THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 21/CT-TTg
|
Hà Nội, ngày 01
tháng 08 năm 2014
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC KIỂM KÊ ĐẤT ĐAI, LẬP BẢN ĐỒ HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG ĐẤT NĂM 2014
Thực hiện Luật Đất đai và để đánh giá
tình hình quản lý, sử dụng đất đai nhằm
quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên, nguồn lực đất đai cho
công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững, Thủ tướng Chính
phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện kiểm kê đất đai và lập bản đồ
hiện trạng sử dụng đất năm 2014 trên phạm vi cả nước theo các nội dung sau:
1. Mục đích, yêu
cầu
a) Việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ
hiện trạng sử dụng đất năm 2014 phải đánh giá được chính xác thực trạng sử dụng
đất đai của từng đơn vị hành chính các cấp xã, huyện, tỉnh, các vùng kinh tế và
cả nước; làm cơ sở để đánh giá tình hình
quản lý đất đai trong 5 năm qua và đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm
tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất của các cấp,
nhất là việc lập, điều chỉnh, quản lý, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
trong giai đoạn 2016 - 2020.
b) Việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ
hiện trạng sử dụng đất năm 2014 cần phải được đổi mới nội dung, phương pháp, tổ
chức thực hiện để kiểm soát chặt chẽ kết quả điều tra kiểm kê thực địa, nâng
cao chất lượng thực hiện, khắc phục hạn chế, tồn tại của các kỳ kiểm kê trước
đây.
2. Nội dung kiểm
kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất
a) Việc kiểm kê đất đai phải xác định
được đầy đủ số liệu về diện tích đất tự nhiên của
các cấp hành chính; diện tích các loại đất, các loại đối tượng đang quản lý, sử
dụng đất đến thời điểm kiểm kê tính đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2014; trong
đó:
- Loại đất kiểm kê bao gồm các loại đất
theo quy định tại Điều 10 của Luật Đất
đai năm 2013; ngoài ra, đặc biệt chú trọng kiểm kê tình hình sử dụng đất trồng lúa; đất các khu công nghiệp, cụm
công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
- Đối tượng kiểm kê đất bao gồm đối
tượng đang sử dụng đất là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư,
cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn
đầu tư nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sử dụng đất theo
quy định tại Điều 5 của Luật Đất đai năm 2013; đối tượng được
nhà nước giao quản lý đất theo quy định tại Điều 8 của Luật Đất
đai năm 2013; trong đó chú trọng kiểm kê đối với các tổ chức sự nghiệp và
doanh nghiệp của nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị xã hội, đơn vị quốc
phòng, an ninh đang sử dụng đất nông, lâm nghiệp; các tổ chức kinh tế sử dụng đất
được nhà nước giao không thu tiền mà chưa chuyển sang giao đất có thu tiền sử dụng
đất hoặc thuê đất theo quy định của pháp luật đất đai.
b) Lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất
năm 2014 phải phản ánh được sự phân bố của các loại đất kiểm kê theo từng đơn vị
hành chính các cấp xã huyện, tỉnh, các
vùng kinh tế - xã hội và cả nước.
c) Trên cơ sở số liệu điều tra kiểm
kê phải phân tích đánh giá được thực trạng, cơ cấu sử dụng các loại đất, tình
hình biến động đất đai trong 5 năm qua; qua đó đánh giá tình hình quản lý đất
đai của từng địa phương, nhất là việc quản lý,
thực hiện quy hoạch sử dụng đất; việc chấp hành pháp luật đất đai của các tổ chức,
cá nhân đang sử dụng đất; làm rõ nguyên nhân hạn chế, yếu kém; đề xuất đổi mới
cơ chế, chính sách, pháp luật đất đai và các biện pháp tăng cường quản lý, sử dụng
đất trong các năm tới.
3. Giải pháp thực
hiện
a) Việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ
hiện trạng sử dụng đất năm 2014 phải được thực hiện trên cơ sở sử dụng bản đồ địa
chính, bản đồ giải thửa để điều tra kiểm kê các loại đất, các loại đối tượng sử
dụng đất ngoài thực địa. Địa phương chưa có bản đồ địa chính tập trung (nhiều
xã) và bản đồ giải thửa thì sử dụng ảnh viễn thám để biên tập thành bản đồ điều
tra kiểm kê; các địa phương không có hai loại tài liệu trên thì sử dụng bản đồ
hiện trạng sử dụng đất đã lập trước đây kết hợp với các loại bản đồ khác hiện
có của địa phương để khoanh vẽ, chỉnh lý biên tập thành bản đồ sử dụng điều tra
kiểm kê ngoài thực địa phục vụ cho kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng
đất.
b) Áp dụng công nghệ thông tin cho việc số hóa kết quả điều tra,
khoanh vẽ các loại đất, các loại đối tượng quản lý, sử dụng đất và tổng hợp số
liệu kiểm kê đất đai, thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất các cấp.
c) Việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ
hiện trạng sử dụng đất năm 2014 phải được kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong quá
trình thực hiện; đặc biệt coi trọng việc thẩm định kết quả thực hiện của tất cả
các công đoạn, ở các cấp, nhất là việc thực hiện ở cấp xã để bảo đảm yêu cầu chất
lượng và tính trung thực của số liệu kiểm kê.
4. Thời điểm thực
hiện và thời hạn hoàn thành
a) Thời điểm kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014 được thực
hiện thống nhất trên phạm vi cả nước tính đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2014.
b) Thời hạn hoàn thành và báo cáo kết
quả kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng
đất năm 2014 được quy định như sau:
- Cấp xã hoàn thành và báo cáo kết quả
trước ngày 01 tháng 6 năm 2015;
- Cấp huyện hoàn thành và báo cáo kết
quả trước ngày 15 tháng 7 năm 2015;
- Cấp tỉnh hoàn thành và báo cáo kết
quả trước ngày 01 tháng 9 năm 2015;
- Cả nước và các vùng kinh tế - xã hội
hoàn thành trước ngày 01 tháng 11 năm 2015.
5. Kinh phí
Kinh phi kiểm kê đất đai và lập bản đồ
hiện trạng sử dụng đất năm 2014 do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Ngân sách trung ương bảo đảm các nhiệm vụ do các Bộ, cơ quan
Trung ương thực hiện; ngân sách địa phương bảo đảm các nhiệm vụ do các cấp tỉnh,
huyện, xã thực hiện; theo phân cấp ngân sách hiện hành.
6. Tổ chức thực
hiện
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường:
- Lập Dự toán Kiểm
kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014 đối với các hoạt động
do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện;
- Hướng dẫn biểu mẫu, phương pháp kiểm
kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014; xây dựng, hoàn thiện
phần mềm kiểm kê đất đai cung cấp cho các địa phương sử dụng;
- Chỉ đạo, tập huấn, kiểm tra, đôn đốc,
tổ chức thẩm định kết quả kiểm kê đất
đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất của các tỉnh, thành trực thuộc Trung
ương trên phạm vi cả nước;
- Cung cấp ảnh viễn thám, bình đồ ảnh
viễn thám cho các xã chưa có bản đồ địa chính và các xã có bãi bồi để phục vụ
cho công tác kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất. Trong đó, ưu
tiên các địa phương có khó khăn, các xã vùng sâu, vùng xa, các khu vực có điều
chỉnh địa giới hành chính, khu vực có nhiều biến động đất đai do phát triển
nuôi trồng thủy sản, phát triển công nghiệp, đất trồng lúa nước và các khu vực
đất lâm nghiệp.
- Tổng hợp, xây dựng báo cáo kiểm kê
đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014 của cả nước và các vùng kinh tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chủ
trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện
kiểm kê quỹ đất quốc phòng, an ninh để thống nhất số liệu phục vụ yêu cầu tổng hợp kết quả kiểm kê đất đai, Lập bản đồ hiện
trạng sử dụng đất năm 2014 của từng địa phương; đồng thời gửi báo cáo kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng
hợp.
c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn có trách nhiệm phối hợp chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự
nghiệp đang sử dụng đất nông, lâm nghiệp (các công ty nông, lâm nghiệp, Ban quản
lý rừng) rà soát khai báo tình hình hiện trạng sử dụng đất và cung cấp các
thông tin, tài liệu đất đai cần thiết phục vụ yêu cầu kiểm kê đất đai, lập bản
đồ hiện trạng sử dụng đất của địa phương.
d) Bộ Nội vụ có trách nhiệm chủ trì,
phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố chỉ đạo rà soát, xác định và chỉ đạo giải quyết khu vực còn đang
tranh chấp địa giới hành chính các cấp, làm cơ sở pháp lý cho kiểm kê đất đai.
Các điểm có tranh chấp địa giới phức tạp, mà đến ngày 30 tháng 12 năm 2014 chưa
giải quyết xong thì phải chỉ đạo kiểm kê và báo cáo hiện trạng sử dụng khu vực
đang tranh chấp lên cấp trên để xử lý, tổng hợp báo cáo, đồng thời xây dựng kế
hoạch cụ thể để tổ chức giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp địa giới hành
chính.
đ) Bộ Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp
với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương lập dự toán chi phí cho các hoạt động kiểm kê đất đai và lập bản đồ
hiện trạng sử dụng đất năm 2014.
- Chủ trì, phối hợp
với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện công tác kiểm
kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014 của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, của các địa
phương và đề xuất mức hỗ trợ ngân sách trung ương cho từng địa phương, báo cáo
Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên
và Môi trường kiểm tra việc sử dụng kinh phí cho kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện
trạng sử dụng đất năm 2014 của các Bộ và các địa phương.
e) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở quy
định của Luật Đất đai và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính
để tiến hành xây dựng phương án, kế hoạch, bố trí kinh phí thực hiện và tổ chức
chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng cấp triển khai thực hiện;
thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn trong quá trình thực
hiện; tổ chức, chỉ đạo kiểm tra nghiệm thu kết quả theo đúng quy định nhằm bảo
đảm hoàn thành đủ nội dung, đúng thời gian, với chất lượng cao nhất việc kiểm
kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014 của địa phương.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương chịu trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UB Giám sát tài chính QG;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, các đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu; Văn thư, KTN (3b).
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|