Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Báo cáo 278/BC-HĐND 2020 giám sát quy hoạch kế hoạch sử dụng đất huyện Cần Giờ Hồ Chí Minh

Số hiệu: 278/BC-HĐND Loại văn bản: Báo cáo
Nơi ban hành: Huyện Cần Giờ Người ký: Nguyễn Văn Nho
Ngày ban hành: 10/12/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
HUYỆN CẦN GIỜ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 278/BC-HĐND

Cần Giờ, ngày 10 tháng 12 năm 2020

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN NĂM 2018, NĂM 2019

Căn cứ Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 18 tháng 7 năm 2019 của Hội đồng nhân dân huyện về chương trình hoạt động giám sát năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 18 tháng 7 năm 2019 của Hội đồng nhân dân huyện về thành lập Đoàn giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện năm 2018, năm 2019;

Căn cứ Kế hoạch số 186/KH-HĐND ngày 31 tháng 7 năm 2020 của Thường trực Hội đồng nhân dân huyện về giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện năm 2018, năm 2019;

Từ ngày 26 tháng 6 đến ngày 14 tháng 7 năm 2020, Thường trực Hội đồng nhân dân huyện giao Ban Kinh tế - Xã hội Hội đồng nhân dân huyện khảo sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất năm 2018, năm 2019 đối với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn và Ủy ban nhân dân huyện.

Từ ngày 24 đến ngày 28 tháng 8 năm 2020, Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân huyện tiến hành giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất năm 2018, năm 2019 đối với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn và Ủy ban nhân dân huyện.

Trên cơ sở báo cáo kết quả giám sát, Thường trực Hội đồng nhân dân huyện đã ban hành Công văn số 224/HĐND ngày 30 tháng 9 năm 2020 về đề nghị Thường trực Ủy ban nhân dân huyện khẩn trương thực hiện một số nội dung kết luận, kiến nghị sau giám sát.

Thường trực Hội đồng nhân dân huyện báo cáo kết quả cụ thể như sau:

I. KẾT QUẢ GIÁM SÁT

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Ủy ban nhân dân huyện ban hành Quyết định số 12/QĐ-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2008 và Quyết định số 01/2018/QĐ-UBND ngày 23 tháng 01 năm 2018 về tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước lĩnh vực đất đai; phân công Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thực hiện và giúp Ủy ban nhân dân huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai.

Tại Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đã tổ chức quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn; có ban hành văn bản triển khai và tổ chức thực hiện theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện về đăng ký nhu cầu sử dụng đất trong nhân dân.

2. Công tác tuyên truyền, công bố công khai lập và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt

Ủy ban nhân dân huyện đã phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức phổ biến xây dựng, khai thác dữ liệu địa chính và lập hồ sơ địa chính năm 2018.

Ban hành Kế hoạch số 5000/KH-UBND ngày 24 tháng 10 năm 2019 về tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản có liên quan thi hành Luật Đất đai năm 2013; theo đó tổ chức hội nghị tuyên truyền đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn huyện và các xã, thị trấn, số lượng 350 người tham dự.

Thực hiện công bố, công khai Kế hoạch sử dụng đất (quyết định phê duyệt và bản đồ dạng file) trên Cổng Thông tin điện tử của huyện, Đài Truyền thanh huyện và các xã, thị trấn. Niêm yết, công khai Bản đồ kế hoạch sử dụng đất (dạng giấy) đã được phê duyệt tại trụ sở Ủy ban nhân dân huyện và các xã, thị trấn.

Chỉ đạo các phòng, ban huyện và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn căn cứ kế hoạch sử dụng đất được duyệt phối hợp với chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện các thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch đô thị, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất đúng quy định pháp luật.

3. Công tác lập, thực hiện quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất năm 2018, năm 2019 trên địa bàn huyện

Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo và thực hiện hoàn thành công tác lập, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt các Kế hoạch sử dụng đất năm 2018, 2019. Việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định của Thông tư 29/2014/BTNMT ngày 02 tháng 6 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, báo cáo và hỗ trợ hoàn thiện các trình tự, thủ tục giao đất cho đơn vị thụ hưởng trong năm 2019; xem xét và chuyển tiếp các công trình, dự án của năm 2018 sang kế hoạch sử dụng đất năm 2019 nhằm phục vụ các nhu cầu cấp bách của địa phương và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện.

4. Công tác cập nhật cơ sở dữ liệu

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho các đơn vị và xã, thị trấn hiện nay chưa hoàn chỉnh do từ sau năm 2010 đến nay việc cập nhật thông tin, dữ liệu đất đai không đầy đủ.

Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn khôi phục, vận hành phần mềm quản lý đất đai (ViLis) nhằm truy cập thông tin, dữ liệu phục vụ công tác quản lý đất đai cũng như theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ hành chính; bên cạnh đó nghiên cứu, kiến nghị thực hiện số hóa dữ liệu về đất đai trên địa bàn nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đang phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông thành phố tiến hành triển khai thực hiện Đề án số hóa dữ liệu về đất đai năm 2020. Song song đó, trong giải quyết hồ sơ hành chính về đất đai, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các đơn vị vận hành phần mềm hệ thống một cửa điện tử của thành phố.

5. Công tác thống kê, kiểm kê đất đai và xây dựng lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất:

Thực hiện thống kê đất đai mỗi năm một lần, trừ năm kiểm kê đất đai và việc kiểm kê đất đai được tiến hành 5 năm một lần.

Đã hoàn thành công tác thống kê năm 2018. Riêng năm 2019, không thực hiện công tác thống kê đất đai mà chỉ tiến hành công tác kiểm kê đất đai lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019; đến nay, đơn vị tư vấn đã rà soát, đối chiếu số liệu các loại đất với Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, Ban Quản lý Rừng phòng hộ và Hạt Kiểm lâm huyện theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố.

6. Việc triển khai thực hiện Quyết định 60/2017/QĐ-UBND ngày 05 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố

Đã ban hành văn bản triển khai thực hiện Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố; trong quá trình thực hiện phát sinh một số nội dung vướng mắc tại khoản 2 Điều 3 về “việc tách thửa đất phải đảm bảo quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề theo quy định tại Điều 171 Luật Đất đai”, theo đó Ủy ban nhân dân huyện ban hành Công văn số 4561/UBND ngày 27 tháng 9 năm 2019 về tạm dừng có thời hạn đối với việc giải quyết hồ sơ tách thửa đất nông nghiệp, đồng thời có Công văn số 4562/UBND ngày 27 tháng 9 năm 2019 kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố hướng dẫn giải quyết khó khăn, vướng mắc, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được Ủy ban nhân dân thành phố hướng dẫn thực hiện nên đã gây khó khăn trong việc giải quyết hồ sơ hành chính cho hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tách thửa đất nông nghiệp để tặng cho, chuyển nhượng.

7. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất:

Trong 02 năm, Ủy ban nhân dân huyện đã cấp 352 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (năm 2018 là 173 hồ sơ, năm 2019 là 179 hồ sơ); không thực hiện giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước cũng như tổ chức, cá nhân ở nước ngoài. Đã giải quyết 2.443 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất.

8. Công tác đo đạc, cắm mốc đất do Nhà nước trực tiếp quản lý

Đã hoàn thành cắm 3.463 cộc mốc trên diện tích 203,079 ha với 233 thửa đất do Nhà nước trực tiếp quản lý trên địa bàn huyện. Đồng thời, thực hiện việc kê khai, đăng ký quản lý các thửa đất trên theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ.

Hiện đang chỉ đạo thực hiện đo đạc, cắm mốc vào giai đoạn 2 đối với phần diện tích đất công còn lại (khoảng 60 ha) trên địa bàn các xã, thị trấn.

9. Công tác thu hồi đất, thẩm định bồi thường, hỗ trợ thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất:

Ban hành quyết định thu hồi đất, duyệt chính sách, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với 21 dự án triển khai trên địa bàn huyện với tổng diện tích thu hồi là 656.781 m2 của 833 hộ gia đình, cá nhân và đơn vị, tổ chức. Tổng kinh phí thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là 416,779 tỷ đồng.

Tổ chức bố trí nền tái định cư, giao đất có thu tiền sử dụng đất cho 23 trường hợp; thu hồi đất đối với 19 dự án và ban hành 20 quyết định cưỡng chế thu hồi đất, tháo dỡ công trình trên đất.

10. Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai

Trong 02 năm, không có các cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai. Việc xử lý vi phạm pháp luật về đất đai phần lớn thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn. Riêng các trường hợp xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân huyện, trong năm 2018 không có vụ việc vi phạm, năm 2019 ban hành 14 quyết định khắc phục hậu quả do vi phạm về chuyển quyền sử dụng đất không đúng quy định (trong rừng phòng hộ) đối với 12 cá nhân. Tổng số tiền buộc nộp lại 19.120.000.000 đồng với tổng diện tích chuyển quyền sử dụng 511,04 ha. Hiện nay chưa hoàn thành việc thu lại hoa lợi bất hợp pháp đối với các trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong rừng phòng hộ do chưa thu thập đầy đủ thông tin về địa chỉ, số tài khoản ngân hàng... của các đương sự.

Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn duy trì công tác kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm, tổ chức xác minh và tổ chức hòa giải theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai 2013, Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Luật Giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 20111.

11. Công tác giải quyết tranh chấp về đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo các vi phạm trong việc quản lý và sử dụng đất đai.

Trong 02 năm, tiếp nhận 391 đơn, đã giải quyết 364/391 đơn, trong đó giải quyết đúng hạn 350 đơn, trễ hạn 14 đơn; hiện còn 27 đơn còn trong hạn đang xem xét giải quyết (KN 03; TC: 02 đơn, DN: 24 đơn). Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện rà soát pháp lý, xác minh nguồn gốc và quá trình sử dụng đất đai để giải quyết. Nhìn chung các hồ sơ khiếu nại, tranh chấp của năm 2018 và năm 2019 đều thực hiện xong.

Tại các xã, thị trấn tiếp nhận 305 đơn2. Sau khi tiếp nhận đơn, các đơn vị thực hiện công tác xác minh và giải quyết hòa giải theo trình tự quy định.

II. NHẬN XÉT - ĐÁNH GIÁ

1. Những mặt làm được

- Công tác quản lý nhà nước về đất đai ngày càng được nâng cao, chặt chẽ, đảm bảo theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hạn chế được những sai sót trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất...

- Các công trình, dự án phê duyệt theo kế hoạch hàng năm được tập trung kiểm tra, giám sát, tranh thủ các nguồn lực, vốn đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện góp phần hoàn thiện hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

- Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư đảm bảo đúng quy định, luôn lắng nghe, giải thích, không để người dân phản ánh, tố cáo về tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân.

- Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được quan tâm nhằm nâng cao nhận thức của người dân; tạo điều kiện cho người dân nắm được các quy định của Nhà nước về pháp luật đất đai, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

- Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, Phòng Tài nguyên và Môi trường có sự chuẩn bị nghiêm túc, nội dung báo cáo đầy đủ, bám sát đề cương và gửi cho Đoàn giám sát đúng thời gian yêu cầu.

2. Mặt tồn tại, hạn chế:

- Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và Quy hoạch chung xây dựng của huyện chưa thống nhất. Còn một số chỉ tiêu sử dụng đất chưa đạt kế hoạch đề ra như đất trồng lúa, đất làm muối, đất ở nông thôn, đất ở đô thị... (đính kèm phụ lục)

- Công tác giải quyết hồ sơ hành chính trên lĩnh vực đất đai, giải quyết đơn thư khiếu nại, tranh chấp tuy có nhiều nỗ lực cố gắng nhưng còn trễ hạn nhiều, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn năm sau tăng cao so năm trước, đặc biệt đối với hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu luôn trễ hạn 100%.

- Công tác lập và trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm còn chậm ảnh hưởng tiến độ thực hiện các dự án và nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất của người dân.

- Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về kế hoạch sử dụng đất chưa đáp ứng yêu cầu và thông báo chủ sử dụng đất đăng ký nhu cầu chuyển mục đích tại các xã, thị trấn còn gặp nhiều khó khăn.

- Công tác phối hợp thực hiện hồ sơ hành chính về giải quyết thủ tục đất đai đối với các đơn vị có liên quan (Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, phòng Tài nguyên Môi trường, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, Tổ tiếp nhận hoàn trả hồ sơ hành chính thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân huyện, Chi cục Thuế huyện) chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ

- Việc cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê đất do Nhà nước trực tiếp quản lý để sản xuất nông nghiệp còn chậm thực hiện và vướng một số quy định về thể chế như: phải đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đấu giá quyền sử dụng đất thuê, đất đưa vào quản lý, sắp xếp lại theo Nghị định 167/NĐ-CP của Chính phủ...).

- Việc tổ chức cắm mốc trên các vị trí đất công do nhà nước trực tiếp quản lý (giai đoạn 2) đến nay còn chậm ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về đất đai.

- Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài, ảnh hưởng tiến độ thi công và chậm giải ngân một số dự án.

- Việc cập nhật biến động hồ sơ địa chính của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện còn chậm; cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai chưa đồng bộ, chưa đầy đủ.

- Việc giải quyết hồ sơ tách thửa theo Quyết định 60/2017/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố còn khó khăn và bất cập nhưng chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện.

3. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế:

- Nguyên nhân chủ quan:

+ Việc tham mưu giải quyết đơn khiếu nại của công dân trễ hạn do hồ sơ khó khăn phức tạp cần thời gian xác minh, nghiên cứu pháp lý; nhiều đơn khiếu nại tại các dự án trong cùng thời điểm phải chờ Ủy ban nhân dân huyện tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân và các ngành chức năng để giải quyết theo quy định.

+ Chưa thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra công vụ và nghiêm khắc xử lý cán bộ, công chức không chấp hành tốt quy trình giải quyết, ảnh hưởng hồ sơ bị trễ hạn nhiều lần. Nội dung thẩm tra, xác minh của Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện chưa rõ về nguồn gốc, pháp lý sử dụng đất, tình trạng và thời gian sử dụng đất, xử phạt vi phạm hành chính về đất đai còn thiếu theo quy định.

+ Công tác phối hợp của các đơn vị có liên quan trong giải quyết hồ sơ chưa tốt, chưa chặt chẽ, nhất quán dẫn đến hồ sơ trả đi, trả lại nhiều lần dẫn đến trễ hạn.

+ Công tác tuyên truyền vận động đăng ký theo đơn xin chuyển mục đích chưa được đảm bảo; tuyên truyền về xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm còn nhiều hạn chế, một số chủ đầu tư đăng ký danh mục công trình, dự án nhưng chưa đủ điều kiện thực hiện (chủ trương đầu tư, nguồn vốn, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng...) hoặc chưa đồng bộ với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm.

- Nguyên nhân khách quan:

+ Công tác thẩm định, phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân thành phố còn chậm (quy định phê duyệt ngày 31/12 hàng năm), từ đó gây khó khăn trong công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất...

+ Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố chưa ban hành hướng dẫn giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND ngày 05 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố nên gây khó khăn cho người dân có nhu cầu tách thửa nhưng không được giải quyết.

+ Bản đồ theo Chỉ thị 02, bản đồ địa chính số mới có sai sót so với hiện trạng sử dụng đất thực tế của các hộ dân, do quá trình sử dụng đất có biến động rất lớn về hình thể, về diện tích, hiện trạng sử dụng đất. Vì vậy, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ dân mất nhiều thời gian xác minh, xin ý kiến các cơ quan liên quan; mặt khác do đặc thù địa bàn rộng, cán bộ địa chính các xã, thị trấn kiêm thêm nhiệm vụ xây dựng, xác minh hồ sơ bồi thường... nên thời gian quy định 17 ngày (15 ngày niêm yết, 02 ngày xác minh) là không đảm bảo thời gian thực hiện dẫn đến hồ sơ trễ hạn.

+ Số lượng người dân tham dự lấy ý kiến kế hoạch sử dụng đất còn ít, bên cạnh đó vẫn còn một số hộ dân chưa quan tâm và nắm rõ các quy định pháp luật về đất đai nên việc tham gia đăng ký nhu cầu sử dụng đất trong nhân dân còn hạn chế.

+ Nhiều quy định pháp luật trong giải quyết hồ sơ đất đai chưa rõ ràng, còn chồng chéo và phải xin ý kiến hướng dẫn của sở, ngành thành phố.

+ Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất dự án còn nhiều khó khăn (thẩm định giá, xác minh pháp lý, xác định chủ sử dụng đất...) dẫn đến một số công trình, dự án trong kế hoạch sử dụng đất năm 2018 chậm triển khai phải đăng ký chuyển tiếp sang năm 2019. Một số chính sách để giải quyết công tác bồi thường chậm được thành phố hướng dẫn và giải quyết.

+ Do sự sai lệch giữa bản đồ cũ và bản đồ mới và sự không trùng khớp giữa 03 nền bản đồ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch nông thôn mới gây khó khăn trong công tác quản lý quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn.

III. KIẾN NGHỊ

Thường trực Hội đồng nhân dân huyện đề nghị Hội đồng nhân dân huyện ban hành Nghị quyết giao Ủy ban nhân dân huyện thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Những việc cần làm ngay

(1) Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện công bố, niêm yết công khai Kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của huyện Cần Giờ đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định số 2658/QĐ-UBND ngày 28 tháng 7 năm 2020.

(2) Xây dựng Quy hoạch sử dụng đất năm 2021 - 2030, Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 - 2025 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu 2021 của huyện trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét phê duyệt theo đúng quy định (theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố).

(3) Tiếp tục thực hiện công tác đo đạc, cắm mốc đất công do Nhà nước trực tiếp quản lý (giai đoạn 2) trên địa bàn các xã, thị trấn.

(4) Củng cố, khôi phục và nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu, hồ sơ địa chính ứng dụng phần mềm Vilis tạo điều kiện cho các xã, thị trấn cập nhật, theo dõi và nắm bắt tình hình biến động trong việc sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được kịp thời.

(5) Chỉ đạo xác định nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người hiến đất.

(6) Chỉ đạo tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn; trong đó nêu cụ thể tiến độ thực hiện, khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của Huyện, thẩm quyền của thành phố và đề xuất các giải pháp thực hiện, trình xin ý kiến Ban Chỉ đạo của Huyện ủy về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn huyện.

(7) Quan tâm khắc phục tình trạng lệch ranh giải tỏa của dự án so với ranh kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất để thực hiện tốt hơn việc điều chỉnh, cập nhật kế hoạch sử dụng đất hàng năm; có giải pháp thực hiện điều chỉnh lộ giới, chỉ giới sau khi hoàn thành các công trình kè, công trình giao thông để đảm bảo quyền sử dụng đất của các hộ dân.

(8) Quan tâm thực hiện công tác kiểm kê đất đai, xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 trên địa bàn huyện theo chỉ đạo của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố.

(9) Chỉ đạo Ban Quản lý Rừng phòng hộ rà soát đề xuất cấp giấy trên diện tích rừng quản lý theo quy định.

(10) Rà soát số liệu thực hiện chỉ tiêu sử dụng đất của các xã, thị trấn để tổng hợp hoàn chỉnh số liệu chính xác và đồng bộ giữa huyện và xã; kiểm tra chặt chẽ việc triển khai công tác phổ biến, hướng dẫn các hình thức phù hợp và tạo điều kiện tốt nhất để người dân đăng ký nhu cầu sử dụng đất hàng năm nhằm khắc phục triệt để những vướng mắc trong thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất như hiện nay.

2. Những việc làm thường xuyên

(1) Tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về Luật Đất đai trong nhân dân bằng nhiều hình thức như: trên Đài phát thanh, tổ chức tập huấn và kết hợp tuyên truyền tại các cuộc họp ấp, khu phố, tổ dân phố, tổ nhân dân nhằm tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, giúp người dân hiểu sâu về các quy định pháp luật về lĩnh vực đất đai.

(2) Đẩy nhanh tiến độ thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Kế hoạch số 7038/KH-UBND ngày 23 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban nhân dân huyện về tổ chức xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thuộc Đề án 1.280 trên địa bàn huyện.

(3) Thực hiện cho thuê đất nông nghiệp thuộc Quỹ đất nông nghiệp bị thu hồi do cấp sai quy định tại các xã, thị trấn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện ký hợp đồng thuê đất để sản xuất, ổn định cuộc sống và góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

(4) Ban hành kế hoạch kiểm tra thường xuyên và đột xuất công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai đối với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn; nghiêm khắc xử lý cán bộ, công chức không chấp hành tốt quy trình giải quyết, ảnh hưởng hồ sơ bị trễ hạn nhiều lần. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm đất công, đất xen cài trong khu dân cư, đất có tiếp giáp sông, rạch trên địa bàn.

(5) Đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn thư khiếu nại, tranh chấp, kiến nghị, phản ánh của công dân và các vụ việc vi phạm trong quản lý đất đai; nâng cao chất lượng tham mưu giải quyết công việc, không để phát sinh vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài. Đồng thời, chỉ đạo Thanh tra huyện phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng tham mưu giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, kiến nghị mới phát sinh tại các dự án đầu tư (còn 01 đơn).

(6) Chỉ đạo thực hiện công tác thẩm định, ban hành kế hoạch, thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất, phê duyệt kinh phí bồi thường, phương án bồi thường, thành lập Hội đồng bồi thường các dự án mới đầu tư theo Kế hoạch sử dụng đất năm 2020 được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt và các dự án năm 2019 chuyển tiếp sang nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, công tác giải ngân vốn đầu tư theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.

(7) Chỉ đạo xem xét và sớm giải quyết các kiến nghị của Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn liên quan đến công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (phù hợp quy định pháp luật).

3. Tiếp tục kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố:

(1) Sớm có ý kiến chỉ đạo việc chỉnh lý bản đồ địa chính hiện hành cho phù hợp với tình hình sử dụng đất trên địa bàn huyện.

(2) Hàng năm thực hiện phê duyệt kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định (31/12 hàng năm) để huyện có cơ sở công bố, công khai và triển khai thực hiện các công trình, dự án theo đúng tiến độ đề ra nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội và phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai theo quy định của pháp luật.

(3) Ban hành hướng dẫn chỉ đạo thực hiện việc lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu 2021 của huyện (do các quy hoạch, kế hoạch đã hết thời hạn).

(4) Ban hành văn bản thay thế Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND ngày 01 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban nhân dân thành phố về quy định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh để phù hợp với quy định của pháp luật; đồng thời, kiến nghị Sở, ngành hướng dẫn việc xác lập đất nông nghiệp trong khu dân cư và đất nông nghiệp thuần để làm cơ sở xác định đơn vị đất tính bồi thường, hỗ trợ; hướng dẫn quy định việc quản lý, khai thác đất bãi bồi, đất mặt nước ven sông, ven biển; đất đã thu hồi quản lý theo chế độ đất công; đất xen cài, nhỏ lẻ trong khu dân cư và hướng dẫn về quy định xây dựng trên đất nông nghiệp phục vụ sản xuất và phục vụ du lịch.

(5) Sớm ban hành văn bản điều chỉnh, bổ sung sửa đổi Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND ngày 5 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về quy định diện tích tối thiểu được tách thửa.

(6) Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ và các tổ chức có liên quan tổng rà soát rừng phòng hộ Cần Giờ để làm cơ sở thống nhất quản lý toàn diện và đồng bộ rừng phòng hộ Cần Giờ về số liệu diện tích, ranh rừng...; các khu vực ngoài ranh rừng nhưng cần đưa vào quản lý phát triển rừng, các khu vực trong ranh rừng nhưng không phù hợp phát triển rừng thì cần phải đưa ra khỏi ranh rừng để thuận lợi trong quản lý chung trên địa bàn Huyện; lập bản đồ rừng phòng hộ Cần Giờ để thống nhất quản lý.

Trên đây là báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất năm 2018, 2019 trên địa bàn huyện, Thường trực Hội đồng nhân dân huyện kính trình Hội đồng nhân dân huyện xem xét và cho ý kiến.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Huyện ủy
- Thường trực Hội đồng nhân dân huyện;
- Thường trực Ủy ban nhân dân huyện;
- Ban Thường trực Ủy ban MTTQ VN huyện,
- Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy,
- Thành viên Đoàn giám sát;
- Đại biểu HĐND huyện;
- Phòng Tài nguyên và Môi trường;
- Thường trực HĐND, UBND các xã, thị trấn,
- VP: CVP, các Phó Văn phòng;
- Lưu: VT, H.

TM. THƯỜNG TRỰC HĐND
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Nho

 

Bảng phụ lục

Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm 2020

STT

Chỉ tiêu sử dụng đất

Kế hoạch được duyệt (ha)

Kết quả thực hiện

Diện tích (ha)

So sánh

Tăng (+), giảm (-) ha

Tỷ lệ (%)

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)=(5)- (4)

(7)=(5)/(4)*100

 

TỔNG DIỆN TÍCH TỰ NHIÊN

 

70.445,33

70.445,33

 

 

1

Đất nông nghiệp

NNP

47.698,47

46.881,38

-817,09

98,29

1.1

Đất trồng lúa

LUA

 

61,27

61,27

 

 

Trong đó: Đất chuyên trồng lúa nước

LUC

 

 

 

 

 

Đất trồng lúa còn lại

LUK

 

61,27

61,27

 

1.2

Đất trồng cây hàng năm khác

HNK

927,86

1.104,99

177,13

119,09

1.3

Đất trồng cây lâu năm

CLN

2.885,80

2.919,99

34,19

101,18

1.4

Đất rừng phòng hộ

RPH

34.562,03

34.353,48

-208,55

99,40

1.5

Đất rừng đặc dụng

RDD

 

 

 

 

1.6

Đất rừng sản xuất

RSX

 

 

 

 

1.7

Đất nuôi trồng thủy sản

NTS

7.630,47

6.103,07

-1.527,40

79,98

1.8

Đất làm muối

LMU

1.685,94

2.247,90

561,96

133,33

1.9

Đất nông nghiệp khác

NKH

6,37

90,70

84,32

1423,55

2

Đất phi nông nghiệp

PNN

21.820,93

22.534,50

713,56

103,27

2.1

Đất quốc phòng

CQP

28,72

35,14

6,42

122,37

2.2

Đất an ninh

CAN

12,18

7,12

-5,06

58,48

2.3

Đất khu công nghiệp

SKK

 

 

 

 

2.4

Đất khu chế xuất

SKT

 

 

 

 

2.5

Đất cụm công nghiệp

SKN

 

 

 

 

2.6

Đất thương mại, dịch vụ

TMD

13,17

13,45

0,28

102,09

2.7

Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp

SKC

105,84

17,24

-88,60

16,29

2.8

Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản

SKS

 

 

 

 

2.9

Đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã

DHT

785,94

750,98

-34,96

95,55

 

Đất giao thông

DGT

533,75

482,71

-51,04

90,44

 

Đất thủy lợi

DTL

130,46

105,79

-24,66

81,10

 

Đất công trình năng lượng

DNL

3,45

62,83

59,38

1821,07

 

Đất công trình bưu chính viễn thông

DBV

1,34

2,10

0,77

157,55

 

Đất xây dựng cơ sở văn hóa

DVH

29,57

21,11

-8,46

71,38

 

Đất xây dựng cơ sở y tế

DYT

10,35

10,59

0,23

102,24

 

Đất xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo

DGD

68,78

58,99

-9,79

85,77

 

Đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao

DTT

7,13

5,66

-1,47

79,39

 

Đất xây dựng cơ sở khoa học và công nghệ

DKH

 

 

 

 

 

Đất xây dựng cơ sở dịch vụ xã hội

DXH

 

 

 

 

 

Đất chợ

DCH

1,12

1,20

0,08

107,56

2.10

Đất có di tích lịch sử - văn hóa

DDT

7,57

0,06

-7,51

0,78

2.11

Đất danh lam thắng cảnh

DDL

 

 

 

 

2.12

Đất bãi thải, xử lý chất thải

DRA

15,02

12,78

-2,24

85,10

2.13

Đất ở tại nông thôn

ONT

626,04

613,93

-12,11

98,07

2.14

Đất ở tại đô thị

ODT

105,73

112,30

6,58

106,22

2.15

Đất xây dựng trụ sở cơ quan

TSC

22,00

16,64

-5,37

75,60

2.16

Đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp

DTS

9,74

10,35

0,61

106,28

2.17

Đất xây dựng cơ sở ngoại giao

DNG

 

 

 

 

2.18

Đất cơ sở tôn giáo

TON

6,06

5,39

-0,67

88,95

2.19

Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng

NTD

18,12

10,76

-7,37

59,35

2.20

Đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm

SKX

 

 

 

 

2.21

Đất sinh hoạt cộng đồng

DSH

1,72

3,51

1,79

203,75

2.22

Đất khu vui chơi, giải trí công cộng

DKV

1,46

1,46

0,00

99,92

2.23

Đất cơ sở tín ngưỡng

TIN

2,63

3,38

0,75

128,47

2.24

Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối

SON

20.008,15

20.917,96

909,81

104,55

2.25

Đất có mặt nước chuyên dùng

MNC

50,85

2,06

-48,78

4,06

2.26

Đất phi nông nghiệp khác

PNK

 

 

 

 

3

Đất chưa sử dụng

CSD

925,93

1.029,45

103,52

111,18

A. Đất nông nghiệp:

Diện tích theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 được duyệt là 47.698,47ha, thực tế thực hiện trong năm 2020 đất nông nghiệp giảm 817,09ha. Trong đó:

Đất trồng lúa: Dự kiến theo kế hoạch sử dụng đất đến cuối năm 2020 trên địa bàn huyện không còn đất lúa, nhưng thực tế diện tích đất lúa đến năm 2020 còn 61,27ha. Nguyên nhân chủ yếu do kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và diện tích dự kiến cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất khác chưa được thực hiện theo kế hoạch.

Đất trồng cây hàng năm khác: Diện tích theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 được duyệt là 927,86ha, số liệu theo kiểm kê đất đai năm 2019 là 1.110,7ha, kế hoạch năm 2020 tăng 177,13ha. Nguyên nhân chủ yếu trong năm 2020 diện tích đất trồng cây hàng năm khác đã nhận chuyển mục đích sử dụng từ đất nuôi trồng thủy sản và đất trồng lúa.

Đất trồng cây lâu năm: Diện tích theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 được duyệt là 2.885,80ha, số liệu theo kiểm kê đất đai năm 2019 là 2.916,7ha, kế hoạch sử dụng đất năm 2020 tăng 34,16ha. Nguyên nhân, tuy trong năm 2020 diện tích đất trồng cây lâu năm có chuyển mục đích sang các loại đất phát triển hạ tầng, đất ở,... nhưng phần lớn diện tích chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là do các công trình có chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm chưa được thực hiện hoàn thành theo kế hoạch như: Xây dựng đường Lương Văn Nho, Xây dựng đường ra bến đò Doi Lầu, Công trình Thủy lợi phục vụ Nuôi trồng Thủy sản khu vực Tắc Ráng, Xây dựng trạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Xây dựng đường vào Đồn và Trạm Biên phòng Cần Thạnh, nâng cấp đường Giồng Ao, nâng cấp đường Đào cử giai đoạn 2, xây dựng đường liên xã An Thới Đông - Lý Nhơn, đường bến phà Cần Giờ - Cần Giuộc, Phòng khám Bình Khánh An Nghĩa, cầu Vàm Sát 2, kè kiên cố bảo vệ KDC ấp An Nghĩa, kè kiên cố bảo vệ KDC ấp Rạch Lá, xây dựng cầu bến Bà Năm, xây dựng đường Thạnh Thới - Đồng Đình, xây dựng Lò đốt rác xã An Thới Đông, xây dựng hệ thống đê bao và đường đê trên địa bàn các xã...

Đất rừng phòng hộ: Diện tích theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 được duyệt là 34.562,03ha, số liệu theo kiểm kê đất đai năm 2019 diện tích đất rừng phòng hộ là 34.353,5ha, số liệu kế hoạch sử dụng đất năm 2020 thấp hơn so với kiểm kê đất đai năm 2019 là 208,55ha. Nguyên nhân do đặc trưng của địa bàn huyện Cần Giờ nên trong phần diện tích đất rừng phòng hộ có xen lẫn đất nông nghiệp mặn (đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất làm muối bị bỏ hoang) cụ thể:

- TT.Cần Thạnh: 15,0ha đất làm muối đang sử dụng; 4,8ha đất nuôi trồng thủy sản; 5,2ha đất làm muối đã bỏ hoang.

- Xã Lý Nhơn: 222,1ha đất làm muối đang sử dụng; 8,1ha đất nuôi trồng thủy sản; 9,1ha đất làm muối đã bỏ hoang.

- Xã Thạnh An: 86,2ha đất làm muối đang sử dụng; 4,0ha đất làm muối đã bỏ hoang.

- Xã Long Hòa: 55,8ha đất làm muối đang được sử dụng; 7,0ha đất nuôi trồng thủy sản; 35,2ha đất làm muối đã bỏ hoang cây mọc.

Đất nuôi trồng thủy sản: Diện tích theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 được duyệt là 7.630,47ha, số liệu theo kiểm kê đất đai năm 2019 là 6.092,1ha, kế hoạch sử dụng đất năm 2020 giảm 1.527ha, thực tế thực hiện chỉ tăng 16,19ha. Nguyên nhân chủ yếu do diện tích chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa sang đất nuôi trồng thủy sản trong năm 2019 chưa được thực hiện theo kế hoạch, một số hộ dân có chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định.

Đất làm muối: Diện tích theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 được duyệt là 1.685,94ha, số liệu theo kiểm kê đất đai năm 2019 là 2.248,1ha, diện tích theo kế hoạch được duyệt thấp hơn so với kiểm kê đất đai năm 2019 là 562,16ha, thực tế thực hiện trong năm 2020 tăng 561,96ha. Nguyên nhân chủ yếu là do kỳ kiểm kê đất đai năm 2019 đã thống kê lại phần đất muối có trong rừng nên diện tích đất muối tăng.

Đất nông nghiệp khác: Diện tích theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 được duyệt là 6,37ha, số liệu theo kiểm kê đất đai năm 2019 là 90,7ha, diện tích theo kế hoạch được duyệt thấp hơn so với kiểm kê đất đai năm 2019 là 84,33ha. Nguyên nhân, do chưa triển khai thực hiện Dự án nghiên cứu triển khai và đầu tư áp dụng công nghệ xanh phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch ít phát thải khí nhà kính trong năm 2019 và trong kỳ kiểm kê đất đai 2019 thống kê lại nên diện tích đất nông nghiệp khác tăng.

B. Đất phi nông nghiệp:

Kiểm kê đất đai năm 2019 toàn huyện có 22.517,8ha, kế hoạch sử dụng đất năm 2020 diện tích 21.820,93ha thấp hơn 696,87ha, thực tế thực hiện chỉ tăng thêm 713,56ha. Biến động một số chỉ tiêu sử dụng đất cụ thể như sau:

Đất quốc phòng: theo kiểm kê đất đai năm 2019 toàn huyện có 35,1ha, kế hoạch sử dụng đất năm 2020 diện tích đất quốc phòng 28,72ha, kết quả thực hiện tăng 6,42ha so với diện tích đầu kỳ.

Đất an ninh: theo kiểm kê đất đai năm 2019 toàn huyện có 7,1ha, kế hoạch sử dụng đất năm 2020 diện tích đất an ninh giảm 5,06ha.

Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp: Kế hoạch sử dụng đất năm 2020 diện tích đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp là 105,84ha, kết quả thực hiện thấp hơn 88,60ha.

Đất phát triển hạ tầng: Kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là 785,94ha, thực tế chưa đạt theo kế hoạch được duyệt do các dự án đăng ký thực hiện theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 vẫn chưa hoàn thành, trong đó chủ yếu là các dự án phát triển giao thông, hệ thống kè bảo vệ các công trình thủy lợi.

Đất cổ di tích lịch sử - văn hóa: Kế hoạch sử dụng đất năm 2020 giảm 7,51ha so với kế hoạch được duyệt. Nguyên nhân, do công trình dự kiến thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là công trình xây dựng đường vào, hàng rào dự án trùng tu Khu di chỉ Giồng Cá Vồ chưa thực hiện.

Đất bãi thải, xử lý chất thải: Hiện trạng năm 2019 là 12,8ha, kế hoạch sử dụng đất năm 2020 giảm 2,24ha. Nguyên nhân, dự án xây dựng lò đốt rác tại xã An Thới Đông chưa được thực hiện theo kế hoạch.

Đất ở tại nông thôn: hiện trạng kiểm kê đất đai năm 2019 toàn huyện có 598,7ha, diện tích theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là 626,04ha, thấp hơn kế hoạch đề ra là 12,11ha. Nguyên nhân chủ yếu là do trong năm 2020 một số công trình xây dựng cơ sở hạ tầng có thu hồi từ đất ở chưa thực hiện theo kế hoạch được duyệt.

Đất ở tại đô thị: kiểm kê đất đai năm 2019 toàn huyện có 110,8ha, diện tích theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 huyện có 105,73ha, thực tế thực hiện tăng 6,58ha. Nguyên nhân chủ yếu là do trong năm 2020 một số công trình xây dựng cơ sở hạ tầng có thu hồi từ đất ở tại đô thị tại thị trấn Cần Thạnh chưa thực hiện theo kế hoạch được duyệt.

Đất xây dựng trụ sở cơ quan: Hiện trạng theo số liệu kiểm kê đất đai năm 2019 là 16,6ha, kế hoạch sử dụng đất được duyệt là 22,00; kết quả thực hiện giảm 5,37ha. Nguyên nhân, tuy trong năm 2020 có một số công trình được xây dựng hoặc hoàn thiện đưa vào sử dụng nhưng chưa hoàn thành xong thủ tục về đất đai (Trụ sở Ban chỉ huy quân sự xã An Thới Đông, Ban chỉ huy quân sự xã Lý Nhơn) và dự án chưa thực hiện xong: Trạm kiểm lâm xã An Thới Đông.

Đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp: Hiện trạng theo số liệu kiểm kê đất đai năm 2019 là 10,3ha, kế hoạch sử dụng đất năm 2020 được duyệt là 9,74; kết quả thực hiện tăng thêm 0,61ha. Nguyên nhân, do các công trình dự kiến thực hiện trong năm 2020 chưa thực hiện như: Trạm an toàn hàng hải phục vụ công tác quản lý vận hành tuyến sông Soài Rạp-Hiệp Phước, Xây dựng trạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản,...

Đất cơ sở tôn giáo: Hiện trạng theo số liệu kiểm kê đất đai năm 2019 là 5,4ha, kế hoạch sử dụng đất năm 2020 giảm 0,67ha. Nguyên nhân, do công trình có sử dụng đất tôn giáo dự kiến thực hiện trong năm 2020 chưa thực hiện như công trình Trường Tiểu học Bình Mỹ sẽ thu hồi từ đất tôn giáo.

Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng: Hiện trạng theo số liệu kiểm kê đất đai năm 2019 là 10,8ha, kế hoạch sử dụng đất năm 2020 giảm 7,37ha. Nguyên nhân là do công trình có chuyển mục đích sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa chưa được triển khai như xây dựng mới (nâng cấp đường Đào Cử - Giai đoạn 2).

Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối: Diện tích theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 được duyệt là 20.008,15ha, số liệu theo kiểm kê đất đai năm 2019 là 20.918,0ha, diện tích theo kế hoạch được duyệt thấp hơn so với kiểm kê đất đai năm 2019 là 909,85ha. Nguyên nhân chủ yếu là do trong năm 2020 việc thực hiện chuyển mục đích đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối sang các loại đất khác chưa được thực hiện theo tiến độ kế hoạch sử dụng đất được duyệt như: Kè chống sạt lở bờ sông Lòng Tàu khu dân cư tổ 13, 14, 15 ấp An Lộc; Di dời, bố trí dân cư phòng chống thiên tai xã Thạnh An; Công trình Thủy lợi phục vụ Nuôi trồng Thủy sản khu vực Tắc Ráng; Kè chống sạt lở bờ sông khu dân cư nhánh Sông Chà, ấp Bình Mỹ (xóm ghe đáy), Xây dựng đường liên xã An Thới Đông - Lý Nhơn, cầu Vàm Sát 2,...

Đất có mặt nước chuyên dùng: Theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020, đất có mặt nước chuyên dùng của toàn huyện là 50,85ha, số liệu theo kiểm kê đất đai năm 2019 là 2,1ha, diện tích theo kế hoạch được duyệt cao hơn so với kiểm kê đất đai năm 2019 là 48,75ha. Nguyên nhân chủ yếu là do trong năm 2020 việc thực hiện chuyển mục đích đất có mặt nước chuyên dùng để triển khai thực hiện các dự án như Di dời, bố trí dân cư phòng chống thiên tai xã Thạnh An, Nâng cấp đường Đào Cử - Giai đoạn 2 chưa được thực hiện theo kế hoạch được duyệt.

 



1 Trong 02 năm đã kiểm tra và xử phạt 109 trường hợp (An Thới Đông 10, Bình Khánh 7, Long Hòa 34, Lý Nhơn 17, Thạnh An 03, Tam Thôn Hiệp 27, thị trấn Cần Thạnh 11)

2 An Thới Đông 92 đơn, Bình Khánh 57 đơn, Long Hòa 41 đơn, Lý Nhơn 58 đơn, Thạnh An, 05 đơn, Tam Thôn Hiệp 19 đơn, thị trấn Cần Thạnh 33 đơn.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Báo cáo 278/BC-HĐND ngày 10/12/2020 về kết quả giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh năm 2018, năm 2019

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.944

DMCA.com Protection Status
IP: 3.15.229.161
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!