Hướng dẫn xử lý tài sản gắn liền với đất trong trường hợp thu hồi đất do chấm dứt dự án đầu tư

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
24/08/2024 15:15 PM

Bài viết sau có nội dung về việc xử lý tài sản gắn liền với đất trong trường hợp thu hồi đất do chấm dứt dự án đầu tư được quy định trong Nghị định 102/2024/NĐ-CP.

Hướng dẫn xử lý tài sản gắn liền với đất trong trường hợp thu hồi đất do chấm dứt dự án đầu tư

Hướng dẫn xử lý tài sản gắn liền với đất trong trường hợp thu hồi đất do chấm dứt dự án đầu tư (Hình từ Internet)

1. Hướng dẫn xử lý tài sản gắn liền với đất trong trường hợp thu hồi đất do chấm dứt dự án đầu tư

Theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì việc xử lý tài sản gắn liền với đất trong trường hợp thu hồi đất do chấm dứt dự án đầu tư quy định tại điểm d khoản 1 Điều 82 Luật Đất đai 2024 thì xử lý như sau:

- Chủ đầu tư được tiếp tục sử dụng đất 24 tháng kể từ ngày dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật về đầu tư;

- Trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động theo quy định, chủ đầu tư được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, bán tài sản gắn liền với đất cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật;

- Sau khi việc bán tài sản, chuyển quyền sử dụng đất đã được thực hiện, người mua tài sản gắn liền với đất, nhận quyền sử dụng đất được tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư hoặc đề xuất thực hiện dự án đầu tư mới theo quy định của pháp luật;

- Trường hợp khi hết thời hạn quy định tại điểm a khoản 2 Điều 35 Nghị định 102/2024/NĐ-CP mà chủ đầu tư không thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, bán tài sản của mình gắn liền với đất cho nhà đầu tư khác thì Nhà nước thu hồi đất, không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất.

Trong trường hợp bất khả kháng quy định tại Điều 31 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì được xem xét gia hạn thời hạn quy định tại điểm a khoản 2 Điều 35 Nghị định 102/2024/NĐ-CP bằng thời gian xảy ra tình trạng bất khả kháng. Các trường hợp bất khả kháng bao gồm:

+ Thiên tai, thảm họa môi trường;

+ Hỏa hoạn, dịch bệnh;

+ Chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh;

+ Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp;

+ Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, kê biên, phong tỏa quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật mà sau đó người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất;

+ Quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là trở ngại khách quan, không do lỗi của người sử dụng đất, tác động trực tiếp đến việc sử dụng đất;

+ Các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng bộ quản lý chuyên ngành.

Chi phí thu hồi đất, xử lý tài sản gắn liền với đất do ngân sách nhà nước bảo đảm; nhà đầu tư được lựa chọn để tiếp tục sử dụng đất có trách nhiệm nộp ngân sách nhà nước khoản chi phí này trước khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

2. Các căn cứ được áp dụng trong việc thu hồi đất trong các trường hợp thu hồi đất do chấm dứt dự án đầu tư

Việc thu hồi đất trong các trường hợp thu hồi đất do chấm dứt dự án đầu tư phải dựa trên căn cứ được quy định tại khoản 5 Điều 82 Luật Đất đai 2024 bao gồm:

- Văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết đã có hiệu lực pháp luật đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 82 Luật Đất đai 2024;

- Giấy chứng tử hoặc quyết định tuyên bố một người là đã chết theo quy định của pháp luật đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 82 Luật Đất đai 2024;

- Quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 82 Luật Đất đai 2024;

- Văn bản chấm dứt dự án đầu tư đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 82 Luật Đất đai 2024;

- Văn bản thu hồi rừng đối với trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 82 Luật Đất đai 2024;

- Văn bản trả lại đất của người sử dụng đất đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Đất đai 2024;

- Văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định mức độ ô nhiễm môi trường, sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 82 Luật Đất đai 2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Đất đai

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn