Thẩm quyền cưỡng chế phá dỡ nhà ở theo Luật Nhà ở 2023

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
12/06/2024 13:45 PM

Luật Nhà ở 2023 có quy định một số nội dung về phá dỡ nhà ở, trong đó có đề cập về thẩm quyền cưỡng chế phá dỡ nhà ở.

Thẩm quyền cưỡng chế phá dỡ nhà ở theo Luật Nhà ở 2023

Thẩm quyền cưỡng chế phá dỡ nhà ở theo Luật Nhà ở 2023 (Hình từ internet)

Các trường hợp cưỡng chế phá dỡ nhà ở theo Luật Nhà ở 2023

Theo Điều 136 Luật Nhà ở 2023, nhà ở phải phá dỡ trong các trường hợp sau:

(1) Nhà ở bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng đã có kết luận kiểm định chất lượng của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở hoặc trong tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai;

(2) Nhà chung cư thuộc trường hợp phá dỡ theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Nhà ở 2023;

(3) Nhà ở thuộc trường hợp phải giải tỏa để thu hồi đất theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

(4) Nhà ở xây dựng trong khu vực cấm xây dựng hoặc xây dựng trên đất không phải là đất ở theo quy hoạch đã được phê duyệt;

(5) Trường hợp phá dỡ nhà ở khác theo quy định của pháp luật về xây dựng ngoài trường hợp đã liệt kê bên trên.

Khi nhà ở phải phá dỡ theo 05 trường hợp nêu trên mà chủ sở hữu nhà ở, người đang quản lý, sử dụng nhà ở, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình không tự nguyện thực hiện việc phá dỡ nhà ở thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ nhà ở (khoản 1 Điều 139 Luật Nhà ở 2023)

Thẩm quyền cưỡng chế phá dỡ nhà ở theo Luật Nhà ở 2023

Theo khoản 2 Điều 139 Luật Nhà ở 2023, thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ nhà ở được quy định như sau:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế đối với trường hợp phá dỡ nhà ở để thu hồi đất tại mục (3), phá dỡ nhà ở riêng lẻ tại mục (1), (4) và (5);

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định cưỡng chế đối với trường hợp phá dỡ nhà chung cư tại mục (1), (2), (4) và (5);

Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức cưỡng chế phá dỡ nhà ở theo quyết định cưỡng chế phá dỡ nhà ở.

Kinh phí cưỡng chế phá dỡ nhà ở theo Luật Nhà ở 2023

Kinh phí cho việc cưỡng chế phá dỡ nhà ở theo quy định tại khoản 4 Điều 139 Luật Nhà ở 2023 như sau:

- Chủ sở hữu nhà ở hoặc người đang quản lý, sử dụng nhà ở hoặc chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình phải chi trả kinh phí cưỡng chế phá dỡ nhà ở và chi phí có liên quan đến việc phá dỡ nhà ở;

- Trường hợp chủ sở hữu nhà ở, người đang quản lý, sử dụng nhà ở, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình không chi trả kinh phí cưỡng chế phá dỡ nhà ở và chi phí có liên quan đến việc phá dỡ nhà ở thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế áp dụng biện pháp cưỡng chế tài sản để bảo đảm kinh phí cho việc phá dỡ nhà ở.

Chỗ ở của chủ sở hữu khi phá dỡ nhà ở theo Luật Nhà ở 2023

Căn cứ Điều 140 Luật Nhà ở 2023, chủ sở hữu nhà ở phải tự lo chỗ ở khi nhà ở bị phá dỡ, trừ trường hợp:

- Trường hợp phá dỡ nhà ở thuộc trường hợp bị thu hồi đất thì chỗ ở của chủ sở hữu nhà ở được giải quyết theo chính sách về nhà ở phục vụ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Nhà ở 2023 và pháp luật về đất đai.

- Trường hợp phá dỡ nhà chung cư thì chỗ ở của chủ sở hữu nhà chung cư bị phá dỡ nhà ở được giải quyết theo quy định tại Điều 72 Luật Nhà ở 2023.

Trần Trọng Tín

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,881

Bài viết về

lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn