ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 13/CT-UBND
|
Hải Phòng, ngày 25
tháng 04 năm 2012
|
CHỈ THỊ
TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG
CÁC BIỆN PHÁP QUẢN LÝ, NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG ĐẤT, CHÚ TRỌNG ĐẤT BÃI BỒI VEN
SÔNG, VEN BIỂN, ĐẤT CÓ MẶT NƯỚC NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI
PHÒNG
Trong những năm qua, việc quản lý, sử dụng đất đai,
trong đó có đất nuôi trồng thủy sản, đất bãi bồi ven sông, ven biển trên địa
bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, quỹ đất được sử dụng có hiệu quả,
góp phần tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, quá trình quản lý, sử dụng quỹ đất bãi
bồi ven sông, ven biển tại các địa phương còn bộc lộ nhiều bất cập; cơ chế,
chính sách không rõ, mỗi địa phương tùy theo điều kiện thực tế đã vận dụng
chính sách giao đất, cho thuê đất khác nhau, dẫn tới việc quản lý chung của
toàn thành phố không thống nhất, kém hiệu quả, nhiều vi phạm chưa được phát hiện
xử lý, nhiều vụ khiếu kiện phức tạp chưa được giải quyết kịp thời.
Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Chỉ thị số
13/CT-UBND ngày 11/5/2011 chỉ đạo các cấp, các ngành thành phố thực hiện một số
nhiệm vụ cấp bách để chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả
công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố nhưng chưa đề cập
cụ thể các nội dung tăng cường quản lý đất bãi bồi ven sông, ven biển.
Thực hiện Kết luận số 02-KL/TU ngày 07/02/2012 của
Ban Thường vụ Thành ủy về nhóm giải pháp cơ bản tăng cường quản lý, nâng cao
hiệu quả quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển; tăng cường thực hiện
Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 11/5/2011, tập trung thực hiện một số giải pháp tăng
cường quản lý, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ đất bãi bồi ven sông, ven
biển, đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản; Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu
các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện một số công việc sau
đây:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Tổng hợp hiện trạng quản lý, sử dụng đất bãi bồi
ven sông, ven biển, đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản, trên cơ sở kết quả rà
soát của Ủy ban nhân dân các quận, huyện; đề xuất cơ chế quản lý, sử dụng diện
tích đất bãi bồi ven sông, ven biển, tiết kiệm, phù hợp với quy hoạch, đạt hiệu
quả, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công bằng xã hội, báo cáo Bộ Tài
nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện.
Trích lập hồ sơ địa chính đối với quỹ đất nuôi
trồng thủy sản, đất bãi bồi ven sông, ven biển tại các quận, huyện có quỹ đất
bãi bồi ven sông, ven biển, đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản lớn làm cơ sở
quản lý sử dụng chặt chẽ quỹ đất này.
2. Thanh tra thành phố:
Chủ trì cùng Phòng tiếp công dân thuộc Văn phòng Ủy
ban nhân dân thành phố rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo, đề xuất các biện
pháp chủ động giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai, không
để phát sinh các vụ việc mới phức tạp; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ
việc tồn đọng.
Lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra, phát hiện kịp
thời các sai phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai trong đó chú trọng đất mặt
nước nuôi trồng thủy sản; đất bãi bồi ven sông, ven biển; đề xuất các biện pháp
chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp Luật Đất đai.
Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, quận giải
quyết các khiếu nại, tố cáo về quản lý, sử dụng đất theo thẩm quyền của Ủy ban
nhân dân cấp huyện.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: rà soát
toàn diện các qui hoạch nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố; phối hợp với
Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất phương án sử dụng quĩ đất này phù hợp với tình
hình trước mắt và trong những năm tới nhằm ổn định sản xuất, đời sống trong khu
vực nông thôn; cắm mốc chỉ giới hành lang an toàn các công trình thủy lợi, đê
điều; hoàn thiện quy hoạch hành lang thoát lũ, trình Ủy ban nhân dân thành phố
phê duyệt làm cơ sở để quản lý đất bãi bồi ven sông, ven biển.
4. Sở Xây dựng: tổng hợp các quy hoạch ngành, lĩnh
vực có liên quan đến khu vực đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản, đất bãi bồi
ven sông, ven biển làm cơ sở để Ủy ban nhân dân các quận, huyện xác định rõ quy
mô, vị trí, thời hạn cho thuê đất có thời hạn vào mục đích nuôi trồng thủy sản
phù hợp với quy hoạch Ngành và quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa
phương, phù hợp với quy hoạch chung của Thành phố.
5. Sở Tài chính: xác định nguyên tắc, phương pháp
tính giá thuê đất sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành
phố, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các quận, huyện áp dụng để xác định giá thuê đất
khi ký hợp đồng thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân theo thẩm quyền của Ủy
ban nhân dân cấp huyện.
6. Cục Thuế thành phố:
Chỉ đạo Chi cục Thuế các quận, huyện phối hợp với
Phòng Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tiến
hành kiểm tra, rà soát việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai của hộ gia đình,
cá nhân được Ủy ban nhân dân cấp huyện giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào
mục đích sản xuất kinh doanh trong đó có đất nuôi trồng thủy sản; truy thu các
khoản phải nộp theo quy định đối với các trường hợp còn nợ đọng; xử lý các trường
hợp không thực hiện nghĩa vụ tài chính về sử dụng đất theo quy định, tổng hợp
kết quả, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
Phối hợp với Sở Tài chính để xác định giá thuê đất
vào mục đích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố.
7. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các quận, huyện thẩm định
phương án đầu tư có sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân khi có nhu cầu
thuê đất sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh, nuôi trồng thủy sản theo
thẩm quyền cấp huyện.
Chủ trì cùng Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn xác định vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đối với các dự án đầu
tư xây dựng cơ sở hạ tầng để khai thác quĩ đất bãi bồi, ven sông ven biển thuộc
địa bàn các quận, huyện làm cơ sở để Sở Tài chính, Cục Thuế thành phố xác định
giá thuê đối với loại đất này.
Bố trí đủ vốn cho đề án xây dựng và hoàn thiện hệ
thống hồ sơ địa chính giai đoạn I đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt
trong đó tập trung cho khu vực các quận, huyện có biển.
8. Sở Tư pháp: chủ trì cùng Sở Tài nguyên và Môi
trường, Ủy ban nhân dân các quận, huyện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật
quy định về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định
cư và cưỡng chế thu hồi đất; kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới
cho phù hợp với pháp luật đất đai hiện hành; mở các lớp tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật đất đai đối với các tổ chức và công dân trong đó trọng tâm
là khu vực dân cư để người dân hiểu đúng, hiểu rõ và thực hiện tốt chính sách
pháp luật đất đai của Đảng và Nhà nước, các quy định liên quan của thành phố.
9. Sở Nội vụ:
Rà soát địa giới hành chính các xã tiếp giáp với
khu vực đất bãi bồi ven sông, ven biển từ đó kiến nghị việc giao quyền quản lý
hành chính khu vực đất này cho các xã và kiến nghị việc điều chỉnh địa giới
hành chính các xã có liên quan theo qui định về địa giới hành chính.
Chủ trì Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân
dân các quận, huyện rà soát kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác
quản lý đất đai ở cấp huyện, cấp xã; xây dựng tiêu chuẩn các chức danh Trưởng
Phòng Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất,
Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc cấp huyện và công chức làm công tác
quản lý đất đai cấp xã; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ
nhiệm để đảm bảo đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý đất đai đủ tiêu
chuẩn, năng lực theo quy định.
10. Công an thành phố: tăng cường công tác nắm tình
hình, có biện pháp chủ động phối hợp với các ngành, chính quyền cơ sở, kịp thời
phát hiện, chủ động tham mưu giải quyết tốt các vấn đề an ninh, trật tự liên
quan đến lĩnh vực quản lý đất đai; phối hợp với các Sở, ngành và Ủy ban nhân
dân các quận, huyện ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật để bảo đảm trật
tự - an ninh - an toàn trong khu vực nông thôn và các dự án lớn, công trình
trọng điểm.
11. Bộ Chỉ huy quân sự thành phố: rà soát việc quy
hoạch sử dụng đất cho nhu cầu quốc phòng nằm trong khu vực đất bãi bồi ven
sông, ven biển, đất nuôi có mặt nước nuôi trồng thủy sản; xác định quy mô, diện
tích, hành lang bảo vệ các công trình quốc phòng, làm cơ sở để quản lý chặt chẽ
đất quốc phòng theo quy định, xác định diện tích đất tiếp tục cho các hộ gia
đình, cá nhân thuê đất.
12. Ủy ban nhân dân các huyện, quận:
Rà soát, thống kê diện tích và hiện trạng sử dụng
đất theo thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của cấp huyện trong đó có quĩ đất
mặt nước nuôi trồng thủy sản tại các xã, phường; việc thực hiện nghĩa vụ tài
chính, thời hạn sử dụng đất và chế độ sử dụng đất để chấn chỉnh, xử lý, giải
quyết đúng quy định theo từng thời điểm ban hành Luật Đất đai năm 1987; năm
1993; năm 2003; đánh giá hiệu quả sử dụng đất; lập phương án quản lý, sử dụng
tiết kiệm, hiệu quả, ổn định tình hình sản xuất, an ninh trật tự, ổn định xã
hội khu vực nông thôn.
Rà soát tổ chức bộ máy và cán bộ của Phòng Tài
nguyên và Môi trường; Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất; Trung tâm Phát triển
quỹ đất; cán bộ địa chính cấp xã theo tiêu chuẩn chức danh để sắp xếp, luân
chuyển theo hướng các chức danh phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn; sử dụng đúng
người, đúng việc để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Ngành trong năm 2012.
Thường xuyên cập nhật, phổ biến sâu về chính sách
pháp luật đất đai khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong khu vực
dân cư để người dân hiểu rõ, hiểu đúng và thực hiện đầy đủ đúng quyền và nghĩa
vụ của người sử dụng đất;
Có biện pháp chủ động phát hiện và xử lý kịp thời,
triệt để ngay từ đầu các hành vi vi phạm pháp luật đất đai; những kiến nghị,
khiếu nại của công dân không để trở thành sự việc phức tạp; rà soát các hợp
đồng thuê đất; quyết định giao đất; quyết định cưỡng chế thu hồi đất đảm bảo
đúng quy định của pháp luật.
13. Sở Thông tin - Truyền thông, Đài Phát thanh và
Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng, Báo An ninh Hải Phòng, Cổng thông tin
điện tử thành phố có chương trình thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy
định của pháp luật đất đai và Chỉ thị này; chủ động phát hiện và nêu gương tập
thể, cá nhân thực hiện tốt; phê phán những hành vi vi phạm để toàn dân biết và
giám sát việc thực hiện của các cơ quan, chính quyền các cấp.
Đây là công việc trọng tâm, cấp bách nhằm kiện toàn
mọi mặt trong công tác quản lý sử dụng đất đai, tạo sự ổn định xã hội và góp
phần quan trọng vào thu hút đầu tư phát triển kinh tế, nhất là các dự án trọng
điểm, dự án lớn, đầu tư nước ngoài vào thành phố. Do đó, yêu cầu các cấp, các
ngành xây dựng kế hoạch cụ thể của ngành, địa phương mình thực hiện tốt trách
nhiệm được giao và thường xuyên báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân thành phố.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc các Sở,
Ngành, địa phương tổ chức thực hiện các nội dung Chỉ thị này; tổng hợp tình
hình, hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân thành phố./.
Nơi nhận:
- VPCP;
- Bộ TN&MT;
- TTTU, TTHĐNDTP;
- Đ/C BT Thành ủy;
- CT, các PCT UBND TP;
- Các Sở: TN&MT, TP, NN&PTNT, XD, NV, KH&ĐT, TC, TT&TT, TTr
TP, CATP, Bộ CHQSTP, Cục Thuế TP;
- Các Huyện ủy, Quận ủy;
- UBND các huyện, quận;
- Đài PTTHHP, Báo HP, Báo ANHP;
- CPVP;
- CV: ĐC1, ĐC2, XD, NN, MT, NC, TH, TC, TD;
- Lưu VP.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đỗ Trung Thoại
|