TÒA
ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
69/TATC
|
Hà
Nội, ngày 24 tháng 12 năm 1979
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ NHÀ, ĐẢM BẢO CHỖ Ở CHO CÁC ĐƯƠNG SỰ
SAU KHI LY HÔN
Việc chia tài sản chung của vợ
chồng khi ly hôn đã được quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình. Toà án nhân
dân tối cao đã có hướng dẫn thêm trong Thông tư số 690/DS ngày 29-4-1960 và tiếp
đó, qua thực tiễn xét xử nhiều vấn đề cụ thể cũng đã được giải quyết trong các
hội nghị tổng kết công tác hàng năm của ngành Toà án. Nhiều địa phương trong
khi hoà giải, xét xử đã giải quyết tốt vấn đề tài sản, nhất là nhà ở, vừa bảo đảm
chính sách, pháp luật, vừa quan tâm đúng mức quyền lợi của người vợ và con cái,
phù hợp với thực tế.
Tuy nhiên, trong khi vận dụng
cũng còn nhiều bản án xét xử chưa thoả đáng, chưa bảo đảm nguyên tắc bảo vệ quyền
lợi phụ nữ và con cái. Có những trường hợp người vợ đã lớn tuổi suốt cả thời
gian dài đã góp nhiều công sức vào việc xây dựng, duy trì sửa chữa nhà cửa,
nhưng đến khi ly hôn chỉ được nhận 1 số tiền đền bù công sức không đủ tạo lập
được chỗ ở mới. Do đó, có số chị em đông con nhỏ phải ra ở nhờ nhà kho của Hợp
tác xã và trường học, thậm chí có chị bồng con ở quán chợ... Cũng có trường hợp
bên cha mẹ chồng giúp cho con làm nhà ở riêng, lúc bình thường không có vấn đề
gì nhưng khi con ly hôn, cha mẹ chồng lại coi là nhà của mình để đòi lại, người
con dâu phải ra ở chỗ khác. Có trường hợp hai vợ chồng có nhà riêng nhưng người
chồng thoát ly công tác, người vợ làm nông nghiệp ở địa phương và nuôi con
chung nhưng không được chia nhà với lý do nhà đó làm trên đất nhà chồng; xung
quanh là họ hàng nhà chồng. Ở các tỉnh miền Nam (trừ các tỉnh Tây Nguyên), hầu
hết các vụ ly hôn, người phụ nữ đều trở về nhà cha mẹ đẻ, hoặc tìm chỗ khác nên
cũng có 1 số chị em thực tế có khó khăn về chỗ ở, nhất là khi chị em phải nuôi
con chung.
Do một số vụ giải quyết chỗ ở
cho các đương sự không thoả đáng nên một số bản án kéo dài không thi hành được.
Có vụ dẫn đến hai bên đương sự hoặc gia đình họ hàng hai bên đương sự đánh cãi
nhau gây thương tích, ảnh hưởng đến trật tự trị an chung và tổn thương tình
đoàn kết trong nhân dân. Nguyên nhân của tình hình đó, một mặt do chưa nhận thức
đúng đắn về vai trò vị trí người phụ nữ trong gia đình, quyền lợi của chị em đối
với tài sản chung của vợ chồng và trách nhiệm đối với con cái, mặt khác do chưa
quán triệt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề giải quyết chỗ ở
cho nhân dân trong tình hình khó khăn chung về nhà cửa hiện nay. Có một số Toà
án chưa cố gắng đi sâu điều tra thực tế, chưa phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể
địa phương, đã ra những quyết định không hợp tình hợp lý gây thiệt hại quyền lợi
của phụ nữ và trẻ em.
Xuất phát từ tình hình nói trên,
căn cứ vào các nguyên tắc của Luật Hôn nhân và gia đình và thực tiễn xét xử,
Toà án nhân dân tối cao đề ra một số điểm chính về phương hướng giải quyết vấn
đề chia nhà, bảo đảm chỗ ở cho các đương sự trong các vụ ly hôn như sau:
Vấn đề chia nhà nằm trong toàn bộ
vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn đã được quy định ở Điều 15 và
Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình. Nhưng nhà là một nhu cầu thiết yếu của cuộc
sống, là tư liệu sinh hoạt quan trọng nhất trong tài sản chung của vợ chồng.
Nguyên tắc chung là dù đã ly hôn, mỗi người đều có quyền có chỗ ở, vì vậy, giải
quyết nhà phải nhằm tạo điều kiện mỗi bên có chỗ ở, ổn định cuộc sống nhất là đối
với các con cái. Đây là vấn đề khó khăn và phức tạp, không những phải nắm vững
đường lối chính sách mà còn vận dụng thích hợp vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi vụ
kiện.
Quá trình giải quyết, Toà án
nhân dân các cấp cần hết sức chú ý điều tra nghiên cứu để xác định nguồn gốc
xây dựng, quá trình quản lý sử dụng, tu sửa nhà đó. Xác định công sức đóng góp
của mỗi bên và tình trạng, hoàn cảnh cụ thể của mỗi bên khi ly hôn. Khi chia
nhà, phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của cả hai bên đương sự, đồng thời rất
quan tâm đến quyền lợi người vợ và con cái vì thông thường họ có nhiều khó khăn
hơn. Khi vận dụng, cần xem xét toàn diện các chính sách như chính sách đối với
đất ở nông thôn cũng như ở thành thị, chính sách thống nhất quản lý nhà ở thành
thị, chính sách quản lý hộ khẩu và chính sách đối với bộ đội, thương binh, gia
đình liệt sĩ.
Khi giải quyết, cần hết sức chú
ý đến tình hình thực tế của việc sử dụng, tránh những quyết định đi đến phá dỡ
nhà. Phải lưu ý đến tình hình khó khăn trong việc tìm chỗ ở mới nhất là đối với
phụ nữ và con cái, bất kỳ trong trường hợp nào cũng không được để vợ con ra khỏi
nhà khi họ thực sự chưa có chỗ ở một cách thoả đáng.
Khi vợ chồng đã ly hôn mà còn phải
ở chung một nhà là bất đắc dĩ. Vì vậy, nên quan tâm tạo điều kiện để mỗi bên có
chỗ ở riêng. Trong những trường hợp không có khả năng nào giải quyết tốt hơn,
thì vẫn phải để ở chung một nhà, sau đó, qua thực tế cuộc sống họ sẽ tự sắp xếp
bằng cách này hay cách khác tiện lợi cho họ.
Hiện nay nhu cầu về nhà ở rất lớn
nhất là ở thành phố và thị xã, khả năng của ta lại rất hạn chế. Cho nên giải
quyết vấn đề nhà ở sau khi ly hôn không những phải có quan điểm đúng đắn mà phải
dựa vào thực tế, dựa vào sự giúp đỡ của các cơ quan, đoàn thể, hợp tác xã, đồng
thời phải rất chú ý công tác hoà giải, giáo dục để các đương sự nhận rõ trách
nhiệm của mình, thấy hết tình hình khó khăn phức tạp để họ có thái độ đúng đắn
cùng nhau bàn bạc tìm cách giải quyết thoả đáng. Cán bộ Toà án không những có
tinh thần trách nhiệm mà cần có quan điểm quần chúng, có đầy đủ nhiệt tình đi
sâu đi sát bàn bạc cách giải quyết vừa bảo đảm đường lối, chính sách, pháp luật,
vừa sát hợp với tình hình thực tế.
Phương hướng giải quyết những
trường hợp cụ thể:
A. NHÀ Ở NÔNG
THÔN
Nhà ở nông thôn gắn liền với đất.
Nông thôn ta đang trên con đường đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, bất kỳ ở
đâu, người nông dân cũng có quyền có chỗ đất làm nhà ở.
Trước hết, cần xác định quyền sở
hữu bình đẳng của bên vợ và bên chồng đối với tài sản chung của họ như Điều 15
và 29 Luật Hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, việc chia nhà cho ai xuất phát từ
tình hình cụ thể từng việc để giải quyết. Trên cơ sở chính sách của Đảng và Nhà
nước ở nông thôn, giáo dục hai bên đảm bảo đoàn kết, cùng nhau hoà giải để giải
quyết. Trường hợp hoà giải không được Toà án sẽ xét xử.
1. Nhà do hai vợ
chồng tạo lập trong thời gian chung sống là tài sản chung của vợ chồng - việc
chia nhà cho bên vợ hay chồng cần phải xem xét các mặt như:
- Hai người có thực sự ở nhà đó
từ trước đến khi ly hôn hay vợ hoặc chồng có nơi ở khác. Sau khi ly hôn, ai đảm
nhận việc nuôi giữ con chung.
- Ai có khó khăn hơn trong việc
tạo lập nơi ở mới.
Trong trường hợp người chồng
thoát ly gia đình công tác xa không có cha mẹ già ở chung, chỉ có một mình vợ ở
nông thôn làm ăn nuôi con, lâu nay vẫn ở trong nhà đó thì khi ly hôn nên chia
nhà cho người vợ, người chồng sẽ nhận những tài sản khác; nếu tài sản khác
không còn gì đáng giá thì có thể xử cho người vợ bù 1 khoản tiền tương xứng với
quyền lợi của người chồng được hưởng.
Trường hợp hai vợ chồng vẫn ở
chung thì cần xem xét cụ thể ai cần nhà hơn, ai có khó khăn hơn sau khi ly hôn
thì xử giao nhà cho người đó. Nếu hai bên thực sự đều có khó khăn trong việc tạo
lập chỗ ở mới thì ngăn chia nhà đó cho cả hai bên sử dụng. Diện tích chia cho mỗi
bên sử dụng nhiều hay ít tuỳ thuộc cụ thể vào việc đảm nhận nuôi con cái, không
nhất thiết chia đôi. Nếu nhà quá chật không thể chia được hoặc khi mâu thuẫn
sâu sắc hai người không muốn ở cùng nhà, thì cần ưu tiên cho người nào khó khăn
hơn, nhất là đối với phụ nữ phải nuôi con nhỏ. Người không được chia nhà sẽ nhận
tài sản khác hoặc bù tiền - Nếu trong khối tài sản chung có những thứ vật liệu
làm nhà được kể cả tre, gỗ trong vườn nên chia cho bên không được giao nhà.
Nhà gắn liền với đất - Trong trường
hợp đất rộng thì có thể chia đất cho cả hai bên - Nếu trên đất có cây ăn trái
thì cũng chia cho thoả đáng - Nếu đất ở quá hẹp, mà hai người không còn chỗ đất
nào khác thì cần được bàn bạc với địa phương để có sự giúp đỡ điều chỉnh cho
người không được chia nhà 1 chỗ đất để làm nhà ở.
2. Nhà của cha
mẹ chồng (hoặc cha mẹ vợ). Trong trường hợp vợ chồng ăn ở chung với cha mẹ và
gia đình nhà chồng (hay nhà vợ) mà người đó có công sức đóng góp với gia đình
chồng hay vợ thì khi ly hôn quyền lợi của người đó được giải quyết bằng hình thức
đền bù công sức - việc đền bù đó có thể bằng một khoản tiền, cũng có thể bằng
hiện vật.
a) Nếu khi ly hôn, người vợ thực
sự có khó khăn về chỗ ở và còn nuôi con chung, thì cần bàn bạc để gia đình nhà
chồng với sự giúp đỡ của hợp tác xã, tạo điều kiện cho người phụ nữ làm nhà ở
nơi khác. Gia đình nhà chồng đền bù công sức cho người vợ bằng vật liệu xây dựng
nhà tre, gỗ, gạch..., một số công lao động và phí tổn làm nhà.
b) Trường hợp gia đình nhà chồng
có chỗ ở tương đối rộng, người vợ làm dâu đã lâu, có nhiều công sức đóng góp
xây dựng nhà chồng thì khi ly hôn nên hoà giải để người vợ và các con ở lại một
phần nhà của gia đình nhà chồng, tính như đền bù công sức bằng hiện vật.
c) Nếu người con dâu mới về nhà
chồng chưa có đóng góp với nhà chồng nhiều (đối với người con rể cũng vậy) thì
khi ly hôn vấn đề nhà không đặt ra, nhưng trường hợp người đó thực sự có khó
khăn về chỗ ở thì cũng tuỳ tình hình cụ thể cần giúp đỡ để họ tạo lập nơi ở mới.
d) Trong các trường hợp trên nếu
cần có thời gian tìm chỗ ở khác thì gia đình chồng tạm thời để họ ở lại một thời
gian cho đến khi tạo lập được nơi ở mới. Người chồng và gia đình nhà chồng nên
có sự giúp đỡ để người vợ sớm có chỗ ở khác.
Trong trường hợp nếu cha mẹ chồng
đã chết, di sản thừa kế chưa chia thì cần giải quyết chia thừa kế, phần của người
chồng nhập vào tài sản chung của vợ chồng để chia. Cần quan tâm quyền lợi người
vợ, nhưng cũng không xâm phạm quyền lợi chính đáng các cái thừa kế khác ở gia
đình nhà chồng. Về tố tụng, phải đưa những người này hoặc đại diện của họ tham
gia với tư cách dự sự.
3. Nhà do cha mẹ
làm cho con ở riêng khi cưới vợ hoặc sau khi cưới, cha mẹ cho thêm tiền, vật liệu
để con làm nhà.
Khi xét xử cần đi sâu tìm hiểu
thực tế, xem xét nguồn gốc việc làm nhà, ý thức của gia đình khi làm nhà đó;
quá trình sử dụng, bảo quản, tu sửa kể cả xây dựng thêm... Nếu xác định được
nhà đó cha mẹ làm cho con hoặc cho thêm tiền vật liệu để con tự làm (trên đất của
hợp tác xã phân cho hay đất của gia đình nhà chồng cũng vậy), mà lâu nay người
con vẫn sử dụng, tu bổ thì phải xem đó là nhà của con. Điều 15 Luật Hôn nhân và
gia đình đã quy định rõ vợ chồng có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang
nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới. Tuỳ tình hình mà giải quyết việc
chia nhà như tài sản chung của vợ chồng đã nói ở phần trên.
Nếu đất vườn xung quanh là của
gia đình chồng lại tương đối rộng và có hoa lợi như cây ăn trái thì khi giải
quyết cắt một phần đất vườn theo nhà, số đất vườn còn lại vẫn thuộc gia đình chồng.
Trong trường hợp làm nhà với ý
thức cho con, nhưng cha mẹ (hoặc 1 trong 2 người) cùng ở với con từ trước, nay
cha mẹ cũng không có chỗ ở nào khác, thì khi giải quyết cần xem xét cụ thể,
quan tâm cả đến quyền lợi của cha mẹ; có thể coi là đồng sở hữu, chia cho cha mẹ
và cả hai vợ chồng mỗi người một phần nhà; hoặc chia nhà cho người chồng thì
chia rộng hơn trong đó có cả phần của cha mẹ. Nếu nhà chật chỉ có thể chia cho
người vợ ở nuôi con, cha mẹ chồng không muốn ở cùng thì cần trích một phần tài
sản hoặc không có tài sản thì người con dâu phải bù tiền để cha mẹ chồng có điều
kiện ở nơi khác.
Đối với miền núi: Giải quyết
chia nhà trong ly hôn cũng vẫn phải dựa trên nguyên tắc chung nhưng kết hợp với
phong tục tập quán địa phương. Dù người vợ làm dâu hay người chồng làm rể, khi
ly hôn, cần giải quyết thoả đáng để người không được chia nhà có điều kiện làm
nhà khác.
B. NHÀ Ở
THÀNH PHỐ, THỊ XÃ
Ở các thành phố, thị xã khi giải
quyết vấn đề nhà trong các vụ ly hôn, ngoài các nguyên tắc quy định trong Luật
Hôn nhân và gia đình, cần chú ý đến chính sách Nhà nước thống nhất quản lý nhà
cửa, chính sách quản lý hộ khẩu ở thành phố và thị xã mà còn phải tính đến thực
tế hiện nay là tình hình nhà cửa rất khó khăn để việc xử lý sát đúng cả về nội
dung và thẩm quyền. Việc giải quyết trên nguyên tắc bảo đảm quyền lợi chính
đáng của người dân là quyền có chỗ ở.
1. Nhà do vợ
chồng tạo lập: Nói chung khi ly hôn nên giải quyết chia nhà để mỗi bên được sử
dụng một phần. Diện tích mỗi bên nhiều hay ít là tuỳ tình hình cụ thể từng việc.
Nếu người nào đã nhận con chung hoặc có cha mẹ ở cùng thì có thể chia rộng hơn.
Nếu người chồng hoặc người vợ
đang sinh sống, làm ăn nơi khác, hộ khẩu thường trú ở nơi đó, ở nhà không có
cha mẹ, hoặc người phải nuôi dưỡng thì có thể chia nhà cho người ở địa phương để
ổn định cuộc sống. Trường hợp người chồng đang tại ngũ vẫn yêu cầu được chia
nhà thì cần bảo đảm quyền lợi của người chồng, tạm giao phần của chồng cho người
vợ quản lý. Tóm lại, việc chia nhà cho 1 bên chỉ nên hạn chế trong trường hợp họ
tự bàn bạc thoả thuận, hoặc vì nhà quá chật mà bên kia có điều kiện tìm nơi ở
khác như về ở chung với cha mẹ, hoặc vào tập thể cơ quan, xí nghiệp.
Ở các thành phố, thị xã miền
Nam, đang tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa về nhà cửa, nếu trong diện tích đó
thì cần có sự xác nhận của ban cải tạo. Trừ phần Nhà nước cải tạo, phần nào để
cho vợ chồng ở lúc đó sẽ chia.
Trường hợp nhà mua của Nhà nước
theo hình thức trả tiền dần, mặc dầu trong văn tự mua nhà đứng tên một bên vợ
hoặc chồng, vẫn xem là tài sản chung và giải quyết theo hướng nói trên. Nợ tiền
Nhà nước chưa trả hết thì hai bên có trách nhiệm trả theo tỷ lệ phần nhà được
chia.
Nếu nhà trên đất tương đối rộng,
nên chia cả đất, nếu một bên không được nhà, có thể chia đất rộng hơn để có điều
kiện làm nhà khác.
2. Vợ chồng ở
nhà cha mẹ chồng hoặc cha mẹ vợ
Trong trường hợp ly hôn mà vợ chồng
chưa có con hoặc có ít con, thời gian chung sống chưa lâu thì thông thường người
con dâu hoặc con rể đi ở nơi khác, ít có tranh chấp về nhà ở.
Trường hợp người vợ về làm dâu
trong gia đình nhà chồng lâu năm, có công sức đóng góp với nhà chồng, lại đông
con, khi ly hôn người vợ đang phải nuôi con nhỏ và thực sự có khó khăn trong việc
tìm chỗ ở mới, xét bình quân diện tích trong nhà chồng cao hơn mức bình quân
chung ở thành thị, thì cũng có thể giải quyết cho người vợ được lưu lại nơi ở
cũ trong gia đình nhà chồng với một diện tích phù hợp, coi như việc đền bù công
sức bằng hiện vật.
Nếu vợ chồng ở cùng nhà cha mẹ,
nhưng kinh tế hoàn toàn riêng biệt thì khi ly hôn không có vấn đề đền bù công sức,
nhưng khi giải quyết chỗ ở vẫn phải xem xét tình hình nhà cửa, mức bình quân diện
tích chung, cộng với hoàn cảnh cụ thể về chỗ ở của người vợ hay người chồng nếu
họ thực sự chưa có chỗ ở khác thì tạm thời cho họ được ở lại để có thời gian
tìm chỗ ở khác. Bản thân người đó phải tích cực tìm nơi ăn chốn ở mới, nhưng
người chồng và gia đình chồng cũng tạo điều kiện, giúp đỡ người phụ nữ có chỗ ở
khác.
3. Nhà cho
thuê (của Nhà nước và tư nhân)
Nhà ở thuê không phải tài sản của
vợ chồng cho nên khi ly hôn việc chia nhà không đặt ra. Tuy vậy, có vấn đề quyền
lợi người thuê nhà của cả người vợ hoặc người chồng dù chỉ 1 bên đứng hợp đồng
thuê. Khi ly hôn, cả 2 bên đều có quyền tiếp tục ở với tư cách là người thuê nếu
họ không có nơi ở khác. Do hoàn cảnh vợ chồng đã thay đổi khi ly hôn họ đã tách
thành hai hộ, có thể có sự tranh chấp về chỗ ở. Việc tranh chấp này trước hết
hai người tự hoà giải và được giải quyết theo nguyên tắc và trình tự đã quy định
trong bản Điều lệ cho thuê nhà ở thành phố và thị xã. Hai bên ly hôn có thể
cùng bên cho thuê nhà (Sở nhà đất hoặc tư nhân) bàn bạc để điều chỉnh lại hợp đồng
thuê nhà - Nếu không tự giải quyết được thì Uỷ ban nhân dân và cơ quan quản lý
nhà đất sẽ giải quyết.
Toà án không quyết định việc
chia diện tích nhà thuê cho mỗi bên. Nhưng nếu có tranh chấp gay gắt và để đảm
bảo trật tự xã hội, ổn định trước mắt cuộc sống của mỗi bên, trong bản án ly
hôn, Toà án có thể tạm thời phân định cho mỗi bên sử dụng 1 phần nhà ở thuê.
Sau đó các đương sự sẽ đề đạt đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.
4. Nhà do cơ
quan phân phối
Cũng như nhà ở thuê, nhà do cơ
quan phân phối không phải là tài sản chung của vợ chồng nên không đặt vấn đề
chia nhà khi ly hôn. Cơ quan quản lý và phân phối nhà cho họ sẽ tuỳ tình hình cụ
thể mà sắp xếp phù hợp với hoàn cảnh mới của họ. Toà án không quyết định vấn đề
chia nhà trong bản án ly hôn. Nếu họ có tranh chấp thì cơ quan quản lý họ sẽ giải
quyết theo các chế độ, chính sách về nhà ở đối với cán bộ, công nhân, viên chức.