở 2023 số 27/2023/QH15 áp dụng năm 2024

Số hiệu: 27/2023/QH15 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Vương Đình Huệ
Ngày ban hành: 27/11/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025

Quốc hội chính thức thông qua Luật Nhà ở 2023 vào ngày 27/11/2023 và Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

Luật Nhà ở 2023 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2025

Theo đó, Luật Nhà ở 2023 quy định về sở hữu, phát triển, quản lý vận hành, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam, trừ trường hợp sau:

Giao dịch mua bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có chức năng kinh doanh bất động sản, giao dịch chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở. Các trường hợp này sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Trong đó Luật Nhà ở 2023 bỏ quy định về việc người mua, thuê mua nhà ở xã hội phải đáp ứng điều kiện cư trú.

(So với quy định tại Điều 51 Luật Nhà ở 2014 thì Luật Nhà ở 2023 quy định người mua, thuê mua nhà ở xã hội từ năm 2025 không cần phải đáp ứng điều kiện sau:

- Có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội;

- Nếu không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này, trừ trường hợp là học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập.)

Tuy nhiên, người mua, thuê mua nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2023 sẽ cần đáp ứng điều kiện:

[1] Điều kiện về nhà ở:

- Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội đó;

- Chưa được mua/thuê mua nhà ở xã hội;

- Chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức;

- Có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực.

[2] Điều kiện về thu nhập:

- Các đối tượng phải đáp ứng điều kiện về thu nhập theo quy định của Chính phủ:

- Người thu nhập thấp tại khu vực đô thị;

Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 và thay thế Luật Nhà ở 2014.

 

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 27/2023/QH15

Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 2023 

 

LUẬT

NHÀ Ở

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Nhà ở.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Luật này quy định về sở hữu, phát triển, quản lý vận hành, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Giao dịch mua bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có chức năng kinh doanh bất động sản, giao dịch chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình, cá nhân. Nhà ở được sử dụng vào mục đích để ở và mục đích không phải để ở mà pháp luật không cấm là nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp.

2. Nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng của tổ chức, cá nhân hoặc trên đất thuê, đất mượn của tổ chức, cá nhân, bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập, được xây dựng với mục đích để ở hoặc mục đích sử dụng hỗn hợp.

3. Nhà chung cư là nhà ở có từ 02 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp.

4. Nhà ở thương mại là nhà ở được đầu tư xây dựng để bán, cho thuê mua, cho thuê theo cơ chế thị trường.

5. Nhà ở công vụ là nhà ở được dùng để bố trí cho đối tượng thuộc trường hợp được ở nhà ở công vụ thuê trong thời gian đảm nhận chức vụ, công tác theo quy định của Luật này.

6. Nhà ở phục vụ tái định cư là nhà ở để bố trí cho đối tượng thuộc trường hợp được tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở, giải tỏa nhà ở theo quy định của pháp luật.

7. Nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở theo quy định của Luật này.

8. Nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp là công trình xây dựng được đầu tư xây dựng trên phần diện tích đất thương mại, dịch vụ thuộc phạm vi khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp để bố trí cho cá nhân là công nhân thuê trong thời gian làm việc tại khu công nghiệp đó theo quy định của Luật này.

9. Nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân là nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua, cho thuê cho đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân theo quy định của Luật này.

10. Nhà ở cũ là nhà ở được đầu tư xây dựng từ năm 1994 trở về trước, bao gồm cả nhà chung cư.

11. Nhà ở thuộc tài sản công là nhà ở thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

12. Dự án đầu tư xây dựng nhà ở là tập hợp đề xuất có liên quan đến việc sử dụng vốn để tiến hành hoạt động xây dựng mới, xây dựng lại, cải tạo hoặc sửa chữa nhà ở, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu ở trên một địa điểm nhất định trong thời hạn và chi phí xác định.

13. Tổ chức trong nước bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự (sau đây gọi chung là tổ chức).

14. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở là tổ chức được lựa chọn để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của Luật này.

15. Phát triển nhà ở là việc đầu tư xây dựng mới, xây dựng lại hoặc cải tạo nhà ở làm tăng diện tích nhà ở.

16. Cải tạo nhà ở là việc nâng cấp chất lượng, tăng diện tích hoặc điều chỉnh cơ cấu diện tích của nhà ở hiện có.

17. Bảo trì nhà ở là việc duy tu, bảo dưỡng theo định kỳ và sửa chữa nhà ở khi có hư hỏng nhằm duy trì chất lượng, hoạt động bình thường, an toàn của nhà ở trong quá trình khai thác, sử dụng.

18. Chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của Luật này.

19. Chủ sở hữu nhà chung cư là chủ sở hữu căn hộ chung cư, chủ sở hữu phần diện tích khác không phải là căn hộ trong nhà chung cư.

20. Phần sở hữu riêng trong nhà chung cư là phần diện tích trong căn hộ hoặc trong phần diện tích không phải là căn hộ trong nhà chung cư được công nhận là sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư và trang thiết bị sử dụng riêng trong căn hộ hoặc trong phần diện tích không phải là căn hộ của chủ sở hữu nhà chung cư theo quy định của Luật này.

21. Phần sở hữu chung của nhà chung cư là phần diện tích còn lại của nhà chung cư ngoài phần diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư và trang thiết bị sử dụng chung cho nhà chung cư đó theo quy định của Luật này.

22. Thuê mua nhà ở là việc người thuê mua thanh toán trước cho bên cho thuê mua một tỷ lệ phần trăm nhất định của giá trị nhà ở thuê mua theo thỏa thuận nhưng không quá 50% giá trị hợp đồng thuê mua nhà ở; số tiền còn lại được tính thành tiền thuê nhà để trả hằng tháng cho bên cho thuê mua trong một thời hạn nhất định do các bên thỏa thuận; sau khi hết thời hạn thuê mua nhà ở và khi đã trả hết số tiền còn lại thì người thuê mua có quyền sở hữu đối với nhà ở đó.

23. Nhà ở có sẵn là nhà ở đã hoàn thành việc xây dựng và đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

24. Nhà ở hình thành trong tương lai là nhà ở đang trong quá trình đầu tư xây dựng hoặc chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Điều 3. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Xâm phạm quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân.

2. Cản trở việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về nhà ở, việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về sở hữu, sử dụng và giao dịch về nhà ở của tổ chức, cá nhân.

3. Quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà ở không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt.

4. Xây dựng nhà ở trên đất không được đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của Luật này; xây dựng, cải tạo nhà ở không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, không đúng tiêu chuẩn thiết kế, tiêu chuẩn diện tích đối với từng loại nhà ở mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quy định phải áp dụng tiêu chuẩn thiết kế, tiêu chuẩn diện tích nhà ở. Áp dụng cách tính sai diện tích sử dụng nhà ở được quy định trong Luật này. Phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân trái quy định của Luật này.

5. Chiếm dụng diện tích nhà ở trái pháp luật; lấn chiếm không gian và phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc của chủ sở hữu khác dưới mọi hình thức; cải tạo, cơi nới, phá dỡ, xây dựng lại nhà ở đang thuê, thuê mua, mượn, ở nhờ, được ủy quyền quản lý mà không được chủ sở hữu đồng ý.

6. Ký kết văn bản huy động vốn, thực hiện huy động vốn phục vụ cho phát triển nhà ở khi chưa đủ điều kiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; sử dụng sai mục đích nguồn vốn huy động hoặc tiền mua nhà ở trả trước cho phát triển nhà ở.

7. Thực hiện giao dịch mua bán, thuê mua, thuê, cho thuê lưu trú, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở không đúng quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; bàn giao nhà ở cho người mua, thuê mua nhà ở khi chưa đủ điều kiện theo quy định của Luật này và pháp luật về xây dựng.

8. Các hành vi trong quản lý, sử dụng nhà chung cư bao gồm:

a) Không đóng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư (sau đây gọi chung là kinh phí bảo trì); quản lý, sử dụng kinh phí quản lý vận hành, kinh phí bảo trì không đúng quy định của pháp luật về nhà ở;

b) Cố ý gây thấm dột; gây tiếng ồn, độ rung quá mức quy định; xả rác thải, nước thải, khí thải, chất độc hại không đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc không đúng nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư; sơn, trang trí mặt ngoài căn hộ, nhà chung cư không đúng quy định về thiết kế, kiến trúc; chăn, thả gia súc, gia cầm; giết mổ gia súc trong khu vực nhà chung cư;

c) Tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung của nhà chung cư; sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở; thay đổi, làm hư hại kết cấu chịu lực; chia, tách căn hộ không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;

d) Tự ý sử dụng phần diện tích và trang thiết bị thuộc quyền sở hữu chung, sử dụng chung vào sử dụng riêng; thay đổi mục đích sử dụng phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng;

đ) Gây mất trật tự, an toàn, cháy, nổ trong nhà chung cư; kinh doanh vật liệu gây cháy, nổ và ngành, nghề gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người sử dụng nhà chung cư theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và quy định khác của pháp luật có liên quan;

e) Kinh doanh vũ trường, karaoke, quán bar; kinh doanh sửa chữa xe có động cơ; hoạt động kinh doanh dịch vụ gây ô nhiễm khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; kinh doanh dịch vụ nhà hàng mà không bảo đảm tuân thủ yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, có nơi thoát hiểm và chấp hành các điều kiện kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.

9. Sử dụng nhà ở riêng lẻ vào mục đích kinh doanh vật liệu gây cháy, nổ, kinh doanh dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, sinh hoạt của khu dân cư mà không tuân thủ quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh.

Điều 4. Chính sách phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở

1. Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người đều có chỗ ở thông qua việc thúc đẩy phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, bao gồm nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của cá nhân, gia đình, hỗ trợ vốn để cải tạo, xây dựng lại nhà ở; Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư công (sau đây gọi chung là vốn đầu tư công) để cho thuê, cho thuê mua.

2. Nhà nước có trách nhiệm tạo quỹ đất ở thông qua phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng.

3. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách về quy hoạch, đất đai, tài chính, tín dụng, về nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, vật liệu xây dựng mới để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê theo cơ chế thị trường.

4. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi về tài chính về đất đai, tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi, cơ chế ưu đãi tài chính khác và hỗ trợ từ nguồn vốn của Nhà nước để thực hiện chính sách về nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

5. Nhà nước có chính sách khuyến khích việc nghiên cứu và ban hành thiết kế mẫu, thiết kế điển hình đối với từng loại nhà ở phù hợp với từng khu vực, từng vùng, miền; có chính sách khuyến khích phát triển nhà ở tiết kiệm năng lượng.

6. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm quy hoạch, bố trí diện tích đất, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

7. Nhà nước có chính sách về quản lý, sử dụng nhà ở bảo đảm hiệu quả, an toàn, đúng mục đích và công năng sử dụng của nhà ở.

Điều 5. Yêu cầu chung về phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở

1. Phù hợp với nhu cầu về nhà ở của các đối tượng và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương, vùng, miền trong từng thời kỳ.

2. Phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; phát triển nhà ở trên cơ sở sử dụng tiết kiệm các nguồn lực; tăng cường công tác quản lý xây dựng nhà ở.

3. Tuân thủ quy định của pháp luật về nhà ở; đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng xây dựng đối với nhà ở theo quy định của pháp luật, thực hiện đúng yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, kiến trúc, cảnh quan, vệ sinh, môi trường, an toàn trong quá trình xây dựng theo quy định của pháp luật; có khả năng ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên đất đai.

4. Đối với khu vực đô thị, việc phát triển nhà ở chủ yếu được thực hiện theo dự án, có các cơ cấu loại hình, diện tích nhà ở phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đối với các khu vực còn lại thì căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể các địa điểm, vị trí phải phát triển nhà ở theo dự án. Tại đô thị loại I, tại các phường, quận, thành phố thuộc đô thị loại đặc biệt thì chủ yếu phát triển nhà chung cư.

5. Tại các khu vực phường, quận, thành phố thuộc đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê. Đối với các khu vực còn lại, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện của địa phương để xác định các khu vực chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê hoặc được chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức phân lô bán nền để cá nhân tự xây dựng nhà ở; trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở thì thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật về đất đai; trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Đất đai thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê.

6. Căn cứ nhu cầu về nhà ở và điều kiện của địa phương, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phải quy hoạch bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp, hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị, người lao động làm việc trong khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao theo quy định của Luật này.

7. Đối với khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo thì việc phát triển nhà ở phải phù hợp với chương trình xây dựng nông thôn mới, phong tục, tập quán của từng dân tộc, điều kiện tự nhiên của từng vùng, miền; từng bước xóa bỏ việc du canh, du cư, bảo đảm phát triển nông thôn bền vững; khuyến khích phát triển nhà ở theo dự án, nhà ở nhiều tầng.

8. Việc quản lý, sử dụng nhà ở phải đúng mục đích, công năng sử dụng, đáp ứng các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh, môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tuân thủ quy định về quản lý hồ sơ nhà ở, bảo hành, bảo trì, cải tạo, phá dỡ nhà ở và các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà ở có liên quan.

9. Đáp ứng yêu cầu khác theo quy định của Luật này đối với việc phát triển từng loại hình nhà ở.

Chương II

SỞ HỮU NHÀ Ở

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ SỞ HỮU NHÀ Ở

Điều 6. Quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở

1. Cá nhân có quyền có chỗ ở thông qua việc đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, thuê, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi, mượn, ở nhờ, quản lý nhà ở theo ủy quyền và hình thức khác theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân có nhà ở hợp pháp theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật này có quyền sở hữu đối với nhà ở đó theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Bảo hộ quyền sở hữu nhà ở

1. Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp về nhà ở của chủ sở hữu theo quy định của Luật này.

2. Nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của tổ chức, cá nhân không bị quốc hữu hóa. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai thì Nhà nước quyết định mua trước nhà ở hoặc giải tỏa nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Trường hợp mua trước nhà ở thì Nhà nước có trách nhiệm thanh toán theo giá thị trường; trường hợp giải tỏa nhà ở thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ và thực hiện chính sách tái định cư cho chủ sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật. Trường hợp trưng mua, trưng dụng nhà ở thì thực hiện theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản.

Điều 8. Đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam

1. Đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:

a) Tổ chức, cá nhân trong nước;

b) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch;

c) Tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật này.

2. Điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:

a) Tổ chức, cá nhân trong nước được sở hữu nhà ở thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở; nhận nhà ở phục vụ tái định cư theo quy định của pháp luật; hình thức khác theo quy định của pháp luật;

b) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai;

c) Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở thông qua các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này.

3. Chính phủ quy định cụ thể giấy tờ chứng minh về đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở quy định tại Điều này.

Điều 9. Công nhận quyền sở hữu nhà ở

1. Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện và có nhà ở hợp pháp quy định tại Điều 8 của Luật này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sở hữu nhà ở thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận), trừ trường hợp nhà ở thuộc tài sản công.

Nhà ở được ghi nhận quyền sở hữu trong Giấy chứng nhận phải là nhà ở có sẵn. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho chủ sở hữu nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

2. Trường hợp mua bán nhà ở có thời hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 165 của Luật này thì bên mua nhà ở được cấp Giấy chứng nhận trong thời hạn sở hữu theo thỏa thuận; khi hết thời hạn sở hữu nhà ở thì quyền sở hữu nhà ở được chuyển lại cho chủ sở hữu đã bán nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng; trường hợp khi hết thời hạn sở hữu mà bên bán không nhận lại nhà ở thì giải quyết theo quy định tại Điều 166 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận phải ghi rõ trong Giấy chứng nhận loại nhà ở, cấp nhà ở theo quy định của Luật này và pháp luật về xây dựng; trường hợp nhà ở là căn hộ chung cư thì phải ghi rõ diện tích sàn xây dựng và diện tích sử dụng căn hộ; trường hợp nhà ở được xây dựng theo dự án thì phải ghi đúng tên dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư.

4. Đối với nhà ở được đầu tư xây dựng theo dự án để bán, cho thuê mua thì không cấp Giấy chứng nhận cho chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở mà cấp Giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà ở, trừ trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở chưa bán, chưa cho thuê mua; trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê thì được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó.

Điều 10. Quyền của chủ sở hữu nhà ở và người sử dụng nhà ở

1. Chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có các quyền sau đây:

a) Có quyền bất khả xâm phạm về nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của mình;

b) Sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và mục đích khác mà pháp luật không cấm;

c) Được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình theo quy định của Luật này và pháp luật về đất đai;

d) Bán, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng nhà ở theo quy định của Luật này, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan; chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở, cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở và các quyền khác theo quy định của pháp luật; trường hợp tặng cho, để thừa kế nhà ở cho đối tượng không thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó.

Trường hợp Luật Đất đai có quy định khác về quyền của chủ sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thực hiện theo quy định đó;

đ) Sử dụng chung các công trình tiện ích công cộng trong khu nhà ở đó theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trường hợp là chủ sở hữu nhà chung cư thì có quyền sở hữu chung, sử dụng chung đối với phần sở hữu chung của nhà chung cư và công trình hạ tầng sử dụng chung của khu nhà chung cư đó, trừ công trình được xây dựng để kinh doanh hoặc phải bàn giao cho Nhà nước theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở;

e) Bảo trì, cải tạo, phá dỡ, xây dựng lại nhà ở theo quy định của Luật này và pháp luật về xây dựng;

g) Được bảo hộ quyền sở hữu nhà ở theo quy định tại Điều 7 của Luật này;

h) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm quyền sở hữu hợp pháp của mình và hành vi khác vi phạm pháp luật về nhà ở;

i) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền quy định tại Điều 20 của Luật này.

3. Người sử dụng nhà ở không phải là chủ sở hữu nhà ở được thực hiện quyền trong việc quản lý, sử dụng nhà ở theo thỏa thuận với chủ sở hữu nhà ở.

Điều 11. Nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở và người sử dụng nhà ở

1. Chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có các nghĩa vụ sau đây:

a) Sử dụng nhà ở đúng mục đích; lập và lưu trữ hồ sơ nhà ở thuộc sở hữu của mình;

b) Thực hiện việc phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm vệ sinh, môi trường, trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật;

c) Thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật khi bán, cho thuê mua, cho thuê, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở; đối với giao dịch nhà ở là tài sản chung của vợ chồng thì còn phải thực hiện theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Trường hợp mua bán nhà ở có thời hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 165 của Luật này thì phải trả lại nhà ở khi hết thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật này.

Trường hợp Luật Đất đai có quy định khác về nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thực hiện theo quy định đó;

d) Thực hiện đúng quy định của pháp luật và không được gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác khi bảo trì, cải tạo, phá dỡ, xây dựng lại nhà ở; trường hợp mua bán nhà ở có thời hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 165 của Luật này thì còn phải thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên;

đ) Mua bảo hiểm cháy, nổ đối với nhà ở thuộc trường hợp bắt buộc phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và pháp luật về kinh doanh bảo hiểm;

e) Chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật về việc xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về nhà ở, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời, phá dỡ nhà ở;

g) Có trách nhiệm để các bên có liên quan và người có thẩm quyền thực hiện việc kiểm tra, theo dõi, bảo trì hệ thống trang thiết bị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần diện tích thuộc sở hữu chung, sử dụng chung;

h) Thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước khi được công nhận quyền sở hữu nhà ở, khi thực hiện giao dịch về nhà ở và trong quá trình sử dụng nhà ở theo quy định của pháp luật;

i) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài có nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này và Điều 21 của Luật này; đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc tài sản công có nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này và trách nhiệm quy định tại Điều 15 của Luật này.

3. Người sử dụng nhà ở không phải là chủ sở hữu nhà ở phải thực hiện nghĩa vụ trong việc quản lý, sử dụng nhà ở theo thỏa thuận với chủ sở hữu nhà ở, quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 12. Thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở

1. Trường hợp trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở là thời điểm đã hoàn thành việc xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng.

2. Trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở mà không thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở là thời điểm bên mua, bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền mua, tiền thuê mua và đã nhận bàn giao nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

3. Trường hợp góp vốn, tặng cho, đổi nhà ở thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở là thời điểm bên nhận góp vốn, bên nhận tặng cho, bên nhận đổi đã nhận bàn giao nhà ở từ bên góp vốn, bên tặng cho, bên đổi nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở giữa chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở với người mua, người thuê mua thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

5. Trường hợp thừa kế nhà ở thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

6. Trường hợp khác thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

7. Giao dịch về nhà ở quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này phải tuân thủ điều kiện về giao dịch nhà ở và hợp đồng phải có hiệu lực theo quy định của Luật này.

Mục 2. NHÀ Ở THUỘC TÀI SẢN CÔNG

Điều 13. Nhà ở thuộc tài sản công

1. Nhà ở thuộc tài sản công bao gồm:

a) Nhà ở công vụ bao gồm nhà ở công vụ của trung ương và nhà ở công vụ của địa phương theo quy định của pháp luật về nhà ở;

b) Nhà ở phục vụ tái định cư do Nhà nước đầu tư xây dựng hoặc mua nhà ở thương mại để bố trí tái định cư theo quy định của pháp luật về nhà ở nhưng chưa bố trí tái định cư;

c) Nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân do Nhà nước đầu tư xây dựng để bố trí cho đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở;

d) Nhà ở không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này được đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ vốn ngân sách nhà nước hoặc được xác lập sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật trong các thời kỳ và đang cho hộ gia đình, cá nhân thuê theo quy định của pháp luật về nhà ở;

đ) Nhà ở của chủ sở hữu khác được chuyển thành sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản này.

2. Việc phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công được thực hiện theo quy định của Luật này; trường hợp Luật này không quy định thì thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Điều 14. Đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc tài sản công

1. Bộ Xây dựng là đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở công vụ, nhà ở xã hội được đầu tư bằng vốn ngân sách trung ương; nhà ở sinh viên do cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Bộ Xây dựng đang quản lý.

2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an là đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở công vụ, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mua hoặc đầu tư xây dựng, nhà ở sinh viên do cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đang quản lý. Đối với nhà ở thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 của Luật này do Bộ Quốc phòng đang quản lý cho thuê thì Bộ Quốc phòng là đại diện chủ sở hữu nhà ở, trừ trường hợp chuyển giao nhà ở này cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý theo quy định của pháp luật.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương khác (sau đây gọi chung là cơ quan trung ương) là đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở công vụ, nhà ở sinh viên do cơ sở giáo dục công lập trực thuộc cơ quan đó đang quản lý.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu nhà ở được đầu tư bằng nguồn vốn quy định tại khoản 1 Điều 113 của Luật này do địa phương quản lý và nhà ở được giao quản lý trên địa bàn.

Điều 15. Trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc tài sản công

1. Đối với nhà ở thuộc tài sản công được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Luật này, đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc tài sản công có trách nhiệm sau đây:

a) Quyết định đối tượng được thuê nhà ở công vụ, được thuê, chuyển quyền thuê, mua nhà ở thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 của Luật này; quyết định đối tượng được thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; quyết định đối tượng được bố trí nhà ở phục vụ tái định cư;

b) Lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà ở, đơn vị bảo trì nhà ở;

c) Quyết định việc bảo trì, cải tạo, phá dỡ, xây dựng lại nhà ở; phê duyệt phương án di dời, cưỡng chế di dời, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời theo thẩm quyền;

d) Ban hành hoặc quyết định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở, miễn, giảm tiền thuê, tiền mua nhà ở;

đ) Quyết định chuyển đổi công năng nhà ở theo quy định tại Điều 124 của Luật này;

e) Quyết định việc sử dụng kinh phí thu được từ hoạt động kinh doanh đối với phần diện tích dùng để kinh doanh dịch vụ trong nhà ở phục vụ tái định cư nhằm hỗ trợ kinh phí bảo trì và công tác quản lý vận hành nhà ở này;

g) Quyết định thu hồi nhà ở, quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở;

h) Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

2. Đối với nhà ở thuộc tài sản công được đầu tư bằng nguồn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 113 của Luật này, đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc tài sản công thực hiện trách nhiệm quy định tại các điểm c, đ, e, g và h khoản 1 Điều này.

3. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc tài sản công có thể giao cho cơ quan quản lý nhà ở thực hiện việc lựa chọn đơn vị quản lý vận hành, đơn vị bảo trì nhà ở, quyết định việc bảo trì nhà ở. Đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an còn có thể giao cho cơ quan quản lý nhà ở thực hiện quyền quy định tại điểm a và điểm g khoản 1 Điều này.

4. Chính phủ quy định chi tiết trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà ở, đơn vị quản lý vận hành trong việc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công.

Mục 3. SỞ HỮU NHÀ Ở TẠI VIỆT NAM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NƯỚC NGOÀI

Điều 16. Khu vực tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam

1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định tại Điều 17 của Luật này, trừ dự án thuộc khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm thông báo các khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định và công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở.

Điều 17. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở và hình thức được sở hữu nhà ở tại Việt Nam

1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:

a) Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài);

c) Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều này được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, bao gồm cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ thông qua các hình thức sau đây:

a) Tổ chức quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được sở hữu nhà ở thông qua việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại Việt Nam;

b) Tổ chức, cá nhân quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này được sở hữu nhà ở thông qua mua, thuê mua nhà ở thương mại của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở không thuộc khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định tại Điều 16 của Luật này;

c) Tổ chức, cá nhân quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này được sở hữu nhà ở thông qua mua, thuê mua nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài đã sở hữu nhà ở theo quy định tại điểm b khoản này.

Điều 18. Điều kiện tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam

1. Đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 của Luật này phải là chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của Luật này và pháp luật về kinh doanh bất động sản.

2. Đối với tổ chức nước ngoài quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 của Luật này thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động hoặc thành lập tại Việt Nam còn hiệu lực tại thời điểm ký kết giao dịch về nhà ở (sau đây gọi chung là giấy chứng nhận đầu tư) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp theo quy định của pháp luật.

3. Đối với cá nhân nước ngoài quy định tại điểm c khoản 1 Điều 17 của Luật này phải không thuộc trường hợp được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam

1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 17 của Luật này chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư, nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có quy mô về dân số tương đương một phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà.

2. Trường hợp trong một khu vực có số dân tương đương một phường mà có nhiều nhà chung cư hoặc đối với nhà ở riêng lẻ trên một tuyến phố thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá số lượng căn hộ, số lượng nhà ở riêng lẻ quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Chính phủ quy định yêu cầu về khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh, tiêu chí quy đổi quy mô về dân số tương đương một phường, số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu, việc gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở và việc quản lý, sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 20. Quyền của chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài

1. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 của Luật này được thực hiện quyền của chủ sở hữu nhà ở theo quy định tại Điều 10 của Luật này; trường hợp xây dựng nhà ở trên đất thuê thì chỉ được quyền cho thuê nhà ở.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 17 của Luật này có quyền của chủ sở hữu đối với nhà ở như công dân Việt Nam nhưng phải tuân thủ các quy định sau đây:

a) Chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu nhà ở theo đúng số lượng quy định tại Điều 19 của Luật này và được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó;

b) Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài được tặng cho, được thừa kế nhà ở không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 17 của Luật này hoặc vượt quá số lượng nhà ở quy định tại Điều 19 của Luật này hoặc thuộc khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh quy định tại Điều 16 của Luật này thì chỉ được hưởng giá trị của nhà ở;

c) Đối với cá nhân nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong giao dịch mua bán, thuê mua, tặng cho, nhận thừa kế nhà ở nhưng không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận và được gia hạn một lần với thời hạn không quá 50 năm nếu có nhu cầu; thời hạn sở hữu nhà ở phải được ghi rõ trong Giấy chứng nhận.

Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam thì được sở hữu nhà ở và có quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam.

Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được sở hữu nhà ở và có quyền của chủ sở hữu nhà ở như người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

d) Đối với tổ chức nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong giao dịch mua bán, thuê mua, tặng cho, nhận thừa kế nhà ở nhưng không quá thời hạn ghi trong giấy chứng nhận đầu tư cấp cho tổ chức đó, bao gồm cả thời gian được gia hạn; thời hạn sở hữu nhà ở được tính từ ngày tổ chức được cấp Giấy chứng nhận và được ghi rõ trong Giấy chứng nhận này;

đ) Trước khi hết thời hạn sở hữu nhà ở theo quy định của Luật này, chủ sở hữu có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện quyền tặng cho hoặc bán nhà ở này cho đối tượng thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; nếu quá thời hạn được sở hữu nhà ở mà chủ sở hữu không bán, tặng cho thì nhà ở đó thuộc tài sản công.

Trường hợp bên được tặng cho, mua nhà ở là đối tượng quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật này thì có quyền quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật này.

Điều 21. Nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài

1. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 của Luật này có nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở theo quy định tại Điều 11 của Luật này.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 17 của Luật này có nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam nhưng phải tuân thủ các quy định sau đây:

a) Đối với chủ sở hữu là cá nhân nước ngoài thì được cho thuê nhà ở để sử dụng vào mục đích mà pháp luật không cấm nhưng trước khi cho thuê nhà ở, chủ sở hữu phải có văn bản thông báo về việc cho thuê nhà ở với cơ quan quản lý nhà ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện) nơi có nhà ở theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và phải nộp thuế từ hoạt động cho thuê nhà ở này theo quy định của pháp luật.

Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam thì có nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam.

Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì có nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở như người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

b) Đối với chủ sở hữu là tổ chức nước ngoài thì chỉ được sử dụng nhà ở để bố trí cho người đang làm việc tại tổ chức đó ở;

c) Thực hiện thanh toán tiền mua, thuê mua nhà ở thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam;

d) Trong trường hợp cá nhân nước ngoài bị cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam quyết định buộc xuất cảnh hoặc trục xuất, tổ chức nước ngoài bị buộc chấm dứt hoạt động tại Việt Nam do vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam trong sử dụng nhà ở thuộc sở hữu của mình thì nhà ở này bị xử lý theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Điều 22. Các trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài không được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở

1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc trường hợp quy định sau đây không được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở mà chỉ được bán hoặc tặng cho nhà ở này cho đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam:

a) Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tặng cho hoặc được thừa kế nhà ở không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 17 của Luật này hoặc vượt quá số lượng nhà ở được phép sở hữu theo quy định tại Điều 19 của Luật này hoặc thuộc khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định tại Điều 16 của Luật này;

b) Tổ chức nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài không được phép nhập cảnh vào Việt Nam nhưng được tặng cho, được thừa kế nhà ở tại Việt Nam.

2. Đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác bán hoặc tặng cho nhà ở; đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác đang cư trú, hoạt động tại Việt Nam bán hoặc tặng cho nhà ở.

3. Đối tượng được thừa kế nhà ở có cả tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở và không thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì các bên phải thống nhất xử lý tài sản thừa kế là nhà ở này theo một trong các trường hợp sau đây:

a) Để cho tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thừa kế nhà ở này; tổ chức, cá nhân không thuộc trường hợp sở hữu nhà ở tại Việt Nam được hưởng giá trị của nhà ở này tương ứng với phần tài sản được thừa kế;

b) Tặng cho hoặc bán nhà ở này cho tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam để hưởng giá trị.

Chương III

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NHÀ Ở QUỐC GIA, CHƯƠNG TRÌNH, KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở CẤP TỈNH

Mục 1. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NHÀ Ở QUỐC GIA

Điều 23. Căn cứ xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia

1. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; quy hoạch tổng thể quốc gia.

2. Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

3. Kết quả thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia kỳ trước; hiện trạng nhà ở.

4. Yêu cầu về phát triển nhà ở cho các đối tượng trong giai đoạn xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.

Điều 24. Nội dung Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Quan điểm phát triển nhà ở;

2. Mục tiêu phát triển nhà ở bao gồm:

a) Mục tiêu tổng quát nhằm đáp ứng yêu cầu về nhà ở cho các đối tượng, bảo đảm phát triển thị trường bất động sản bền vững, minh bạch;

b) Mục tiêu cụ thể, bao gồm: phát triển diện tích nhà ở; nâng cao chất lượng nhà ở; phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà ở công vụ, nhà ở phục vụ tái định cư, nhà ở theo chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công về nhà ở; nhà ở của cá nhân; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; các mục tiêu trong tầm nhìn của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia gồm tổng diện tích nhà ở, diện tích nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân tăng thêm, chất lượng nhà ở;

3. Nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia bao gồm: quy hoạch, phát triển quỹ đất; phát triển và quản lý nhà ở theo chương trình, kế hoạch; nguồn vốn và thuế, cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư; phát triển thị trường bất động sản và nhiệm vụ, giải pháp khác;

4. Trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.

Điều 25. Kỳ Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và thẩm quyền phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia

1. Kỳ Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia là 10 năm và có tầm nhìn phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia được phê duyệt trong năm đầu tiên của kỳ Chiến lược.

2. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Các chỉ tiêu cơ bản về phát triển nhà ở trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia bao gồm diện tích nhà ở bình quân đầu người, chất lượng nhà ở tại đô thị, nông thôn và toàn quốc phải được đưa vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức xây dựng và phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh theo quy định của Luật này để triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.

Mục 2. CHƯƠNG TRÌNH, KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở CẤP TỈNH

Điều 26. Căn cứ xây dựng và kỳ chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh

1. Căn cứ xây dựng chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh bao gồm:

a) Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia;

b) Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị;

c) Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; kết quả thực hiện chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh kỳ trước; hiện trạng nhà ở; nhu cầu về nhà ở trong giai đoạn xây dựng chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh.

2. Căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh bao gồm:

a) Chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh;

b) Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

c) Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh kỳ trước; hiện trạng nhà ở; nhu cầu về nhà ở trong giai đoạn xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh.

3. Căn cứ điều kiện của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể xây dựng và phê duyệt kế hoạch riêng về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

4. Kỳ chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh được xác định như sau:

a) Kỳ chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh là 10 năm, tương ứng với kỳ Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia;

b) Kỳ kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh là 05 năm, kỳ đầu kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh được xác định theo đầu kỳ của chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh.

Điều 27. Nội dung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh

1. Nội dung chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh bao gồm:

a) Đánh giá hiện trạng về diện tích sàn nhà ở và chất lượng nhà ở riêng lẻ, nhà chung cư; hiện trạng các loại hình nhà ở phát triển theo dự án, nhà ở theo chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công về nhà ở, nhà ở của cá nhân tự xây dựng; hiện trạng của thị trường bất động sản nhà ở;

b) Phân tích, đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân trong việc thực hiện chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh kỳ trước;

c) Dự kiến diện tích đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư, nhà ở công vụ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Dự kiến tổng nhu cầu diện tích sàn nhà ở tăng thêm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong kỳ chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh, trong đó phân định nhu cầu về diện tích nhà ở của từng nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, từng loại hình nhà ở phát triển theo dự án;

d) Xác định mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể cho việc phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

đ) Định hướng chỉ tiêu phát triển nhà ở trong kỳ chương trình, bao gồm diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị, khu vực nông thôn và trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; diện tích sàn nhà ở tối thiểu; dự kiến diện tích sàn nhà ở sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong kỳ chương trình; chất lượng nhà ở tại đô thị và nông thôn;

e) Xác định nhu cầu về vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn khác để phát triển nhà ở;

g) Giải pháp để thực hiện chương trình, bao gồm giải pháp về quy hoạch, quỹ đất, nguồn vốn và thuế, cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư và giải pháp khác;

h) Khu vực dự kiến phát triển nhà ở phân theo đơn vị hành chính cấp huyện;

i) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chức năng của địa phương trong việc thực hiện chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh.

2. Nội dung kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh bao gồm:

a) Chỉ tiêu về diện tích nhà ở bình quân đầu người, diện tích sàn nhà ở hoàn thành và đưa vào sử dụng đối với các loại hình nhà ở phát triển theo dự án, nhà ở theo chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công về nhà ở;

b) Chỉ tiêu về chất lượng nhà ở tại đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

c) Nhu cầu về vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn khác để phát triển nhà ở;

d) Giải pháp thực hiện kế hoạch theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh;

đ) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chức năng của địa phương trong việc thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh.

Điều 28. Điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh

1. Việc điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh được thực hiện khi có thay đổi một trong các nội dung quy định tại các điểm c, d, đ hoặc h khoản 1 Điều 27 của Luật này do điều chỉnh quy hoạch tỉnh hoặc do phê duyệt quy hoạch tỉnh trong giai đoạn mới hoặc do thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh.

2. Trong chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh điều chỉnh phải thể hiện rõ các nội dung sau đây:

a) Sự cần thiết phải điều chỉnh chương trình;

b) Nội dung điều chỉnh; nguồn vốn để thực hiện nội dung điều chỉnh;

c) Giải pháp để thực hiện nội dung điều chỉnh;

d) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chức năng của địa phương trong việc thực hiện chương trình điều chỉnh.

3. Việc điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Có điều chỉnh nội dung chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt;

b) Có điều chỉnh nội dung liên quan đến nhà ở trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh đã được quyết định;

c) Trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 65 của Luật này nếu kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được xây dựng, phê duyệt chung với kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh.

4. Trong kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh điều chỉnh phải thể hiện rõ các nội dung sau đây:

a) Mục đích, yêu cầu điều chỉnh;

b) Nội dung điều chỉnh; nguồn vốn để thực hiện nội dung điều chỉnh;

c) Giải pháp để thực hiện nội dung điều chỉnh;

d) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chức năng của địa phương trong việc thực hiện kế hoạch điều chỉnh.

5. Khi điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải giữ nguyên kỳ chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt.

Điều 29. Xây dựng, phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh

1. Việc xây dựng và phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh được thực hiện như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua. Sau khi được Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm phê duyệt và triển khai thực hiện chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh;

b) Trên cơ sở chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; trường hợp trong kế hoạch có sử dụng nguồn vốn ngân sách để phát triển nhà ở thì phải phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt.

2. Sau khi phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải công khai chương trình, kế hoạch này trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương và gửi cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh để công khai trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà ở, đồng thời gửi về Bộ Xây dựng.

3. Chính phủ quy định chi tiết nội dung, trình tự, thủ tục xây dựng, phê duyệt, điều chỉnh, kinh phí xây dựng, điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; sự phù hợp của nội dung dự án đầu tư xây dựng nhà ở với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh khi thực hiện thẩm định chủ trương đầu tư.

Chương IV

PHÁT TRIỂN NHÀ Ở

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 30. Hình thức phát triển nhà ở

1. Phát triển nhà ở theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở bao gồm:

a) Dự án đầu tư xây dựng 01 công trình nhà ở độc lập hoặc 01 cụm công trình nhà ở;

b) Dự án đầu tư xây dựng 01 công trình nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp hoặc 01 cụm công trình nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp;

c) Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở đồng bộ việc xây dựng nhà ở với công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các công trình khác phục vụ nhu cầu ở;

d) Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu nhà ở để chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở;

đ) Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có nhà ở;

e) Dự án sử dụng đất kết hợp đa mục đích mà có dành diện tích đất trong dự án để xây dựng nhà ở.

2. Cá nhân phát triển nhà ở theo quy định tại Mục 5 Chương này.

Điều 31. Các loại hình nhà ở phát triển theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở và tiêu chuẩn diện tích nhà ở

1. Các loại hình nhà ở phát triển theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở bao gồm:

a) Phát triển nhà ở thương mại;

b) Phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân;

c) Phát triển nhà ở công vụ;

d) Phát triển nhà ở phục vụ tái định cư;

đ) Cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư;

e) Phát triển các loại nhà ở hỗn hợp quy định tại khoản này theo quy định của Luật này.

2. Nhà ở được thiết kế, xây dựng theo quy định của Luật này và phải phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng; đối với căn hộ chung cư thì phải thiết kế, xây dựng khép kín, có diện tích sàn căn hộ không thấp hơn diện tích theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư; đối với khu vực nông thôn, việc xây dựng nhà ở còn phải phù hợp với phong tục, tập quán, kiến trúc nhà ở nông thôn theo từng vùng, miền, phải bao gồm các công trình phụ trợ phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của gia đình, cá nhân.

Điều 32. Quỹ đất để phát triển nhà ở

1. Diện tích đất để phát triển nhà ở phải được xác định trong quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, quy hoạch xây dựng cơ sở giáo dục đại học, quy hoạch xây dựng khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc bố trí diện tích đất để phát triển nhà ở phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, nhu cầu diện tích đất để phát triển nhà ở trên địa bàn trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt, tuân thủ quy định của Luật này và pháp luật về đất đai.

3. Việc bố trí diện tích đất để phát triển nhà ở thương mại, nhà ở công vụ, nhà ở phục vụ tái định cư phải tuân thủ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, quy định tại các mục 2, 3 và 4 Chương này.

4. Việc bố trí diện tích đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân phải tuân thủ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này và quy định tại Chương VI của Luật này.

Điều 33. Yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở

1. Dự án đầu tư xây dựng nhà ở quy định tại khoản 1 Điều 30 của Luật này phải bảo đảm các yêu cầu chung sau đây:

a) Phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt, tuân thủ nội dung của chủ trương đầu tư đã được quyết định hoặc chấp thuận và đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 5 của Luật này; triển khai thực hiện theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt;

b) Việc phân chia các dự án thành phần (nếu có), phân kỳ đầu tư phải được xác định trong chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, quyết định đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng;

c) Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, các khu vực trong dự án phải được đặt tên bằng tiếng Việt; đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà ở phục vụ tái định cư thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải đặt tên bằng tiếng Việt; trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có nhu cầu đặt tên dự án, tên các khu vực trong dự án bằng tiếng nước ngoài thì phải viết tên đầy đủ bằng tiếng Việt trước, tên tiếng nước ngoài sau. Tên dự án, tên các khu vực trong dự án phải được nêu trong chủ trương đầu tư hoặc nội dung dự án đã được phê duyệt, được sử dụng trong cả quá trình đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng;

d) Nội dung dự án đã được phê duyệt phải được chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thực hiện đầy đủ; trường hợp điều chỉnh nội dung dự án mà phải điều chỉnh chủ trương đầu tư thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật trước khi điều chỉnh nội dung dự án;

đ) Việc nghiệm thu, bàn giao nhà ở, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo dự án phải được thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan; bảo đảm chất lượng, an toàn trong xây dựng, vận hành, khai thác, sử dụng công trình, yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường. Tại khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thì còn phải đáp ứng yêu cầu về phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định của pháp luật;

e) Dự án đầu tư xây dựng nhà ở có áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh hoặc đô thị thông minh thì phải đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật; đối với nhà chung cư thì còn phải thiết kế lắp đặt hệ thống hạ tầng viễn thông, thông tin theo quy định của pháp luật.

2. Dự án đầu tư xây dựng công trình nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 30 của Luật này phải tuân thủ yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này và yêu cầu sau đây:

a) Phải xác định rõ mục đích để ở và sử dụng vào mục đích văn phòng hoặc thương mại, dịch vụ, mục đích khác trong chủ trương đầu tư dự án đã được quyết định hoặc chấp thuận;

b) Trong nội dung dự án đã được phê duyệt phải xác định rõ việc phân chia hoặc không phân chia riêng biệt được các khu chức năng khác nhau; trường hợp phân chia riêng biệt được các khu chức năng thì phải thiết kế, xây dựng tách biệt hệ thống trang thiết bị sử dụng chung cho từng khu chức năng và hệ thống trang thiết bị sử dụng chung cho cả công trình nhà ở hỗn hợp để bảo đảm yêu cầu trong quản lý vận hành sau khi đưa vào sử dụng;

c) Phải bảo đảm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài phạm vi dự án.

3. Dự án đầu tư xây dựng nhà ở quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 1 Điều 30 của Luật này phải tuân thủ yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này và yêu cầu sau đây:

a) Phải có đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng xã hội đáp ứng chỉ tiêu quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch và phải bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực;

b) Phải xác định trong chủ trương đầu tư dự án trách nhiệm đầu tư, xây dựng và quản lý, sử dụng sau đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng;

c) Trường hợp được chuyển nhượng quyền sử dụng đất để cá nhân tự xây dựng nhà ở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan thì trong nội dung dự án được phê duyệt phải xác định rõ khu vực, vị trí phải đầu tư xây dựng nhà ở và khu vực, vị trí được chuyển nhượng quyền sử dụng đất để cá nhân tự xây dựng nhà ở hoặc toàn bộ dự án thuộc trường hợp được chuyển nhượng quyền sử dụng đất để cá nhân tự xây dựng nhà ở.

4. Ngoài yêu cầu quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, dự án đầu tư xây dựng nhà ở còn phải đáp ứng yêu cầu khác tương ứng với từng loại dự án đầu tư xây dựng nhà ở quy định tại các điều 49, 53, 60, 81, 95 và 105 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

5. Danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh.

Điều 34. Các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở

1. Các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở bao gồm giai đoạn chuẩn bị dự án, giai đoạn thực hiện dự án, giai đoạn kết thúc xây dựng dự án, đưa công trình của dự án vào khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 Điều này.

Điều 35. Chủ đầu tư và điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở

1. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở bao gồm:

a) Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, bao gồm cả tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam và có chức năng kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản) và đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Tổ chức đầu tư xây dựng nhà ở bằng nguồn vốn quy định tại khoản 5 Điều 112, khoản 1 Điều 113 của Luật này và đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có vốn chủ sở hữu theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản để thực hiện đối với từng dự án đầu tư xây dựng nhà ở;

b) Có quyền sử dụng đất để thực hiện đối với từng loại dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của Luật này hoặc được giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai;

c) Có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.

3. Đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở là tổ chức được người quyết định đầu tư giao quản lý, sử dụng vốn để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

4. Căn cứ từng loại hình dự án đầu tư xây dựng nhà ở, việc lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải tuân thủ quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều này và quy định khác có liên quan của Luật này.

Mục 2. PHÁT TRIỂN NHÀ Ở THƯƠNG MẠI THEO DỰ ÁN

Điều 36. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại

1. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a và điểm c khoản 2 Điều 35 của Luật này và thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này.

2. Được giao đất, cho thuê đất do trúng đấu giá quyền sử dụng đất, trúng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; trường hợp khác được chấp thuận nhà đầu tư khi tổ chức đấu giá, đấu thầu theo quy định của pháp luật về đầu tư.

3. Được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại khi nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với loại đất được thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với loại đất được thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại theo quy định của Luật Đất đai.

Điều 37. Thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại

1. Việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải tuân thủ quy định của Luật này, pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải xây dựng nhà ở và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch, nội dung và tiến độ dự án đã được phê duyệt; trường hợp dự án có phân kỳ đầu tư thì phải thực hiện xây dựng theo đúng phân kỳ đầu tư đã được chấp thuận.

3. Đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thuộc trường hợp phải bàn giao cho chính quyền hoặc cơ quan chức năng của địa phương quản lý theo nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư, nội dung dự án đã được phê duyệt thì phải thực hiện bàn giao sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng; cơ quan, tổ chức nhận bàn giao có trách nhiệm tiếp nhận để quản lý, bảo trì, vận hành, khai thác, sử dụng theo đúng mục đích và công năng đã được phê duyệt. Đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội do Nhà nước đầu tư xây dựng thì tổ chức được giao đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phải thực hiện theo nội dung, tiến độ dự án đã được phê duyệt.

4. Việc bàn giao nhà ở cho người mua, thuê mua chỉ được thực hiện sau khi đã hoàn thành việc nghiệm thu công trình nhà ở theo thiết kế đã được phê duyệt và nghiệm thu công trình hạ tầng kỹ thuật của khu vực có nhà ở được đầu tư xây dựng theo tiến độ của dự án đã được phê duyệt. Trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải xây dựng công trình hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu ở theo chủ trương đầu tư dự án thì phải hoàn thành xây dựng và nghiệm thu công trình này theo tiến độ của dự án đã được phê duyệt trước khi bàn giao nhà ở. Trường hợp bàn giao nhà ở xây dựng thô thì phải hoàn thiện toàn bộ phần mặt ngoài của nhà ở đó.

Khi bàn giao nhà chung cư, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải có đủ hồ sơ bàn giao nhà ở theo quy định của Chính phủ.

5. Việc nghiệm thu công trình nhà ở và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Điều 38. Quyền của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại

1. Yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật trong quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư, lập, phê duyệt và triển khai thực hiện dự án.

2. Bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở; thực hiện huy động vốn, thu tiền bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở theo quy định của Luật này, pháp luật về kinh doanh bất động sản và theo nội dung hợp đồng đã ký kết.

3. Thực hiện quyền của người sử dụng đất và kinh doanh sản phẩm trong dự án theo nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư và nội dung dự án đã được phê duyệt.

4. Được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư.

5. Được thực hiện quản lý, khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong phạm vi dự án không phải bàn giao cho Nhà nước theo nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư, nội dung dự án đã được phê duyệt.

6. Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở được xây dựng trong dự án theo quy định tại Điều 9 của Luật này và pháp luật về đất đai.

7. Được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước trong quá trình thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.

8. Quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 39. Nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại

1. Lập, phê duyệt và triển khai thực hiện dự án theo đúng nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư, nội dung dự án đã được phê duyệt, quy định của Luật này, pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư; đóng tiền bảo lãnh giao dịch nhà ở theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản; bảo đảm năng lực tài chính để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.

3. Xây dựng nhà ở và công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong dự án được giao xây dựng theo đúng quy hoạch chi tiết, nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư, tuân thủ thiết kế, tiêu chuẩn diện tích nhà ở và nội dung dự án đã được phê duyệt.

4. Trường hợp thuộc diện được chuyển nhượng quyền sử dụng đất để cá nhân tự xây dựng nhà ở theo quy định của Luật này thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở chỉ được chuyển nhượng sau khi đã hoàn thành và nghiệm thu đưa vào sử dụng hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật về kinh doanh bất động sản đối với khu vực được chuyển nhượng.

5. Báo cáo tình hình triển khai, kết quả thực hiện dự án theo định kỳ và khi kết thúc dự án theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về kinh doanh bất động sản.

6. Ký kết hợp đồng, văn bản liên quan đến việc huy động vốn để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của Luật này, pháp luật về kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan. Không được ủy quyền hoặc giao cho bên tham gia hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh, góp vốn hoặc tổ chức, cá nhân khác thực hiện ký hợp đồng thuê, thuê mua, mua bán nhà ở, hợp đồng đặt cọc giao dịch về nhà ở hoặc kinh doanh quyền sử dụng đất trong dự án.

7. Thực hiện đầy đủ cam kết trong hợp đồng kinh doanh sản phẩm của dự án; bảo đảm chất lượng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng; bàn giao nhà ở kèm theo các giấy tờ liên quan đến nhà ở giao dịch cho khách hàng và thực hiện giao dịch mua bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, kinh doanh quyền sử dụng đất theo đúng quy định của Luật này, pháp luật về kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.

8. Trong thời hạn 50 ngày, kể từ ngày bàn giao nhà ở cho người mua hoặc kể từ ngày bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền theo thỏa thuận thì phải nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho người mua, người thuê mua nhà ở, trừ trường hợp người mua, thuê mua tự nguyện làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận.

9. Bảo hành nhà ở theo quy định của Luật này và pháp luật về xây dựng; thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định của pháp luật.

10. Chấp hành quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền về xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong việc phát triển nhà ở, huy động vốn, ứng tiền trước của khách hàng, thực hiện giao dịch về nhà ở và hoạt động khác quy định tại Luật này.

11. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp gây thiệt hại cho khách hàng hoặc cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở.

12. Nghĩa vụ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 83 của Luật này.

13. Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Mục 3. PHÁT TRIỂN NHÀ Ở CÔNG VỤ

Điều 40. Đất để xây dựng nhà ở công vụ

1. Diện tích đất để xây dựng nhà ở công vụ được xác định cụ thể trong quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.

2. Đối với nhà ở công vụ của cơ quan trung ương thì Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định diện tích đất để xây dựng nhà ở công vụ trên địa bàn, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí diện tích đất để xây dựng nhà ở công vụ theo yêu cầu của Bộ Xây dựng.

3. Đối với nhà ở công vụ cho đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân theo quy định của Luật này thì Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhu cầu xây dựng nhà ở công vụ xác định diện tích đất để xây dựng nhà ở công vụ cho đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

4. Đối với nhà ở công vụ của địa phương thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí diện tích đất để xây dựng nhà ở công vụ khi lập, phê duyệt quy hoạch theo quy định của pháp luật.

5. Nhà nước không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được sử dụng để xây dựng nhà ở công vụ theo quy định tại Điều này.

Điều 41. Hình thức và kế hoạch phát triển nhà ở công vụ

1. Nhà nước đầu tư vốn từ ngân sách, bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng nhà ở công vụ và mua, thuê nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ.

2. Cơ quan trung ương có trách nhiệm xác định nhu cầu về nhà ở công vụ và nội dung quy định tại các điểm a, b và c khoản 5 Điều này của cơ quan mình hoặc của ngành mình nếu thuộc diện quản lý theo hệ thống ngành dọc gửi Bộ Xây dựng để thẩm định và xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở công vụ giai đoạn 05 năm của các cơ quan trung ương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở công vụ giai đoạn 05 năm cho đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân theo quy định của Luật này để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập và phê duyệt nội dung phát triển nhà ở công vụ quy định tại khoản 5 Điều này cho đối tượng thuộc trường hợp được thuê nhà ở công vụ của địa phương trong kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh theo quy định của Luật này.

5. Nội dung chủ yếu của kế hoạch phát triển nhà ở công vụ quy định tại Điều này bao gồm:

a) Xác định số lượng, vị trí việc làm của đối tượng thuộc trường hợp được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật này;

b) Xác định nhu cầu về diện tích đất để xây dựng nhà ở công vụ;

c) Xác định loại nhà ở, số lượng từng loại nhà ở, tổng diện tích sàn nhà ở cần đầu tư xây dựng hoặc cần mua, thuê nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ trong kỳ kế hoạch;

d) Dự kiến nguồn vốn để đầu tư xây dựng nhà ở công vụ, mua, thuê nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ trong 05 năm;

đ) Trách nhiệm của cơ quan chủ trì triển khai thực hiện và Bộ, ngành, địa phương có liên quan.

6. Kế hoạch, nội dung phát triển nhà ở công vụ là cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ, mua, thuê nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ.

Điều 42. Quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và quyết định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ

1. Việc quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ được thực hiện như sau:

a) Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ theo đề nghị của Bộ Xây dựng để bố trí cho đối tượng của cơ quan trung ương thuê, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng để bố trí cho đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thuê;

c) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư hoặc giao Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ để bố trí cho đối tượng đến công tác tại địa phương thuê.

2. Đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này, người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư quyết định đầu tư, quyết định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ. Đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư, quyết định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 43. Mua, thuê nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ

1. Trường hợp trên địa bàn chưa có đủ quỹ nhà ở công vụ để bố trí cho đối tượng có đủ điều kiện được thuê mà có nhà ở thương mại được xây dựng theo dự án, bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật về xây dựng, phù hợp với loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở công vụ thì cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 14 của Luật này có thể mua, thuê nhà ở này để làm nhà ở công vụ.

2. Trước khi lập dự án mua nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ, cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định sau đây:

a) Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án mua nhà ở thương mại để bố trí cho đối tượng quy định tại các điểm a, e và g khoản 1 Điều 45 của Luật này thuê, đối tượng của cơ quan trung ương quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45 của Luật này thuê;

b) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án mua nhà ở thương mại để bố trí cho đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 45 của Luật này thuê;

c) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư hoặc giao Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án mua nhà ở thương mại để bố trí cho đối tượng quy định tại điểm c và điểm đ khoản 1 Điều 45 của Luật này thuê, đối tượng của địa phương quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45 của Luật này thuê.

3. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư thì dự án mua nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ được thực hiện như sau:

a) Đối với dự án mua nhà ở thương mại để cho đối tượng của cơ quan trung ương thuê, trừ đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư hoặc Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định đầu tư nếu được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền;

b) Đối với dự án mua nhà ở thương mại để cho đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thuê thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định đầu tư sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng;

c) Đối với dự án mua nhà ở thương mại để cho đối tượng của địa phương thuê thì cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư;

d) Nội dung chủ yếu của dự án mua nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ quy định tại khoản này bao gồm vị trí, địa điểm, loại nhà, số lượng nhà ở, diện tích sử dụng của mỗi loại nhà ở, giá mua nhà ở, chi phí có liên quan, nguồn vốn để mua nhà ở, phương thức thanh toán tiền mua nhà ở, cơ quan ký hợp đồng mua bán nhà ở, tiến độ thực hiện dự án, cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà ở sau khi mua, trách nhiệm của cơ quan có liên quan trong việc thực hiện dự án;

đ) Giá mua nhà ở thương mại làm nhà ở công vụ do người quyết định đầu tư quyết định trên cơ sở tham khảo giá mua bán nhà ở trên thị trường và kết quả thẩm định giá của đơn vị có chức năng thẩm định giá tại thời điểm mua nhà ở.

4. Việc thuê nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ được quy định như sau:

a) Trường hợp thuê nhà ở để cho đối tượng của cơ quan trung ương thuê thì Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; Bộ Xây dựng trực tiếp ký hợp đồng thuê với chủ sở hữu nhà ở để bố trí cho đối tượng được thuê nhà ở công vụ;

b) Trường hợp sử dụng nhà ở để cho đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thuê thì Bộ Quốc phòng, Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trực tiếp ký hợp đồng thuê với chủ sở hữu nhà ở để bố trí cho đối tượng được thuê nhà ở công vụ;

c) Trường hợp sử dụng nhà ở để cho đối tượng của địa phương thuê thì cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định; cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh trực tiếp ký hợp đồng thuê với chủ sở hữu nhà ở để bố trí cho đối tượng được thuê nhà ở công vụ;

d) Nội dung chủ yếu của báo cáo đề xuất thuê nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ quy định tại khoản này bao gồm vị trí, địa điểm, loại nhà, số lượng nhà ở, diện tích sử dụng của mỗi loại nhà ở, giá thuê nhà ở, thời hạn thuê, chi phí có liên quan, nguồn vốn để thuê nhà ở, cơ quan có trách nhiệm thanh toán tiền thuê, cơ quan ký hợp đồng thuê và thực hiện quản lý nhà ở sau khi thuê.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 44. Loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở công vụ

1. Nhà ở công vụ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề và căn hộ chung cư có tiêu chuẩn diện tích khác nhau phù hợp với từng nhóm đối tượng được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật này.

2. Tiêu chuẩn diện tích và định mức trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ do Thủ tướng Chính phủ quy định và được điều chỉnh cho phù hợp với từng thời kỳ theo đề nghị của Bộ Xây dựng.

Điều 45. Đối tượng và điều kiện được thuê nhà ở công vụ

1. Đối tượng được thuê nhà ở công vụ bao gồm:

a) Cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thuộc trường hợp ở nhà ở công vụ trong thời gian đảm nhận chức vụ;

b) Cán bộ, công chức thuộc cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này được điều động, luân chuyển, biệt phái từ địa phương về cơ quan trung ương công tác giữ chức vụ từ Phó Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và tương đương trở lên; được điều động, luân chuyển, biệt phái từ cơ quan trung ương về địa phương công tác hoặc từ địa phương này đến địa phương khác để giữ chức vụ từ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phó Giám đốc Sở và tương đương trở lên;

c) Cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này được điều động, luân chuyển, biệt phái đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo;

d) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, luân chuyển, biệt phái theo yêu cầu quốc phòng, an ninh; công nhân công an, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, luân chuyển, biệt phái đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo; trừ trường hợp pháp luật quy định đối tượng thuộc điểm này phải ở trong doanh trại của lực lượng vũ trang nhân dân;

đ) Giáo viên, bác sĩ, nhân viên y tế đến công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo;

e) Nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ; nhân tài có đóng góp quan trọng cho quốc gia được cấp có thẩm quyền công nhận theo quy định của pháp luật;

g) Căn cứ điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này được bố trí nhà ở công vụ theo đề nghị của Bộ Xây dựng trên cơ sở tổng hợp đề xuất của các Bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Điều kiện thuê nhà ở công vụ được quy định như sau:

a) Đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì được bố trí nhà ở công vụ theo yêu cầu an ninh;

b) Đối tượng quy định tại các điểm b, c, d, đ, e và g khoản 1 Điều này thì phải thuộc trường hợp chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình và chưa được mua, thuê mua hoặc thuê nhà ở xã hội tại địa phương nơi đến công tác hoặc đã có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại địa phương nơi đến công tác nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu.

Chính phủ quy định chi tiết điểm này.

Điều 46. Nguyên tắc xác định giá thuê nhà ở công vụ

1. Tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết để thực hiện quản lý vận hành, bảo trì, quản lý cho thuê trong quá trình sử dụng nhà ở công vụ.

2. Không tính tiền sử dụng đất xây dựng nhà ở công vụ và không tính chi phí khấu hao vốn đầu tư xây dựng nhà ở công vụ hoặc chi phí mua nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ.

3. Giá thuê nhà ở công vụ do cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 14 của Luật này quyết định và được xem xét, điều chỉnh phù hợp với từng thời kỳ.

4. Trường hợp thuê nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ thì người thuê nhà ở công vụ trả tiền thuê nhà ở thấp hơn giá thuê nhà ở thương mại.

5. Chính phủ quy định chi tiết việc xác định giá thuê nhà ở công vụ, trình tự, thủ tục thuê nhà ở công vụ.

Điều 47. Quyền và nghĩa vụ của người thuê nhà ở công vụ

1. Người thuê nhà ở công vụ có quyền sau đây:

a) Nhận bàn giao nhà ở và trang thiết bị kèm theo nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng thuê nhà ở công vụ;

b) Được sử dụng nhà ở cho bản thân và các thành viên trong gia đình trong thời gian người được thuê nhà ở công vụ đảm nhận chức vụ, công tác;

c) Đề nghị đơn vị quản lý vận hành nhà ở sửa chữa kịp thời hư hỏng của nhà ở nếu không phải do lỗi của mình gây ra;

d) Được tiếp tục ký hợp đồng thuê nhà ở công vụ nếu hết thời hạn thuê nhà ở mà vẫn thuộc đối tượng và có đủ điều kiện được thuê nhà ở công vụ theo quy định tại Điều 45 của Luật này;

đ) Quyền khác về nhà ở theo quy định của pháp luật và thỏa thuận trong hợp đồng thuê nhà ở công vụ.

2. Người thuê nhà ở công vụ có nghĩa vụ sau đây:

a) Sử dụng nhà ở công vụ vào mục đích để ở và phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho bản thân và thành viên trong gia đình trong thời gian thuê nhà ở công vụ;

b) Giữ gìn nhà ở và trang thiết bị kèm theo; không được tự ý cải tạo, sửa chữa, phá dỡ nhà ở công vụ; trường hợp sử dụng căn hộ chung cư thì còn phải tuân thủ các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư;

c) Không được cho thuê lại, cho mượn, ủy quyền quản lý nhà ở công vụ;

d) Trả tiền thuê nhà ở theo hợp đồng thuê nhà ở ký với bên cho thuê và thanh toán chi phí phục vụ sinh hoạt khác theo quy định của bên cung cấp dịch vụ;

đ) Trả lại nhà ở cho cơ quan, tổ chức được giao quản lý nhà ở công vụ trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nghỉ hưu theo chế độ quy định tại quyết định nghỉ hưu hoặc kể từ ngày chuyển công tác đến địa phương khác theo quyết định chuyển công tác hoặc không còn thuộc đối tượng được thuê nhà ở công vụ hoặc không còn đủ điều kiện được thuê nhà ở công vụ theo quy định tại Điều 45 của Luật này. Quá thời hạn quy định tại điểm này mà người thuê không trả lại nhà ở thì cơ quan có thẩm quyền cho thuê nhà ở công vụ quyết định thu hồi và cưỡng chế bàn giao nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 127 của Luật này. Việc thu hồi, cưỡng chế bàn giao nhà ở công vụ phải được thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng;

e) Khi trả lại nhà ở công vụ, người thuê phải bàn giao nhà ở và trang thiết bị kèm theo nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng thuê nhà ở công vụ;

g) Nghĩa vụ khác về nhà ở theo quy định của pháp luật và thỏa thuận trong hợp đồng thuê nhà ở công vụ.

Mục 4. PHÁT TRIỂN NHÀ Ở PHỤC VỤ TÁI ĐỊNH CƯ

Điều 48. Bố trí nhà ở phục vụ tái định cư

1. Các hình thức bố trí nhà ở phục vụ tái định cư bao gồm:

a) Xây dựng nhà ở theo dự án để bán, cho thuê mua, cho thuê cho người được tái định cư;

b) Đặt hàng hoặc mua nhà ở thương mại được xây dựng theo dự án để bán, cho thuê mua, cho thuê cho người được tái định cư;

c) Bố trí cho người được tái định cư mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội xây dựng theo dự án;

d) Người được tái định cư được thanh toán tiền để tự mua, thuê mua, thuê nhà ở;

đ) Bố trí nhà ở cho người được tái định cư trong dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định tại Chương V của Luật này;

e) Bố trí tái định cư theo quy định của pháp luật về đất đai.

2. Chính phủ quy định đối tượng, điều kiện được bố trí nhà ở phục vụ tái định cư; trình tự, thủ tục mua, thuê mua, thuê nhà ở phục vụ tái định cư.

Điều 49. Nguyên tắc phát triển nhà ở phục vụ tái định cư

1. Việc bố trí nhà ở phục vụ tái định cư đối với trường hợp di dời đến nơi ở mới phải được thực hiện trước khi thu hồi, giải tỏa nhà ở, trừ trường hợp người dân tự nguyện bàn giao nhà ở trước khi được bố trí nhà ở phục vụ tái định cư, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có nhà ở bị thu hồi, giải tỏa và nhà đầu tư theo quy định của pháp luật; nhà ở phục vụ tái định cư phải bảo đảm có điều kiện bằng hoặc tốt hơn nhà ở bị thu hồi, giải tỏa.

2. Trường hợp giải tỏa nhà ở để xây dựng công trình khác theo quy hoạch đã được phê duyệt tại đô thị loại I, tại phường, quận, thành phố thuộc đô thị loại đặc biệt thì thực hiện bố trí nhà ở phục vụ tái định cư cho người có nhà ở bị giải tỏa theo một trong các hình thức quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 48 của Luật này nếu người dân có nhu cầu tái định cư tại đô thị loại I, tại phường, quận, thành phố thuộc đô thị loại đặc biệt. Trường hợp người dân không có nhu cầu tái định cư tại đô thị loại I, tại phường, quận, thành phố thuộc đô thị loại đặc biệt thì căn cứ điều kiện của địa phương, việc bố trí tái định cư được thực hiện theo một trong các hình thức quy định tại khoản 1 Điều 48 của Luật này.

Trường hợp tái định cư theo hình thức mua, thuê mua nhà ở xã hội thì người được tái định cư được ưu tiên bố trí nhà ở xã hội.

3. Trường hợp giải tỏa nhà ở để xây dựng công trình khác theo quy hoạch đã được phê duyệt tại khu vực không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này thì căn cứ điều kiện của địa phương và nhu cầu của người được tái định cư, việc bố trí tái định cư được thực hiện theo một trong các hình thức quy định tại khoản 1 Điều 48 của Luật này.

4. Trường hợp giải tỏa nhà ở để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại hoặc nhà ở xã hội mà người có nhà ở bị giải tỏa có nhu cầu tái định cư tại chỗ thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải bố trí nhà ở thương mại hoặc nhà ở xã hội ngay trong dự án đó để phục vụ tái định cư.

5. Trường hợp phá dỡ nhà chung cư để thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, khu chung cư (sau đây gọi chung là dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư) thì việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện theo quy định tại Chương V của Luật này.

6. Trường hợp xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư theo dự án thì phải lập và phê duyệt thành dự án riêng, không thực hiện dự án hỗn hợp với các loại hình nhà ở thương mại, nhà ở công vụ, nhà ở xã hội, trừ trường hợp dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; đối với khu vực nông thôn thì dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư phải bao gồm cả việc bố trí quỹ đất để phục vụ sản xuất cho người thuộc trường hợp được tái định cư.

7. Trường hợp thuộc diện được bồi thường bằng quyền sử dụng đất cho người được tái định cư thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 50. Quỹ đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư

1. Việc bố trí diện tích đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư phải tuân thủ các yêu cầu quy định tại Điều 32 của Luật này và quy định của pháp luật về đất đai.

2. Quỹ đất để lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư được xác định trong quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 theo nguyên tắc quy định tại Điều 49 của Luật này.

3. Việc xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 51. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư

1. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư bao gồm Ban quản lý dự án chuyên ngành thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, việc quyết định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

2. Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư có sử dụng vốn đầu tư công thì cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh đề xuất một trong các đơn vị quy định tại khoản 1 Điều này làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

3. Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư không thuộc nguồn vốn quy định tại khoản 2 Điều này thì thẩm quyền quyết định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở được quy định như sau:

a) Trường hợp xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư cho dự án quan trọng quốc gia thì Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở;

b) Trường hợp xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư cho dự án không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này;

c) Trường hợp pháp luật quy định phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì thực hiện theo quy định đó.

4. Đối với trường hợp giải tỏa, phá dỡ nhà chung cư để xây dựng lại nhà chung cư thì việc lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở được thực hiện theo quy định tại Điều 68 của Luật này.

Điều 52. Đặt hàng, mua nhà ở thương mại, bố trí nhà ở xã hội phục vụ tái định cư

1. Đối với việc đặt hàng, mua nhà ở thương mại phục vụ tái định cư thì đơn vị được giao bố trí tái định cư ký hợp đồng mua bán nhà ở hoặc ký hợp đồng đặt hàng với chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bố trí cho người được tái định cư theo quy định sau đây:

a) Trường hợp đơn vị được giao bố trí tái định cư ký hợp đồng mua bán nhà ở thương mại với chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì người được bố trí tái định cư trực tiếp ký hợp đồng mua bán, thuê mua, thuê nhà ở với đơn vị được giao bố trí tái định cư và nhận bàn giao nhà ở từ đơn vị này;

b) Trường hợp đơn vị được giao bố trí tái định cư ký hợp đồng đặt hàng mua nhà ở với chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì người được bố trí tái định cư trực tiếp ký hợp đồng mua bán nhà ở với chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên cơ sở các nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng đặt hàng mua nhà ở.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải xác định số lượng nhà ở đặt hàng bảo đảm phù hợp với nhu cầu cần bố trí tái định cư trên địa bàn. Người được bố trí tái định cư có trách nhiệm tiếp nhận nhà ở theo hợp đồng mua nhà ở thương mại;

c) Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho người được bố trí tái định cư mua, thuê mua nhà ở quy định tại điểm a và điểm b khoản này, trừ trường hợp người được bố trí tái định cư mua, thuê mua nhà ở tự nguyện làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận.

2. Đối với việc bố trí nhà ở xã hội phục vụ tái định cư thì đơn vị được giao bố trí tái định cư giới thiệu quỹ nhà ở xã hội trên địa bàn để người được bố trí tái định cư ký hợp đồng thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật này.

3. Chính phủ quy định chi tiết việc đặt hàng, mua nhà ở thương mại, bố trí nhà ở xã hội để làm nhà ở phục vụ tái định cư, trình tự, thủ tục bàn giao nhà ở và việc quản lý, sử dụng nhà ở phục vụ tái định cư.

Điều 53. Yêu cầu đối với nhà ở phục vụ tái định cư

1. Nhà ở phục vụ tái định cư phải bảo đảm yêu cầu về thiết kế, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

2. Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án để bố trí tái định cư thì phải bảo đảm yêu cầu của dự án đầu tư xây dựng nhà ở quy định tại Điều 33 của Luật này. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở không được thay đổi thiết kế, diện tích nhà ở và công trình phụ trợ (nếu có) phục vụ tái định cư sau khi phương án bố trí tái định cư đã được phê duyệt.

3. Việc bàn giao nhà ở cho người được tái định cư được thực hiện theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 37 của Luật này.

4. Tổ chức, cá nhân sau đây chịu trách nhiệm về chất lượng của nhà ở phục vụ tái định cư:

a) Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư;

b) Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở được dùng bố trí tái định cư;

c) Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư theo quy định của pháp luật.

5. Cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra công tác quản lý chất lượng nhà ở phục vụ tái định cư trên địa bàn.

Mục 5. PHÁT TRIỂN NHÀ Ở CỦA CÁ NHÂN

Điều 54. Yêu cầu về phát triển nhà ở của cá nhân

1. Phải phù hợp với quy hoạch xây dựng và tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng.

2. Việc xây dựng nhà ở phải bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực, yêu cầu vệ sinh, môi trường, kiến trúc, cảnh quan và không xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với công trình xây dựng liền kề. Việc xây dựng, cải tạo nhà ở phải kết hợp với việc giữ gìn, bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống, phù hợp với phong tục, tập quán, điều kiện sản xuất của từng khu vực, từng vùng, miền, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa. Việc xây dựng nhà ở trong dự án phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng của dự án đã được phê duyệt.

3. Cá nhân chỉ được xây dựng nhà ở trên diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng của mình, được Nhà nước giao, bao gồm cả trường hợp giao đất do bồi thường về đất, đất do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc thuê, mượn của tổ chức, cá nhân khác.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí từ ngân sách theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để cá nhân bảo tồn, bảo trì, cải tạo nhà ở trong khu vực cần bảo tồn giá trị nghệ thuật, văn hóa, lịch sử.

Điều 55. Phương thức phát triển nhà ở của cá nhân

1. Cá nhân tại khu vực nông thôn thực hiện xây dựng nhà ở theo các phương thức sau đây:

a) Tự tổ chức xây dựng hoặc thuê tổ chức, cá nhân khác xây dựng hoặc được tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ xây dựng nhà ở;

b) Thuê đơn vị, cá nhân có năng lực về hoạt động xây dựng để xây dựng nhà ở đối với trường hợp pháp luật về xây dựng yêu cầu phải có đơn vị, cá nhân có năng lực thực hiện xây dựng;

c) Hợp tác giúp nhau xây dựng nhà ở.

2. Cá nhân tại khu vực đô thị thực hiện xây dựng nhà ở theo phương thức quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này và phương thức sau đây:

a) Hợp tác để cải tạo, chỉnh trang đô thị trong đó có nhà ở hoặc để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của Luật này;

b) Hợp tác giúp nhau xây dựng nhà ở bằng việc góp quyền sử dụng đất, góp vốn, nhân công, vật liệu và công sức của các thành viên trong nhóm hợp tác.

Các thành viên trong nhóm hợp tác phải thỏa thuận về cách thức góp quyền sử dụng đất, góp vốn, nhân công, vật liệu, công sức, thời gian thực hiện, quyền và nghĩa vụ của các thành viên và cam kết thực hiện thỏa thuận của nhóm hợp tác.

Điều 56. Trách nhiệm của cá nhân trong phát triển nhà ở

1. Tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng trong xây dựng, cải tạo nhà ở.

2. Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng, cải tạo nhà ở.

3. Bảo đảm an toàn cho người và tài sản của chủ sở hữu, người sử dụng công trình xây dựng liền kề trong quá trình xây dựng, cải tạo nhà ở; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

4. Cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ để bán, cho thuê mua, cho thuê còn phải thực hiện quy định tại Điều 57 của Luật này.

5. Trách nhiệm khác trong phát triển nhà ở theo quy định của pháp luật.

Điều 57. Phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân để bán, cho thuê mua, cho thuê

1. Cá nhân có quyền sử dụng đất ở theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này xây dựng nhà ở trong các trường hợp sau đây thì phải đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, việc đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở:

a) Nhà ở có từ 02 tầng trở lên mà tại mỗi tầng có thiết kế, xây dựng căn hộ để bán, để cho thuê mua, để kết hợp bán, cho thuê mua, cho thuê căn hộ;

b) Nhà ở có từ 02 tầng trở lên và có quy mô từ 20 căn hộ trở lên để cho thuê.

2. Căn hộ quy định tại khoản 1 Điều này được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về đất đai, được bán, cho thuê mua, cho thuê theo quy định của Luật này, pháp luật về kinh doanh bất động sản.

3. Cá nhân có quyền sử dụng đất ở theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này xây dựng nhà ở có từ 02 tầng trở lên và có quy mô dưới 20 căn hộ mà tại mỗi tầng có thiết kế, xây dựng căn hộ để cho thuê thì phải thực hiện theo quy định sau đây:

a) Đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng;

b) Đáp ứng yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân;

c) Đáp ứng điều kiện theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về đường giao thông để phương tiện chữa cháy thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tại nơi có nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân.

4. Trường hợp nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân quy định tại khoản 3 Điều này có căn hộ để bán, để cho thuê mua thì phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Việc quản lý vận hành nhà ở quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này được thực hiện theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành (sau đây gọi chung là Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư).

6. Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc đáp ứng yêu cầu, điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này.

7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Chương V

CẢI TẠO, XÂY DỰNG LẠI NHÀ CHUNG CƯ

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 58. Thời hạn sử dụng nhà chung cư

1. Thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế nhà chung cư theo kết luận kiểm định của cơ quan có thẩm quyền. Thời hạn sử dụng nhà chung cư theo hồ sơ thiết kế phải được ghi rõ trong văn bản thẩm định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xây dựng.

2. Thời hạn sử dụng nhà chung cư được tính từ khi nghiệm thu nhà chung cư đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

3. Khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng theo hồ sơ thiết kế quy định tại khoản 1 Điều này hoặc chưa hết thời hạn sử dụng theo hồ sơ thiết kế nhưng bị hư hỏng, có nguy cơ sập đổ, không bảo đảm an toàn cho chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải chỉ đạo thực hiện việc kiểm định, đánh giá chất lượng công trình nhà chung cư theo quy định tại Điều 61 của Luật này.

4. Việc công bố nhà chung cư hết thời hạn sử dụng được thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về xây dựng.

Điều 59. Nhà chung cư thuộc trường hợp phải phá dỡ

1. Nhà chung cư thuộc trường hợp phải phá dỡ theo quy định tại khoản 2 Điều này bao gồm:

a) Nhà chung cư đã hết thời hạn sử dụng theo quy định tại Điều 58 của Luật này và thuộc trường hợp phải phá dỡ;

b) Nhà chung cư chưa hết thời hạn sử dụng theo quy định tại Điều 58 của Luật này nhưng thuộc trường hợp phải phá dỡ.

2. Các trường hợp phải phá dỡ nhà chung cư bao gồm:

a) Nhà chung cư bị hư hỏng do cháy, nổ không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn để tiếp tục sử dụng;

b) Nhà chung cư bị hư hỏng do thiên tai, địch họa không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn để tiếp tục sử dụng;

c) Nhà chung cư có các kết cấu chịu lực chính của công trình xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể, có nguy cơ sập đổ, không đáp ứng điều kiện tiếp tục sử dụng, cần phải di dời khẩn cấp chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư;

d) Nhà chung cư bị hư hỏng nặng, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ kết cấu chịu lực chính của công trình và có một trong các yếu tố sau đây: hệ thống hạ tầng kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy; cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải; cấp điện, giao thông nội bộ không đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc có nguy cơ mất an toàn trong vận hành, khai thác, sử dụng cần phải phá dỡ để bảo đảm an toàn cho chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư và yêu cầu về cải tạo, chỉnh trang đô thị;

đ) Nhà chung cư bị hư hỏng một trong các kết cấu chính của công trình sau đây: móng, cột, tường, dầm, xà không đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường mà chưa thuộc trường hợp phải phá dỡ theo quy định tại điểm c, điểm d khoản này nhưng thuộc khu vực phải thực hiện cải tạo, xây dựng đồng bộ với nhà chung cư thuộc trường hợp phải phá dỡ quy định tại khoản này theo quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.

Điều 60. Nguyên tắc thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư

1. Nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu và nhà chung cư thuộc tài sản công thuộc trường hợp phải phá dỡ theo quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật này mà xây dựng lại theo quy hoạch đã được phê duyệt thì phải tuân thủ nguyên tắc quy định tại Điều này.

Việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thuộc một chủ sở hữu và không phải là tài sản công thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.

2. Việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải được thực hiện theo dự án, gắn với việc cải tạo, chỉnh trang đô thị, bảo đảm kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh và kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã được phê duyệt.

Các trường hợp phá dỡ nhà chung cư theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 59 của Luật này mà chưa có trong kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được phê duyệt thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải bố trí chỗ ở tạm thời, thực hiện di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư. Sau khi thực hiện di dời, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải bổ sung vào kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư của địa phương.

3. Việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải tuân thủ quy định của Luật này, pháp luật về xây dựng, pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư công và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Trường hợp theo quy hoạch được phê duyệt mà tiếp tục xây dựng lại nhà chung cư thì các chủ sở hữu được tái định cư tại chỗ, trừ trường hợp không có nhu cầu. Trường hợp theo quy hoạch được phê duyệt không tiếp tục xây dựng lại nhà chung cư thì chủ sở hữu được bồi thường bằng tiền hoặc được bố trí tái định cư tại địa điểm khác trên cùng địa bàn xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã), nếu trên địa bàn cấp xã không có nhà ở phục vụ tái định cư thì được bố trí trên cùng địa bàn cấp huyện, trường hợp trên địa bàn cấp huyện không có nhà ở phục vụ tái định cư thì bố trí trên địa bàn lân cận, trừ trường hợp chủ sở hữu có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Đối với nhà chung cư thuộc tài sản công mà người đang thuê không có nhu cầu tiếp tục thuê sau khi xây dựng lại nhà chung cư thì đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc tài sản công có quyền lựa chọn hình thức bồi thường theo quy định tại khoản 7 Điều 70 của Luật này.

5. Người được tái định cư có quyền sở hữu đối với nhà ở tái định cư sau khi cải tạo, xây dựng lại theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời (sau đây gọi chung là phương án bồi thường, tái định cư) theo quy định tại Điều 71 của Luật này.

6. Trường hợp thực hiện cải tạo, xây dựng lại khu chung cư thuộc quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thực hiện một hoặc nhiều dự án nhưng phải bảo đảm kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và tuân thủ quy hoạch chi tiết xây dựng của toàn khu chung cư đã được phê duyệt.

7. Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư chỉ được thực hiện sau khi có kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được phê duyệt theo quy định tại Điều 65 của Luật này.

8. Chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được phân kỳ đầu tư khi thực hiện dự án nhưng phải phá dỡ để xây dựng lại các nhà chung cư quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 59 của Luật này trước, các nhà chung cư còn lại được thực hiện phá dỡ để xây dựng lại sau.

Phạm vi dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được xác định theo quy hoạch chi tiết hoặc trong nội dung quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

9. Việc quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thực hiện theo quy định tại Điều 67 và Điều 69 của Luật này.

10. Việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có) để thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp các chủ sở hữu thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định tại khoản 11 Điều này.

11. Việc thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Dự án không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 68 của Luật này;

b) Dự án chỉ có diện tích đất thuộc quyền sử dụng chung của các chủ sở hữu nhà chung cư;

c) Việc thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án phục vụ tái định cư tại chỗ theo phương án bồi thường, tái định cư đã được toàn bộ chủ sở hữu nhà chung cư thống nhất với chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất quy định tại điểm này được miễn các nghĩa vụ về thuế.

12. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ngân sách nhà nước để thực hiện các công việc sau đây:

a) Kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư thuộc tài sản công; kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư khác, trừ trường hợp nhà chung cư đó thuộc một chủ sở hữu và không phải là tài sản công;

b) Lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư;

c) Tổ chức xây dựng, phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư;

d) Thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư sử dụng vốn ngân sách địa phương trên địa bàn.

13. Việc bố trí chỗ ở tạm thời cho chủ sở hữu nhà chung cư thực hiện theo quy định tại Điều 72 của Luật này.

14. Chính phủ quy định chi tiết khoản 11 Điều này.

Điều 61. Kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng của địa phương và Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có nhà chung cư thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư được xây dựng trên địa bàn. Đối với khu chung cư thì thực hiện kiểm định, đánh giá toàn khu trước khi đưa vào kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quy định tại khoản này và đơn vị tham gia kiểm định trong việc thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư theo quy định của Luật này và pháp luật về xây dựng.

2. Tổ chức được giao thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư phải xác định rõ chất lượng nhà chung cư thuộc trường hợp phải phá dỡ theo quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật này hoặc chưa phải phá dỡ trong báo cáo kết quả kiểm định gửi cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh. Việc kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định của Luật này.

3. Sau khi nhận được báo cáo kết quả kiểm định, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh phải xem xét, ban hành kết luận kiểm định chất lượng nhà chung cư. Kết luận kiểm định phải nêu rõ các nội dung kiểm định theo quy định của pháp luật về xây dựng và phải xác định nhà chung cư kiểm định chưa thuộc trường hợp phải phá dỡ hoặc thuộc trường hợp phải phá dỡ theo quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật này; trường hợp nhà chung cư chưa thuộc trường hợp phải phá dỡ thì trong kết luận kiểm định phải nêu rõ thời gian được tiếp tục sử dụng đến khi nhà chung cư thuộc trường hợp phải phá dỡ.

4. Kết luận kiểm định phải được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh.

Điều 62. Các hình thức cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư

1. Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đầu tư vốn hoặc góp vốn cùng các chủ sở hữu nhà chung cư thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật này để thực hiện phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

2. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định sử dụng vốn từ ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật về đầu tư công để thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn không thuộc quy định tại khoản 3 Điều này trong các trường hợp sau đây:

a) Toàn bộ nhà chung cư thuộc tài sản công;

b) Nhà chung cư thuộc trường hợp phá dỡ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 59 của Luật này, trừ trường hợp toàn bộ nhà chung cư đó thuộc một chủ sở hữu và không phải là tài sản công.

3. Đối với nhà ở thuộc tài sản công do cơ quan trung ương là đại diện chủ sở hữu, việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Điều 63. Cơ chế ưu đãi để thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư

1. Chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư quy định tại khoản 1 Điều 62 của Luật này được hưởng các cơ chế ưu đãi sau đây:

a) Được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất thuộc trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong phạm vi dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, bao gồm: diện tích đất xây dựng nhà chung cư hiện hữu, nhà ở riêng lẻ hiện hữu (nếu có), diện tích đất xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, công trình công cộng, diện tích đất có công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng xã hội và công trình khác, kể cả diện tích đất có tài sản công thuộc phạm vi dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất;

b) Được kinh doanh đối với diện tích nhà ở còn lại sau khi đã thực hiện bố trí tái định cư và diện tích kinh doanh dịch vụ, thương mại trong phạm vi dự án. Chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi bán căn hộ thuộc nhà chung cư được cải tạo, xây dựng lại trên diện tích đất xây dựng nhà chung cư hiện hữu sau khi đã bố trí tái định cư.

Đối với phần diện tích được kinh doanh ngoài phạm vi được miễn, không phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quy định tại điểm này và điểm a khoản này, chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật về đất đai;

c) Được vay vốn theo quy định của pháp luật từ Quỹ phát triển đất, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách khác; ứng trước kinh phí từ tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện giải phóng mặt bằng; được thu tiền mua, tiền thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai và diện tích công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại trong phạm vi dự án để thực hiện dự án;

d) Được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương để xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong phạm vi dự án theo quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;

đ) Ưu đãi về thuế, tín dụng và ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

2. Chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 62 của Luật này được hưởng ưu đãi quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều này.

3. Chính phủ quy định chi tiết điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.

Mục 2. QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH CẢI TẠO, XÂY DỰNG LẠI NHÀ CHUNG CƯ

Điều 64. Yêu cầu về quy hoạch để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư

1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và công bố công khai quy hoạch này theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về xây dựng.

2. Trong quy hoạch chi tiết dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải có chỉ tiêu về sử dụng đất quy hoạch xây dựng, quy mô dân số hoặc xác định phần diện tích đất có thể chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây dựng công trình dịch vụ, thương mại, văn phòng hoặc công trình hạ tầng xã hội khác để bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường nhằm khuyến khích nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án.

3. Căn cứ danh mục, địa điểm có nhà chung cư thuộc trường hợp phải phá dỡ để xây dựng lại theo quy định của Luật này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giải pháp quy hoạch xây dựng lại cả khu chung cư hoặc giải pháp quy gom để thực hiện xây dựng lại một số nhà chung cư trên cùng địa bàn cấp xã, cấp huyện hoặc cấp huyện lân cận nhằm bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường, gắn với cải tạo, chỉnh trang đô thị.

Trường hợp có nhà chung cư thuộc trường hợp phải phá dỡ nhưng theo quy hoạch được phê duyệt không xây dựng lại nhà chung cư và không thực hiện được giải pháp quy gom theo quy định tại khoản này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí ngân sách địa phương theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ngân sách nhà nước để di dời, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư này và tổ chức đấu giá khu đất có nhà chung cư phải phá dỡ để xây dựng theo quy hoạch được phê duyệt, trừ trường hợp Luật Đất đai quy định khác.

4. Việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có thể được thực hiện đồng thời với việc kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư.

Điều 65. Yêu cầu về kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể xây dựng, phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư chung với kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh hoặc xây dựng, phê duyệt riêng để làm cơ sở thực hiện các dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

2. Cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh trực tiếp xây dựng hoặc thuê đơn vị tư vấn theo quy định của pháp luật về đấu thầu để xây dựng kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

3. Việc phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư chỉ được thực hiện sau khi đã có kết luận kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh theo quy định của Luật này.

4. Trường hợp sau khi kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã được phê duyệt mà xuất hiện nhà chung cư thuộc trường hợp phải phá dỡ hoặc chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh có điều chỉnh nội dung liên quan đến kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã được phê duyệt thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện điều chỉnh kế hoạch.

5. Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã được phê duyệt, bao gồm cả kế hoạch điều chỉnh, phải được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có nhà chung cư thuộc trường hợp cải tạo, xây dựng lại; được gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà chung cư thuộc trường hợp cải tạo, xây dựng lại để thông báo cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư và gửi đến Bộ Xây dựng.

Điều 66. Nội dung kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư

Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Danh mục, địa điểm nhà chung cư, khu chung cư cần thực hiện cải tạo, xây dựng lại, trong đó phải xác định thời gian phá dỡ đối với từng loại nhà chung cư quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật này.

Trường hợp cải tạo, xây dựng lại khu chung cư thì phải dự kiến thời gian thực hiện di dời, phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư đầu tiên của khu chung cư, dự kiến thời gian thực hiện di dời, phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư còn lại trong khu chung cư;

2. Dự kiến nguồn vốn để thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, khu chung cư trên địa bàn;

3. Trách nhiệm của cơ quan chức năng và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Mục 3. QUYẾT ĐỊNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ, CHẤP THUẬN CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ, CHỦ ĐẦU TƯ DỰ ÁN ĐẦU TƯ CẢI TẠO, XÂY DỰNG LẠI NHÀ CHUNG CƯ

Điều 67. Quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư

1. Đối với nhà chung cư quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 62 của Luật này thì việc quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

2. Đối với nhà chung cư không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này thì sau khi các chủ sở hữu nhà chung cư đã lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án thông qua Hội nghị nhà chung cư, nhà đầu tư được lựa chọn có trách nhiệm nộp hồ sơ và thực hiện trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 69 của Luật này mà không phải thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư của Thủ tướng Chính phủ thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 69 của Luật này.

3. Đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 68 của Luật này thì cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh chuẩn bị hồ sơ và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 2 và khoản 5 Điều 69 của Luật này, trừ trường hợp dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 69 của Luật này.

4. Đối với dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, nếu thuộc trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư thì cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư có thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư; trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 69 của Luật này đối với nội dung điều chỉnh.

Điều 68. Chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư

1. Việc quyết định chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đối với nhà chung cư quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 62 của Luật này thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về xây dựng.

2. Đối với nhà chung cư không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì việc lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 67 của Luật này.

3. Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này mà không lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án trong thời hạn theo quy định của Chính phủ thì sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 67 của Luật này, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định sau đây:

a) Trường hợp chỉ có 01 nhà đầu tư quan tâm theo quy định của pháp luật về đấu thầu, cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư khi nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện, tiêu chí theo quy định của Chính phủ;

b) Trường hợp có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm thì thực hiện lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

4. Chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này có quyền quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7 và 8 Điều 38 của Luật này và được hưởng cơ chế ưu đãi quy định tại Điều 63 của Luật này.

5. Chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này có nghĩa vụ quy định tại các khoản 1, 3, 5, 6, 8, 9, 10, 11 và 13 Điều 39 của Luật này và nghĩa vụ sau đây:

a) Bảo đảm năng lực tài chính để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật;

b) Thực hiện đầy đủ cam kết trong hợp đồng kinh doanh sản phẩm của dự án; bảo đảm chất lượng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng; bàn giao nhà ở kèm theo các giấy tờ liên quan đến nhà ở giao dịch cho khách hàng và thực hiện giao dịch mua bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở theo đúng quy định của Luật này, pháp luật về kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan;

c) Thực hiện phá dỡ nhà chung cư theo quy định tại Điều 75 của Luật này;

d) Bố trí chỗ ở tạm thời, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư bị phá dỡ theo phương án bồi thường, tái định cư đã được phê duyệt theo quy định của Luật này.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 69. Hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư

1. Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư bao gồm:

a) Văn bản đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án;

b) Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau đây: nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời gian, tiến độ thực hiện, đề xuất nhu cầu về sử dụng đất, đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (nếu có), thông tin về Giấy chứng nhận của các chủ sở hữu nhà chung cư, đề xuất ưu đãi đầu tư, biên bản lấy ý kiến về việc lựa chọn nhà đầu tư;

c) Phương án bồi thường, tái định cư đã được chủ sở hữu nhà chung cư thống nhất với nhà đầu tư;

d) Văn bản thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của chủ sở hữu nhà chung cư cho nhà đầu tư đối với trường hợp quy định tại khoản 11 Điều 60 của Luật này;

đ) Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư, tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;

e) Tài liệu liên quan khác (nếu có).

2. Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư do cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh đề xuất bao gồm:

a) Tờ trình đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án;

b) Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau đây: mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư, địa điểm, thời gian, tiến độ thực hiện; thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án, dự kiến nhu cầu sử dụng đất, đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (nếu có); hình thức lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; cơ chế, chính sách ưu đãi;

c) Tài liệu liên quan khác (nếu có).

3. Trường hợp dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư thì hồ sơ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư.

4. Việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện theo trình tự, thủ tục sau đây:

a) Nhà đầu tư được các chủ sở hữu nhà chung cư lựa chọn theo quy định tại khoản 2 Điều 67 của Luật này nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này đến cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh;

b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh có trách nhiệm gửi lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan nhà nước liên quan về nội dung dự án;

c) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị thẩm định, cơ quan được lấy ý kiến thẩm định có ý kiến về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước gửi cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh. Trong thời hạn 25 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh lập báo cáo thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

d) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và báo cáo thẩm định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư và chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; trường hợp không chấp thuận thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản thông báo rõ lý do.

5. Việc chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với dự án quy định tại khoản 3 Điều 67 của Luật này thực hiện theo trình tự, thủ tục sau đây:

a) Cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh có trách nhiệm lập hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này và gửi lấy ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước liên quan về nội dung dự án;

b) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị thẩm định, cơ quan được lấy ý kiến thẩm định có ý kiến về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước gửi cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh. Trong thời hạn 25 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh lập báo cáo thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

c) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và báo cáo thẩm định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư; trường hợp không chấp thuận thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản thông báo rõ lý do.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Mục 4. PHƯƠNG ÁN BỒI THƯỜNG, TÁI ĐỊNH CƯ

Điều 70. Nguyên tắc lập phương án bồi thường, tái định cư

1. Việc lập, phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư để thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư chỉ được thực hiện sau khi có quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.

2. Trường hợp thực hiện dự án quy định tại khoản 1 Điều 68 của Luật này thì phương án bồi thường, tái định cư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công; đối với dự án quy định tại khoản 3 Điều 68 của Luật này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao tổ chức có trách nhiệm lập phương án bồi thường, tái định cư trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

3. Trường hợp lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tham gia đăng ký làm chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư lập phương án bồi thường, tái định cư để các chủ sở hữu nhà chung cư quyết định lựa chọn.

4. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và tuân thủ phương án bồi thường, tái định cư đã được phê duyệt. Diện tích căn hộ bố trí tái định cư không được thấp hơn diện tích căn hộ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư. Chi phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời được xác định trong tổng mức đầu tư dự án.

5. Đối với nhà ở thuộc tài sản công mà được cải tạo, xây dựng lại thì người đang thuê nhà được bố trí thuê sau khi xây dựng lại nhà chung cư, trừ trường hợp không có nhu cầu thuê. Trường hợp nhà chung cư có sở hữu hỗn hợp của chủ sở hữu nhà ở thuộc tài sản công và chủ sở hữu khác thì đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc tài sản công được thỏa thuận với chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư về việc bồi thường bằng tiền hoặc bồi thường bằng nhà ở.

6. Việc bố trí nhà ở phục vụ tái định cư được thực hiện thông qua hợp đồng mua bán, thuê mua, thuê nhà ở phục vụ tái định cư theo quy định của Luật này.

7. Hình thức bồi thường cho chủ sở hữu nhà chung cư được ghi rõ trong phương án bồi thường, tái định cư theo quy định sau đây:

a) Đối với nhà chung cư quy định tại khoản 10 Điều 2 của Luật này thì chủ sở hữu nhà chung cư được lựa chọn hình thức bồi thường bằng nhà ở phục vụ tái định cư hoặc bồi thường bằng tiền tương đương với giá trị nhà ở phục vụ tái định cư trong trường hợp không có nhu cầu nhận nhà ở tái định cư;

b) Đối với nhà chung cư không thuộc quy định tại khoản 10 Điều 2 của Luật này mà chủ sở hữu nhà chung cư không đóng góp kinh phí để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thì được bồi thường giá trị quyền sử dụng đất có nhà chung cư theo tỷ lệ phần quyền sử dụng đất được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm lập phương án bồi thường, tái định cư và phải chuyển giao quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; trường hợp nhà chung cư quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 59 của Luật này thì chủ sở hữu nhà chung cư được bồi thường giá trị quyền sử dụng đất và giá trị còn lại của căn hộ theo quy định của Chính phủ.

8. Đối với phần diện tích khác không phải nhà chung cư nhưng thuộc khu chung cư phải cải tạo, xây dựng lại thì chủ sở hữu được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời theo quy định của Chính phủ.

Điều 71. Nội dung và thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư

1. Phương án bồi thường, tái định cư có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên của chủ đầu tư đối với trường hợp đã lựa chọn được chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư;

b) Tên và địa chỉ của chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư;

c) Vị trí, diện tích nhà chung cư được cải tạo, xây dựng lại; vị trí, diện tích nhà ở phục vụ tái định cư được bố trí;

d) Hình thức bố trí nhà ở phục vụ tái định cư bao gồm bố trí nhà ở phục vụ tái định cư tại chỗ hoặc tại địa điểm khác hoặc mua, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn hoặc nhận tiền theo quy định của Luật này;

đ) Hệ số K diện tích căn hộ đối với nhà chung cư quy định tại khoản 10 Điều 2 của Luật này; giá đất để tính bồi thường (nếu có); giá thuê nhà ở sau khi đầu tư xây dựng lại (nếu có);

e) Giá trị căn hộ được xác định sau khi quy đổi diện tích theo hệ số K quy định tại điểm đ khoản này; tiền đóng góp để xây dựng căn hộ theo tiến độ dự án hoặc nộp một lần sau khi bàn giao căn hộ đối với nhà chung cư không thuộc trường hợp quy định tại khoản 10 Điều 2 của Luật này; giá trị nhà ở phục vụ tái định cư trong trường hợp tái định cư tại địa điểm khác;

g) Thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đối với trường hợp quy định tại khoản 11 Điều 60 của Luật này;

h) Phương án xử lý đối với các căn hộ còn lại sau khi đã bố trí tái định cư;

i) Khoản tiền chênh lệch (nếu có) mà chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư hoặc chủ sở hữu phải thanh toán giữa giá trị nhà ở phục vụ tái định cư và giá trị nhà ở chủ sở hữu sẽ nhận theo phương án bồi thường, tái định cư;

k) Thời gian thực hiện dự án; thời gian hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời; thời gian bàn giao nhà ở phục vụ tái định cư theo hình thức quy định tại điểm d khoản này;

l) Kinh phí hỗ trợ di dời, thuê nhà ở tạm thời và các kinh phí liên quan khác (nếu có);

m) Kinh phí bảo trì sau khi xây dựng lại nhà chung cư thực hiện theo quy định của Luật này;

n) Bồi thường, tái định cư đối với phần diện tích khác không phải là căn hộ chung cư (nếu có).

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư theo thẩm quyền và kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thực hiện đúng phương án bồi thường, tái định cư đã được phê duyệt.

Điều 72. Bố trí nhà ở phục vụ tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời

1. Đối với trường hợp có quyền sở hữu nhà ở thì việc bố trí nhà ở phục vụ tái định cư được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Trường hợp theo quy hoạch đã được phê duyệt tiếp tục xây dựng lại nhà chung cư thì các chủ sở hữu nhà chung cư được bố trí tái định cư tại chỗ theo phương án bồi thường, tái định cư đã được phê duyệt.

Đối với nhà chung cư quy định tại khoản 10 Điều 2 của Luật này thì các chủ sở hữu nhà chung cư được bồi thường theo hệ số K quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 71 của Luật này.

Đối với nhà chung cư không thuộc quy định tại khoản 10 Điều 2 của Luật này thì các chủ sở hữu nhà chung cư phải đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư, trừ trường hợp nhà chung cư thuộc quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 62 của Luật này. Việc đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư được thỏa thuận nộp theo tiến độ dự án hoặc nộp một lần sau khi bàn giao căn hộ và được xác định trong phương án bồi thường, tái định cư;

b) Trường hợp theo quy hoạch đã được phê duyệt không tiếp tục xây dựng lại nhà chung cư thì các chủ sở hữu được bố trí nhà ở phục vụ tái định cư theo quy định tại khoản 4 Điều 60 của Luật này.

2. Đối với trường hợp thuê nhà ở thì việc bố trí tái định cư được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng thuê nhà; nếu đang thuê nhà ở thuộc tài sản công thì được bố trí thuê nhà ở sau khi hoàn thành việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, trừ trường hợp người thuê và đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc tài sản công có thỏa thuận khác.

3. Việc bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu nhà chung cư chỉ áp dụng đối với trường hợp các chủ sở hữu nhà chung cư có nhu cầu tái định cư bằng nhà ở.

4. Chỗ ở tạm thời phải bảo đảm yêu cầu, điều kiện về hạ tầng phục vụ sinh hoạt cho các chủ sở hữu. Trường hợp đang thuê nhà ở thuộc tài sản công thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có trách nhiệm bố trí chỗ ở tạm thời hoặc thanh toán tiền để người thuê tự lo chỗ ở trong thời gian thực hiện dự án.

Trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 59 của Luật này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí chỗ ở tạm thời trong thời gian thực hiện dự án.

Trường hợp quy định tại điểm a và điểm c khoản 2 Điều 59 của Luật này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí chỗ ở tạm thời cho đến khi lựa chọn được chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Sau khi lựa chọn được chủ đầu tư dự án thì chủ đầu tư có trách nhiệm bố trí chỗ ở tạm thời trong thời gian thực hiện dự án.

Trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 59 của Luật này thì chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có trách nhiệm bố trí chỗ ở tạm thời trong thời gian thực hiện dự án.

5. Ngoài việc được bố trí tái định cư theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này, căn cứ điều kiện của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hỗ trợ kinh phí cho người được bố trí tái định cư từ nguồn ngân sách địa phương theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ngân sách nhà nước.

6. Chính phủ quy định chi tiết việc lập, phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, việc đầu tư xây dựng dự án; việc di dời, cưỡng chế di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư; việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời; việc đóng góp kinh phí của các chủ sở hữu để đầu tư xây dựng lại nhà chung cư.

Mục 5. DI DỜI, CƯỠNG CHẾ DI DỜI VÀ PHÁ DỠ NHÀ CHUNG CƯ

Điều 73. Di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư

1. Đối với nhà chung cư thuộc trường hợp phải phá dỡ quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 59 của Luật này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải ban hành quyết định di dời khẩn cấp và tổ chức di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thuộc trường hợp di dời đến chỗ ở tạm thời.

2. Đối với nhà chung cư thuộc trường hợp phải phá dỡ quy định tại các điểm c, d và đ khoản 2 Điều 59 của Luật này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định di dời theo phương án bồi thường, tái định cư đã được phê duyệt.

3. Quyết định di dời bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên và địa chỉ của chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư phải di dời;

b) Thời hạn di dời;

c) Địa điểm bố trí chỗ ở tạm thời;

d) Phương thức di dời;

đ) Kinh phí di dời bao gồm kinh phí di chuyển người, tài sản; kinh phí hỗ trợ thuê nhà ở tạm thời và chi phí liên quan khác (nếu có);

e) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện quyết định di dời.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải gửi quyết định di dời đến các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thuộc trường hợp phải di dời và đăng tải công khai quyết định này trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà chung cư, các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

5. Các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư và tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện việc di dời theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

6. Kinh phí di dời được thực hiện như sau:

a) Đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì do ngân sách địa phương chi trả;

b) Đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì được xác định trong tổng mức đầu tư dự án và do chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư chi trả; chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có trách nhiệm hoàn trả kinh phí di dời cho cơ quan nhà nước trong trường hợp cơ quan nhà nước đã thực hiện di dời người dân ra khỏi nhà chung cư phải phá dỡ trước khi lựa chọn được chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Căn cứ điều kiện của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hỗ trợ kinh phí di dời từ nguồn ngân sách địa phương theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 74. Cưỡng chế di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư

1. Quá thời hạn di dời theo quyết định di dời của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư không thực hiện việc di dời thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định cưỡng chế di dời.

2. Quyết định cưỡng chế di dời bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên và địa chỉ của chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư phải cưỡng chế di dời;

b) Thời gian thực hiện cưỡng chế di dời;

c) Địa điểm bố trí chỗ ở tạm thời;

d) Phương thức cưỡng chế di dời;

đ) Kinh phí thực hiện cưỡng chế di dời;

e) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện cưỡng chế di dời.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có nhà chung cư có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cưỡng chế di dời theo quyết định cưỡng chế di dời của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

4. Kinh phí cưỡng chế di dời được thực hiện như sau:

a) Đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 73 của Luật này thì do ngân sách địa phương chi trả;

b) Đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 73 của Luật này thì được xác định trong tổng mức đầu tư dự án và do chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư chi trả; chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có trách nhiệm hoàn trả kinh phí cưỡng chế di dời cho cơ quan nhà nước trong trường hợp cơ quan nhà nước đã thực hiện cưỡng chế di dời người dân ra khỏi nhà chung cư phải phá dỡ trước khi lựa chọn được chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Căn cứ điều kiện của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hỗ trợ kinh phí cưỡng chế di dời từ nguồn ngân sách địa phương theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 75. Phá dỡ nhà chung cư

1. Sau khi hoàn thành việc di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư, chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có trách nhiệm tổ chức phá dỡ nhà chung cư theo quy định sau đây:

a) Chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tự thực hiện việc phá dỡ nếu có đủ năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc thuê tổ chức có năng lực về xây dựng để thực hiện việc phá dỡ;

b) Trước khi thực hiện phá dỡ, chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải lập phương án phá dỡ gửi cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh tổ chức thẩm định và phê duyệt. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phương án phá dỡ theo đề nghị của chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thẩm định và phê duyệt phương án phá dỡ theo quy định của pháp luật về xây dựng;

c) Chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tổ chức thực hiện phá dỡ theo phương án phá dỡ đã được cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh phê duyệt.

2. Trường hợp phải phá dỡ khẩn cấp nhà chung cư để bảo đảm an toàn cho các công trình xây dựng xung quanh thì cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh có trách nhiệm lập phương án phá dỡ, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định để tổ chức việc phá dỡ.

3. Kinh phí phá dỡ nhà chung cư được xác định trong tổng mức đầu tư dự án. Chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có trách nhiệm hoàn trả kinh phí phá dỡ khẩn cấp quy định tại khoản 2 Điều này cho cơ quan nhà nước đã thực hiện phá dỡ khẩn cấp nhà chung cư.

4. Trình tự, thủ tục phá dỡ nhà chung cư được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Chương VI

CHÍNH SÁCH VỀ NHÀ Ở XÃ HỘI

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 76. Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội

1. Người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc trường hợp được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

2. Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn.

3. Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.

4. Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị.

5. Người thu nhập thấp tại khu vực đô thị.

6. Công nhân, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong và ngoài khu công nghiệp.

7. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân công an, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng đang phục vụ tại ngũ; người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước đang công tác.

8. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

9. Đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 4 Điều 125 của Luật này, trừ trường hợp bị thu hồi nhà ở công vụ do vi phạm quy định của Luật này.

10. Hộ gia đình, cá nhân thuộc trường hợp bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.

11. Học sinh, sinh viên đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, trường chuyên biệt theo quy định của pháp luật; học sinh trường dân tộc nội trú công lập.

12. Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp.

Điều 77. Hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội

1. Hỗ trợ giải quyết bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội cho đối tượng quy định tại các khoản 1, 4, 5, 6, 8, 9 và 10 Điều 76 của Luật này; đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 76 của Luật này chưa được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.

Căn cứ điều kiện của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể quy định việc hỗ trợ giải quyết bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội cho đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 76 của Luật này.

2. Hỗ trợ theo chương trình mục tiêu quốc gia hoặc chương trình đầu tư công về nhà ở để đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 76 của Luật này tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

3. Hỗ trợ tặng cho nhà ở cho đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 76 của Luật này; việc miễn, giảm tiền sử dụng đất ở để xây dựng nhà ở quy định tại khoản này thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

4. Hỗ trợ giải quyết bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân cho đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 76 của Luật này chưa được hưởng chính sách quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 76 của Luật này mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở; đối với đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 76 của Luật này thì được vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.

Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

6. Đối tượng quy định tại khoản 11 Điều 76 của Luật này được thuê nhà ở xã hội trong thời gian học tập.

7. Đối tượng quy định tại khoản 12 Điều 76 của Luật này được thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp để bố trí cho cá nhân là công nhân của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mình trong khu công nghiệp đó thuê lại theo quy định tại Mục 3 Chương này.

8. Công nhân đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương này.

Điều 78. Điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội

1. Đối tượng quy định tại các khoản 1, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 76 của Luật này mua, thuê mua nhà ở xã hội thì phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Điều kiện về nhà ở: đối tượng quy định tại các khoản 1, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 76 của Luật này để được mua, thuê mua nhà ở xã hội thì phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đó, chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đó hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu; trường hợp thuộc đối tượng quy định tại các điểm b, c, d, đ, e và g khoản 1 Điều 45 của Luật này thì phải không đang ở nhà ở công vụ. Chính phủ quy định chi tiết điểm này;

b) Điều kiện về thu nhập: đối tượng quy định tại các khoản 5, 6, 7 và 8 Điều 76 của Luật này để được mua, thuê mua nhà ở xã hội thì phải đáp ứng điều kiện về thu nhập theo quy định của Chính phủ; đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 76 của Luật này thì phải thuộc trường hợp hộ gia đình nghèo, cận nghèo theo quy định của Chính phủ.

2. Đối tượng quy định tại các khoản 1, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 và 11 Điều 76 của Luật này nếu thuê nhà ở xã hội thì không phải đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Điều kiện để được hỗ trợ vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định theo quy định sau đây:

a) Đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 76 của Luật này để được vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội thì phải có hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội và đáp ứng điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng;

b) Đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 76 của Luật này để được vay vốn để mua, thuê mua nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thì phải có hợp đồng mua, thuê mua nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân và đáp ứng điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng.

4. Đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 76 của Luật này để được hỗ trợ theo hình thức quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này thì phải đáp ứng điều kiện quy định tại quyết định phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia hoặc chương trình đầu tư công về nhà ở tương ứng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

5. Đối tượng quy định tại khoản 6 Điều 76 của Luật này để được thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp thì phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 93 của Luật này.

6. Đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 76 của Luật này để được mua, thuê mua nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thì phải đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và điều kiện về thu nhập theo quy định của Chính phủ. Trường hợp thuê nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thì không phải đáp ứng điều kiện về nhà ở và điều kiện về thu nhập.

7. Đối tượng quy định tại khoản 12 Điều 76 của Luật này để được thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp để cho cá nhân là người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mình thuê lại thì phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 93 của Luật này.

8. Trường hợp đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 76 của Luật này được mua, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều 77 của Luật này thì phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: điều kiện về nhà ở quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở quy định tại khoản 3 Điều 77 của Luật này, thuộc trường hợp hộ gia đình nghèo, cận nghèo theo quy định của Chính phủ.

Đối với trường hợp thuê nhà ở xã hội thì không phải đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập quy định tại khoản này.

9. Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành mẫu giấy tờ chứng minh đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 8, 9, 10 và 11 Điều 76 của Luật này; ban hành mẫu giấy tờ chứng minh điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành mẫu giấy tờ chứng minh đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 76 của Luật này được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội thuộc phạm vi quản lý.

Điều 79. Nguyên tắc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội

1. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở;

b) Có sự kết hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, dòng họ và đối tượng được hỗ trợ trong việc thực hiện chính sách;

c) Bảo đảm công khai, minh bạch, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cộng đồng dân cư và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

d) Bảo đảm đúng đối tượng, đủ điều kiện theo quy định của Luật này;

đ) Trường hợp một đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau thì được hưởng một chính sách hỗ trợ mức cao nhất; trường hợp các đối tượng có cùng tiêu chuẩn và điều kiện thì thực hiện hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên trước đối với: người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, người khuyết tật, người được bố trí tái định cư theo hình thức mua, thuê mua nhà ở xã hội, nữ giới;

e) Trường hợp hộ gia đình có nhiều đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ thì chỉ áp dụng một chính sách hỗ trợ cho cả hộ gia đình.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội trên địa bàn.

3. Quy định tại Mục 2 Chương này không áp dụng cho việc phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, việc phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở, trừ trường hợp các mục 3, 4 và 5 Chương này có quy định dẫn chiếu áp dụng quy định tại Mục 2 Chương này.

Mục 2. PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI ĐỂ BÁN, CHO THUÊ MUA, CHO THUÊ

Điều 80. Hình thức phát triển nhà ở xã hội

1. Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng vốn đầu tư công để cho thuê, cho thuê mua.

2. Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 113 của Luật này để bán, cho thuê mua, cho thuê.

3. Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua, cho thuê cho đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 77 của Luật này.

4. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê.

5. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội thông qua hình thức đầu tư vốn hoặc thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong nước để cùng thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua, cho thuê theo quy định của Luật này, pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.

6. Cá nhân xây dựng nhà ở xã hội để cho đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 77 của Luật này thuê.

Điều 81. Loại hình dự án và yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội

1. Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bao gồm các dự án quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 1 Điều 30 của Luật này.

2. Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này phải được đầu tư xây dựng trên đất để phát triển nhà ở xã hội quy định tại khoản 6 Điều 83 của Luật này và đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 33 của Luật này. Việc bàn giao nhà ở xã hội được thực hiện theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 37 của Luật này.

3. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê, không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất để cá nhân tự xây dựng nhà ở.

Điều 82. Loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội

1. Loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội được quy định như sau:

a) Nhà ở xã hội là nhà chung cư, được đầu tư xây dựng theo dự án, phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng tại xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của Thủ tướng Chính phủ thì được xây dựng nhà ở riêng lẻ;

b) Trường hợp nhà ở xã hội là nhà chung cư thì căn hộ phải được thiết kế, xây dựng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội;

c) Trường hợp nhà ở xã hội là nhà ở riêng lẻ thì phải được thiết kế, xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội;

d) Trường hợp cá nhân xây dựng nhà ở xã hội theo quy định tại khoản 6 Điều 80 của Luật này thì có thể xây dựng nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ hoặc nhà ở riêng lẻ theo quy định của Luật này.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 83. Đất để phát triển nhà ở xã hội

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt, bao gồm: quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội độc lập; quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Đối với khu vực nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện của địa phương để bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội.

2. Tại các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III, căn cứ quy định của Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội hoặc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại đô thị đó hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội.

3. Đối với các đô thị không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện của địa phương để quy định tiêu chí đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại mà chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội hoặc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại đô thị đó hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội.

4. Quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội quy định tại khoản 1 Điều này phải được bố trí theo đúng nhu cầu được xác định trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt, phải bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực nơi có dự án và phù hợp với nhu cầu sinh sống, làm việc của các đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội quy định tại Luật này.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

5. Căn cứ nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được xác định trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, trong quá trình lập dự toán ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp việc dành ngân sách để đầu tư xây dựng dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn, thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội trong và ngoài phạm vi dự án.

6. Đất để phát triển nhà ở xã hội theo dự án bao gồm:

a) Đất được Nhà nước giao để xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê;

b) Đất được Nhà nước cho thuê để xây dựng nhà ở cho thuê;

c) Diện tích đất ở dành để xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này;

d) Đất do doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 84 của Luật này.

7. Cá nhân được sử dụng quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này để xây dựng nhà ở xã hội.

8. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này.

Điều 84. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội

1. Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn quy định tại khoản 1 Điều 113 của Luật này thì việc xác định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về xây dựng.

Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh đề xuất chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về xây dựng.

2. Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn tài chính công đoàn thì việc xác định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được thực hiện theo quy định áp dụng với dự án đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về xây dựng.

3. Trường hợp phải dành quỹ đất trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 83 của Luật này thì giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, trừ trường hợp Nhà nước sử dụng diện tích đất này để giao cho tổ chức khác thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

4. Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đầu tư không bằng nguồn vốn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và không thuộc trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì việc lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thực hiện như sau:

a) Trường hợp chỉ có 01 nhà đầu tư quan tâm theo quy định của pháp luật về đấu thầu, cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khi nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện, tiêu chí theo quy định của Chính phủ;

b) Trường hợp có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm thì thực hiện lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

c) Được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khi nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với loại đất được thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với loại đất được thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của Luật Đất đai.

5. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này có quyền quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7 và 8 Điều 38, khoản 2 Điều 85 và khoản 2 Điều 88 của Luật này.

6. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này có nghĩa vụ quy định tại các khoản 1, 3, 5, 6, 8, 9, 10, 11 và 13 Điều 39, khoản 3 Điều 81, khoản 4 Điều 87 của Luật này và nghĩa vụ sau đây:

a) Ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư; bảo đảm năng lực tài chính để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật;

b) Thực hiện đầy đủ cam kết trong hợp đồng kinh doanh sản phẩm của dự án; bảo đảm chất lượng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng; bàn giao nhà ở kèm theo các giấy tờ liên quan đến nhà ở giao dịch cho khách hàng và thực hiện giao dịch mua bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở theo đúng quy định của Luật này, pháp luật về kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.

7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 85. Ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua, cho thuê

1. Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đầu tư bằng vốn đầu tư công thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được hưởng ưu đãi quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này. Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn tài chính công đoàn thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được hưởng ưu đãi quy định tại các điểm a, b, e, g và h khoản 2 Điều này.

2. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không bằng vốn quy định tại khoản 1 Điều này được hưởng các ưu đãi sau đây:

a) Được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án; chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này;

b) Được ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế;

c) Được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội;

d) Được dành tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được hạch toán riêng, không được tính chi phí đầu tư xây dựng phần công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại này vào giá thành nhà ở xã hội và được hưởng toàn bộ lợi nhuận đối với phần diện tích công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại này; trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thì chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích xây dựng nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật về đất đai.

Trường hợp phương án quy hoạch chi tiết của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt không bố trí quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại trong phạm vi dự án thì chủ đầu tư dự án được dành tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích sàn nhà ở của dự án để kinh doanh dịch vụ, thương mại. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được hạch toán riêng, không được tính chi phí đầu tư xây dựng phần diện tích kinh doanh dịch vụ, thương mại này vào giá thành nhà ở xã hội và được hưởng toàn bộ lợi nhuận đối với phần diện tích kinh doanh dịch vụ, thương mại này;

đ) Được vay vốn với lãi suất ưu đãi; trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được vay vốn với lãi suất thấp hơn và thời gian vay dài hơn so với trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua theo quy định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ;

e) Được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hỗ trợ thực hiện đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực, bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội trong và ngoài phạm vi dự án;

g) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện của địa phương ban hành cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn phù hợp với thẩm quyền và quy định khác của pháp luật có liên quan;

h) Ưu đãi khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

3. Trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đó thì được hưởng ưu đãi quy định tại khoản 2 Điều này đối với phần diện tích đất quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 83 của Luật này do chủ đầu tư đó trực tiếp đầu tư xây dựng.

4. Cá nhân được vay vốn ưu đãi theo quy định tại khoản 2 Điều này để tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở để đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội thuê.

5. Chính phủ quy định chi tiết các điểm c, d và đ khoản 2, khoản 3 Điều này.

Điều 86. Xác định giá thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn

1. Trường hợp cho thuê nhà ở xã hội thì giá thuê được tính đủ kinh phí bảo trì nhà ở; chi phí thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 20 năm, kể từ ngày ký hợp đồng thuê.

2. Trường hợp cho thuê mua nhà ở xã hội thì giá thuê mua được tính đủ chi phí thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 05 năm, kể từ ngày ký hợp đồng thuê mua; không tính kinh phí bảo trì do người thuê mua phải nộp.

3. Giá thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội không được tính các khoản ưu đãi quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này.

4. Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 14 của Luật này quyết định giá thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội.

5. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định giá thuê nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn tài chính công đoàn.

Điều 87. Xác định giá bán, giá thuê mua, giá thuê nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng không bằng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn

1. Giá bán nhà ở xã hội được xác định như sau:

a) Tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở, bao gồm: chi phí đầu tư xây dựng công trình nhà ở xã hội, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội do chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thực hiện (nếu có) trong phạm vi dự án, trừ trường hợp thuộc diện đầu tư xây dựng để kinh doanh hoặc phải bàn giao cho Nhà nước quản lý theo nội dung dự án đã được phê duyệt; lãi vay (nếu có); các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp, bao gồm chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, các khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật; lợi nhuận định mức quy định tại điểm c khoản 2 Điều 85 của Luật này;

b) Không được tính các khoản ưu đãi quy định tại các điểm a, b, đ, g và h khoản 2 Điều 85 của Luật này và kinh phí bảo trì do người mua phải nộp theo quy định tại Điều 152 của Luật này.

2. Giá thuê mua nhà ở xã hội được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Giá thuê nhà ở xã hội, bao gồm cả kinh phí bảo trì nhà ở, do chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thỏa thuận với bên thuê theo khung giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

4. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội xây dựng phương án giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội bảo đảm nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều này và trình cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định tại thời điểm nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở.

5. Đối với nhà ở xã hội do cá nhân tự đầu tư xây dựng thì giá thuê nhà ở phải bảo đảm phù hợp với khung giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 88. Nguyên tắc bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội

1. Việc bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội phải đúng quy định của Luật này.

2. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được lựa chọn hình thức bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai hoặc bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở có sẵn. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khi bán, cho thuê mua nhà ở không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai và không phải thông qua sàn giao dịch bất động sản.

3. Việc bán, cho thuê mua nhà ở xã hội hình thành trong tương lai phải tuân thủ các điều kiện sau đây:

a) Đã có hồ sơ dự án đầu tư xây dựng nhà ở, có thiết kế kỹ thuật nhà ở được phê duyệt và có giấy phép xây dựng nếu thuộc trường hợp phải có giấy phép xây dựng;

b) Đã hoàn thành việc xây dựng phần móng của nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng và hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, cấp nước, thoát nước, điện sinh hoạt, điện chiếu sáng công cộng của khu vực nhà ở được bán, cho thuê mua theo quy hoạch chi tiết xây dựng, hồ sơ thiết kế và tiến độ của dự án đã được phê duyệt; đã giải chấp đối với trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có thế chấp nhà ở này, trừ trường hợp được người mua, thuê mua và bên nhận thế chấp đồng ý không phải giải chấp;

c) Đã có văn bản thông báo của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua, trừ nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công.

4. Việc bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội có sẵn của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải tuân thủ các điều kiện sau đây:

a) Khu vực nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các công trình hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng, hồ sơ thiết kế và tiến độ của dự án đã được phê duyệt; nếu chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có thế chấp nhà ở thì phải giải chấp trước khi bán, cho thuê mua nhà ở này, trừ trường hợp được người mua, thuê mua và bên nhận thế chấp đồng ý không phải giải chấp;

b) Đã có văn bản thông báo của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua, cho thuê, trừ nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công;

c) Nhà ở có đủ điều kiện quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 160 của Luật này.

5. Đối với nhà ở xã hội do cá nhân tự đầu tư xây dựng để cho thuê chỉ phải thực hiện theo quy định tại Điều 56 của Luật này.

6. Mỗi đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 8, 9 và 10 Điều 76 của Luật này chỉ được mua hoặc thuê mua 01 căn nhà ở xã hội. Đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 76 của Luật này chỉ được mua hoặc thuê mua 01 căn nhà ở xã hội hoặc 01 căn nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.

7. Mỗi đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 8, 9, 10 và 11 Điều 76 của Luật này tại mỗi thời điểm chỉ được thuê 01 căn nhà ở xã hội. Đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 76 của Luật này tại mỗi thời điểm chỉ được thuê 01 căn nhà ở xã hội hoặc 01 căn nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.

8. Bên thuê, thuê mua nhà ở xã hội chỉ được sử dụng nhà ở phục vụ vào mục đích ở cho bản thân và thành viên trong gia đình trong thời gian thuê, thuê mua; nếu bên thuê, thuê mua không còn nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở thì chấm dứt hợp đồng và phải trả lại nhà ở này.

9. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê được bán nhà ở này theo cơ chế thị trường sau 10 năm kể từ ngày nghiệm thu đưa vào sử dụng cho đối tượng có nhu cầu nếu dự án phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quy định của pháp luật về đất đai. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đó phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ và các khoản thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế. Đối với nhà ở xã hội thuộc tài sản công thì phải thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 125 của Luật này.

10. Trường hợp bán, cho thuê mua nhà ở xã hội vi phạm quy định của Luật này về đối tượng hoặc điều kiện mua, thuê mua nhà ở xã hội thì hợp đồng mua bán, cho thuê mua nhà ở vô hiệu và bên mua, thuê mua phải bàn giao lại nhà ở cho chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đơn vị quản lý nhà ở xã hội; trường hợp không bàn giao lại nhà ở thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở tổ chức cưỡng chế để thu hồi lại nhà ở đó.

Việc xử lý tiền mua nhà ở xã hội được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự; việc xử lý tiền thuê mua nhà ở xã hội được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 175 của Luật này; việc cưỡng chế thu hồi nhà ở xã hội thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 89. Bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội

1. Việc bán nhà ở xã hội được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Việc bán nhà ở xã hội hình thành trong tương lai chỉ được thực hiện khi bảo đảm quy định tại khoản 3 Điều 88 của Luật này; việc bán nhà ở xã hội có sẵn chỉ được thực hiện khi bảo đảm quy định tại khoản 4 Điều 88 của Luật này;

b) Việc mua bán nhà ở xã hội phải được lập thành hợp đồng có các nội dung quy định tại Điều 163 của Luật này;

c) Việc ứng tiền trước của người mua nhà ở xã hội được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà ở, phù hợp với tỷ lệ hoàn thành xây dựng công trình nhà ở và tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt nhưng số tiền ứng trước lần đầu không vượt quá 30% giá trị hợp đồng bao gồm cả tiền đặt cọc (nếu có), tổng số tiền các lần thanh toán không được vượt quá 70% giá trị hợp đồng đến trước khi bàn giao nhà ở cho người mua và không được vượt quá 95% giá trị hợp đồng đến trước khi người mua nhà được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó;

d) Bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 05 năm, kể từ ngày thanh toán đủ tiền mua nhà ở, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản này;

đ) Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bên mua nhà ở xã hội đã thanh toán đủ tiền mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc bán lại cho đối tượng thuộc trường hợp được mua nhà ở xã hội với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội này trong hợp đồng mua bán với chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Việc nộp thuế thu nhập cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế;

e) Sau thời hạn 05 năm, kể từ ngày đã thanh toán đủ tiền mua nhà ở, bên mua nhà ở xã hội được bán lại nhà ở này theo cơ chế thị trường cho đối tượng có nhu cầu nếu đã được cấp Giấy chứng nhận; bên bán không phải nộp tiền sử dụng đất và phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế, trừ trường hợp bán nhà ở xã hội là nhà ở riêng lẻ thì bên bán phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ và phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế.

2. Việc cho thuê mua nhà ở xã hội được thực hiện theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này và các quy định sau đây:

a) Thời hạn thanh toán tiền thuê mua nhà ở xã hội tối thiểu là 05 năm, kể từ ngày ký hợp đồng thuê mua nhà ở;

b) Bên thuê mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày thanh toán đủ tiền thuê mua nhà ở theo thời hạn quy định tại điểm a khoản này, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này;

c) Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền thuê mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho cơ quan quản lý nhà ở trong trường hợp thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công hoặc bán lại cho chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong trường hợp thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng không bằng vốn đầu tư công hoặc bán lại cho đối tượng thuộc trường hợp được mua nhà ở xã hội với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội này trong hợp đồng mua bán với cơ quan quản lý nhà ở hoặc chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Việc nộp thuế thu nhập cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế;

d) Sau thời hạn 05 năm, kể từ ngày bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền thuê mua nhà ở xã hội theo thời hạn quy định tại điểm a khoản này, bên thuê mua được bán lại nhà ở này theo cơ chế thị trường theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều này.

3. Việc cho thuê nhà ở xã hội được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Việc cho thuê nhà ở xã hội có sẵn chỉ được thực hiện khi bảo đảm quy định tại khoản 4 hoặc khoản 5 Điều 88 của Luật này;

b) Việc cho thuê nhà ở xã hội phải được lập thành hợp đồng có các nội dung quy định tại Điều 163 của Luật này;

c) Không được ký hợp đồng thuê nhà ở xã hội hình thành trong tương lai. Trường hợp nhà ở có đủ điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 88 của Luật này thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ được ký hợp đồng đặt cọc và thu tiền đặt cọc thuê nhà ở tối đa bằng 12 tháng tiền thuê nhà tạm tính; việc ký hợp đồng đặt cọc thuê nhà ở phải bảo đảm đúng đối tượng và điều kiện được thuê nhà ở xã hội quy định tại Luật này; sau khi nhà ở có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 4 Điều 88 của Luật này thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được ký hợp đồng thuê nhà ở với người thuê.

4. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội.

Điều 90. Quản lý vận hành nhà ở xã hội

1. Đối với nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 14 của Luật này quyết định lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà ở theo quy định tại khoản 5 Điều 125 của Luật này. Đối với nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn tài chính công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà ở theo thẩm quyền; trường hợp có từ 02 đơn vị trở lên đăng ký tham gia thì được chọn áp dụng quy định của pháp luật về đấu thầu để lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà ở.

2. Đối với nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng không bằng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn thì việc quản lý vận hành nhà ở được quy định như sau:

a) Nhà ở xã hội để cho thuê thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tự tổ chức quản lý vận hành nhà ở hoặc thuê, ủy thác cho đơn vị có năng lực quản lý vận hành theo quy định của Luật này thực hiện quản lý vận hành nhà ở đó;

b) Nhà ở xã hội để cho thuê mua thì trong thời hạn cho thuê mua, chủ đầu tư thực hiện quản lý vận hành nhà ở theo quy định tại điểm a khoản này; sau khi người thuê mua đã thanh toán đủ tiền thuê mua cho chủ đầu tư thì việc quản lý vận hành được thực hiện theo quy định tại điểm c khoản này;

c) Nhà ở xã hội để bán thì người mua nhà ở tự thực hiện việc quản lý vận hành nếu là nhà ở riêng lẻ; trường hợp là nhà chung cư thì phải tuân thủ quy định về quản lý vận hành nhà chung cư quy định tại Luật này.

3. Hoạt động quản lý vận hành nhà ở xã hội được hưởng cơ chế ưu đãi như đối với dịch vụ công ích.

4. Đơn vị quản lý vận hành nhà ở xã hội được quyền kinh doanh các dịch vụ khác trong khu nhà ở xã hội mà không bị luật cấm để giảm giá dịch vụ quản lý vận hành nhà ở.

Mục 3. PHÁT TRIỂN NHÀ LƯU TRÚ CÔNG NHÂN TRONG KHU CÔNG NGHIỆP

Điều 91. Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp

1. Công nhân đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất trong khu công nghiệp.

2. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất trong khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân.

Điều 92. Hình thức phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp

1. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp.

2. Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất trong khu công nghiệp đầu tư xây dựng hoặc thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp để bố trí cho công nhân của mình thuê lại.

Điều 93. Điều kiện thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp

1. Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất trong khu công nghiệp thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp phải có hợp đồng thuê mặt bằng khu công nghiệp và đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp đó, phải có hợp đồng thuê, sử dụng lao động với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 91 của Luật này.

2. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 91 của Luật này thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp phải có hợp đồng lao động và xác nhận của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất trong khu công nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.

3. Việc xét duyệt đối tượng được thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp do chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp thực hiện; trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất trong khu công nghiệp thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp để cho công nhân của mình thuê lại thì do doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đó thực hiện. Ban quản lý khu công nghiệp có trách nhiệm kiểm tra theo thẩm quyền việc xét duyệt đối tượng được thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp.

Điều 94. Quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp

1. Căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, cơ quan có thẩm quyền quyết định việc bố trí quỹ đất trong phần diện tích đất thương mại, dịch vụ của khu công nghiệp để làm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất trong khu công nghiệp đó. Khu đất để làm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phải bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường với khu sản xuất trong khu công nghiệp.

2. Chính phủ quy định điều kiện bảo đảm an toàn về môi trường, quy mô, tỷ lệ diện tích đất phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp.

Điều 95. Loại dự án và yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp

1. Dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp là loại dự án đầu tư xây dựng mới 01 công trình hoặc 01 cụm công trình nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp.

2. Dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp quy định tại khoản 1 Điều này phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Phù hợp với quy hoạch xây dựng khu công nghiệp;

b) Đáp ứng nhu cầu về diện tích nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp được xác định trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh;

c) Bảo đảm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đủ các khu chức năng và không gian phục vụ nhu cầu lưu trú bao gồm: y tế, sinh hoạt văn hóa, sân chơi, thể dục, thể thao, dịch vụ, thương mại và tiện ích công cộng;

d) Có hàng rào, lối đi riêng với các khu sản xuất trong khu công nghiệp, bảo đảm an ninh, an toàn;

đ) Đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

3. Dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp phải được Ban quản lý khu công nghiệp chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư theo quy định áp dụng đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật về đầu tư; quản lý, kiểm soát về chất lượng, tiêu chuẩn diện tích, giá cho thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp.

Điều 96. Loại nhà và tiêu chuẩn thiết kế, xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp

1. Là loại nhà chung cư phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Được thiết kế, xây dựng bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng; ưu tiên áp dụng các công nghệ xây dựng mới nhằm giảm giá thành, tiết kiệm năng lượng.

Điều 97. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp

1. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp phải xác định nhu cầu thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, tổ chức lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp gắn với khu công nghiệp đó.

2. Sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhà lưu trú công nhân, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp có thể tự đầu tư xây dựng hoặc cho doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất trong khu công nghiệp thuê đất đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp.

Điều 98. Ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp cho công nhân của mình thuê lại

1. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp được ưu đãi theo quy định tại các điểm a, b, đ, g và h khoản 2 Điều 85 của Luật này và các ưu đãi sau đây:

a) Chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp được tính vào chi phí đầu tư hạ tầng khu công nghiệp;

b) Chi phí đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp được tính là khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

2. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất trong khu công nghiệp thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp để cho công nhân của mình thuê lại thì chi phí thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế.

Điều 99. Giá cho thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp

Giá cho thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp do bên cho thuê thỏa thuận với bên thuê theo khung giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Điều 100. Nguyên tắc cho thuê và quản lý vận hành nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp

1. Nguyên tắc cho thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp bao gồm:

a) Cá nhân là công nhân trong khu công nghiệp chỉ được thuê 01 nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp trong cùng thời điểm và không được cho thuê lại hoặc chuyển nhượng hợp đồng thuê;

b) Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì người thuê nhà phải bàn giao lại nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp cho bên cho thuê;

c) Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất trong khu công nghiệp chỉ được thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp để cho cá nhân là công nhân của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mình thuê lại.

2. Bên cho thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp chịu trách nhiệm cho thuê đúng đối tượng cá nhân là công nhân trong khu công nghiệp.

3. Việc quản lý vận hành nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 90 của Luật này.

4. Chính phủ quy định chi tiết việc cho thuê và quản lý, sử dụng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp.

Mục 4. PHÁT TRIỂN NHÀ Ở CHO LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN

Điều 101. Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân

1. Đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 76 của Luật này được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành mẫu giấy tờ chứng minh đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thuộc phạm vi quản lý.

Điều 102. Phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm xác định nhu cầu nhà ở đối với đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 76 của Luật này thuộc phạm vi quản lý và gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để tổng hợp trong kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh.

Điều 103. Hình thức phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân

1. Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân bằng vốn đầu tư công để cho đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 76 của Luật này thuê, thuê mua.

2. Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân bằng nguồn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 113 của Luật này để cho đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 76 của Luật này mua, thuê mua, thuê.

3. Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân để cho đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 76 của Luật này mua, thuê mua, thuê.

Điều 104. Đất để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân

Việc bố trí đất để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân trong quỹ đất phát triển nhà ở xã hội của địa phương theo quy định tại Điều 83 của Luật này do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực nơi có dự án và phù hợp với nhu cầu sinh sống, làm việc của đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

Điều 105. Loại dự án và yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân

1. Dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân bao gồm dự án quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 1 Điều 30 của Luật này.

2. Dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân phải đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 33 của Luật này và yêu cầu khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an đối với dự án thuộc phạm vi quản lý. Việc bàn giao nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân được thực hiện theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 37 của Luật này.

3. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê, không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất để cá nhân tự xây dựng nhà ở.

4. Loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 82 của Luật này.

Điều 106. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân

1. Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn quy định tại khoản 1 Điều 113 của Luật này thì việc xác định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về xây dựng.

2. Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân được đầu tư xây dựng không bằng nguồn vốn quy định tại khoản 1 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân theo quy định tại khoản 4 Điều 84 của Luật này.

3. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân quy định tại khoản 2 Điều này có quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 84 của Luật này.

Điều 107. Ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân

1. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân bằng vốn đầu tư công được hưởng các ưu đãi quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 85 của Luật này.

2. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân không bằng vốn quy định tại khoản 1 Điều này được hưởng các ưu đãi quy định tại khoản 2 Điều 85 của Luật này.

Điều 108. Xác định giá bán, giá thuê mua, giá thuê nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân

1. Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân được đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công thì việc xác định giá thuê, giá thuê mua thực hiện theo quy định tại Điều 86 của Luật này.

2. Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân được đầu tư xây dựng không bằng vốn quy định tại khoản 1 Điều này thì việc xác định giá bán, giá thuê mua, giá thuê thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 87 của Luật này.

Điều 109. Nguyên tắc bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân và quản lý vận hành nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân

1. Việc bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện theo quy định tại Điều 88 và Điều 89 của Luật này.

2. Việc quản lý vận hành nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện theo quy định tại Điều 90 của Luật này.

3. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.

Mục 5. CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ VỀ NHÀ Ở CHO HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN TỰ XÂY DỰNG HOẶC CẢI TẠO, SỬA CHỮA NHÀ Ở

Điều 110. Chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở

1. Nhà nước hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 76 của Luật này tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thông qua chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công về nhà ở.

2. Chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện như sau:

a) Hỗ trợ một phần vốn từ ngân sách nhà nước;

b) Hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội;

c) Hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực có nhà ở tại khu vực nông thôn;

d) Hỗ trợ tặng cho nhà ở đối với đối tượng mà với mức hỗ trợ quy định tại điểm a và điểm b khoản này vẫn không có khả năng tài chính để cải thiện nhà ở.

3. Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để hộ gia đình, cá nhân quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 76 của Luật này tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

4. Điều kiện để được hỗ trợ vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định cho đối tượng quy định tại khoản 3 Điều này bao gồm:

a) Có đất ở nhưng chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng nhà ở bị hư hỏng, dột nát;

b) Có đăng ký thường trú tại đơn vị hành chính cấp xã nơi có đất ở, nhà ở cần xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa.

Điều 111. Hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở

1. Nhà nước hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân tự tổ chức xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

2. Nhà nước tổ chức xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở cho đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 76 của Luật này không có khả năng tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Chương VII

TÀI CHÍNH ĐỂ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở

Điều 112. Các nguồn vốn để phát triển nhà ở

1. Vốn chủ sở hữu của các tổ chức, cá nhân.

2. Vốn quy định tại khoản 1 Điều 113 của Luật này.

3. Vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 114 của Luật này.

4. Vốn đầu tư nước ngoài.

5. Nguồn tài chính công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn.

6. Nguồn vốn hợp pháp khác.

Điều 113. Nguồn vốn của Nhà nước để phát triển nhà ở

1. Nguồn vốn của Nhà nước để phát triển nhà ở bao gồm:

a) Vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công;

b) Vốn từ công trái quốc gia, trái phiếu, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; vốn huy động từ Quỹ phát triển đất, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách khác theo quy định của pháp luật.

2. Nguồn vốn quy định tại khoản 1 Điều này được Nhà nước sử dụng để phát triển nhà ở công vụ, nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà ở phục vụ tái định cư và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, nhà ở thuộc tài sản công khác theo quy định của Luật này.

Điều 114. Hình thức huy động vốn để phát triển nhà ở

1. Các hình thức huy động vốn để phát triển nhà ở bao gồm:

a) Huy động thông qua góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của tổ chức, cá nhân;

b) Huy động thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ theo quy định của pháp luật;

c) Huy động thông qua cấp vốn từ nguồn vốn quy định tại khoản 1 Điều 113 của Luật này;

d) Huy động thông qua vay vốn từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam;

đ) Huy động thông qua vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội;

e) Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam;

g) Nguồn vốn hợp pháp khác.

2. Chính phủ quy định điều kiện của từng hình thức huy động vốn để phát triển nhà ở.

Điều 115. Vốn để phát triển đối với từng loại nhà ở

1. Vốn để phát triển nhà ở thương mại bao gồm:

a) Vốn của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại;

b) Vốn huy động thông qua góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của tổ chức, cá nhân;

c) Vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ theo quy định của pháp luật;

d) Tiền mua, tiền thuê mua nhà ở trả trước, trả chậm, trả dần của khách hàng theo hợp đồng mua bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai;

đ) Vốn vay từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam.

2. Vốn để phát triển nhà ở công vụ bao gồm:

a) Vốn ngân sách nhà nước cấp, bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương;

b) Nguồn vốn hợp pháp khác.

3. Vốn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội bao gồm:

a) Vốn của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; vốn của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại;

b) Vốn huy động thông qua góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của tổ chức, cá nhân;

c) Vốn của đối tượng thuộc trường hợp được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội;

d) Vốn quy định tại khoản 1 Điều 113 của Luật này;

đ) Vốn do Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội; vốn cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội hoặc vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định;

e) Nguồn tài chính công đoàn để thực hiện dự án quy định tại khoản 4 Điều 80 của Luật này;

g) Vốn vay từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam;

h) Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam;

i) Nguồn vốn hợp pháp khác.

4. Vốn để phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư bao gồm:

a) Vốn của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư; vốn của chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư;

b) Vốn huy động thông qua góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của tổ chức, cá nhân;

c) Vốn quy định tại khoản 1 Điều 113 của Luật này;

d) Vốn từ Quỹ phát triển đất;

đ) Vốn từ tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật, vốn từ đóng góp của người được tái định cư đối với dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư;

e) Vốn vay từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam;

g) Nguồn vốn hợp pháp khác.

5. Vốn để phát triển nhà ở của cá nhân bao gồm:

a) Vốn của cá nhân;

b) Vốn hợp tác giữa các cá nhân; vốn hỗ trợ của dòng họ, cộng đồng dân cư;

c) Vốn vay của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam;

d) Vốn hỗ trợ của Nhà nước đối với các trường hợp được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội;

đ) Nguồn vốn hợp pháp khác.

Điều 116. Nguyên tắc huy động, sử dụng vốn để phát triển nhà ở

1. Việc huy động vốn để phát triển nhà ở phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

a) Huy động đúng hình thức;

b) Có đủ điều kiện để huy động vốn theo quy định của pháp luật về nhà ở;

c) Phù hợp đối với từng loại nhà ở theo quy định của Luật này;

d) Tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền;

đ) Tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp huy động nguồn vốn của Nhà nước theo quy định tại Điều 113 của Luật này thì còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công;

e) Bên tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết quy định tại điểm a khoản 1 Điều 114 của Luật này chỉ được phân chia lợi nhuận bằng tiền hoặc cổ phiếu trên cơ sở tỷ lệ vốn góp theo thỏa thuận trong hợp đồng; chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở không được áp dụng hình thức huy động vốn quy định tại điểm này hoặc hình thức huy động vốn khác để phân chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn, trừ trường hợp góp vốn thành lập pháp nhân mới để được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.

2. Việc huy động vốn không đúng hình thức và không đáp ứng đủ các điều kiện đối với từng loại nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì không có giá trị pháp lý.

3. Việc sử dụng vốn để phát triển nhà ở phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

a) Bảo đảm công khai, minh bạch; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có vốn được huy động;

b) Phải sử dụng vào mục đích để phát triển nhà ở và thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở, không được sử dụng vốn đã huy động cho dự án khác hoặc mục đích khác;

c) Việc bố trí và sử dụng nguồn vốn để phát triển nhà ở phải phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt.

Điều 117. Vay vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển nhà ở xã hội

1. Ngân hàng chính sách xã hội cho vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp và thời hạn cho vay dài hạn thông qua việc cấp vốn từ ngân sách cho Ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công về nhà ở và xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ.

2. Ngân hàng chính sách xã hội được huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ gia đình, cá nhân trong nước có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân để cho các đối tượng này vay với lãi suất ưu đãi và thời hạn vay dài hạn sau một thời gian gửi tiết kiệm nhất định.

3. Ngân hàng chính sách xã hội phải lập khoản mục riêng để quản lý và sử dụng nguồn vốn theo đúng mục đích quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Chương VIII

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NHÀ Ở

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 118. Nội dung quản lý, sử dụng nhà ở

1. Lập, lưu trữ, bàn giao và quản lý hồ sơ nhà ở.

2. Quản lý, sử dụng nhà ở có giá trị nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa, lịch sử.

3. Quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công.

4. Bảo hiểm, bảo hành, bảo trì, cải tạo, phá dỡ nhà ở.

Điều 119. Lập hồ sơ nhà ở

1. Chủ sở hữu nhà ở hoặc người đang sử dụng nhà ở nếu chưa xác định được chủ sở hữu, tổ chức được giao quản lý nhà ở thuộc tài sản công có trách nhiệm lập và lưu trữ hồ sơ nhà ở theo quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Hồ sơ nhà ở bao gồm nhà ở riêng lẻ và nhà chung cư được quy định như sau:

a) Đối với nhà ở tại đô thị và nông thôn được tạo lập trước ngày 01 tháng 7 năm 2006 thì phải có giấy tờ chứng minh việc tạo lập hợp pháp nhà ở hoặc có bản kê khai thông tin về nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở;

b) Đối với nhà ở tại đô thị được tạo lập kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2006 thì hồ sơ nhà ở bao gồm giấy tờ chứng minh việc tạo lập hợp pháp nhà ở; giấy tờ xác định đơn vị tư vấn, đơn vị thi công, bản vẽ thiết kế, bản vẽ sơ đồ nhà ở, đất ở, hồ sơ hoàn công theo quy định của pháp luật về xây dựng (nếu có);

c) Đối với nhà ở tại nông thôn được tạo lập kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2006 thì hồ sơ nhà ở bao gồm giấy tờ chứng minh việc tạo lập hợp pháp nhà ở và bản vẽ thiết kế, bản vẽ sơ đồ nhà ở, đất ở (nếu có);

d) Đối với trường hợp xây dựng nhà ở theo dự án thì hồ sơ nhà ở bao gồm hồ sơ dự án đầu tư xây dựng nhà ở và hồ sơ hoàn công theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Điều 120. Lưu trữ, bàn giao và quản lý hồ sơ nhà ở

1. Tổ chức, cá nhân lưu trữ hồ sơ nhà ở được quy định như sau:

a) Chủ sở hữu nhà ở hoặc người đang sử dụng nhà ở nếu chưa xác định được chủ sở hữu, tổ chức được giao quản lý nhà ở thuộc tài sản công có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ nhà ở; đối với nhà chung cư thì việc bàn giao, lưu trữ, quản lý hồ sơ thực hiện theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư;

b) Cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ nhà ở của hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trên địa bàn;

c) Cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ nhà ở của tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài và dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm cung cấp thông tin về nhà ở quy định tại khoản 2 Điều 119 của Luật này cho cơ quan quản lý nhà ở cùng cấp để thiết lập hồ sơ nhà ở.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định việc phối hợp cung cấp thông tin về nhà ở giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận và cơ quan quản lý nhà ở tại địa phương để bảo đảm thống nhất về các thông tin nhà ở, đất ở ghi trong hồ sơ nhà ở.

Điều 121. Quản lý, sử dụng nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở

1. Trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thực hiện quản lý khu vực nhà ở riêng lẻ sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có trách nhiệm quản lý kiến trúc mặt ngoài của nhà ở riêng lẻ sau khi đã bàn giao cho các chủ sở hữu theo đúng hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt; thực hiện quản lý, bảo trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà ở riêng lẻ trong dự án theo đúng nội dung dự án đã được phê duyệt, trừ trường hợp phải bàn giao cho Nhà nước quản lý theo nội dung quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư.

Trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở không thực hiện quản lý khu vực nhà ở riêng lẻ trong dự án thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý kiến trúc mặt ngoài của nhà ở theo đúng quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc của dự án đã được phê duyệt hoặc giao Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm quản lý.

Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở được chuyển nhượng quyền sử dụng đất để cá nhân tự xây dựng nhà ở thì phải xây dựng theo đúng quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc được phê duyệt.

2. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có thể phân chia và đặt tên cho từng khu vực nhà ở riêng lẻ được quy hoạch và xây dựng riêng biệt trong dự án để thực hiện quản lý. Việc đặt tên dự án và các khu vực trong dự án thực hiện theo quy định tại Điều 33 của Luật này.

3. Sau khi nhà ở được bàn giao và đưa vào sử dụng, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, chủ sở hữu, người sử dụng nhà ở được tổ chức thành lập Ban tự quản khu nhà ở để thực hiện quản lý việc bảo trì kiến trúc bên ngoài của nhà ở, chăm sóc cây xanh, vườn hoa và bảo trì các công trình tiện ích, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho khu nhà ở đó, trừ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã bàn giao cho Nhà nước hoặc được Nhà nước giao cho chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở quản lý, bảo trì. Thành phần của Ban tự quản khu nhà ở bao gồm đại diện các chủ sở hữu, người sử dụng nhà ở của khu vực đó và đại diện chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở (nếu có).

4. Chủ sở hữu, người sử dụng nhà ở trong khu vực nhà ở riêng lẻ tổ chức họp để thống nhất bầu Ban tự quản khu nhà ở bao gồm số lượng, thành phần tham gia, thông qua quy chế, nhiệm kỳ hoạt động của Ban tự quản khu nhà ở, nội quy quản lý, sử dụng khu vực nhà ở, quyết định đóng góp kinh phí để chi trả thù lao cho người tham gia Ban tự quản khu nhà ở và việc chăm sóc cây xanh, vườn hoa, bảo trì các công trình tiện ích, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho khu nhà ở không thuộc trường hợp Nhà nước hoặc chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có trách nhiệm quản lý.

5. Việc tổ chức bầu Ban tự quản khu nhà ở lần đầu do chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có trách nhiệm chủ trì thực hiện; các lần tổ chức sau do Ban tự quản khu nhà ở chịu trách nhiệm thực hiện hoặc ủy quyền cho chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở tổ chức thực hiện; trường hợp chủ sở hữu, người sử dụng nhà ở không thống nhất bầu được Ban tự quản khu nhà ở thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có trách nhiệm quản lý khu vực nhà ở này theo nội dung dự án đã được phê duyệt.

6. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có thể hỗ trợ kinh phí để Ban tự quản khu nhà ở chăm sóc cây xanh, vườn hoa và bảo trì các công trình tiện ích, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ đối với khu nhà ở không thuộc trường hợp Nhà nước hoặc chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở quản lý. Việc thực hiện công việc quy định tại khoản này do chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở đảm nhận; trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở không thực hiện thì Ban tự quản khu nhà ở thuê đơn vị khác có năng lực thực hiện.

Điều 122. Quản lý, sử dụng nhà ở có giá trị nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa, lịch sử

1. Nhà ở có giá trị nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, bao gồm cả nhà biệt thự là nhà ở cũ không phân biệt hình thức sở hữu, được xác định như sau:

a) Nhà ở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia hoặc cấp tỉnh;

b) Nhà ở không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này nhưng thuộc danh mục được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt theo quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập hội đồng bao gồm đại diện các cơ quan về kiến trúc, xây dựng, văn hóa cấp tỉnh, hội nghề nghiệp và nhà khoa học có liên quan để xác định tiêu chí và danh mục công trình nhà ở có giá trị nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa, lịch sử trên địa bàn. Hội đồng có trách nhiệm trình danh mục công trình nhà ở có giá trị nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa, lịch sử trên địa bàn để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt theo quy định của pháp luật.

3. Việc quản lý, sử dụng nhà ở quy định tại khoản 1 Điều này phải thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về kiến trúc, pháp luật về di sản văn hóa và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp nhà ở thuộc tài sản công thì còn phải thực hiện quy định tại Mục 2 Chương này; trường hợp là nhà biệt thự còn phải thực hiện quy định tại Điều 123 của Luật này.

4. Kinh phí để thực hiện quản lý, bảo tồn, bảo trì, cải tạo nhà ở quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và nhà ở thuộc tài sản công do ngân sách nhà nước cấp.

Đối với nhà ở không thuộc tài sản công nhưng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì căn cứ điều kiện của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí để chủ sở hữu thực hiện quản lý, bảo tồn, bảo trì, cải tạo nhà ở này.

5. Trường hợp nhà ở thuộc diện phải bảo tồn, cải tạo nhưng phải giãn mật độ dân cư để bảo đảm giá trị nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa, lịch sử của nhà ở thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí quỹ đất, lập dự án di dời, bố trí chỗ ở mới phục vụ giãn dân; hỗ trợ kinh phí để chủ sở hữu, người sử dụng nhà ở di dời trước khi thực hiện bảo tồn, cải tạo nhà ở này.

Điều 123. Quản lý, sử dụng nhà biệt thự

1. Nhà biệt thự được phân thành 03 nhóm sau đây:

a) Nhà biệt thự nhóm một là nhà biệt thự được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; nhà biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc, nhà cổ do hội đồng quy định tại khoản 2 Điều 122 của Luật này xác định và lập danh sách để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;

b) Nhà biệt thự nhóm hai là nhà biệt thự không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này nhưng có giá trị về nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa, lịch sử do hội đồng quy định tại khoản 2 Điều 122 của Luật này xác định và lập danh sách để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;

c) Nhà biệt thự nhóm ba là nhà biệt thự không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

2. Việc quản lý, sử dụng và bảo trì, cải tạo nhà biệt thự phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Nhà biệt thự phải tuân thủ quy định của Luật này, pháp luật về quy hoạch, pháp luật về kiến trúc và pháp luật về xây dựng; trường hợp có giá trị nghệ thuật, văn hóa, lịch sử thì còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa;

b) Đối với nhà biệt thự nhóm một phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài, bao gồm cả hình dáng kiến trúc; cấu trúc bên trong; mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao;

c) Đối với nhà biệt thự nhóm hai phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài.

Điều 124. Chuyển đổi công năng nhà ở

1. Các trường hợp được chuyển đổi công năng nhà ở bao gồm:

a) Chuyển đổi từ nhà ở phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội;

b) Chuyển đổi từ nhà ở công vụ hoặc nhà ở xã hội khi không còn nhu cầu sử dụng sang nhà ở phục vụ tái định cư;

c) Chuyển đổi nhà ở thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 của Luật này sang nhà ở công vụ hoặc sang nhà ở xã hội để cho thuê;

d) Trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề xuất của Bộ Xây dựng.

2. Việc chuyển đổi công năng nhà ở quy định tại khoản 1 Điều này phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

a) Phải phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt, không gây thất thoát tài sản công;

b) Nhà ở sau khi được chuyển đổi công năng phải sử dụng hiệu quả, đúng mục đích và phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của nhà ở được chuyển đổi;

c) Phải được Bộ Xây dựng hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Mục 2. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NHÀ Ở THUỘC TÀI SẢN CÔNG

Điều 125. Việc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công

1. Nhà ở thuộc tài sản công phải được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí; việc cho thuê, cho thuê mua và bán nhà ở phải đúng đối tượng, đủ điều kiện, theo đúng quy định của Luật này. Tiền bán, cho thuê mua nhà ở thuộc tài sản công sau khi trừ chi phí hợp lý phải được bố trí trong dự toán chi ngân sách dùng để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc tài sản công.

2. Đối với nhà ở công vụ thì chỉ được sử dụng để cho thuê; đối với nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thì được xây dựng để cho thuê, cho thuê mua, bán, trường hợp được đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công thì chỉ để cho thuê, cho thuê mua.

Trường hợp cần đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc tài sản công có thể lập đề án bán nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân đang cho thuê, trừ trường hợp nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 113 của Luật này, gửi Bộ Xây dựng thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định theo quy định của Chính phủ.

3. Việc cho thuê, bán nhà ở thuộc tài sản công quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 của Luật này chỉ được thực hiện khi không có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng nhà ở đó theo quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và phải thuộc trường hợp được cho thuê hoặc được bán theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Các trường hợp bố trí sử dụng nhà ở thuộc tài sản công quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 của Luật này kể từ ngày 19 tháng 01 năm 2007 thì quản lý, sử dụng theo quy định của Luật này và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; nếu Nhà nước không còn nhu cầu sử dụng thì thực hiện bán theo quy định về bán tài sản công của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

4. Người thuê nhà ở công vụ khi không còn đủ điều kiện được thuê nhà ở hoặc chuyển đi nơi khác hoặc có hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà ở mà thuộc trường hợp bị thu hồi thì phải trả lại nhà ở công vụ cho Nhà nước.

Người trả lại nhà ở công vụ nếu không thuộc trường hợp bị thu hồi nhà ở do có hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, e và h khoản 1 Điều 127 của Luật này và chưa có nhà ở tại nơi sinh sống sau khi trả lại nhà ở công vụ thì cơ quan, tổ chức đang trực tiếp quản lý, sử dụng người này có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người đó sinh sống căn cứ tình hình cụ thể để giải quyết cho mua, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội hoặc giao đất ở để họ xây dựng nhà ở.

5. Việc quản lý vận hành nhà ở thuộc tài sản công được thực hiện như sau:

a) Do tổ chức hoặc doanh nghiệp có chức năng, năng lực chuyên môn về quản lý vận hành nhà ở thực hiện và được hưởng các cơ chế ưu đãi như đối với dịch vụ công ích;

b) Đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc tài sản công được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Luật này giao cho đơn vị đang quản lý vận hành nhà ở thực hiện quản lý vận hành nhà ở, đối với nhà chung cư thì đơn vị này phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Luật này thực hiện quản lý vận hành; trường hợp không có đơn vị đang quản lý vận hành nhà ở hoặc có đơn vị đang quản lý vận hành nhà ở nhưng không có đủ điều kiện, năng lực quản lý vận hành thì đấu thầu lựa chọn đơn vị quản lý vận hành.

6. Việc quản lý, sử dụng nhà ở sau khi thu hồi được thực hiện theo quy định tại Điều 127 của Luật này.

Điều 126. Đối tượng, điều kiện thuê, thuê mua, mua nhà ở thuộc tài sản công

1. Đối tượng được thuê, thuê mua, mua nhà ở thuộc tài sản công được quy định như sau:

a) Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này chỉ được thuê nhà ở công vụ;

b) Đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 76 của Luật này được xem xét giải quyết cho thuê, cho thuê mua, mua nhà ở xã hội; đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 76 của Luật này được xem xét giải quyết cho thuê, cho thuê mua, mua nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân nếu chưa được thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội;

c) Đối tượng quy định tại khoản 10 Điều 76 của Luật này nếu chưa được thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội thì được giải quyết thuê, thuê mua, mua nhà ở phục vụ tái định cư;

d) Đối tượng đang thực tế sử dụng nhà ở quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 của Luật này được giải quyết cho thuê hoặc mua nhà ở đó;

đ) Đối tượng quy định tại khoản 11 Điều 76 của Luật này được xem xét giải quyết cho thuê nhà ở xã hội.

2. Điều kiện được thuê, thuê mua, mua nhà ở thuộc tài sản công được quy định như sau:

a) Đối tượng được thuê nhà ở công vụ phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 45 của Luật này;

b) Đối tượng được thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 hoặc khoản 8 Điều 78 của Luật này; nếu là đối tượng quy định tại khoản 10 Điều 76 của Luật này thì còn phải thuộc trường hợp chưa được bố trí nhà ở, đất ở tái định cư. Đối tượng được thuê, thuê mua, mua nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 6 Điều 78 của Luật này.

Đối với đối tượng quy định tại khoản 11 Điều 76 của Luật này thì được thuê nhà ở trong thời gian học tập;

c) Đối tượng được thuê, thuê mua, mua nhà ở phục vụ tái định cư phải thuộc trường hợp bị thu hồi đất, giải tỏa nhà ở theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chưa được thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội;

d) Đối tượng được thuê hoặc mua nhà ở theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 của Luật này phải đang thực tế sử dụng nhà ở đó, có giấy tờ chứng minh về việc được bố trí, sử dụng nhà ở và có nhu cầu thuê hoặc mua nhà ở này.

3. Thẩm quyền ký kết hợp đồng thuê, thuê mua, mua nhà ở thuộc tài sản công được quy định như sau:

a) Trường hợp thuê mua, mua nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân hoặc mua bán nhà ở quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 của Luật này thì hợp đồng được ký kết giữa bên thuê mua, bên mua với cơ quan được giao quản lý nhà ở;

b) Trường hợp thuê, thuê mua, mua nhà ở phục vụ tái định cư thì hợp đồng được ký kết giữa người được tái định cư với đơn vị được giao bố trí tái định cư;

c) Trường hợp thuê nhà ở quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 của Luật này, nhà ở công vụ, nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thì hợp đồng được ký kết giữa bên thuê với cơ quan được giao quản lý nhà ở hoặc đơn vị quản lý vận hành nhà ở đó;

d) Trường hợp là học sinh, sinh viên thì hợp đồng thuê được ký kết giữa bên thuê với cơ sở giáo dục hoặc cơ quan được giao quản lý nhà ở.

4. Chính phủ quy định chi tiết việc xác định thời điểm bố trí sử dụng nhà ở, đối tượng, điều kiện được thuê, mua nhà ở, việc bán, cho thuê nhà ở, việc xác định giá thuê, giá bán nhà ở đối với nhà ở quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 của Luật này; việc xác định giá, quản lý tiền thu được từ cho thuê, thuê mua, bán nhà ở thuộc tài sản công; việc miễn, giảm tiền cho thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thuộc tài sản công, tiền thuê, bán nhà ở quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 của Luật này; việc quản lý, sử dụng, vận hành nhà ở thuộc tài sản công.

Điều 127. Các trường hợp thu hồi, cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc tài sản công

1. Việc thu hồi nhà ở thuộc tài sản công được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở không đúng thẩm quyền hoặc không đúng đối tượng hoặc không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về nhà ở;

b) Hết thời hạn thuê theo hợp đồng mà bên thuê không còn nhu cầu thuê tiếp hoặc hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở;

c) Bên thuê, bên thuê mua trả lại nhà ở đang thuê, thuê mua;

d) Bên thuê không còn đủ điều kiện được thuê nhà ở theo quy định của Luật này;

đ) Bên thuê chết hoặc có tuyên bố mất tích của Tòa án mà không có ai đang cùng sinh sống; người đang thuê nhà ở công vụ chết hoặc có tuyên bố mất tích của Tòa án;

e) Bên thuê, thuê mua nhà ở không trả đủ tiền thuê nhà ở theo hợp đồng từ 03 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng;

g) Nhà ở cho thuê, cho thuê mua thuộc trường hợp phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nhà ở thuộc trường hợp không bảo đảm an toàn trong sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng;

h) Bên thuê, bên thuê mua sử dụng nhà ở không đúng mục đích đã thỏa thuận trong hợp đồng thuê, thuê mua nhà ở hoặc tự ý chuyển đổi, bán, cho thuê lại, cho mượn nhà ở hoặc tự ý đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở đang thuê, thuê mua;

i) Bên thuê nhà ở công vụ được điều động, luân chuyển, biệt phái đến công tác tại địa phương khác;

k) Chiếm dụng nhà ở trái pháp luật.

2. Người đang thuê, thuê mua, mua nhà ở hoặc người đang sử dụng nhà ở thuộc trường hợp bị thu hồi theo quy định tại khoản 1 Điều này phải bàn giao lại nhà ở cho đơn vị được giao quản lý nhà ở; trường hợp không bàn giao lại nhà ở thì đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc tài sản công quyết định cưỡng chế thu hồi. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức cưỡng chế thu hồi nhà ở hoặc giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có nhà ở thực hiện cưỡng chế thu hồi nhà ở trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày quyết định cưỡng chế thu hồi được ban hành.

Sau khi thu hồi nhà ở thì căn cứ trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền thực hiện chuyển đổi công năng hoặc tiếp tục quản lý, bố trí cho thuê, cho thuê mua, bán theo quy định của Luật này.

3. Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục thu hồi, cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc tài sản công.

Mục 3. BẢO HIỂM, BẢO HÀNH, BẢO TRÌ, CẢI TẠO NHÀ Ở

Điều 128. Bảo hiểm nhà ở

1. Nhà nước khuyến khích chủ sở hữu nhà ở mua bảo hiểm nhà ở theo quy định của pháp luật. Đối với nhà ở thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy thì chủ sở hữu nhà ở này phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

2. Hình thức, mức đóng bảo hiểm và thời hạn bảo hiểm nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

3. Trường hợp chủ sở hữu nhà ở đã đóng bảo hiểm theo quy định tại Điều này mà nhà ở đó bị cháy, nổ thì được bồi thường theo thỏa thuận bảo hiểm đã ký kết.

Điều 129. Bảo hành nhà ở

1. Tổ chức, cá nhân thi công xây dựng nhà ở phải bảo hành nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng; tổ chức, cá nhân cung ứng trang thiết bị nhà ở phải bảo hành trang thiết bị theo thời hạn do nhà sản xuất quy định.

Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua thì bên bán, bên cho thuê mua nhà ở có trách nhiệm bảo hành nhà ở theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. Bên bán, bên cho thuê mua nhà ở có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân thi công xây dựng, cung ứng trang thiết bị thực hiện trách nhiệm bảo hành theo quy định của pháp luật.

2. Nhà ở được bảo hành kể từ khi hoàn thành việc xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng với thời hạn như sau:

a) Đối với nhà chung cư thì tối thiểu là 60 tháng;

b) Đối với nhà ở riêng lẻ thì tối thiểu là 24 tháng.

3. Nội dung bảo hành nhà ở bao gồm sửa chữa, khắc phục các hư hỏng khung, cột, dầm, sàn, tường, trần, mái, sân thượng, cầu thang bộ, các phần ốp, lát, trát, hệ thống cung cấp chất đốt, hệ thống cấp điện sinh hoạt, cấp điện chiếu sáng, bể nước và hệ thống cấp nước sinh hoạt, bể phốt và hệ thống thoát nước thải, chất thải sinh hoạt, khắc phục các trường hợp nghiêng, lún, nứt, sụt nhà ở và các nội dung khác theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở. Đối với các trang thiết bị khác gắn với nhà ở thì bên bán, bên cho thuê mua nhà ở thực hiện bảo hành sửa chữa, thay thế theo thời hạn quy định của nhà sản xuất.

Điều 130. Bảo trì nhà ở

1. Chủ sở hữu nhà ở có trách nhiệm bảo trì nhà ở; trường hợp chưa xác định được chủ sở hữu thì người đang quản lý, sử dụng có trách nhiệm bảo trì nhà ở đó. Chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm bảo trì phần sở hữu riêng và đóng góp kinh phí để bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.

2. Nội dung, quy trình bảo trì và việc quản lý hồ sơ bảo trì nhà chung cư được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Đối với nhà ở quy định tại khoản 1 Điều 122 của Luật này thì còn phải thực hiện theo quy định của pháp luật về kiến trúc, pháp luật về quy hoạch và pháp luật về di sản văn hóa.

3. Chủ sở hữu nhà ở, đơn vị thực hiện bảo trì nhà ở phải bảo đảm an toàn cho người, tài sản và bảo đảm vệ sinh, môi trường trong quá trình bảo trì nhà ở; trường hợp bảo trì nhà ở thuộc tài sản công thì còn phải thực hiện theo quy định tại Điều 133 của Luật này.

Điều 131. Cải tạo nhà ở

1. Chủ sở hữu nhà ở được cải tạo nhà ở thuộc sở hữu của mình; người không phải là chủ sở hữu nhà ở chỉ được cải tạo nhà ở nếu được chủ sở hữu đồng ý.

2. Việc cải tạo nhà ở phải thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về xây dựng; trường hợp pháp luật quy định phải lập dự án để cải tạo nhà ở thì phải thực hiện theo dự án được phê duyệt. Đối với nhà ở thuộc tài sản công thì việc cải tạo nhà ở còn phải thực hiện theo quy định tại Điều 133 của Luật này.

3. Đối với nhà biệt thự quy định tại khoản 1 Điều 123 của Luật này thì việc cải tạo còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về kiến trúc, pháp luật về di sản văn hóa; trường hợp pháp luật quy định phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trước khi cải tạo thì chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà ở phải thực hiện theo văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

4. Đối với nhà biệt thự là nhà ở cũ thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 123 của Luật này thì còn phải tuân thủ các quy định sau đây:

a) Không được làm thay đổi nguyên trạng ban đầu của nhà biệt thự;

b) Không được phá dỡ nếu nhà biệt thự chưa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ theo kết luận kiểm định của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh; trường hợp phải phá dỡ để xây dựng lại thì phải theo đúng kiến trúc ban đầu, sử dụng đúng loại vật liệu, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao của nhà biệt thự;

c) Không được tạo thêm kết cấu để làm tăng diện tích hoặc cơi nới, chiếm dụng không gian bên ngoài nhà biệt thự.

Điều 132. Bảo trì, cải tạo nhà ở đang cho thuê

1. Bên cho thuê nhà ở có quyền bảo trì, cải tạo nhà ở khi có sự đồng ý của bên thuê nhà ở, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc vì lý do bất khả kháng. Bên thuê nhà ở có trách nhiệm để bên cho thuê nhà ở thực hiện việc bảo trì, cải tạo nhà ở.

2. Bên cho thuê nhà ở được quyền điều chỉnh giá thuê hợp lý sau khi kết thúc việc cải tạo nếu thời gian cho thuê còn lại từ một phần ba thời hạn của hợp đồng thuê nhà trở xuống; trường hợp bên thuê nhà ở không đồng ý với việc điều chỉnh giá thuê thì có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp bên thuê nhà ở phải chuyển chỗ ở để thực hiện việc bảo trì hoặc cải tạo nhà ở thì các bên thỏa thuận về chỗ ở tạm và tiền thuê nhà ở trong thời gian bảo trì, cải tạo; trường hợp bên thuê nhà ở tự lo chỗ ở và đã trả trước tiền thuê nhà ở cho cả thời gian bảo trì hoặc cải tạo thì bên cho thuê nhà ở phải thanh toán lại số tiền này cho bên thuê nhà ở. Thời gian bảo trì hoặc cải tạo không tính vào thời hạn của hợp đồng thuê nhà ở. Bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê nhà ở sau khi kết thúc việc bảo trì, cải tạo nhà ở.

4. Bên thuê nhà ở có quyền yêu cầu bên cho thuê nhà ở bảo trì nhà ở, trừ trường hợp nhà ở bị hư hỏng do bên thuê gây ra; trường hợp bên cho thuê không bảo trì nhà ở thì bên thuê được quyền bảo trì nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên cho thuê biết trước ít nhất 15 ngày. Văn bản thông báo phải ghi rõ mức độ bảo trì và kinh phí thực hiện. Bên cho thuê nhà ở phải thanh toán kinh phí bảo trì cho bên thuê nhà ở hoặc trừ dần vào tiền thuê nhà ở.

Điều 133. Bảo trì, cải tạo nhà ở thuộc tài sản công

1. Việc bảo trì, cải tạo nhà ở thuộc tài sản công phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về xây dựng. Đối với việc bảo trì nhà chung cư thuộc tài sản công thì đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc tài sản công giao đơn vị đang quản lý vận hành thực hiện bảo trì nếu có đủ năng lực thực hiện bảo trì; trường hợp đơn vị này không có năng lực thực hiện bảo trì thì phải tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị có đủ năng lực thực hiện bảo trì.

2. Trường hợp cải tạo nhà ở thuộc tài sản công đang cho thuê thì thực hiện theo quy định tại Điều 132 của Luật này; trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà ở cho phép bên thuê nhà ở tự bỏ kinh phí để cải tạo thì phần nhà ở được cải tạo vẫn thuộc tài sản công, tổ chức được giao quản lý nhà ở đó có trách nhiệm thanh toán kinh phí cải tạo cho bên thuê nhà ở hoặc trừ dần vào tiền thuê nhà ở.

Điều 134. Bảo trì, cải tạo nhà ở thuộc sở hữu chung

1. Các chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung có quyền và trách nhiệm bảo trì, cải tạo nhà ở thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình; trường hợp không xác định được phần quyền sở hữu của từng chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung thì trách nhiệm bảo trì, cải tạo được chia đều cho các chủ sở hữu. Việc bảo trì, cải tạo nhà ở thuộc sở hữu chung phải được các chủ sở hữu đồng ý; đối với nhà chung cư được thực hiện theo quy định của Luật này, Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư.

2. Kinh phí bảo trì, cải tạo phần sở hữu chung được phân chia tương ứng với phần quyền sở hữu của từng chủ sở hữu, trừ trường hợp các chủ sở hữu có thỏa thuận khác. Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì kinh phí bảo trì được thực hiện theo quy định tại Mục 4 Chương IX của Luật này.

Điều 135. Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở trong việc bảo trì, cải tạo nhà ở

1. Chủ sở hữu nhà ở có các quyền sau đây trong việc bảo trì, cải tạo nhà ở:

a) Được tự thực hiện việc bảo trì, cải tạo hoặc thuê tổ chức, cá nhân thực hiện bảo trì, cải tạo; trường hợp pháp luật quy định phải do tổ chức, cá nhân có năng lực thực hiện thì phải thuê đơn vị, cá nhân có năng lực thực hiện bảo trì, cải tạo;

b) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng trong trường hợp cải tạo nhà ở phải có giấy phép xây dựng, tạo điều kiện cho việc bảo trì, cải tạo nhà ở khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về xây dựng;

c) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nhà ở có các nghĩa vụ sau đây trong việc bảo trì, cải tạo nhà ở:

a) Chấp hành quy định của pháp luật về bảo trì, cải tạo nhà ở; tạo điều kiện cho chủ sở hữu nhà ở khác thực hiện việc bảo trì, cải tạo nhà ở của họ;

b) Bồi thường cho tổ chức, cá nhân khác trong trường hợp gây thiệt hại;

c) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Mục 4. PHÁ DỠ NHÀ Ở

Điều 136. Các trường hợp nhà ở phải phá dỡ

1. Các trường hợp nhà ở phải phá dỡ bao gồm:

a) Nhà ở bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng đã có kết luận kiểm định chất lượng của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở hoặc trong tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai;

b) Nhà chung cư thuộc trường hợp phá dỡ theo quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật này;

c) Nhà ở thuộc trường hợp phải giải tỏa để thu hồi đất theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d) Nhà ở xây dựng trong khu vực cấm xây dựng hoặc xây dựng trên đất không phải là đất ở theo quy hoạch đã được phê duyệt;

đ) Trường hợp phá dỡ nhà ở khác theo quy định của pháp luật về xây dựng ngoài trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này.

2. Việc phá dỡ nhà ở quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về xây dựng.

Điều 137. Trách nhiệm phá dỡ nhà ở

1. Chủ sở hữu nhà ở hoặc người đang quản lý, sử dụng nhà ở có trách nhiệm phá dỡ nhà ở; trường hợp phải giải tỏa nhà ở để xây dựng lại nhà ở mới hoặc công trình khác thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình có trách nhiệm phá dỡ nhà ở.

2. Chủ sở hữu nhà ở tự thực hiện việc phá dỡ nhà ở nếu có đủ năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc thuê tổ chức, cá nhân có năng lực về xây dựng phá dỡ.

3. Trường hợp phá dỡ nhà chung cư thực hiện theo quy định tại Chương V của Luật này.

4. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc phá dỡ nhà ở trên địa bàn.

Điều 138. Yêu cầu khi phá dỡ nhà ở

1. Phải di chuyển người và tài sản ra khỏi khu vực phá dỡ.

2. Phải có biển báo và giải pháp cách ly với khu vực xung quanh.

3. Bảo đảm an toàn cho người, tài sản, công trình xung quanh, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thuộc trường hợp không bị phá dỡ và bảo đảm vệ sinh, môi trường theo quy định của pháp luật.

4. Đối với trường hợp phải có phương án phá dỡ theo quy định của pháp luật về xây dựng thì chủ sở hữu, người đang quản lý, sử dụng nhà ở, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình phải lập phương án phá dỡ trước khi thực hiện.

5. Không được thực hiện việc phá dỡ nhà ở thuộc khu dân cư trong thời gian từ 12 giờ đến 13 giờ và từ 22 giờ đến 05 giờ, trừ trường hợp khẩn cấp.

Điều 139. Cưỡng chế phá dỡ nhà ở

1. Trường hợp nhà ở phải phá dỡ theo quy định tại Điều 136 của Luật này mà chủ sở hữu nhà ở, người đang quản lý, sử dụng nhà ở, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình không tự nguyện thực hiện việc phá dỡ nhà ở thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ nhà ở.

2. Thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ nhà ở được quy định như sau:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế đối với trường hợp phá dỡ nhà ở để thu hồi đất quy định tại điểm c khoản 1 Điều 136 của Luật này, phá dỡ nhà ở riêng lẻ quy định tại các điểm a, d và đ khoản 1 Điều 136 của Luật này;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định cưỡng chế đối với trường hợp phá dỡ nhà chung cư quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 1 Điều 136 của Luật này.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức cưỡng chế phá dỡ nhà ở theo quyết định cưỡng chế phá dỡ nhà ở quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Kinh phí cưỡng chế phá dỡ nhà ở được quy định như sau:

a) Chủ sở hữu nhà ở hoặc người đang quản lý, sử dụng nhà ở hoặc chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình phải chi trả kinh phí cưỡng chế phá dỡ nhà ở và chi phí có liên quan đến việc phá dỡ nhà ở;

b) Trường hợp chủ sở hữu nhà ở, người đang quản lý, sử dụng nhà ở, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình không chi trả kinh phí cưỡng chế phá dỡ nhà ở và chi phí có liên quan đến việc phá dỡ nhà ở thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế áp dụng biện pháp cưỡng chế tài sản để bảo đảm kinh phí cho việc phá dỡ nhà ở.

Điều 140. Chỗ ở của chủ sở hữu nhà ở khi nhà ở bị phá dỡ

1. Chủ sở hữu nhà ở phải tự lo chỗ ở khi nhà ở bị phá dỡ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

2. Trường hợp phá dỡ nhà ở thuộc trường hợp bị thu hồi đất thì chỗ ở của chủ sở hữu nhà ở được giải quyết theo chính sách về nhà ở phục vụ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này và pháp luật về đất đai.

3. Trường hợp phá dỡ nhà chung cư thì chỗ ở của chủ sở hữu nhà chung cư bị phá dỡ nhà ở được giải quyết theo quy định tại Điều 72 của Luật này.

Điều 141. Phá dỡ nhà ở đang cho thuê

1. Bên cho thuê nhà ở phải thông báo việc phá dỡ nhà ở bằng văn bản cho bên thuê biết ít nhất là 90 ngày trước ngày thực hiện phá dỡ nhà ở, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc phá dỡ nhà ở theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Trường hợp phá dỡ nhà ở để xây dựng lại nhà ở mà thời hạn thuê vẫn còn thì bên cho thuê có trách nhiệm bố trí cho bên thuê chỗ ở khác trong thời gian phá dỡ nhà ở và xây dựng lại nhà ở, trừ trường hợp bên thuê thỏa thuận tự lo chỗ ở. Sau khi xây dựng xong nhà ở, bên thuê được tiếp tục thuê đến hết thời hạn hợp đồng, trừ trường hợp bên thuê không có nhu cầu tiếp tục thuê nhà ở đó; trường hợp bên thuê tự lo chỗ ở thì không phải trả tiền thuê nhà ở trong thời gian phá dỡ nhà ở và xây dựng lại. Thời gian phá dỡ nhà ở và xây dựng lại nhà ở không tính vào thời hạn của hợp đồng thuê nhà ở.

Chương IX

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NHÀ CHUNG CƯ

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 142. Phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung trong nhà chung cư

1. Phần sở hữu riêng trong nhà chung cư bao gồm:

a) Phần diện tích trong căn hộ, bao gồm cả diện tích ban công, lô gia gắn liền với căn hộ đó;

b) Phần diện tích khác trong nhà chung cư được công nhận là sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư;

c) Hệ thống trang thiết bị sử dụng riêng gắn liền với căn hộ hoặc gắn liền với phần diện tích khác thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư, trừ các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu chung quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Phần sở hữu chung của nhà chung cư bao gồm:

a) Phần diện tích còn lại của nhà chung cư ngoài phần diện tích thuộc sở hữu riêng quy định tại khoản 1 Điều này; nhà sinh hoạt cộng đồng của nhà chung cư;

b) Không gian và hệ thống kết cấu chịu lực, trang thiết bị sử dụng chung trong nhà chung cư bao gồm: khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, sàn, mái, sân thượng, hành lang, cầu thang bộ, thang máy, đường thoát hiểm, lồng xả rác, hộp kỹ thuật và tường bao hộp kỹ thuật (nếu có), hệ thống cấp điện, cấp nước, cấp ga, hệ thống thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình, thoát nước, bể phốt, thu lôi, hệ thống phòng cháy, chữa cháy và các phần khác không thuộc phần sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư;

c) Hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài nhà chung cư nhưng được kết nối với nhà chung cư đó, trừ hệ thống hạ tầng kỹ thuật sử dụng vào mục đích công cộng hoặc thuộc trường hợp phải bàn giao cho Nhà nước hoặc giao cho chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở quản lý theo nội dung dự án đã được phê duyệt;

d) Các công trình công cộng trong khu vực nhà chung cư nhưng không thuộc trường hợp đầu tư xây dựng để kinh doanh hoặc không thuộc trường hợp phải bàn giao cho Nhà nước theo nội dung dự án đã được phê duyệt bao gồm: sân chung, vườn hoa, công viên và các công trình khác được xác định trong nội dung dự án đã được phê duyệt.

3. Các phần diện tích, trang thiết bị thuộc sở hữu riêng, thuộc sở hữu chung quy định tại Điều này phải được ghi rõ trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư; trường hợp hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư không ghi rõ thì phần sở hữu riêng, sở hữu chung được xác định theo quy định tại Điều này.

Điều 143. Cách xác định diện tích sử dụng căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư; phân hạng nhà chung cư

1. Diện tích sử dụng căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư được tính theo kích thước thông thủy, bao gồm cả phần diện tích tường ngăn các phòng bên trong căn hộ, diện tích ban công, lô gia (nếu có) và không tính diện tích tường bao căn hộ, tường phân chia các căn hộ, diện tích sàn có cột, hộp kỹ thuật và tường bao hộp kỹ thuật (nếu có) bên trong căn hộ. Khi tính diện tích ban công thì tính toàn bộ diện tích sàn; trường hợp ban công có phần diện tích tường chung thì tính từ mép trong của tường chung.

Đối với diện tích lô gia thì tính toàn bộ diện tích sàn từ mép trong của tường chung hoặc tường bao căn hộ.

Trường hợp có trang thiết bị, cấu kiện gắn liền với ban công, lô gia nhưng thuộc mặt đứng của công trình theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng thì trang thiết bị, cấu kiện đó được xác định thuộc phần sở hữu chung của nhà chung cư.

2. Việc xác định cụ thể diện tích quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư.

3. Việc phân hạng nhà chung cư được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 144. Chỗ để xe của nhà chung cư

1. Chỗ để xe phục vụ cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư bao gồm xe ô tô, xe động cơ hai bánh, xe động cơ ba bánh, xe đạp và xe cho người khuyết tật thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải xây dựng tối thiểu theo quy chuẩn xây dựng, thiết kế được phê duyệt và phải được sử dụng đúng mục đích. Chỗ để xe có thể được bố trí tại tầng hầm hoặc tại phần diện tích khác trong hoặc ngoài nhà chung cư theo quy hoạch hoặc thiết kế được phê duyệt; trong thiết kế được phê duyệt phải xác định rõ khu vực để xe ô tô và khu vực để xe động cơ hai bánh, xe động cơ ba bánh, xe đạp và xe cho người khuyết tật.

Khu vực sạc điện cho xe động cơ điện được bố trí theo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng.

2. Việc xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với chỗ để xe được quy định như sau:

a) Đối với chỗ để xe đạp, xe động cơ hai bánh, xe động cơ ba bánh, xe cho người khuyết tật cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thì thuộc quyền sở hữu chung, quyền sử dụng chung của các chủ sở hữu nhà chung cư;

b) Đối với chỗ để xe ô tô dành cho các chủ sở hữu nhà chung cư thì người mua, thuê mua căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư quyết định mua hoặc thuê; trường hợp không mua hoặc không thuê thì chỗ để xe ô tô này thuộc quyền quản lý của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở và chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở không được tính vào giá bán, giá thuê mua căn hộ chi phí đầu tư xây dựng chỗ để xe ô tô; chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có trách nhiệm công khai các chi phí đầu tư xây dựng chỗ để xe ô tô. Việc bố trí chỗ để xe ô tô của nhà chung cư phải bảo đảm nguyên tắc ưu tiên cho các chủ sở hữu nhà chung cư trước, sau đó mới dành chỗ để xe công cộng.

Việc mua hoặc thuê chỗ để xe ô tô quy định tại điểm này được ghi trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc lập hợp đồng riêng;

c) Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải bàn giao cho chủ sở hữu nhà chung cư bản vẽ mặt bằng khu vực để xe trên cơ sở hồ sơ dự án, thiết kế đã được phê duyệt, trong đó phân định rõ khu vực để xe cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư, bao gồm chỗ để xe thuộc sở hữu chung, chỗ để xe ô tô và khu vực để xe công cộng.

3. Giá dịch vụ trông giữ xe được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.

4. Việc quản lý vận hành chỗ để xe được thực hiện theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Mục 2. HỘI NGHỊ NHÀ CHUNG CƯ VÀ BAN QUẢN TRỊ NHÀ CHUNG CƯ

Điều 145. Hội nghị nhà chung cư

1. Hội nghị nhà chung cư là hội nghị của các chủ sở hữu hoặc người sử dụng nhà chung cư nếu chủ sở hữu nhà chung cư không tham dự; đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu thì Hội nghị nhà chung cư bao gồm chủ sở hữu nhà chung cư và người sử dụng nhà chung cư.

2. Hội nghị nhà chung cư phải tổ chức họp để quyết định các vấn đề quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều này khi có đủ điều kiện theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư. Việc tổ chức Hội nghị nhà chung cư được thực hiện thông qua hình thức họp trực tiếp; trường hợp do dịch bệnh, thiên tai không thể họp trực tiếp thì có thể tổ chức họp trực tuyến hoặc kết hợp họp trực tiếp và họp trực tuyến.

3. Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì Hội nghị nhà chung cư quyết định các vấn đề sau đây:

a) Đề cử, bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Ban quản trị nhà chung cư; thông qua, sửa đổi, bổ sung nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư;

b) Thông qua, sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động, quy chế thu, chi tài chính của Ban quản trị nhà chung cư; quyết định mức thù lao của thành viên Ban quản trị nhà chung cư và chi phí khác phục vụ hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư;

c) Thông qua mức giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư và việc sử dụng kinh phí bảo trì; đối với nhà chung cư quy định tại khoản 4 Điều 155 của Luật này mà trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ nhà chung cư các bên không có thỏa thuận về việc phân chia tỷ lệ kinh phí bảo trì thì Hội nghị nhà chung cư xem xét, quyết định việc phân chia tỷ lệ kinh phí này;

d) Quyết định lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư trong trường hợp không còn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở hoặc chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở không có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà chung cư hoặc có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhưng không tham gia quản lý vận hành hoặc tham gia quản lý vận hành nhưng không đáp ứng được các yêu cầu đã thỏa thuận trong hợp đồng cung cấp dịch vụ ký với Ban quản trị nhà chung cư;

đ) Thông qua kế hoạch bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư;

e) Thông qua báo cáo về hoạt động quản lý vận hành, hoạt động bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư;

g) Nội dung khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư.

4. Đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu thì Hội nghị nhà chung cư được tổ chức họp để quyết định vấn đề quy định tại các điểm a, b và e khoản 3 Điều này. Trường hợp nhà chung cư thuộc tài sản công, Hội nghị nhà chung cư được tổ chức họp để quyết định vấn đề quy định tại điểm b và điểm e khoản 3 Điều này.

5. Quyết định của Hội nghị nhà chung cư về vấn đề quy định tại khoản 3 Điều này được thông qua theo nguyên tắc đa số bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu, được lập thành biên bản có chữ ký của các thành viên chủ trì Hội nghị và thư ký Hội nghị nhà chung cư.

Điều 146. Ban quản trị nhà chung cư

1. Đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu hoặc nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu nhưng có dưới 20 căn hộ thì chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thống nhất quyết định việc thành lập Ban quản trị nhà chung cư hoặc không thành lập Ban quản trị nhà chung cư. Trường hợp thành lập Ban quản trị nhà chung cư được thực hiện như sau:

a) Đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu, thành phần Ban quản trị nhà chung cư bao gồm đại diện chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung cư;

b) Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu, thành phần Ban quản trị nhà chung cư thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu và có từ 20 căn hộ trở lên phải thành lập Ban quản trị nhà chung cư. Thành phần Ban quản trị nhà chung cư bao gồm đại diện các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư nếu chủ sở hữu không tham dự, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở còn sở hữu diện tích trong nhà chung cư, trừ trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở không cử đại diện tham gia Ban quản trị nhà chung cư.

3. Ban quản trị nhà chung cư có một chủ sở hữu hoạt động theo mô hình tự quản. Trường hợp nhà ở thuộc tài sản công thì đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc tài sản công hoặc cơ quan quản lý nhà ở thành lập Ban quản trị hoặc giao đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư này.

Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì Ban quản trị nhà chung cư có con dấu, tài khoản để hoạt động và thực hiện các quyền, trách nhiệm quy định tại Điều 147 và Điều 148 của Luật này. Việc triệu tập họp Ban quản trị nhà chung cư, điều kiện họp, cách thức biểu quyết và các nội dung khác có liên quan được thực hiện theo quy chế hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư được Hội nghị nhà chung cư thông qua.

4. Khuyến khích người có kinh nghiệm, kiến thức về xây dựng, kiến trúc, tài chính, pháp luật, phòng cháy, chữa cháy tham gia Ban quản trị nhà chung cư.

5. Việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Ban quản trị nhà chung cư; xác định số lượng thành viên Ban quản trị nhà chung cư; tách, nhập Ban quản trị nhà chung cư và hồ sơ, trình tự, thủ tục công nhận Ban quản trị nhà chung cư, cưỡng chế bàn giao hồ sơ nhà chung cư được thực hiện theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Điều 147. Quyền của Ban quản trị nhà chung cư

1. Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì Ban quản trị nhà chung cư có quyền sau đây:

a) Yêu cầu chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở bàn giao đầy đủ kinh phí bảo trì sau khi Ban quản trị nhà chung cư được thành lập và có văn bản đề nghị bàn giao; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì;

b) Quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì theo quy định của Luật này và quyết định của Hội nghị nhà chung cư;

c) Đề nghị Hội nghị nhà chung cư thông qua mức giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư;

d) Được hưởng thù lao trách nhiệm và chi phí khác theo quyết định của Hội nghị nhà chung cư;

đ) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền công nhận Ban quản trị nhà chung cư;

e) Yêu cầu chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở bàn giao hồ sơ nhà chung cư; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế bàn giao hồ sơ nhà chung cư;

g) Thực hiện công việc khác do Hội nghị nhà chung cư giao mà không trái quy định của pháp luật.

2. Đối với trường hợp nhà chung cư thuộc tài sản công thì Ban quản trị nhà chung cư thực hiện quyền quy định tại điểm d và điểm g khoản 1 Điều này. Đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu khác thì Ban quản trị nhà chung cư thực hiện quyền quy định tại các điểm d, đ và g khoản 1 Điều này.

Điều 148. Trách nhiệm của Ban quản trị nhà chung cư

1. Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì Ban quản trị nhà chung cư có trách nhiệm sau đây:

a) Đăng ký con dấu, tài khoản hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư, tài khoản để quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì; tiếp nhận và quản lý hồ sơ nhà chung cư từ chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở và cung cấp cho đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư;

b) Quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì theo quy chế thu, chi tài chính do Hội nghị nhà chung cư quyết định; báo cáo Hội nghị nhà chung cư việc thu, chi khoản kinh phí này;

c) Ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư với chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở hoặc đơn vị có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà chung cư sau khi đã được Hội nghị nhà chung cư lựa chọn theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 145 của Luật này.

Trường hợp nhà chung cư không yêu cầu phải có đơn vị quản lý vận hành theo quy định tại khoản 1 Điều 149 của Luật này và được Hội nghị nhà chung cư giao cho Ban quản trị nhà chung cư thực hiện quản lý vận hành thì Ban quản trị nhà chung cư thực hiện việc thu, chi kinh phí quản lý vận hành theo quyết định của Hội nghị nhà chung cư;

d) Lựa chọn, ký kết hợp đồng bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư và giám sát hoạt động bảo trì theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư. Việc bảo trì phần sở hữu chung có thể do đơn vị đang quản lý vận hành nhà chung cư hoặc đơn vị khác có năng lực bảo trì theo quy định của pháp luật về xây dựng thực hiện;

đ) Đôn đốc, nhắc nhở chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong việc thực hiện nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư, Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư; thu thập, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư về việc quản lý, sử dụng và cung cấp các dịch vụ nhà chung cư để phối hợp với cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân có liên quan xem xét, giải quyết;

e) Phối hợp với chính quyền địa phương, tổ dân phố trong việc xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong nhà chung cư;

g) Thực hiện đúng quy chế hoạt động, quy chế thu, chi tài chính của Ban quản trị nhà chung cư đã được Hội nghị nhà chung cư thông qua; không được tự miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc bổ sung thành viên Ban quản trị nhà chung cư;

h) Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư khi thực hiện quyền và trách nhiệm không đúng với quy định tại khoản này;

i) Chấp hành quyết định giải quyết, xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

k) Thực hiện công việc khác do Hội nghị nhà chung cư giao mà không trái quy định của pháp luật;

l) Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

2. Đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu thì Ban quản trị nhà chung cư thực hiện trách nhiệm quy định tại các điểm đ, e, g, h, i, k và l khoản 1 Điều này.

3. Quyết định của Ban quản trị nhà chung cư vượt quá quyền và trách nhiệm quy định tại Luật này, quy chế hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư thì không có giá trị pháp lý, trường hợp vượt quá quyền hạn khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thì xử lý theo quy định của Bộ luật Dân sự; trường hợp vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà thành viên Ban quản trị nhà chung cư bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

4. Quyết định của thành viên Ban quản trị nhà chung cư nếu lợi dụng quyền hạn, vượt quá quyền và trách nhiệm quy định tại Luật này, quy chế hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư thì không có giá trị pháp lý; trường hợp vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

5. Trong trường hợp Ban quản trị nhà chung cư chấm dứt hoạt động mà Ban quản trị nhà chung cư mới chưa được công nhận thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà chung cư thực hiện trách nhiệm của Ban quản trị nhà chung cư cho đến khi công nhận Ban quản trị nhà chung cư mới.

Mục 3. TỔ CHỨC QUẢN LÝ VẬN HÀNH NHÀ CHUNG CƯ

Điều 149. Đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư

1. Đối với nhà chung cư có thang máy thì phải do đơn vị có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà chung cư thực hiện. Đối với nhà chung cư không có thang máy thì Hội nghị nhà chung cư quyết định tự quản lý vận hành hoặc thuê đơn vị có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà chung cư thực hiện.

Trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở trực tiếp thực hiện quản lý vận hành nhà chung cư thì phải có chức năng, năng lực quản lý vận hành theo quy định tại Điều 150 của Luật này.

2. Trường hợp nhà chung cư phải có đơn vị quản lý vận hành theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư không được thuê riêng các dịch vụ khác nhau để thực hiện quản lý vận hành. Đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư có thể ký hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ để thực hiện một số nội dung liên quan đến việc quản lý vận hành nhà chung cư nhưng phải chịu trách nhiệm về việc quản lý vận hành theo nội dung hợp đồng đã ký kết với Ban quản trị nhà chung cư.

3. Đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư được quản lý vận hành nhiều nhà chung cư tại một hoặc nhiều địa bàn khác nhau.

Điều 150. Điều kiện của đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư

1. Đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Là đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có chức năng quản lý vận hành nhà chung cư;

b) Phải có các phòng, ban về kỹ thuật, chăm sóc khách hàng, bảo vệ an ninh, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh, môi trường và bộ phận khác có liên quan để thực hiện các dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư;

c) Người quản lý, nhân viên trực tiếp tham gia công tác quản lý vận hành của đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư phải có trình độ chuyên môn trong các lĩnh vực xây dựng, kỹ thuật điện, nước, phòng cháy, chữa cháy, vận hành trang thiết bị gắn với nhà chung cư và phải có Giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư.

2. Đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư chỉ được cung cấp dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư sau khi có văn bản thông báo đơn vị đủ điều kiện quản lý vận hành nhà chung cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 151. Giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư

1. Việc xác định giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư phải bảo đảm công khai, minh bạch và căn cứ vào nội dung công việc cần quản lý vận hành và các dịch vụ sử dụng đối với từng loại nhà chung cư.

2. Giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư không bao gồm kinh phí mua bảo hiểm cháy, nổ, kinh phí bảo trì, chi phí trông giữ xe, chi phí sử dụng nhiên liệu, năng lượng, nước sinh hoạt, dịch vụ truyền hình, thông tin liên lạc, thù lao cho Ban quản trị nhà chung cư và chi phí dịch vụ khác phục vụ cho việc sử dụng riêng của chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.

Giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được xác định bằng tiền Việt Nam và tính trên mỗi mét vuông diện tích sử dụng căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư.

3. Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu, giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được quy định như sau:

a) Trường hợp chưa tổ chức được Hội nghị nhà chung cư lần đầu thì giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở;

b) Trường hợp đã tổ chức được Hội nghị nhà chung cư thì giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư do đơn vị quản lý vận hành và Hội nghị nhà chung cư thỏa thuận, thống nhất quyết định.

4. Đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu, giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được thực hiện theo thỏa thuận giữa chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung cư trong hợp đồng thuê nhà; trường hợp nhà chung cư thuộc tài sản công thì giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều này.

5. Đối với nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp, giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư áp dụng đối với phần diện tích kinh doanh dịch vụ, phần diện tích thuộc sở hữu riêng dùng làm chỗ để xe ô tô được xác định theo nguyên tắc sau đây:

a) Giá dịch vụ quản lý vận hành áp dụng đối với phần diện tích kinh doanh dịch vụ do các bên thỏa thuận trên cơ sở tình hình thực tế của hoạt động trong khu kinh doanh và của từng vị trí nhà chung cư;

b) Giá dịch vụ quản lý vận hành áp dụng đối với phần diện tích thuộc sở hữu riêng dùng làm chỗ để xe ô tô do các bên thỏa thuận và có thể được tính thấp hơn giá dịch vụ quản lý vận hành áp dụng đối với căn hộ trong cùng một nhà chung cư.

6. Đối với nhà chung cư chỉ có mục đích để ở, giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư áp dụng đối với phần diện tích thuộc sở hữu riêng dùng làm chỗ để xe ô tô thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều này.

7. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư để áp dụng cho các trường hợp sau đây:

a) Thu kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư thuộc tài sản công trên địa bàn;

b) Làm cơ sở để các bên tham khảo khi thỏa thuận giá dịch vụ quản lý vận hành đối với nhà ở không thuộc tài sản công hoặc trong trường hợp có tranh chấp về giá dịch vụ giữa đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư với chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư; trường hợp không thỏa thuận được giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư thì áp dụng mức giá trong khung giá dịch vụ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

Mục 4. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ BẢO TRÌ CỦA NHÀ CHUNG CƯ CÓ NHIỀU CHỦ SỞ HỮU

Điều 152. Kinh phí bảo trì của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu

1. Đối với căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư mà chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở bán, cho thuê mua thì người mua, thuê mua phải đóng kinh phí bảo trì là 2% giá trị căn hộ, phần diện tích bán, cho thuê mua này; khoản tiền này được tính riêng với tiền bán, tiền thuê mua căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư và được quy định rõ trong hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua.

2. Đối với căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư mà chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở giữ lại không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua tính tại thời điểm bàn giao đưa nhà chung cư vào sử dụng, trừ phần diện tích thuộc sở hữu chung thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải đóng kinh phí bảo trì là 2% giá trị căn hộ, phần diện tích giữ lại; phần giá trị này được tính theo giá bán căn hộ có giá cao nhất của nhà chung cư đó tại thời điểm bàn giao đưa nhà chung cư vào sử dụng.

3. Trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở ký hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư trước ngày 01 tháng 7 năm 2006 mà chưa thu kinh phí bảo trì thì các chủ sở hữu nhà chung cư họp Hội nghị nhà chung cư để thống nhất mức đóng góp kinh phí này; mức đóng góp kinh phí có thể được nộp hằng tháng vào tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam do Ban quản trị nhà chung cư lập hoặc được đóng khi phát sinh công việc cần bảo trì.

4. Trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở ký hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2006 đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư không có thỏa thuận về kinh phí bảo trì thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải đóng khoản tiền này; trường hợp trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư mà giá mua, giá thuê mua chưa tính kinh phí bảo trì thì chủ sở hữu thực hiện đóng khoản kinh phí bảo trì theo quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 153. Quản lý, bàn giao kinh phí bảo trì của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu

1. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có trách nhiệm lập tài khoản để quản lý kinh phí bảo trì theo quy định sau đây:

a) Trước khi ký hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có trách nhiệm mở một tài khoản thanh toán tại một tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn nơi có nhà chung cư để người mua, thuê mua căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư và chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở nộp kinh phí bảo trì theo quy định tại Điều 152 của Luật này. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày mở tài khoản, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có dự án biết về tên chủ tài khoản, số tài khoản đã mở, tên tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi mở tài khoản và kỳ hạn gửi tiền. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở không được yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trích kinh phí mà các bên đã nộp vào tài khoản đã lập theo quy định tại điểm này để sử dụng vào bất kỳ mục đích nào khác khi chưa bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư.

Trường hợp trong thời gian chưa bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư mà phát sinh việc bảo trì hạng mục, trang thiết bị thuộc phần sở hữu chung của nhà chung cư đã hết thời hạn bảo hành theo quy định thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có trách nhiệm sử dụng kinh phí của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở để thực hiện việc bảo trì hạng mục, trang thiết bị này nhưng phải tuân thủ kế hoạch, quy trình bảo trì công trình được lập theo quy định của pháp luật về xây dựng. Khi bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở được hoàn trả lại các khoản kinh phí đã sử dụng cho việc bảo trì này nhưng phải có văn bản báo cáo cụ thể kèm theo kế hoạch, quy trình bảo trì đã lập và phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh việc bảo trì này;

b) Khi ký hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư, các bên phải ghi rõ trong hợp đồng thông tin về tài khoản đã mở theo quy định tại điểm a khoản này. Người mua, thuê mua trước khi nhận bàn giao căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư phải đóng kinh phí bảo trì theo quy định tại Điều 152 của Luật này vào tài khoản đã ghi trong hợp đồng và sao gửi xác nhận đã đóng kinh phí bảo trì cho chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở; trường hợp không đóng kinh phí bảo trì thì không được bàn giao căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư đã mua, thuê mua; nếu chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở vẫn bàn giao thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải nộp khoản kinh phí bảo trì đối với căn hộ, phần diện tích này.

2. Việc bàn giao kinh phí bảo trì được quy định như sau:

a) Sau khi có quyết định công nhận Ban quản trị nhà chung cư của cơ quan có thẩm quyền, Ban quản trị nhà chung cư có trách nhiệm mở tài khoản tại tổ chức chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam để quản lý kinh phí bảo trì và có văn bản đề nghị chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở bàn giao kinh phí bảo trì đã thu theo quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có văn bản đề nghị của Ban quản trị nhà chung cư, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở và Ban quản trị nhà chung cư phải thống nhất quyết toán số liệu kinh phí bảo trì để làm cơ sở bàn giao kinh phí bảo trì theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư;

c) Căn cứ số liệu quyết toán kinh phí bảo trì quy định tại điểm b khoản này, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở đề nghị tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang quản lý tài khoản kinh phí bảo trì chuyển kinh phí này và lãi phát sinh từ kinh phí bảo trì sang tài khoản quản lý kinh phí do Ban quản trị nhà chung cư lập;

d) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm chuyển kinh phí quy định tại điểm c khoản này cho Ban quản trị nhà chung cư theo số liệu hai bên đã quyết toán. Các chi phí phát sinh từ việc chuyển giao kinh phí bảo trì được khấu trừ vào kinh phí bảo trì.

3. Sau khi bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có trách nhiệm đóng tài khoản đã lập theo quy định của pháp luật và có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà chung cư đó biết để theo dõi.

4. Trường hợp nhà chung cư có nguồn thu từ việc khai thác dịch vụ đối với phần sở hữu chung thì phải nộp vào tài khoản kinh phí bảo trì do Ban quản trị nhà chung cư quản lý hoặc người được giao quản lý tài khoản kinh phí bảo trì đối với trường hợp không bắt buộc thành lập Ban quản trị nhà chung cư để bảo trì nhà chung cư.

Nguồn thu quy định tại khoản này và lãi phát sinh từ tiền gửi kinh phí bảo trì được sử dụng vào việc bảo trì nhà chung cư.

Điều 154. Cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu

1. Trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở không bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định tại khoản 2 Điều 153 của Luật này, Ban quản trị nhà chung cư có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có nhà chung cư yêu cầu chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở bàn giao kinh phí bảo trì.

2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Ban quản trị nhà chung cư, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải có văn bản yêu cầu chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư.

3. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có văn bản của Ủy ban nhân dân cấp huyện mà chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở không bàn giao kinh phí bảo trì thì Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế và tổ chức thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho Ban quản trị nhà chung cư theo quyết định cưỡng chế.

Trong quá trình thực hiện cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì, nếu phát hiện chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có dấu hiệu tội phạm thì Ủy ban nhân dân cấp huyện kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 155. Sử dụng kinh phí bảo trì của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu

1. Kinh phí bảo trì chỉ được sử dụng để bảo trì, thay thế các hạng mục, trang thiết bị thuộc phần sở hữu chung của nhà chung cư theo kế hoạch bảo trì được Hội nghị nhà chung cư thông qua. Ban quản trị nhà chung cư không được sử dụng kinh phí bảo trì này vào mục đích quản lý vận hành nhà chung cư và các mục đích khác. Trường hợp nhà chung cư phải phá dỡ theo quy định của Luật này mà kinh phí bảo trì chưa sử dụng hết thì được sử dụng để hỗ trợ tái định cư hoặc đưa vào quỹ bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư mới sau khi được xây dựng lại.

2. Việc sử dụng kinh phí bảo trì phải có hóa đơn, chứng từ và phải báo cáo Hội nghị nhà chung cư.

3. Trường hợp sử dụng hết kinh phí bảo trì đã đóng thì các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm đóng kinh phí bảo trì khi thực hiện bảo trì theo kế hoạch bảo trì đã được Hội nghị nhà chung cư thông qua hoặc khi xuất hiện hạng mục, trang thiết bị cần bảo trì đột xuất.

4. Trường hợp nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp mà phân chia được riêng biệt các khu chức năng khác nhau trong cùng một tòa nhà chung cư bao gồm khu chức năng căn hộ, khu chức năng kinh doanh dịch vụ và mỗi khu chức năng này có phần sở hữu chung được tách biệt với phần sở hữu chung của cả tòa nhà chung cư, được quản lý vận hành độc lập thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở và người mua, thuê mua căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua hoặc lập phụ lục hợp đồng về việc phân chia tỷ lệ kinh phí bảo trì thành nhiều phần để quản lý, sử dụng.

Việc thỏa thuận phân chia tỷ lệ kinh phí bảo trì quy định tại khoản này được tính theo nguyên tắc tỷ lệ phần trăm diện tích sàn xây dựng của từng khu chức năng trong tòa nhà chung cư trên tổng diện tích sàn xây dựng của tòa nhà chung cư đó.

5. Việc quản lý kinh phí bảo trì quy định tại khoản 4 Điều này được thực hiện như sau:

a) Đối với kinh phí bảo trì của tòa nhà chung cư và phần sở hữu chung của khu căn hộ thì chuyển vào tài khoản do Ban quản trị nhà chung cư lập theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 153 của Luật này để quản lý, sử dụng;

b) Đối với phần kinh phí bảo trì của khu kinh doanh dịch vụ thì chủ sở hữu khu kinh doanh dịch vụ tự quản lý, sử dụng để bảo trì phần sở hữu chung của khu chức năng này.

6. Đối với nhà chung cư không bắt buộc thành lập Ban quản trị nhà chung cư theo quy định của Luật này thì chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thống nhất cử người đại diện quản lý tài khoản kinh phí bảo trì, việc sử dụng kinh phí bảo trì.

Mục 5. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KỸ THUẬT KHU VỰC CÓ NHÀ CHUNG CƯ

Điều 156. Công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực có nhà chung cư phải bàn giao và thời điểm bàn giao

1. Công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực có nhà chung cư được đầu tư xây dựng theo dự án thuộc trường hợp phải bàn giao cho chính quyền hoặc cơ quan chức năng của địa phương hoặc do chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở quản lý sau khi hoàn thành dự án phải được xác định trong chủ trương đầu tư hoặc nội dung dự án đã được phê duyệt.

2. Đối với công trình thuộc trường hợp phải bàn giao thì sau khi nghiệm thu theo quy định của pháp luật về xây dựng, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có trách nhiệm bàn giao các công trình này. Căn cứ tiến độ hoặc phân kỳ thực hiện dự án đã được phê duyệt, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có thể bàn giao toàn bộ hoặc bàn giao công trình riêng biệt cho chính quyền hoặc cơ quan chức năng của địa phương để quản lý.

Điều 157. Bàn giao, tiếp nhận và quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực có nhà chung cư

1. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có văn bản đề nghị bàn giao kèm theo hồ sơ công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực có nhà chung cư phải bàn giao gửi cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận.

2. Cơ quan tiếp nhận công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực có nhà chung cư có trách nhiệm tiếp nhận để quản lý, khai thác, sử dụng; việc bàn giao, tiếp nhận phải được lập thành văn bản.

3. Trong thời gian chưa bàn giao công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực có nhà chung cư thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có trách nhiệm bảo trì, quản lý vận hành, khai thác theo nội dung dự án đã được phê duyệt.

Điều 158. Quản lý, khai thác, sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực có nhà chung cư sau khi bàn giao

1. Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực có nhà chung cư thuộc trường hợp phải bàn giao thì cơ quan tiếp nhận phải quản lý, khai thác, sử dụng theo đúng mục tiêu, công năng của công trình và phải bảo trì theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo đảm công trình này được vận hành và hoạt động bình thường.

Nhà nước có trách nhiệm bố trí ngân sách nhà nước để quản lý vận hành, bảo trì, khai thác công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực có nhà chung cư do chính quyền hoặc cơ quan chức năng của địa phương đã nhận bàn giao.

2. Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực có nhà chung cư không thuộc trường hợp phải bàn giao thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có trách nhiệm quản lý, khai thác, bảo trì theo đúng mục tiêu, công năng của công trình, theo quy định của pháp luật và thỏa thuận với chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư, bảo đảm công trình này được vận hành và hoạt động bình thường.

Chương X

GIAO DỊCH VỀ NHÀ Ở

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 159. Giao dịch về nhà ở

Giao dịch về nhà ở bao gồm mua bán, thuê mua, thuê, tặng cho, đổi, thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở.

Điều 160. Điều kiện của nhà ở tham gia giao dịch

1. Giao dịch về mua bán, thuê mua, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn bằng nhà ở thì nhà ở phải có đủ điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Không thuộc trường hợp đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo;

c) Đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn;

d) Không bị kê biên để thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc không thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp ngăn chặn theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Không thuộc trường hợp đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền;

e) Điều kiện quy định tại điểm b và điểm c khoản này không áp dụng đối với trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

2. Giao dịch về nhà ở sau đây thì nhà ở không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận:

a) Mua bán, thuê mua, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai; bán nhà ở trong trường hợp giải thể, phá sản;

b) Tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết;

c) Mua bán, thuê mua nhà ở có sẵn của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở trong các trường hợp sau đây: nhà ở thuộc tài sản công; nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà ở phục vụ tái định cư không thuộc tài sản công;

d) Cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở;

đ) Nhận thừa kế nhà ở.

Giấy tờ chứng minh điều kiện nhà ở tham gia giao dịch quy định tại khoản này thực hiện theo quy định của Chính phủ.

3. Trường hợp nhà ở cho thuê thì ngoài điều kiện quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này, nhà ở còn phải bảo đảm chất lượng, an toàn cho bên thuê nhà ở, có đầy đủ hệ thống điện, cấp nước, thoát nước, bảo đảm vệ sinh môi trường, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Điều 161. Điều kiện của các bên tham gia giao dịch về nhà ở

1. Bên bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở phải đáp ứng điều kiện về chủ thể tham gia giao dịch theo quy định của pháp luật về dân sự.

2. Bên mua, thuê mua, thuê nhà ở, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế, nhận thế chấp, nhận góp vốn, mượn, ở nhờ, được ủy quyền quản lý nhà ở là cá nhân phải đáp ứng điều kiện về chủ thể tham gia giao dịch theo quy định của pháp luật về dân sự và thực hiện theo quy định sau đây:

a) Nếu là cá nhân trong nước thì không bắt buộc phải có đăng ký cư trú tại nơi có nhà ở được giao dịch;

b) Nếu là cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật này và không bắt buộc phải có đăng ký cư trú tại nơi có nhà ở được giao dịch. Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn phải tuân thủ quy định của Luật Đất đai.

3. Bên mua, thuê mua, thuê nhà ở, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế, nhận thế chấp, nhận góp vốn, mượn, ở nhờ, được ủy quyền quản lý nhà ở là tổ chức thì phải đáp ứng điều kiện về chủ thể tham gia giao dịch theo quy định của pháp luật về dân sự và không phụ thuộc vào nơi đăng ký kinh doanh, nơi thành lập; trường hợp là tổ chức nước ngoài thì còn phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật này; nếu tổ chức được ủy quyền quản lý nhà ở thì còn phải có chức năng kinh doanh dịch vụ bất động sản và đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Điều 162. Trình tự, thủ tục thực hiện giao dịch về nhà ở

1. Các bên tham gia giao dịch nhà ở thỏa thuận lập hợp đồng mua bán, thuê mua, thuê, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở (sau đây gọi chung là hợp đồng về nhà ở) có các nội dung quy định tại Điều 163 của Luật này; trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết thì chỉ cần lập hợp đồng tặng cho.

2. Các bên thỏa thuận để một bên thực hiện nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó; trường hợp mua, thuê mua nhà ở của chủ đầu tư dự án thì chủ đầu tư có trách nhiệm làm thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho bên mua, bên thuê mua, trừ trường hợp bên mua, bên thuê mua tự nguyện làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận.

3. Trường hợp bên mua, bên thuê mua, bên nhận tặng cho, nhận đổi, nhận góp vốn, nhận thừa kế nhà ở cùng với nhận chuyển quyền sử dụng đất ở và có quyền nhận quyền sử dụng đất ở có nhà ở đó thì khi thực hiện cấp Giấy chứng nhận, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng thời công nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho bên nhận quyền sở hữu nhà ở.

Điều 163. Hợp đồng về nhà ở

Hợp đồng về nhà ở do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản bao gồm các nội dung sau đây:

1. Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên;

2. Mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó.

Đối với hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua căn hộ chung cư thì các bên phải ghi rõ phần sở hữu chung, sử dụng chung; thời hạn sử dụng nhà chung cư theo hồ sơ thiết kế; diện tích sử dụng thuộc quyền sở hữu riêng; diện tích sàn căn hộ; mục đích sử dụng của phần sở hữu chung, sử dụng chung trong nhà chung cư theo đúng mục đích thiết kế đã được phê duyệt; giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư trong trường hợp chưa tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu; trách nhiệm đóng, mức đóng kinh phí bảo trì và thông tin tài khoản nộp kinh phí bảo trì;

3. Giá trị góp vốn, giá giao dịch nhà ở nếu hợp đồng có thỏa thuận về giá; trường hợp mua bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở mà Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó;

4. Thời hạn và phương thức thanh toán tiền nếu là trường hợp mua bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở;

5. Thời gian giao nhận nhà ở; thời gian bảo hành nhà ở nếu là mua, thuê mua nhà ở được đầu tư xây dựng mới; thời hạn cho thuê mua, cho thuê, thế chấp, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; thời hạn góp vốn; thời hạn sở hữu đối với trường hợp mua bán nhà ở có thời hạn;

6. Quyền và nghĩa vụ của các bên.

Trường hợp thuê mua nhà ở thì phải ghi rõ quyền và nghĩa vụ của các bên về việc sửa chữa hư hỏng của nhà ở trong quá trình thuê mua;

7. Cam kết của các bên;

8. Thỏa thuận khác;

9. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;

10. Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng;

11. Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký.

Điều 164. Công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở

1. Trường hợp mua bán, thuê mua, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở thì phải thực hiện công chứng hoặc chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Đối với giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm hoàn thành việc công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.

2. Trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; mua bán, thuê mua nhà ở thuộc tài sản công; mua bán, thuê mua nhà ở mà một bên là tổ chức, bao gồm: nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; thuê, mượn, ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.

Đối với giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.

3. Văn bản thừa kế nhà ở được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự.

4. Việc công chứng hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng; việc chứng thực hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà ở.

Mục 2. MUA BÁN NHÀ Ở

Điều 165. Giao dịch mua bán nhà ở

1. Việc mua bán nhà ở phải được lập thành hợp đồng có các nội dung quy định tại Điều 163 của Luật này. Các bên có thể thỏa thuận theo quy định tại khoản 2 Điều này về việc bên bán thực hiện bán nhà ở trong một thời hạn nhất định cho bên mua.

2. Các bên mua bán nhà ở thỏa thuận các nội dung sau đây:

a) Thời hạn bên mua được sở hữu nhà ở; quyền và nghĩa vụ của bên mua trong thời hạn sở hữu nhà ở; trách nhiệm đăng ký và làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho bên mua.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc bên mua được quyền bán, tặng cho, để thừa kế, góp vốn bằng nhà ở trong thời hạn sở hữu nhà ở thì bên mua lại, bên được tặng cho, bên được thừa kế, bên nhận góp vốn chỉ được sở hữu nhà ở trong thời hạn được ghi trong Giấy chứng nhận cấp cho bên bán, bên tặng cho, bên để thừa kế, bên góp vốn;

b) Việc bàn giao lại nhà ở và người nhận bàn giao lại nhà ở sau khi hết thời hạn sở hữu;

c) Việc xử lý Giấy chứng nhận khi hết thời hạn sở hữu và trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện hợp đồng mua bán nhà ở;

d) Thỏa thuận khác.

3. Trường hợp giao dịch mua bán nhà ở có thỏa thuận về thời hạn sở hữu thì cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận phải ghi rõ thời hạn sở hữu nhà ở trong Giấy chứng nhận.

Điều 166. Xử lý đối với trường hợp mua bán nhà ở có thời hạn

Trường hợp mua bán nhà ở có thời hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 165 của Luật này thì xử lý như sau:

1. Trong thời hạn sở hữu nhà ở, bên mua nhà ở thực hiện quyền, nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng;

2. Khi hết thời hạn sở hữu thì Giấy chứng nhận cấp cho bên mua không còn giá trị pháp lý. Quyền sở hữu nhà ở được chuyển lại cho bên bán nhà ở.

Bên bán nhà ở hoặc người thừa kế hợp pháp của bên bán đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quy định tại khoản này thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai;

3. Trường hợp chủ sở hữu lần đầu là tổ chức bị phá sản, giải thể hoặc chấm dứt hoạt động thì nhà ở của tổ chức này được xử lý theo quy định của pháp luật về phá sản, giải thể hoặc chấm dứt hoạt động và quyền sở hữu nhà ở này được chuyển lại cho cá nhân, tổ chức được sở hữu theo quy định của pháp luật về phá sản, giải thể hoặc chấm dứt hoạt động.

Trường hợp chủ sở hữu lần đầu là cá nhân chết mà không có người thừa kế hoặc người thừa kế không nhận lại nhà ở thì việc xác lập quyền sở hữu nhà ở thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự;

4. Trong thời gian xác định chủ sở hữu nhà ở, tổ chức, cá nhân đang quản lý nhà ở được tiếp tục quản lý và không được thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với nhà ở này; việc bàn giao lại nhà ở được thực hiện trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày xác định được chủ sở hữu nhà ở.

Điều 167. Mua bán nhà ở trả chậm, trả dần

1. Việc mua bán nhà ở trả chậm, trả dần do các bên thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng mua bán nhà ở. Trong thời gian trả chậm, trả dần, bên mua nhà ở được quyền sử dụng nhà ở và có trách nhiệm bảo trì nhà ở đó, trừ trường hợp nhà ở còn trong thời hạn bảo hành theo quy định của Luật này hoặc các bên có thỏa thuận khác.

2. Bên mua nhà ở trả chậm, trả dần chỉ được thực hiện giao dịch mua bán, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn nhà ở này với người khác sau khi đã thanh toán đủ tiền mua nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Trường hợp trong thời hạn trả chậm, trả dần mà bên mua nhà ở là tổ chức bị phá sản, giải thể hoặc chấm dứt hoạt động thì quyền, nghĩa vụ của bên mua nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản, giải thể hoặc chấm dứt hoạt động.

Trường hợp trong thời hạn trả chậm, trả dần mà bên mua nhà ở chết thì người thừa kế hợp pháp được thực hiện tiếp quyền, nghĩa vụ của bên mua nhà ở và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận sau khi người thừa kế đã trả đủ tiền mua nhà cho bên bán.

3. Trường hợp bên mua nhà ở có nhu cầu trả lại nhà ở đã mua trong thời gian trả chậm, trả dần và được bên bán nhà ở đồng ý thì các bên thỏa thuận phương thức trả lại nhà ở và việc thanh toán lại tiền mua nhà ở đó.

Điều 168. Mua bán nhà ở đang cho thuê

1. Trường hợp chủ sở hữu bán nhà ở đang cho thuê thì phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê nhà ở biết về việc bán và điều kiện bán nhà ở; bên thuê nhà ở được quyền ưu tiên mua nếu đã thanh toán đủ tiền thuê nhà cho bên cho thuê tính đến thời điểm bên cho thuê có thông báo về việc bán nhà ở đang cho thuê, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự có quy định khác. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bên thuê nhà ở nhận được thông báo mà không mua thì chủ sở hữu nhà ở được quyền bán nhà ở đó cho người khác, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác về thời hạn.

2. Trường hợp bán nhà ở đang cho thuê thuộc tài sản công thì thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương VIII của Luật này.

Điều 169. Mua trước nhà ở

Khi các bên đã ký kết hợp đồng mua bán nhà ở nhưng Nhà nước có nhu cầu mua nhà ở đó để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định mua trước nhà ở đó. Giá mua bán, điều kiện và phương thức thanh toán tiền mua nhà ở được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà ở mà các bên đã ký kết. Nhà nước bồi thường thiệt hại cho các bên (nếu có). Hợp đồng mua bán nhà ở do các bên đã ký kết không còn giá trị pháp lý.

Mục 3. THUÊ NHÀ Ở

Điều 170. Thời hạn thuê, giá thuê, cho thuê lại nhà ở

1. Bên cho thuê và bên thuê nhà ở được thỏa thuận về thời hạn thuê, giá thuê và hình thức trả tiền thuê nhà ở theo định kỳ hoặc trả một lần; trường hợp Nhà nước có quy định về giá thuê nhà ở thì các bên phải thực hiện theo quy định đó.

2. Trường hợp bên cho thuê thực hiện cải tạo nhà ở và được bên thuê đồng ý thì bên cho thuê được quyền điều chỉnh giá thuê nhà ở nếu thời gian cho thuê còn lại từ một phần ba thời hạn của hợp đồng thuê nhà ở trở xuống. Giá thuê nhà ở mới do các bên thỏa thuận; trường hợp không thỏa thuận được thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở và phải bồi thường cho bên thuê theo quy định của pháp luật.

3. Bên cho thuê và bên thuê nhà ở được Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình thuê và cho thuê nhà ở.

4. Bên thuê có quyền cho thuê lại nhà ở mà mình đã thuê nếu được bên cho thuê đồng ý.

Điều 171. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở

1. Trường hợp thuê nhà ở thuộc tài sản công thì việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 127 của Luật này.

2. Trường hợp thuê nhà ở không thuộc tài sản công thì việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Hợp đồng thuê nhà ở hết thời hạn; trường hợp trong hợp đồng không xác định thời hạn thì hợp đồng chấm dứt sau 90 ngày, kể từ ngày bên cho thuê nhà ở thông báo cho bên thuê nhà ở biết việc chấm dứt hợp đồng;

b) Các bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng;

c) Nhà ở cho thuê không còn;

d) Bên thuê nhà ở là cá nhân chết hoặc có tuyên bố mất tích của Tòa án mà khi chết, mất tích không có ai đang cùng chung sống;

đ) Bên thuê nhà ở là tổ chức giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động;

e) Nhà ở cho thuê bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ hoặc thuộc khu vực đã có quyết định thu hồi đất, giải tỏa nhà ở hoặc có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nhà ở cho thuê thuộc trường hợp bị Nhà nước trưng mua, trưng dụng để sử dụng vào mục đích khác.

Bên cho thuê phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước ít nhất 30 ngày về việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở quy định tại điểm này, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc các bên có thỏa thuận khác;

g) Trường hợp quy định tại Điều 172 của Luật này.

Điều 172. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở

1. Trong thời hạn thuê nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng, bên cho thuê không được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở và thu hồi nhà ở đang cho thuê, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Bên cho thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở và thu hồi nhà ở đang cho thuê khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Bên cho thuê nhà ở thuộc tài sản công, nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp cho thuê không đúng thẩm quyền hoặc không đúng đối tượng hoặc không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về nhà ở;

b) Bên thuê không trả đủ tiền thuê nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng từ 03 tháng trở lên mà không có lý do đã được thỏa thuận trong hợp đồng;

c) Bên thuê sử dụng nhà ở không đúng mục đích đã thỏa thuận trong hợp đồng;

d) Bên thuê tự ý đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở đang thuê;

đ) Bên thuê chuyển đổi, cho mượn, cho thuê lại nhà ở đang thuê mà không có sự đồng ý của bên cho thuê;

e) Bên thuê làm mất trật tự, vệ sinh môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của những người xung quanh đã được bên cho thuê nhà ở hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc lập biên bản đến lần thứ ba mà vẫn không khắc phục;

g) Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 170 của Luật này.

3. Bên thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Bên cho thuê nhà ở không sửa chữa nhà ở khi có hư hỏng nặng;

b) Bên cho thuê nhà ở tăng giá thuê nhà ở bất hợp lý hoặc tăng giá thuê mà không thông báo cho bên thuê nhà ở biết trước theo thỏa thuận trong hợp đồng;

c) Khi quyền sử dụng nhà ở bị hạn chế do lợi ích của người thứ ba.

4. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở phải thông báo bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận trong hợp đồng cho bên kia biết trước ít nhất 30 ngày, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; trường hợp vi phạm quy định tại khoản này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 173. Quyền tiếp tục thuê nhà ở

1. Trường hợp chủ sở hữu nhà ở chết mà thời hạn thuê nhà ở vẫn còn thì bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê đến hết thời hạn hợp đồng. Người thừa kế có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê nhà ở đã ký kết trước đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Trường hợp chủ sở hữu không có người thừa kế hợp pháp thì thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.

2. Trường hợp chủ sở hữu nhà ở chuyển quyền sở hữu nhà ở đang cho thuê cho người khác mà thời hạn thuê nhà ở vẫn còn thì bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê đến hết thời hạn hợp đồng; chủ sở hữu nhà ở mới có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê nhà ở đã ký kết trước đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

3. Khi bên thuê nhà ở chết mà thời hạn thuê nhà ở vẫn còn thì người đang cùng sinh sống với bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê đến hết thời hạn hợp đồng thuê nhà ở, trừ trường hợp thuê nhà ở công vụ hoặc các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Mục 4. THUÊ MUA NHÀ Ở

Điều 174. Thuê mua nhà ở

1. Việc thuê mua nhà ở phải lập thành hợp đồng có nội dung quy định tại Điều 163 của Luật này; trường hợp thuê mua nhà ở do tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng thì hợp đồng thuê mua được ký kết giữa tổ chức, cá nhân với bên thuê mua; trường hợp thuê mua nhà ở thuộc tài sản công thì việc ký kết hợp đồng thuê mua được thực hiện theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 126 của Luật này.

2. Khi kết thúc thời hạn thuê mua nhà ở theo hợp đồng và bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền thuê mua theo thỏa thuận thì bên cho thuê mua phải làm thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho bên thuê mua, trừ trường hợp bên thuê mua tự nguyện làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận.

Điều 175. Quyền và nghĩa vụ của bên thuê mua nhà ở

1. Bên thuê mua nhà ở phải thực hiện quy định của Luật này, quyền và nghĩa vụ khác theo thỏa thuận trong hợp đồng thuê mua nhà ở.

Trường hợp chấm dứt hợp đồng thuê mua nhà ở mà bên thuê mua đã nhận bàn giao nhà ở thì bên thuê mua phải trả lại nhà ở này cho bên cho thuê mua; bên thuê mua được hoàn lại số tiền đã nộp lần đầu, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều này, điểm e và điểm h khoản 1 Điều 127, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 176 của Luật này.

2. Trường hợp bên thuê mua nhà ở chết thì giải quyết như sau:

a) Nếu có người thừa kế hợp pháp đang cùng sinh sống tại nhà ở đó thì người thừa kế hợp pháp đó được tiếp tục thuê mua nhà ở, trừ trường hợp người thừa kế hợp pháp tự nguyện trả lại nhà ở thuê mua;

b) Nếu có người thừa kế hợp pháp nhưng không cùng sinh sống tại nhà ở đó mà bên thuê mua nhà ở đã thực hiện được từ hai phần ba thời hạn thuê mua trở lên thì người thừa kế hợp pháp được thanh toán đủ số tiền còn lại và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó; đối với trường hợp thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nếu việc thuê mua chưa được hai phần ba thời hạn thuê mua thì người thừa kế hợp pháp là cá nhân thuộc đối tượng quy định tại Điều 76 của Luật này được tiếp tục thuê mua và thực hiện nghĩa vụ của người thuê mua nhà ở này theo hợp đồng đã ký trước đó;

c) Nếu có người thừa kế hợp pháp nhưng không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì bên cho thuê mua được quyền thu hồi nhà ở và người thừa kế hợp pháp được hoàn trả số tiền mà bên thuê mua nhà ở đã nộp lần đầu có tính lãi suất theo quy định về lãi suất liên ngân hàng không kỳ hạn tại thời điểm hoàn trả;

d) Nếu không có người thừa kế hợp pháp thì số tiền thuê mua đã nộp lần đầu thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật Dân sự và bên cho thuê mua được thu hồi nhà ở thuê mua để ký hợp đồng thuê, thuê mua với đối tượng thuộc trường hợp được thuê, thuê mua nhà ở theo quy định của Luật này.

Điều 176. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng thuê mua và thu hồi nhà ở cho thuê mua

1. Trường hợp thuê mua nhà ở thuộc tài sản công thì việc chấm dứt hợp đồng thuê mua và thu hồi nhà ở được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, c, e, g và h khoản 1 Điều 127 của Luật này.

2. Trường hợp thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân không thuộc tài sản công thì bên cho thuê mua được chấm dứt hợp đồng thuê mua nhà ở, được thu hồi nhà ở đang cho thuê mua khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Bên thuê mua tự ý cho thuê hoặc bán nhà ở thuê mua cho người khác trong thời hạn thuê mua;

b) Sau khi ký kết hợp đồng thuê mua, bên thuê mua được xác định không đúng đối tượng hoặc không đủ điều kiện được thuê mua theo quy định của Luật này;

c) Bên thuê mua không trả đủ tiền thuê nhà từ 03 tháng trở lên theo thỏa thuận trong hợp đồng mà không có lý do đã được thỏa thuận trong hợp đồng;

d) Bên thuê mua tự ý đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở thuê mua;

đ) Bên thuê mua sử dụng nhà ở không đúng mục đích đã thỏa thuận trong hợp đồng thuê mua;

e) Trường hợp quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 175 của Luật này;

g) Trường hợp khác quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Bên thuê mua nhà ở không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được chấm dứt hợp đồng thuê mua theo thỏa thuận trong hợp đồng; trường hợp đã nhận bàn giao nhà ở thì phải trả lại nhà ở này cho bên cho thuê mua.

Mục 5. TẶNG CHO, ĐỔI, GÓP VỐN, CHO MƯỢN, CHO Ở NHỜ NHÀ Ở

Điều 177. Tặng cho nhà ở

1. Việc tặng cho nhà ở thuộc sở hữu chung được quy định như sau:

a) Trường hợp tặng cho nhà ở thuộc sở hữu chung hợp nhất thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả các chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung hợp nhất;

b) Trường hợp tặng cho nhà ở thuộc sở hữu chung theo phần thì chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung theo phần chỉ được tặng cho phần nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình.

2. Việc tặng cho nhà ở đang cho thuê được quy định như sau:

a) Chủ sở hữu nhà ở đang cho thuê phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê nhà ở biết trước ít nhất 30 ngày về việc tặng cho nhà ở;

b) Bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê nhà ở đến hết thời hạn hợp đồng thuê nhà ở đã ký với bên tặng cho, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

3. Việc tặng cho nhà ở trong trường hợp khác thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 178. Đổi nhà ở

1. Việc đổi nhà ở thuộc sở hữu chung được quy định như sau:

a) Việc đổi nhà ở thuộc sở hữu chung hợp nhất phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả các chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung hợp nhất;

b) Trường hợp đổi nhà ở thuộc sở hữu chung theo phần thì chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung theo phần chỉ được đổi phần nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình.

2. Việc đổi nhà ở đang cho thuê được quy định như sau:

a) Chủ sở hữu nhà ở đang cho thuê phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê nhà ở biết trước ít nhất 30 ngày về việc đổi nhà ở;

b) Bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê nhà ở đến hết thời hạn hợp đồng thuê nhà ở đã ký với chủ sở hữu trước đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

c) Khi đổi nhà ở và chuyển quyền sở hữu nhà ở cho nhau, nếu có chênh lệch về giá trị nhà ở thì các bên đổi nhà ở phải thanh toán giá trị chênh lệch đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

3. Việc đổi nhà ở trong trường hợp khác thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 179. Góp vốn bằng nhà ở

1. Điều kiện góp vốn bằng nhà ở được quy định như sau:

a) Chủ sở hữu nhà ở hoặc chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại có quyền góp vốn bằng nhà ở để tham gia hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực mà pháp luật không cấm kinh doanh tại nhà ở đó. Việc góp vốn bằng nhà ở phải thông qua hợp đồng có nội dung theo quy định tại Điều 163 của Luật này;

b) Nhà ở đưa vào góp vốn phải là nhà ở có sẵn và đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 160 của Luật này.

2. Việc góp vốn bằng nhà ở thuộc sở hữu chung được quy định như sau:

a) Việc góp vốn bằng nhà ở thuộc sở hữu chung hợp nhất phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả các chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung hợp nhất;

b) Trường hợp góp vốn bằng nhà ở thuộc sở hữu chung theo phần thì chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung theo phần chỉ được góp vốn bằng phần nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình.

3. Việc góp vốn bằng nhà ở đang cho thuê được quy định như sau:

a) Chủ sở hữu nhà ở đang cho thuê phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê nhà ở biết trước ít nhất 30 ngày về việc góp vốn bằng nhà ở;

b) Bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê nhà ở đến hết thời hạn hợp đồng thuê nhà ở đã ký với bên góp vốn, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

4. Việc góp vốn bằng nhà ở trong trường hợp khác thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 180. Cho mượn, cho ở nhờ nhà ở

1. Trường hợp cho mượn, cho ở nhờ nhà ở thuộc sở hữu chung hợp nhất thì phải được sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu nhà ở đó; trường hợp chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung theo phần thì có quyền cho mượn, cho ở nhờ phần nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng không được làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ sở hữu chung khác. Bên cho mượn nhà ở có quyền đòi lại nhà ở, bên cho ở nhờ có quyền chấm dứt việc cho ở nhờ khi chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 2 Điều này và theo thỏa thuận trong hợp đồng.

2. Hợp đồng cho mượn, cho ở nhờ nhà ở được chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

a) Thời hạn cho mượn, cho ở nhờ đã hết;

b) Nhà ở cho mượn, cho ở nhờ không còn;

c) Bên mượn, bên ở nhờ nhà ở là cá nhân chết hoặc mất tích theo tuyên bố của Tòa án;

d) Bên mượn, bên ở nhờ nhà ở là tổ chức giải thể, phá sản hoặc chấm dứt hoạt động;

đ) Nhà ở cho mượn, cho ở nhờ có nguy cơ sập đổ hoặc thuộc trường hợp đã có quyết định giải tỏa, phá dỡ hoặc thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

e) Trường hợp khác theo thỏa thuận của các bên.

Mục 6. THẾ CHẤP NHÀ Ở

Điều 181. Bên thế chấp và bên nhận thế chấp nhà ở

1. Chủ sở hữu nhà ở là tổ chức được thế chấp nhà ở tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam.

2. Chủ sở hữu nhà ở là cá nhân được thế chấp nhà ở tại tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế đang hoạt động tại Việt Nam hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Trường hợp thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở và nhà ở hình thành trong tương lai thì thực hiện theo quy định tại Điều 183 của Luật này.

Điều 182. Thế chấp nhà ở đang cho thuê

1. Chủ sở hữu nhà ở có quyền thế chấp nhà ở đang cho thuê nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê nhà ở biết trước về việc thế chấp và thông báo cho bên nhận thế chấp biết về việc nhà ở đang cho thuê. Bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê đến hết thời hạn hợp đồng thuê nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp nhà ở đang cho thuê bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của bên thế chấp nhà ở thì bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê đến hết thời hạn hợp đồng, trừ trường hợp bên thuê nhà ở vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 172 của Luật này hoặc các bên có thỏa thuận khác.

Điều 183. Thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở và thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai

1. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở được thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án hoặc thế chấp nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn phục vụ cho việc đầu tư dự án đó hoặc xây dựng nhà ở đó; việc thế chấp dự án hoặc nhà ở phải bao gồm cả thế chấp quyền sử dụng đất.

2. Trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án hoặc nhà ở mà có nhu cầu huy động vốn theo quy định của pháp luật về nhà ở hoặc có nhu cầu bán, cho thuê mua nhà ở đó thì phải giải chấp một phần hoặc toàn bộ dự án hoặc nhà ở và quyền sử dụng đất này trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 88 của Luật này.

Việc xác định nhà ở đã được giải chấp trước khi ký hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng theo quy định tại khoản này được nêu rõ trong văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở. Chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp cho khách hàng văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán khi ký hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở. Trường hợp huy động vốn góp, chủ đầu tư phải cung cấp cho bên góp vốn văn bản giải chấp của tổ chức tín dụng khi ký hợp đồng góp vốn.

3. Tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở hình thành trong tương lai trên thửa đất ở hợp pháp của mình, tổ chức, cá nhân mua nhà ở hình thành trong tương lai trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở được thế chấp nhà ở này tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn phục vụ cho xây dựng nhà ở hoặc để mua, cải tạo, sửa chữa nhà ở đó.

Điều 184. Điều kiện thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai

1. Điều kiện thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng nhà ở, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai được quy định như sau:

a) Trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì phải có hồ sơ dự án, có thiết kế kỹ thuật của dự án được phê duyệt và đã có Giấy chứng nhận hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai xây dựng trong dự án thì ngoài điều kiện quy định tại điểm a khoản này, nhà ở thế chấp phải thuộc trường hợp đã xây dựng xong phần móng theo quy định của pháp luật về xây dựng và không thuộc phần dự án hoặc toàn bộ dự án mà chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã thế chấp theo quy định tại điểm a khoản này, trừ trường hợp đã giải chấp;

c) Trường hợp tổ chức, cá nhân thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai trên thửa đất ở hợp pháp của mình thì phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và giấy phép xây dựng nếu thuộc trường hợp phải có giấy phép xây dựng.

Trường hợp tổ chức, cá nhân thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai do mua của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì phải có hợp đồng mua bán nhà ở ký kết với chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, có văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở nếu là bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở, có giấy tờ chứng minh đã đóng tiền mua nhà ở cho chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo tiến độ thỏa thuận trong hợp đồng mua bán và không thuộc trường hợp đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về hợp đồng mua bán nhà ở hoặc văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở này theo quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.

2. Điều kiện thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng nhà ở và thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai phải được thực hiện theo quy định của Luật này; trường hợp thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng nhà ở hoặc nhà ở hình thành trong tương lai không đúng với quy định của Luật này thì vô hiệu.

Điều 185. Xử lý nhà ở, dự án đầu tư xây dựng nhà ở thế chấp

1. Việc xử lý tài sản thế chấp là nhà ở, bao gồm cả xử lý thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, được thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc xử lý tài sản thế chấp là một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan; tổ chức nhận chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án phải có đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở và phải thực hiện thủ tục nhận chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Mục 7. ỦY QUYỀN QUẢN LÝ NHÀ Ở

Điều 186. Nội dung, phạm vi ủy quyền quản lý nhà ở

1. Ủy quyền quản lý nhà ở là việc chủ sở hữu nhà ở ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở trong việc quản lý nhà ở trong thời hạn được ủy quyền. Việc ủy quyền quản lý nhà ở chỉ được thực hiện đối với nhà ở có sẵn.

2. Nội dung, thời hạn ủy quyền quản lý nhà ở do các bên thỏa thuận và được ghi trong hợp đồng ủy quyền quản lý nhà ở theo quy định của pháp luật về dân sự.

3. Bên ủy quyền quản lý nhà ở phải trả chi phí quản lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Điều 187. Ủy quyền quản lý nhà ở thuộc sở hữu chung

1. Việc ủy quyền quản lý nhà ở thuộc sở hữu chung hợp nhất phải được các chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung đồng ý.

2. Trường hợp nhà ở thuộc sở hữu chung theo phần, chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung theo phần có quyền ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác quản lý phần nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng không được làm ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ sở hữu chung khác; có trách nhiệm thông báo cho chủ sở hữu khác biết việc ủy quyền quản lý nhà ở.

Điều 188. Chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền quản lý nhà ở

Việc chấm dứt hợp đồng ủy quyền quản lý nhà ở thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền khi giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật về nhà ở.

Chương XI

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ NHÀ Ở

Điều 189. Nội dung quản lý nhà nước về nhà ở

1. Xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chiến lược, đề án, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở.

2. Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản pháp luật về nhà ở, cơ chế, chính sách phát triển và quản lý nhà ở.

3. Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, phân cấp nhà ở và quản lý chất lượng nhà ở; phân hạng nhà chung cư.

4. Thẩm định nội dung liên quan đến nhà ở trong quá trình quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở; quyết định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

5. Quản lý hồ sơ nhà ở; quản lý quỹ nhà ở thuộc tài sản công; quản lý dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

6. Điều tra, thống kê, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về nhà ở, quản lý, vận hành, khai thác và cung cấp cơ sở dữ liệu, thông tin về nhà ở.

7. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, phổ biến kiến thức pháp luật trong lĩnh vực nhà ở.

8. Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển và quản lý nhà ở.

9. Quản lý hoạt động dịch vụ công về nhà ở; ban hành khung giá cho thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, nhà ở thuộc tài sản công.

10. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nhà ở.

11. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhà ở.

Điều 190. Cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nhà ở trong phạm vi cả nước.

2. Bộ Xây dựng là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nhà ở.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về nhà ở và phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện quản lý nhà nước về nhà ở.

4. Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về nhà ở tại địa phương.

Điều 191. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng

1. Chủ trì xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ văn bản pháp luật, chiến lược, đề án về lĩnh vực nhà ở.

2. Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển nhà ở; chương trình, đề án, dự án phát triển nhà ở trọng điểm theo nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và hướng dẫn, kiểm tra, thực hiện sau khi được phê duyệt. Xây dựng, trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Điều 198 của Luật này.

3. Xác định chỉ tiêu cơ bản về phát triển nhà ở trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Quy định cụ thể về mức kinh phí để xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh.

4. Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản pháp luật về nhà ở theo thẩm quyền; quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nhà ở, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; ban hành mẫu hợp đồng mua bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư, nhà ở thuộc tài sản công.

5. Thực hiện một số nhiệm vụ về nhà ở công vụ sau đây:

a) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chuẩn, định mức nhà ở công vụ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định đối tượng được sử dụng nhà ở công vụ theo quy định của Luật này;

b) Thẩm định hoặc có ý kiến đối với nhu cầu về nhà ở công vụ, kế hoạch phát triển nhà ở công vụ theo quy định của Luật này;

c) Tổ chức tạo lập, quản lý vận hành, bố trí cho thuê nhà ở công vụ của các cơ quan trung ương theo phân công của Thủ tướng Chính phủ.

6. Hướng dẫn việc kiểm định, đánh giá các yếu tố để xác định chất lượng nhà chung cư theo quy định của Luật này và pháp luật về xây dựng.

7. Thẩm định nội dung liên quan đến nhà ở đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thuộc thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

8. Chấp thuận hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển đổi công năng nhà ở theo quy định của Luật này.

9. Kiểm tra việc dành quỹ đất và sự phù hợp của việc bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân trong các quy hoạch quy định tại Điều 32 của Luật này; kiểm tra chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh theo quy định của Luật này.

10. Căn cứ Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và tình hình thực tế, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia có nội dung hỗ trợ nhà ở và phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng quy định tại Điều 76 của Luật này; tổ chức chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia có nội dung hỗ trợ nhà ở và phát triển nhà ở xã hội.

11. Quản lý nhà ở, lưu trữ hồ sơ nhà ở thuộc tài sản công của cơ quan trung ương theo quy định của Luật này.

12. Điều tra, thống kê, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về nhà ở quốc gia và tổ chức quản lý, vận hành, khai thác, cung cấp cơ sở dữ liệu, thông tin về nhà ở quốc gia.

13. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, phổ biến kiến thức pháp luật trong lĩnh vực nhà ở. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về phát triển và quản lý nhà ở trong phạm vi quản lý.

14. Quy định chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý vận hành nhà chung cư. Công khai danh mục đơn vị đủ điều kiện quản lý vận hành nhà chung cư trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng.

15. Hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tranh chấp, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nhà ở theo thẩm quyền.

16. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhà ở.

17. Thực hiện nhiệm vụ khác trong lĩnh vực nhà ở được quy định trong Luật này hoặc được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Điều 192. Thanh tra nhà ở

1. Thanh tra xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về nhà ở theo quy định của pháp luật về thanh tra.

2. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành về nhà ở trong phạm vi cả nước. Cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thanh tra chuyên ngành về nhà ở tại địa phương.

Điều 193. Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về phát triển, quản lý nhà ở

1. Công chức, viên chức làm việc trong lĩnh vực quản lý, phát triển nhà ở của các cấp, ngành phải tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về phát triển, quản lý nhà ở.

2. Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về phát triển, quản lý nhà ở cho công chức, viên chức làm việc trong lĩnh vực nhà ở trên phạm vi cả nước.

Chương XII

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VÀ XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ NHÀ Ở

Điều 194. Giải quyết tranh chấp về nhà ở

1. Nhà nước khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp về nhà ở thông qua hòa giải.

2. Tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở của tổ chức, cá nhân, tranh chấp liên quan đến giao dịch về nhà ở, quản lý vận hành nhà chung cư do Tòa án, trọng tài thương mại giải quyết theo quy định của pháp luật.

3. Tranh chấp về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công được giải quyết như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết đối với nhà ở được giao cho địa phương quản lý;

b) Bộ Xây dựng giải quyết đối với nhà ở được giao cho cơ quan trung ương quản lý, trừ nhà ở do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý;

c) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giải quyết đối với nhà ở do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý;

d) Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

4. Tranh chấp về kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì do Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có nhà ở đó hoặc Tòa án, trọng tài thương mại giải quyết theo quy định của pháp luật.

5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều này.

Điều 195. Xử lý vi phạm pháp luật về nhà ở

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về nhà ở thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương XIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 196. Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 19 của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 72/2020/QH14, Luật số 03/2022/QH15, Luật số 05/2022/QH15, Luật số 08/2022/QH15, Luật số 09/2022/QH15, Luật số 20/2023/QH15Luật số 26/2023/QH15 như sau:

“1. Căn cứ quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển và tổ chức xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngoài hàng rào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu chức năng thuộc khu kinh tế; đối với khu công nghiệp có xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp còn phải thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở.”.

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 3 của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2020/QH14, Luật số 72/2020/QH14 Luật số 03/2022/QH15 như sau:

“4. Việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ và mua nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở.”.

Điều 197. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

2. Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 40/2019/QH14, Luật số 61/2020/QH14, Luật số 62/2020/QH14, Luật số 64/2020/QH14Luật số 03/2022/QH15 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1, các điểm a, c, đ, e và g khoản 2, khoản 3, các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 5 Điều 198 của Luật này.

3. Nhà ở thuộc sở hữu nhà nước được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành là nhà ở thuộc tài sản công.

Điều 198. Quy định chuyển tiếp

1. Quy định chuyển tiếp đối với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được thông qua, phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành như sau:

a) Tiếp tục thực hiện theo nội dung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt; trường hợp phải điều chỉnh thì thực hiện theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này.

Trường hợp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã thông qua chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành nhưng đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa phê duyệt chương trình thì thực hiện phê duyệt theo nội dung chương trình đã được Hội đồng nhân dân thông qua. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã phê duyệt chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh nhưng chưa phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh thì phải xây dựng, phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh theo quy định của Luật này; trường hợp nội dung của kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh không phù hợp với chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt thì điều chỉnh nội dung của chương trình theo quy định của Luật này;

b) Trường hợp chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà nội dung của chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh có thay đổi do nhu cầu nhà ở tăng thêm đối với đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 76 của Luật này theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thì chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh được điều chỉnh một lần theo quy định của pháp luật về nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

2. Quy định chuyển tiếp đối với phát triển nhà ở như sau:

a) Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị đã có văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định khu vực, vị trí được phép thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật thì được tiếp tục thực hiện theo văn bản đó;

b) Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị đang trong giai đoạn lựa chọn chủ đầu tư mà đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành, cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành văn bản lựa chọn chủ đầu tư thì thực hiện lựa chọn chủ đầu tư theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 và điểm d khoản 5 Điều này;

c) Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; chấp thuận đầu tư dự án; quyết định phê duyệt dự án trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì chủ đầu tư dự án tiếp tục được hưởng cơ chế ưu đãi theo nội dung văn bản đã được quyết định, chấp thuận, phê duyệt, trừ trường hợp Luật này, văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư mới, ưu đãi đầu tư cao hơn thì chủ đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án đầu tư;

d) Trường hợp có nhiều nhà đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư mà đang làm thủ tục công nhận chủ đầu tư nhưng cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành văn bản công nhận chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của Luật này;

đ) Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ đã có quyết định đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo nội dung văn bản đã được quyết định;

e) Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở để phục vụ tái định cư đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư dự án, quyết định phê duyệt dự án trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo nội dung văn bản đã được quyết định, chấp thuận, phê duyệt;

g) Đối với nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 46 của Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 40/2019/QH14, Luật số 61/2020/QH14, Luật số 62/2020/QH14, Luật số 64/2020/QH14Luật số 03/2022/QH15, trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận cho từng căn hộ trong nhà ở đó thì chủ sở hữu của căn hộ này tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật về nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Trường hợp nhà ở quy định tại khoản này đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật về nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành nhưng đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa được cấp Giấy chứng nhận và hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu thì được đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành và pháp luật về đất đai.

Trường hợp nhà ở quy định tại khoản này không đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật về nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì phải xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và quy định khác của pháp luật có liên quan tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm; không cấp Giấy chứng nhận riêng cho từng căn hộ trong nhà ở này; việc xử lý giao dịch về nhà ở thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.

3. Quy định chuyển tiếp đối với việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư như sau:

a) Đối với dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đang trong giai đoạn lựa chọn chủ đầu tư mà đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành, cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành văn bản lựa chọn chủ đầu tư thì tiếp tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Việc triển khai thực hiện dự án được thực hiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Đối với hồ sơ hợp lệ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; hồ sơ hợp lệ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa được giải quyết thì tiếp tục được giải quyết theo quy định của pháp luật về nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;

c) Trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã bồi thường theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 hoặc theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt theo quy định của Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 40/2019/QH14, Luật số 61/2020/QH14, Luật số 62/2020/QH14, Luật số 64/2020/QH14Luật số 03/2022/QH15 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành thì tiếp tục thực hiện theo phương án đã được phê duyệt, trừ trường hợp có diện tích nhà, đất, công trình xây dựng chưa đưa vào phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Việc bồi thường đối với phần diện tích nhà, đất, công trình xây dựng chưa đưa vào phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện theo quy định của Luật này;

d) Đối với nhà chung cư cũ mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành hệ số K bồi thường diện tích sử dụng căn hộ áp dụng cho dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục sử dụng hệ số K này để xác định việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các chủ sở hữu nhà chung cư.

4. Quy định chuyển tiếp đối với quản lý, sử dụng nhà chung cư như sau:

a) Đối với nhà chung cư được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà trong quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật không có yêu cầu phải bàn giao công trình hạ tầng kỹ thuật thì chủ đầu tư có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng, bảo trì, khai thác, bảo đảm công trình hạ tầng kỹ thuật này được sử dụng đúng mục đích, công năng thiết kế; trường hợp có yêu cầu phải bàn giao nhưng chưa bàn giao thì phải bàn giao để quản lý, sử dụng theo quy định của Luật này;

b) Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật tại khu vực nhà chung cư được nghiệm thu đưa vào sử dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà trong quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật không có yêu cầu phải bàn giao thì chủ đầu tư có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng, bảo trì, khai thác, bảo đảm công trình hạ tầng kỹ thuật này được sử dụng đúng mục đích, công năng thiết kế; trường hợp có yêu cầu phải bàn giao nhưng chưa bàn giao thì phải bàn giao để quản lý, sử dụng theo quy định của Luật này.

5. Quy định chuyển tiếp đối với quy định tại Chương VI của Luật này như sau:

a) Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã được quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, quyết định phê duyệt dự án, chấp thuận đầu tư, đã có văn bản lựa chọn chủ đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện theo nội dung văn bản đã được quyết định, chấp thuận, phê duyệt, trừ trường hợp phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, nội dung dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư;

b) Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, quyết định phê duyệt dự án, chấp thuận đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị thực hiện nghĩa vụ dành một phần diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo nội dung văn bản đã được quyết định, chấp thuận, phê duyệt;

c) Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị đã được triển khai thực hiện mà đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành, chủ đầu tư dự án chưa thực hiện nghĩa vụ dành một phần diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội thì chủ đầu tư dự án tiếp tục thực hiện nghĩa vụ này theo quy định của pháp luật về nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;

d) Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đang trong giai đoạn lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội mà chưa ban hành văn bản lựa chọn chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục áp dụng theo quy định của pháp luật về nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;

đ) Đối với trường hợp bán nhà ở xã hội phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành vẫn chưa nộp tiền sử dụng đất thì tiếp tục nộp tiền theo quy định của pháp luật về nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;

e) Việc đăng ký hồ sơ, xét duyệt hồ sơ, thẩm định giá, ký hợp đồng, mua bán, cho thuê mua, cho thuê, bán lại nhà ở xã hội đang thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa thực hiện xong thì tiếp tục áp dụng theo quy định của pháp luật về nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;

g) Trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã dành diện tích nhà ở xã hội trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 40/2019/QH14, Luật số 61/2020/QH14, Luật số 62/2020/QH14, Luật số 64/2020/QH14Luật số 03/2022/QH15 nhưng đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa cho thuê được thì được bán, cho thuê mua quỹ nhà ở này theo quy định của Luật này.

6. Đối với đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư đã được đăng tải thông tin theo quy định của pháp luật về nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì không phải làm thủ tục đề nghị có văn bản thông báo đơn vị đủ điều kiện quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định của Luật này, trừ trường hợp có thay đổi về thông tin, nội dung cung cấp dịch vụ hoặc không đáp ứng điều kiện theo quy định của Luật này.

7. Hộ gia đình đã sở hữu nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, việc tham gia quan hệ pháp luật về nhà ở được thực hiện với tư cách cá nhân là thành viên hộ gia đình sở hữu nhà ở; có quyền và nghĩa vụ của cá nhân là chủ sở hữu nhà ở theo quy định của Luật này.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2023.

 

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Vương Đình Huệ

 

 

 

NATIONAL ASSEMBLY OF VIETNAM
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
----------------

Law No. 27/2023/QH15

Hanoi, December 27, 2023

 

LAW

ON HOUSING

Pursuant to Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly promulgates the Law on Housing.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

1. This Law provides for ownership, development, management, operation, and use of houses, trading of houses, and state management of houses in Vietnam, except for cases under Clause 2 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 2. Definitions

In this Law, the terms below are construed as follows:

1. Houses refer to structures serving residential purposes and daily activities of families and individuals. Houses serving both residential and non-residential purposes without being prohibited by the law are mixed-use houses.

2. Single-family houses refer to houses built on separate plots under use right of organizations, individuals or on plots rented, borrowed from other organizations, individuals, include villas, row houses, and detached houses, and built for residential or mixed-use purposes.

3. Apartment buildings refer to buildings with at least 02 storeys, multiple dwelling units, common staircases and common walkways, private property and common property, common infrastructures and amenities for use by households, individuals, and organizations, including apartment buildings built for residential purposes and apartment buildings built for mixed-use purposes.

4. Residential real estates refer to houses built in order to be sold, lease-purchased, and/or leased in accordance with market mechanisms.

5. Official houses (or official residence) refer to houses for use by entities eligible for staying in rental official residence during period in which said entities hold titles and/or travel on business trip in accordance with this Law.

6. Relocation housing refers to houses assigned to entities in case of relocating as a result of the Government’s expropriating of land and/or performing of land clearance as per the law.

7. Social housing refers to houses supported by the Government for use by entities benefiting from housing support programs under this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



9. Housing for people’s armed forces refers to social housing sold, lease-purchased, or leased to members of people’s armed forces in accordance with this Law.

10. Old houses refer to houses built in 1994 or earlier and include apartment buildings.

11. Public housing refers to houses under public ownership where the Government acts as ownership representatives and jointly manages.

12. Housing investment and construction projects refer to a combination of proposal relating to use of capital for construction, reconstruction, renovation, or repair of houses, technical infrastructures, and social infrastructures serving residential demand in specific locations within a defined time limit and expenditure.

13. Domestic organizations refer to state authorities, entities affiliated to people’s armed forces, public service providers, political organizations, socio-political organizations, socio-occupational-political organizations, social organizations, socio-occupational organizations, business organizations, and other organizations according to civil laws (hereinafter referred to as “organizations”).

14. Developers of housing investment and construction projects refer to organizations selected to execute housing investment and construction projects in accordance with this Law.

15. Housing development refers to investment, construction, reconstruction, or renovation of houses in a way that increases housing area.

16. House renovation refers to quality improvement, area increase, or adjustment to area compositions of existing houses.

17. House maintenance refers to maintenance and repair of houses on a periodic basis and in case of damage in order to maintain quality, regular operation, and safety during operation and use.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



19. Apartment building owners refer to owners of dwelling units and owners of areas other than dwelling units in apartment buildings.

20. Private property in apartment buildings refers to area in dwelling units or outside of dwelling units recognized under private ownership of apartment building owners and equipment used in dwelling units and in areas outside of dwelling units under ownership of apartment building owners in accordance with this Law.

21. Common property in apartment buildings refers to remaining area in apartment building other than private area owned by apartment building owners and equipment for common use in the apartment buildings in accordance with this Law.

22. Housing lease-purchase refers to an instance where a buyer/tenant pays up to 50% of lease-purchased house value according to lease purchase agreement value in advance; while the remaining amount is paid to the seller/landlord in form of monthly rent over a period agreed upon by the parties; the buyer/tenant shall have ownership over the house when lease-purchase period expires and remaining payments have been adequately settled.

23. Existing houses refer to houses that have been built, commissioned, and brought into use in accordance with construction laws.

24. Off-plan housing refers to houses during investment and construction stages or houses that have not been commissioned in accordance with construction laws.

Article 3. Prohibited actions

1. Violating the right to property of organizations and individuals.

2. Obstructing the performance of state management regarding houses, the exercising of rights and obligations regarding ownership, use, and transaction of houses of organizations and individuals.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Building houses on land where housing investment and construction is not allowed in accordance with this Law; building or renovating houses in a manner that does not conform to land use planning, construction planning, urban planning, design standards, area standards in respect of types of house stipulated by competent authority to be subject to design standards and area standards. Applying the wrong formula for calculating useable area of houses under this Law. Developing private multi-storey or multi-unit houses in a manner that contradicts this Law.

5. Illegally expropriating house area; encroaching on space and area under joint ownership or ownership of other people in any shape or form; renovating, expanding, demolishing, reconstructing rented, lease-purchased, borrowed, lodged, or authorized houses without consent of owners.

6. Signing capital mobilization documents or mobilizing capital for housing development without fulfilling conditions under this Law and other relevant law provisions; using mobilized capital or advance housing payment for the wrong purposes.

7. Engaging in the sale, purchase, lease purchase, rent, accommodation rent, gift, transfer, mortgage, capital contribution, lease, lodging, authorization for house management in a manner that does not conform to this Law and other relevant law provisions; transferring houses to buyers, buyer/tenant without fulfilling condition under this Law and construction laws.

8. Performing the following actions in apartment building management and use:

a) failing to incur maintenance fees for common property of apartment buildings (hereinafter referred to as “maintenance fees”); managing, using management, operation, or maintenance fees in a manner that violates housing laws;

b) intentionally causing damp; causing noise or vibration higher than the permissible value; disposing refuge, wastewater, emission, or toxic substances in a manner that violates environmental protection laws or apartment building management and use regulations; painting or decorating exterior of dwelling units or apartment buildings in a manner that violates design and architecture regulations; raising, herding livestock, poultry; slaughtering livestock within the vicinity of apartment buildings;

c) Intentionally changing occupancy, use purposes of common property of apartment buildings; using dwelling units for purposes other than residential; altering or damaging load-bearing elements; separating or splitting dwelling units without permission of competent authorities;

d) Intentionally using area and equipment under joint ownership for personal gain; altering purposes of service area in mixed-use apartment buildings without permission for repurposing of competent authorities;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Engaging in discotheque, karaoke, bar business; engaging in repair of motorized vehicles; engaging in other contaminating lines of business in accordance with environmental protection laws; engaging in restaurant business without complying with fire safety requirements, without preparing means of egress, or without complying with other business conditions as per the law.

9. Using single-family houses for trading combustible materials, providing services that cause environmental pollution, noise pollution, affect social order, safety, activities of residential area without complying regulations on business conditions.

Article 4. Housing development, management, and use policies

1. The Government is responsible for implementing housing development policies, allowing everyone to afford accommodations by promoting diverse form of housing, including houses for sale, lease purchase, rent depending on demand and financial capability of individuals and families, subsidizing renovation and reconstruction of houses; the Government shall invest public investment in part or in whole (hereinafter referred to as “public investment”) in construction of social houses for lease and lease purchase.

2. The Government is responsible for creating residential land fund by approving land use planning, land use plans, construction planning, urban planning, and functioning zone construction planning.

3. The Government shall promulgate regulations and policies on planning, land, finance, credit, research, application of new science, technology, construction materials to encourage types of ownership to participate in housing development investment and encourage organizations and individuals to participate in housing development for sale, lease purchase, and lease in accordance with market mechanisms.

4. The Government shall promulgate long-term incentive regulations and policies regarding finance, land, credit with preferential interests, other incentive financial regulations, and subsidy from state fundings in order to implement social housing, apartment building renovation and reconstruction policies.

5. The Government shall develop policies incentivizing research and issuance of model design, type design of houses appropriate to area, zone, region; develop policies incentivizing development of energy-efficient housing.

6. People’s Committees of provinces and central-affiliated cities (hereinafter referred to as “provincial People’s Committees”) shall be responsible for planning, allocating land area, investing in social housing construction in accordance with this Law and other relevant law provisions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 5. General requirements regarding housing management and use

1. Suit housing demands of entities and socio-economic conditions of the nation, administrative divisions, regions, and zones from time to time.

2. Conform to the national strategy for housing development, land use planning, land use plan, construction planning, urban planning, housing development programs and plans from time to time, ensure equal development of technical infrastructure and social infrastructure; develop houses on the basis of efficient use of resources; improve housing construction management.

3. Comply with housing laws; satisfy standards, technical regulations, construction quality of houses as per the law, conform to fire safety, architectural, scenery, hygiene, environmental, and safety requirements during construction as per the law; capable of responding to natural disasters and climate change; use energy and land resources efficiently.

4. In respect of urban areas, housing development shall be implemented primarily in form of projects and consist of housing type, area appropriate to market demand. In respect of remaining areas, depending on specific local areas, provincial People’s Committees shall stipulate locations and areas for housing development in form of projects. In respect of class 1 urban areas or wards, districts, cities in special urban areas, development shall focus on apartment buildings.

5. In respect of wards, districts, cities in special, class I, class II, and class III urban areas, developers of housing investment and construction projects shall develop houses for sale, lease purchase, and lease. In respect of other areas, provincial People’s Committees shall, depending on local conditions, determine areas where developers of housing investment and construction projects develop houses for sale, lease purchase, or lease or transfer land use right in form of land subdivision to allow buyers to build their own houses; if developers of housing investment and construction projects are allowed to transfer land use right to enable individuals to build houses, they shall conform to real estate trading and land laws; if land use right is auctioned for housing investment and construction projects in accordance with Land Law, developers of housing investment and construction projects shall develop houses for sale, lease purchase, and/or lease.

6. Depending on housing demands and local conditions, competent authority approving planning shall allocate land fund for social housing development for people with low income, poor households, near-poor households in urban areas, employees in economic zones, industrial parks, export-processing zones, hi-tech zones in accordance with this Law.

7. In respect of rural areas, mountainous regions, border areas, and islands, housing development shall conform to new rural development programs, customs, traditions of ethnicities, natural conditions of the regions and areas; gradually eliminate shifting cultivation, develop rural areas in a sustainable development; encourage housing development in form of projects and multi-storey housing development.

8. Management and use of houses shall serve the right purposes, occupancy, satisfy fire safety, hygiene, environmental, social security, order requirements and conform to regulations on housing dossier management, maintenance, preservation, renovation, and demolition of houses and other housing management and use regulations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Chapter II

HOUSE OWNERSHIP

Section 1. GENERAL REGULATIONS ON HOUSE OWNERSHIP

Article 6. Right to accommodation and right to property

1. Individuals have the right to accommodation via investment, construction, purchase, lease purchase, rent, gifting, inheritance, capital contribution, ownership change, borrow, lodging, housing management by authorization and other means as per the law.

2. Organizations and individuals having legal houses in accordance with Clause 2 Article 8 hereof shall have ownership of these houses as per the law.

Article 7. Protection of the right to property

1. The Government recognizes and protects legitimate right to property of house owners in accordance with this Law.

2. Houses under legal ownership of organizations and individuals shall not be nationalized. In case of national defense and security purposes or for national interest or emergencies or prevention of natural disasters, the Government shall decide to purchase houses in advance or clear houses under legal ownership of organizations and individuals.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 8. Eligible entities and eligibility for owning houses in Vietnam

1. Entities eligible for owning houses in Vietnam include:

a) Domestic organizations and individuals;

b) Overseas Vietnamese in accordance with nationality laws;

c) Foreign organizations and individuals in accordance with Clause 1 Article 17 hereof.

2. Eligibility for owning houses in Vietnam include:

a) Domestic organizations and individuals may own houses via investment and construction, purchase, lease purchase, gifting, inheritance, capital contribution, change of ownership, reception of relocation houses as per the law and other means as per the law;

b) Overseas Vietnamese permitted to enter Vietnam may own houses associated with residential land use right in accordance with land laws;

c) Foreign organizations and individuals may own houses via means under Clause 2 Article 17 hereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 9. Recognition of the right to property

1. Organizations and individuals eligible and having legitimate houses in accordance with Article 8 hereof shall be recognized for house ownership via issuance of certificate of land use right, the right to house and other asset associated to land (hereinafter referred to as “certificate”), except for public housing.

Houses recognized for ownership under certificate shall be existing houses. Procedures for issuing certificate to house owners shall conform to land laws.

2. In case of termed housing purchase in accordance with Clause 1 Article 165 hereof, the buyers shall be issued with certificate during the agreed duration of ownership; once the ownership duration expires, ownership shall be transferred to the sellers in accordance with agreement; if the sellers do not receive the houses upon expiry of ownership duration, Article 166 of this Law and other relevant laws shall apply.

3. Competent authority issuing certificate shall specify the type and class of houses in accordance with this Law and construction laws in the certificate; in case of dwelling units, specify floor area and usable area of dwelling units; in case of houses built in projects, specify name of housing investment and construction projects approved or decided on investment guidelines by competent authority.

4. In respect of houses built in projects to be sold or lease-purchased, certificate shall not be issued to project developers but to buyers and buyer/tenant unless project developers wish to obtain the certificate for houses that have not been sold or lease-purchased; if project developers invest and build houses in order to lease, project developers may apply for certificate for the houses.

Article 10. Right of house owners and users

1. House owners that are domestic organizations, individuals, and overseas Vietnamese have the right to:

a) ensure their right to property is inviolable;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) obtain certificate in regard to houses under their legitimate ownership in accordance with this law and land laws;

d) sell, lease purchase, gift, change ownership, bequeath, mortgage, contribute capital inform of property in accordance with this Law, land laws, and other relevant law provisions; transfer property purchase contract, lease, lend, allow lodging, authorize the right to house management and other rights as per the law; in case of gifting or bequeathing houses to entities not eligible for owning houses in Vietnam, these entities shall only benefit from value of the houses.

If Land Law stipulates otherwise regarding rights of owners of houses associated with land use right that are overseas Vietnamese, such provisions shall prevail;

dd) share public utilities in the residential areas in accordance with this Law and other relevant law provisions.

In case of owners of apartment buildings, the owners have the right to own, use common property of apartment buildings and common infrastructures of the apartment buildings, except for structures built for business purposes or to be transferred to the Government as per the law or according to property purchase, lease purchase agreements;

e) maintain, renovate, demolish, and reconstruct houses in accordance with this Law and construction laws;

g) obtain the protection to right to property in accordance with Article 7 of this Law;

h) complain, denounce, file lawsuits against violation of legal ownership and other violations regarding housing laws;

i) exercise other rights as per the law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. House users that are not owners may exercise the right in house management and use in accordance with agreement with the owners.

Article 11. Obligations of house owners and users

1. House owners that are domestic organizations, individuals, and overseas Vietnamese have the obligation to:

a) use houses for the right purposes; produce and store documents on houses under their ownership;

b) implement fire safety, guarantee hygiene, environment, social order and safety as per the law;

c) comply with regulations and law upon selling, lease-purchasing, leasing, gifting, transferring ownership, bequeathing, pledging, lending, allowing lodging, authorizing management, transferring property purchase contract; in regard to transactions that involve houses that are marital property, the Law on Marriage and Family shall also apply. In case of termed property purchase in accordance with Clause 1 Article 165 hereof, houses shall be returned upon the expiry of purchase term in accordance with Clause 2 Article 9 hereof.

If Land Law stipulates otherwise regarding obligations of owners of houses associated with land use right that are overseas Vietnamese, such provisions shall prevail;

d) comply with the law and not cause harm to Government interests, public interests, legal rights and benefits of other organizations and individuals during maintenance, renovation, demolition, reconstruction of houses; in case of termed purchase of houses in accordance with Clause 1 Article 165 hereof, agreement between the parties shall also apply;

dd) purchase fire insurance for houses when fire insurance is required in accordance with fire safety and insurance laws;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) enable relevant parties and competent individuals to conduct inspection, monitoring, and maintenance of equipment, technical infrastructures, and area under common property;

h) exercise financial obligations to the Government upon having right to property recognized, upon conducting transactions relating to houses, and while using houses as per the law;

i) perform other obligations as per the law.

2. House owners that are foreign organizations and individuals shall have obligations under Clause 1 of this Article and Article 21 hereof; representative of state ownership of public housing shall have obligations under Clause 1 of this Article and responsibilities under Article 15 hereof.

3. House users that are not owners shall exercise obligation to manage and use houses according to agreement with house owners, this Law, and other relevant law provisions.

Article 12. Date of establishing property ownership

1. In case of direct housing investment and construction, the date on which property ownership is established shall be the date on which house construction is finished in accordance with construction laws.

2. In case of house purchase or lease purchase that is not specified under Clause 4 of this Article, the date on which property ownership is established shall be the date on which the buyer, the buyer/tenant has settled all payments and received houses unless otherwise agreed upon by the parties.

3. In case of capital contribution, gifting, ownership transfer, the date on which property ownership is established shall be date on which the parties that receive capital contribution, gift, ownership transfer from the parties that contribute capital, gift, transfer ownership unless otherwise agreed upon by the parties.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. In case of inheritance, the date on which property ownership is established shall conform to civil laws.

6. In case of other circumstances, conform to relevant law provisions.

7. Transactions under Clause 2, Clause 3, and Clause 4 of this Article shall comply with housing transaction conditions and the contract shall enter into force in accordance with this Law.

Section 2. PUBLIC HOUSING

Article 13. Public housing

1. Public housing includes:

a) Official residence consists of central government official residence and local government official residence in accordance with housing laws;

b) Relocation housing invested and constructed by the Government or residential real estates purchased by the Government to facilitate relocation in accordance with housing laws which have not facilitated relocation;

c) Social housing and housing for people’s armed forces invested and constructed by the Government to accommodate beneficiaries of housing policies in accordance with housing laws;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Houses of other ownership changed into public ownership as per the law and other than cases under Point d of this Clause.

2. The development, management, and use of public housing shall conform to this Law or, if this Law does not stipulate such matter, the Law on Management and Use of Public Property.

Article 14. Ownership representatives of public housing

1. The Ministry of Construction shall act as ownership representatives of public housing and social housing invested using central government budget; dorms for students of public education institutions affiliated to the Ministry of Construction.

2. The Ministry of National Defense and Ministry of Public Security shall act as ownership representatives of public housing, houses for people’s armed forces purchased or invested by the Ministry of National Defense, Ministry of Public Security, houses for students in public education institutions under management of the Ministry of National Defense, Ministry of Public Security. In respect of houses under Point d Clause 1 Article 13 hereof leased and managed by the Ministry of National Defense, the Ministry of National Defense shall act as ownership representatives unless these houses are transferred to provincial People’s Committees as per the law.

3. Ministries, ministerial agencies, Governmental agencies, other central authorities (hereinafter referred to as “central authorities) shall act as ownership representatives of public housing and dorms for students of public education institutions under management of respective authorities.

4. Provincial People‘s Committees shall act as ownership representatives of houses invested using funding sources specified in Clause 1 Article 113 hereof and under management of local government and houses under their management.

Article 15. Responsibilities of ownership representatives of public housing

1. In respect of public housing invested using funding sources specified under Point a Clause 1 Article 113 of this Law, ownership representatives of public housing have the responsibility to:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) select entities managing house operation and entities maintaining houses;

c) decide on maintenance, renovation, demolition, reconstruction of houses; approve solutions for relocation, forceful relocation, compensation, support, relocation, and temporary residence within their powers;

d) promulgate or decide on rent, lease purchase price, selling price of houses, grant exemption, reduce rent and/or purchase price;

dd) decide on transition to occupancy in accordance with Article 124 hereof;

e) decide on the use of revenues generated from business operation in areas serving business and service purposes in relocation housing in order to support maintenance, management, and operation costs of the houses;

g) decide on repossession and enforced repossession of houses;

h) exercise other responsibilities as per the law.

2. In respect of public housing invested using funding sources under Point b Clause 1 Article 113 hereof, ownership representatives of public housing shall exercise responsibilities under Points c, dd, e, g, and h Clause 1 of this Article.

3. Other than Clause 2 of this Article, ownership representatives of public housing may assign housing authority to select housing operational management entities, housing maintenance entities, and decide on housing maintenance. The Ministry of National Defense and Ministry of Public Security may assign housing authority to exercise rights under Point a and Point g Clause 1 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Section 3. HOUSE OWNERSHIP IN VIETNAM OF FOREIGN ORGANIZATIONS, INDIVIDUALS

Article 16. Areas in Vietnam where foreign organizations, individuals are allowed to own houses

1. Foreign organizations, individuals are allowed to own houses in house investment and construction projects in accordance with Article 17 hereof, except projects in areas of strict national defense and security according to Vietnamese laws.

2. The Ministry of National Defense and Ministry of Public Security are responsible for notifying areas under strict national defense and security to enable provincial People’s Committees to determine and publish lists of housing investment and construction projects in areas where house ownership of foreign organizations, individuals is allowed on their website and websites of provincial housing authorities.

Article 17. Foreign organizations, individuals allowed to own houses and form of house ownership in Vietnam

1. Foreign organizations, individuals allowed to own houses in Vietnam include:

a) Foreign-invested business organizations building houses in projects in Vietnam in accordance with this Law and relevant law provisions;

b) Business organizations with foreign investment, branches, representative offices of foreign enterprises, foreign investment funds, and foreign bank branches (hereinafter referred to as “FBB”) operating in Vietnam (hereinafter referred to as “foreign organizations”);

c) Foreign individuals allowed to enter Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The implementation of housing investment and construction projects in Vietnam in respect of organizations under Point a Clause 1 of this Article;

b) Purchasing, lease-purchasing residential real estates of developers of housing investment and construction projects, receiving gift, inheriting residential real estates in housing investment and construction projects in areas without strict national defense and security requirements in accordance with Article 16 hereof in respect of organizations and individuals under Point b and Point c Clause 1 of this Article;

c) Purchasing, lease-purchasing houses previously owned by foreign organizations and individuals in accordance with Point b of this Clause in respect of organizations and individuals under Point b and Point c Clause 1 of this Article.

Article 18. Eligibility for foreign organizations, individuals to own houses in Vietnam

1. Foreign-invested business organizations in accordance with Point a Clause 1 Article 17 hereof must be developers of housing investment and construction projects in accordance with this Law and real estate laws.

2. Foreign organizations under Point b Clause 1 Article 17 hereof must obtain investment certificate or investment registration certificate or documents relating to permission to operate or establish in Vietnam effective at the time of signing housing transactions (hereinafter referred to as “investment certificates”) issued by Vietnamese competent authority.

3. Foreign individuals under Point c Clause 1 Article 17 of this Law do not benefit from diplomatic, consular privileges and immunities as per the law.

Article 19. Number of houses eligible for ownership by foreign organizations, individuals in Vietnam

1. Foreign organizations and individuals under Point b and Point c Clause 1 Article 17 hereof may only purchase, lease purchase, receive gifted, inherit, and own up to 30% of total dwelling units in an apartment buildings or up to 250 single-family houses including villas and row houses in an area with population equivalent to that of a ward.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The Government shall stipulate areas with strict national defense and security requirements, criteria for converting to population scale equivalent to that of a ward, number of houses eligible for ownership by foreign organizations and individuals, extension of house ownership, and housing management, ownership of foreign organizations, individuals in Vietnam.

Article 20. Rights of house owners that are foreign organizations, individuals

1. Foreign-invested business organizations under Point a Clause 1 Article 17 hereof shall exercise rights under Article 10 hereof or only the right to lease houses that are built on rented land.

2. Foreign organizations, individuals under Point b and Point c Clause 1 Article 17 of this Law shall have ownership rights similar to those of Vietnamese nationals and comply with requirements below:

a) They may only purchase, lease-purchase, receive gifted, inherit, and own houses to the maximum number stipulated under Article 19 hereof and obtain certificate for these houses;

b) If foreign organizations, individuals receive or inherit houses that are not specified under Point b Clause 2 Article 17 hereof or own more than the maximum number of houses under Article 19 hereof or own houses in areas with strict national defense and security requirements under Article 16 hereof, they shall only benefit from value of these houses;

c) Foreign individuals may own houses in accordance with agreement via purchasing, lease-purchasing, gifting, inheriting houses for up to 50 years from the date on which the certificate is issued and request extension once for up to 50 years. Duration of ownership shall be specified in the certificate.

Foreign individuals marrying Vietnamese nationals and living in Vietnam may own houses and exercise rights of house owners similar to those of Vietnamese nationals.

Foreign individuals marrying overseas Vietnamese permitted to enter Vietnam may own houses and exercise rights of house owners similar to those of overseas Vietnamese;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Prior to expiry of time limit for housing ownership according to this Law, owners may, by themselves or by authorizing other organizations and individuals, to exercise the right to gift or sell these houses to entities eligible for housing ownership in Vietnam; if owners fail to sell or gift houses that they own before the expiry of time limit for housing ownership, the houses shall be public property.

If parties gifted with or purchasing houses are entities specified under Point a and Point b Clause 1 Article 8 of this Law, they shall have the rights detailed under Clause 1 Article 10 hereof.

Article 21. Obligations of house owners that are foreign organizations, individuals

1. Foreign-invested business organizations under Point a Clause 1 Article 17 hereof shall have obligations of house owners in accordance with Article 11 hereof.

2. Foreign organizations, individuals under Point b and Point c Clause 1 Article 17 of this Law shall have ownership obligations similar to those of Vietnamese nationals and comply with requirements below:

a) Owners that are foreign individuals may lease houses for purposes not prohibited by the law as long as the owners inform housing authority of districts, communes, provincial cities, central-affiliated cities (hereinafter referred to as “district-level”) in writing in advance about the lease in accordance with regulations of the Ministry of Construction and pay tax generated by the lease as per the law.

Foreign individuals marrying Vietnamese nationals who are living in Vietnam shall have obligations similar to those owners that are Vietnamese nationals.

Foreign individuals marrying overseas Vietnamese permitted to enter Vietnam may own houses and exercise obligations of house owners similar to those of overseas Vietnamese;

b) Owners that are foreign organizations shall only use their houses to accommodate employees of the organizations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) If foreign individuals are subject to removal or deportation or foreign organizations are suspended from operating in Vietnam by Vietnamese competent authority as a result of violating Vietnamese law in using houses under their ownership, these houses shall be processed in accordance with decisions of Vietnamese competent authorities.

Article 22. Cases where foreign organizations, individuals are not issued with the certificate

1. The following foreign organizations and individuals shall not be issued with certificate for their houses and shall only sell or gift these houses to entities eligible for owning houses in Vietnam:

a) Foreign organizations, individuals are gifted or inheriting houses that do not fall under the case described in Point b Clause 2 Article 17 hereof or exceed the maximum number of houses for ownership in accordance with Article 19 hereof or are located in areas with strict national defense and security requirements in accordance with Article 16 hereof;

b) Foreign organizations that do not operate in Vietnam or foreign individuals not allowed to enter Vietnam are gifted or inheriting houses in Vietnam.

2. Entities under Point a Clause 1 of this Article may, by themselves or by authorizing other organizations and individuals, sell or gift houses; entities under Point b Clause 1 of this Article may authorize other organizations and individuals residing, operating in Vietnam to sell or gift houses.

3. Entities inheriting houses including organizations and individuals eligible for house ownership and ineligible for house ownership in Vietnam, shall discuss the processing of inherited houses and:

a) allow organizations, individuals eligible for house ownership in Vietnam to inherit the houses; allow organizations, individuals ineligible for house ownerships in Vietnam to benefit from value of the houses corresponding to inheritance value; or

b) gift or sell these houses to organizations and individuals eligible for house ownership in Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



NATIONAL HOUSING DEVELOPMENT STRATEGY, PROVINCIAL HOUSING DEVELOPMENT PROGRAMS AND PLANS

Section 1. NATIONAL HOUSING DEVELOPMENT STRATEGY

Article 23. Basis for developing National housing development strategy

1. National socio-economic development strategy; national general planning.

2. National socio-economic development conditions.

3. Results of previous National housing development strategy; housing conditions.

4. Requirements regarding housing development for entities during development of National housing development strategy.

Article 24. Details of National housing development strategy

National housing development strategy consists primarily of:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Housing development objectives which include:

a) General objectives in order to satisfy housing demands of entities, ensure sustainable and transparent real estate market development;

b) Specific objectives including: developing housing area; improving housing quality; developing residential real estates, social housing, houses for people’s armed forces, official housing, relocation housing, housing under national target programs, public investment programs regarding housing; private houses; renovation and reconstruction of apartment buildings; objectives in vision of National housing development strategy including total housing area, total social housing area, houses for additional people’s armed forces, housing quality;

3. Tasks and solutions for executing National housing development strategy, including: land fund planning and development; housing development and management in accordance with programs and plans; funding sources and tax, administrative procedure and investment procedure reform; development of real estate market and other tasks, solutions;

4. Responsibilities of ministries, ministerial agencies, provincial People’s Committees, relevant agencies, organizations in implementation of the National housing development strategy.

Article 25. Period of National housing development strategy and entitlement to approve National housing development strategy

1. A National housing development strategy shall last 10 years and contain vision appropriate to National socio-economic development strategy. National housing development strategy shall be approved in the first year of the Strategy.

2. The Ministry of Construction shall take charge and cooperate with ministries, ministerial agencies, relevant agencies and organizations in developing National housing development strategy and submitting to the Prime Minister.

3. Basic indicators regarding housing development in the National housing development including average house area per capita, housing quality in urban areas, rural areas, and nationwide shall be incorporated in national socio-economic development tasks from time to time.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Section 2. PROVINCIAL HOUSING DEVELOPMENT PROGRAMS AND PLANS

Article 26. Basis for development and period of provincial housing development programs and plans

1. Basis for developing provincial housing program includes:

a) National housing development strategy;

b) Land use planning, construction planning, urban planning;

c) Local socio-economic development conditions; results of previous provincial housing development programs; housing conditions; housing demands during development of provincial housing development programs.

2. Basis for developing provincial housing development plans includes:

a) Provincial housing development programs;

b) Local socio-economic development plans;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Depending on local conditions, provincial People's Committees may develop and approve separate plans for development of social housing, relocation housing, renovation and reconstruction of apartment buildings.

4. Period of provincial housing development programs and plans shall be determined as follows:

a) A provincial housing development program shall last 10 years corresponding to National housing development strategy;

b) A provincial housing development plan shall last 5 years where the first period of provincial housing development programs is determined by the first period of provincial housing development programs.

Article 27. Details of provincial housing development programs and plans

1. Provincial housing development programs include:

a) Assessment of current conditions of floor area and quality of single-family houses, apartment buildings; current conditions of types of house developed in projects, houses in national target programs, public investment programs regarding houses, houses built by individuals; current conditions of residential real estate market;

b) Analysis and evaluation of attained results, difficulties, drawbacks, complaints, and causes in implementation of previous provincial housing development periods;

c) Forecast for land area for development of social housing, relocation housing, official housing, renovation and reconstruction of apartment buildings. Forecast for additional floor area demand in provinces and central-affiliated cities during the period of provincial housing development programs, which identify demands for housing area of each beneficiary group of social housing support policies and each type of houses developed in projects;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Housing development direction during program periods, including average housing area per capita in urban areas, rural areas in provinces and central-affiliated cities; minimum floor area; expected floor area completed and brought into use within the program period; house quality in urban areas and rural areas;

e) Demands for state budget and other funding sources for housing development;

g) Solutions for executing the program, including solutions regarding planning, land fund, funding sources, tax, administrative procedure and investment procedure reform, and other solutions;

h) Areas expected for housing development by district level;

i) Responsibilities of People’s Committees of all levels and local authorities in implementation of provincial housing development programs.

2. Provincial housing development plans include:

a) Indicators regarding average housing area per capita, finished and useable floor area of houses developed in projects, houses in national target programs, public investment programs for housing;

b) Indicators regarding house quality in urban areas and rural areas in provinces and central-affiliated cities;

e) Demands for state budget and other funding sources for housing development;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Responsibilities of People’s Committees of all levels and local authorities in implementing provincial housing development plans.

Article 28. Revision to provincial housing development programs and plans

1. Revision to provincial housing development programs shall be conducted upon changes to any of the details specified under Points c, d, dd, or h Clause 1 Article 27 hereof as a result of revision to provincial planning or approval of provincial planning in new stages or establishment, dissolution, merger, acquisition, division, or adjustment to boundaries of provincial administrative divisions.

2. Revised provincial housing development programs shall contain:

a) Necessity for program revision;

b) Revision contents; funding sources for implementation;

c) Solutions for executing the revision;

d) Responsibilities of People’s Committees of all levels and local authorities in implementation of revised programs.

3. Revision to provincial housing development plans of provinces shall be implemented when:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Revision is made to details relating to houses in provincial socio-economic development plans;

c) The case of Clause 4 Article 65 hereof occurs if apartment building renovation, reconstruction plans are developed and approved together with provincial housing development plans.

4. Revised provincial housing development plans shall indicate:

a) Purpose and requirements of revision;

b) Revision contents; funding sources for implementation;

c) Solutions for executing the revision;

d) Responsibilities of People’s Committees of all levels and local authorities in implementing revision plans.

5. When revising provincial housing development programs and plans, provincial People’s Committees shall retain the approved programs and plans.

Article 29. Development and approval of provincial housing development programs and plans

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Provincial People’s Committees shall organize development of provincial housing development programs and request provincial People’s Councils to approve. When provincial People's Councils have granted approval, provincial People’s Committees shall approve and implement provincial housing development programs;

b) On the basis of approved provincial housing development programs, provincial People’s Committees shall develop, approve, and implement provincial housing development plans; if the plans utilize budget sources for housing development, the housing development plans shall also conform to medium-term approved public investment plans.

2. Upon approving provincial housing development programs and plans, provincial People's Committees shall publicize these programs and plans on their websites, local mass media, and send to provincial housing authorities to be published on website of housing authorities and submission to Ministry of Construction.

3. The Government shall elaborate details, procedures for developing, approving, revising, expenditure on developing, revising provincial housing development plans and programs; conformity of construction investment projects to provincial housing development plans and programs when evaluating investment guidelines.

Chapter IV

HOUSING DEVELOPMENT

Section 1. GENERAL PROVISIONS

Article 30. Means of housing development

1. Housing development in housing investment and development projects including:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Investment and construction projects for 1 mixed-use house or 1 mixed-use housing complex;

c) Investment and construction projects for housing to synchronize housing construction with construction of technical infrastructures, social infrastructures, and other structures serving residential purposes;

d) Investment and construction projects for infrastructures of housing complex for transferring land use right to individuals for house construction;

dd) Investment and construction projects of urban areas with houses;

e) Multi-purpose land use projects reserving project land for house construction.

2. Housing development individuals in accordance with Section 5 of this Chapter.

Article 31. Type of houses developed in housing investment and construction projects and standard housing area

1. Houses established by housing investment and construction projects include:

a) Social housing development;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Development of official housing;

d) Developing for relocation homes;

dd) Renovation and reconstruction of apartment building.

e) Development of mixed-use houses under this Clause in accordance with this L:aw.

2. Houses shall be designed and built in accordance with this Law and construction standards, regulations; apartment dwelling units shall be designed and built in a closed structure where dwelling unit floor area is not lower than area stipulated under national technical regulations on apartment buildings; house construction in rural areas shall also conform to customs, traditions, and architecture of each region, zone and include auxiliary structures serving residential and manufacturing demands of families and individuals.

Article 32. Land fund for housing development

1. Land area for housing development shall be determined in urban planning, construction planning of industrial parks, construction planning for higher education institutions, other construction planning in accordance with planning laws, urban planning laws, construction laws, and other relevant law provisions.

2. Allocation of land for housing development shall conform to land use planning, land use plan, land requirement for housing development in approved provincial housing development programs and plans, and conform to this Law and land laws.

3. Allocation of land for residential real estate, official housing, relocation housing development shall conform to Clause 1 and Clause 2 of this Article, Sections 2, 3, and 4 of this Chapter.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 33. Requirements of housing investment and construction projects

1. Housing investment and construction projects under Clause 1 Article 30 of this Law shall satisfy general requirements below:

a) Conform to approved provincial housing development programs and plans, comply with decided or approved investment guidelines, and satisfy requirements under Article 5 of this Law; implement in accordance with approved detail planning;

b) Sub-division into component projects (if any) and investment phases shall be determined in investment guidelines, construction feasibility study, decisions on investment and construction in accordance with investment laws, public investment laws, and construction laws;

c) Housing investment and construction projects and areas therein shall be named in Vietnamese; investment and construction projects for social housing, housing for people’s armed forces, relocation housing shall be named in Vietnamese by project developers; if developers of investment and construction projects for residential real estates, renovation and reconstruction of apartment buildings may name the projects in Vietnamese followed by the project name in foreign language. Name of projects and name of areas in projects shall be specified in investment guidelines or details of approved projects and used throughout investment, management, use process;

d) Details of approved projects shall be adequately implemented by developers of housing investment and construction projects; in case of revision to project details which leads to revision to investment guidelines, developers of housing investment and construction projects shall adopt procedures for revision to investment guidelines as per the law before revising project details;

dd) Commissioning and hand-over of houses, technical infrastructures, social infrastructures together with projects shall conform to this Law, construction laws, other relevant law provisions; ensure quality and safety in construction, operation, use, fire safety, and environmental protection. Requirements regarding natural disaster preparedness, prevention, and climate change adaptation shall also be met in areas prone to climate change;

e) Housing investment and construction projects that apply energy efficient technology, resource efficient technology, green structures, or smart cities shall be subject to respective requirements, standards, and technical regulations as per the law; apartment buildings shall also be fitted with telecommunication and communication infrastructures as per the law.

2. Investment and construction projects for mixed-use houses under Point b Clause 1 Article 30 hereof shall fulfill requirements under Clause 1 of this Article and requirements below:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Approved project details shall define whether or not areas of different functions are physically separated; if areas of different functions are separated, equipment and system for use in each area shall be designed and installed in a manner that is physically separated from equipment and system for use in the entire mixed-use structures in order to ensure management requirements during use;

c) Ensure consistency between technical infrastructures, social infrastructures inside and outside of projects.

3. Housing investment and construction projects under Points c, d, dd, and e Clause 1 Article 30 of this Law shall fulfill requirements under Clause 1 of this Article and requirements below:

a) Adequate technical infrastructures and social infrastructures satisfying planning criteria in accordance with planning laws shall be required and connected to general technical infrastructures of the area;

b) Responsibilities for investment, construction, management, and use of technical infrastructure and social infrastructures of projects shall be defined in investment guidelines in accordance with investment laws, public investment laws, and construction laws;

c) If land use right is transferred to enable individuals to build houses in accordance with this Law and other relevant law provisions, details of approved projects shall define areas and locations for housing investment and construction, areas and locations subject to land use right transfer where individuals build houses, or whether the entire projects are subject to land use right transfer for house construction by individuals.

4. In addition to requirements under Clauses 1, 2, and 3 of this Article, housing investment and construction projects shall also satisfy requirements respective to the type of housing investment and construction projects under Articles 49, 53, 60, 81, 95, and 105 of this Law and other relevant law provisions.

5. List of on-going housing investment and construction projects in provinces and central-affiliated cities shall be public on website of provincial People’s Committees and provincial housing authorities.

Article 34. Phases of housing investment and construction projects

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The Government shall elaborate Clause 1 of this Article.

Article 35. Project developers and eligibility of project developers of housing investment and construction projects

1. Developers of housing investment and construction projects include:

a) Cooperative enterprises, joint cooperatives, foreign-invested business organizations established and operating under Vietnamese laws, engaging in real estate trading (hereinafter referred to as “real estate enterprises”), and satisfy requirements under Clause 2 of this Article;

b) Organizations investing and building houses using funding sources under Clause 5 Article 112, Clause 1 Article 113 of this Law and satisfy requirements under Clause 3 of this Article.

2. In respect of cases under Point a Clause 1 of this Article, developers of housing investment and construction projects shall:

a) have equity in accordance with real estate trading laws for implementation of each housing investment and construction law; and

b) obtain land use right for each type of housing investment and construction law in accordance with this Law or be assigned with land or leased land in accordance with Land Law; and

c) have sufficient capacity and experience in executing housing investment and construction projects as per the law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Depending on type of housing investment and construction project, selection of project developers shall conform to Clauses 1, 2, and 3 of this Article and other relevant law provisions.

Section 2. RESIDENTIAL REAL ESTATE DEVELOPMENT IN PROJECTS

Article 36. Developers of residential real estate development projects

1. Developers of residential real estate development projects shall be real estate enterprises satisfying requirements under Points a and c Clause 2 Article 35 of this Law and falling under any of the cases mentioned in Clause 2 or Clause 3 of this Article.

2. Real estate enterprises assigned with land or leasing land as a result of winning land use right auction or winning bid for selection of contractors for projects that involve land use; or otherwise accepted as investors when organizing auction, bidding in accordance with investment laws.

3. Real estate enterprises having approved investment guidelines and accepted as developers of residential real estate development projects when the investors obtain land use right via agreement on acceptance of land use right in regard to type of land on which residential real estate investment and construction projects are allowed or are having land use right in regard to type of land on which residential real estate investment and construction projects are allowed according to Land Law.

Article 37. Execution of residential real estate investment and construction projects

1. Execution of residential real estate investment and construction projects shall conform to this Law, construction laws, and other relevant law provisions.

2. Developers of housing investment and construction projects shall build houses and technical infrastructures, social infrastructures according to planning and details, progress of approved projects; or carry out construction work corresponding ton approved investment phase if projects involve multiple investment phases.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. The hand-over of houses to buyers, buyer/tenant shall only be done when house commissioning in accordance with approved design and technical infrastructure commissioning of the area have been carried out in accordance with approved project schedule. If developers of housing investment and construction projects are required to build social infrastructures to serve accommodation demands according to investment guidelines, they shall complete construction process and carry out commissioning in accordance with approved schedule prior to handing over the houses. In case of hand-over of partially constructed houses, the entire exterior of these houses shall be completed.

In case of hand-over of apartment buildings, project developers shall obtain adequate documents on property handover according to regulations of the Government.

5. Commissioning of houses, technical infrastructures, and social infrastructures in projects shall conform to construction laws.

Article 38. Rights of developers of residential real estate development projects

1. Require relevant agencies, organizations to adopt procedures as per the law during approval of investment guidelines, production, approval, and implementation of the projects.

2. Sell, lease sell, lease houses; mobilize capital, collect sale, lease sale, lease payment in accordance with this Law, real estate trading laws, and signed contracts.

3. Exercise rights of individuals using land and selling products in projects according to approved investment guidelines and approved project details.

4. Transfer, in part or in whole, projects in accordance with real estate trading laws, land laws, investment laws.

5. Manage and operate technical infrastructures, social infrastructures within the projects without having to transfer to the Government according to investment guidelines and approved project details.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7. Benefit from incentive policies of the Government during project implementation as per the law.

8. Exercise other rights as per the law.

Article 39. Obligations of developers of residential real estate development projects

1. Produce, approve, and implement projects in accordance with approved investment guidelines, approved project, this Law, construction laws, and other relevant law provisions.

2. Deposit or obtain bank guarantee regarding deposit obligations for project execution in accordance with investment laws; incur housing transaction insurance premiums in accordance with real estate trading laws; ensure financial capability for project execution as per the law.

3. Build houses and technical infrastructures, social infrastructures in projects in accordance with detail planning, approved investment guidelines, comply with design and area standards applicable to social housing and approved projects.

4. If developers are eligible for transferring land use right to allow individuals to build houses in accordance with this Law, project developers shall only transfer land use right after finishing and commissioning technical infrastructures in accordance with construction laws and real estate trading laws in respect of the areas where the transfer occurs.

5. Produce reports on implementation and implementation results of projects on a periodic basis and at the end of projects in accordance with housing laws and real estate trading laws.

6. Sign contracts and documents relating to capital mobilization for implementation of housing investment and construction projects in accordance with this Law, real estate trading laws, and other relevant law provisions. Do not authorize or assign parties participating in investment, joint venture, consortium, cooperation, capital contribution, or other organizations and individuals to sign contracts for property lease, lease purchase, purchase, deposits for housing transaction or trading of land use right in projects.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



8. Within 50 days from the date on which houses are handed over to buyers or from the date on which buyer/tenant has settled all payments, request competent authority in writing to issue certificate to buyers, buyer/tenant unless the buyers, buyer/tenant apply for certificate by themselves.

9. Provide house insurance in accordance with this Law and construction laws; implement financial obligations to the Government as per the law.

10. Comply with legally effective decisions of competent authority regarding penalties for violations in housing development, capital mobilization, and advance of customers, implement housing transactions and other activities stipulated under this Law.

11. Incur damages in case of damage done to customers or organizations, individuals engaging in housing investment and construction.

12. Fulfill obligations under Clause 2 and Clause 3 Article 83 of this Law.

13. Perform other obligations as per the law.

Section 3. OFFICIAL HOUSING DEVELOPMENT

Article 40. Land for official housing construction

1. Land area for official housing construction shall be specifically determined in approved construction planning.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. In respect of official housing for entities affiliated to people’s armed forces according to this Law, the Ministry of National Defense and Ministry of Public Security shall take charge, cooperate with Ministry of Construction and provincial People’s Committees where official housing entities affiliated to people’s armed forces are built.

4. In respect of local official housing, provincial People’s Committees are responsible for allocating land for official housing construction when producing and approving planning as per the law.

5. The Government shall not collect land levy of land area on which official housing is built in accordance with this Article.

Article 41. Official housing development means and plan

1. The Government shall invest using budget, including central government budget and local government budget in construction of official housing and purchase, leasing of residential real estate as official housing.

2. Central authorities shall verify official housing demand and details under Points a, b, and c Clause 5 of this Article of their agencies or fields and send to the Ministry of Construction for appraisal, development, and submission of 5-year official housing development plans of central authorities to the Prime Minister for approval except for Clause 3 of his Article.

3. The Ministry of National Defense and Ministry of Public Security shall take charge and cooperate with Ministry of Construction in developing 5-year official housing development plan for entities within people's armed forces in accordance with this Law and submitting to the Prime Minister.

4. Provincial People’s Committees shall produce and approve official housing development under Clause 5 of this Article for entities eligible for renting local official housing in provincial housing development plans under this Law.

5. Primary contents of official housing development plans under this Article include:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Land area demand for official housing construction;

c) Type and quantity of each housing type, total floor area requiring construction or purchase, renting from residential real estate as official housing during plan duration;

d) Expected capital for investment and construction of official housing, purchase, renting of residential real estates as official housing in 5 years;

dd) Responsibilities of presiding entities, relevant ministries, central departments, and local governments.

6. Official housing plans and contents serve as the basis for producing investment estimates of official housing construction, purchase, leasing of residential real estates as official housing.

Article 42. Decision on investment guidelines, decision on investment, and decision on developers of official housing investment and construction projects

1. Decision on investment guidelines of official housing investment and construction projects shall be implemented as follows:

a) The Prime Minister shall decide on investment guidelines of official housing investment and construction projects at request of the Ministry of Construction in order to enable entities of central authorities to rent except for Point b of this Clause;

b) The Minister of National Defense and Minister of Public Security shall decide on investment guidelines of official housing investment and construction projects after reaching agreement with the Ministry of Construction to lease to entities of people’s armed forces;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. In respect of Points a and b Clause 1 of this Article, competent individuals entitled to decide on investment guidelines shall decide on investment and decide on developers of official housing investment and construction projects. In respect of Point c Clause 1 of this Article, Chairpersons of provincial People’s Committees shall decide on investment and decide on developers of official housing investment and construction projects.

3. The Government shall elaborate this Article.

Article 43. Purchase and renting of residential real estates as official housing

1. In case of insufficient official housing fund to accommodate entities eligible for rent in the area with residential real estates built by projects, satisfying quality according to construction laws, and qualifying for type and standards area of official housing, competent authorities under Article 14 hereof may purchase and/or rent these residential real estates as official housing.

2. Prior to producing projects for purchasing residential real estates as official housing, competent authorities shall decide on investment guidelines as follows:

a) The Ministry of Construction shall request the Prime Minister to decide on investment guidelines of projects for purchasing residential real estates to lease to entities under Points a, e, and g Clause 1 Article 45 hereof, entities of central authorities under Point b Clause 1 Article 45 hereof;

b) The Ministry of National Defense and Ministry of Public Security shall request the Prime Minister to decide on investment guidelines of projects for purchasing residential real estates to lease to entities under Point d Clause 1 Article 45 hereof;

c) Provincial People’s Councils shall decide on investment guidelines or assign provincial People’s Committees to decide on investment guidelines of projects for purchasing residential real estates to lease to entities under Points c and dd Clause 1 Article 45 hereof and local entities under Point b Clause 1 Article 45 hereof.

3. When competent authorities have decided on investment guidelines, projects for purchasing residential real estates as official housing shall be implemented as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) In respect of projects for purchasing residential real estates to lease to entities of people’s armed forces, the Minister of National Defense, and Minister of Public Security shall decide on investment after reaching an agreement with the Ministry of Construction;

c) In respect of projects for purchasing residential real estates to lease to local entities, provincial housing authorities shall request Chairpersons of provincial People’s Committees to decide on investment;

d) Primary contents of projects for purchasing residential real estates as official housing under this Clause include position, location, type of house, quantity of house, useable area of each type of house, price, relevant costs, fundings for house purchase, payment methods, agencies signing property purchase contracts, project schedule, agencies responsible for housing management following purchase, responsibilities of relevant agencies in project execution;

dd) Purchase price of residential real estates for use as official housing shall decided by individuals deciding on investment on the basis of consulting housing market price and price evaluation results of entities conducting evaluation at the time of purchase.

4. The renting of residential real estates as official housing is regulated as follows:

a) In respect of renting to lease to entities of central authorities, the Ministry of Construction shall request the Prime Minister to review and decide; the Ministry of Construction shall directly sign lease agreements with property owners in order to accommodate entities eligible for renting official housing;

b) In respect of leasing houses to entities of people’s armed forces, the Ministry of National Defense and Ministry of Public Security shall request the Prime Minister to review and decide; the Ministry of National Defense and Ministry of Public Security shall directly sign lease agreements with property owners in order to accommodate entities eligible for renting official housing;

c) In respect of leasing houses to local entities, provincial housing authorities shall request provincial People's Committees to review and decide; provincial housing authorities shall then directly sign lease agreements with property owners in order to accommodate entities eligible for renting official housing;

d) Primary contents of reports proposing renting of residential real estates as official housing in this Clause include position, location, type of house, quantity of houses, useable area of each type of house, rent, rent duration, relevant costs, funding sources for rent, agencies responsible for settling rent, agencies signing lease agreements and managing property during rent.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 44. Type and area standards of official housing

1. Official housing includes villas, row houses, and dwelling units of varying area standards appropriate to each group of entities eligible for renting official housing in accordance with this Law.

2. Area and interior standards of official housing shall be stipulated by the Prime Minister and adjusted from time to time at request of Ministry of Construction.

Article 45. Eligible entities and eligibility for renting official housing

1. Entities eligible for renting official housing include:

a) Figureheads of the Communist Party, the Government staying at official housing while holding position;

b) Officials and public officials in agencies affiliated to the Communist Party, the Government, socio-political organizations that do not fall under Point a of this Clause mobilized, reassigned, seconded from local government to central authority to hold position from vice heads of Governmental agencies and equivalent or higher; mobilized, reassigned, seconded from central agencies to local governments or between local governments to hold positions of Vice Chairpersons of People's Committees of districts, Vice Directors of Provincial Departments or equivalent or higher;

c) Officials, public officials, and public employees affiliated to agencies of Communist Party, the Government, socio-political organizations that do not fall under Point a and Point b of this Clause mobilized, reassigned, seconded to work in communes of rural areas, remote areas, areas with extremely disadvantaged socio-economic conditions, border areas, and islands;

d) Officers, non-commissioned officers, and servicemen in people’s armed forces mobilized, reassigned, seconded for national defense and security purposes; police officers, public officials, employees, public employees working in national defense, individuals engaging in cryptography, individuals working in the field of cryptography receiving salaries from state budget and affiliated to people’s armed forces mobilized, reassigned, seconded to work in communes of rural areas, remote areas, areas with extremely disadvantaged socio-economic conditions, border areas, and islands; unless entities under this Point are mandated by the law to stay in camps of people’s armed forces;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Scientists assigned to take charge of national-level science and technology tasks of special importance in accordance with the Law on Science and Technology; talents making important contributions to Vietnam recognized by competent authority as per the law;

g) Depending on practical situations, the Prime Minister shall decide entities that do not fall under Points a, b, c, d, dd, and e of this Clause shall be provided with official housing at request of Ministry of Construction on the basis of propositions of ministries, agencies, central organizations, provincial People’s Committees.

2. Eligibility to rent official housing:

a) Eligible entities under Point a Clause 1 of this Article whom shall be provided with official housing depending on security demands;

b) Entities under Points b, c, d, dd, e, and g Clause 1 of this Article who have not owned houses and have not been able to purchase, lease purchase, or rent social housing in locales where they conduct business trips at or have owned houses in locales where they conduct business trips while their average house area per capita is lower than minimum house area.

The Government shall elaborate this Point.

Article 46. Principles for evaluating rent of official housing

1. Adequately calculate costs necessary for operation management, operation, maintenance, leasing management during use of official housing.

2. Do not include land levy for construction of official housing, depreciations of official housing investment and construction funding or purchase cost of residential real estates serving as official housing.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. If residential real estates are rented to serve as official housing, individuals renting official housing shall pay rent for official housing at a lower price than rent of residential real estates.

5. The Government shall elaborate determination of rent of official housing and procedures for renting official housing.

Article 47. Rights and obligations of official housing tenants

1. Official housing tenants have the right to:

a) receive house and accompanying equipment according to lease agreement;

b) accommodate themselves and their family members during period in which they hold positions or conduct business trips;

c) request housing operation and management entities to promptly repair damage that is not caused by the tenants;

d) renew official housing lease agreements at the end of rent period if they remain eligible and satisfy all eligibility in accordance with Article 45 hereof;

dd) exercise other housing rights according to regulations and official housing lease agreements.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) use official housing for residential and daily activities of themselves and their family members during rent duration;

b) preserve official housing and accompanying equipment; refrain from renovating, repairing, demolishing official housing without permission; comply with regulations on management and use of dwelling units in case official housing is facilitated by apartment dwelling units;

c) refrain from subletting, lending, or authorizing management of official housing;

d) pay rent in accordance with lease agreements signed with leasing parties and settle other service fees regulated by service providers;

dd) return houses to agencies and organizations managing official housing within 90 days from the date on which the tenants retire according to retirement decision or are reassigned to other areas according to reassignment decision or are no longer entities eligible for renting official housing or no longer eligible according to Article 45 hereof. If tenants fail to return the property within the time limit under this Point, competent authorities leasing official housing shall issue decision on repossession and enforced repossession of official housing in accordance with Clause 2 Article 127 hereof. The repossession and enforced repossession of official housing shall be publicly notified on mass media;

e) while returning official housing, tenants shall transfer houses and accompanying houses according to lease agreements;

g) perform other obligations relating to housing in accordance with regulations and lease agreements.

Section 4. RELOCATION HOUSING DEVELOPMENT

Article 48. Relocation housing allocation

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Construction of houses in projects to be sold, lease-purchased, or leased to relocating individuals;

b) Order placement or purchase of residential real estates built in projects to be sold, lease-purchased, leased to relocating individuals;

c) Enabling of relocation individuals to purchase, lease-purchase, rent social housing built in projects;

d) Reimbursement of purchase, lease purchase, rent payments of relocating individuals;

dd) Assignment of relocation housing for individuals in apartment building renovation and reconstruction projects according to Chapter V hereof;

e) Relocation assignment as per land laws.

2. The Government shall stipulate eligible entities, eligibility for relocation housing; procedures for purchasing, lease-purchasing, renting relocation housing.

Article 49. Rules of developing relocation housing

1. Housing assignment for relocation in a situation where relocating individuals move to different residences shall be implemented prior to repossession, clearance of property unless relocating individuals voluntarily hand over their houses prior to being assigned with relocation housing in a manner that guarantees openness, transparency, incorporates interests of the Government, individuals whose houses are subject to repossession and clearance, and investors as per the law; conditions of relocation housing shall be equal to or higher than those of houses subject to repossession and clearance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



If relocation is implemented via purchase or lease purchase of social housing, social housing shall be prioritized for relocating individuals.

3. If house clearance serves construction of other structures according to approved planning in areas not specified in Clause 2 of this Article, depending on local conditions and demands of relocating individuals, relocation shall be implemented in any of the means detailed under Clause 1 Article 48 hereof.

4. If house clearance serves residential real estate or social housing investment and construction projects where relocating individuals wish to relocate at current location, developers of housing investment and construction projects shall situate residential real estates or social housing in the project sites to accommodate relocation.

5. In respect of apartment building demolition to serve apartment building, apartment complex renovation and reconstruction projects (hereinafter referred to as “apartment building renovation and reconstruction projects”), compensation, assistance, and relocation shall conform to Chapter V hereof.

6. If relocation is accommodated by houses built in projects, such projects shall be produced and approved separately and not incorporated with projects consisting of residential real estates, official housing, social housing, except for apartment building renovation and reconstruction projects; in respect of rural areas, relocation housing investment and construction projects shall also include land fund allocation for production demand of individuals subject to relocation.

7. If relocating individuals are eligible for compensation in form of land use right, land laws shall be complied with.

Article 50. Land fund for relocation housing investment and construction projects

1. Allocation of land area for relocation housing investment and construction projects shall conform to Article 32 hereof and land laws.

2. Land fund for relocation housing investment and construction projects shall be identified in zoning planning or detail construction planning at a scale of 1/500 and compliant with principles under Article 49 hereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 51. Developers of relocation housing investment and construction projects

1. Developers of relocation housing investment and construction projects include Management boards of field-specific projects affiliated to provincial People’s Committees, provincial land fund development organizations, provincial housing authorities, People's Committees of districts, or real estate trading enterprises. Except for cases under Clause 4 of this Article, decision on developers of relocation housing investment and construction projects shall conform to Clause 2 and Clause 3 of this Article.

2. In respect of relocation housing investment and construction projects that utilize public investment, provincial housing authorities shall propose any of the entities in Clause 1 of this Article as developers of housing investment and construction projects, except for real estate trading enterprises and submit reports on developers of housing investment and construction projects to provincial People’s Committees.

3. In respect of relocation housing investment and construction projects that do not utilize funding sources in Clause 2 of this Article, the entitlement to decide on developers of housing investment and construction projects shall be:

a) decided by the Prime Minister or decided by the Minister of Construction via authorization for relocation housing in projects of national importance;

b) decided by provincial People’s Committees in case relocation housing construction projects do not fall under Point a of this Clause, except for Point c of this Clause;

c) If the law mandates bidding to select investors as developers of housing investment and construction projects, such law shall prevail.

4. If apartment buildings are subject to clearance or demolition for reconstruction, selection of developers of housing investment and construction projects shall conform to Article 68 hereof.

Article 52. Order placement, purchase of residential real estates, allocation of social housing for relocation

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) If entities assigned to arrange relocation sign residential real estate purchase agreement with developers of housing investment and construction projects, relocating individuals shall directly sign purchase, lease purchase, rent agreements with entities assigned to arrange relocation and receive house from these entities;

b) If entities assigned to arrange relocation sign housing commissioning contracts with developers of housing investment and construction projects, relocating individuals shall directly sign property purchase agreement with developers of housing investment and construction projects on the basis of terms and contents of the housing commissioning contracts.

Provincial People’s Committees shall verify the number of commissioned houses appropriate to relocation demands in their provinces and cities. Relocating individuals are responsible for receiving houses in accordance with residential real estate purchase agreements;

c) Developers of housing investment and construction projects are responsible for requesting competent state authorities to issue certificate to relocating individuals who purchase, lease-purchase houses under Points a and b of this Clause unless said individuals voluntarily apply for the certificate.

2. In respect of assignment of social housing for relocation, entities assigned to arrange relocation shall introduce relocating individuals to local social housing fund to enable the individuals to sign social housing lease, lease purchase, purchase agreements in accordance with this Law.

3. The Government shall elaborate commissioning, purchase of residential real estate, allocation of social housing as relocation housing, procedures for property hand-over, management and use of relocation housing.

Article 53. Requirements of relocation housing

1. Relocation housing shall satisfy design, standard, construction regulation requirements in accordance with construction laws.

2. In case of housing investment and construction in projects to facilitate relocation, requirements of housing investment and construction projects under Article 33 hereof shall be complied with. Developers of housing investment projects are not allowed to alter design, area of houses and auxiliary structures (if any) serving relocation after relocation solutions have been approved.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. The following organizations and individuals are responsible for quality of relocation housing:

a) Developers of relocation housing investment and construction projects;

b) Developers of housing investment and construction projects for houses serving relocation;

c) Organizations and individuals relevant to construction of relocation housing as per the law.

5. Provincial housing authorities are responsible for guiding and inspecting relocation housing quality control in their provinces and cities.

Section 5. PRIVATE HOUSING DEVELOPMENT

Article 54. Requirements of private housing development

1. Conform to construction planning and construction laws.

2. House construction shall connect to general technical infrastructures of the area, satisfy hygiene, environmental, architectural, scenery requirements, not violate legitimate rights and benefits of owners, holders of other rights of adjacent structures. House construction and renovation shall incorporate preserving traditional house structures, conform to traditions, customs, production conditions of each area, region, zone, retain natural scenery, historical and cultural heritages. House construction in projects shall conform to approved detail construction planning of the projects.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Provincial People’s Committees shall review, provide support from local government budget, in part or in whole, in accordance with regulations on state budget to enable individuals to preserve, maintain, and renovate houses in areas where artistic, cultural, historical preservation is required.

Article 55. Means of private housing development

1. Individuals in rural areas shall build houses in any of the means below:

a) Building or hiring other organizations, individuals to build or receiving assistance from other organizations and individuals in building houses;

b) Hiring entities, individuals capable in construction to build houses if construction laws require capable entities, individuals to carry out construction work;

c) Cooperating and assisting each other in building houses.

2. Individuals in urban areas shall build houses in accordance with Point a and Point b Clause 1 of this Article and:

a) Cooperating in renovating and improving urban areas including houses or renovating and reconstructing apartment buildings in accordance with this Law;

b) Cooperating and assisting one another in building houses by contributing land use right, capital, workforce, materials, and effort of members in cooperatives.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 56. Responsibilities of individuals in housing development

1. Comply with construction laws in housing construction and renovation.

2. Comply with environmental protection laws in housing construction and renovation.

3. Ensure safety for humans and property of owners, occupants of adjacent structures during housing construction and renovation; damage shall be compensated for as per the law.

4. Individuals investing in construction of multi-storey, multi-unit apartment buildings for sale, lease purchase, leaser shall conform to Article 57 hereof.

5. Exercise other responsibilities in housing development as per the law.

Article 57. Private multi-storey, multi-unit apartment building development for sale, lease purchase, and lease

1. Holders of land use right in accordance with Clause 3 Article 54 hereof shall, when building houses in the cases below, satisfy eligibility of developers of housing investment and construction projects, comply with construction law and other relevant law provisions in respect of housing investment and construction laws in investment and construction:

a) Houses of at least 2 storeys where each storey accommodates dwelling units designed, built for sale, lease purchase, or a combination of sale, lease purchase, lease;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Dwelling units mentioned under Clause 1 of this Article shall be issued with certificate according to land laws, sold, lease-purchased, leased in accordance with this Law and real estate trading laws.

3. Holders of residential land use right in accordance with Clause 3 Article 54 hereof shall, when building houses of at least 2 storeys and less than 20 dwelling units where each storey accommodates dwelling units designed and built for lease, conform to regulations below:

a) Satisfy construction requirements of private multi-storey multi-unit houses according to regulations of the Minister of Construction;

b) Satisfy fire prevention and firefighting in accordance with regulations on fire safety applicable to private multi-storey multi-units houses;

c) Satisfy requirements regarding roads for firefighting facilities set forth by provincial People’s Committees in respect of private multi-storey and multi-unit houses.

4. If private multi-storey and multi-unit houses under Clause 3 of this Article accommodate dwelling units for sale and/or lease purchase, requirements under Clause 1 of this Article shall be met.

5. Management and operation of houses under Clause 1 and Clause 3 of this Article shall conform to Regulations on management and use of apartment buildings stipulated by the Minister of Construction (hereinafter referred to as “Regulations on management and use of apartment buildings”).

6. People’s Committees of all levels shall, within their tasks and powers, inspect and examine compliance with requirements under Clause 1 and Clause 3 of this Article.

7. The Government shall elaborate this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



RENOVATION AND RECONSTRUCTION OF APARTMENT BUILDINGS

Section 1. GENERAL PROVISIONS

Article 58. Lifespan of apartment buildings

1. Lifespan of apartment buildings shall be determined by design dossiers and actual useful life of apartment buildings according to conclusion of competent authority. Lifespan of apartment buildings according to design dossiers shall be specified in written appraisal of competent authorities in accordance with construction laws.

2. Lifespan of apartment buildings shall start from the date on which apartment buildings are commissioned for use in accordance with construction laws.

3. If lifespan of apartment buildings according to design dossiers under Clause 1 of this Article expires or the apartment buildings in question are damaged, prone to collapse, or do not guarantee safety for owners and occupants of apartment buildings before expiry of lifespan, provincial People's Committees shall coordinate inspection and quality assessment of apartment buildings in accordance with Article 61 hereof.

4. Declaration of apartment building lifespan expiry shall conform to this Law and construction laws.

Article 59. Apartment buildings for mandatory demolition

1. Apartment buildings subject to mandatory demolition under Clause 2 of this Article include:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Apartment buildings which have lifespan not expired in accordance with Article 58 hereof but are subject to mandatory demolition.

2. An apartment building shall be subject to mandatory demolition if:

a) The apartment building is damaged by fire and no longer satisfies safety requirements for further use;

b) The apartment building is damaged by natural disasters or foreign threats and no longer satisfies safety requirements for further use;

c) The apartment building have primary load-bearing elements which have shown general dangerous states, are prone to collapse, do not qualify for further use, or warrant immediate evacuation of owners and users of apartment buildings;

d) The apartment building is severely damaged, experiencing localized dangerous states of primary load-bearing elements, having technical infrastructures for fire safety, water supply, water drainage, electricity supply, local traffic not satisfactory to applicable technical standards and regulations, or potentially suffers from loss of safety during operation and use, requires demolition for safety of owners and users of apartment buildings and compliance with urban renovation and improvement requirements;

dd) The apartment building has any of the following primary structural elements: foundation, pillars, walls, girders, beams damaged, does not qualify for regular use, is not subject to mandatory demolition in accordance with Points c and d of this Clause, is located in areas where the apartment building must match apartment buildings subject to mandatory demolition under this Clause according to approved construction planning.

Article 60. Rules of apartment building renovation and reconstruction

1. Apartment buildings with under multiple owners and apartment buildings under public ownership shall, when subject to mandatory demolition in accordance with Clause 2 Article 59 hereof and reconstructed in accordance with approved planning, comply with this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Renovation and reconstruction of apartment buildings shall be implemented in projects, together with urban area renovation and improvement, providing connection to technical infrastructures, social infrastructures, compliant with construction planning, land use planning, land use plan, provincial housing development program, and approved plans for apartment building renovation and reconstruction.

In respect of apartment building demotion under Points a and b Clause 2 Article 59 hereof is not included in approved plans for apartment building renovation and reconstruction, provincial People’s Committees shall allocate temporary accommodation and relocate owners and users of the apartment buildings. Following relocation, provincial People’s Committees shall include the demolition in local plans for apartment building renovation and construction.

3. Renovation and reconstruction of apartment buildings shall conform to this Law, construction laws, investment laws, public investment laws, and other relevant law provisions.

4. If reconstruction of apartment buildings is stipulated by approved planning, owners are allowed to relocate on-site unless otherwise decided. If reconstruction is not stipulated by approved planning, owners of apartment buildings shall receive compensation in form of money or relocation in other areas in the same communes, wards, districts (hereinafter referred to as “communes”), if relocation housing is not available in communes, relocation shall be accommodated in districts and if relocation housing is also not available in districts, relocation housing shall be facilitated in adjacent administrative divisions unless owners purchase or lease-purchase social housing.

In respect of apartment buildings under public ownership where current tenants do not wish to rent after reconstruction of apartment buildings, owners of said apartment buildings have the right to choose form of compensation under Clause 7 Article 70 hereof.

5. Relocating individuals shall have ownership over relocation housing following renovation and reconstruction according to solutions for compensation, assistance, relocation, and temporary accommodation (hereinafter referred to as “compensation and relocation solutions”) in accordance with Article 71 hereof.

6. In case of renovation and reconstruction of apartment complex under Clause 2 Article 59 hereof, provincial People's Committees shall decide to execute one or multiple projects as long as connection to technical infrastructures, social infrastructures and compliance with approved detail construction planning of the apartment complex.

7. Selection of developers for apartment building renovation, reconstruction investment projects shall only be implemented after approved apartment building renovation and reconstruction plans are available in accordance with Article 65 hereof.

8. Developers of apartment building renovation, reconstruction investment projects may separate into investment phases for the purpose of project execution as long as they demolish and reconstruct apartment buildings under Points a, b, and c Clause 2 Article 59 hereof first and demolish and reconstruct remaining apartment buildings later.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



9. Decision, approval, and revision of investment guidelines of apartment building renovation, reconstruction investment projects shall conform to Articles 67 and 69 hereof.

10. Land expropriation, land allocation, land lease, land repurposing (if any) for the purpose of executing apartment building renovation, reconstruction investment projects shall conform to land laws unless owners negotiate and transfer land use right to developers of apartment building renovation, reconstruction investment projects in accordance with Clause 11 of this Article.

11. Negotiation for land use right transfer for the purpose of executing apartment building renovation, reconstruction investment project shall be implemented if conditions below are met:

a) The projects do not fall under cases depicted in Clause 1 and Clause 3 Article 68 hereof;

b) The projects only cover land under joint ownership of apartment building owners;

c) Negotiation on land use right transfer for project execution serve on-site relocation according to compensation and relocation solutions agreed upon by owners of apartment buildings and developers of apartment building renovation, reconstruction investment projects.

The transfer of land use right under this Point shall be exempt from all tax obligations.

12. Provincial People's Committees are responsible for allocating funding from local government budget in accordance with legal procedures on state budget in order to:

a) inspect and assess quality of apartment buildings under public ownership; inspect and evaluate quality of other apartment buildings unless such apartment buildings are under single owners and not under public ownership;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) organize development and approve plan for apartment building renovation and reconstruction;

d) execute apartment building renovation, reconstruction investment projects utilizing local government budget.

13. Allocation of temporary accommodation for apartment building owners shall conform to Article 72 hereof.

14. The Government shall elaborate Clause 11 of this Article.

Article 61. Quality inspection and assessment of apartment buildings

1. Provincial People’s Committees shall direct provincial housing authorities to take charge, cooperate with local authorities and district People’s Committees where apartment buildings are located to inspect and assess quality of apartment buildings in their provinces and cities. In respect of apartment complex, conduct quality inspection and assessment of the entire complex prior to including the apartment complex in plans for apartment building renovation and reconstruction.

Owners of apartment buildings are responsible for cooperating with agencies under this Clause and inspecting bodies in quality inspection and assessment of apartment buildings in accordance with this Law and construction laws.

2. Organizations assigned to conduct quality inspection and assessment of apartment buildings shall determine quality of apartment buildings subject to mandatory demolition in accordance with Clause 2 Article 59 hereof or not subject to mandatory demolition in assessment reports and send to provincial housing authorities. Quality inspection and assessment of apartment buildings shall conform to construction laws and this Law.

3. Upon receiving inspection reports, provincial housing authorities shall review and promulgate conclusion on apartment building quality inspection. Inspection conclusion shall specify details of inspection in accordance with inspection laws and identify whether apartment buildings are subject to mandatory demolition or not in accordance with Clause 2 Article 59 hereof; if apartment buildings are not subject to mandatory demolition, the inspection conclusion shall state duration of further use until the date on which the apartment buildings are subject to mandatory demolition.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 62. Forms of apartment building renovation and reconstruction

1. Real estate trading enterprises shall invest or contribute capital together with owners of apartment buildings under Clause 2 Article 59 hereof in order to demolish, reconstruct apartment buildings, except for cases under Clause 2 and Clause 3 of this Article.

2. Provincial People’s Councils shall decide on the use of funding from local government budget in accordance with public investment laws to execute apartment building renovation, reconstruction investment projects in their provinces and cities that do not fall under Clause 3 of this Article in the following circumstances:

a) The entirety of apartment buildings are under public ownership;

b) Apartment buildings are subject to mandatory demolition in accordance with Point b Clause 2 Article 59 hereof unless the apartment buildings are under single owners and are not under public ownership.

3. In respect of public housing where central authorities act as ownership representatives, renovation and reconstruction of said apartment buildings shall conform to public investment laws.

Article 63. Incentive regulations for apartment building renovation, reconstruction investment projects

1. Developers of apartment building renovation, reconstruction investment projects under Clause 1 Article 62 hereof shall benefit from incentive regulations below:

a) They shall be exempt from land levy and land rents in respect of land where land levy and rents are required in apartment building renovation, reconstruction investment projects, including: land area of existing apartment buildings, existing single-family houses (if any), land area of service, mercantile, public structures, land area for technical, traffic, social infrastructures and other structures, including land area where public property under apartment building renovation, reconstruction investment projects is located.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Use remaining housing area for trade after facilitating relocation and service, mercantile in project area. Developers of apartment building renovation, reconstruction investment projects are not required to pay land levy and land rent when selling dwelling units in renovated and reconstructed apartment buildings on land of existing apartment buildings after relocation has been facilitated.

In respect of land area for business activities outside of the land area where land levy and land rents are exempt in accordance with this Point and Point a of this Clause, developers of apartment building renovation, reconstruction investment projects shall fulfill financial obligations in accordance with land laws;

c) Obtain loan as per the law from Land development fund, other non-state budget financial funds; advance expenditure from compensation, assistance, relocation payments for the purpose of premise clearance; collect purchase, lease purchase payments of off-plan housing and area of service, mercantile structure in project area for the purpose of project execution;

d) Receive financial assistance from local government budget to build technical infrastructures and social infrastructures in project area according to decisions of provincial People’s Council;

dd) Receive tax, credit incentives, and other incentives as per the law.

2. Developers of apartment building renovation, reconstruction investment projects under Clause 2 and Clause 3 Article 62 hereof shall benefit from incentives specified in Points a and dd Clause 1 of this Article.

3. The Government shall elaborate Point a and Point b Clause 1 of this Article.

Section 2. APARTMENT BUILDING RENOVATION, RECONSTRUCTION PLANNING AND PLAN

Article 64. Requirements of apartment building renovation, reconstruction planning and plan

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Detail planning of apartment building renovation, reconstruction investment projects shall include indicators regarding the use of construction planning land, population scale or identify land area available to be repurposed for construction of service, mercantile, office structure, other social infrastructures in order to ensure socio-economic and environmental effectiveness and encourage investors to participate in projects.

3. Depending on lists and provinces where apartment buildings subject to mandatory demolition for reconstruction in accordance with this Law, provincial People’s Committees shall decide on reconstruction solutions for the entire apartment complex or unified solutions for reconstruction of several apartment buildings in communes, districts, or adjacent districts in order ensure socio-economic, environmental effectiveness and incorporate urban renovation and improvement.

In respect of an apartment building which is subject to mandatory demolition, not reconstructed according to approved planning, and not subject to unified solutions according to this Clause, provincial People’s Committees shall allocate funding from local government budget in accordance with state budget procedures in order to relocate, compensate, assist owners, users of this apartment building and organize auctions for plots where the apartment building to be demolished is located in order to facilitate construction according to approved planning, unless otherwise stipulated by the Land Law.

4. The production, appraisal, and approval of detail planning of apartment building renovation, reconstruction investment projects are implemented simultaneously, as the case may be, as quality inspection and assessment of apartment buildings.

Article 65. Requirements of apartment building renovation, reconstruction plan

1. Provincial People’s Committees may develop and approve apartment building renovation and reconstruction plans together with provincial housing development plan or separately to use as the basis for apartment building renovation, reconstruction investment projects.

2. Provincial housing authorities shall, directly or by hiring consultancy units in accordance with bidding laws, develop apartment building renovation, reconstruction laws and report to provincial People’s Committees for approval.

3. Approval of apartment building renovation, reconstruction plans shall only be implemented when apartment building quality inspection and assessment conclusions produced by provincial housing authorities are available in accordance with this Law.

4. If there are apartment buildings subject to mandatory demolition or provincial housing development programs revise details relating to approved apartment building renovation and reconstruction plans after apartment building renovation and reconstruction plans have been approved, provincial People’s Committees shall revise the plans accordingly.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 66. Details of apartment building renovation and reconstruction plans

Apartment building renovation and reconstruction plans consist primarily of:

1. Lists, location of apartment buildings and apartment complex to be renovated and reconstructed, including date of demolition of each type of apartment building under Clause 2 Article 56 hereof.

In respect of apartment complex renovation and reconstruction, expect time for relocation, demolition, reconstruction of the first apartment buildings and time for relocation, demolition, reconstruction of remaining apartment buildings in the apartment complex;

2. Expected funding sources for relocation and reconstruction of apartment buildings, apartment complex in the area;

3. Responsibilities of authorities and People’s Committees of all levels in implementation of plans for apartment building renovation and reconstruction.

Section 3. INVESTMENT GUIDELINE DECISION, INVESTMENT GUIDELINE APPROVAL, DEVELOPERS OF APARTMENT BUILDING RENOVATION, RENOVATION INVESTMENT PROJECTS

Article 67. Investment guideline decision and approval

1. In respect of apartment buildings under Clause 2 and Clause 3 Article 62 hereof, decision and approval of investment guidelines shall conform to public investment laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. In respect of cases under Clause 3 Article 68 hereof, provincial housing authorities shall prepare documents and request provincial People’s Committees to approve investment guidelines in accordance with Clause 2 and Clause 5 Article 69 hereof unless the projects fall under entitlement to investment guideline approval of Prime Minister at which point Clause 3 Article 69 of this Law shall take effect.

4. In respect of apartment building renovation, reconstruction investment projects under Clause 2 and Clause 3 of this Article, if said projects are subject to revision to investment guidelines in accordance with the Law on Investment, competent authority entitled to approve investment guidelines shall be entitled to revise investment guidelines; procedures for revision to investment guidelines shall conform to Article 69 hereof.

Article 68. Developers of apartment building renovation, reconstruction investment projects

1. Decision on developers of apartment building renovation, reconstruction investment projects sin respect of apartment buildings under Clause 2 and Clause 3 Article 62 hereof shall conform to public investment laws and construction laws.

2. In respect of apartment buildings not mentioned under Clause 1 of this Article, selection of developers for apartment building renovation, reconstruction investment projects shall conform to Clause 2 Article 67 hereof.

3. If selection of investors for projects for cases under Clause 2 of this Article cannot be implemented within the time limit stipulated by the Government, once the investment guidelines are approved in accordance with Clause 3 Article 67 hereof, provincial housing authorities shall organize bidding for selection of investors for apartment building renovation, reconstruction investment projects in accordance with regulations below:

a) If only 1 investor is interested in accordance with bidding laws, competent authorities shall approve the investor as developer of apartment building renovation, reconstruction investment projects as soon as the investor satisfies requirements and criteria stipulated by the Government;

b) If at least 2 investors are interested, selection of developers of apartment building renovation, reconstruction investment projects shall be done via bidding in accordance with bidding laws.

4. Developers of apartment building renovation, reconstruction apartment buildings under Clause 2 and Clause 3 of this Article have rights specified under Clauses 1, 2, 3,5, 6, 7, and 8 Article 38 hereof and benefit from incentive regulations under Article 63 hereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) ensure financial capability for project execution as per the law;

b) fully implement commitments in project product trading contracts; ensure structure quality in accordance with construction laws; hand over houses together with related documents to customers, implement house sale, lease purchase, lease transactions in accordance with this Law, real estate trading laws, and other relevant law provisions;

c) demolish apartment buildings in accordance with Article 75 hereof;

d) arrange temporary accommodations, compensation, assistance, and relocation for owners, users of apartment buildings subject to demolition according to approved compensation and relocation solutions in accordance with this Law.

6. The Government shall elaborate this Article.

Article 69. Documents and procedures for approving investment guidelines of apartment building renovation, reconstruction investment projects

1. Request for approval of investment guidelines and approval of investors as developers of apartment building renovation, reconstruction investment projects consists of:

a) Written request for approval of project investment guidelines;

b) Proposed investment projects including the following basic information: investors, investment goal, investment scale, investment, capital mobilization solutions, location, time, schedule, proposed land demand, preliminary environmental impact assessment in accordance with environmental protection laws (if any), information on certificate of apartment building owners, proposed investment incentives, record of consultation regarding investor selection;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Written agreement on land use right transfer from apartment building owners to investors for cases under Clause 11 Article 60 hereof;

dd) Documents on legal status of investors, documentary proof of financial capability of investors;

e) Other relevant documents (if any).

2. Request for approval of investment guidelines submitted by provincial housing authorities consists of:

a) Written request for approval of project investment guidelines;

b) Proposed investment projects including the following basic information: investment goal, investment scale, investment, location, time, schedule; land use information at project sites, proposed land demand, preliminary environmental impact assessment in accordance with environmental protection laws (if any); form of selecting investors for apartment building renovation, reconstruction investment projects; inventive regulations and policies;

c) Other relevant documents (if any).

3. In case of apartment building renovation, reconstruction investment projects where the Prime Minister is entitled to approve investment guidelines and investors or approve investment guidelines in accordance with the Law on Investment, documents required shall conform to Clause 1 and Clause 2 of this Article and procedures shall conform to the Law on Investment.

4. Approval of investment guidelines and investors granted by provincial People’s Committees shall be implemented as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Within 3 working days from the date on which adequate documents are received, provincial housing authorities are responsible for requesting assessment and feedback of relevant state authorities regarding contents of the projects;

c) Within 15 days from the date on which request for assessment is received, requested authorities shall remark upon contents under the scope of state management and send to provincial housing authorities. Within 25 days from the date on which adequate documents under Clause 1 of this Article are received, provincial housing authorities shall produce and submit assessment reports to provincial People’s Committees;

d) Within 7 working days from the date on which adequate documents and assessment reports are received, provincial People’s Committees shall review, decide on approval of compensation and relocation solutions, grant approval for investment guidelines and investors as developers of apartment building renovation, reconstruction investment projects; in case of rejection, provincial People’s Committees shall specify the reasons in writing.

5. Approval granted by provincial People’s Committees for investment guidelines in respect of projects under Clause 3 Article 67 shall conform to procedures below:

a) Provincial housing authorities are responsible for producing documents under Clause 2 of this Article and requesting assessment from relevant authorities pertaining to project contents;

b) Within 15 days from the date on which request for assessment is received, requested authorities shall remark upon contents under the scope of state management and send to provincial housing authorities. Within 25 days from the date on which adequate documents under Clause 2 of this Article are received, provincial housing authorities shall produce and submit assessment reports to provincial People’s Committees;

c) Within 7 working days from the date on which adequate documents and assessment reports are received, provincial People's Committees shall review and approve investment guidelines; in case of rejection, provincial People's Committees shall specify the reasons in writing.

6. The Government shall elaborate this Article.

Section 4. COMPENSATION AND RELOCATION SOLUTIONS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Production and approval of compensation and relocation solutions for the purpose of executing apartment building renovation, reconstruction investment projects shall only be implemented after approved detail planning is available.

2. In case of execution of projects under Clause 1 Article 68 hereof, compensation and relocation solutions shall conform to public investment laws; in respect of projects under Clause 3 Article 68 hereof, provincial People’s Committees shall assign responsible organizations to produce and submit compensation and relocation solutions to provincial People’s Committees for approval.

3. If selection of developers for apartment building renovation, reconstruction investment projects does not fall under Clause 2 of this Article, real estate trading enterprises registering as developers of apartment building renovation, reconstruction investment projects shall produce compensation and relocation solutions to enable apartment building owners to choose.

4. Compensation, assistance, relocation, and arrangement of temporary accommodation shall be public, transparent, objective, and compliant with approved compensation and relocation solutions. Area of dwelling units serving relocation shall not be lower than area of dwelling units according to national technical regulations on apartment buildings. Expenditure on compensation, assistance, relocation, and arrangement of temporary accommodations shall be defined in total project investment.

5. In respect of public housing subject to renovation and reconstruction, current tenants shall be eligible for rent as soon as the reconstruction completes unless they no longer wish to rent. In case of apartment buildings under mixed ownership of public housing owners and other owners, ownership representatives of public housing may reach agreement with developers of apartment building renovation, reconstruction investment projects regarding whether compensation is done in form of money or accommodations.

6. Allocation of relocation housing shall be done via contracts for sale, lease purchase, rent of relocation housing in accordance with this Law.

7. Form of compensation for owners of apartment buildings shall be specified under compensation and relocation solutions as follows:

a) In respect of apartment buildings under Clause 10 Article 2 hereof, apartment building owners may choose compensation in form of relocation housing or money equivalent to value of relocation housing;

b) In respect of apartment buildings not mentioned under Clause 10 Article 2 hereof where owners do not contribute funding for apartment building renovation and reconstruction, the owners shall be eligible for compensation equivalent to value of land use right based on percentage of land use right ownership determined in accordance with land laws applicable at the time of producing the compensation and relocation solutions and transfer land use right to developers of apartment building renovation, reconstruction investment projects; in respect of apartment buildings under Point dd Clause 2 Article 59 hereof, apartment building owners shall be eligible for compensation equivalent to land use right and remaining value of dwelling units according to regulations of the Government.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 71. Contents and entitlement to approval of compensation and relocation solutions

1. Compensation and relocation solutions primarily consist of:

a) Name of developers if developers of apartment building renovation, reconstruction investment projects have been selected;

b) Name and address of owners, users of apartment buildings;

c) Location and area of apartment buildings subject to renovation and reconstruction; location and area of relocation housing;

d) Form of relocation housing arrangement including relocation housing at the site or elsewhere or purchased, lease-purchased social housing in the area or monetary payment in accordance with this Law;

dd) K coefficient of dwelling unit area in respect of apartment buildings under Clause 10 Article 2 hereof; land value for compensation calculation following reconstruction investment (if any);

e) Value of dwelling units shall be determined after converting area based on K coefficient under Point dd of this Clause; contribution for dwelling unit construction according to project schedule or lump-sum payment after handing over dwelling units not specified under Clause 10 Article 2 hereof; value of relocation housing in case of relocation elsewhere;

g) Agreement on land use right transfer for execution of apartment building renovation, reconstruction investment projects for cases under Clause 11 Article 60 hereof;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



i) Difference (if any) in value of relocation housing and value of houses to which owners are eligible incurred by developers of apartment building renovation, reconstruction investment projects according to compensation and relocation solutions;

k) Project schedule; time limit for compensation, assistance, relocation, and arrangement of temporary accommodation; time limit for handing over relocation housing in accordance with Point d of this Clause;

l) Financial assistance for relocation, temporary rent, and other relevant expenditure (if any);

m) Maintenance expenditure following apartment building reconstruction shall conform to this Law;

m) Compensation and relocation for area other than apartment dwelling units (if any).

2. Provincial People’s Committees shall approve compensation and relocation solutions within their competence and examine, urge developers of apartment building renovation, reconstruction investment projects to adhere to approved compensation and relocation solutions.

Article 72. Arrangement of relocation housing and temporary accommodation

1. In respect of existing house ownership, arrangement of relocation housing shall conform to regulations below:

a) If approved planning dictates apartment building reconstruction, apartment building owners shall be subject to on-site relocation according approved compensation and relocation solutions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



In respect of apartment buildings not mentioned under Clause 10 Article 2 hereof, apartment building owners shall make economic contributions to apartment building reconstruction, except for apartment buildings under Clause 2 and Clause 3 Article 62 hereof. Economic contributions to apartment building reconstruction shall be made depending on project schedule or in form of a lump-sum payment after handing over dwelling units and defined under compensation and relocation solutions;

b) If approved planning does not dictate apartment building reconstruction, apartment building owners shall be subject to relocation housing in accordance with Clause 4 Article 60 hereof.

2. In case of rental accommodation, relocation arrangement shall be implemented in accordance with lease agreements; in case of public housing rental, rental arrangement shall be implemented as soon as apartment building renovation and reconstruction complete, unless otherwise agreed upon by tenants and ownership representatives of public housing.

3. Temporary accommodation arrangement for apartment building owners shall only be implemented if apartment building owners request relocation in form of accommodations.

4. Temporary accommodation shall satisfy infrastructure requirements and conditions for daily activities of owners. In case of existing public housing rent, provincial People’s Committees where apartment building renovation, reconstruction investment projects take place are responsible for arranging temporary accommodation or reimbursing rent for tenants during project execution.

For cases under Point b Clause 2 Article 59 hereof, provincial People’s Committees are responsible for arranging temporary accommodation during project execution.

For cases under Point a and Point c Clause 2 Article 59 hereof, provincial People’s Committees are responsible for arranging temporary accommodation until developers of apartment building renovation, reconstruction investment projects are selected. Once project developers have been selected, developers are responsible for arranging temporary accommodation during project execution.

For cases under Point d and Point dd Clause 2 Article 59 hereof, developers of apartment building renovation, reconstruction investment projects are responsible for arranging temporary accommodation during project execution.

5. In addition to relocation arrangement under Clause 1 or Clause 2 of this Article, depending on local conditions, relocating individuals may be eligible for financial assistance provided by provincial People’s Committees from local government budget in accordance with state budget procedures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Section 5. RELOCATION, ENFORCED RELOCATION AND DEMOLITION OF APARTMENT BUILDINGS

Article 73. Relocation of owners and users of apartment buildings

1. In respect of apartment buildings subject to mandatory demolition under Point a and Point b Clause 2 Article 59 hereof, provincial People's Committees shall issue decision on emergency relocation and organize relocation of owners, users of apartment buildings to temporary accommodation.

2. In respect of apartment buildings subject to mandatory demolition in accordance with Point c, Point d, and Point dd Clause 2 Article 59, provincial People’s Committees shall issue decision on relocation in accordance with approved compensation and relocation solutions.

3. Decision on relocation primarily consists of:

a) Name and address of owners, users of apartment buildings to be relocated;

b) Deadline for relocation;

c) Location of temporary accommodation;

d) Relocation methods;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Responsibilities of relevant agencies, organizations, and individuals in implementation of relocation decisions.

4. Provincial People’s Committees shall send relocation decisions to owners, users of apartment buildings subject to relocation and publicly upload these decisions on website of provincial People’s Committees, district People’s Committees, provincial housing authorities where apartment buildings in question are located, and local mass media.

5. Owners, users of apartment buildings and relevant organizations, individuals are responsible for relocating in accordance with decisions of provincial People’s Committees.

6. Relocation expenditure shall be:

a) incurred by local government budget for cases under Clause 1 of this Article;

b) determined in total project investment and incurred by developers of apartment building renovation, reconstruction investment projects for cases under Clause 2 of this Article; developers of apartment building renovation, reconstruction investment projects are responsible for returning expenditure on relocation to state authorities if state authorities have relocated people out of apartment buildings subject to mandatory demolition prior to selecting developers of apartment building renovation, reconstruction investment projects.

Depending on local conditions, provincial People’s Committees shall decide on financing expenditure on relocation from local government budget in accordance with state budget laws.

Article 74. Enforced relocation of owners and users of apartment buildings

1. If owners and users of apartment buildings fail to implement relocation before the deadline stipulated under relocation decisions of provincial People’s Committees, provincial People’s Committees shall issue decision on enforced relocation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Name and address of owners, users of apartment buildings subject to enforced relocation;

b) Time limit for enforced relocation;

c) Location of temporary accommodation;

d) Methods for enforcing relocation;

dd) Expenditure on enforced relocation;

e) Responsibilities of relevant agencies, organizations, and individuals in implementation of enforced relocation.

3. District People’s Committees where apartment buildings are located are responsible for organizing enforced relocation in accordance with decisions of provincial People's Committees.

4. Expenditure on enforced relocation shall be:

a) incurred by local government budget for cases under Clause 1 Article 73 hereof;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Depending on local conditions, provincial People’s Committees shall decide on financing expenditure on enforced relocation from local government budget in accordance with state budget laws.

Article 75. Apartment building demolition

1. After relocating owners and users of apartment buildings, developers of apartment building renovation, reconstruction investment projects are responsible for organizing demolition of apartment buildings as follows:

a) Developers of apartment building renovation, reconstruction investment projects shall carry out demolition if they are adequately capable in accordance with construction laws or hire organizations capable in construction operations to carry out demolition;

b) Prior to demolishing, developers of apartment building renovation, reconstruction investment projects shall produce and submit demolition solutions to provincial housing authority for assessment and approval. Within 30 days from the date on which demolition solutions proposed by developers of apartment building renovation, reconstruction investment projects are received, provincial housing authorities are responsible for appraising and approving demolition solutions in accordance with construction laws;

c) Developers of apartment building renovation, reconstruction investment projects shall demolish in accordance with demolition solutions approved by provincial housing authorities.

2. In case of emergency demolition of apartment buildings to ensure safety of nearby constructions, provincial housing authorities are responsible for producing demolition solutions and reporting to provincial People’s Committees.

3. Expenditure on apartment building demolition shall be determined in total project investment. Developers of apartment building renovation, reconstruction investment projects are responsible for reimbursing state authorities conducting emergency demolition for expenditure on emergency demolition under Clause 2 of this Article.

4. Apartment building demolition procedures shall conform to construction laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



SOCIAL HOUSING POLICIES

Section 1. GENERAL PROVISIONS

Article 76. Entities eligible for assistance policies regarding social policies

1. Individuals serving the revolution, relatives of martyrs eligible for housing improvement in accordance with Ordinance for benefits for individuals serving the Revolution.

2. Poor and near-poor households in rural areas.

3. Poor and near-poor households in rural areas in areas regularly prone to natural disasters, climate change.

4. Poor and near-poor households in urban areas.

5. People with low income in urban areas.

6. Workers and employees working in enterprises, cooperatives, joint cooperatives inside and outside of industrial parks.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



8. Officials, public officials, and public employees according to regulations on officials, public officials, and public employees.

9. Entities returning official housing in accordance with Clause 4 Article 125 hereof, unless official housing is repossessed as a result of violation in accordance with this Law.

10. Households and individuals that are subject to land expropriation and housing clearance, demolition in accordance with the law and have not been compensated by the Government in form of houses and/or homestead land.

11. Students, learners in universities, academies, higher education institutions, colleges, vocational education and training facilities, specialized education institutions as per the law; students of public ethnic boarding schools.

12. Enterprises, cooperatives, and joint cooperatives in industrial parks.

Article 77. Methods for implementing support policies regarding social housing

1. Provide support in selling, lease-purchasing, leasing social housing to entities under Clauses 1, 4, 5, 6, 8, 9, and 10 Article 76 hereof; entities under Clause 7 Article 76 hereof who have not benefited from housing support policies intended for people’s armed forces.

Depending on local conditions, provincial People’s Committees may stipulate support for selling, lease-purchasing, leasing social housing to entities under Clause 2 and Clause 3 Article 76 hereof.

2. Provide support in accordance with national target programs or public investment program regarding housing to enable entities under Clauses 1, 2, and 3 Article 76 hereof to build or renovate, repair houses.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Provide support in selling, lease-purchasing, leasing housing for people’s armed forces to entities under Clause 7 Article 76 hereof who have not benefited from policies under Clause 1 of this Article.

5. Provide support in applying for concessional loan from the Government via Bank for Social Policy, credit institutions designated by the Government to enable entities under Clauses 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, and 8 Article 76 hereof to purchase, lease-purchase, lease social housing or build or renovate, repair houses; enable entities under Clause 7 Article 76 hereof to apply for concessional loan to purchase, lease-purchase housing for people’s armed houses.

The Government shall elaborate this Clause.

6. Entities under Clause 11 Article 76 hereof may rent social housing during period of studying.

7. Entities under Clause 12 Article 76 hereof may rent worker housing in industrial parks to lease to and accommodate workers of enterprises, cooperatives, joint cooperatives in the industrial parks in accordance with Section 3 of this Chapter.

8. Employees working in enterprises, cooperatives, joint cooperatives in industrial parks shall rent worker housing in industrial parks in accordance with Section 3 of this Chapter.

Article 78. Eligibility for social housing support policies

1. Entities under Clauses 1, 4, 5, 6, 7, 8, 9, and 10 Article 76 hereof shall, upon satisfying eligibility below, be able to purchase, lease-purchase social housing:

a) Regarding housing: in order to be able to purchase, lease-purchase social housing, entities under Clauses 1, 4, 5, 6, 7, 8, 9, and 10 Article 76 hereof must not have owned houses in provinces and central-affiliated cities where social housing investment and construction projects take place, have not purchased or lease-purchased social housing, have not benefited from housing support policies in any shape or form in provinces and central-affiliated cities where social housing investment and construction projects take place, or have owned houses in provinces and central-affiliated cities where social housing investment and construction projects take place where average housing area per capita is lower than the minimum housing area; or must have not in case of entities under Points b, c, d, dd, e, and g Clause 1 Article 45 hereof. The Government shall elaborate this Point;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Entities under Clauses 1, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, and 11 Article 76 hereof are not required to meet housing and income requirements under Clause 1 of this Article when renting social housing.

3. Eligibility for concessional loan of the Government via Bank for Social Policies and credit institutions designated by the Government:

a) In order to apply for loan to purchase and lease-purchase social housing, entities under Clauses 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 and 8 Article 76 hereof must sign contracts for purchase and lease purchase of social housing and satisfy loan requirements in accordance with credit institution laws;

b) In order to apply for loan to purchase and lease-purchase housing for people’s armed forces, entities under Clause 7 Article 76 hereof shall sign contracts for purchase and lease purchase of housing for people's armed forces and satisfy loan requirements in accordance with credit institution laws.

4. In order to receive support under Clause 2 Article 77 hereof, entities under Clauses 1, 2, and 3 Article 76 hereof shall satisfy eligibility under decision approving national target programs or public investment program regarding respective housing types of competent authorities.

5. In order to rent worker housing in industrial parks, entities under Clause 6 Article 76 hereof shall satisfy requirements under Clause 2 Article 93 hereof.

6. In order to purchase and lease-purchase housing for people’s armed forces, entities under Clause 7 Article 76 hereof must meet requirements under Point a Clause 1 of this Article and income requirements of the Government. In case of renting housing for people’s armed forces, housing and income requirements are not required.

7. In order to rent and sublet worker housing in industrial complex to employees in enterprises, cooperatives, joint cooperatives, entities under Clause 12 Article 76 hereof must meet requirements under Clause 1 Article 93 hereof.

8. In order to purchase and rent social housing in accordance with Clause 1 Article 77 hereof, entities under Clause 2 and Clause 3 Article 76 must: meet housing requirements under Point a Clause 1 of this Article, have not benefited from housing support policies in accordance with Clause 3 Article 77 hereof, fall under poor and near-poor household category according to regulations of the Government.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



9. The Minister of Construction shall promulgate forms of documents proving eligibility under Clauses 1, 2, 3, 4, 5, 6, 8, 9, 10, and 11 Article 76 hereof; promulgate forms of documents proving eligibility for social housing support policies.

The Minister of National Defense and Minister of Public Security shall promulgate forms of documents proving eligibility under Clause 7 Article 76 hereof for social housing support policies.

Article 79. Rules in implementing social housing support policies

1. Implementation of social housing support policies shall following principles below:

a) The Government develops housing development policies and allows everyone to afford accommodation;

b) Implement cooperation between the Government, enterprises, local community, relatives, and support beneficiaries in policy implementation;

c) Ensure openness, transparency, close examination and supervision of competent authorities, local community, and the Vietnamese Fatherland Front;

d) Ensure the right eligible entities and eligibility in accordance with this Law;

dd) If an entity is eligible for multiple support policies, only the policy with the highest value shall apply; if multiple entities share the same standards and eligibility, the order of priority shall be: people serving the revolution, relatives of martyrs, persons with disabilities, individuals relocating in form of purchasing, lease-purchasing social housing, women;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Provincial People’s Committees are responsible for implementing, inspecting, and examining implementation of social housing policies in their provinces and cities.

3. Regulations under Section 2 of this Chapter does not apply to development of worker housing in industrial park, development of housing for people’s armed forces, individuals developing or renovating, repairing houses, unless sections 3, 4, and 5 of this Chapter contain provisions that stipulate the application of regulations under Section 2 of this Chapter.

Section 2. SOCIAL HOUSING DEVELOPMENT FOR SALE, LEASE PURCHASE, LEASE

Article 80. Form of social housing development

1. The Government invests in social housing construction using public investment in order to lease and lease-purchase.

2. The Government invests in social housing construction using funding sources under Point b Clause 1 Article 113 hereof in order to sell, lease-purchase, and lease.

3. Enterprises, cooperatives, and joint cooperatives invest in social housing construction in order to sell, lease-purchase, and lease to entities under Clause 1 Article 77 hereof.

4. The Vietnam General Confederation of Labor acts as presiding authority of social housing investment and construction projects using union funding for employees and workers eligible for renting social housing.

5. Foreign-invested business organizations participate in social housing development in form of capital investment or construction of social housing or business cooperation with domestic enterprises, cooperatives, joint cooperatives in executing social housing development projects in order to sell, lease-purchase, and lease in accordance with this Law, land laws, real estate trading laws, and other relevant law provisions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 81. Form of projects and requirements of social housing investment and construction projects

1. Social housing investment and construction projects consist of projects under Points a, b, c, dd, and e Clause 1 Article 30 hereof.

2. Social housing investment and construction projects under Clause 1 of this Article shall be invested and built on land intended for social housing development according to Clause 6 Article 83 hereof while meeting requirements under Article 33 hereof. The handing over of social housing shall conform to Clause 3 and Clause 4 Article 37 hereof.

3. Developers of social housing investment and construction projects shall build houses to sell, lease-purchase, and lease and shall not transfer land use right to allow individuals to build houses.

Article 82. Type and area standards of social housing

1. Type and area standards of social housing:

a) Social housing in form of apartment buildings shall be built in projects, conform to approved detail construction planning. If social housing investment and construction projects take place in communes in ethnic minority regions and mountainous regions according to regulations of the Prime Minister, construction of single-family houses is allowed;

b) Social housing in form of dwelling units in apartment buildings shall be designed and built in accordance with national technical regulations on apartment building and area standards of social housing;

c) Social housing in form of single-family houses shall be designed and built in accordance with construction laws and area standards of social housing;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The Government shall elaborate this Article.

Article 83. Land for social housing development

1. Provincial People’s Committees shall allocate sufficient land fund for social housing development in accordance with provincial housing development programs and plans, including: land fund for independent social housing development; land fund for social housing development in residential real estate investment and construction projects according to Clause 2 and Clause 3 of this Article.

In case of rural areas, provincial People's Committees shall, depending on local conditions, allocate land fund for social housing development.

2. In respect of special, class I, class II, and class III urban areas, depending on regulations of the Government, provincial People's Committees deciding on developers of residential real estate investment and construction projects shall reserve percentage of homestead land in projects where technical infrastructure investment and construction has been implemented for the purpose of developing social housing or allocate land fund for social housing where technical infrastructure investment and construction has been implemented outside of residential real estate investment and construction projects in said urban areas or make payments equivalent to value of land fund where technical infrastructure investment and construction has been implemented for the purpose of social housing construction.

3. In respect of urban areas not mentioned under Clause 2 of this Article, provincial People's Committees shall, depending on local conditions, regulate criteria of residential real estate investment and construction projects where the developers must reserve percentage of homestead land in the projects where technical infrastructure investment and construction has been implemented for the purpose of social housing construction or allocate land fund for social housing where technical infrastructure investment and construction has been implemented outside of residential real estate investment and construction projects in said urban areas or make payments equivalent to value of land fund where technical infrastructure investment and construction has been implemented for the purpose of social housing construction.

4. Land fund for social housing development under Clause 1 of this Article shall be allocated in accordance with demands defined in approved provincial housing development programs, connected to technical infrastructures and social infrastructures of areas where projects take place, suitable for livelihood and working demands of social housing policy beneficiaries under this Law.

Provincial People's Committees are responsible for investing in technical infrastructures outside of social housing investment and construction projects.

5. Depending on social housing construction demands defined in provincial housing development programs and plans, during production of local budget estimates, provincial People’s Committees are responsible for reporting reservation of budget for social housing investment and construction projects in the provinces and cities, compensation, support, relocation, investment in technical infrastructures outside of social housing investment and construction projects, connection of technical infrastructures of social housing investment and construction projects with technical infrastructures outside of the projects, conformity of social infrastructures inside and outside of the projects to provincial People’s Councils.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Land allocated by the Government for construction of houses which are to be sold, lease-purchased, leased;

b) Land leased by the Government for construction of houses which are to be leased;

c) Reserved homestead land area for construction of social housing in accordance with Clause 2 and Clause 3 of this Article;

d) Land on which social housing investment and construction projects are implemented by enterprises, cooperatives, joint cooperatives in accordance with Point c Clause 4 Article 84 hereof.

7. Individuals have the right to exercise land use right in accordance with Clause 3 Article 54 hereof for construction of social housing.

8. The Government shall elaborate Clause 2 of this Article.

Article 84. Developers of social housing investment and construction projects

1. In respect of social housing investment and construction projects invested using funding sources under Clause 1 Article 113 hereof, developers of the projects shall be determined in accordance with public investment and construction laws.

In respect of social housing investment and construction projects where Chairpersons of provincial People’s Committees decide on the investment, provincial housing authorities shall propose project developers in accordance with public investment and construction laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. If land fund in residential real estate investment and construction projects must be reserved for the purpose of social housing construction in accordance with Clause 2 and Clause 3 Article 83 hereof, developers of residential real estate investment and construction projects shall be assigned with investment and construction of social housing unless the Government hands this land over to other organizations for investment and construction of social housing.

4. In respect of social housing investment and construction projects that do not utilize funding sources under Clause 1 and Clause 2 of this Article and do not fall under the case where developers of residential real estate investment and construction projects engage in investment and construction of social housing, developers of social housing investment and construction projects shall be selected as follows:

a) If only 1 investor is interested in accordance with bidding laws, competent authorities shall approve the investor as developer of social housing investment and construction projects as soon as the investor satisfies requirements and criteria stipulated by the Government;

b) If at least 2 investors are interested, selection of developers of social housing investment and construction projects shall be done via bidding in accordance with bidding laws;

c) Investors having approved investment guidelines and accepted as developers of social housing investment and construction projects when the investors obtain land use right via agreement on acceptance of land use right in regard to type of land on which social housing investment and construction projects are allowed or are having land use right in regard to type of land on which social housing investment and construction projects are allowed according to Land Law.

5. Developers of social housing investment and construction projects under Clause 3 and Clause 4 of this Article have rights under Clauses 1, 2, 3, 5, 6, 7, and 8 Article 38, Clause 2 Article 85, and Clause 2 Article 88 hereof.

6. Developers of social housing investment and construction projects under Clause 3 and Clause 4 of this Article have obligations under Clauses 1, 3, 5, 6, 8, 9, 10, 11, and 13 Article 39, Clause 3 Article 81, Clause 4 Article 87 hereof and obligation to:

a) deposit or obtain bank guarantee regarding deposit obligations for project execution in accordance with investment laws; ensure financial capability for project execution as per the law;

b) fully implement commitments in project product trading contracts; ensure structure quality in accordance with construction laws; hand over houses together with related documents to customers, implement house sale, lease purchase, lease transactions in accordance with this Law, real estate trading laws, and other relevant law provisions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 85. Incentives for developers social housing investment projects for sale, lease purchase, and lease

1. In respect of social housing investment and construction projects that utilize public investment, developers of the projects shall be eligible for incentives under Point a and Point b Clause 2 of this Article. In respect of social housing investment and construction projects that utilize union funding, developers of the projects shall be eligible for incentives under Points a, b, e, g, and h Clause 2 of this Article.

2. Developers of social housing investment and construction projects that do not utilize funding under Clause 1 of this Article shall be eligible for the following incentives:

a) Developers are exempt from land rent, land levy for land area of the projects; are not required to determine land value, calculate land rent, land levy from which they have been exempt; are not required to apply for exemption from land rent and land levy, except for cases under Point d of this Clause;

b) Developers are eligible for preferential VAT, corporate income tax treatment in accordance with tax laws;

Developers are eligible for maximum profit of 10% of total investment in regard to area on which social housing is built;

d) Developers are allowed to reserve up to 20% of homestead land area within projects where technical infrastructure investment and construction has been implemented to facilitate investment and construction of service, mercantile, residential real estate structures. Developers of social housing investment and construction projects may separately record expenditure and revenues, must not include investment of service, mercantile, and residential real estate structures in price of social housing, and may receive all revenues generated by the service, mercantile, residential real estate structures; in case of investment in residential real estates, developers shall incur land levy for area on which residential real estates are built in accordance with land laws.

If separate land fund for construction of service, mercantile, residential real estate structures is not allocated in detail planning of social housing investment and construction projects approved by competent state authorities, project developers are allowed to reserve up to 20% of total floor area in the projects for service and mercantile purposes. Developers of social housing investment and construction projects may separately record expenditure and revenues, must not include costs for investment and construction of service and mercantile structures in social housing price, and may benefit from all revenues generated by the service and mercantile structures;

dd) Developers may apply for loans at a preferential rates; developers may, when building social housing for lease, apply for loans at a lower interest rate and for a longer term relative to when building social housing for sale, lease purchase according to regulations of Prime Minister from time to time;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) Provincial People’s Councils shall, depending on local conditions, promulgate regulations on support for local social housing investment and construction projects in accordance with their power and relevant law provisions;

h) Developers may benefit from other incentives as per the law (if any).

3. If developers of residential real estate investment and construction projects directly invest in social housing construction in the residential real estate investment and construction projects, the developers shall benefit from incentives in Clause 2 of this Article in regard to land area under Clause 2, Clause 3 Article 83 hereof where investment and construction is implemented by the developers .

4. Individuals shall be eligible for concessional loans under Clause 2 of this Article in order to build, renovate, repair houses and lease to social housing policy beneficiaries.

5. The Government shall elaborate Points c, d, and dd Clause 2 and Clause 3 of this Article.

Article 86. Rent, lease purchase price of social housing invested and built by using public investment and union funding

1. In case of social housing lease, rent shall be calculated in order to sustain housing maintenance costs; recoverable housing investment and construction costs for at least 20 years from the date on which lease agreement is signed.

2. In case of social housing lease purchase, lease purchase price shall be calculated in order to recover housing investment and construction costs for at least 5 years from the date on which lease purchase agreement is signed; maintenance costs incurred by buyer/tenant are not included.

3. Rent and lease purchase price of social housing shall not include incentives under Clause 1 Article 85 hereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. The Vietnam General Confederation of Labor shall decide on rent of social housing invested and built using union funding.

Article 87. Sale price, rent, lease purchase price of social housing invested and built not by using public investment, union funding

1. Sale price of social housing shall be determined as follows:

a) Calculate adequate recoverable costs of housing investment, including: social housing investment and construction costs, compensation, assistance, relocation costs, costs for technical infrastructure and social infrastructure investment and construction implemented by developers of social housing investment and construction projects (if any) within the project scope, unless these structures are built for business purposes or in order to be handed over to the Government according to approved project details; loan interests (if any); reasonable and legitimate costs of enterprises, including costs for organizing sale, enterprise management, expenditure accompanied by adequate invoices and instruments and directly related to investment and construction projects as per the law; nominal interests under Point c Clause 2 Article 85 hereof;

b) Do not include amounts mentioned under Points a, b, dd, g, and h Clause 2 Article 85 hereof and maintenance costs incurred by buyers in accordance with Article 152 hereof.

2. Rent of social housing shall be determined in accordance with Clause 1 of this Article.

3. Rent of social housing, including maintenance costs, shall be agreed upon by developers of social housing investment and construction projects with tenants according to price range stipulated by provincial People's Committees.

4. Developers of social housing investment and construction projects shall develop social housing rent and lease purchase price solutions in a manner that complies with principles under Clause 1 of this Article and submit to field-specific authorities of provincial People's Committees for appraisal on the date on which houses are eligible for sale, lease purchase in accordance with housing laws.

5. In respect of social housing invested and built by individuals, the rent shall conform to the price range stipulated by provincial People’s Committees.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 88. Rules in selling, lease-purchasing, leasing social housing

1. Sale, lease purchase, and lease of social housing shall conform to this Law.

2. Developers of social housing investment and construction projects may choose to sell, lease-purchase off-plan housing or sell, lease-purchase, lease existing houses. Developers of social housing investment and construction projects, upon selling and lease-purchasing houses, are not required to perform guarantee obligations for off-plan houses and are not required to go through real estate exchange.

3. The sale and lease purchase of off-plan social housing shall conform to requirements below:

a) Dossiers on housing investment and construction projects are produced, approved technical housing design is available, construction permit is produced if necessary;

b) Foundation has been built in accordance with construction laws, investment and construction of traffic, water supply, water drainage, domestic electricity, public lighting of houses to be sold, lease-purchased according to detail construction planning, design dossiers, and approved project schedule have been complete, redemption has been implemented if developers of social housing investment and construction projects mortgage these houses unless buyers, buyer/tenant and mortgagees agree to not require redemption;

c) Provincial social housing authorities have issued written notice on houses eligible for sale and lease purchase, except for social housing whose investment and construction utilizes public investment.

4. The sale, lease purchase, and lease of existing social housing of developers of social housing investment and construction shall satisfy requirements below:

a) Investment and construction of technical infrastructures and social infrastructures have been complete according to detail construction planning in areas where houses for sale, lease purchase, lease are located; if developers of social housing investment and construction projects mortgage houses, the developers must redeem the houses prior to selling, lease-purchasing these houses unless the buyers, buyer/tenant and mortgagees agree to not require redemption;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Houses satisfy requirements under Points b and Point c Clause 1 Article 160 hereof.

5. Social housing built by individuals for lease shall only be required to satisfy requirements under Article 56 hereof.

6. Each entity under Clauses 1, 2, 3,4 , 5, 6, 8, 9, and 10 Article 76 hereof is only eligible for purchasing or lease-purchasing 1 social housing. Entities under Clause 7 Article 76 hereof are only eligible for purchasing or lease-purchasing 1 social housing or 1 housing for people’s armed forces.

7. Each entity under Clauses 1, 2, 3, 4, 5, 6, 8, 9, 10, and 11 Article 76 hereof, at any given time, is only allowed to rent 1 social housing. Entities under Clause 7 Article 76 hereof are only eligible for purchasing or lease-purchasing 1 social housing or 1 housing for people’s armed forces.

8. Tenants, buyers/tenants of social housing shall only accommodate themselves and their families during the duration of rent, lease purchase; if tenants, buyers/tenants no longer wish to rent, lease purchase social housing, they shall terminate contracts and hand over the housing.

9. Developers of social housing investment and construction projects may sell the housing in accordance with market mechanisms after 10 years from the date on which commissioning is implemented if the projects conform to construction planning, urban planning, and land laws. Said developers of social housing investment and construction projects shall incur land levy in accordance with regulations of the Government and other duties in accordance with tax laws. In respect of social housing that is also public housing, comply with Clause 2 Article 125 hereof.

10. If sale or lease purchase of social housing violates this Law in terms of eligible entities or eligibility for purchase and lease purchase of social housing, contracts for sale, lease purchase of property shall be void and the buyers and buyers/tenants must hand over the houses to developers of social housing investment and construction projects, social housing authorities; failure to hand over houses shall result in provincial People’s Committees where the social housing in question enforcing repossession of the social housing.

Handling of social housing purchase payment shall conform to civil laws; handling of lease purchase payment shall conform to Clause 1 Article 75 hereof; enforced repossession of social housing shall conform to regulations of the Government.

Article 89. Sale, lease purchase, lease of social housing

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The sale of off-plan social housing shall only be implemented upon compliance with Clause 3 Article 88 hereof; the sale of existing social housing shall only be implemented upon compliance with Clause 4 Article 88 hereof;

b) The sale of social housing shall be written into contracts compliant with Article 163 hereof;

c) Advance payment made by buyers of social housing shall conform to property sale contracts, completion rate of property, and approved project schedule; the initial advance payment shall not exceed 30% of contract value including deposit (if any); the sum of all installments shall not exceed 70% of contract value until social housing is handed over to buyers and shall not exceed 95% of contract value until buyers obtain certificate of the social housing;

d) Buyers of social housing are not allowed to resell the social housing in at least the first 5 years from the date on which purchase payment is settled, except for cases under Point dd of this Clause;

dd) Within 5 years from the date on which buyers of social housing that have settled social housing payment wish to resell the social housing, they can only resell the social housing to developers of social housing investment and construction projects or entities eligible for purchase of social housing at a maximum price equal to sale price of the social housing under sale contracts signed with developers of social housing investment and construction projects. Payment of personal income tax shall conform to tax laws;

e) After 5 years from the date on which buyers of social housing that have settled social housing payment wish to resell the social housing, the resellers can resell the social housing in accordance with market mechanisms to entities issued with certificate; the resellers are not required to pay land levy but are required to pay income tax in accordance with tax laws; if social housing for sale is single-family house, the resellers must incur land levy in accordance with regulations of the Government and pay income tax in accordance with tax laws.

2. Lease purchase of social housing shall conform to Point a and Point b Clause 1 of this Article and regulations below:

a) Minimum time limit for settling social housing lease purchase payment is 5 years from the date on which property lease purchase agreement is signed;

b) Buyers/tenants of social housing are not allowed to resell the social housing within 5 years from the date on which they settle property lease purchase payment within time limit under Point a of this Clause, except for cases under Point c of this Clause;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Within 5 years from the date on which buyers/tenants have settled lease purchase payment of social housing within the time limit under Point a of this Clause, buyers/tenants are allowed to resell the social housing in accordance with Point e Clause 1 of this Article.

3. Lease of social housing shall conform to the following regulations:

a) Lease of existing social housing shall be implemented if Clause 4 or Clause 5 Article 88 hereof are guaranteed;

b) The lease of social housing shall be written into contracts compliant with Article 163 hereof;

c) Rent contracts for off-plan social housing must not be signed. If a house meets all requirements under Point a and Point b Clause 3 Article 88 hereof, developers of social housing investment and construction projects are only allowed to sign deposit agreements and collect maximum rent deposit equal to 12 months of rent; the signing of deposit agreements shall meet requirements regarding eligible entities and eligibility for renting social housing under this Law; once social housing meets requirements under Clause 4 Article 88 hereof, developers of social housing investment and construction projects may sign lease agreements with tenants.

4. The Government shall elaborate procedures for selling, lease-purchasing, leasing social housing.

Article 90. Management of social housing operation

1. In respect of social housing invested in and built by using public investment, competent authorities under Point 14 hereof shall decide and choose entities managing housing operation in accordance with Clause 5 Article 125 hereof. In respect of social housing invested and built by using union funding, the Vietnam General Confederation of Labor shall choose entities managing housing operation within their powers; if at least 2 entities register, the Vietnam General Confederation of Labor may choose to adhere to bidding laws to decide on entities managing housing operation.

2. In respect of social housing invested in and built not by using public investment or union funding, housing operation management shall be regulated as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) In respect of social housing for lease purchase, within the duration of lease purchase, project developers shall manage housing operation in accordance with Point a of this Clause; once buyers/tenants have settled lease purchase payments to developers, operational management shall conform to Point c of this Clause;

c) In respect of social housing for sale, buyers shall manage the operation in case of single-family houses; or comply with regulation on apartment building operation management under this Law in case of apartment buildings.

3. Social housing operation management shall benefit from incentive regulations applicable to public services.

4. Entities managing social housing operation have the right to engage in other businesses not prohibited by the law in social housing complex in order to reduce housing operational management service costs.

Section 3. DEVELOPMENT OF WORKER HOUSING IN INDUSTRIAL PARKS

Article 91. Entities eligible for support policies regarding worker housing in industrial parks

1. Workers working in manufacturing enterprises, cooperatives, joint cooperatives in industrial parks.

2. Enterprises trading infrastructures in industrial parks; manufacturing enterprises, cooperatives, joint cooperatives in industrial parks investing in worker housing.

Article 92. Forms of worker housing development in industrial parks

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Manufacturing enterprises, cooperatives, joint cooperatives in industrial parks invest in construction of or rent worker housing in industrial parks to accommodate and lease to their workers.

Article 93. Eligibility for renting worker housing in industrial parks

1. Manufacturing enterprises, cooperatives, joint cooperatives in industrial parks must, in order to rent worker housing in industrial parks, sign contracts for lease of industrial park premise, be currently operating, engaging in business activities in the industrial parks, sign employment contracts with entities under Clause 1 Article 91 hereof.

2. Entities under Clause 1 Article 91 hereof must, in order to rent worker housing in industrial parks, sign employment contracts and obtain verification of manufacturing enterprises, cooperatives, joint cooperatives in industrial parks and enterprises trading infrastructures in industrial parks.

3. Developers of worker housing investment and construction projects in industrial parks shall approve entities eligible for rent of worker housing in industrial parks; if manufacturing enterprises, cooperatives, and joint cooperatives in industrial parks rent worker housing and lease to their employees, the manufacturing enterprises, cooperatives, joint cooperatives shall approve entities eligible for rent. Management boards of industrial parks are responsible for inspecting approval of entities eligible for renting worker housing in industrial parks.

Article 94. Planning and land fund allocation for worker housing development in industrial parks

1. Depending on provincial land use planning and provincial housing development programs and plans, during preparation and revision of industrial park construction planning, competent authority shall decide to allocate land fund from mercantile, service land reserve of industrial parks to facilitate worker housing in industrial parks and public service, utility structures serving workers of manufacturing enterprises, cooperatives, joint cooperatives in the industrial parks. Plots on which worker housing in industrial parks and public service, utility structures shall maintain environmental separation distance from manufacturing areas in industrial parks.

2. The Government shall regulate conditions for environmental safety, scale, percentage of land area for worker housing development in industrial parks.

Article 95. Type and requirements of worker housing development projects in industrial parks

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Worker housing investment and construction projects in industrial parks under Clause 1 of this Article must meet requirements below:

a) Conform to construction planning of industrial parks;

b) Satisfy housing demands of workers in industrial parks defined under provincial housing development programs and plans;

c) Ensure consistency of technical infrastructure and social infrastructure, adequate functional areas and spaces serving accommodation demands such as: healthcare, cultural activities, playgrounds, sports, services, mercantile, and public services;

d) Have fences, walkways separate from manufacturing areas in industrial parks, maintain security and safety;

dd) Environmental impact assessment in accordance with environmental protection laws.

3. Worker housing investment and construction projects in industrial parks shall be approved by management boards of industrial parks in terms of investment guidelines and investors in accordance with regulations applicable to housing investment and regulations projects according to investment laws; control quality, area standards, and rent of worker housing in industrial parks.

Article 96. Type and design, construction standards of worker housing in industrial parks

1. Type of apartment buildings conforms to detail construction planning approved by competent authority.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 97. Developers of worker housing investment and construction projects in industrial parks

1. Enterprises trading industrial park infrastructures shall identify worker housing demands in industrial parks, prepare and request competent authority to approve planning, invest in construction of technical infrastructure and social infrastructure of worker housing in industrial parks.

2. Upon completion of investment and construction of technical infrastructures and social infrastructures of worker housing, enterprises trading industrial park infrastructures shall either implement investment and construction by themselves or lease land to enable manufacturing enterprises, cooperatives, joint cooperatives in industrial parks to build worker housing in industrial parks.

Article 98. Incentives for developers of worker housing investment and construction projects in industrial parks and enterprises, cooperatives, joint cooperatives renting worker housing in industrial parks and leasing to their employees

1. Developers of worker housing investment and construction projects in industrial parks shall be eligible for incentives under Points a, b, dd, g, and h Clause 2 Article 85 hereof and incentives below:

a) Costs for investment and construction of technical infrastructures, social infrastructures of worker housing in industrial parks are included in industrial park infrastructure investment;

b) Costs for investment and construction of worker housing in industrial parks are deemed deductibles for the purpose of determining taxable income in accordance with corporate income tax laws.

2. If manufacturing enterprises, cooperatives, joint cooperatives sublet worker housing in industrial parks to their employees, worker housing rent shall be deemed reasonable costs in manufacturing costs for the purpose of determining corporate income tax in accordance with tax laws.

Article 99. Rent of worker housing in industrial parks

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 100. Rules in leasing and managing operation of worker housing in industrial parks

1. Rules in leasing worker housing in industrial parks:

a) A worker in industrial parks is allowed to rent 1 worker housing in industrial park at any time and is not allowed to sublet or transfer lease agreement;

b) Upon termination of employment contracts, tenants must hand over worker housing in industrial parks to the landlords;

c) Manufacturing enterprises, cooperatives, joint cooperatives in industrial parks shall only sublet worker housing in industrial parks to their employees.

2. Landlords are responsible for leasing worker housing in industrial parks to employees in the industrial parks.

3. Management of worker housing operation in industrial parks shall conform to Point a Clause 2 Article 90 hereof.

4. The Government shall elaborate leasing, management, and use of worker housing in industrial parks.

Section 4. HOUSING DEVELOPMENT FOR PEOPLE’S ARMED FORCES

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Entities under Clause 7 Article 76 hereof shall be eligible for support policies regarding housing for people’s armed forces.

2. The Minister of National Defense and Minister of Public Security shall promulgate forms proving eligibility for support policies regarding housing for people’s armed forces under their management.

Article 102. Housing development for people’s armed forces

The Ministry of National Defense and Ministry of Public Security are responsible for identifying housing demands in respect of entities under Clause 7 Article 76 hereof and sending to provincial People’s Committees for consolidation in provincial housing development plans.

Article 103. Forms of housing development for people’s armed forces

1. The Government shall invest in housing for people’s armed forces using public investment and enable entities under Clause 7 Article 76 hereof to rent, lease purchase.

2. The Government shall invest in housing for people’s armed forces using funding sources under Point b Clause 1 Article 113 hereof to enable entities under Clause 7 Article 76 hereof to rent, lease purchase.

3. Entities trading real estates shall fund construction of housing for people’s armed forces to enable entities under Clause 7 Article 76 hereof to purchase, lease purchase, rent.

Article 104. Land for housing development for people’s armed forces

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 105. Types and requirements of housing investment and construction projects for people’s armed forces; types and area standards of housing for people’s armed forces

1. Housing investment and construction projects for people’s armed forces consist of projects under Points a, b, c, dd, and e Clause 1 Article 30 hereof.

2. Housing investment and constructions projects for people’s armed forces shall satisfy requirements under Article 33 hereof and other requirements stipulated by the Minister of National Defense and Minister of Public Security. Handover of housing for people’s armed forces shall conform to Clause 3 and Clause 4 Article 37 hereof.

3. Developers of housing investment and construction projects for people’s armed forces shall build houses for sale, lease purchase, lease and are not allowed to transfer land use right to enable individuals to build houses.

4. Types and area standards of housing for people’s armed forces shall conform to Points a, b, and c Clause 1 Article 82 hereof.

Article 106. Developers of housing investment and construction projects for people’s armed forces

1. In respect of housing investment and construction projects for people’s armed forces that use funding sources under Clause 1 Article 113 hereof, developers of the projects shall be determined in accordance with public investment and construction laws.

2. In respect of housing investment and construction projects for people’s armed forces that do not use funding sources under Clause 1 of this Article, provincial People's Committees shall choose developers of the projects in accordance with Clause 4 Article 84 hereof.

3. Developers of housing investment and construction projects for people’s armed forces under Clause 2 of this Article have rights and obligations under Clause 5 and Clause 6 Article 84 hereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Developers of housing investment and construction projects for people’s armed forces that use public investment shall be eligible for incentives under Point a and Point b Clause 2 Article 85 hereof.

2. Developers of housing investment and construction projects for people’s armed forces that do not use funding sources under Clause 1 of this Article shall be eligible for incentives under Clause 2 Article 85 hereof.

Article 108. Determining sale, lease purchase, rent price of housing for people’s armed forces

1. In respect of housing investment and construction projects for people’s armed forces that use public investment, determination of sale, lease purchase, and rent prices shall conform to Article 86 hereof.

2. In respect of housing investment and construction projects for people’s armed forces that do not use funding sources under Clause 1 of this Article, sale, lease purchase, and rent prices shall be determined in accordance with Clauses 1, 2, 3, and 4 Article 87 hereof.

Article 109. Rules of selling, lease-purchasing, and leasing housing for people’s armed forces and managing operation of housing for people’s armed forces

1. Selling, lease-purchasing, and leasing of housing for people’s armed forces shall conform to Article 88 and Article 89 hereof.

2. Managing of operation of housing for people’s armed forces shall conform to Article 90 hereof.

3. The Government shall elaborate procedures for selling, lease-purchasing, and leasing housing for people’s armed forces.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 110. Support policies regarding housing for households and individuals building or renovating, repairing houses by themselves

1. The Government shall provide support for households and individuals under Clauses 1, 2, and 3 Article 76 hereof that build, renovate, repair houses by themselves in form of national target programs and public investment programs regarding housing.

2. Support policies regarding housing for entities under Clause 1 of this Article shall be implemented as follows:

a) Partial funding support from state budget;

b) Concessional loan capital from Bank for Social Policies;

c) Technical infrastructure and social infrastructure construction in rural areas where houses are located;

d) House gifting for entities that are still unable to afford housing improvement with support under Point a and Point b of this Clause.

3. The Government shall provide concessional loans via Bank for Social Policies, credit institutions designated by the Government to enable households and individuals under Clauses 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, and 8 Article 76 hereof to build, renovate, and repair houses.

4. Eligibility for concessional loans provided by the Government via Bank of Social Policies, credit institutions designated by the Government for entities under Clause 3 of this Article includes:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) They have registered permanent residence in communes where their homestead land or houses to be built or renovated, repaired are located.

Article 111. Forms of support policies regarding housing for households and individuals building or renovating, repairing houses by themselves

1. The Government shall support households, individuals building, renovating, and repairing houses by themselves.

2. The Government shall organize construction, renovation, and repair of houses of entities under Clauses 1, 2, and 3 Article 76 hereof that are incapable of building, renovating, repairing houses.

Chapter VII

FUNDING FOR HOUSING DEVELOPMENT

Article 112. Funding sources for housing development

1. Equity of organizations and individuals.

2. Capital under Clause 1 Article 113 hereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Foreign investment.

5. Union funding according to union laws.

6. Other legitimate funding sources.

Article 113. Funding sources of the Government for housing development

1. Funding sources of the Government for housing development include:

a) Public investment in accordance with public investment laws;

b) Funding from government bonds, bonds, ODA, concessional loans of sponsors, investment development credit capital of the Government; capital mobilized from land development fund, other non-budget Government financial fund as per the law.

2. Funding sources under Clause 1 of this Article shall be used by the Government for development of official housing, social housing, housing for people’s armed forces, relocation housing, renovation and reconstruction of apartment buildings, other public housing in accordance with this Law.

Article 114. Forms of capital mobilization for housing development

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Capital contribution, investment cooperation, business collaboration, joint venture of organizations and individuals;

b) bond, stock, fund certificate issuance as per the law;

c) Capital funding from funding sources under Clause 1 Article 113 hereof;

d) Loan from credit institutions, financial organizations operating in Vietnam;

dd) capital loan from Bank for Social Policies;

e) Direct foreign investment in Vietnam;

g) Other legitimate funding sources.

2. The Government shall elaborate conditions of each form of capital mobilization for housing development.

Article 115. Capital for development of each type of housing

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Capital of developers of residential real estate investment and construction projects;

b) Funding mobilized via capital contribution, investment cooperation, business collaboration, joint venture of organizations and individuals;

c) Funding mobilized via bond, stock, fund certificate issuance as per the law;

d) Housing purchase, lease purchase advance, arrears, installment payments according to contracts for sale, lease purchase of off-plan property;

dd) Loan capital from credit institutions and financial organizations operating in Vietnam.

2. Capital for official housing development consists of:

a) Funding provided by the state budget, including central government budget and local government budget;

b) Other legitimate funding sources.

3. Funding for social housing policies consists of:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Funding mobilized via capital contribution, investment cooperation, business collaboration, joint venture of organizations and individuals;

c) Capital of entities eligible for support policies regarding social housing;

d) Capital under Clause 1 Article 113 hereof;

dd) Capital provided directly by the Government for entities eligible for social housing policies; concessional loan made via Bank of Social Policies or credit institutions designated by the Government;

e) Union funding for project execution under Clause 4 Article 80 hereof;

g) Loan capital from credit institutions and financial organizations operating in Vietnam;

h) Direct foreign investment made to Vietnam;

i) Other legitimate funding sources.

4. Capital for relocation housing development, renovation and reconstruction of apartment building consists of:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Funding mobilized via capital contribution, investment cooperation, business collaboration, joint venture of organizations and individuals;

c) Capital under Clause 1 Article 113 hereof;

d) Capital from land development fund;

d) Capital from compensation, support, relocation payments upon premise clearance as per the law, capital contributed by relocated individuals in respect of apartment building renovation and reconstruction projects;

e) Loan capital from credit institutions and financial organizations operating in Vietnam;

g) Other legitimate funding sources.

5. Capital for personal housing development consists of:

a) Personal capital;

b) Cooperation capital between individuals; contributions of relatives, community;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Funding of the Government in respect of cases eligible for support policies regarding social housing;

dd) Other legitimate funding sources.

Article 116. Rules in mobilizing and using housing development capital

1. Capital mobilization for housing development shall conform to principles below:

a) Appropriate form of mobilization is implemented;

b) Conditions for capital mobilization are met in accordance with housing laws;

c) Capital mobilization is appropriate to each type of housing in accordance with this Law;

d) Compliance with anti-money laundering laws is guaranteed;

d) Compliance with bidding laws and other relevant laws is guaranteed; in case of state funding mobilization in accordance with Article 113 hereof, compliance with state budget and public investment laws is also guaranteed;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Capital mobilization that does not conform to appropriate forms or does not meet conditions applicable to specific types of houses in accordance with housing laws, capital mobilization shall be illegitimate.

3. The use of capital for housing development shall conform to principles below:

a) ensure transparency; protect legitimate rights and benefits of entities whose capital is mobilized;

b) the use must serve housing development and execution of housing investment and construction projects; mobilized capital must not be used for other purposes;

c) allocation and use of funding sources for housing development shall conform to approved provincial housing development programs and plans.

Article 117. Concessional loans via Bank for Social Policies for social housing development

1. The Bank for Social Policies shall grant concessional loan at low interest rates and extended loan term via capital allocation from budget for Bank for Social Policies for execution of national target programs, public investment programs regarding housing and construction of social housing, housing for people’s armed forces according to regulations of the Government and Prime Minister from time to time.

2. The Bank for Social Policies is allowed to mobilize saving deposits of domestic households, individuals that wish to purchase, lease-purchase social housing, housing for people’s armed forces in order to grant loan to these entities at preferential interest rates and extended loan term following a definite duration of saving deposit.

3. The Bank for Social Policies shall keep separate entries for management and use of funding sources in accordance with Clause 1 and Clause 2 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Chapter VIII

HOUSING MANAGEMENT AND USE

Section 1. GENERAL PROVISIONS

Article 118. Details of housing management and use

1. Production, storage, transfer, and management of housing dossiers.

2. Management and use of housing of artistic, architectural, cultural, historical value.

3. Management and use of public housing.

4. Insurance, warranty, maintenance, renovation, demolition of houses.

Article 119. Production of housing dossiers

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Housing dossiers of single-family houses and apartment buildings shall be regulated as follows:

a) In respect of houses in urban areas and rural areas established before July 1, 2006, documents proving legitimate establishment of houses or housing declaration is required in accordance with housing laws;

b) In respect of houses in urban areas established from July 1, 2006 and onwards, housing dossiers shall consist of documents proving legitimate housing establishment, documents identifying consultancy units, construction units, design drawings, plan drawings of houses and land, as-built dossiers in accordance with construction laws (if any);

c) In respect of houses in rural areas established from July 1, 2006 and onwards, housing dossiers shall consist of documents proving legitimate housing establishment and design drawings, plan drawings of houses and land (if any);

d) In respect of housing construction in projects, housing dossiers shall consist of dossiers of housing investment and construction projects and as-built dossiers in accordance with construction laws.

Article 120. Storage, transfer, and management of housing dossiers

1. Organizations and individuals storing housing dossiers shall be regulated as follows:

a) Owners or current users of houses if owners have not been identified and organizations assigned to manage public housing are responsible for storing housing dossiers; transfer, storage, and management of apartment building dossiers shall conform to Regulation on management and use of apartment buildings;

b) District housing authorities are responsible for storing housing dossiers of domestic households and individuals and overseas Vietnamese;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Competent authority shall, upon issue certificate, provide housing information under Clause 2 Article 119 hereof to peer housing authorities for establishment of housing dossiers.

Provincial People’s Committees shall decide on cooperation in housing information exchange between competent authority issuing certificate and local housing authorities in order to maintain consistency regarding housing and land information in housing dossiers.

Article 121. Management and use of single-family houses in housing investment and construction projects

1. If developers of housing investment and construction projects manage single-family housing area upon completion of investment and construction process, the developers are responsible for managing exterior architecture of single-family houses that have been handed over to owners in accordance with approved design dossiers; manage and maintain technical infrastructures and social infrastructures in accordance with approved projects unless the Government manages in accordance with decision and investment guidelines approval.

If developers of housing investment and construction projects do not manage single-family housing complexes in projects, provincial People’s Committees are responsible for managing exterior architecture in accordance with approved planning and regulation on architecture management projects or assigning district People’s Committees to manage.

If housing investment and construction projects permit transfer of land use right to enable individuals to build houses, construction shall adhere to approved planning and architecture management regulations.

2. Developers of housing investment and construction projects may separate and name individual single-family housing complexes subject to planning and built separately in the projects for management. The naming of projects and areas therein shall conform to Article 33 hereof.

3. When houses are transferred and used, developers of housing investment and construction projects, owners and users of houses are allowed to establish their own management board that manages housing exterior architectural maintenance, takes care of trees, gardens, maintains utilities, technical infrastructures serving the housing complexes, except for technical infrastructures transferred to the Government or handed over to developers of housing investment and construction projects by the Government for management and maintenance. Composition of internal management board of housing complexes includes representatives of owners, users of the area and representatives of developers of housing investment and construction projects (if any).

4. Owners, users of houses in single-family housing complexes shall hold meetings to establish internal management board of housing complex including quantity, composition of members, review regulations and operation tenure of internal management board of housing complex, regulations on management and use of housing complex, decision on contributions to pay for members of internal management board, care of trees, gardens, maintenance of utilities and technical infrastructures serving housing complexes except for cases where the Government or developers of housing investment and construction projects are not responsible for management.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Developers of housing investment and construction projects may provide financial support to enable housing complex management board to take care of trees, gardens, maintain utilities, technical infrastructures for cases where the Government or developers of housing investment and construction projects are not responsible for management. Implementation of tasks under this Clause shall be carried out by developers of housing investment and construction projects; if the developers do not carry out tasks, internal management boards shall hire other competent entities for implementation.

Article 122. Management and use of housing of artistic, architectural, cultural, historical value.

1. Houses with artistic, architectural, cultural, historical value, including old villas, regardless of form of ownership shall be determined as follows:

a) Houses classified as national or provincial historical - cultural heritages by competent authorities;

b) Houses other than those under Point a of this Clause but specified under lists approved by provincial People’s Committees in accordance with Clause 2 of this Article.

2. Provincial People’s Committees shall establish councils consisting of representatives of provincial architecture, construction, cultural authorities, relevant industry and scientist associations in order to define criteria and list of housing of artistic, architectural, cultural, historical value in the provinces. The councils are responsible for presenting lists of housing of artistic, architectural, cultural, historical value in the provinces to enable provincial People’s Committees to approve as per the law.

3. The management and use of houses in Clause 1 of this Article shall conform to this Law, architecture laws, cultural heritage laws, and other relevant laws; in case of public housing, regulations under Section 2 of this Chapter shall also be adhered to; in case of villas, regulations under Article 123 hereof shall also be adhered to.

4. Expenditure on management, preservation, maintenance, renovation of housing under Point a Clause 1 of this Article and public housing shall be provided by state budget.

In respect of houses that are not public housing but fall under cases in Point b Clause 1 of this Article, depending on local conditions, provincial People’s Committees shall decide to provide funding, in part or in whole, to enable owners to manage, preserve, maintain, and renovate these houses.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 123. Management and use of villas

1. Villas shall be divided into 3 categories:

a) Category one villas refer to villas deemed cultural - historical heritages in accordance with cultural heritage laws; villas of architectural characteristic values and antique villas defined by councils under Clause 2 Article 122 hereof and proposed to provincial People’s Committees for approval;

b) Category two villas refer to villas that do not fall under Point a of this Clause but possess artistic, architectural, cultural, and historical value defined by councils under Clause 2 Article 122 hereof and are proposed to provincial People’s Committees for approval;

c) Category three villas refer to villas that do not fall under Point a and Point b of this Clause.

2. The management, use, maintenance, and renovation of villas shall adhere to principles below:

a) Villas shall adhere to this Law, planning laws, architecture laws, and construction laws; villas of artistic, cultural, historical values shall also adhere to cultural heritage laws;

b) Category one villas shall have their exterior architecture, including architectural form; interiors architecture; building density, number of storey, and height retained;

c) Category two villas shall have their exterior architecture retained.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Housing repurposing shall be allowed for the purpose of:

a) repurposing relocation housing to social housing;

b) repurposing unused official housing or social housing to relocation housing;

c) repurposing houses under Point d Clause 1 Article 13 hereof to official housing or social housing for lease;

d) under or circumstances according to decisions of Prime Minister on the basis of propositions of the Ministry of Construction.

2. Repurposing under Clause 1 of this Article shall adhere to principles below:

a) The repurposing is appropriate with approved provincial housing development programs and plans; not cause loss of public property;

b) Repurposed houses shall be used effectively, for the right purpose, and adhere to standards, technical regulations of repurposed houses;

c) Approval by the Ministry of Construction or provincial People’s Committees is required.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Section 2. MANAGEMENT AND USE OF PUBLIC HOUSING

Article 125. Management and use of public housing

1. Public housing shall be used for the right purpose, effectively and in a manner that avoids loss and waste; lease, lease purchase, and sale of houses shall be made to the right entities, with sufficient eligibility, and in accordance with this Law. Sale and lease purchase payments of public housing less reasonable costs shall be allocated in budget expenditure estimates for investment and construction social housing under public ownership.

2. Official housing shall only be leased; social housing and housing for people’s armed forces shall be leased, lease-purchased, and sold or leased and lease-purchased if they are built by using public investment.

If investment and construction of social housing or housing for people’s armed forces are required, representatives of owners of public housing shall produce schemes for sale of social housing and housing for people’s armed forces currently under lease, except for social housing and housing for people’s armed forces whose investment and construction utilize funding sources under Point b Clause 1 Article 113 hereof and send to Ministry of Construction for appraisal, to Prime Minister for decision in accordance with regulations of the Government.

3. The lease and sale of public housing under Point d Clause 1 Article 13 hereof shall only be implemented in the absence of disputes and lawsuits regarding public housing use right in accordance with regulations on settling disputes, conflicts, lawsuits, and denunciations and in situations where lease or sale of such public housing is allowed.

Cases of arrangement and use of public housing under Point d Clause 1 Article 13 hereof from January 19, 2007 shall conform to this Law and public asset management and use laws; if the Government no longer uses such public housing, the public housing shall be sold in accordance with regulations on sale of public asset under public asset management and use laws.

4. Tenants of official housing shall, upon being ineligible for renting official housing or relocating or violating housing management and use regulations that result in repossession, shall return official housing to the Government.

If individuals return official housing that is not a result of housing repossession due to violation of Points a, e, and h Clause 1 Article 127 hereof and lack accommodation after returning official housing, superior agencies and organizations of these individuals are responsible for cooperating with provincial People’s Committees where the individuals reside in, depending on specific conditions, enabling purchase, lease purchase, rent of social housing or allocating homestead land to enable them to build houses.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Organizations or enterprises specifically capable in managing housing operation implement and receive benefits applicable to public services;

b) Representatives of owners of public housing invested and built by using funding sources under Point a Clause 1 Article 113 hereof assign entities managing housing operation to manage housing operation, in case of apartment buildings, these entities shall be sufficiently capable in accordance with this Law; in respect of absence of sufficiently capable entities managing housing operation, organize biddings to choose managing entities.

6. The management and use of repossessed housing shall conform to Article 127 hereof.

Article 126. Entities, eligibility for renting, lease-purchasing, purchasing public housing

1. Entities eligible for renting, lease-purchasing, purchasing public housing:

a) Entities under Clause 1 Article 45 hereof are only eligible for renting official housing;

b) Entities under Clauses 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, and 10 Article 76 hereof are eligible for renting, lease-purchasing, purchasing social housing; entities under Clause 7 Article 76 hereof are eligible for renting, lease-purchasing, purchasing housing for people’s armed forces if they have not been able to rent, lease-purchase, or purchase social housing;

c) Entities under Clause 10 Article 76 hereof are eligible for renting, lease-purchasing, purchasing relocation housing if they have not been able to rent, lease-purchase, purchase social housing;

d) Entities currently using houses under Point d Clause 1 Article 13 hereof are eligible for renting or purchasing said houses;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Eligibility for renting, lease-purchasing, purchasing public housing:

a) Entities satisfying conditions under Clause 2 Article 45 hereof are eligible for renting public housing;

b) Entities satisfying conditions under Clause 1, Clause 2, or Clause 8 Article 78 hereof are eligible for renting, lease-purchasing, purchasing social housing; entities under Clause 10 Article 76 hereof who have not been allocated with relocation housing and/or relocation homestead land are eligible for renting, lease-purchasing, purchasing social housing. Entities satisfying Clause 6 Article 78 hereof are eligible for renting, lease-purchasing, purchasing housing for people’s armed forces.

Entities under Clause 11 Article 76 hereof are eligible for renting housing during period of studying;

c) Entities subject to land expropriation or clearance according to decision of competent authorities and ineligible for renting, lease-purchasing, purchasing of social housing are eligible for renting, lease-purchasing, purchasing relocation housing;

d) Entities using houses, able to present documents proving housing arrangement and use, and wishing to rent or purchase the housing are eligible for renting or purchasing housing in accordance with Point d Clause 1 Article 13 hereof.

3. Entitlement to sign contracts for lease, lease purchase, purchase of public housing:

a) In respect of lease-purchasing or purchasing of social housing and housing for people’s armed forces or sale and purchase of housing under Point d Clause 1 Article 13 hereof, the contracts shall be signed between buyers/tenants, buyers with assigned housing authorities;

b) In respect of renting, lease-purchasing, purchasing relocation housing, the contracts shall be signed between relocating individuals and entities arranging relocation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) In case of students, lease agreements shall be signed between the tenants and education institutions or assigned housing authorities.

4. The Government shall elaborate determination of date on which housing arrangement is implemented, eligible entities, eligibility for renting, purchasing housing, sale and lease of houses, determination of rent and sale price in respect of housing under Point d Clause 1 Article 13 hereof; price determination and management of revenues generated by lease, lease purchase, sale of housing under Point d Clause 1 Article 13 hereof; management, use, and operation of public housing.

Article 127. Cases of repossession and enforced repossession of public housing

1. The repossession of public housing shall be implemented if:

a) Lease, lease purchase, sale of houses is implemented in a manner that does not respect entitlement, eligible entities, or eligibility in accordance with housing laws; or

b) Lease period ends according to contracts where tenants no longer wish to rent or both parties agree to terminate lease agreement; or

c) Tenants, buyers/tenants returning leased, lease-purchased houses; or

d) Tenants are no longer eligible for renting houses in accordance with this Law; or

dd) Tenants decease or are declared missing by the court and no other cohabitants are present; current tenants of official housing decease or are declared missing by the court; or

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) Houses for lease, lease purchase are subject to mandatory demolition for renovation or reconstruction according to decision of competent authority; houses do not meet safety requirements in accordance with construction laws; or

h) Tenants and buyers/tenants fail to use houses for the right purposes defined in contracts for lease, lease purchase or repurposing, selling, subletting, lending houses without permission or reshaping, expanding, renovating, demolishing houses; or

i) Tenants of official housing are mobilized, reassigned, seconded to other areas; or

k) Houses are illegally appropriated.

2. Tenants, buyers/tenants, buyers, users subject to housing repossession under Clause 1 of this Article must hand over the houses to assigned housing authorities; failure to hand over houses shall cause representatives of owners of public housing to decide on enforced repossession. Provincial People’s Committees are responsible for organizing enforced repossession or assigning district People’s Committees where the houses are located to implement enforced repossession within 30 days from the date on which decision on enforced repossession is issued.

Once repossession is complete, depending on specific circumstances, competent authorities may repurpose or manage, arrange lease, lease purchase, or sell in accordance with this Law.

3. The Government shall elaborate procedures for repossession and enforced repossession of public housing.

Section 3. INSURANCE, WARRANTY, MAINTENANCE, RENOVATION OF HOUSES

Article 128. Housing insurance

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Insurance form, premiums, and terms shall conform to insurance business laws and fire safety laws.

3. If house owners has paid insurance premiums in accordance with this Article after which point their houses are burned, they shall be eligible for insurance claim according to signed insurance contracts.

Article 129. Housing insurance

1. Organizations and individuals building houses shall provide warranty in accordance with construction laws; organizations and individuals providing housing equipment shall provide warranty for the equipment during the periods stipulated by the manufacturers.

In case of housing investment and construction for sale and/or lease purchase, sellers and sellers/landlords are responsible for providing warranty in accordance with Clause 2 and Clause 3 of this Article. Sellers, sellers/landlords have the right to request constructing, equipment supplying organizations and individuals to provide warranty as per the law.

2. Houses shall be subject to warranty from the date on which they are constructed and commissioned for:

a) at least 60 months in case of apartment buildings;

b) at least 24 months in case of single-family houses;

3. Warranty includes repair, remediation of damage to frames, pillars, girders, floor, walls, ceilings, roofs, rooftops, staircases, plasters, boards, gas supply system, power supply system, lighting power supply system, water tanks, water supply system, septic tanks, wastewater drainage system, slanted surfaces, depression, fissures, and other works agreed upon in sale and lease purchase agreements. In respect of other equipment associated with houses, sellers and sellers/landlords shall repair and replace in accordance with regulations of manufacturers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. House owners are responsible for maintaining houses; if owners have not been identified, current managers and users are responsible for managing the houses. Owners of apartment buildings are responsible for maintaining private area and contributing funding for maintenance of common area of apartment buildings.

2. Details and procedures for maintenance and management of apartment building maintenance dossiers shall conform to construction laws.

In respect of houses under Clause 1 Article 122 hereof, architecture laws, planning laws, and cultural heritage laws shall be adhered to.

3. House owners, entities maintaining houses shall guarantee safety for humans, property, hygiene, and environment during maintenance process; maintenance of public housing shall also adhere to Article 133 hereof.

Article 131. Housing renovation

1. House owners are allowed to renovate houses that they own; individuals other than owners of a house are only allowed to renovate the house if the owners of the house agree.

2. Housing renovation shall adhere to this Law and construction laws; if the law mandates housing renovation projects, approved projects shall be adhered to. Renovation of public housing shall also adhere to Article 133 hereof.

3. In respect of villas under Clause 1 Article 123 hereof, renovation shall adhere to planning laws, architecture laws, cultural heritage laws; if the law mandates approval of competent authority prior to renovation, housing authorities shall adhere to written approval of competent authorities.

4. In respect of old villas under Point a and Point b Clause 1 Article 123 hereof, regulations below shall also be adhere to:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Demolition is not allowed if villas are not severely damaged and/or prone to collapse according to inspection conclusion of provincial housing authority; if demolition for reconstruction is required, original architecture, material, building density, number of storeys, and height of villas shall be respected;

c) Additional structures are not allowed for the purpose of increasing area or expanding, expropriating area outside of the villas.

Article 132. Maintenance and renovation of leased houses

1. Landlords have the right to maintain, renovate houses if tenants agree except for emergencies or force majeure. Tenants are responsible for enabling landlords to implement housing maintenance and renovation.

2. Landlords have the right to reasonably adjust rent after renovating if remaining rental period is at most one-third of total rental period in lease agreements; if tenants do not agree with rent adjustment, they have the right to unilaterally terminate lease agreement and receive compensation as per the law.

3. If tenants must relocate in order to facilitate housing maintenance or relocation, the parties shall negotiate temporary accommodation and rent during periods of maintenance and relocation; if tenants arrange their own accommodation and have paid rent in advance for the entirety of periods of maintenance and relocation, landlords shall reimburse the rent incurred by tenants. Periods of maintenance or renovation shall not be included in the term of lease agreements. Tenants may continue to rent once renovation and maintenance complete.

4. Tenants have the right to request landlords to maintain houses unless houses are damaged by the tenants; if landlords fail to maintain houses, tenants have the right to maintain houses as long as the they inform landlords at least 15 days in advance. Written notice shall state level of maintenance and expenditure. Landlords shall pay maintenance costs or deduct maintenance costs from rent.

Article 133. Maintenance and renovation of public housing

1. Maintenance and renovation of public housing shall be approved by competent authority and compliant with this Law and construction laws. In respect of maintenance of apartment buildings under public ownership, representatives of owners of public housing shall assigned operational managing entities to perform maintenance if they are sufficiently capable for maintenance work; if these entities are incapable of performing maintenance, biddings for selection of entities sufficiently capable of maintenance work shall be implemented.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 134. Maintenance and renovation of housing under shared ownership

1. Owners of housing under shared ownership have the right and responsibility to maintain, renovate housing sections that they own; if ownership of each owner cannot be identified, responsibility for maintenance and renovation shall be evenly distributed among owners. Maintenance and renovation of housing under shared ownership shall be agreed upon by all owners; maintenance and renovation of apartment buildings shall conform to this Law and Regulations on management and use of apartment buildings.

2. Expenditure on maintenance and renovation of sections under shared ownership shall be distributed among owners corresponding to percentage of their ownership unless otherwise agreed upon by the owners. In respect of apartment buildings under ownership of multiple owners, maintenance costs shall conform to Section 4 Chapter IX hereof.

Article 135. Rights and obligations of housing owners in housing maintenance and renovation

1. Regarding housing maintenance and renovation, owners have the right to:

a) perform maintenance or renovation or hire organizations, individuals to perform maintenance and renovation; hire entities, individuals capable of maintenance and renovation if the law stipulates that maintenance and renovation must be performed by competent organizations and individuals;

b) request competent authorities to issue construction permit if renovation process requires construction permit and facilitate maintenance, renovation of housing once all conditions according to construction laws are met;

c) exercise other rights as per the law.

2. Regarding housing maintenance and renovation, owners have the obligation to:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) compensate other organizations and individuals for damage caused;

c) perform other obligations as per the law.

Section 4. HOUSING DEMOLITION

Article 136. Cases of mandatory demolition

1. Cases of mandatory demolition:

a) Houses are severely damaged, prone to collapse, not safe for users according to quality inspection conclusion of provincial housing authorities where the houses are located or in state of emergency, natural disaster preparedness;

b) Apartment buildings subject to mandatory demolition under Clause 2 Article 59 hereof;

c) Houses are cleared for land expropriation according to decision of competent authorities;

d) Houses are built in areas where construction is prohibited or on land that is not homestead land according to approved planning;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Demolition under Clause 1 of this Article shall conform to this Law and construction laws.

Article 137. Demolition responsibility

1. House owners or managers, users are responsible for demolition; if houses are cleared for reconstruction of houses or other structures, developers of housing investment and construction projects shall be responsible for demolition.

2. House owners shall demolish their houses if they are capable in accordance with construction laws or hire competent organizations and individuals.

3. Demolition of apartment buildings shall conform to Chapter V hereof.

4. Commune People’s Committees are responsible for monitoring and expediting demolition work in their communes.

Article 138. Demolition requirements

1. People and property must be evacuated from demolition site.

2. Signs must be erected and measures must be taken to isolate from adjacent areas.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. If demolition solutions are required according to construction laws, house owners, managers, users, and developers of housing investment and construction projects shall produce demolition solutions prior to implementation.

5. Demolition of houses in residential areas must not be performed from 12 p.m. to 1 p.m. and from 10 p.m. to 5 a.m. except for cases of emergencies.

Article 139. Enforced demolition

1. If a house is subject to mandatory demolition under Article 136 hereof and its owners, managers, users, or developers of housing investment and construction projects fail to voluntarily perform demolition, competent authority under Clause 2 of this Article shall promulgate decision on enforced demolition.

2. Entitlement to promulgate decision on enforced demolition:

a) Chairpersons of district People’s Committees shall promulgate decision on enforced demolition of houses for land expropriation under Point c Clause 1 Article 136 hereof, enforced demolition of single-family houses under Points a, d, and dd Clause 1 Article 136 hereof;

b) Chairpersons of provincial People’s Committees shall promulgate decision on enforced demolition of apartment buildings under Points a, b, d, and dd Clause 1 Article 136 hereof.

3. District People’s Committees are responsible for organizing enforced demolition in accordance with decision on enforced demolition under Clause 2 of this Article.

4. Expenditure on enforced demolition:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) If house owners, managers, users and developers of housing investment and construction projects fail to incur expenditure on enforced demolition and relevant costs, competent authority shall issue decision on seizure of property in order to fund demolition.

Article 140. Accommodation of house owners during demolition

1. House owners shall arrange their accommodation in the event of demolition, except for Clause 2 and Clause 3 of this Article.

2. In case of demolition for land expropriation, accommodation for house owners shall be resolved in accordance with policies on relocation housing when the Government expropriates land in accordance with this Law and land laws.

3. In case of demolition of apartment buildings, accommodation of apartment building owners shall be resolved in accordance with Article 72 hereof.

Article 141. Demolition of leased houses

1. Landlords shall notify tenants in writing of demolition at least 90 days in advance unless demolition is performed in case of emergencies or in accordance with decisions of competent authority.

2. In case of demolition for reconstruction where rent term has not expired, landlords are responsible for arranging accommodation for tenants during demolition and reconstruction process unless the tenants arrange accommodation by themselves. Once construction completes, tenants may continue to rent until the expiry of the contracts unless the tenants no longer wish to rent; if the tenants arrange accommodation by themselves, they are not required to pay rent during demolition and reconstruction process. Duration of demolition and reconstruction is not included in effective period of lease agreements.

Chapter IX

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Section 1. GENERAL PROVISIONS

Article 142. Private areas and common areas in apartment buildings

1. Private areas in apartment buildings include:

a) Area in flats, including area of balconies and loggias associated with the flats;

b) Other area in apartment buildings recognized as to be under ownership of apartment building owners;

c) Equipment system associated to flats or other area under sole ownership of apartment building owners, other than equipment under joint ownership Clause 2 of this Article.

2. Common areas of apartment buildings include:

a) Remaining area of apartment buildings less private area under Clause 1 of this Article; community house of apartment buildings;

b) Load-bearing space and structures, equipment for common use in apartment buildings including: load-bearing frames, pillars, walls, exterior walls, walls separating flats, floors, ceilings, roofs, rooftops, corridors, staircases, elevators, means of egress, garbage chutes, utility boxes, exterior walls of utility boxes (if any), power supply system, water supply system, gas supply system, communication system, radio system, television system, water drainage system, septic tanks, lightning protection, fire protection, and other sections not under sole ownership of apartment building owners;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Public structures in apartment building vicinity not for business purposes or not to be handed over to the Government in accordance with approved projects including: common yards, flower gardens, parks, and other structures defined in approved projects.

3. Area and equipment under private ownership and joint ownership under this Article shall be clearly defined in contracts for purchase, lease purchase of property or other areas in apartment buildings; if said area and equipment are not clearly defined in contracts for purchase, lease purchase of property, they shall be determined in accordance with this Article.

Article 143. Determination of usable area of flats, other area in apartment buildings; classification of apartment buildings

1. Usable area of flats and other area in apartment buildings under sole ownership of apartment building owners shall be determined by carpet area, including area of walls inside flats, balconies, loggias (if any) and not including area of walls surrounding flats, walls separating flats, floor area occupied by pillars, utility boxes, and walls surrounding utility boxes (if any) in flats. For the purpose of calculating balcony area, calculate the entire floor area; if balcony contains common wall, balcony area shall also include the inside of common walls.

For the purpose of calculating loggia area, calculate the entire floor area from the inside of common walls or walls surrounding flats.

In case of equipment or elements associated with balconies and/or loggias but are considered vertical surface of the structure according to approved design dossiers under construction laws, the equipment and elements shall be considered under joint ownership in apartment buildings.

2. Determination of area under Clause 1 of this Article shall conform to Regulations on management and use of apartment building.

3. Classification of apartment buildings shall conform to regulation of the Government.

Article 144. Parking space in apartment buildings

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Charging areas for electric vehicles shall be located in a manner that complies with construction standards and regulations.

2. Determination of ownership and use right of parking spaces:

a) Parking spaces for bicycles, motorbikes, motorized tricycles, mobility aids for people with disability for apartment building owners and users shall be considered under joint ownership and common use right of apartment building owners;

b) Parking spaces of motor vehicles intended for apartment building owners shall be available of purchase or rent by buyers, buyers/tenants of flats or other area in apartment buildings; if buyers, buyers/tenants do not buy and/or rent these parking spaces, these parking spaces shall be managed by developers of housing investment and construction projects and investment construction costs of these parking spaces shall not be included in sale, lease-purchase price of flats; developers of housing investment and construction costs are responsible for publicizing investment and construction costs for motor vehicle parking spaces. Positioning of motor vehicle parking spaces in apartment buildings shall prioritize apartment building owners over public parking spaces.

The purchase or rent of motor vehicle parking spaces under this Point shall be defined in flat purchase, lease purchase agreements or in separate contracts.

c) Developers of housing investment and construction project shall hand over parking space plan drawings to apartment building owners on the basis of approved projects and design which clearly define parking spaces for apartment building owners and users, including parking spaces under joint ownership, motor vehicle parking spaces, and public parking spaces.

3. Vehicle tending service fees shall conform to price laws.

4. Management of parking space operation shall conform to Regulation on management and use of apartment buildings.

Section 2. APARTMENT BUILDING MEETING AND ADMINISTRATION BOARD

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Apartment building meetings mean meetings of apartment building owners or users if the owners choose not to attend; in respect of apartment buildings with single owners, the meeting attendees shall consist of apartment building owners and users.

2. Apartment building meetings shall be held to decide issues under Clause 3 or Clause 4 of this Article if all conditions under Regulation on management and use of apartment buildings. Apartment building meetings shall be held in form of face-to-face meetings or online meetings or a combination of both due to epidemic and/or natural disasters.

3. In respect of apartment buildings with multiple owners, apartment building meetings shall be held to decide issues below:

a) Nomination, election, early dismissal, dismissal of members of apartment building administration boards; approval, revision, amendments to regulations on management and use of apartment buildings.

b) Approval, revision, amendments to regulations on operation, revenue and expenditure of apartment building administration boards; wages of members of apartment building administration boards, and other costs serving operation of apartment building administration boards;

c) Approval of apartment building operation management service fees and the use of maintenance costs; in respect of apartment buildings under Clause 4 Article 155 hereof where parties do not negotiate distribution of maintenance costs under contracts for apartment building flat purchase and lease purchase, apartment building meetings shall review and decide on the distribution of these costs;

d) Decision on selection of entities managing apartment building operation if developers of housing investment and construction projects no longer exist or are not capable of managing apartment building operation or do not engage in management of apartment building operation or fail to meet requirements agreed upon under service contracts signed with apartment building administration boards;

dd) Approval of maintenance plan for common area in apartment buildings;

e)Approval of report on operational management and maintenance of common area in apartment buildings;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. In respect of apartment buildings with single owners, apartment building meetings shall be held to decide on issues under Points a, b, and e Clause 3 of this Article. In case of public apartment buildings, apartment building meetings shall be held to decide on issues under Point b and Point e Clause 3 of this Article.

5. Decision of apartment building meetings regarding issues under Clause 3 of this Article shall be approved under the majority rule in form of election or voting, recorded and signed by meeting presiding members and secretaries of apartment building meetings.

Article 147. Administration boards of apartment buildings

1. In respect of apartment buildings with single owners or apartment buildings with multiple owners and less than 20 flats, apartment building owners and users shall discuss whether or not to establish administration boards. Establishment of administration boards:

a) In respect of apartment buildings with single owners, administration board shall consist of owner representatives and apartment building users;

b) In respect of apartment buildings with multiple owners, composition of administration board shall conform to Clause 2 of this Article.

2. In respect of apartment buildings with multiple owners and at least 20 flats, administration boards shall be required. Administration board shall consist of representatives of owners, apartment building users in absence of owners, developers of housing investment and construction projects who no longer own area in apartment buildings unless developers of housing investment and construction projects do not assign their representatives to participate in apartment building administration boards.

3. Administration boards of apartment buildings with single owners shall operate on an autonomous basis. In case of public housing, representatives of owners of public housing or housing authorities shall establish administration boards or assign managing entities.

In respect of apartment buildings with multiple owners, administration boards shall possess seals and accounts and exercise rights, responsibilities under Article 147 and Article 148 hereof. The summon of administration boards, meeting conditions, voting methods, and other relevant details shall conform to operating regulations of administration boards approved by apartment building meetings.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. The voting, early dismissal, and dismissal of members of administration boards; determination of number of members of administration boards; separation and merger of administration boards and documents, procedures for recognizing administration boards, enforced transfer of apartment building dossiers shall conform to Regulations on management and use of apartment buildings.

Article 147. Rights of administration boards

1. In respect of apartment buildings with multiple owners, administration boards have the right to:

a) request developers of housing investment and construction projects to hand over maintenance costs after administration boards have been established and issued request for handover; request competent authority to enforced handover of maintenance costs;

b) manage and use maintenance costs in accordance with this Law and decision of apartment building meetings;

c) request apartment building meetings to approve service fees of apartment building operational management;

d) receive bonus and other expenditure according to decision of apartment building meetings;

dd) request competent authority to acknowledge administration boards;

e) request developers of housing investment and construction projects to hand over apartment building dossiers; request competent authority to enforce handover of apartment building dossiers;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. In respect of public apartment buildings, administration boards shall exercise rights under Points d and g Clause 1 of this Article. In respect of apartment buildings with one other owner, administration boards shall exercise rights under Points d, dd, and g Clause 1 of this Article.

Article 148. Responsibility of administration boards

1. In respect of apartment buildings with multiple owners, administration boards have responsibility to:

a) register seals and accounts of administration boards, accounts for management and use of maintenance costs; receive and manage apartment building dossiers from developers of housing investment and construction projects and provide for entities managing apartment building operation in accordance with Regulation on management and use of apartment buildings;

b) manage and use maintenance costs in accordance with regulation on revenue and expenditure decided by apartment building meetings; report revenue and expenditure of these funding in the apartment building meetings;

c) sign service contracts for apartment building operational management with developers of housing investment and construction projects or entities capable of managing apartment building operation selected by apartment building meetings under Point d Clause 3 Article 145 hereof.

If entities managing apartment building operation under Clause 1 Article 149 hereof are not required where apartment building meetings already assign administration boards to manage operation, administration boards shall collect and spend operational management costs in accordance with decisions in apartment building meetings;

d) select, sign contracts for maintenance of common area of apartment buildings and supervise maintenance work according to Regulations on management and use of apartment buildings. Maintenance of common area shall be performed by entities managing apartment building operation or other competent entities in accordance with construction laws;

dd) expedite and request apartment building owners and users to adhere to apartment building management and use rules, Regulations on management and use of apartment buildings; collect and consolidate feedback, propositions of apartment building owners, users regarding management, use, and apartment building services in order to cooperate with authorities, relevant organizations, individuals in reviewing and resolving;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) adhere to regulations on operation, revenue, expenditure of administration boards of apartment buildings approved by apartment building meetings; not dismiss or include additional members of apartment buildings;

h) assume legal responsibility to apartment building owners and users upon failing to exercise rights and responsibilities under this Clause;

i) adhere to resolving decisions of competent authorities;

k) perform other tasks assigned by the apartment building meetings that do not contradict the law.

l) exercise other responsibilities as per the law.

2. In respect of apartment buildings with single owners, administration boards shall exercise responsibilities under Points dd, e, g, h, i, k, and l Clause 1 of this Article.

3. Decisions of administration boards that exceed rights and responsibilities under this Law or operation regulations of administration boards shall be illegitimate; if such decisions exceed the powers for the purpose of establishing and conducting civil transactions, actions shall be taken in accordance with the Civil Code; in case of violation, depending on the nature and severity of violation, members of administration boards shall be met with administrative penalties or criminal prosecution; if damage is done, compensation as per the law shall be required.

4. If decisions of members of administration boards are made as a result of power abuse or exceeding rights and responsibilities under this Law and operation regulation of administration boards, such decisions shall be illegitimate; violations shall, depending on nature and severity, shall be met with administrative penalties or criminal prosecution; if damage is done, compensation as per the law shall be required.

5. If administration boards are terminated and new administration boards are not acknowledged, commune People’s Committees where apartment buildings are located shall exercise responsibilities of administration boards until new administration boards are acknowledge.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 149. Entities managing apartment building operation

1. In respect of apartment buildings with elevators, entities capable of managing apartment building operation shall be in charge. In respect of apartment buildings without elevators, apartment building meetings shall manage apartment building operation or hire competent entities to manage apartment building operation.

If developers of housing investment and construction projects directly manage apartment building operation, they must be capable of managing apartment building operation in according with Article 150 hereof.

2. In case of apartment buildings requiring managing entities in accordance with Clause 1 of this Article, apartment owners and users are not allowed to separately hire different service providers for managing apartment building operation. Entities managing apartment building operation may sign contracts with service providers for tasks relating to apartment building operation management but are responsible for operation management under contracts signed with administration boards.

3. Entities managing apartment building operation are allowed to manage operation of multiple apartment buildings in one or multiple locales.

Article 150. Eligibility of entities managing apartment building operation

1. Entities managing apartment building operation shall meet requirements below:

a) They are public service providers or enterprises, cooperatives, joint cooperatives capable of managing apartment building operation;

b) They have technical, customer service, security, fire safety, hygiene, environment departments and other relevant departments for the performance of management services of apartment building operation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Entities managing apartment building operation shall only provide management services after obtaining notice of eligibility for managing apartment building operation of competent authority.

3. The Government shall elaborate this Article.

Article 151. Management service fees for apartment building operation

1. Determination of management service fees for apartment building operation shall be open, transparent, and corresponding to tasks requiring management and services necessary for each type of apartment buildings.

2. Management service fees for apartment building operation shall not include premiums of fire insurance, maintenance costs, vehicle tending costs, fuel costs, energy costs, domestic water, television services, communication, wages for administration boards, other service fees for services used by apartment buildings owners and users.

Management service fees for apartment building operation shall be determined in Vietnamese currency and calculated for every square meter of usable area of flats or other area in apartment buildings.

3. In respect of apartment buildings with multiple owners, management service fees shall be regulated as follows:

a) If initial apartment building meetings have not been held, management service fees shall conform to contracts for housing purchase, lease purchase;

b) If initial apartment building meetings have been held, management service fees shall be agreed upon by managing entities and apartment building meetings.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. In respect of mixed-use apartment buildings, management service fees applicable to business and service areas and private areas used as motor vehicle parking spaces shall be determined as follows:

a) Management service fees applicable to business and service areas shall be negotiated by the parties depending on activities in business area and position of apartment buildings;

b) Management service fees applicable to private area used as motor vehicle parking spaces shall be agreed upon by the parties and may be lower than management service fees of flats in the same apartment buildings.

6. In respect of apartment buildings serving accommodation, management service fees applicable to private area serving as motor vehicle parking spaces shall conform to Point b Clause 5 of this Article.

7. Provincial People’s Committees are responsible for promulgating price range of management service fees for cases below:

a) Collect management service fees for apartment buildings under public ownership in provinces and cities;

b) Act as the basis for parties to consult in negotiation of management service fees in respect of housing that are not public housing or in case of disputes regarding management service fees between entities managing apartment building operation and apartment building owners, users; in case of failure to agree on management service fees, value under price range stipulated by provincial People’s Committees shall be applied.

Section 4. MANAGEMENT AND USE OF MAINTENANCE COSTS OF APARTMENT BUILDINGS WITH MULTIPLE OWNERS

Article 152. Maintenance costs of apartment buildings with multiple owners

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. In respect of flats and other area in apartment buildings which developers of housing investment and construction projects withhold from selling, lease-purchasing or have not sold, lease-purchased at the time in which apartment buildings are brought into use less the common area, developers of housing investment and construction projects shall incur maintenance costs equivalent to 2% of value of flats and the withheld area; the value shall be determined by the highest flat selling price in the apartment buildings at the time in which the apartment buildings are brought into use.

3. If developers of housing investment and construction projects sign contracts for purchase, lease-purchase of flats or other area in apartment buildings before July 1, 2006 and have not charged maintenance costs, apartment building owners shall hold meetings to agree on payment rate for the maintenance costs; payments may be made on a monthly basis to accounts in credit institutions or FBBs operating in Vietnam opened by administration boards or on an case-by-case basis whenever maintenance is required.

4. If developers of housing investment and construction projects sign contracts for purchase, lease-purchase of flats or other area in apartment buildings from July 1, 2006 to before the effective date hereof and the contracts for purchase, lease-purchase of flats or other area in apartment buildings do not include negotiation regarding maintenance costs, developers of housing investment and construction projects shall incur the maintenance costs; if purchase and lease purchase price under contracts for purchase, lease purchase of flats and other area in apartment buildings does not include maintenance costs, apartment building owners shall incur maintenance costs under Clause 3 of this Article.

Article 153. Management and handover of maintenance costs of apartment buildings with multiple owners

1. Developers of housing investment and construction projects are responsible for opening accounts for managing maintenance costs as follows:

a) Prior to signing contracts for purchase, lease purchase of flats and other area in apartment buildings, developers of housing investment and construction projects are responsible for opening checking accounts in credit institutions or FBBs operating in locales where apartment buildings are located to enable buyers and buyers/tenants and developers of housing investment and construction projects to submit maintenance costs in accordance with Article 152 hereof. Within 5 working days from the date on which accounts are opened, developers of housing investment and construction projects shall notify provincial housing authorities where the projects take place of name of account holders, number of accounts, named of credit institutions, FBBs where accounts are opened, and deposit term. Developers of housing investment and construction projects are not allowed to request credit institutions and FBBs to use fundings submitted by the parties to accounts opened in accordance with this Point of any other purposes if maintenance costs have not been transferred to administration boards.

If maintenance of work items, equipment in common area of apartment buildings whose warranty has expired is required during the period in which maintenance costs have not been transferred to administration boards, developers of housing investment and construction projects are responsible for using their expenditure to maintain the work items and equipment while adhering to construction plan, maintenance plans and procedures produced in accordance with construction laws. Upon transferring maintenance costs to administration boards, developers of housing investment and construction projects are eligible for refund of expenditure used for the maintenance work as long as they produce specific reports and maintenance plans, procedures, invoices, instruments proving the maintenance;

b) Upon signing contracts for purchase, lease purchase of flats and other area in apartment buildings, the parties shall state information on accounts opened in accordance with Point a of this Clause in the contracts. Buyers and buyers/tenants shall, prior to receiving flats and other area in apartment buildings, pay maintenance costs in accordance with Article 152 hereof to accounts stated in the contracts, copy and send verification of maintenance cost payment to developers of housing investment and construction projects; failure to pay maintenance costs shall result in the purchased, lease-purchased flats and other area not being transferred; if developers of housing investment and construction projects transfer anyway, the developers shall pay maintenance costs for these flats and area.

2. The transfer of maintenance costs shall be regulated as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Within 30 days from the date on which written request is issued by administration boards, developers of housing investment and construction projects and administration boards shall settle maintenance costs to facilitate transfer of maintenance costs in accordance with Regulations on management and use of apartment buildings;

c) Depending on maintenance costs settlement data under Point b of this Clause, developers of housing investment and construction projects shall request credit institutions and FBBs managing maintenance expenditure accounts to transfer the maintenance costs and interests thereof to accounts for funding management opened by administration boards;

d) Credit institutions and FBBs are responsible for transferring maintenance expenditure in accordance with Point c of this Clause to administration boards in accordance with data settled by the parties. Costs that arise from the transfer maintenance expenditure transfer shall be deducted from maintenance expenditure.

3. After transferring maintenance expenditure to administration boards, developers of housing investment and construction projects are responsible for closing accounts as per the law and notifying provincial housing authorities of provinces where apartment buildings in question are located in writing.

4. If apartment buildings generate revenues in form of services provided in common area, the revenues shall be deposited to accounts for maintenance expenditure opened by administration boards or individuals assigned to manage maintenance expenditure if establishment of administration boards is not required.

Revenues under this Clause and interests of maintenance expenditure shall be used for maintenance of apartment buildings.

Article 154. Enforced transfer of maintenance expenditure of apartment buildings with multiple owners

1. If developers of housing investment and construction projects fail to transfer maintenance expenditure in accordance with Clause 2 Article 153 hereof, administration boards shall request district People’s Committees where apartment buildings in question are located to request developers of local housing investment and construction projects to transfer maintenance expenditure.

2. Within 15 days from the date on which written request sent by administration boards, district People’s Committees shall request developers of housing investment and construction projects in writing to transfer maintenance expenditure to administration boards.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



If developers of housing investment and construction projects show signs of criminal activities during enforced transfer of maintenance expenditure, district People’s Committees shall send written request, relevant documents and proof to competent investigating authority.

4. The Government shall elaborate this Article.

Article 155. Use of maintenance expenditure of apartment buildings with multiple owners

1. Maintenance expenditure shall only be used for maintenance, placement of work items and equipment under joint ownership of apartment buildings according to maintenance plans approved by apartment building meetings. Administration boards are not allowed to use the maintenance expenditure for managing apartment building operation among other purposes. If apartment buildings subject to mandatory demolition under this Law and maintenance expenditure has not been depleted, the remaining expenditure shall be used for relocation support or added to maintenance fund for common area of reconstructed apartment buildings.

2. The use of maintenance expenditure shall be accompanied by invoices, instruments, and reported to apartment building meetings.

3. If maintenance expenditure has been depleted, apartment building owners are responsible for incurring maintenance expenditure upon performing maintenance according to plans approved by apartment building meetings or irregular maintenance.

4. If separate areas of different occupancies in mixed-use apartment buildings such as flats, business and service contain common areas that are physically separate from common areas of apartment buildings and managed and operated independently, developers of apartment building investment and construction projects and buyers, buyers/tenants of flats or other areas in apartment buildings shall negotiate distribution of maintenance expenditure into multiple parts for management and use.

Negotiation on distribution of maintenance expenditure under this Clause shall be determined by percentage of floor area of each occupancy in the apartment buildings over total floor area of the apartment buildings.

5. Management of maintenance expenditure under Clause 4 of this Article shall be implemented as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) In respect of maintenance expenditure of service and business occupancies, owners of these occupancies shall manage and use the expenditure to maintain the common areas of these occupancies.

6. In respect of apartment buildings where administration boards are not required according to this Law, apartment building owners and users shall assign representatives to manage and decide on the use of maintenance expenditure.

Section 5. MANAGEMENT AND USE OF TECHNICAL INFRASTRUCTURES IN APARTMENT BUILDING VICINITY

Article 156. Technical infrastructures of apartment building vicinity to be transferred and date of transfer

1. Technical infrastructures of apartment building vicinity built and invested in projects and to be transferred to the government or local authority or under management of developers of housing investment and construction projects following project completion shall be identified in investment guidelines or approved projects.

2. In respect of structures to be transferred, after commissioning has been performed in accordance with construction laws, developers of housing investment and construction projects are responsible for transferring these structures. Depending on approved schedule or phases of projects, developers of housing investment and construction projects may transfer, in part or in whole, stand-alone structures to the government or local authority.

Article 157. Transfer, receipt, and management of technical infrastructures of apartment building vicinity

1. Developers of housing investment and construction projects shall send written request for transfer and technical infrastructure dossiers of apartment building vicinity to competent authority.

2. Agencies receiving transferred technical infrastructures of apartment building vicinity are responsible for receiving technical infrastructures for management, operation, use; the transfer and receipt shall be recorded in writing.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 158. Management, operation, and use of technical infrastructures in apartment building vicinity following the transfer

1. In respect of technical infrastructures in apartment building vicinity to be transferred, receiving agencies shall manage, operate, and use in accordance with objectives and occupancies of the structures, maintain accordance with construction laws, and ensure normal operation of the technical infrastructures.

The Government is responsible for allocating state budget for managing operation, maintenance, and use of technical infrastructures in apartment building vicinity that the government or local authority has received.

2. In respect of technical infrastructures in apartment building vicinity that are not required to be transferred, developers of housing investment and construction projects are responsible for managing, operating, and maintaining in accordance with objectives, occupancies of the structures, in accordance with the laws and agreement with apartment building owners, users and ensuring normal operation of these structures.

Chapter X

HOUSING TRANSACTIONS

Section 1. GENERAL PROVISIONS

Article 159. Housing transactions

Housing transactions consist of sale, purchase, lease purchase, rent, gifting, swap, inheritance, mortgage, capital contribution, lending, lodging, authorization for housing management.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Sale, lease purchase, gifting, swap, inheritance, mortgage, capital contribution in form of houses shall meet requirements below:

a) Certificate has been issued for the houses as per the law, except for cases under Clause 2 of this Article;

b) The houses are not subject to disputes, complaints, lawsuits regarding ownership as per the law;

c) Term of house ownership is not expired;

d) The houses are not distained for judgment implementation or compliance with legally effective administrative decisions of competent authority or not subject to temporary emergency measures or preventive measures according to decisions of the court or competent authority;

dd) The houses are not subject to decisions on land expropriation, notice on clearance, demolition of competent authority;

e) Requirements under Point b and Point c of this Clause do not apply to purchase, lease purchase of off-plan housing.

2. Certificate is not required in housing transactions below:

a) Purchase, lease purchase, mortgage of off-plan housing; housing sale in case of dissolution, bankruptcy;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Purchase, lease purchase of the following existing houses of developers of housing investment and construction projects: public housing, social housing, housing for people’s armed forces, relocation housing that are not under public ownership;

d) Lease, lending, lodging, and authorization for housing management;

dd) House inheritance.

Documents proving requirements of houses in transactions under this Clause shall conform to regulation of the Government.

3. In respect of houses for lease, in addition to requirements under Points c, d, and dd Clause 1 of this Article, houses shall also meet quality and safety requirements for tenants, be fitted with power, water supply, water drainage system, and ensure environmental hygiene unless otherwise agreed upon by the parties.

Article 161. Eligibility of parties to housing transactions

1. Sellers, sellers/landlords, landlords, parties gifting, swapping, bequeathing, pledging, contributing capital, lending, lodging, authorizing housing management shall meet requirements regarding subjects of transaction in accordance with civil laws.

2. Individual buyers, buyers/tenants, parties receiving gifted, swapped, bequeathed, mortgaged, contributed capital, borrowing, boarding, being authorized to manage houses shall meet requirements regarding subjects of transactions in accordance with civil laws and regulations below:

a) In case of domestic individuals, residence registration in locales where housing transactions take place is not required;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Organizations buyers, buyers/tenants, tenants, parties receiving gifted, swapped, bequeathed, mortgaged, contributed capital, borrowing, boarding, authorized for housing management shall meet requirements regarding subjects of transactions in accordance with civil laws and are not dependent on location of business registration and establishment; foreign organizations must also be eligible for house ownership in Vietnam according to this Law; organizations authorized for housing management must also provide real estates trading services and are currently operating in Vietnam in accordance with real estates trading laws.

Article 162. Procedures for housing transaction

1. Parties to housing transactions shall produce contracts for purchase, lease purchase, lease, gift, swap, mortgage, capital contribution, lending, lodging, housing management authorization (hereinafter referred to as “housing contracts”) containing details under Article 163 hereof; in case of gifting charity houses, only gifting agreement is required.

2. The parties shall agree and assign one party to submit request for certificate to competent authorities; in respect of purchase and lease purchase of houses of project developers, project developers are responsible for requesting competent authority to issue certificate to buyers and buyers/tenants unless buyers and buyers/tenants voluntarily request the certificate.

3. If buyers, buyers/tenants, parties receiving gifted, swapped, contributed capital, bequeathed houses receive transferred homestead land use right and have the right to receive use right of homestead land with property, competent authority shall, upon issuing the certificate, recognize house ownership and homestead land ownership of receiving parties.

Article 163. Housing contracts

Housing contracts shall be agreed upon by the parties, recorded in writing, and contain:

1. Full name of individuals, name of organizations, and address of the parties;

2. Description of houses and plots associated with said houses.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. If capital contribution or housing transaction value has been dictated by contracts or, in case of purchase or lease purchase or lease, stipulated by the Government, the parties must adhere to said regulations and stipulations;

4. Payment deadline and methods in case of purchase, lease purchase, lease of houses;

5. Time limit for transferring and receiving houses; warranty period in case of purchase, lease purchase of new built houses; term of lease purchase, lease, mortgage, lending, lodging, authorization for housing management; term for capital contribution; term of ownership in case of term housing purchase;

6. Rights and obligations of the parties.

In case of housing lease purchase, rights and obligations of the parties regarding repair of damage to houses during lease purchase process must be stated;

7. Commitments of the parties;

8. Other agreements;

9. Effective date of the contracts;

10. Date of signing the contracts;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 164. Notarization, certification, and effective period of housing contracts

1. In case of housing purchase, lease purchase, gifting, swap, capital contribution, mortgage, notarization or certification of contracts shall be required except for cases under Clause 2 of this Article.

In respect of transactions under this Clause, effective date of the contracts shall be the date on which notarization or certification is done in accordance with notarization and certification laws.

2. In respect of gifting of charity houses; purchase, lease purchase of public housing; purchase, lease purchase of houses where either party is an organization, such as: social housing, housing for people’s armed forces, relocation housing; capital contribution in form of houses where either party is an organization; lease, lodging, authorization for housing management, notarization and certification of contracts shall not be required unless specified by the parties.

In respect of transactions under this Clause, effective date of the contracts shall be negotiated by the parties or the date on which the contracts are signed.

3. Written housing inheritance certified or notarized in accordance with civil laws.

4. Notarization of housing contracts shall be implemented by notarizing organizations; certification of housing contracts shall be implemented by commune People’s Committees where the houses are located.

Section 2. HOUSING SALE AND PURCHASE

Article 165. Sale and purchase of houses

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Parties to housing sale and purchase transactions shall negotiate on:

a) Period in which the buyers own houses; rights and obligations of the buyers during time limit for housing ownership; responsibilities for registering and applying for certificate for the buyers.

If the parties negotiate on whether the buyers are allowed to sell, gift, bequeath, contribute capital in form of houses during time limit for housing ownership, parties receiving contribution shall only possess houses within the time limit specified in certificate issued to the sellers, parties gifting, bequeathing, contributing capital;

b) The transfer of houses and individuals receiving transferred houses at the end of time limit for ownership;

c) The processing of certificate at the end of time limit for ownership and responsibilities of the parties in implementation of housing sale contracts;

d) Other agreements.

3. If housing transactions contain negotiated time limit for ownership, competent agencies issuing certificate shall specify time limit for housing ownership in the certificate.

Article 166. Handling of term housing sale and purchase

In case of term housing sale and purchase in accordance with Clause 1 Article 165 hereof, the handling shall be regulated as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Once time limit for housing ownership expires, certificate issued to the buyers shall be illegitimate. Housing ownership shall be transferred back to the sellers.

The sellers or legal heirs thereof shall request competent authority to issue certificate for the houses. Procedures for issuing certificate under this Clause shall conform to land laws;

3. If initial owners are organizations that have gone bankrupt, dissolved, or terminated, houses of these organizations shall be handled in accordance with bankruptcy, dissolution, or termination laws respectively and ownership of these houses shall be transferred to individuals and organizations eligible for ownership in accordance with bankruptcy, dissolution, or termination laws.

If initial owners are individuals who have died without heirs or have heirs refusing to receive the houses, ownership of these houses shall be established in accordance with the Civil Code;

4. During periods in which house ownership is being determined, organizations and individuals that are managing the houses shall continue to manage the houses without exercising rights of owners; the transfer of houses shall be done within 3 months from the date on which ownership of the houses is determined.

Article 167. Sale and purchase of houses by installments

1. Sale and purchase of houses by installments shall be negotiated by the parties and specified in housing sale contracts. During period of installment payment, the buyers have the right to use houses and responsibility to maintain the houses unless warranty period of the houses has not expired in accordance with this Law or the parties agree otherwise.

2. Buyers that pay in installments are only allowed to sell, gift, swap, mortgage, contribute capital in form of the houses that they buy after they have adequately paid housing payment unless otherwise agreed on by the parties.

If organizations buying houses by installments go bankrupt, dissolve, or terminate during installment process, rights and obligations of the buyers shall conform to bankruptcy, dissolution, or termination laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. If buyers wish to return purchased houses during installment process to which the sellers agree, the parties shall negotiate on means of returning houses and settlement of the housing payments.

Article 168. Sale and purchase of houses for lease

1. If owners sell houses that are currently being leased, they must inform the tenants in writing about the sale and sale eligibility; the tenants shall be prioritized to purchase if they have paid rent adequately up until the date on which the buyers announce the sale of leased houses unless otherwise stipulated under the Civil Code. Within 30 days from the date on which the tenants receive the notification and decide not to purchase, house owners have the right to sell the houses to other buyers unless the parties negotiate on other time limit.

2. The sale of public housing that are currently being leased shall conform to Section 2 Chapter VIII hereof.

Article 169. Priority housing purchase

If parties have signed housing purchase agreements and the Government needs to purchase the house for national defense and security or national interests or state of emergencies or natural disaster preparedness, Chairpersons of provincial People’s Committee shall decide on priority purchase of the houses. Costs, requirements, and methods of housing payment shall conform to contracts signed by the parties. The Government shall compensate for damage sustained by the parties (if any). Housing purchase agreements signed by the parties shall be no longer legitimate.

Section 3. HOUSING LEASE

Article 170. Lease term, rent, and sublet of houses

1. Landlords and tenants shall negotiate on lease term, rent, and payment methods of periodic payment or lump-sum payment; if the Government has stipulated rent regulations, the parties shall conform to said regulations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Landlords and tenants shall have their legitimate rights and benefits preserved by the Government during rental process.

4. Tenants have the right to sublet their rental property if the landlords agree.

Article 171. Cases of termination of lease agreements

1. In respect of rental public housing, termination of lease agreements shall be implemented when any of the circumstances detailed in Clause 1 Article 127 hereof takes place.

2. In respect of rental non-public housing, termination of lease agreements shall be implemented when any of the circumstances detailed below takes place:

a) Lease agreements expire; or in case of indefinite term lease agreements, the lease agreements expire in 90 days from the date on which the tenants inform the landlords about termination of lease agreements;

b) The parties agree to terminate lease agreements;

c) Leased property no longer exists;

d) Tenants that are individuals die or are declared missing by the court without cohabitants at the time of death or missing;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Leased property is severely damaged, prone to collapse or located in areas subject to decision on land expropriation, seizure of property or demolition of competent authority; leased property is forcefully purchased or expropriated by the Government for other purposes.

Landlords must inform the tenants in writing at least 30 days in advance about termination of lease agreements under this Point except for force majeure or other agreements by the parties;

g) Cases under Article 172 hereof take place.

Article 172. Unilateral termination of lease agreements

1. Within rent term under agreements, the landlords must not unilaterally terminate lease agreements and repossess leased property except in cases under Clause 2 of this Article.

2. Landlords have the right to unilaterally terminate lease agreements and repossess leased property when:

a) The landlords lease public housing, social housing, housing for people’s armed forces, worker housing in industrial parks in a manner that does not respect entitlement, eligible entities, or eligibility in accordance with housing laws; or

b) The tenants fail to pay rent in accordance with lease agreements for at least 3 months without justifiable reasons agreed upon in lease agreements; or

c) The tenants fail to use leased property for the purposes defined in the lease agreements; or

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) The tenants repurpose, lend, sublet leased property without consent of the landlords; or

e) The tenants fail to rectify after being reprimanded in writing for the third time by the landlords or heads of neighborhoods, hamlets, villages for causing loss of order, environmental hygiene, or seriously impacting daily activities of other people; or

g) Cases under Clause 2 Article 170 hereof take place.

3. Tenants have the right to unilaterally terminate lease agreements when:

a) The landlords fail to repair severe damage; or

b) The landlords unreasonable increase rent or increase rent without informing the tenants in advance as agreed upon in the lease agreements; or

c) The right to use of houses is limited by benefits of a third party.

4. The party that unilaterally terminates lease agreements must notify the other party in writing or in other forms at least 30 days in advance unless otherwise agreed upon by the parties; violation of this Clause that causes damage shall be met with compensations as per the law.

Article 173. Right to continued rent

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. If house owners transfer ownership of leased houses to other individuals before expiry of lease term, the tenants are eligible for continued rent until expiry of lease agreements; new house owners are responsible for continuing implementation of previously signed lease agreements unless otherwise agreed upon by the parties.

3. If tenants die before expiry of rent term, cohabitants of the tenants shall continue rent until expiry of lease agreements unless rented property is official housing or the parties agree otherwise or the law stipulates otherwise.

Section 4. HOUSING LEASE PURCHASE

Article 174. Housing lease purchase

1. Lease purchase of houses shall be written into contracts compliant with Article 163 hereof; in respect of lease purchase of houses invested and built by organizations and individuals, lease purchase agreements shall be signed between the organizations, individuals and the buyers/tenants; in respect of lease purchase of public housing, lease purchase agreements shall be signed in accordance with Point a and Point b Clause 3 Article 126 of hereof.

2. Upon expiry of lease purchase term according to contracts and the buyers/tenants have settled all lease purchase payment according to agreement, sellers/landlords shall request competent authority to issue certificate for the buyers/tenants unless the buyers/tenants choose to apply for the certificate.

Article 175. Rights and obligations of buyers/tenants

1. Buyers/tenants shall conform to this Law and exercise other rights and obligations under lease purchase agreements.

If lease purchase agreements are terminated after buyers/tenants have received houses, the buyers/tenants shall return the houses to the sellers/landlords; the buyers/tenants are eligible for a refund of initial payment, except for cases detailed under point d Clause 2 of this Article, Point e and Point h Clause 1 Article 127, Points a, b, c, d, and dd Clause 2 Article 176 hereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) If legitimate heirs also live in the same house, the legitimate heirs shall be eligible for lease purchase of the house unless they voluntarily return the lease-purchased house;

b) If legitimate heirs are present but not living in the same house whereas the buyers/tenants have fulfilled at least two-thirds the lease purchase term, the legitimate heirs may settle remaining payments and apply for certificate for the house; in respect of rental social housing, housing for people’s armed forces, if tenants/buyers have not fulfilled two-thirds of lease purchase term, legitimate heirs that are individuals under Article 76 hereof may continue with lease purchase process and exercise obligations of buyers/tenants under previously signed contracts;

c) If legitimate heirs do not fall under cases detailed under Point a and Point b of this Clause, sellers/landlords have the right to repossess houses and the legitimate heirs are eligible for a refund of the initial payment incurred by the buyers/tenants and interests thereof in accordance with regulations on non-term interbank rates at the time of refund;

d) If no legitimate heirs are present, initial lease purchase payment shall be collected by the Government in accordance with the Civil Code, the sellers/landlords have the right to repossess the houses in order to enter into lease purchase agreements with entities eligible for renting, lease-purchasing houses in accordance with this Law.

Article 176. Cases of termination of lease purchase contracts and repossession of houses for lease purchase

1. In respect of lease purchase of public housing, termination of lease purchase agreements and repossession of these houses shall be implemented in the event of situations under Points a, c, e, g, and h Clause 1 Article 127 hereof.

2. In respect of lease purchase of social housing, housing for people’s armed forces that are not public property, the sellers/landlords may terminate lease purchase agreements and repossess the houses when:

a) The buyers/tenants deliberately lease or sell lease-purchased houses to other people without permission during lease purchase term;

b) The buyers/tenants are deemed ineligible for lease purchase in accordance with this Law after signing lease purchase agreements;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) The buyers/tenants intentionally reshape, expand, renovate, demolish leased property without permission;

dd) The buyers/tenants use houses in purposes other than those agreed upon in lease purchase agreements;

e) Cases under Point c and Point d Clause 2 Article 175 hereof apply;

g) Other cases under Clause 3 of this Article apply.

3. Buyers/tenants other than those specified under Clause 1 and Clause 2 of this Article may terminate lease purchase agreements as per the agreements; if they have received houses, they must return the houses to the sellers/landlords.

Section 5. HOUSING GIFTING, SWAP, CAPITAL CONTRIBUTION, LENDING, LODGING

Article 177. Housing gifting

1. The gifting of houses under joint ownership is regulated as follows:

a) If houses under tenancy by the entirety are gifted, written consent of all owners shall be required;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The gifting of leased houses is regulated as follows:

a) Owners of leased houses must inform the tenants in writing at least 30 days in advance about the gifting;

b) The tenants may continue rent until expiry of lease agreements signed with the gifting parties unless otherwise agreed upon by the parties.

3. The housing gifting in other situations shall conform to civil laws and other relevant law provisions.

Article 178. Housing swap

1. Swap of houses under joint ownership is regulated as follows:

a) If houses under tenancy by the entirety are swapped, written consent of all owners shall be required;

b) If houses under tenancy in common are swapped, owners are only allowed to swap their share in houses under tenancy in common.

2. The swap of leased houses is regulated as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The tenants may continue rent until expiry of lease agreements signed with the previous owners unless otherwise agreed upon by the parties;

c) Following the swap and transfer of ownership, any difference in housing value shall be settled by the parties unless otherwise agreed upon by the parties.

3. The housing swap in other situations shall conform to civil laws and other relevant law provisions.

Article 179. Capital contribution in form of houses

1. Requirements for contributing capital in form of houses:

a) Owners or developers of residential real estate investment and construction projects have the right to contribute capital in form of houses to engage in lines of business not prohibited by the law respective to the type of houses. Capital contribution in form of houses shall be made via contracts compliant with Article 163 hereof;

b) Houses contributed as capital must be existing houses and compliant with Clause 1 Article 160 hereof.

2. Contribution of houses under joint ownership:

a) If houses under tenancy by the entirety are contributed for capital, written consent of all owners shall be required;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Capital contribution in form of leased houses:

a) Owners of leased houses must inform the tenants in writing at least 30 days in advance about the capital contribution in form of houses;

b) The tenants may continue rent until expiry of lease agreements signed with the contributing parties unless otherwise agreed upon by the parties.

4. The capital contribution in form of houses in other situations shall conform to civil laws and other relevant law provisions.

Article 180. Housing lending and lodging

1. In case of lending or lodging of houses under tenancy by the entirety, consent of all owners shall be required; in case of lending or lodging of houses under tenancy in common, owners are only allowed to lend and lodge their share of houses under tenancy in common without affecting benefits of other owners. Lenders have the right to reclaim houses, landlords have the right to terminate lodging upon termination of contracts in accordance with Clause 2 of this Article and in accordance with the contracts.

2. Lending, lodger agreements shall be terminated when:

a) Lending, lodging period expires; or

b) Houses for lend, lodging no longer exists; or

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Organizations borrowing, lodging houses dissolve, go bankrupt, or terminate operation; or

dd) Houses for lend, lodging are prone to collapse or subject to seizure, demolition or land expropriation of competent state authority; or

e) Other cases agreed upon by the parties apply.

Section 6. HOUSING MORTGAGE

Article 181. Mortgagors and mortgagees

1. House owner is an organization entitled to mortgage its house at a credit institution operating in Vietnam.

2. House owner is an individual entitled to mortgage his/her house at a credit institution, or an economic organization operating in Vietnam or individuals as per the law, except for cases under Clause 3 of this Article.

3. Mortgaging of housing investment construction projects and off-plan housing shall conform to Article 183 hereof.

Article 182. Mortgage on leased houses

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. If leased houses are seized for the performance of obligations of the mortgagors, the tenants may continue rent until expiry of lease agreements, unless the tenants violate Clause 2 Article 172 hereof or otherwise agreed upon by the parties.

Article 183. Mortgage on housing investment and construction projects and off-plan housing

1. Developers of housing investment and construction projects may, in part or in whole, mortgage projects or houses in the projects at credit institutions operation in Vietnam to apply for loans to invest in the projects or build houses; mortgage on projects or housing shall also include mortgage on land use right.

2. If developers of housing investment and construction projects have partially or entirely mortgaged projects or houses and wish to mobilize capital in accordance with housing laws or wish to sell, lease-purchase the houses, mortgage on partial or entire projects or houses and land use right must be paid off prior to signing contracts for capital mobilization, sale, lease purchase of housing with customers, except for cases under Point b Clause 3 and Point a Clause 4 Article 88 hereof.

Whether the mortgage on houses has been paid off prior to the signing of contracts for sale, lease purchase of housing with customers under this Clause shall be specified Certificate of conformity to sell issued by provincial housing authorities where the houses are located. Project developers are responsible for providing customers with Certificate of conformity to sell upon signing contracts for sale, lease purchase of housing. In case of capital mobilization, project developers must provide contributing parties with document on mortgage redemption of credit institutions upon signing capital contribution contracts.

3. Organizations, individuals building off-plan houses on their lawful plots; organizations, individuals buying off-plan houses in housing investment and construction projects from investors are entitled to mortgage that houses at credit institutions operating in Vietnam in order to apply for loans to build, buy, renovate the houses.

Article 184. Requirements for mortgage on housing investment and construction projects and off-plan housing

1. Requirements for mortgage on housing investment and construction projects and off-plan housing:

a) In case project developers of housing investment and construction projects mortgage, in part or in whole, the projects, approved dossiers on the projects, technical design and the Certificate or Decision on land allocation or land lease issued by the competent agency are required;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) In case organizations, individuals mortgage off-plan houses on their lawful plots, documents proving land use right in accordance with land laws and construction permit where needed shall be required.

If organizations, individuals mortgage off-plan houses purchased from developers of housing investment and construction projects, housing sale agreements signed with the project developers, documents on transfer of housing sale agreements if they receive the transferred housing sale agreements, proof of payments of the house on contractual schedule shall be required and the organizations and individuals are not subject to disputes, complaints, lawsuits regarding housing sale agreements or documents on transfer of housing sale agreements in accordance with dispute, complaint, lawsuit handling laws.

2. Requirements for mortgage on partial or total housing investment and construction projects and mortgage on off-plan housing shall conform to this Law; mortgage on partial or total housing investment and construction projects or mortgage on off-plan housing that does not conform to this Law shall be illegitimate.

Article 185. Handling of houses and housing investment and construction projects subject to existing mortgage

1. Handling of houses subject to existing mortgage, including off-plan houses, shall conform to this Law, civil laws, and other relevant law provisions.

2. Handling of partial or entire housing investment and construction projects subject to existing mortgage shall conform to civil laws and other relevant law provisions; organizations receiving transfer of the partial or entire projects must be eligible to act as developers of housing investment and construction projects and shall adopt procedures for transfer of partial or entire housing investment and construction projects in accordance with this Law and other relevant law provisions.

Section 7. HOUSING MANAGEMENT AUTHORIZATION

Article 186. Scope of housing management authorization

1. Housing management authorization means the house owners authorize other organizations or individuals to exercise rights and fulfill obligations of owners pertaining to management and use of housing over the duration of authorization. The authorization is only available for existing houses.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Authorizing parties shall incur administrative expense, unless otherwise agreed upon by the parties.

Article 187. Authorization for management of houses under joint ownership

1. In respect of authorization for management of houses under tenancy by the entirety, consent of all owners shall be required.

2. In respect of authorization for management of houses under tenancy in common, owners are only allowed to authorize other organizations, individuals to manage their share in houses under tenancy in common without affecting benefits of other owners and must inform other owners about authorization for management of their share.

Article 188. Termination of authorization for housing management

Termination of authorization agreements shall conform to civil laws or at request of competent authority for the purpose of handling disputes and housing violations.

Chapter XI

STATE MANAGEMENT OF HOUSING

Article 189. State management of housing

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Promulgate and organize implementation of legislative documents on housing, housing development and management regulations, policies.

3. Develop and promulgate technical standards, regulations, housing classification, and housing quality control; apartment building classifications

4. Appraise details pertaining to houses in decision or approval of investment guidelines of housing investment and construction projects; decision on developers of housing investment and construction projects.

5. Manage housing dossiers; manage public housing fund; manage housing investment and construction projects.

6. Inspect, inventory, and develop information database on housing; manage, operate, use, and add to information database on housing.

7. Study and apply science, technology, popularize housing laws.

8. Provide training and advanced training for personnel appropriate to housing development and management demands.

9. Manage public services pertaining to houses; promulgate price range for rent of social housing, housing for people’s armed forces, worker housing in industrial parks, public housing.

10. Guide, expedite, inspect, examine, handle disputes, complaints, lawsuits, and violation of housing laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 190. Housing authority

1. The Government shall perform joint housing management on a nationwide level.

2. The Ministry of Construction shall act as liaison with the Government in performing joint housing management.

3. Ministries, ministerial agencies shall, within their tasks and powers, exercise housing management responsibilities and cooperate with Ministry of Construction in performing housing management.

4. People’s Committees of all levels shall, within their tasks and powers, perform housing management on a local scale.

Article 191. Responsibilities of Ministry of Construction

1. Take charge in developing and submitting legislative documents, strategies, and schemes pertaining to housing to the Government and Prime Minister.

2. Develop and request competent authority to issue or issue regulations, policies mobilizing resources for housing investment and development; housing development programs, schemes, projects according to tasks assigned by the Government and Prime Minister and guide, examine, inspect, implement following approval. Develop and request the Government to promulgate or promulgate regulations elaborating and guiding implementation of Article 198 hereof.

3. Identify basic indicators regarding housing development in socio-economic development tasks from time to time appropriate to Strategy for national housing development. Stipulate specific regulations on funding for provincial housing development programs and plans.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Exercise the following tasks pertaining to official housing:

a) Develop and request the Prime Minister to promulgate standards, norms of official housing, submit list of entities eligible for official housing in accordance with this Law to the Prime Minister for decision;

b) Appraise or provide feedback regarding official housing demand and official housing development plans in accordance with this Law;

c) Establish, manage operation, and arrange lease of official housing of central government authority according to assignment of the Prime Minister.

6. Guide inspection and evaluation of factors for the purpose of determining apartment building quality in accordance with this Law and construction laws.

7. Appraise details pertaining to housing in respect of housing investment and construction projects under entitlement to management and approval of investment guidelines of the Prime Minister.

8. Approve or request the Prime Minister to approve repurposing of houses in accordance with this Law.

9. Inspect reservation of land fund and conformity thereof for development of social housing, worker housing in industrial parks, housing for people’s armed forces in planning under Article 32 hereof; examine provincial housing development programs and plans in accordance with this Law.

10. Rely on Strategy for national housing development and practical situations to develop and request the Prime Minister to decide on national target programs providing support for housing and social housing development for entities under Article 76 hereof; coordinate implementation of national target programs providing support for housing and social housing development.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



12. Inspect, inventory, and develop nationwide information database on housing; manage, operate, use, and add to nationwide information database on housing.

13. Study and apply science, technology, popularize housing laws. Provide training and advanced training regarding housing development and management within their management scope.

14. Regulate framework program for training and advanced training regarding management of apartment building operation. Publicize list of entities eligible for management of apartment building operations on websites of Ministry of Construction.

15. Guide, expedite, inspect, examine, handle disputes, complaints, lawsuits, and violation of housing laws within competence.

16. Implement international cooperation in housing.

17. Implement other tasks in housing sector assigned by this Law or by the Government, the Prime Minister.

Article 192. Housing inspection

1. Construction inspectorate affiliated to the Ministry of Construction, provincial housing authority shall perform housing inspection in accordance with inspection laws.

2. The Ministry of Construction is responsible for coordinating and organizing specialized housing inspection on a nationwide scale. Provincial housing authority is responsible for organizing specialized housing inspection on a local scale.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Public officials and public employees working housing management and development fields of all levels and sectors must participate in training, advanced training courses for housing development and management.

2. The Minister of Construction shall promulgate programs and contents of training, advanced training for housing development and management for public officials and public employees working in housing sectors on a nationwide scale.

Chapter XII

HANDLING OF DISPUTES AND VIOLATION OF HOUSING LAWS

Article 194. Handling of housing disputes

1. The Government encourages parties to resolve housing disputes via peaceful negotiation.

2. Disputes regarding ownership and use right of houses of organizations and individuals, disputes relating to housing transaction, management of apartment building operation shall be handled by courts and trade arbitrations as per the law.

3. Disputes regarding management and use of public housing shall be handled as follows:

a) Provincial People’s Committees shall handle disputes relating to houses under management of local government;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) The Ministry of National Defense and Ministry of Public Security shall handle disputes relating to houses under management of respective ministry;

d) The courts shall handle disputes in accordance with administrative proceeding laws.

4. Disputes regarding management service fees for apartment building operation, management and use of maintenance expenditure shall be handled by district People’s Committees where the houses in question are located or the courts, commercial arbitration as per the law.

5. The Government shall elaborate Clause 3 of this Article.

Article 195. Handling of housing violations

Organizations, individuals committing housing violations shall be met with disciplinary actions, administrative penalties, or criminal prosecution and make compensation for damage caused depending on nature and severity of the violations.

Chapter XIII

IMPLEMENTATION

Article 196. Amendments to articles of relevant laws

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



“1. Depending on approved or decided planning in accordance with planning laws, ministries, ministerial agencies, provincial People’s Committees shall develop investment development plans and organize construction of technical infrastructures, social infrastructures outside of industrial parks, export-processing zones, hi-tech zones, functional areas in economic zones; in respect of industrial parks where worker housing is built, regulations under the Law on Housing.”.

2. Amend Clause 4 Article 3 of the Law on Public Investment No. 39/2019/QH14 amended by the Law No. 64/2020/QH14, Law No. 72/2020/QH14, and Law No. 03/2022/QH15:

“4. The management and use of Government investment in enterprises shall conform to regulations on management and use of government investment in production and business operations in enterprises. Decision on investment guidelines, and decision on investment and construction of official housing and purchase of residential real estate for use as official housing shall conform to the Law on Housing.”.

Article 197. Entry into force

1. This Law comes into force from January 1, 2025.

2. The Law on Housing No. 65/2014/QH13 amended by the Law No. 40/2019/QH14, Law No. 61/2020/QH14, Law No. 62/2020/QH14, Law No. 64/2020/QH14, and Law No. 03/2022/QH15 expire from the effective date hereof, except for cases detailed under Point b Clause 1, Points a, c, dd, e, and g Clause 2, Clause 3, Points a, b, c, d, dd, and e Clause 5 Article 198 hereof.

3. Houses under ownership of the government mentioned under legislative documents on housing promulgated before the effective date hereof are deemed public housing.

Article 198. Transition clauses

1. Carried over regulations in respect of provincial housing development programs and plans approved before the effective date hereof:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



If provincial People’s Councils approve provincial housing development programs before the effective date hereof and provincial People’s Committees have not approved the programs as of the effective date hereof, approval shall be granted in accordance with programs approved by the People's Councils. If provincial People’s Committees have approved provincial housing development programs and have not approved provincial housing development plans, provincial housing development plans shall be developed and approved in accordance with this Law; if provincial housing development plans do not conform to approved provincial housing development programs, the programs shall be revised in accordance with this Law;

b) If provincial housing development programs and plans are approved before the effective date hereof and said provincial housing development programs and plans must be amended due to increasing housing demand in respect of entities under Clause 7 Article 76 hereof at request of the Ministry of National Defense and Ministry of Public Security, provincial housing development programs and plans shall be amended once in accordance with housing laws before the effective date hereof.

2. Transition regulations on housing development:

a) In respect of housing and urban investment development projects where provincial People’s Committees issue documents identifying areas, locations where transfer of land use right is allowed for private housing construction as per the law, said documents shall be adhered to;

b) In respect of housing and urban area investment and construction projects that are at project developer selection phase where competent authority has not issued documents on selection of project developers as of the effective date hereof, project developers shall be selected in accordance with this Law, except for cases under Point a Clause 3 and Point d Clause 5 hereof;

c) In respect of social housing investment and construction projects, apartment building renovation and reconstruction projects where competent authority has decided or approved investment guidelines, approved project investment, approved projects before the effective date hereof, project developers shall continue to benefit from incentives under written decision and approval unless this Law or new legislative documents dictate a higher incentives at which point project developers shall benefit from the new incentives for the remainder of investment projects;

d) If multiple investors receive approval for investment guidelines simultaneously as investor approval and are applying for project developer acknowledgement at which point competent authority has not promulgated written approval of project developers in accordance with housing laws before the effective date hereof, regulations under this Law shall be adhered to;

dd) In respect of official housing investment and construction projects where investment decisions have been issued before the effective date hereof, the written decisions shall be adhered to;

e) In respect of housing investment and construction projects serving relocation where competent authority has decided or approved investment guidelines, approved project investment, and/or decided on project approval before the effective date hereof, written decision and approval shall be adhered to;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



If houses under this Clause satisfy requirements according to housing laws and other relevant laws before the effective date hereof and has not been issued with certificate as of the effective date hereof, households and individuals may apply for certificate in accordance with housing laws before effective date hereof and land laws.

In respect of houses under this Clause that do not meet requirements under housing laws and other relevant laws before the effective date hereof, penalties shall be imposed in accordance with housing laws, construction laws, fire safety laws, and other relevant laws applicable at the time of violation; certificate shall not be issued for individual flats in these houses and housing transactions shall be handled in accordance with the Civil Code.

3. Transition regulations regarding apartment building renovation and reconstruction:

a) In respect of apartment building renovation and reconstruction projects that are at project developer selection phase where competent authority has not issued document on project developer selection as of the effective date hereof, developers of apartment building investment and construction project shall be selected in accordance with housing laws before the effective date hereof. Project execution shall conform to this Law and other relevant law provisions;

b) In respect of legitimate request for approval of investment guidelines and approval of developers of apartment building renovation and reconstruction projects; legitimate request for approval of investment guidelines of apartment building renovation and reconstruction projects that competent authority has received before the effective date hereof and as not processed, said documents shall be processed in accordance with housing laws before the effective date hereof;

c) In respect of apartment building renovation and reconstruction projects where compensation has been made in accordance with compensation, support, relocation measures before July 1, 2015 or compensation, support, relocation measures approved under Law on Housing No. 65/2014/QH13 amended by the Law No. 40/2019/QH14, Law No. 61/2020/QH14, Law No. 62/2020/QH14, Law No. 64/2020/QH14, and Law No. 03/2022/QH15 and documents elaborating, guiding implementation, approved measures shall continue to be adhered to unless area of houses, land, and constructions has not been included in compensation, support, relocation measures. Compensation for area of houses, land, and constructions that has not been included in compensation, support, relocation shall conform to this Law;

d) In respect of old apartment buildings to which provincial People’s Committees have promulgated K coefficient for flat area compensation in apartment building renovation, reconstruction projects in accordance with housing laws before the effective date hereof, the K coefficient shall remain available for the purpose of determining compensation, support, relocation of apartment building owners.

4. Transition regulations on apartment building management and use:

a) In respect of apartment buildings commissioned and used before the effective date hereof where written decision or approval of investment guidelines or documents of equivalent legitimacy do not require transfer of technical infrastructures, project developers are responsible for maintaining, operating, ensuring that the technical infrastructures are used for the proper purposes and functions; if transfer is needed but has not been implemented, the transfer must be implemented for management and use in accordance with this Law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Transition regulations on Chapter VI hereof:

a) In respect of social housing investment and construction projects with decisions or approval of investment guidelines, decision on investment, decision on project approval, investment approval, written selection of project developers issued before the effective date hereof, said documents shall be adhered to unless amendments to investment guidelines or projects are required in accordance with investment laws;

b) In respect of residential real estate and urban area investment and construction projects with investment guidelines approval, decision on investment, decision on project approval, investment approval issued before the effective date hereof, developers of residential real estate and urban area investment and construction projects shall reserve a percentage of homestead land in investment projects where technical infrastructures have been built to build social housing in accordance written decision and approval;

c) In respect of residential real estate and urban area investment and construction projects that have been implemented where project developers have failed to reserve a percentage of homestead land in investment and construction projects where technical infrastructures have been built to build social housing as of the effective date hereof, project developers shall continue to fulfill this obligation in accordance with housing laws before the effective date hereof;

d) In respect of social housing investment and construction projects that are during project developer selection phase where written selection of project developers have not been issued in accordance with housing laws before the effective date hereof, housing laws applicable before the effective date hereof shall be adhered to;

dd) In respect of the sale of social housing where land levy must be paid in accordance with housing laws before the effective date hereof but has not been paid as of the effective date hereof, land levy shall be paid in accordance with housing laws before the effective date hereof;

e) Registration, approval, appraisal of prices, signing of contracts, sale, purchase, lease purchase, lease, sale of social housing that adhere to housing laws before the effective date hereof and have not been finished as of the effective date hereof, compliance with housing laws before the effective date hereof shall be maintained;

g) If developers of social housing investment and construction projects have reserved social housing area in social housing investment and construction projects for lease in accordance with Clause 3 Article 54 of the Law on Housing amended by the Law No. 40/2019/QH14, Law No. 61/2020/QH14, Law No. 62/2020/QH14, Law No. 64/2020/QH14, and Law No. 03/2022/QH15 but have not leased, this housing fund are available for sale and lease purchase in accordance with this Law.

6. In respect of entities managing apartment building operation that has had their information uploaded in accordance with housing laws before the effective date hereof, application for certificate of eligibility for managing apartment building operation in accordance with this Law is not required, except for changes to information or services or failure to satisfy requirements under this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



This Law is approved by the 15th National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam in the 6th meeting on November 27, 2023.

 

 

CHAIRPERSON OF THE NATIONAL ASSEMBLY OF VIETNAM




Vuong Dinh Hue

 

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật Nhà ở 2023

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


507.372

DMCA.com Protection Status
IP: 3.147.57.239
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!