ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 13/CT-UBND
|
Bình
Dương, ngày 08 tháng 07 năm 2019
|
CHỈ THỊ
VỀ
VIỆC TĂNG CƯỜNG CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC LẬP, THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT HÀNG
NĂM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
Trong thời gian qua, thực hiện quy
định pháp luật về đất đai, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của Ủy
ban nhân dân tỉnh về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản
lý đất đai, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã
nghiêm túc triển khai nhiều giải pháp thiết thực, tạo được sự chuyển biến và
đạt được kết quả tích cực trong công tác lập, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử
dụng đất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước
về đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm được phê duyệt vẫn còn
nhiều tồn tại, bất cập: Việc lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hàng năm
chưa đồng bộ; chất lượng thực hiện kế hoạch sử dụng đất
hàng năm chưa cao, thiếu tính khả thi; công tác điều chỉnh, bổ sung danh mục
công trình, dự án vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm còn diễn ra thường xuyên;
đầu tư xây dựng công trình theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm được duyệt còn
thiếu nguồn lực, chưa kiểm soát chặt chẽ.
Nguyên nhân của các tồn tại, bất cập
trên chủ yếu là do: Các quy định pháp luật có liên quan chưa thống nhất; sự
phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành có liên quan chưa thường xuyên, chưa chặt
chẽ; kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm chưa gắn kết với kế hoạch sử dụng
đất hàng năm, dẫn đến dàn trải; công tác quản lý, thanh tra, kiểm
tra, giám sát đầu tư xây dựng chưa kịp thời.
Công tác quản lý, kiểm soát thực hiện
quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện nay là nhiệm vụ cấp thiết nhằm hoàn thành
chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của toàn tỉnh đến năm 2020 theo Nghị quyết số
59/NQ-CP ngày 17/5/2018 của Chính phủ.
Để tăng cường
chấn chỉnh công tác lập, thực hiện kế hoạch sử dụng đất
hàng năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị các sở, ban, ngành và Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Thường xuyên theo dõi, đôn đốc và
nhắc nhở Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Kế
hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đúng quy định pháp luật.
- Chủ động xử lý các khó khăn, vướng
mắc theo chức trách nhiệm vụ được giao; kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo xử lý đối với các khó khăn,
vướng mắc vượt thẩm quyền.
- Chủ trì, phối hợp cùng các ban,
ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện việc thanh tra, kiểm tra tiến độ thực hiện Kế hoạch sử dụng đất, kịp thời phát hiện, trực tiếp xử
lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý đối với các trường
hợp không triển khai thực hiện đúng quy định.
- Tiếp tục chỉ đạo Trung tâm phát
triển quỹ đất đẩy mạnh công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng
giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án theo Kế hoạch sử dụng
đất được duyệt.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính
chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ưu tiên bố trí vốn ngân sách để thực
hiện các công trình, dự án đầu tư công đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
3. Sở Thông tin và Truyền thông,
Đài Phát thanh Truyền hình Bình Dương, Báo Bình Dương
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi
trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai bằng nhiều hình thức đến mọi tầng
lớp nhân dân để biết và chấp hành tốt.
4. Các sở, ngành có liên quan
Tăng cường công tác quản lý, kiểm
tra, giám sát tiến độ triển khai công trình, dự án theo thẩm quyền được giao.
Kịp thời phát hiện, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý hoặc trực tiếp xử lý theo
thẩm quyền đối với các trường hợp không triển khai thực hiện.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị,
thành phố
- Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi
trường nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác tham mưu lập kế hoạch sử
dụng đất hàng năm; Giao nhiệm vụ Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường phải sâu
sát, quản lý chặt chẽ, báo cáo và chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố về tình hình thực hiện Kế hoạch sử dụng đất
hàng năm và kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá
trình thực hiện.
- Hồ sơ đề nghị thẩm định Kế hoạch sử
dụng đất hàng năm nói chung và danh mục công trình, dự án thuộc diện thu hồi
đất thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định phải nộp về Sở Tài
nguyên và Môi trường trong quý III hàng năm để tổ chức thẩm định. Sau ngày 01
tháng 10 hàng năm, nếu địa phương nào chưa gửi hồ sơ Kế
hoạch sử dụng đất và danh mục công trình, dự án về Sở Tài nguyên và Môi trường
thẩm định thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách
nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Hồ sơ đề nghị thẩm định điều chỉnh,
bổ sung danh mục công trình, dự án trong Kế hoạch sử dụng đất hàng năm thuộc
diện thu hồi đất thuộc thẩm quyền Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định, phải nộp
về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 5 hàng năm. Trường hợp địa
phương không có ý kiến phản hồi về Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc đăng ký sau
ngày 31 tháng 5 thì Sở Tài nguyên và Môi trường không xem
xét điều chỉnh, bổ sung đối với địa phương.
- Thực hiện nghiêm quy định tại Điểm
b Khoản 6 Điều 67 Thông tư số 29/2014/TT-BTNMT ngày 02/6/2014 của Bộ Tài nguyên
và Môi trường về điều kiện đưa dự án vào Kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Kiên quyết
loại bỏ những công trình, dự án đã đưa vào kế hoạch nhưng quá 03 năm mà chưa có
quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ
quan có thẩm quyền.
- Thực hiện công bố, công khai, niêm
yết trên phương tiện thông tin đại chúng và tại các cơ quan, đơn vị theo quy
định tại Thông tư số 29/2014/TT-BTNMT để các đối tượng sử dụng đất biết, thực
hiện. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người sử dụng đất biết về
quyền và nghĩa vụ trong việc Nhà nước tổ chức thu hồi đất để phát triển kinh tế
- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
- Nâng cao chỉ tiêu thực hiện, chất
lượng công trình, dự án được đề xuất trong năm thông qua
hình thức: đánh giá kỹ năng lực tài chính, năng lực kinh nghiệm của chủ đầu tư;
đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, kéo dài. Đồng thời chủ động tham mưu điều chỉnh, loại bỏ chỉ tiêu,
công trình không có khả năng thực hiện.
6. Tổ chức thực hiện
- Giám đốc các sở, Thủ trưởng các
ban, ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt và chỉ đạo thực hiện Chỉ thị này từ nay đến hết năm 2020. Định kỳ 06 tháng, hàng năm tổ
chức sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện
Chỉ thị về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo
Ủy ban nhân dân tỉnh cùng với kết quả thực hiện Kế hoạch sử dụng đất hàng năm.
Trong đó, lưu ý Báo cáo phải làm rõ được nguyên nhân, đề xuất giải pháp nhằm
khắc phục trong thời gian tới (nếu có).
- Trong quá trình thực hiện, nếu phát
sinh khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền hoặc trường hợp cấp bách, yêu cầu các
sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phải kịp thời
báo cáo, đề xuất gửi về Ủy ban nhân
dân tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để báo cáo, đề xuất Ủy ban
nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành
có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức
thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.
Nơi nhận:
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, PCT. UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành trực thuộc
tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành
phố;
- Báo Bình Dương; Đài PTTT Bình
Dương;
- Website tỉnh;
- LĐVP (Lg, Th), Tn, TH;
- Lưu: VT.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
Mai Hùng Dũng
|