UBND TỈNH THANH
HÓA
BAN DÂN TỘC – SỞ TÀI CHÍNH - SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG – SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
337/HDLN-BDT-STC-STNMT-SNNPTNT
|
Thanh Hóa, ngày
03 tháng 09 năm 2014
|
HƯỚNG DẪN
THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1922/QĐ-UBND NGÀY 20/6/2014 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ
ÁN HỖ TRỢ ĐẤT Ở, ĐẤT SẢN XUẤT, NƯỚC SINH HOẠT CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ NGHÈO
VÀ HỘ NGHÈO Ở XÃ, THÔN BẢN ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 04/2013/TTLT-UBDT-BTC-BTNMT
ngày 18 tháng 11 năm 2013 của liên bộ: Ủy ban Dân tộc - Bộ Tài chính - Bộ Tài
nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định 755/QĐ-TTg
ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách hỗ trợ
đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo
và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK);
Căn cứ Quyết định số 1362/QĐ-UBND ngày
09/5/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt định mức đất ở,
đất sản xuất cho vùng đồng bào DTTS và hộ nghèo ở xã, thôn, bản ĐBKK;
Căn cứ Quyết định số 1922/QĐ-UBND ngày
20 tháng 6 năm 2014 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ đất
ở, đất sản xuất nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn,
bản ĐBKK trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2014 - 2015
Ban Dân tộc, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên
và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn thực hiện Quyết
định số 1922/QĐ-UBND ngày 20 tháng 6 năm 2014 của UBND tỉnh như sau:
1. Đối tượng áp dụng
Đối tượng áp dụng là hộ đồng bào DTTS
nghèo (kể cả vợ hoặc chồng là người DTTS); hộ nghèo ở các xã, thôn, bản ĐBKK khăn
theo tiêu chí hộ nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011
của Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai
đoạn 2011-2015, có trong danh sách hộ nghèo đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt
tại thời điểm Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi
hành; sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp, chưa có hoặc chưa đủ đất ở đất sản
xuất theo hạn mức đất bình quân chung do UBND tỉnh quy định, có khó khăn về
nước sinh hoạt; chưa được hưởng các chính sách của nhà nước hỗ trợ về đất ở,
đất sản xuất, nước sinh hoạt.
2. Chính sách hỗ trợ
đất ở
- UBND các huyện căn cứ vào quy hoạch
đã được phê duyệt và quỹ đất hiện có của địa phương, tự cân đối quỹ đất và kinh
phí để bố trí giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân, có hộ khẩu thường trú tại xã
nhưng không có đất ở và chưa được nhà nước giao đất ở. Tổ chức rà soát các hộ có
diện tích đất ở lớn hơn mức quy định của Nhà nước, đồng thời kết hợp tuyên truyền,
vận động bà con lối xóm chuyển nhượng, gia đình anh em, dòng họ hỗ trợ cho các
hộ thiếu đất ở;
- UBND các huyện có trách nhiệm tự cân
đối quỹ đất, ngân sách, quyết định giao đất ở cho hộ thuộc đối tượng thụ hưởng
chính sách;
- Định mức diện tích giao đất ở: Mức giao
diện tích đất ở tối thiểu 200 m2/hộ đồng bào sống ở nông thôn, miền
núi.
3. Chính sách hỗ trợ
đất sản xuất đối với hộ có nhu cầu hỗ trợ bằng đất sản xuất
3.1. Đối tượng
Họ chưa có đất sản xuất hoặc đã có đất
sản xuất nhưng chưa đủ mức quy định theo Quyết định số 1362/QĐ-UBND ngày 09/5/2014
của Chủ tịch UBND tỉnh về phê duyệt định mức đất ở, đất sản xuất cho vùng đồng
bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn bản ĐBKK, UBND huyện, xã căn cứ theo quỹ
đất thực tế của địa phương để điều chỉnh giao đất sản xuất, cố gắng bảo đảm đạt
mức quy định (0,25 ha đất ruộng lúa nước 1 vụ hoặc 0,15 ha đất ruộng lúa nước 2
vụ hoặc 0,5 ha đất nương, rẫy) và phải thuận lợi về khoảng cách cho hộ được hỗ
trợ đất tránh trường hợp giao đất quá xa nơi ở, người dân không có điều kiện để
nhận và đưa vào sản xuất.
3.2. Định mức hỗ trợ
Mức hỗ trợ từ Ngân sách Trung ương và
vốn vay từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội cho mỗi hộ chưa có đất sản xuất tối đa
30 triệu đồng/ hộ (ngân sách Trung ương hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ và được vay tín
dụng tối đa không quá 15 triệu đồng/hộ trong thời gian 5 năm, với lãi suất 0,1%/tháng
tương đương 1,2%/năm) để các hộ dân được giao đất nhưng phải trực tiếp khai
hoang phục hóa, cải tạo đất để có khả năng sản xuất theo hướng dẫn của UBND cấp
xã, trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt.
3.3. Quỹ đất sản xuất bao gồm các loại
đất:
- Theo quy hoạch sử dụng đất cấp huyện,
quy hoạch xây dựng nông thôn mới cấp xã được duyệt;
- Đất công Nhà nước thu hồi theo quy hoạch,
đất điều chỉnh giao khoán trong các nông trường, lâm trường, Ban quản lý dự án;
- Đất thu hồi từ các Ban quản lý rừng
phòng hộ, các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty Lâm nghiệp hiện đang quản lý
nhưng sử dụng kém hiệu quả; sử dụng không đúng mục đích đất cho thuê mướn hoặc cho
mượn; đất lấn chiếm, tranh chấp;
- Khai hoang đất trống đồi núi trọc, đất
chưa sử dụng đưa vào sử dụng;
- Đất thu hồi từ các doanh nghiệp, sản
xuất kinh doanh không có hiệu quả, sử dụng sai mục đích hoặc giải thể; quỹ đất
nhà nước thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai (theo quy định tại Điều 64 Luật
Đất đai năm 2013);
- Quỹ đất do nhà nước sử dụng vào mục
đích công ích;
- Đất điều chỉnh từ các hộ gia đình tặng,
bán hoặc tự nguyện chuyển nhượng quyền sử dụng đất;
- Các loại đất khác do UBND xã, UBND huyện
xác định:
+ Thu hồi một phần diện tích đất lâm nghiệp
đã giao cho các hộ gia đình, cá nhân nhưng không có khả năng sử dụng hoặc sử
dụng kém hiệu quả vận động, khuyến khích việc chuyển nhượng một phần diện tích
đất nông nghiệp từ các hộ gia đình không có khả năng sử dụng, sử dụng kém hiệu
quả;
+ Việc xác định hộ sử dụng diện tích đất
đã được giao kém hiệu quả do xã chủ trì họp thôn, bản trên cơ sở bình xét dân
chủ, công khai; báo cáo xã, xã tổng hợp trình UBND huyện quyết định.
3.4. Hình thức thực hiện hỗ trợ đất
UBND cấp huyện căn cứ vào quỹ đất, tình
hình thực tế của địa phương để thực hiện hỗ trợ đất cho các hộ được hưởng chính
sách theo điểm a, b, c khoản 4, Điều 4 Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-UBDT-BTC-BTNMT
ngày 18/11/2013 của liên bộ: Ủy ban Dân tộc - Tài chính - Tài nguyên và Môi
trường.
4. Đối với hộ thiếu
đất sản xuất nhưng có nhu cầu khác
Đối với những huyện không còn quỹ đất
sản xuất để giao, tùy điều kiện thực tế của huyện thực hiện một trong các hình thức
như hỗ trợ để chuyển đổi nghề, hỗ trợ đi xuất khẩu lao động hoặc giao khoán bảo
vệ và trồng rừng.
4.1. Hỗ trợ chuyển đổi nghề:
- Hằng năm UBND các huyện tổng hợp nhu
cầu đào tạo nghề thuộc đối tượng hưởng chính sách theo quy định, gửi báo cáo về
Ban Dân tộc tỉnh để phối hợp với các sở, ngành chức năng trình UBND tỉnh phê
duyệt, thống nhất với UBND cấp huyện mở các lớp đào tạo nghề theo cơ chế, chính
sách quy định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia
việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012-2015;
- UBND cấp huyện quyết định phê duyệt
danh sách các hộ có nhu cầu vốn mua sắm nông cụ, máy móc để làm dịch vụ sản xuất
nông nghiệp; quyết định danh sách các hộ được vay vốn để làm các nghề khác (nghề
nông nghiệp, phi nông nghiệp, kinh doanh buôn bán và dịch vụ), tổng hợp báo cáo
UBND tỉnh xem xét phê duyệt;
- UBND cấp xã giám sát và cấp vốn hỗ trợ
theo chính sách cho các hộ trong danh sách đã được duyệt, đồng thời thông báo
và phối hợp với Ngân hàng chính sách - Xã hội cấp huyện giải ngân phần vốn vay;
- Định mức hỗ trợ học nghề: Thực hiện
như điểm b khoản 1 Điều 3 Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013, cụ thể:
Ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa 4 triệu
đồng/lao động có nhu cầu học nghề để chuyển đổi nghề; mức hỗ trợ cho từng lao
động cụ thể căn cứ vào học phí, ngành nghề và thời gian học thực tế do Chủ tịch
UBND tỉnh quyết định;
- Định mức hỗ trợ chuyển đổi nghề: Thực
hiện như điểm b khoản 1 Điều 3 Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013, cụ thể:
+ Những hộ có lao động, có nhu cầu vốn
để mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp hoặc cần vốn để
làm các nghề khác, tăng thu nhập, thì được ngân sách Trung ương hỗ trợ 5 triệu
đồng/hộ và được vay tín dụng tối đa không quá 15 triệu đồng/hộ (thời gian vay 5
năm, với lãi suất 0,1 %/tháng tương đương 1,2%/năm);
+ Những hộ, lao động chuyển đổi nghề ngoài
việc được hưởng các chính sách nêu trên còn được hưởng các chính sách ưu đãi
liên quan về dạy nghề theo quy định hiện hành. Ngoài mức hỗ trợ này, từng huyện
tùy theo khả năng nguồn ngân sách mà quyết định mức hỗ trợ thêm.
4.2. Hỗ trợ xuất khẩu lao động:
- Hằng năm UBND các huyện gửi danh sách
hộ có nhu cầu đi xuất khẩu lao động về Ban Dân tộc tỉnh tổng hợp, phối hợp với
các ngành liên quan trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt thực hiện;
- Mỗi lao động được hưởng chính sách hỗ
trợ xuất khẩu lao động phải có giấy cam kết thực hiện đầy đủ chương trình đào
tạo và đi xuất khẩu lao động theo quy định của Nhà nước;
- Định mức hỗ trợ: Thực hiện theo Quyết
định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê
duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm
nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020 và Thông tư liên tịch số 31/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC
ngày 09/9/2009 Quy định thực hiện một số nội dung Quyết định số 71/QĐ-TTg và
các văn bản hướng dẫn thực hiện của Trung ương và tỉnh (nếu có).
4.3. Giao khoán bảo vệ rừng và trồng
rừng
- UBND huyện gửi danh sách đối tượng được
hưởng chính sách về Ban Dân tộc tỉnh tổng hợp để trình UBND tỉnh phê duyệt để
tổ chức thực hiện;
- Hộ gia đình thực hiện giao khoán bảo
vệ rừng và trồng rừng theo Quyết định số 755/QĐ-TTg thực hiện theo cơ chế, chính
sách quy định tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về
Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo, Quyết
định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch
bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 và Thông tư liên tịch số 10/2013/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT
ngày 01/02/2013 của liên bộ: Bộ Nông nghiệp và PTNT Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy
định quản lý, sử dụng vốn đầu tư từ kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai
đoạn 2011 - 2020 theo Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng
Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Trung ương và tỉnh (nếu có).
5. Hỗ trợ nước sinh
hoạt
5.1. Nước sinh hoạt phân tán
- Việc hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán
phải đảm bảo nguyên tắc các hộ được hỗ trợ kinh phí phải có nước sinh hoạt ổn định
và bố trí ở khu vực thuận tiện cho sinh hoạt gia đình;
- UBND cấp huyện là cấp quyết định đầu
tư, phê duyệt danh sách các hộ được hỗ trợ kinh phí nước phân tán;
- UBND cấp xã có trách nhiệm giám sát,
nghiệm thu và cấp vốn hỗ trợ cho các hộ theo danh sách được cấp thẩm quyền phê
duyệt;
- Định mức hỗ trợ: Ngân sách Trung ương
1,3 triệu đồng/hộ và hỗ trợ kinh phí đối ứng 20% để xây dựng bể nước, bồn chứa,
đào giếng (hoặc mua lu, stec đựng nước) phục vụ nước sinh hoạt.
5.2. Nước sinh hoạt tập trung
- Thực hiện theo Đề án đã được phê duyệt
tại Quyết định 1922/QĐ-UBND ngày 20/6/2014 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Hàng năm
UBND huyện tổng hợp danh mục công trình, trình UBND tỉnh (qua cơ quan thường
trực Ban Dân tộc tỉnh) để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt;
- Trong trường hợp có sự điều chỉnh các
công trình thuộc Đề án đã được phê duyệt, UBND cấp huyện phải báo cáo chi tiết
nội dung liên quan đến việc thay đổi địa điểm công trình về Ban Dân tộc, Sở Kế
hoạch và Đầu tư để thẩm tra, trình UBND tỉnh và phải có văn bản đồng ý của Chủ
tịch UBND tỉnh mới được thực hiện;
- Tập trung lồng ghép với các chương trình,
dự án khác (CT 135, Chương trình nước sạch - VSMT, nguồn vốn UNICF, NGO, ODA,
ADB,.. ) để đầu tư, xây dựng công trình; tăng cường công tác quản lý, giám sát,
bảo vệ, nâng cao ý thức của người dân trong sử dụng công trình nước. Nhất thiết
phải có nội quy, quy chế vận hành, sử dụng, bảo dưỡng của thôn hoặc nhóm hộ thì
huyện mới được quyết toán;
- Cơ chế đầu tư thực hiện theo quy định
đối với các công trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã thuộc Chương trình
135 theo Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ và
điểm 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-UBDT-NNPTNT-KHĐT-TC-XD Hướng
dẫn thực hiện Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã ĐBKK,
xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản ĐBKK;
- Định mức hỗ trợ: Chủ đầu tư căn cứ tình
hình thực tế để phê duyệt mức kinh phí cho từng công trình nước sinh hoạt tập
trung và công trình duy tu bảo dưỡng theo Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013
của Thủ tướng Chính phủ.
5.3. Duy tu bảo dưỡng công trình nước
sinh hoạt tập trung
- Hàng năm UBND cấp huyện đề xuất danh
mục duy tu bảo dưỡng các công trình nước sinh hoạt tập trung báo cáo Ban Dân
tộc tỉnh;
- Chỉ thực hiện duy tu bảo dưỡng đối với
các công trình nước sinh hoạt tập trung đã được đầu tư theo Quyết định 134/QĐ-TTg,
Quyết định 1592/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;
- Định mức vốn: Định mức bình quân 70
triệu/công trình, kinh phí được bố trí từ ngân sách địa phương và lồng ghép với
các nguồn vốn khác.
6. Quy trình thủ tục
cho vay vốn và thu hồi nợ
Thực hiện theo quy định của Ngân hàng
chính sách - Xã hội.
7. Lập dự toán và
phân bổ kinh phí
Việc lập dự toán, cấp phát, thanh toán
và quyết toán kinh phí hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đối tượng thụ
hưởng chính sách thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý ngân sách nhà nước,
ngoài ra quy định cụ thể như sau:
- Hằng năm căn cứ Đề án thực hiện Quyết
định số 755/QĐ-TTg đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt và khả năng của vốn Chính
phủ, của tỉnh, phòng Dân tộc các huyện phối hợp với phòng Tài chính - Kế hoạch
và các phòng liên quan tham mưu cho UBND huyện xây dựng Kế hoạch thực hiện
Quyết định số 755/QĐ-TTg trên địa bàn huyện và xây dựng dự toán ngân sách gửi
Ban Dân tộc tỉnh trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt;
- Đối với kinh phí thực hiện chính sách
hỗ trợ học nghề, hỗ trợ xuất khẩu lao động, giao khoán bảo vệ rừng và trồng
rừng, hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung, phòng Dân tộc phối hợp với phòng Tài
chính - Kế hoạch tham mưu cho UBND huyện tổng hợp vào dự toán Chương trình mục
tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề; chương trình bảo vệ và phát triển rừng; chương
trình mục tiêu quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn gửi Ban Dân tộc
tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt;
- Phòng Dân tộc chủ trì, phối hợp với
các phòng, ban liên quan xây dựng kế hoạch phân bổ vốn gửi phòng Tài chính - Kế
hoạch tổng hợp. Phòng Tài chính – Kế hoạch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên
quan xem xét tham mưu trình UBND các huyện phê duyệt cho các xã thực hiện;
- Căn cứ quyết định của UBND cấp huyện,
UBND cấp xã thông báo công khai mức hỗ trợ đến thôn bản, từng hộ dân, từng chính
sách được hỗ trợ.
8. Quy định về quản
lý, cấp phát, thanh toán, kế toán và quyết toán
Việc quản lý, cấp phát, thanh toán kinh
phí để thực hiện các chính sách theo quy định tại Quyết định số 755/QĐ-TTg cho
các đơn vị và cho từng hộ dân phải chặt chẽ, đảm bảo đúng mục tiêu, đúng đối
tượng; nhất là đối với những khoản thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt (hoặc hiện
vật) cho các hộ dân UBND cấp xã có trách nhiệm lập danh sách cho từng hộ ký
nhận và thực hiện đầy đủ thủ tục, chứng từ theo đúng quy định tại Điều 11 của Thông
tư Liên tịch số 04/2013/TTLT-UBDT-BTC-BTNMT ngày 18/11/2013 của liên bộ Ủy ban
Dân tộc – Bộ Tài chính - Bộ Tài nguyên và Môi trường.
9. Tổ chức thực hiện
9.1. Đối với các Sở, ban ngành cấp
tỉnh
Thực hiện theo quyết định 1922/QĐ-UBND
ngày 20/6/2014 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Cụ thể như sau:
a) Ban Dân tộc
Là cơ quan Thường trực, chủ trì, phối
hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện nhiệm vụ:
- Tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý, chỉ
đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện trên địa bàn
toàn tỉnh;
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành
chức năng, UBND các huyện quyết định mở lớp đào tạo nghề, chuyển đổi nghề theo quy
định;
- Hàng năm, tổng hợp, xây dựng kế hoạch
chung thực hiện các chính sách; chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở
Tài chính phân bổ nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện hỗ trợ các nội dung;
- Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện, trình
UBND tỉnh và các Bộ ngành Trung ương.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Ban
Dân tộc tổng hợp nhu cầu, dự kiến vốn đối ứng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;
hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện lồng ghép với các chương
trình, dự án, chính sách trên địa bàn tỉnh.
c) Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc, Sở
Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh cân đối nguồn vốn đối ứng thực hiện Đề án;
hướng dẫn việc quản lý sử dụng, thanh quyết toán nguồn vốn. Phối hợp với các
ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách.
d) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn
Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc, các
Sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo hướng dẫn các địa phương thực
hiện việc giao khoán, bảo vệ rừng, trồng rừng và đào tạo nghề nông lâm nghiệp
cho lao động thuộc đối tượng Đề án.
e) Sở Lao động, Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc, các
Sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo hướng dẫn các địa phương thực
hiện đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, xuất khẩu lao động cho các đối tượng.
f) Sở Tài nguyên - Môi trường
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên
quan tham mưu UBND tỉnh về công tác quản lý, chỉ đạo giải quyết đất đai thuộc
phạm vi Đề án; hướng dẫn, kiểm tra việc đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất cho các hộ được thụ hưởng.
g) Ngân hàng Chính sách - Xã hội
Căn cứ Đề án được duyệt xây dựng kế hoạch
kinh phí cho vay, hướng dẫn quy trình, thủ tục và thực hiện cho vay vốn đối với
các hộ nghèo được thụ hưởng.
h) Các sở, ban, ngành liên quan
Theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm
phối hợp với Ban Dân tộc để chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các
nội dung của Đề án.
i) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam tỉnh Thanh Hóa và các tổ chức chính trị - xã hội:
Phối hợp với các ngành liên quan, tham
gia giám sát, tuyên truyền, vận động và phối hợp kiểm tra, giám sát thực hiện
hiện có hiệu quả các mục tiêu Đề án.
9.2. Đối với UBND các huyện
- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện,
chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát kiểm tra việc tổ chức thực hiện ở cấp xã bảo đảm
đúng đối tượng, dân chủ, công khai và đảm bảo tiến độ theo mục tiêu của Đề án
được duyệt; kịp thời phát hiện và giải quyết các vấn đề vướng mắc ở cơ sở; thực
hiện nghiêm túc, đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ theo quy định và báo cáo đột
xuất khi có yêu cầu;
- Đảm bảo quỹ đất để bố trí đất ở, đất
sản xuất theo nội dung Đề án đã được phê duyệt;
- Phê duyệt danh sách các hộ được hỗ trợ
cụ thể theo từng nội dung làm cơ sở triển khai thực hiện và thanh toán;
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT
và các đơn vị có liên quan xác định cụ thể nhu cầu cần hỗ trợ giao khoán bảo vệ
rừng và trồng rừng để tránh trùng lắp với các chương trình hiện nay đang triển khai
thực hiện.
9.3. Đối với UBND các xã
- Chỉ đạo thôn, bản tổ chức bình xét và
tổng hợp trình phê duyệt theo thứ tự ưu tiên hỗ trợ trước cho hộ gia đình chính
sách, người có công đảm bảo công khai, dân chủ có sự tham gia rộng rãi của Mặt
trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể; hộ đã đăng ký thực hiện và hưởng lợi từ
chính sách phải có cam kết thực hiện đúng nội dung đăng ký, trường hợp không
thực hiện được phải báo cáo thôn, bản để có phương án thay thế, đồng thời chịu
trách nhiệm trước pháp luật về sử dụng vốn hỗ trợ của nhà nước. UBND các xã
chịu trách nhiệm quản lý kinh phí hỗ trợ của Nhà nước theo quy định;
- Tổ chức triển khai thực hiện chính
sách trên địa bàn xã; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân
tích cực tham gia hưởng ứng; người nghèo nỗ lực vươn lên; vận động các tổ chức,
doanh nghiệp, nông, lâm trường trên địa bàn tham gia thực hiện chính sách, giúp
đỡ hộ nghèo bằng nhiều hình thức;
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát thực
hiện chính sách đảm bảo đúng mục tiêu, đúng đối tượng và thực hiện chế độ báo
cáo định kỳ về UBND huyện.
- Trong quá trình thực hiện nếu có vướng
mắc, đề nghị phản ánh về liên ngành bằng văn bản gửi qua Ban Dân tộc tỉnh là
đầu mối tiếp nhận để tổng hợp xin ý kiến liên ngành và báo cáo UBND tỉnh xem xét,
quyết định./.
SỞ TÀI CHÍNH
PHÓ GIÁM ĐỐC
Nguyễn Bá Hùng
|
BAN DÂN TỘC
Lương Văn Tưởng
|
SỞ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
Lưu Trọng Quang
|
SỞ NÔNG NGHIỆP
VÀ
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Đỗ Thế Hạnh
|
Nơi nhận:
- UBND tỉnh (để b/c);
- Các Sở: TC, TNMT, NN&PTNT, KHĐT, LĐTBXH
- Các ngành cấp tỉnh: NHCSXH, MTTQ;
- 11 huyện miền núi và 6 huyện có xã MN;
- Đăng Website Ban Dân tộc;
- Lưu VT các sở, ngành: DT, TC, TNMT, NN&PTNT.
|