ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 297/KH-UBND
|
Hà
Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
KHẮC PHỤC TỒN TẠI, HẠN CHẾ TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ QUỸ NHÀ THUỘC SỞ HỮU
NHÀ NƯỚC SỬ DỤNG VÀO MỤC ĐÍCH KINH DOANH, DỊCH VỤ, TRỤ SỞ LÀM VIỆC VÀ CÁC MỤC
ĐÍCH KHÁC KHÔNG PHẢI ĐỂ Ở TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước sử dụng
vào mục đích kinh doanh, dịch vụ, trụ sở làm việc và các mục đích khác không phải
để ở trên địa bàn thành phố Hà Nội (sau đây gọi là quỹ
nhà chuyên dùng) chủ yếu được xác lập khi thực hiện
chính sách cải tạo nhà cửa của Nhà nước những năm 1960, một
phần quỹ nhà được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Toàn Thành phố hiện
còn 838 địa điểm với diện tích nhà là 178.148m2, diện tích đất là
155.156m2, trong đó: có 801 địa điểm (803 hợp đồng), chủ yếu tập trung tại 04 quận nội thành: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống
Đa do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý cho thuê; các địa
điểm còn lại do UBND quận Hà Đông, UBND thị xã Sơn Tây và Công ty TNHH MTV Kinh
doanh và Dịch vụ nhà Hà Nội quản lý, sử dụng cho thuê.
Trong thời gian qua, công tác quản lý
nhà nước đối với việc quản lý quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước sử dụng vào mục
đích kinh doanh, dịch vụ, trụ sở làm việc và các mục đích khác không phải để
ở đã được các cấp, các ngành Thành phố triển khai thực hiện theo
quy định pháp luật. Nhiều tổ chức, cá nhân đã được ký hợp đồng, gia hạn hợp đồng
thuê nhà chuyên dùng theo quy định, đáp ứng một phần nhu cầu về diện tích kinh
doanh dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân; tăng thu ngân sách
hàng năm địa phương. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng còn
nhiều tồn tại, hạn chế trong thời gian dài, nhiều trường hợp sai phạm phải xử
lý theo quy định của pháp luật; hiệu quả sử dụng, hiệu quả kinh tế thấp không tương xứng với giá trị và số lượng nhà đất.
Để khắc phục các
hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2021, trong đó có nội dung khắc phục những
bất cập, tình trạng khai thác, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng sai mục đích; Thực hiện Kế hoạch số
258/KH-UBND ngày 04/10/2022 của UBND
Thành phố về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2022/NQ-HĐND ngày
08/7/2022 của HĐND Thành phố (về việc thực hiện các quy định của pháp luật về
quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của Thành phố); Nhằm
khai thác có hiệu quả quỹ nhà chuyên dùng trên địa bàn
Thành phố, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế trong
công tác quản lý quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước
sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ, trụ sở làm việc và các mục đích khác
không phải để ở trên địa bàn thành phố Hà Nội, cụ thể như
sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
- Hoàn thiện hệ thống cơ chế chính
sách về quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng của Thành phố; đáp ứng yêu cầu
phát triển trong tình hình mới, phòng, chống thất thoát, thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí.
- Xử lý, khắc phục
dứt điểm các tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng trên địa
bàn Thành phố; sử dụng hiệu quả quỹ nhà chuyên dùng của Thành phố.
- Đổi mới căn bản công tác quản lý của
các Sở, ngành, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội theo phương
châm “rõ người - rõ việc - rõ trách nhiệm - rõ quy trình - rõ hiệu quả”.
2. Yêu cầu:
- Thống kê toàn bộ quỹ nhà chuyên
dùng hiện có, phân loại quỹ nhà chuyên dùng theo nhóm; theo mức độ vi phạm.
- Lập kế hoạch xử lý, khắc phục triệt
để các tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng quỹ nhà
chuyên dùng trên địa bàn Thành phố; Truy thu toàn bộ các khoản nghĩa vụ tài
chính còn nợ đọng, thu hồi toàn bộ các địa điểm nhà, đất bị chiếm dụng, cho
thuê trái phép.
- Sử dụng có hiệu quả quỹ nhà; Kịp thời
đề ra và triển khai các giải pháp quản lý cần thiết, đúng quy định của pháp luật,
để chấn chỉnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong
công tác quản lý nhà chuyên dùng trên địa bàn Thành phố, góp phần tăng thu ngân
sách hàng năm địa phương.
- Thời gian thực hiện Kế hoạch: Năm
2022 và những năm tiếp theo.
II. TỒN TẠI, HẠN
CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN
1. Tồn tại, hạn chế.
Công tác quản lý quỹ nhà chuyên dùng
trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn đang bộc lộ một số hạn chế, yếu kém, như:
- Việc theo dõi, ghi sổ các địa điểm nhà, đất đã ký hợp đồng thuê nhà, các địa điểm chưa ký hợp đồng thuê nhà chưa đảm bảo đầy đủ, không cập nhật
kịp thời biến động. Việc thiết lập, bổ sung hoàn thiện hồ sơ đối với từng địa điểm nhà thuê chưa được quan tâm
đúng mực, tiến độ chậm, đến nay nhiều điểm nhà, đất chưa có hồ sơ; Việc ứng dụng
công nghệ thông tin trong quản lý quỹ nhà chuyên dùng chưa được áp dụng dẫn đến
việc theo dõi, tổng hợp báo cáo không kịp thời, số liệu thiếu chính xác và nhất
quán;
- Công tác kiểm tra, giám sát việc quản
lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng của Thành phố không được duy trì thường xuyên.
Nhiều trường hợp có vi phạm (cho thuê lại, liên doanh liên kết, chuyên ở, cải tạo
lại, cơi nới, xây dựng thêm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận); một
số tranh chấp, vướng mắc diện tích. Đơn vị quản lý, vận hành chưa có biện pháp
chấn chỉnh, chưa kịp thời báo cáo để xử lý theo quy định;
- Công tác cải tạo, sửa chữa quỹ nhà
chuyên dùng của Thành phố đa phần do người sử dụng tự cải tạo sửa chữa cho phù
hợp với nhu cầu sử dụng. Hiện nay, nhiều điểm nhà trong tình trạng xuống cấp
chưa được lập kế hoạch và thực hiện cải tạo, sửa chữa. Cơ chế quản lý, sử dụng
diện tích nhà tăng thêm sau cải tạo, sửa chữa chưa có cơ
chế xử lý (đặc biệt chi phí này đã được ghi nhận, xác định
vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa hoặc các trường hợp
đơn vị thuê đã phá dỡ nhà thuê cũ và xây dựng mới nhà);
- Việc ký hợp đồng
cho thuê nhà, thu tiền cho thuê nhà, đất của quỹ nhà chuyên dùng của Thành phố
đạt hiệu quả thấp, nợ đọng nghĩa vụ tài chính của các đơn vị còn nhiều, kéo dài
chưa được xử lý dứt điểm; hầu hết các Hợp đồng thuê nhà, đất đã hết hạn; chậm
triển khai trong việc giải quyết quỹ nhà chuyên dùng hiện đang trống.
2. Nguyên nhân
2.1 Nguyên nhân khách quan
- Quỹ nhà chuyên dùng trên địa bàn
Thành phố có nhiều yếu tố đặc thù, tồn
tại mang tính lịch sử, như: Có nhiều diện tích nhà do các đơn vị thuê xây dựng
thêm trong quá trình sử dụng bằng nguồn vốn của đơn vị thuê, giá trị nhiều công
trình do đơn vị thuê tự bỏ kinh phí xây dựng thêm được hạch toán và tính vào
giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa; Đơn vị thuê bố trí
cán bộ công nhân viên sử dụng một phần diện tích thuê vào mục đích ở...Do trải
qua nhiều thời kỳ nên hồ sơ lưu trữ, quá trình quản lý không đầy đủ, nhiều điểm không có hồ sơ quản lý, chỉ theo
dõi, thống kê trên sổ bộ và chưa có
cơ chế, chính sách rõ ràng để giải
quyết những tồn tại, vướng mắc nêu trên.
- Hiện nay, tuy Luật Quản lý và sử dụng
tài sản công; Nghị định số 151/NĐ-CP ngày 26/12/2017 quy định chi tiết một số
điều của Luật Quản lý sử dụng tài sản công; Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày
31/12/2017 của Chính phủ về sắp xếp, quản lý tài sản công và được sửa đổi, bổ
sung tại Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 đã có
hiệu lực thi hành; nhưng Chính phủ, các Bộ, ngành chưa có quy định, hướng dẫn cụ
thể về việc quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng; do vậy, việc quản lý quỹ
nhà này ở địa phương vẫn phải căn cứ vào các quy định của UBND
Thành phố để quản lý gây khó khăn trong công tác quản lý,
xử lý các vi phạm và việc bảo trì, sửa chữa các hư hỏng;
2.2 Nguyên nhân chủ quan
- Các Sở, ngành của Thành phố: Chưa
thường xuyên kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển
nhà Hà Nội trong công tác quản lý quỹ nhà chuyên dùng thuộc sở hữu Nhà nước.
- Một số tổ chức, cá nhân thuê nhà:
Còn chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong
quản lý, sử dụng nhà chuyên dùng; Còn xảy ra trường hợp tổ chức, cá nhân thuê nhà
tự ý liên doanh, liên kết, cho thuê lại nhà thuê của Nhà nước. Tự ý xây dựng, cải
tạo trên diện tích đất của quỹ nhà chuyên dùng khi chưa được
phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
- Đơn vị quản lý vận hành: Bộ máy
Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội thay đổi,
tách nhập qua các thời kỳ (giai đoạn trước năm 1991, các Xí nghiệp Quản lý Nhà
biên chế trực thuộc UBND các quận; năm 2005, Thành phố đã sát nhập 3 Công ty
nhà thành Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội). Nhận thức của cán
bộ tham gia công tác quản lý quỹ nhà chuyên dùng, đặc biệt
là cán bộ cấp cơ sở, còn chưa nhận thức hết trách nhiệm của
mình. Sự phối hợp giữa Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội và các
Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà trực thuộc với chính quyền địa phương chưa
thực sự chặt chẽ. Dẫn đến công tác quản lý trật tự xây dựng
trên địa bàn và công tác cưỡng chế thu hồi đối với quỹ nhà
chuyên dùng chưa đạt được hiệu quả
cao.
III. NỘI DUNG, BIỆN
PHÁP KHẮC PHỤC
1. Rà soát, ban
hành, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng của
Thành phố theo thẩm quyền đảm bảo quản lý đồng bộ, chặt chẽ, sử dụng hiệu quả:
1.1. Giao Sở Tài chính:
Chủ trì cùng Sở Xây dựng, Sở Tài
nguyên và Môi trường, các Sở, ngành, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà
Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Tài chính để sớm tham mưu trình Chính phủ ban hành nghị định quy định việc quản lý,
sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất giao cho Tổ chức có chức năng quản lý, kinh
doanh nhà địa phương quản lý.
1.2. Giao Sở Xây dựng:
Chủ trì, phối hợp cùng Sở Tài chính,
các Sở, ngành, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội và các đơn vị
liên quan tham mưu UBND Thành phố sửa đổi, bổ sung Quyết định số
32/2012/QĐ-UBND ngày 12/11/2012 của UBND Thành phố quy định về quản lý, sử dụng
nhà thuộc sở hữu Nhà nước sử dụng vào mục đích kinh doanh
dịch vụ trên địa bàn Thành phố.
Rà soát lại Bảng giá cho thuê nhà
chuyên dùng đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành và yêu cầu thực tế quản lý,
sử dụng.
Phối hợp với Sở Tài chính để hoàn thành Đề án quản lý, sử dụng tài sản công của Thành phố (trong đó có nhà chuyên dùng).
1.3. Giao Sở Nội vụ:
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành
có liên quan kiện toàn tổ chức, bộ máy chức năng nhiệm vụ
của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đảm
bảo tinh gọn và đủ năng lực trong công tác quản lý các quỹ nhà được UBND Thành phố giao
quản lý.
2. Tăng cường
công tác quản lý; kiên quyết thu hồi để xử lý theo quy định các địa điểm nhà
chuyên dùng sử dụng không đúng quy định; nợ đọng nghĩa vụ tài chính về nhà, đất
kéo dài.
2.1. Công tác báo cáo kết quả kiểm
tra, rà soát toàn bộ quỹ nhà đất chuyên dùng thuộc sở hữu Nhà nước
Giao Sở Xây dựng, Sở Tài chính: Hoàn
thiện báo cáo, tổng hợp kết quả kiểm tra,
rà soát toàn bộ quỹ nhà đất chuyên dùng thuộc sở hữu Nhà
nước do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội,
Công ty TNHH MTV Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội và các đơn vị khác đang quản lý,
cho thuê trên địa bàn Thành phố.
2.2. Tổ chức xử lý vi phạm, thu hồi lại các địa điểm nhà chuyên dùng sử dụng không đúng quy định bị các Tổ
chức cá nhân chiếm dụng trái phép, các đơn vị quản lý tổ chức cho thuê, bố trí sử dụng trái
phép
Giao Sở Xây dựng, Sở Tài chính chủ
trì cùng Công an Thành phố, Thanh tra Thành phố, Sở Tài chính, Cục Thuế Thành
phố, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, UBND các quận, huyện,
thị xã (nơi có nhà, đất) tổ chức xử lý vi phạm, thu hồi lại
các địa điểm nhà chuyên dùng sử dụng không đúng quy định hoàn thành trong năm 2023
và báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện.
2.3. Tổ chức truy thu toàn bộ các khoản nghĩa vụ tài chính do các tổ chức, cá nhân còn nợ đọng; lập hồ sơ xử
lý theo quy định đối với các trường hợp chây ỳ:
Giao Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Cục
Thuế Thành phố và các đơn vị, doanh nghiệp quản lý, khai thác quỹ nhà chuyên
dùng của Thành phố rà soát, thống kê, phân loại các khoản
nợ (tiền thuê nhà, thuê đất) từ hoạt động cho thuê quỹ nhà
chuyên dùng do Thành phố giao quản lý, đề xuất biện pháp
thu hồi nợ, báo cáo Sở Xây dựng, Sở Tài chính tổng hợp theo quy định hoàn thành trong năm 2023 và
báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện.
3. Tăng cường
công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, chuyên đề và đột xuất việc chấp hành quy
định về quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý của Thành phố
để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các vi phạm theo quy định pháp luật.
3.1. Giao UBND các quận, huyện,
các đơn vị, doanh nghiệp được Thành phố giao quản lý, khai thác quỹ nhà chuyên
dùng:
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các tổ
chức, cá nhân thuê nhà chấp hành các quy định và nội dung hợp đồng thuê nhà, đất.
Khi phát hiện các vi phạm trong quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng do Thành
phố giao quản lý của tổ chức thuê nhà, lập hồ sơ thực hiện xử lý, thu hồi theo
thẩm quyền hoặc kịp thời báo cáo Sở Xây dựng xem xét, xử lý.
3.2. Giao Sở Xây dựng, Sở Tài
chính chủ trì, phối hợp cùng Công an Thành phố,
Thanh tra Thành phố, Cục Thuế Thành phố, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã (nơi có
nhà, đất:
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh
tra chuyên đề về việc chấp hành quy định
về quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng của tổ chức, cá nhân thuê nhà để
kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các vi
phạm; đồng thời, tham mưu, kiến nghị cấp có thẩm quyền điều
chỉnh những bất cập trong cơ chế,
chính sách về quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng.
3.3. Giao Sở Tài chính chủ trì, thực
hiện:
Hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực
hiện quy định về giá cho thuê nhà chuyên dùng; Giám sát việc quản lý và sử dụng
tiền thuê, bán nhà chuyên dùng, việc thực hiện chế độ hạch
toán thu chi tài chính, chế độ báo cáo tài chính của đơn vị, doanh nghiệp kinh
doanh nhà được giao quản lý, khai thác quỹ nhà chuyên dùng quỹ Thành phố.
Trong quá trình thực hiện các nội dung
trên, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm thì các Sở,
ngành phải làm rõ trách nhiệm; tùy theo mức độ vi phạm, các Sở, ngành xử lý
trách nhiệm hoặc đề xuất xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá
nhân, vi phạm, để xảy ra vi phạm, trách
nhiệm của người đứng đầu theo quy định của pháp luật.
Đối với các trường hợp vi phạm phải xử
lý hình sự thì chuyển Công an Thành phố điều tra, xử lý đối
với tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Giao Sở Xây dựng:
- Là cơ quan thường trực, thường
xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thực hiện Kế
hoạch này.
- Định kỳ 06 tháng, tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch, báo cáo UBND Thành phố.
- Báo cáo tổng hợp
tình hình, kết quả thực hiện sau khi kết thúc thời gian thực hiện Kế hoạch; kiến
nghị, đề xuất UBND Thành phố.
2. Theo chức năng, nhiệm vụ, Giám đốc,
thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan của Thành phố tổ chức thực
hiện hiệu quả Kế hoạch này. Định kỳ 06 tháng, các sở, ban, ngành Thành phố,
UBND quận, huyện, thị xã có liên quan báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện
Kế hoạch gửi Sở Xây dựng, Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.
3. Trên cơ sở báo cáo của cơ quan thường
trực, Văn phòng UBND Thành phố phối hợp với Sở Xây dựng báo
cáo UBND Thành phố về tình hình triển khai, kết quả thực hiện Kế hoạch.
UBND Thành phố yêu cầu Giám đốc các Sở,
ngành Thành phố, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND quận, huyện,
thị xã nghiêm túc triển khai và xây dựng Kế hoạch thực hiện của đơn vị mình.
Quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc báo cáo về UBND
Thành phố (qua Sở Xây dựng) để được hướng dẫn thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thường trực Thành ủy (để báo cáo);
- Thường trực HĐND TP (để
báo cáo);
- Chủ tịch UBND Thành phố (để báo cáo);
- Các Phó Chủ tịch UBND TP;
- Các Sở: TC,
TN&MT;
- Cục Thuế Thành phố;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Văn phòng Thành ủy;
- Văn phòng HĐND Thành phố;
- VPUBTP: CVP, PCVP Võ Tuấn Anh; ĐT;
- Lưu: VT, ĐT.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Dương Đức Tuấn
|