Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 9264/HD-ĐCNĐ Loại văn bản: Hướng dẫn
Nơi ban hành: S? Ð?a chính - Nhà d?t Thành ph? H? Chí Minh Người ký: Đỗ Phi Hùng
Ngày ban hành: 04/07/2000 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ ĐỊA CHÍNH - NHÀ ĐẤT
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9264/HD-ĐCNĐ

Thành Phố Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 07 năm 2000

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN “QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỞ HỮU NHÀ VÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT ĐÔ THỊ THỦ TỤC CHUYỂN QUYỀN SỞ HỮU NHÀ VÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH”.
Ban hành theo Quyết định số 38/2000/QĐ-UB-ĐT ngày 19/6/2000 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Để triển khai thực hiện Quyết định số 38/2000/QĐ-UB-ĐT ngày 19/6/2000 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc ban hành “Quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đô thị thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất tại thành phố Hồ Chí Minh” (gọi tắt là Bản quy định).

Sở Địa chính - Nhà đất hướng dẫn thực hiện một số điểm của Bản quy định như sau:

I/ NGUYÊN TẮC ÁP DỤNG VĂN BẢN:

Quyết định số 38/2000/QĐ-UB-ĐT chỉ quy định về thủ tục, không nhắc lại những nội dung quản lý đã được pháp luật quy định (tại các văn bản luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác). Do đó, các cơ quan khi giải quyết thủ tục cần kết hợp với các quy định pháp luật có liên quan để thực hiện.

II/ PHƯƠNG THỨC TRIỂN KHAI VÀ THẨM QUYỀN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN:

1/ Phương thức cấp giấy chứng nhận: (Điều 4 - Bản quy định)

a/ Giấy chứng nhận được cấp theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân quận, huyện (sau đây gọi tắt là quận) được Giám đốc Sở Địa chính - Nhà đất - Phó Ban Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về chính sách nhà ở đất ở ra văn bản thỏa thuận thông qua theo ủy nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố (Điều 32 - Bản quy định).

Thời hạn hoàn thành cấp giấy chứng nhận cho nhà ở chưa có giấy tờ hợp lệ trên toàn thành phố thực hiện theo kế hoạch dự kiến từ nay đến hết năm 2002.

Căn cứ các điều kiện có được về kinh phí và tổ chức lực lượng, các quận sẽ lập kế hoạch cấp giấy chứng nhận hằng năm trên cơ sở số lượng nhà, đất cần cấp giấy chứng nhận của quận được phân chia trong 3 năm (2000 - 2001 - 2002), triển khai theo phường và ưu tiên giải quyết trước cho dạng nhà, đất chưa có hoặc chưa có đủ giấy tờ hợp lệ.

Sau khi kế hoạch cấp giấy chứng nhận được thông qua bằng văn bản thỏa thuận của Giám đốc Sở Địa chính - Nhà đất - Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về chính sách nhà ở đất ở, Ủy ban nhân dân quận bắt đầu thực hiện cấp giấy chứng nhận cho tất cả nhà, đất chưa có hoặc chưa có đủ giấy tờ hợp lệ hội đủ các điều kiện được cấp giấy chứng nhận trên địa bàn của phường được chọn để triển khai kế hoạch, gọi tắt là cấp giấy chứng nhận theo kế hoạch.

Hoàn thành xong kế hoạch cấp giấy chứng nhận cho các trường hợp nhà, đất chưa có hoặc chưa có đủ giấy tờ hợp lệ, các quận, huyện sẽ tiếp tục lập kế hoạch cấp đổi giấy chứng nhận cho các trường hợp nhà ở đã có giấy tờ hợp lệ.

b/ Ở các phường chưa đến lượt thực hiện kế hoạch cấp giấy chứng nhận, nếu chủ nhà có yêu cầu (kể cả cấp đổi từ giấy tờ hợp lệ) cũng được xem xét cấp giấy chứng nhận, gọi tắt là cấp giấy chứng nhận theo nhu cầu.

2/ Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận:

Theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 25/1999/NĐ-CP ngày 19/4/1999 của Chính phủ:

“1. Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại nội thành, nội thị xã, thị trấn do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp theo mẫu quy định tại Nghị định số 60/CP ngày 05/7/1994 của Chính phủ.

2. Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại nông thôn do Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp theo mẫu quy định tại Nghị định số 60/CP ngày 05/7/1994 của Chính phủ”.

Do đó, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh như sau:

- Ủy ban nhân dân thành phố ký giấy chứng nhận cho nhà ở, đất ở thuộc 17 quận và các thị trấn thuộc huyện.

- Ủy ban nhân dân huyện ký giấy chứng nhận cho nhà ở, đất ở chưa có giấy tờ hợp lệ, có nhu cầu xin cấp giấy chứng nhận thuộc các xã đô thị hóa đã thực hiện kê khai đăng ký nhà, đất theo Quyết định số 3376/QĐ-UB-QLĐT. Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận áp dụng tương tự như quy định tại Quyết định số 38/2000/QĐ-UB-ĐT.

II/ GIẤY TỜ HỢP LỆ VỀ QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT Ở:

1/ Trường hợp chủ đất cũ có bằng khoán điền thổ ghi rõ trên đất có nhà nhưng nhà thuộc sở hữu của người khác thì chủ đất cũ không phải là người có giấy tờ hợp lệ về nhà ở, đất ở như đã quy định.

2/ Trường hợp chủ đất cũ có bằng khoán điền thổ, đồng thời là chủ nhà, nhưng một phần đất khuôn viên thuộc diện đã giao cho người khác sử dụng, người có bằng khoán không còn đủ diện tích như thể hiện trên giấy tờ, thì chỉ giải quyết thủ tục hành chính trên diện tích còn lại theo hiện trạng.

3/ Những trường hợp có hợp đồng đã được công chứng, trước bạ, đăng bộ tại Sở Địa chính - Nhà đất, Sở Nhà đất (cũ) hoặc Phòng Xây dựng - Giao thông vận tải huyện, nhưng không thể kèm theo giấy tờ hợp lệ của chủ cũ do chỉ mua một phần nhà hoặc mua nhà của các doanh nghiệp được phép bán, thì vẫn coi là giấy tờ hợp lệ về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Những trường hợp chỉ mới có hợp đồng công chứng và đã trước bạ trước thời điểm thực hiện Quyết định số 38/2000/QĐ-UB-ĐT mà chưa đăng bộ, nay được tiếp tục làm thủ tục đăng bộ tại Sở Địa chính - Nhà đất để hoàn chỉnh tình trạng hợp lệ về nhà, đất.

III/ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM THỤ LÝ VÀ TRÌNH HỒ SƠ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN:

1/ Sở Địa chính - Nhà đất thụ lý trình hồ sơ cấp giấy chứng nhận: (Điều 5 - Bản quy định)

a/ Cấp giấy chứng nhận đối với nhà chưa có giấy tờ hợp lệ bao gồm:

- Nhà biệt thự (trừ loại nhà biệt thự xây dựng mới sau ngày 30/4/1975 trên đất đã có giấy tờ hợp lệ) nhà có nguồn gốc biệt thự, đã chuyển thành nhà phố hoặc nhà khác, không được phép của cơ quan có thẩm quyền nhà xây chen trong khuôn viên nhà biệt thự.

- Nhà có yếu tố người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhà, đất có liên quan đến tổ chức, cá nhân nước ngoài: Khi người tham gia giao dịch dân sự đối với nhà, đất xin cấp giấy chứng nhận là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài bao gồm các trường hợp là chủ sở hữu, người được thừa kế theo quy định của pháp luật, và những người khác có quyền, nghĩa vụ liên quan đối với nhà, đất này.

- Nhà được xây dựng trên đất do Nhà nước trực tiếp quản lý: Đất được đơn vị thuộc quân đội giao theo đúng thẩm quyền để làm nhà ở đất thuộc công sản chế độ cũ.

- Nhà có nguồn gốc thuộc diện Nhà nước quản lý theo các chính sách về nhà, đất:

+ Các trường hợp có Quyết định trả nhà của Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện.

+ Quyết định cải tạo nhà cho thuê trong đó có cho chủ nhà được sở hữu 1 phần nhà.

+ Quyết định kiểm kê quản lý nhà và cho lưu cư trong đó còn 1 phần nhà thuộc sở hữu của người lưu cư.

b/ Cấp đổi giấy chứng nhận cho nhà đã có giấy tờ hợp lệ:

Nhà, đất có giấy tờ hợp lệ do các cơ quan có thẩm quyền của thành phố đã cấp trước đây và các trường hợp không thuộc khoản 2 - điểm b dưới đây, chưa qua chuyển nhượng bằng thủ tục hợp đồng công chứng, trước bạ, đăng bộ.

2/ Cấp quận thụ lý trình hồ sơ cấp giấy chứng nhận: (Điều 5 - Bản quy định)

a/ Cấp giấy chứng nhận cho nhà chưa có giấy tờ hợp lệ:

Bao gồm các loại nhà không thuộc các loại nhà được nêu tại Khoản 1 Điểm a nêu trên.

b/ Cấp đổi giấy chứng nhận cho nhà đã có giấy tờ hợp lệ:

-  Giấy tờ hợp lệ do Ủy ban nhân dân cấp quận hoặc cơ quan được Ủy ban nhân dân cấp quận ủy quyền theo quy định đã cấp trước đây.

- Các trường hợp có giấy tờ hợp lệ theo Điều 2 - Bản quy định, đã chuyển dịch quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở trước ngày Quyết định số 38/2000/QĐ-UB-ĐT có hiệu lực với thủ tục hợp đồng công chứng, trước bạ và đăng bộ tại Sở Địa chính - Nhà đất (Sở Nhà đất trước đây) hoặc tại Phòng Xây dựng - Giao thông vận tải huyện.

- Từ sau ngày Quyết định số 38/2000/QĐ-UB-ĐT có hiệu lực, các trường hợp chuyển dịch quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở với thủ tục hợp đồng công chứng và đã trước bạ khi đến đăng bộ tại các cơ quan được phân công theo quy định tại Điều 29 - Bản quy định sẽ được làm thủ tục để cấp đổi giấy chứng nhận (không phải qua xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp phường).

Trường hợp được phân công do Sở Địa chính - Nhà đất thực hiện đăng bộ, nếu chủ nhà có yêu cầu cấp đổi sau khi làm xong thủ tục sẽ lập phiếu chuyển về quận để thụ lý trình trực tiếp hồ sơ cho Ủy ban nhân dân thành phố ký đổi giấy chứng nhận.

- Nhà biệt thự xây dựng mới sau ngày 30/4/1975 trên đất đã có giấy tờ hợp lệ.

IV/ ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN:

1/ Điều kiện về phạm vi bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị khi xem xét cấp giấy chứng nhận:

Chỉ căn cứ quy định tại Điều 7 - khoản 1 - điểm 1.1 - Bản quy định mà không đặt thêm yêu cầu khác.

Không cấp giấy chứng nhận đối với nhà, đất nằm hoàn toàn trong các khu vực: “Đã được công bố thuộc phạm vi bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy định về quy chuẩn xây dựng tại Quyết định số 682/BXD-CSXD ngày 14/12/1996 của Bộ Xây dựng, như: Đường sắt, đường bộ, đường sông, khoảng không bảo vệ an toàn đường bay, cầu cống, đê, công trình thủy lợi, cấp thoát nước, điện … và các công trình di tích lịch sử văn hóa, an ninh, quốc phòng”. Sau đây, gọi tắt là phạm vi bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Các trường hợp khác thuộc diện không được cấp giấy chứng nhận đã được quy định cụ thể tại các điểm còn lại của khoản 1 và các khoản còn lại của Điều 7.

Đối với nhà, đất không thuộc phạm vi điều chỉnh tại Điều 7 đều được xem xét cấp giấy chứng nhận.

2/ Về quy định xử lý vi phạm xây dựng: (Điều 6 - khoản 3 - Bản quy định)

Trong khi chờ Ủy ban nhân dân thành phố ban hành chỉ thị về xử lý vi phạm xây dựng (đã giao cho Kiến trúc sư Trưởng thành phố dự thảo), việc xử lý các trường hợp vi phạm xây dựng, xây dựng vi phạm quy hoạch được giải quyết theo quy định hiện hành.

Đối với các trường hợp vi phạm xây dựng sau ngày 05/07/1994, trước đây không xét cấp giấy chứng nhận, nay vẫn được cấp giấy chứng nhận (sau khi xử lý xong vi phạm xây dựng và xây dựng vi phạm phạm vi bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị) theo quy định tại Quyết định số 38/2000/QĐ-UB-ĐT.

3/ Xác định các trường hợp “lấn chiếm đất do Nhà nước quản lý sử dụng”: (Điều 7 - khoản 1 - điểm 1.3 - Bản quy định)

Chiếm dụng trái phép trên phần đất đã được giao cho 1 đơn vị Nhà nước quản lý, sử dụng hoặc được cơ quan, đơn vị giao đất để làm nhà ở không đúng thẩm quyền quy định.

4/ Về diện tích được công nhận và ghi chú về hạn chế đối với phần diện tích nằm trong phạm vi bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị trên giấy chứng nhận: (Điều 8 - Bản quy định)

a/ Diện tích đất được công nhận nêu tại điều này là phần đất không vi phạm phạm vi bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị nêu ở phần trên.

b/ Đối với nhà, đất đã có giấy tờ hợp lệ được cấp hoặc chứng nhận sau ngày 30/4/1975, công nhận toàn bộ diện tích ghi trên giấy chủ quyền và không ghi chú về hạn chế trên giấy chứng nhận.

c/ Đối với nhà, đất chưa có giấy tờ hợp lệ: Chỉ tính diện tích được công nhận và ghi chú về hạn chế trên giấy chứng nhận đối với các trường hợp nhà, đất có 1 phần diện tích nằm trong phạm vi bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Ở các phường đã có quy hoạch chi tiết sử dụng đất cũng chỉ ghi chú về hạn chế đối với phần diện tích nằm trong phạm vi bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị mà thôi.

V/ TRÌNH TỰ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN:

(Từ Điều 12 đến Điều 17 - Bản quy định).

Theo Điều 4 - Bản quy định, việc triển khai cấp giấy chứng nhận được thực hiện đồng thời theo 2 phương thức: Cấp theo kế hoạch của quận và cấp theo yêu cầu của chủ nhà.

Tương ứng với việc cấp giấy chứng nhận theo kế hoạch và theo yêu cầu, có 2 trình tự cấp giấy chứng nhận như sau:

1/ Trình tự cấp giấy chứng nhận theo kế hoạch:

Thời hạn giải quyết cấp giấy chứng nhận theo kế hoạch của quận, được Giám đốc Sở Địa chính - Nhà đất thỏa thuận bằng văn bản, trừ thời gian niêm yết công khai danh sách nhà, đất xin cấp giấy chứng nhận ở cấp phường theo quy định chung là 7 ngày.

Kế hoạch được triển khai theo trình tự sau:

a/ Cấp phường, thị trấn - sau đây gọi tắt là phường:

Ủy ban nhân dân phường thực hiện các công việc sau đây:

- Sắp xếp hồ sơ kê khai đăng ký nhà, đất chưa có giấy tờ hợp lệ theo thứ tự số nhà, tổ dân phố, khu phố. Hồ sơ có tranh chấp khiếu nại về quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất được xếp riêng và lập danh sách để theo dõi.

- Hướng xử lý đối với hồ sơ có tranh chấp khiếu nại:

+ Tranh chấp khiếu nại đúng nội dung về quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở thì Ủy ban nhân dân phường ghi nội dung tranh chấp, khiếu nại này vào đơn xin cấp giấy chứng nhận và chuyển cho Ủy ban nhân dân cấp quận (kèm theo đơn, thư tranh chấp, khiếu nại vào hồ sơ).

+ Tranh chấp, khiếu nại không thuộc nội dung về quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở thì Ủy ban nhân dân cấp phường có văn bản trả lời và hướng dẫn người làm đơn liên hệ cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định sau đó chứng nhận đơn theo quy định tại Điều 12, khi chuyển hồ sơ về quận có kèm theo văn bản trả lời này.

- Đối với những hồ sơ không có tranh chấp, khiếu nại, Ủy ban nhân dân phường tổ chức hướng dẫn cho chủ nhà theo từng tổ dân phố:

+ Làm đơn xin cấp giấy chứng nhận (Mẫu số 1).

+ Làm đơn xin chậm nộp tiền sử dụng đất, thuế chuyển quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ (Mẫu số 2), nếu có nguyện vọng và thuộc những đối tượng quy định tại Điều 17 - Bản quy định.

+ Thông báo ngày giờ bộ phận đo vẽ đến nhà để tiến hành đo đạc lập bản vẽ sơ đồ nhà, đất (theo hướng dẫn của Sở Địa chính - Nhà đất về đo vẽ nhà, đất phục vụ công tác cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đô thị).

- Khi nộp hồ sơ, ngoài đơn xin cấp giấy chứng nhận còn phải kèm với bản vẽ sơ đồ nhà, đất. Ủy ban nhân dân phường kiểm tra và thông báo niêm yết công khai danh sách nhà, đất xin cấp giấy chứng nhận (Mẫu số 3) tại trụ sở Ủy ban nhân dân phường.

- Sau 7 ngày niêm yết Ủy ban nhân dân phường xác nhận trên đơn xin cấp giấy chứng nhận với các yêu cầu quy định tại Điều 12, chứng thực chữ ký trên đơn xin chậm nộp nghĩa vụ tài chánh của người có nguyện vọng (nếu có).

- Ủy ban nhân dân Phường ghi vào Sổ đăng ký nhà, đất với nội dung được hướng dẫn tại Công văn số 7576/HD-QLĐĐ ngày 08/06/2000  của Sở Địa chính - Nhà đất (hoặc Sổ theo dõi hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận, khi chưa có Sổ đăng ký nhà, đất), cấp biên nhận (Mẫu số 4A). Sau đó chuyển toàn bộ hồ sơ cho Ủy ban nhân dân Quận, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch cấp giấy chứng nhận đã được duyệt.

b/ Cấp quận:

Sau khi tiếp nhận hồ sơ do Ủy ban nhân dân Phường chuyển giao, Ủy ban nhân dân Quận tiến hành kiểm tra các yếu tố pháp lý và kỹ thuật trong hồ sơ, bao gồm:

- Tình trạng tranh chấp khiếu nại về quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất (nếu có) theo xác nhận của Ủy ban nhân dân phường trong đơn. Trường hợp có tranh chấp khiếu nại về quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất Ủy ban nhân dân cấp quận gởi văn bản hướng dẫn đương sự liên hệ để có công văn đề nghị tạm ngưng giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận của Toà án nhân dân hoặc Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, Cơ quan thi hành án, Thanh tra Nhà nước các cấp. Khi có công văn đề nghị này, Ủy ban nhân dân cấp quận có văn bản thông báo cho đương sự việc tạm ngưng xem xét hồ sơ cho đến khi có bản án, quyết định giải quyết tranh chấp đã có hiệu lực pháp luật hoặc công văn đề nghị tiếp tục giải quyết hồ sơ của cơ quan đã có công văn đề nghị tạm ngưng giải quyết trước đó.

- Kiểm tra nhà có thuộc diện Nhà nước quản lý.

- Người làm đơn xin cấp giấy chứng nhận là người tạo lập tài sản hay là người thừa kế theo pháp luật.

- Việc ghi nợ vào giấy chứng nhận được thực hiện theo nội dung trình tự, quy định tại Điều 17

- Bản quy định.

- Sau khi đã thẩm tra xem xét các yếu tố pháp lý, Ủy ban nhân dân quận căn cứ vào Điều 7 - Bản quy định để có công văn trả lời cho người xin cấp giấy chứng nhận đối với hồ sơ không đủ điều kiện (Mẫu số 5). Những hồ sơ đủ điều kiện, được phân ra làm 2 dạng:

+ Hồ sơ thuộc cấp quận thụ lý trình Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân quận ký Tờ trình (Mẫu số 6A hoặc 6B) kèm hồ sơ chuyển Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố.

+ Hồ sơ thuộc Sở Địa chính - Nhà đất thụ lý, Ủy ban nhân dân Quận ký văn bản (Mẫu số 7A hoặc 7B) kèm hồ sơ để chuyển cho Sở. c/ Nhận và phát giấy chứng nhận:

- Các trường hợp cấp theo kế hoạch, Ủy ban nhân dân quận nhận lại giấy chứng nhận:

+ Từ Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố đối với hồ sơ thuộc cấp quận thụ lý.

+ Từ Sở Địa chính - Nhà đất  đối với hồ sơ thuộc Sở Địa chính - Nhà đất thụ lý.

- Về việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính trước khi phát giấy chứng nhận:

+ Đối với trường hợp không phải chuyển cơ quan thuế để thực hiện nghĩa vụ tài chính (như: được cho chậm nộp tiền sử dụng đất, thuế chuyển quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ): Ủy ban nhân dân quận gửi thư mời chủ nhà lên nhận giấy chứng nhận.

+ Đối với trường hợp phải chuyển cơ quan thuế (để xem xét về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính): Ủy ban nhân dân quận chuyển về Ủy ban nhân dân phường để gửi cho chủ nhà phiếu chuyển cơ quan thuế (Mẫu số 8), đơn xin cấp giấy chứng nhận và bản chụp giấy chứng nhận để chủ nhà tự liên hệ với cơ quan thuế. Sau  khi có Tờ khai trước bạ và giấy xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chủ nhà nộp các giấy tờ này tại Ủy ban nhân dân quận.

- Phát giấy chứng nhận:

+ Giấy chứng nhận (bản màu hồng) được phát tại Ủy ban nhân dân quận. Lệ phí được thu khi chủ  nhà  đến  nhận  giấy chứng  nhận,  mức  thu  theo  quy định  tại Thông  tư  02/TC-TCT  ngày 04/01/1995 của Bộ Tài chính như sau:

● Tổ chức: 100.000 đồng/Giấy chứng nhận.

● Hộ gia đình, cá nhân: 20.000 đồng/Giấy chứng nhận.

+ Người nhận giấy chứng nhận phải là chủ sở hữu, người đứng đơn khai trình trong trường hợp thừa kế. Trường hợp ủy quyền nhận giấy chứng nhận phải có giấy ủy quyền của chủ sở hữu có xác nhận chữ ký của Ủy ban nhân dân phường nơi thường trú.

+ Người nhận giấy chứng nhận sẽ xuất trình biên nhận hồ sơ và chứng minh nhân dân.

- Ủy ban nhân dân quận ghi vào Sổ đăng ký nhà, đất (hoặc Sổ theo dõi hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận) với nội dung theo hướng dẫn tại Công văn số 7576/HD-QLĐĐ ngày 08/06/2000 của Sở Địa chính - Nhà đất

2/ Trình tự cấp giấy chứng nhận theo nhu cầu:

Về cơ bản, trình tự cấp giấy chứng nhận theo nhu cầu cũng tương tự như cấp giấy chứng nhận theo kế hoạch. Phần này sẽ chỉ nêu các điểm khác với trình tự cấp giấy chứng nhận theo kế hoạch.

a/ Cấp phường, thị trấn - sau đây gọi tắt là phường:

Ủy ban nhân dân phường thực hiện các công việc sau:

- Báo cho đơn vị đo vẽ để lập bản vẽ sơ đồ nhà, đất (theo kế hoạch phối hợp đo vẽ của quận) hoặc hướng dẫn để chủ nhà tự liên hệ đo vẽ.

- Ủy ban nhân dân phường sau khi ký xác nhận vào đơn sẽ trả hồ sơ cho người xin cấp giấy chứng nhận tự nộp tại Ủy ban nhân dân quận.

b/ Cấp quận:

- Cấp biên nhận hồ sơ (Mẫu số 4B) cho chủ nhà khi tiếp nhận hồ sơ.

- Khác với hồ sơ xin  cấp giấy chứng nhận theo kế hoạch, khi nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận theo nhu cầu, chủ nhà phải nộp toàn bộ bản chính giấy tờ có liên quan về nhà, đất (đối với trường hợp cấp đổi giấy chứng nhận theo nhu cầu cho nhà, đất đã có giấy tờ hợp lệ theo quy định tại Điều 2 - Bản quy định, thì phải nộp bản chính các giấy tờ hợp lệ này).

c/ Phát giấy chứng nhận:

Sau khi Ủy ban nhân dân thành phố ký giấy chứng nhận:

- Trường hợp hồ sơ  thuộc Sở Địa chính - Nhà đất thụ lý, Sở Địa chính - Nhà đất nhận lại giấy chứng nhận, gởi thư mời chủ nhà để:

+ Đối với trường hợp không phải chuyển cơ quan thuế để thực hiện nghĩa vụ tài chính (như: được cho chậm nộp tiền sử dụng đất, thuế chuyển quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ): Chủ nhà nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận  và nhận giấy chứng nhận.

+ Đối với trường hợp phải chuyển cơ quan thuế (để xem xét về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính): Chủ nhà nhận phiếu chuyển cơ quan thuế, đơn xin cấp giấy chứng nhận và bản chụp giấy chứng nhận để tự liên hệ với cơ quan thuế. Sau khi có Tờ khai trước bạ và giấy xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chủ nhà đến nộp các giấy tờ này thì Sở Địa chính - Nhà đất thu lệ phí cấp giấy chứng nhận và phát giấy chứng nhận.

- Trường hợp hồ sơ thuộc cấp quận thụ lý, Ủy ban nhân dân quận nhận lại giấy chứng nhận và thực hiện như trên. Giấy chứng nhận (bàn màu hồng) được phát tại Ủy ban nhân dân quận.

d/ Cấp đổi giấy chứng nhận: (Điều 11 - khoản 3 - Bản quy định)

- Hiện trạng nhà, đất không thay đổi, chủ nhà được cấp đổi giấy chứng nhận theo hiện trạng nhà, đất ghi trong giấy tờ hợp lệ, nếu đã có bản vẽ nhà, bản vẽ đất do đơn vị có tư cách pháp nhân về đo vẽ nhà, đất lập trước đây thì không phải đo vẽ lại.

- Hiện trạng nhà, đất có thay đổi và chủ nhà xin công nhận bổ sung phần diện tích đất ở, phần kiến trúc nhà ở, công trình ngoài chủ quyền cần phải lập bản vẽ sơ đồ nhà, đất thể hiện toàn bộ hiện trạng, trong đó có xác định rõ phần phát sinh về diện tích nhà, đất và cấu trúc công trình so với giấy tờ hợp lệ. Các bản vẽ cũ đã có trước đây được sử dụng làm tài liệu đối chiếu khi xác định phần phát sinh chủ nhà hướng dẫn cho đơn vị đo vẽ thể hiện phần phát sinh ngoài chủ quyền và chịu trách nhiệm về hướng dẫn này.

VI/ LƯU TRỮ HỒ SƠ VÀ CẬP NHẬT BIẾN ĐỘNG:

(Điều 16 - Bản quy định).

- Sau khi đã trao giấy chứng nhận cho chủ nhà, các quận, huyện và các phòng, ban thuộc Sở Địa chính - Nhà đất chuyển hồ sơ gốc về Trung tâm Thông tin lưu trữ tư liệu Địa chính - Nhà đất. Việc lưu trữ hồ sơ là công tác nghiệp vụ, phải theo đúng các quy định về chế độ tài liệu và lưu trữ hồ sơ, Sở Địa chính - Nhà đất  sẽ tổ chức tập huấn cho cán bộ trực tiếp làm công tác lưu trữ.

- Việc đăng ký sự thay đổi sau khi được cấp giấy chứng nhận và thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở được thực hiện theo các quy định tại Mục D - Chương II và Chương III của Bản quy định kèm theo Quyết định số 38/2000/QĐ-UB-ĐT ngày 19/06/2000 của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Việc cập nhật biến động thực hiện theo Công văn số 7576/HD-QLĐĐ ngày 08/06/2000 của Sở Địa chính - Nhà đất về việc hướng dẫn đăng ký cập nhật các biến động nhà, đất vào bản đồ và sổ bộ.

Việc triển khai thực hiện Quyết định số 38/2000/QĐ-UB-ĐT ngày 19/06/2000 của Ủy ban nhân dân thành phố có nhiều điểm rất mới so với quá trình quản lý nhà, đất từ trước đến nay, thông qua thực tế triển khai chắc chắn sẽ có phát sinh các khó khăn vướng mắc, Sở Địa chính - Nhà đất sẽ ghi nhận các phản ánh trao đổi, nắm tình hình các quận, huyện để tiếp tục nghiên cứu hướng dẫn thực hiện hoặc báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo giải quyết các vướng mắc.

 

 

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Đỗ Phi Hùng

 

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Hướng dẫn 9264/HD-ĐCNĐ ngày 04/07/2000 thực hiện “Quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đô thị thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất tại thành phố Hồ Chí Minh”

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.976

DMCA.com Protection Status
IP: 18.116.15.22
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!