NGÂN
HÀNG
CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
3106/NHCS-TD
|
Hà
Nội, ngày 06 tháng 11 năm 2008
|
HƯỚNG DẪN
Thực hiện cho vay vốn theo Quyết
định số 74/2008/QĐ-TTg ngày 09/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính
sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho hộ đồng
bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai
đoạn 2008 - 2010
Ngày 09/6/2008 Thủ tướng Chính
phủ ban hành Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ giải quyết
đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số
nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2008 - 2010
(sau đây gọi tắt là Quyết định 74). Quyết định 74 được thực hiện tại 13 tỉnh,
thành phố: Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Bạc
Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, Long An và Cần Thơ. Ngày
03/10/2008, Ủy ban Dân tộc ban hành văn bản số 886/UBDT-CSDT về việc hướng dẫn
thực hiện Quyết định số 74 (sau đây gọi tắt là văn bản số 886).
Để triển khai thực hiện Quyết định
số 74 và văn bản 886 nêu trên, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội
(NHCSXH) hướng dẫn quy trình, thủ tục cho vay như sau:
I. MỘT SỐ NỘI DUNG ĐƯỢC HIỂU
VÀ THỰC HIỆN THỐNG NHẤT TRONG VĂN BẢN HƯỚNG DẪN:
1. Điều kiện vay vốn:
- Là hộ thuộc đối tượng được thụ
hưởng chính sách theo Quyết định 74, có tên trong danh sách hộ dân tộc thiểu số
nghèo được Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện phê duyệt.
- Có phương án sản xuất, kinh
doanh cụ thể được chính quyền cấp xã và tổ chức chính trị - xã hội cấp xã hỗ trợ
lập.
- Hộ vay không phải thế chấp tài
sản nhưng phải là thành viên Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) do một tổ chức
chính trị - xã hội đứng ra thành lập, được Tổ bình xét cho vay công khai, dân
chủ.
- Đối với hộ có nhu cầu vay vốn
để chuyển đổi hoặc mở thêm ngành nghề ở địa phương thì phải có thêm điều kiện
là có lao động trong độ tuổi (là người ít nhất đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng
lao động). Riêng vay vốn đi lao động nước ngoài thì người đi lao động nước
ngoài phải trong độ tuổi từ 16 tuổi đến 35 tuổi.
2. Vốn vay NHCSXH được sử dụng
vào các việc sau:
Mỗi hộ đồng bào dân tộc thiểu số
nghèo thuộc diện được thụ hưởng chính sách theo Quyết định số 74 được vay vốn
NHCSXH một lần để sử dụng vào một trong hai việc sau:
2.1. Đối với hộ có nhu cầu về đất
sản xuất: tiền vay được dùng để mua đất sản xuất.
2.2. Đối với hộ không tìm được
hoặc không có nhu cầu về đất sản xuất mà có lao động trong độ tuổi có nhu cầu
chuyển đổi hoặc mở thêm ngành nghề, thì được NHCSXH cho vay để:
a) Mua sắm máy móc, nông cụ làm
dịch vụ cho các hộ sản xuất nông nghiệp trong vùng và các chi phí để chuyển đổi
hoặc mở thêm ngành nghề tại địa phương.
b) Chi phí cho việc đi xuất khẩu
lao động theo Hợp đồng lao động như: tiền đặt cọc, vé máy bay lượt đi, chi phí
khám sức khoẻ...
Lưu ý: Đối với một lao động
trong độ tuổi thì hộ gia đình chỉ được vay để chi phí theo mục a hoặc mục b điểm
2.2 này.
3. Mức cho vay:
3.1. Cho vay bằng nguồn vốn của
Trung ương chuyển về:
a) Đối với hộ vay để có đất sản
xuất: Mức cho vay tối đa không quá 10 triệu đồng/hộ.
b) Đối với hộ vay để mua sắm
nông cụ, máy móc làm dịch vụ và các chi phí để chuyển đổi hoặc mở thêm ngành
nghề tại địa phương: Mức cho vay tối đa không quá 10 triệu đồng/hộ. Đối với hộ
có lao động đi xuất khẩu lao động: mức cho vay tối đa không quá 20 triệu đồng/một
lao động đi xuất khẩu.
3.2. Trường hợp, địa phương có
nguồn ngân sách hỗ trợ thêm để cho vay trên mức quy định thì NHCSXH thực hiện
theo quyết định của UBND địa phương.
3.3. Trường hợp hộ có nhu cầu,
thuộc đối tượng thụ hưởng và đủ điều kiện vay vốn theo các chương trình tín dụng
hiện hành của NHCSXH thì được NHCSXH xem xét cho vay theo các quy định hiện
hành của từng chương trình.
4. Thời hạn cho vay:
Thời hạn cho vay cụ thể đối với
từng hộ được xác định căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ của
người vay, nhưng không vượt quá thời hạn cho vay tối đa quy định sau:
a) Đối với cho vay để có đất sản
xuất: Không quá 5 năm (60 tháng).
b) Đối với cho vay mua sắm nông
cụ, máy móc làm dịch vụ và các chi phí để chuyển đổi hoặc mở thêm ngành nghề tại
địa phương: không quá 3 năm (36 tháng).
Đối với lao động đi xuất khẩu:
không quá thời gian đi lao động ở nước ngoài theo Hợp đồng lao động.
5. Phương thức cho vay:
- Thực hiện theo phương thức uỷ
thác từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã.
- Đối với những nơi đã có Tổ
TK&VV đang hoạt động, nếu người vay chưa là thành viên của Tổ TK&VV thì
phải gia nhập Tổ TK&VV và được Tổ TK&VV tổ chức kết nạp để người vay có
điều kiện làm thủ tục vay vốn NHCSXH. Đối với những nơi chưa có Tổ TK&VV
thì thành lập Tổ TK&VV mới theo quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ
TK&VV.
II. THỦ TỤC, QUY TRÌNH NGHIỆP
VỤ CHO VAY:
1. Hồ sơ vay vốn:
- Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương
án sản xuất (mẫu số 01/TD) do NHCSXH in sẵn và cấp cho hộ có nhu cầu vay vốn.
Đối với người vay để có đất sản
xuất thì có thêm giấy tờ chứng minh đã nhận đất sản xuất hoặc giấy tờ chuyển
nhượng quyền sử dụng đất sản xuất có xác nhận của UBND cấp xã.
Đối với người vay vốn đi xuất khẩu
lao động thì có thêm Hợp đồng lao động đã ký giữa người lao động với Bên tuyển
dụng.
- Biên bản họp Tổ TK&VV để kết
nạp người vay vào Tổ đối với trường hợp người vay chưa tham gia tổ TK&VV hoặc
có Biên bản họp thành lập Tổ đối với những ấp (tương đương ấp) chưa có Tổ
TK&VV của NHCSXH (mẫu số 10/TD).
- Danh sách hộ gia đình đề nghị
vay vốn NHCSXH (mẫu số 03/TD, sau đây gọi tắt là Danh sách 03) có xác nhận của
UBND cấp xã.
2. Quy trình cho vay:
2.1. Khi người
vay có nhu cầu vay vốn, thì viết Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sản xuất
được tổ chức chính trị - xã hội cấp xã hoặc UBND cấp xã hỗ trợ người vay lập và
gửi cho Tổ TK&VV. Đối với người vay để có đất sản xuất thì gửi kèm giấy tờ
chứng minh đã nhận đất sản xuất hoặc giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất sản
xuất có xác nhận của UBND cấp xã. Đối với người vay để đi xuất khẩu lao động
thì gửi kèm Hợp đồng lao động.
2.2. Tổ TK&VV tổ chức họp, đối
chiếu tên người đại diện hộ gia đình đứng tên vay vốn với Danh sách hộ dân tộc
thiểu số nghèo được UBND cấp huyện phê duyệt, đồng thời bình xét công khai, dân
chủ theo thứ tự ưu tiên: đối tượng chính sách, người khó khăn hơn được vay vốn
trước (trường hợp nguồn vốn chưa đủ để cho vay), sau đó lập Danh sách hộ gia
đình đề nghị vay vốn (mẫu số 03/TD) kèm Giấy đề nghị vay vốn của từng hộ, Hợp đồng
lao động (nếu có), Giấy tờ chứng minh đã có đất sản xuất (nếu có) gửi UBND cấp
xã xác nhận (sau đây gọi là hồ sơ vay vốn).
Người đại diện hộ gia đình đứng
tên vay vốn phải là thành viên của hộ dân tộc thiểu số nghèo có tên trong Danh
sách được UBND cấp huyện phê duyệt. Trường hợp, người đại diện cho hộ gia đình
có tên trong Danh sách được UBND cấp huyện phê duyệt nhưng không đứng tên người
vay trong hồ sơ vay vốn mà cử thành viên khác trong hộ đứng ra vay vốn, thì phải
được UBND cấp xã xác nhận trên Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sản xuất với
nội dung.
“Ông (bà).......là vợ (chồng, bố,
mẹ, con) của ông (bà)......có tên trong Danh sách hộ dân tộc thiểu số (DTTS)
nghèo được duyệt” vào vị trí bên trái của Tổ trưởng Tổ TK&VV.
2.3. Sau khi có xác nhận của
UBND cấp xã trên Danh sách 03, Tổ TK&VV gửi NHCSXH toàn bộ hồ sơ vay vốn.
2.4. Cán bộ NHCSXH được phân
công thực hiện kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của bộ hồ sơ vay vốn theo quy định,
trong đó lưu ý người đứng tên người vay trên Danh sách 03 phải là người có tên
trên Danh sách hộ dân tộc thiểu số nghèo được UBND cấp huyện phê duyệt; trường
hợp người đại diện cho hộ gia đình được thụ hưởng chính sách trên hai Danh sách
này không trùng nhau, thì phải có xác nhận của UBND cấp xã theo hướng dẫn tại mục
2.2 điểm 2 này nêu trên. Sau đó trình Giám đốc NHCSXH phê duyệt cho vay. NHCSXH
thông báo kết quả phê duyệt cho vay gửi UBND cấp xã.
2.5. UBND cấp xã thông báo kết
quả phê duyệt cho vay cho tổ chức chính trị - xã hội cấp xã (đơn vị nhận uỷ
thác cho vay) để thông báo cho Tổ TK&VV, Tổ TK&VV thông báo danh sách
người được vay, thời gian và địa điểm giải ngân đến từng người vay.
3. Tổ chức giải ngân:
a) NHCSXH thực hiện giải ngân
như sau:
- Đối với người vay vốn đi xuất
khẩu lao động: Người vay đến trụ sở NHCSXH nơi cho vay để làm thủ tục chuyển tiền
vay cho doanh nghiệp được phép đưa người lao động đi xuất khẩu lao động theo Hợp
đồng lao động. Trường hợp bên tuyển dụng có đề nghị bằng văn bản, thì NHCSXH có
thể phát tiền vay trực tiếp cho người vay tại điểm giao dịch quy định.
- Đối với người vay để có đất sản
xuất: NHCSXH hướng dẫn người vay viết giấy đề nghị chuyển trả tiền vay cho người
(đơn vị) cung cấp đất sản xuất và NHCSXH thực hiện chi tiền mặt hoặc chuyển khoản
cho người (đơn vị) cung cấp đất sản xuất.
- Đối với người vay mua sắm nông
cụ, máy móc làm dịch vụ hoặc chi phí để chuyển đổi hoặc mở thêm ngành nghề: tuỳ
thuộc vào điều kiện cụ thể, ngân hàng nơi cho vay có thể lựa chọn phương thức
giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt cho người vay hoặc chuyển trả cho người bán
dưới sự chứng kiến của đại diện Tổ TK&VV, tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ
thác.
b) Khi giải ngân, cán bộ Ngân
hàng ghi đầy đủ nội dung và yêu cầu người vay ký xác nhận tiền vay theo quy định.
4. Thu nợ:
4.1. Việc thu nợ gốc được thực
hiện theo định kỳ 6 tháng hoặc một năm một lần do người vay và NHCSXH thỏa thuận.
Trường hợp, người vay có khó khăn, chưa trả được nợ gốc theo đúng kỳ hạn trả nợ
theo phân kỳ trả nợ đã thoả thuận, thì được theo dõi vào kỳ hạn trả nợ tiếp
theo (không chuyển nợ quá hạn của từng kỳ hạn và người vay không phải làm thủ tục
điều chỉnh kỳ hạn nợ).
4.2. Trước 30 ngày của thời hạn
trả nợ cuối cùng, NHCSXH gửi tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác Thông báo
danh sách nợ đến hạn của Tổ TK&VV (theo mẫu số 19/TD đính kèm) để thông báo
cho Tổ trưởng Tổ TK&VV đôn đốc người vay trả nợ cho ngân hàng.
5. Xử lý nợ đến hạn:
a) Trường hợp đến hạn trả nợ cuối
cùng, người vay chưa trả được nợ do nguyên nhân khách quan thì làm Giấy đề nghị
gia hạn nợ để được ngân hàng xem xét cho gia hạn nợ.
b) Người vay có thể được gia hạn
nợ một hoặc nhiều lần nhưng tổng thời gian cho gia hạn nợ tối đa bằng 12 tháng
đối với cho vay ngắn hạn và không quá 1/2 thời hạn đã cho vay đối với cho vay
trung hạn.
6. Chuyển nợ quá hạn:
- Đến thời hạn trả nợ cuối cùng,
người vay không trả được nợ và NHCSXH không chấp thuận cho gia hạn nợ thì chuyển
dư nợ còn lại sang nợ quá hạn.
- Trường hợp người vay sử dụng vốn
sai mục đích, NHCSXH nơi cho vay thực hiện thu hồi nợ trước hạn hoặc chuyển
sang nợ quá hạn số tiền sử dụng sai mục đích.
7. Kiểm tra, giám sát và xử lý vốn
vay:
a) Tổ TK&VV:
- Tổ TK&VV có nhiệm vụ kiểm
tra điều kiện vay vốn của người vay khi nhận Giấy đề nghị vay vốn từ người vay
để xác định đúng đối tượng được vay.
- Thường xuyên làm nhiệm vụ kiểm
tra, giám sát đôn đốc người vay trong Tổ TK&VV sử dụng vốn vay đúng mục
đích, trả nợ đúng kỳ hạn cam kết; chứng kiến và kiểm tra các buổi giải ngân cho
vay, thu nợ.
- Cùng với các tổ chức chính trị
- xã hội và cán bộ NHCSXH bàn bạc thống nhất ý kiến xử lý các khoản nợ quá hạn,
nợ bị rủi ro trình UBND cấp xã đề nghị xử lý.
b) Tổ chức chính trị - xã hội cấp
xã:
- Chỉ đạo và tham gia cùng Tổ
TK&VV tổ chức họp Tổ để bình xét công khai người vay có nhu cầu xin vay vốn
và đủ điều kiện vay đưa vào Danh sách 03.
- Kiểm tra, giám sát quá trình sử
dụng vốn vay của người vay theo hình thức đối chiếu công khai (mẫu số 06/TD) và
thông báo kịp thời cho ngân hàng nơi cho vay về các trường hợp sử dụng vốn vay
sai mục đích, vay ké, bỏ trốn, chết, mất tích, bị rủi ro do nguyên nhân khách
quan (thiên tai, dịch bệnh, hoả hoạn…) để có biện pháp xử lý kịp thời. Phối hợp
cùng NHCSXH và chính quyền địa phương xử lý các trường hợp nợ chây ỳ, nợ quá hạn
và hướng dẫn người vay lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách
quan (nếu có).
- Chỉ đạo và giám sát Ban quản
lý Tổ TK&VV trong việc thực hiện Hợp đồng uỷ nhiệm đã ký với NHCSXH.
c) Đối với NHCSXH:
- Thực hiện kiểm tra đối chiếu
Danh sách 03 với Danh sách thành viên Tổ TK&VV (mẫu số 10/TD).
- Định kỳ hoặc đột xuất, lãnh đạo
NHCSXH mời các thành viên trong Ban đại diện HĐQT NHCSXH cùng cấp thực hiện chương
trình kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ TK&VV, của người vay và của tổ chức
Hội cấp dưới trong việc chấp hành chính sách tín dụng và hiệu quả sử dụng vốn
vay của người vay.
- Chủ động tổ chức giao ban định
kỳ tại các Điểm giao dịch tại xã để trao đổi về kết quả uỷ thác, tồn tại, vướng
mắc, bàn giải pháp và kiến nghị xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn, nợ bị rủi ro, nợ
bị xâm tiêu (nếu có)…
8. Xử lý nợ bị rủi ro do nguyên
nhân khách quan:
Thực hiện theo Quyết định số
69/2005/QĐ-TTg ngày 04/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số
65/2005/TT-BTC ngày 16/8/2005 của Bộ Tài chính và Quyết định số 55/QĐ-HĐQT ngày
24/02/2006 của Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH.
9. Lưu giữ hồ sơ vay vốn:
Toàn bộ hồ sơ cho vay được lưu
giữ tại bộ phận kế toán NHCSXH nơi cho vay.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Công tác kế hoạch:
Hàng năm, ngân hàng cơ sở phối hợp
với Ban Dân tộc cùng cấp lập kế hoạch nhu cầu vốn cho vay đối với chương trình
cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn gửi ngân hàng cấp
trên theo các quy định hiện hành của NHCSXH.
2. Chế độ báo cáo, thống kê:
2.1. Việc báo cáo thống kê thực
hiện theo văn bản hướng dẫn về chế độ báo cáo thống kê hiện hành của Tổng giám
đốc NHCSXH.
Hàng tháng, trước ngày 07 chi
nhánh NHCSXH cấp tỉnh lập Báo cáo kết quả cho vay hộ dân tộc thiểu số nghèo, đời
sống khó khăn theo mẫu biểu số 02.10/BCTD đính kèm và bổ sung về cho vay hộ dân
tộc thiểu số nghèo vào 2 Báo cáo hiện hành có liên quan, gồm:
- Báo cáo kết quả cho vay hộ
nghèo và các đối tượng chính sách khác (mẫu số 01/BCTD):
- Báo cáo phân loại dư nợ cho
vay theo đơn vị ủy thác (mẫu biểu số 05/BCTD) (đính kèm).
2.2. Lập báo cáo về thực hiện
cho vay chương trình này theo yêu cầu của Ban Dân tộc, UBND cùng cấp (nếu có).
3. Về mở tài khoản, hạch toán kế
toán và chi trả phí dịch vụ uỷ thác cho các tổ chức chính trị - xã hội, chi trả
hoa hồng cho Tổ TK&VV được thực hiện theo văn bản hướng dẫn riêng của Tổng
giám đốc.
4. NHCSXH các địa phương nơi thực
hiện Quyết định 74 có hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn có
trách nhiệm báo cáo UBND và Ban đại diện Hội đồng quản trị cấp tỉnh, cấp huyện
để triển khai Quyết định 74.
5. Tổ chức phổ biến nội dung Quyết
định 74, văn bản 886 và tập huấn nội dung văn bản này tới cán bộ NHCSXH, cán bộ
tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ Tổ TK&VV và cán bộ UBND cấp xã để triển
khai chương trình cho vay đúng quy định.
6. Tổ chức tuyên truyền và công
khai chủ trương, chính sách, danh sách hộ được vay vốn, công khai dư nợ tới
đông đảo quần chúng nhân dân biết để giám sát việc làm của NHCSXH.
Những điểm không hướng dẫn tại
văn bản này, NHCSXH thực hiện theo quy định tại Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg
ngày 09/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản hướng dẫn số 886/UBDT-CSTD
ngày 03/10/2008 của Ủy ban Dân tộc. Quá trình thực hiện, có vướng mắc báo cáo về
Hội sở chính NHCSXH xem xét, giải quyết.
Nơi nhận:
- VP Chính phủ;
- Ban Dân vận TW; Để báo cáo
- Uỷ ban dân tộc;
- Hội Phụ nữ VN;
- Hội Nông dân VN; Để phối hợp
- Hội CCB VN; thực hiện
- TW Đoàn TNCS HCM;
- Chủ tịch và các thành viên HĐQT NHCSXH;
- TGĐ, các Phó TGĐ NHCSXH, Kế toán trưởng;
- Trưởng BĐD HĐQT NHCSXH các cấp; Các tỉnh thực hiện QĐ 74
- CN NHCSXH các tỉnh, TP;
- PGD NHCSXH cấp huyện;
- Các phòng, Ban tại HSC NHCSXH;
- Trung tâm Đào tạo, TT Công nghệ thông tin;
- Website NHCSXH;
- Lưu VT, phòng NVTD.
|
KT.TỔNG
GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC
Nguyễn Văn Lý
|