UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 02/KH-UBND
|
Tuyên Quang, ngày 12 tháng 01 năm 2012
|
KẾ HOẠCH
CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, QUYỀN SỬ
HỮU NHÀ Ở VÀ TÀI SẢN KHÁC GẮN LIỀN VỚI ĐẤT VÀ XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU ĐẤT ĐAI
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
Thực hiện Chỉ thị
số 1474/CT-TTg ngày 24/8/2011 của Thủ Tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải
pháp cấp bách để chấn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử
hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch
cụ thể như sau:
I. Mục tiêu
1. Mục tiêu tổng
quát
- Đẩy nhanh công
tác đo đạc bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là Giấy
chứng nhận) và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày
24/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
- Thực hiện dự
án xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn huyện và
thành phố theo đúng Thiết kế kỹ thuật - Dự toán được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê
duyệt. Đến năm 2015, hoàn thành huyện điểm Sơn Dương, thành phố Tuyên Quang và
thị trấn trung tâm; các xã còn lại hoàn thành trước năm 2020.
- Từng bước hoàn
thiện, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu đất đai để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng,
phục vụ cho lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng, khai thác tiềm năng quỹ đất, cung
cấp các thông tin về đất đai phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội
trên địa bàn tỉnh. Thiết lập mạng lưới thông tin giao diện, thống nhất từ cấp tỉnh
đến cấp huyện, cấp xã, phục vụ cho việc quản lý và khai thác thông tin Đất đai
2. Mục tiêu,
chỉ tiêu cụ thể
2.1 Đối với
hộ gia đình, cá nhân
a) Hoàn thành Dự
án thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/10.000 và hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp từ tư liệu bản đồ địa chính cơ sở tỷ lệ
1/10.000 tỉnh Tuyên Quang.
b) Hoàn thành chương
trình giao rừng trồng gắn với giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
lâm nghiệp, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng thuộc Chương trình 327 và
Dự án 661 đã quy hoạch lại là rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
c) Cấp khoảng 118.400
Giấy chứng nhận cho khoảng 118.400 lượt hộ gia đình, cá nhân với diện tích khoảng
60.700 ha/179.700 ha, chiếm tỷ lệ còn lại cần cấp là 34 %, cụ thể:
- Nhóm đất nông
nghiệp: Cấp khoảng 56.600 Giấy chứng nhận cho 50.800 lượt hộ gia đình, cá nhân
với diện tích khoảng 58.600 ha/174.300 ha, chiếm 34 % diện tích cần cấp, trong
đó:
+ Đất sản xuất
nông nghiệp và đất nuôi trồng thủy sản: Cấp khoảng 36.600 Giấy chứng nhận cho
36.700 lượt hộ gia đình, cá nhân với diện tích khoảng 35.700 ha/78.200 ha;
+ Đất lâm nghiệp:
Cấp khoảng 20.000 Giấy chứng nhận cho 14.100 lượt hộ gia đình, cá nhân với diện
tích 23.000 ha/96.100 ha.
- Đất phi nông
nghiệp: Cấp khoảng 48.100 Giấy chứng nhận cho 48.000 lượt hộ gia đình, cá nhân
với diện tích khoảng 2.000 ha/5.400 ha, chiếm tỷ lệ 37%, trong đó:
+ Đất ở tại nông
thôn: Diện tích cần cấp khoảng 1.600 ha/4.700 ha, chiếm tỷ lệ 34%;
+ Đất ở tại đô thị:
Diện tích cần cấp khoảng 420 ha/580 ha, chiếm tỷ lệ 72%;
+ Đất sản xuất
kinh doanh phi nông nghiệp: Diện tích cần cấp khoảng 18 ha/18 ha, chiếm tỷ lệ
99%.
2.2 Đối với
tổ chức
a) Hoàn thành việc
đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công
ty lâm nghiệp, công ty cổ phần chè của tỉnh, cơ sở tôn giáo, trụ sở các Hợp tác
xã và cấp xong giấy chứng nhận cho các tổ chức đã hoàn thiện hồ sơ đúng quy định.
b) Cấp 4.000 Giấy
chứng nhận với diện tích 52.000 ha cho 640/1.400 tổ chức, chiếm tỷ lệ 46% số tổ
chức cần cấp.
II. Giải pháp thực hiện
1. Công tác chỉ đạo
- Cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các đoàn thể nhân
dân từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động
nhân dân để nâng cao nhận thức đối với công tác đo đạc lập bản đồ địa chính, lập
hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận và lập, quản lý, sử dụng hồ sơ địa chính
phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai.
- Giám đốc sở: Tài
nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài chính,
Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố theo chức năng,
nhiệm vụ có trách nhiệm thường xuyên, kiểm tra, đôn đốc, theo dõi sát tình hình
thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, từng cấp; xử lý kịp thời những khó khăn,
vướng mắc trong quá trình thực hiện để bảo đảm yêu cầu chất lượng và tiến độ
theo đúng kế hoạch nêu trong Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24/8/2011 của Chính phủ
và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban
nhân dân tỉnh.
- Giám đốc Sở
Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố: tập trung
chỉ đạo đẩy mạnh việc kê khai đăng ký, cấp giấy chứng nhận lập hồ sơ địa chính
để quản lý với yêu cầu tất cả các diện tích, loại đất do tổ chức và hộ gia
đình, cá nhân đang sử dụng đất trên địa bàn phải thực hiện kê khai đăng ký, cấp
giấy chứng nhận lập hồ sơ địa chính, trong đó phân rõ:
+ Đối với diện
tích đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận phải hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận;
ưu tiên cấp giấy chứng nhận đối với đất ở, đất chuyên dùng.
+ Đối với diện
tích vi phạm pháp luật đất đai không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận thì đăng
ký để lập hồ sơ quản lý.
- Hàng năm Uỷ
ban nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch cấp giấy chứng nhận cho từng huyện,
thành phố; Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố giao chỉ tiêu kế hoạch cấp giấy chứng
nhận cho các đơn vị hành chính cấp xã.
2. Giao trách nhiệm
2.1. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, theo dõi, triển khai thực hiện dự án, cập nhật tiến độ đo đạc
lập bản đồ, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính theo quý,
năm; đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo giải quyết.
- Xây dựng kế hoạch, dự toán kinh
phí, chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
cho các tổ chức đang sử dụng đất, đặc biệt là các tổ chức được giao đất không
thu tiền sử dụng đất.
- Chủ trì, phối hợp
với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu để Ủy ban nhân dân tỉnh giao chỉ
tiêu kế hoạch thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận cho các huyện, thành phố; tổng
hợp kết quả thực hiện làm cơ sở để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ.
- Chủ động rà soát lại các nội dung chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh
liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất, bàn giao đất cho chính quyền địa phương quản lý của các nông, lâm trường
trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực hiện hoặc tham mưu Ủy ban nhân dân chỉ đạo thực
hiện.
- Phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện,
thành phố hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc lập, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa
chính ở các cấp theo chức năng, nhiệm vụ quy định của Văn phòng đăng ký quyền sử
dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp xã, bảo đảm nguyên tắc mọi
thửa đất đã cấp Giấy chứng nhận phải được thể hiện đầy đủ, thống nhất các thông
tin trong hồ sơ địa chính.
- Tăng cường công tác thanh tra,
kiểm tra, giám sát thường xuyên việc chấp hành các quy định, quy trình, thủ tục
cấp Giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính ở tất cả các cấp để phát hiện, khắc phục
và xử lý kịp thời các sai phạm trong quá trình thực hiện.
- Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan rà soát các quy định
về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn
liền với đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố đã ban
hành liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu địa
chính; đề xuất, báo cáo kịp thời với Ủy ban nhân dân tỉnh để sửa đổi, bổ sung
cho phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
- Chủ trì, phối hợp với Uỷ ban
nhân dân cấp huyện kiểm tra, đề xuất hướng xử lý dứt điểm những trường hợp khiếu
nại, tranh chấp, vi phạm chính sách đất đai; đặc biệt đối với tổ chức sau khi
rà soát theo Chỉ thị số 31/2007/CT-TTg ngày 14/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ,
Chỉ thị số 134/CT-TTg ngày 20/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường
kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức được nhà nước giao đất,
cho thuê đất.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Uỷ ban nhân dân huyện,
thành phố và các ngành có liên quan đánh giá hiệu quả hoạt động, khó khăn tồn tại
của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Sở, phòng Tài nguyên và Môi
trường huyện, thành phố; đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh trong quý I/2012.
- Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ
phòng Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân cấp xã và cán bộ địa
chính xã.
2.2.
Sở Xây dựng: Ban hành Hướng dẫn về việc chứng nhận
quyền sở hữu nhà ở, chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng quy định tại Điều
8 và Điều 9 Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ.
2.3. Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn: Ban hành Hướng dẫn
xác định các thông tin để cấp giấy chứng nhận sở hữu tài sản trên đất là cây
lâu năm, rừng cây đủ điều kiện chứng nhận quyền sở hữu tài sản.
2.4. Sở Tài
chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư
Tham mưu cho Uỷ
ban nhân dân tỉnh cân đối bố trí đủ kinh phí từ ngân sách địa phương, bảo đảm
dành tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để đầu tư cho
công tác đo đạc, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất
đai và đăng ký biến động, chỉnh lý hồ sơ địa chính thường xuyên. Hướng dẫn, kiểm
tra, thanh quyết toán nguồn vốn theo đúng quy định của Nhà nước.
2.5. Đài
Phát thanh và Truyền hình, Báo Tuyên Quang
Phối hợp với các
ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thường xuyên tuyên truyền, phổ biến
pháp luật về đất đai bằng nhiều hình thức để người sử dụng đất tự giác thực hiện
nghĩa vụ của mình trong việc sử dụng đất, đăng ký đất đai.
2.6. Uỷ ban nhân dân cấp huyện
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện các dự án
đo đạc bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận và xây dựng
cơ sở dữ liệu địa chính.
- Hàng năm xây dựng kế hoạch cấp giấy chứng nhận cụ thể cho từng loại đất,
trong đó xác định rõ chỉ tiêu kế hoạch hoàn thành theo từng tháng, quý. Trên cơ
sở đó giao chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận cho Uỷ ban nhân dân cấp xã. Tổng hợp kết
qủa thực hiện của năm trước và xây dựng chỉ tiêu kế hoạch cấp giấy chứng nhận của
năm sau theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường.
- Tiếp nhận quỹ đất từ các nông, lâm trường bàn giao cho địa phương để
tổ chức quản lý, xét duyệt giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận đối với
các hộ gia đình, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật đất đai.
- Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tổ chức thực hiện có
hiệu quả theo cơ chế "một cửa" không gây phiền hà, sách nhiễu khi lập
hồ sơ thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận; công khai trình tự, thủ tục và các
loại phí, lệ phí cấp giấy chứng nhận tại nơi tiếp nhận hồ sơ cấp giấy chứng nhận.
Xử lý nghiêm những cán bộ gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình tiếp nhận hồ
sơ đăng ký, cấp giấy chứng nhận.
- Hàng quý tổ chức kiểm điểm đánh giá kết quả thực hiện theo nội dụng kế
hoạch này. Báo cáo gửi Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 20 tháng cuối quý
để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.
2.7. Ủy ban nhân dân cấp xã
-
Tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương chính sách của Đảng
và Nhà nước về đất đai.
-
Thực hiện công khai dân chủ về nội dung, kế hoạch triển khai các dự án đo đạc bản
đồ, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu địa
chính; chỉ đạo cán bộ địa chính, trưởng các thôn, khu phố tham gia xác định
ranh giới, mốc giới cho từng thửa đất; tham gia kiểm tra giám sát công tác đo đạc
bản đồ, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu địa
chính. Tổ chức thực hiện xét duyệt hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
và phối hợp trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất.
III. Tổ chức thực hiện
1. Trên cơ
sở những nhiệm vụ chủ yếu của Kế hoạch này, Thủ trưởng các sở, ngành thuộc tỉnh,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường,
thị trấn tổ chức quán triệt và trực tiếp chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện của
cơ quan, đơn vị và địa phương ngay trong quý I năm 2012 (tăng cường kiểm tra,
đôn đốc việc triển khai thực hiện); định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết, báo cáo kết
quả về Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường.
2. Giao Sở
Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm điều phối hoạt
động chung của kế hoạch; đôn đốc, theo dõi tiến độ, phát hiện kịp thời khó
khăn, vướng mắc đề xuất giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền giải quyết;
hàng năm sơ kết kết quả thực hiện Kế hoạch, đề xuất điều chỉnh, bổ sung những nội
dung, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể phù hợp với thực tiễn.
3. Kế hoạch
này thay thế Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 26/11/2005 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về
cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng
đồng dân cư sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang./.
Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh; (Báo cáo)
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các PCT UBND tỉnh;
- Chánh VP, các Phó CVP UBND tỉnh;
- Các sở: TN&MT, TC, KH&ĐT, NN&PTNT, XD;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Tuyên Quang;
- UBND huyện, thành phố;
- Trung tâm công báo;
- Trưởng, Phó TP: KT, TH;
- Chuyên viên: ĐC.
- Lưu VT (T 28).
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm Minh Huấn
|