Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 98/2004/TT-BTC Luật kinh doanh bảo hiểm hướng dẫn thi hành Nghị định 42/2001/NĐ-CP

Số hiệu: 98/2004/TT-BTC Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Lê Thị Băng Tâm
Ngày ban hành: 19/10/2004 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI CHÍNH
---------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 98/2004/TT-BTC

Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2004

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 42/2001/NĐ-CP NGÀY 01 THÁNG 08 NĂM 2001 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM

Căn cứ Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 9 tháng 12 năm 2000;
Căn cứ Nghị định số 42/2001/NĐ-CP ngày 01/08/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 1/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể như sau:

I. THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM, DOANH NGHIỆP MÔI GIỚI BẢO HIỂM

1. Hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động

1.1. Hồ sơ xin cấp giấy phép theo quy định tại Điều 64 Luật kinh doanh bảo hiểm bao gồm những tài liệu sau:

1.1.1. Đơn xin cấp giấy phép được làm theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này. Đơn xin cấp giấy phép phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc người được uỷ quyền của chủ đầu tư;

1.1.2. Phương án hoạt động 5 năm đầu trong đó nêu rõ phương thức trích lập dự phòng nghiệp vụ, chương trình tái bảo hiểm, đầu tư vốn, hiệu quả kinh doanh, khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm và lợi ích kinh tế của việc thành lập doanh nghiệp;

1.1.3. Danh sách, lý lịch, các văn bằng được công chứng chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người quản trị, người điều hành doanh nghiệp;

1.1.4. Mức vốn góp và phương thức góp vốn, danh sách những tổ chức, cá nhân chiếm 10% số vốn điều lệ trở lên; tình hình tài chính và những thông tin khác có liên quan đến các tổ chức, cá nhân đó;

1.1.5. Quy tắc, điều khoản, biểu phí, hoa hồng bảo hiểm của loại sản phẩm bảo hiểm dự kiến kinh doanh;

1.1.6. Đối với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, hồ sơ xin cấp giấy phép không bao gồm điểm 1.1.5 nêu trên. Riêng phương án hoạt động 5 năm đầu của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không phải nêu phương thức trích lập dự phòng nghiệp vụ, chương trình tái bảo hiểm, đầu tư vốn, khả năng thanh toán của doanh nghiệp.

1.2. Ngoài các giấy tờ theo quy định tại mục 1.1 nêu trên, tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp dự kiến thành lập, hồ sơ xin cấp giấy phép phải có những tài liệu sau:

1.2.1. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhà nước, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nhà nước:

a) Dự thảo điều lệ doanh nghiệp bao gồm các nội dung chính được quy định tại Luật Doanh nghiệp Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành;

b) Văn bản của cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp chấp thuận việc doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh môi giới bảo hiểm;

c) Giải trình về nguồn vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

1.2.2. Đối với công ty cổ phần bảo hiểm, công ty cổ phần môi giới bảo hiểm, công ty trách nhiệm hữu hạn môi giới bảo hiểm, doanh nghiệp tư nhân môi giới bảo hiểm, công ty hợp danh môi giới bảo hiểm:

a) Dự thảo điều lệ bao gồm các nội dung chính được quy định tại Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành;

b) Biên bản họp của chủ đầu tư về việc thành lập công ty cổ phần bảo hiểm, công ty cổ phần môi giới bảo hiểm, công ty trách nhiệm hữu hạn môi giới bảo hiểm, doanh nghiệp tư nhân môi giới bảo hiểm, công ty hợp danh môi giới bảo hiểm;

c) Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về năng lực pháp lý của các chủ đầu tư là sáng lập viên:

- Đối với các chủ đầu tư là pháp nhân: bản sao có công chứng của quyết định thành lập doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư (nếu có);

- Đối với các chủ đầu tư là cá nhân: lý lịch tư pháp theo mẫu do pháp luật quy định.

d) Xác nhận về tính hợp pháp của nguồn vốn thành lập công ty:

- Đối với chủ đầu tư là pháp nhân: báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập trong 3 năm gần nhất.

- Đối với chủ đầu tư là cá nhân: xác nhận của ngân hàng về số dư tiền gửi có trong tài khoản của chủ đầu tư, hoặc thẻ tiết kiệm có kỳ hạn còn lại ít nhất là 6 tháng (kể từ ngày nộp hồ sơ xin cấp giấy phép), hoặc chứng chỉ tiền gửi đứng tên chủ đầu tư. Các hồ sơ, giấy tờ về nhà đất không được dùng để xác nhận về tình hình tài chính và khả năng góp vốn của các chủ đầu tư.

đ) Văn bản uỷ quyền cho người đại diện các chủ đầu tư;

e) Danh sách các thành viên sáng lập công ty được lập theo mẫu quy định tại Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

1.2.3. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm 100% vốn đầu tư nước ngoài:

a) Dự thảo điều lệ doanh nghiệp bảo hiểm 100% vốn đầu tư nước ngoài bao gồm các nội dung chính được quy định tại Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành;

b) Điều lệ của chủ đầu tư nước ngoài;

c) Giấy phép hoạt động của chủ đầu tư nước ngoài;

d) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài:

- Cho phép chủ đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt nam. Trường hợp quy định của nước nơi chủ đầu tư nước ngoài có trụ sở chính không yêu cầu có văn bản chấp thuận thì phải có bằng chứng xác nhận việc này;

- Xác nhận chủ đầu tư nước ngoài được phép kinh doanh loại hình bảo hiểm mà chủ đầu tư nước ngoài dự kiến tiến hành tại Việt Nam

- Xác nhận chủ đầu tư nước ngoài đang trong tình trạng tài chính lành mạnh và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quản lý tại nước nguyên xứ.

1.2.4. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm liên doanh:

a) Hợp đồng liên doanh bao gồm các nội dung chính được quy định tại Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành;

b) Điều lệ doanh nghiệp liên doanh bao gồm các nội dung chính được quy định tại Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành;

c) Điều lệ của bên nước ngoài tham gia liên doanh;

d) Giấy phép hoạt động của bên nước ngoài tham gia liên doanh;

đ) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài:

- Cho phép chủ đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp bảo hiểm liên doanh tại Việt nam. Trường hợp quy định của nước nơi chủ đầu tư nước ngoài có trụ sở chính không yêu cầu có văn bản chấp thuận thì phải có bằng chứng xác nhận việc này;

- Xác nhận chủ đầu tư nước ngoài được phép kinh doanh loại hình bảo hiểm mà chủ đầu tư nước ngoài dự kiến tiến hành tại Việt Nam;

- Xác nhận chủ đầu tư nước ngoài đang trong tình trạng tài chính lành mạnh và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quản lý tại nước nguyên xứ.

e) Văn bản của cấp có thẩm quyền của bên Việt Nam cho phép tham gia góp vốn vào liên doanh;

g) Giải trình về nguồn vốn góp của đối tác là bên Việt Nam có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

1.3. Hồ sơ xin cấp giấy phép của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được lập thành 3 (ba) bộ trong đó có 1 (một) bộ là bản chính, 2 (hai) bộ là bản sao. Hồ sơ xin cấp giấy phép của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài được lập thành 3 (ba) bộ, mỗi bộ gồm 1 (một) bản bằng tiếng Việt và 1 (một) bản bằng tiếng Anh. Có 1 (một) bộ là bản chính, 2 (hai) bộ là bản sao. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ xin cấp giấy phép.

2. Thủ tục tiếp nhận và xử lý hồ sơ xin cấp giấy phép

2.1. Hồ sơ xin cấp giấy phép được Bộ Tài chính tiếp nhận và kiểm tra trên cơ sở sau:

2.1.1. Đầu mục những văn bản cần phải có trong hồ sơ theo quy định;

2.1.2. Tính hợp lệ của hồ sơ xin cấp giấy phép;

2.1.3. Văn bản xác nhận tư cách pháp lý, tình hình tài chính của các chủ đầu tư.

2.2. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ xin cấp giấy phép của các chủ đầu tư, Bộ Tài chính quyết định cấp giấy phép hoặc từ chối cấp giấy phép. Trong trường hợp từ chối cấp giấy phép, Bộ Tài chính có văn bản giải thích lý do.

Trong quá trình thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại điểm 2.1. nêu trên, Bộ Tài chính có thể gửi thông báo yêu cầu chủ đầu tư bổ sung, sửa đổi hồ sơ, nếu thấy cần thiết.

Thời hạn chủ đầu tư gửi văn bản bổ sung, sửa đổi hồ sơ xin cấp giấy phép là 30 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu của Bộ Tài chính. Hết thời gian bổ sung, sửa đổi hồ sơ xin cấp giấy phép bao gồm cả thời gian gia hạn, nếu chủ đầu tư không hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu, hồ sơ xin cấp giấy phép hết giá trị xem xét.

2.3. Giấy phép được cấp theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này.

3. Thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép

3.1. Hồ sơ xin cấp giấy phép được thẩm định dựa theo những căn cứ sau:

Luật kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3.2. Nội dung thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép :

3.2.1. Thẩm định tư cách pháp lý, tình hình tài chính của các chủ đầu tư thông qua:

a) Văn bản thành lập doanh nghiệp và điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp (đối với các chủ đầu tư là pháp nhân) hay văn bản chứng minh tư cách pháp lý (đối với chủ đầu tư là cá nhân);

b) Báo cáo tài chính đã được kiểm toán trong 3 năm gần nhất (đối với chủ đầu tư là pháp nhân đang hoạt động), bao gồm doanh thu, giá trị tài sản, lợi nhuận hàng năm; khả năng huy động vốn của các chủ đầu tư; xác nhận của ngân hàng về số dư tiền gửi có trong tài khoản của chủ đầu tư (đối với chủ đầu tư là cá nhân); sự hỗ trợ của công ty mẹ (nếu có).

c) Quy mô vốn, trích lập dự phòng nghiệp vụ và các quỹ dự trữ theo quy định của pháp luật, hoạt động đầu tư, phương án kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm dự kiến được thành lập.

3.2.2. Thẩm định về mức độ phù hợp của việc thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm với quy hoạch và các lợi ích kinh tế-xã hội:

a) Hồ sơ xin cấp giấy phép phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, định hướng phát triển thị trường bảo hiểm, thị trường tài chính của Việt Nam;

b) Sự phù hợp của việc thành lập doanh nghiệp được xem xét trên các vấn đề cụ thể sau:

- Đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm;

- Nhu cầu của nền kinh tế quốc dân về loại sản phẩm bảo hiểm mà doanh nghiệp dự kiến kinh doanh;

- Xem xét khả năng nâng cao năng lực khai thác tiềm năng bảo hiểm trong nước và năng lực giữ lại phí bảo hiểm trên thị trường; khả năng tạo việc làm cho người lao động;

- Tiến trình hội nhập, phát triển quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước.

3.2.3. Thẩm định về nghiệp vụ đối với hồ sơ xin cấp giấy phép:

a) Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm được xây dựng phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo tính khả thi về kinh tế, kỹ thuật đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và phong tục, tập quán của Việt Nam;

b) Khuyến khích triển khai các nghiệp vụ bảo hiểm mới mà các doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động trên thị trường chưa có khả năng đáp ứng.

4. Lệ phí cấp giấy phép

Trong thời hạn 7 ngày kể từ khi được cấp giấy phép thành lập và hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải nộp lệ phí cấp giấy phép theo quy định tại Phụ lục số 2, Thông tư số 110/2002/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 12 tháng 12 năm 2002 hướng dẫn thu, nộp, quản lý và sử dụng phí và lệ phí trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm.

5. Sửa đổi, bổ sung giấy phép

Thủ tục chấp thuận những thay đổi theo quy định tại Điều 69 Luật kinh doanh bảo hiểm được thực hiện cụ thể như sau:

5.1. Đổi tên doanh nghiệp:

Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm muốn đổi tên doanh nghiệp phải gửi đến Bộ Tài chính văn bản đề nghị đổi tên do người đại diện trước pháp luật hoặc người có thẩm quyền của doanh nghiệp ký và văn bản xác nhận của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền của doanh nghiệp về việc đổi tên doanh nghiệp;

5.2. Tăng hoặc giảm mức vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm:

Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm muốn thay đổi mức vốn điều lệ phải gửi đến Bộ Tài chính:

5.2.1. Bản giải trình về việc điều chỉnh tăng, giảm mức vốn điều lệ có chữ ký của người đại diện trước pháp luật hoặc người có thẩm quyền của doanh nghiệp, trong đó ghi rõ số vốn tăng (hoặc giảm), lý do tăng (hoặc giảm), phương án sử dụng vốn và thời gian thực hiện;

5.2.2. Văn bản chấp thuận của cơ quan hay người có thẩm quyền của doanh nghiệp về việc tăng, giảm vốn điều lệ;

5.2.3. Giải trình về nguồn tài chính dùng để tăng vốn trong trường hợp tăng vốn điều lệ.

5.3. Mở hoặc chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện

5.3.1. Hồ sơ đề nghị mở chi nhánh, văn phòng đại diện doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được thực hiện theo quy định tại Điều 11 và Điều 12 Nghị định số 42/2001/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/08/2001 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm.

5.3.2. Hồ sơ đề nghị mở chi nhánh, văn phòng đại diện doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm ra nước ngoài thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về đầu tư ra nước ngoài.

5.3.3. Hồ sơ đề nghị chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm bao gồm:

- Văn bản đề nghị chấm dứt hoạt động;

- Báo cáo tình hình hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện trong 3 năm gần nhất. Trường hợp chi nhánh, văn phòng đại diện hoạt động chưa được 3 năm thì báo cáo tình hình hoạt động từ khi bắt đầu hoạt động;

- Trách nhiệm và các vấn đề phát sinh khi chấm dứt hoạt động.

5.4. Thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm muốn thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp phải gửi đến Bộ Tài chính văn bản đề nghị thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, chi nhánh của doanh nghiệp do người đại diện trước pháp luật hoặc người có thẩm quyền của doanh nghiệp ký.

5.5. Thay đổi nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động:

Thủ tục và hồ sơ đề nghị thay đổi nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được thực hiện theo quy định tại Điều 13, Nghị định số 42/2001/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/8/2001 quy định chi tiết việc thi hành một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm.

5.6. Chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp:

Hồ sơ đề nghị chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp chiếm 10% số vốn điều lệ trở lên được lập thành một (1) bộ và nộp cho Bộ Tài chính bao gồm các tài liệu sau:

5.6.1. Văn bản đề nghị chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp chiếm 10% số vốn điều lệ trở lên có chữ ký của người đại diện trước pháp luật hoặc người có thẩm quyền của doanh nghiệp trong đó nêu rõ số lượng, giá trị cổ phần và tỷ lệ phần góp vốn được chuyển nhượng; lý do chuyển nhượng;

5.6.2. Các thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân được chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp;

Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp.

5.7. Thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc)

5.7.1. Trong thời hạn chậm nhất 15 ngày trước khi ra văn bản bổ nhiệm, miễn nhiệm theo định kỳ hoặc giữa kỳ Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, Tổng giám đốc (Giám đốc), Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc người được Chủ tịch Hội đồng quản trị uỷ quyền phải có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị chấp thuận việc thay đổi.

5.7.2. Hồ sơ đề nghị thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) bao gồm:

a) Văn bản đề nghị chấp thuận việc thay đổi;

b) Dự kiến bổ nhiệm, miễn nhiệm nhân sự của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm;

c) Lý lịch người dự kiến được bổ nhiệm có xác nhận của Hội đồng quản trị hoặc người có thẩm quyền của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm;

d) Văn bằng, chứng chỉ chứng minh trình độ và năng lực chuyên môn của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) dự kiến bổ nhiệm;

đ) Biên bản cuộc họp về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, nếu có.

5.8. Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp:

Hồ sơ, thủ tục và thời hạn giải quyết yêu cầu chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

5.9. Thời hạn giải quyết các yêu cầu sửa đổi, bổ sung giấy phép:

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ Tài chính tiếp nhận đầy đủ hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm quy định tại các điểm từ 5.1 đến 5.8, Phần I, Thông tư này, Bộ Tài chính có văn bản trả lời về việc chấp thuận hay từ chối chấp thuận đề nghị của doanh nghiệp. Trong trường hợp từ chối phải nêu rõ lý do bằng văn bản. Trong trường hợp chấp thuận, Bộ Tài chính cấp giấy phép điều chỉnh cho doanh nghiệp theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này. Giấy phép điều chỉnh là một bộ phận không tách rời của giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm.

II. KHAI THÁC BẢO HIỂM

1. Đăng ký quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm.

1.1. Việc đăng ký quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm được áp dụng đối với các sản phẩm bảo hiểm được quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định số 42/2001/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/8/2001 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm.

1.2. Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được đăng ký quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm thuộc các nghiệp vụ bảo hiểm được phép kinh doanh quy định tại Giấy phép thành lập và hoạt động (hoặc Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm) do Bộ Tài chính cấp cho doanh nghiệp.

1.3. Doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm về nội dung và tính hợp pháp của quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm đăng ký với Bộ Tài chính.

1.4. Khi đăng ký quy tắc, điều khoản, biểu phí của các sản phẩm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải gửi cho Bộ Tài chính các tài liệu sau:

1.4.1. Văn bản đề nghị đăng ký sản phẩm bảo hiểm theo mẫu quy định tại phụ lục 12 kèm theo Thông tư này;

1.4.2. Quy tắc, điều khoản, biểu phí của sản phẩm bảo hiểm dự kiến áp dụng (bản tiếng Việt). Đối với những sản phẩm bảo hiểm được cung cấp theo thông lệ quốc tế (như bảo hiểm hàng hải, hàng không…), doanh nghiệp bảo hiểm có thể đăng ký các quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm bằng tiếng Anh.

1.5. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ các tài liệu đăng ký quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm, Bộ Tài chính có trách nhiệm xác nhận việc doanh nghiệp bảo hiểm đã hoàn tất thủ tục đăng ký quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm.

1.6. Trong trường hợp cần thay đổi, bổ sung quy tắc, điều khoản, biểu phí của sản phẩm bảo hiểm đã đăng ký với Bộ Tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm phải đăng ký các thay đổi, bổ sung theo thủ tục quy định tại điểm 1.4 nêu trên. Đối với các rủi ro đặc thù hoặc chưa đề cập đầy đủ trong quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm đã đăng ký với Bộ Tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm được phép thỏa thuận về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm để bảo hiểm cho rủi ro và thực hiện các thủ tục đăng ký sản phẩm sau khi giao kết hợp đồng.

2. Phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm

2.1. Trước khi triển khai các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm tai nạn con người, doanh nghiệp bảo hiểm phải nộp Bộ Tài chính hồ sơ đề nghị phê chuẩn sản phẩm bao gồm những tài liệu sau:

2.1.1. Văn bản đề nghị Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi áp dụng;

2.1.2. Quy tắc, điều khoản, biểu phí, hoa hồng bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm dự kiến triển khai;

2.1.3. Công thức, phương pháp và giải trình cơ sở tính phí, dự phòng nghiệp vụ của sản phẩm bảo hiểm dự kiến triển khai.

2.1.4. Các tài liệu có liên quan bao gồm: mẫu giấy yêu cầu bảo hiểm, tài liệu giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, tài liệu minh họa bán hàng, các mẫu đơn mà khách hàng kê khai và ký vào khi mua bảo hiểm.

Đối với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có chia lãi, doanh nghiệp bảo hiểm phải quy định rõ trong cơ sở tính phí của sản phẩm bảo hiểm dự kiến triển khai nguyên tắc, phương thức và tỷ lệ chia lãi mà doanh nghiệp cam kết trả cho khách hàng, nhưng không thấp hơn 70% tổng số lãi thu được, theo phương pháp được Bộ Tài chính chấp thuận. Quy định này chỉ áp dụng đối với các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có chia lãi được giao kết kể từ ngày 1/1/2006.

2.2. Quy tắc, điều khoản doanh nghiệp bảo hiểm trình Bộ Tài chính đề nghị phê chuẩn phải đảm bảo:

2.2.1. Việc mua các sản phẩm bảo hiểm bổ trợ kèm theo sản phẩm bảo hiểm chính không phải là điều kiện bắt buộc để duy trì hiệu lực của sản phẩm bảo hiểm chính;

2.2.2. Tránh sử dụng các từ ngữ khó hiểu, không rõ ràng hoặc có thể hiểu theo nhiều nghĩa. Trong trường hợp buộc phải sử dụng các từ ngữ này, doanh nghiệp bảo hiểm phải có định nghĩa đầy đủ và giải thích rõ ràng để tránh gây hiểu lầm cho khách hàng.

2.3. Hồ sơ đề nghị phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phải có chữ ký của người đứng đầu doanh nghiệp hoặc được người đứng đầu doanh nghiệp ủy quyền hợp lệ và xác nhận của chuyên gia tính toán được chỉ định theo quy định tại Phần III dưới đây.

3. Quy định về khai thác bảo hiểm nhân thọ

3.1. Tài liệu giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp bảo hiểm

Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm:

3.1.1. Đảm bảo tài liệu giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp phải được viết bằng ngôn ngữ giản dị, rõ ràng, dễ hiểu và không chứa đựng bất kỳ thông tin nào có thể dẫn đến hiểu lầm;

3.1.2. Đảm bảo trong khi minh hoạ bán hàng, phải phân biệt rõ giữa quyền lợi có đảm bảo và quyền lợi không đảm bảo; thông báo cho khách hàng biết tổng số quyền lợi bảo hiểm nhận được theo các hợp đồng bảo hiểm không đảm bảo có thể khác nhau;

3.1.3. Ít nhất mỗi năm một lần, xem xét lại các giả định dùng trong minh họa bán hàng. Nếu các giả định đó không còn phù hợp với tình hình thực tế, doanh nghiệp bảo hiểm phải sửa lại minh họa bán hàng cho phù hợp;

3.1.4. Đảm bảo tài liệu giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp bảo hiểm không chứa đựng những thông tin về quyền lợi bảo hiểm trái với quy tắc, điều khoản bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn.

3.2. Tài liệu minh họa bán hàng

3.2.1. Doanh nghiệp bảo hiểm phải cung cấp cho khách hàng minh hoạ về sản phẩm bảo hiểm một cách trực tiếp hoặc thông qua các đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được phép hoạt động tại Việt Nam;

3.2.2. Tài liệu minh hoạ bán hàng phải có sự chấp thuận của chuyên gia tính toán được chỉ định của doanh nghiệp bảo hiểm đối với các giả định dùng để tính toán, trước khi sử dụng để cung cấp cho khách hàng. Tài liệu minh họa bán hàng phải rõ ràng, đầy đủ và chính xác để giúp khách hàng có sự lựa chọn phù hợp;

3.2.3. Các doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu trách nhiệm về tính chính xác và cập nhật của các tài liệu giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, tài liệu minh họa bán hàng và các tài liệu bán hàng khác trong suốt thời gian sử dụng;

3.2.4. Doanh nghiệp bảo hiểm phải trình bày trong tài liệu minh hoạ bán hàng những điều kiện để được nhận giá trị hoàn lại và những quyền lợi, kèm theo số tiền cụ thể mà khách hàng được hưởng khi nhận giá trị hoàn lại, nhưng phải nêu rõ những quyền lợi này là có đảm bảo hay không có đảm bảo.

3.3. Cung cấp thông tin có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm

Nếu hợp đồng bảo hiểm không có quy định rõ, khi cấp đơn bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo cho khách hàng bằng văn bản những thông tin sau:

3.3.1. Phương thức và định kỳ đóng phí bảo hiểm;

3.3.2. Tên cá nhân hoặc đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp để liên hệ trong trường hợp khách hàng cần được phục vụ hoặc được giải đáp về những vấn đề liên quan đến hợp đồng;

3.3.3. Trách nhiệm của khách hàng phải thông báo cho doanh nghiệp khi có thay đổi địa chỉ của bên mua bảo hiểm;

3.3.4. Địa chỉ khách hàng có thể liên hệ để được giải quyết khiếu nại, thắc mắc, tranh chấp liên quan đến việc giao kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm.

Hàng năm, doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo cho các chủ hợp đồng bảo hiểm về tình trạng hợp đồng của họ.

3.4. Giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

3.4.1. Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chỉ có giá trị hoàn lại khi có hiệu lực đủ 24 tháng trở lên đối với các hợp đồng bảo hiểm đóng phí định kỳ;

3.4.2. Doanh nghiệp bảo hiểm được quyền khấu trừ các khoản nợ chưa được hoàn trả trước khi thanh toán giá trị hoàn lại cho bên mua bảo hiểm.

4. Công bố danh mục sản phẩm bảo hiểm

Trong thời hạn 15 ngày đầu mỗi quý, Bộ Tài chính công bố danh mục các sản phẩm bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm đang cung cấp trên thị trường tính đến thời điểm công bố. Việc công bố danh mục các sản phẩm bảo hiểm được Bộ Tài chính tiến hành công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và gửi đến Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm được phép thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

5. Hoa hồng bảo hiểm

5.1. Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được chi trả hoa hồng bảo hiểm từ phần phí bảo hiểm thực tế thu được theo tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm do Bộ Tài chính quy định đối với từng nghiệp vụ bảo hiểm cho các đối tượng quy định tại Điều 20 Nghị định số 42/2001/NĐ-CP ngày 01/8/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm.

5.2. Hoa hồng bảo hiểm là các khoản chi phí của doanh nghiệp bảo hiểm trả cho doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động sử dụng hoa hồng bảo hiểm cho các nội dung chi phí sau:

5.2.1. Chi phí khai thác ban đầu (tìm hiểu, thuyết phục và giới thiệu khách hàng);

5.2.2. Chi phí thu phí bảo hiểm;

- Chi phí theo dõi hợp đồng và thuyết phục khách hàng duy trì hợp đồng bảo hiểm.

5.3. Tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm tối đa mà doanh nghiệp bảo hiểm được phép trả cho đại lý bảo hiểm được thực hiện theo bảng tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm áp dụng cho từng nghiệp vụ bảo hiểm được quy định tại Phụ lục 4 - Bảng tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm tối đa áp dụng cho các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ và Phụ lục 5 - Bảng tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm tối đa áp dụng cho các nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ đính kèm Thông tư này.

Hoa hồng bảo hiểm đối với các hợp đồng bảo hiểm trọn gói được tính bằng tổng số tiền hoa hồng của từng rủi ro được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm trọn gói.

5.4. Tỷ lệ hoa hồng môi giới bảo hiểm được xác định trên cơ sở thoả thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phù hợp với luật pháp Việt Nam và tập quán quốc tế. Tuỳ thuộc vào phạm vi, mức độ và nội dung dịch vụ môi giới bảo hiểm được cung cấp, hoa hồng môi giới bảo hiểm được trả đến 15% phần phí bảo hiểm thực tế thu được.

III. CHUYÊN GIA TÍNH TOÁN ĐƯỢC CHỈ ĐỊNH

1. Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải sử dụng chuyên gia tính toán được chỉ định để thực hiện các nhiệm vụ sau:

1.1. Cùng Tổng giám đốc (Giám đốc) doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ký hồ sơ đề nghị phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm;

1.2. Lập dự phòng toán học cho các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ theo quy định của pháp luật;

1.3. Thông qua việc phân chia thặng dư hàng năm của quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm trên cơ sở công bằng, hợp lý và tuân thủ pháp luật;

1.4. Đánh giá khả năng tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thông qua việc kiểm tra khả năng thanh toán của doanh nghiệp vào cuối mỗi kỳ kế toán;

1.5. Theo định kỳ hàng quý và hàng năm, báo cáo bằng văn bản cho Hội đồng quản trị của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ về tình hình tài chính của doanh nghiệp trong từng thời kỳ; dự báo tình hình tài chính trong tương lai của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ;

1.6. Báo cáo kịp thời bằng văn bản cho Tổng giám đốc (Giám đốc), Hội đồng quản trị doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ về mọi vấn đề bất thường có khả năng ảnh hưởng bất lợi tới tình hình tài chính của doanh nghiệp và đề xuất biện pháp khắc phục;

1.7. Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ không áp dụng các biện pháp thích hợp nhằm khắc phục tình trạng tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trong thời hạn hợp lý theo kiến nghị của chuyên gia tính toán được chỉ định, chuyên gia tính toán được chỉ định có trách nhiệm gửi một bản sao báo cáo nói trên cho Bộ Tài chính để có biện pháp xử lý.

2. Chuyên gia tính toán được chỉ định phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

2.1. Được đào tạo và có kinh nghiệm làm việc ít nhất 5 năm về tính toán trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và đang là thành viên của một trong những hiệp hội các nhà tính toán bảo hiểm được quốc tế thừa nhận rộng rãi (Hội các nhà tính toán bảo hiểm Vương quốc Anh; Hội các nhà tính toán bảo hiểm Scotland; Hội các nhà tính toán bảo hiểm Hoa Kỳ; Hội các nhà tính toán bảo hiểm úc;Hội các nhà tính toán bảo hiểm Canađa) hoặc hội các nhà tính toán khác được Bộ Tài chính chấp thuận;

2.2. Có tư cách đạo đức tốt; chưa vi phạm quy tắc đạo đức hành nghề tính toán bảo hiểm; không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm có liên quan đến công việc chuyên môn của mình;

2.3. Là cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp bảo hiểm hoặc công ty tư vấn về tính toán bảo hiểm, hoặc hành nghề độc lập với tư cách cá nhân.

3. Chuyên gia tính toán được chỉ định không được đồng thời kiêm nhiệm các chức vụ sau:

3.1. Tổng Giám đốc;

3.2. Kế toán trưởng;

3.3. Thành viên Hội đồng quản trị.

4. Thủ tục phê chuẩn chuyên gia tính toán được chỉ định

4.1. Hội đồng quản trị của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ hoặc Tổng giám đốc (Giám đốc) trong trường hợp doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị có trách nhiệm bổ nhiệm chuyên gia tính toán được chỉ định để tiến hành các công việc theo quy định tại điểm 1 nêu trên. Việc bổ nhiệm chuyên gia tính toán được chỉ định phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính.

4.2. Hồ sơ đề nghị phê duyệt chuyên gia tính toán được chỉ định bao gồm những tài liệu sau:

4.2.1. Văn bản đề nghị Bộ Tài chính chấp thuận chuyên gia tính toán được chỉ định có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Tổng giám đốc (Giám đốc) trong trường hợp doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị;

4.2.2. Văn bằng, chứng chỉ, lý lịch chứng minh năng lực, trình độ và kinh nghiệm chuyên môn của người dự kiến bổ nhiệm làm chuyên gia tính toán được chỉ định;

4.2.3. Bản sao có công chứng của giấy chứng nhận tư cách thành viên hiệp hội các nhà tính toán bảo hiểm được công nhận.

5. Thủ tục phê duyệt thay đổi chuyên gia tính toán được chỉ định

Trong trường hợp thay đổi chuyên gia tính toán được chỉ định, doanh nghiệp bảo hiểm phải nộp Bộ Tài chính hồ sơ đề nghị chấp thuận thay đổi bao gồm những tài liệu sau:

5.1. Văn bản đề nghị Bộ Tài chính miễn chức vụ của chuyên gia tính toán được chỉ định đã được Bộ Tài chính chấp thuận và đề nghị phê duyệt chuyên gia tính toán được chỉ định mới. Văn bản đề nghị của doanh nghiệp bảo hiểm phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Tổng giám đốc (Giám đốc) trong trường hợp doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị;

5.2. Văn bằng, chứng chỉ, lý lịch chứng minh năng lực, trình độ và kinh nghiệm chuyên môn của người được đề nghị làm chuyên gia tính toán được chỉ định mới;

5.3. Bản sao có công chứng của giấy chứng nhận tư cách thành viên hiệp hội các nhà tính toán bảo hiểm được công nhận.

6. Chấm dứt tư cách chuyên gia tính toán được chỉ định

Chuyên gia tính toán được chỉ định sẽ đương nhiên chấm dứt tư cách pháp lý của mình trong những trường hợp sau:

6.1. Chấm dứt tư cách thành viên hiệp hội các nhà tính toán bảo hiểm được công nhận;

6.2. Doanh nghiệp bảo hiểm có văn bản đề nghị thay đổi chuyên gia tính toán được chỉ định.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại các điểm nêu trên, Bộ Tài chính phải trả lời bằng văn bản việc chấp thuận hoặc từ chối chấp thuận. Trong trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính phải có văn bản giải thích lý do.

7. Các quy định về chuyên gia tính toán được chỉ định được áp dụng kể từ ngày 1/1/2006.

IV. HOẠT ĐỘNG TÁI BẢO HIỂM

1. Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện việc tái bảo hiểm bắt buộc theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 42/2001/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm. Danh mục các nghiệp vụ áp dụng tái bảo hiểm bắt buộc bao gồm:

1.1. Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại;

1.2. Bảo hiểm hàng hoá vận chuyển đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt và đường không;

1.3. Bảo hiểm hàng không;

1.4. Bảo hiểm cháy, nổ;

1.5. Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự của chủ tàu.

2. Hoa hồng tái bảo hiểm bắt buộc do Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam trả cho doanh nghiệp đã nhượng tái bảo hiểm bắt buộc được thực hiện theo quy định tại Phụ lục 6 kèm theo Thông tư này.

3. Hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm

3.1. Khi tái bảo hiểm ra nước ngoài, các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được phép thu xếp tái bảo hiểm với những công ty tái bảo hiểm đáp ứng đủ các yêu cầu dưới đây:

3.1.1. Có năng lực tài chính và kinh nghiệm hoạt động trên thị trường;

3.1.2. Vào thời điểm tái bảo hiểm ra nước ngoài, công ty đứng đầu nhận tái bảo hiểm phải được xếp hạng tối thiểu "BBB" theo Standards & Poors, "B++" theo A.M.Best, "Baa" theo Moody’s hoặc các kết quả xếp hạng tương đương.

Trường hợp tái bảo hiểm cho công ty mẹ ở nước ngoài hoặc các công ty trong tập đoàn mà không có đánh giá xếp hạng tín nhiệm theo quy định tại điểm b nêu trên thì doanh nghiệp bảo hiểm phải báo cáo Bộ Tài chính.

3.2. Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được phép giữ lại mức trách nhiệm tối đa trên mỗi rủi ro hoặc trên mỗi tổn thất riêng lẻ không quá 10% tổng số nguồn vốn chủ sở hữu. Phần trách nhiệm vượt quá tỷ lệ 10% nói trên phải nhượng tái bảo hiểm.

V. ĐẠI LÝ BẢO HIỂM

1. Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (sau đây gọi tắt là cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm) đối với việc đào tạo đại lý bảo hiểm

1.1. Cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm muốn đào tạo đại lý bảo hiểm phải có văn bản đề nghị Bộ Tài chính phê chuẩn chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Nghị định số 42/2001/NĐ-CP ngày 1/8/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm.

1.2. Cấp chứng chỉ đào tạo đại lý bảo hiểm

1.2.1. Chỉ những cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm được Bộ Tài chính chấp thuận hoạt động mới có quyền cấp chứng chỉ đào tạo đại lý bảo hiểm. Người được cấp chứng chỉ phải hoàn thành chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm và thi đỗ trong kỳ thi cấp chứng chỉ đào tạo đại lý bảo hiểm.

1.2.2. Chứng chỉ đào tạo đại lý bảo hiểm được cấp theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 kèm theo Thông tư này.

1.3. Hàng năm, chậm nhất vào ngày 30/01 của năm sau, cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm phải báo cáo Bộ Tài chính về số lượng khóa đào tạo đã tổ chức, số lượng đại lý bảo hiểm đã đào tạo, số lượng chứng chỉ đã cấp trong năm theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 kèm theo Thông tư này. Hàng quý, chậm nhất trước ngày 15 tháng đầu của quý sau, doanh nghiệp bảo hiểm phải báo cáo Bộ Tài chính về danh sách đại lý bảo hiểm của doanh nghiệp theo mẫu quy định tại Phụ lục 9 kèm theo Thông tư này.

2. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm và đại lý bảo hiểm

2.1. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc quản lý hoạt động đại lý bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của đại lý bảo hiểm được quy định tại Điều 29 và Điều 30 Nghị định số 42/2001/NĐ-CP ngày 1/8/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm.

2.2. Các doanh nghiệp bảo hiểm không được giao kết hợp đồng với đại lý bảo hiểm đã từng bị doanh nghiệp bảo hiểm khác buộc chấm dứt hợp đồng đại lý do vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật và hợp đồng đại lý trong thời hạn 3 năm kể từ ngày chấm dứt hợp đồng đại lý.

Khi buộc chấm dứt hợp đồng đại lý với lý do nêu trên, doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo cho Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam để thông báo cho các doanh nghiệp bảo hiểm khác biết.

3. Nghiêm cấm đại lý bảo hiểm có các hành vi sau:

3.1. Thông tin, quảng cáo sai sự thật về nội dung, phạm vi hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm; điều kiện và điều khoản bảo hiểm làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm;

3.2. Ngăn cản bên mua bảo hiểm cung cấp các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hoặc xúi giục bên mua bảo hiểm không kê khai các chi tiết liên quan đến hợp đồng bảo hiểm;

3.3. Tranh giành khách hàng dưới các hình thức ngăn cản, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa nhân viên hoặc khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm khác;

3.4. Khuyến mại khách hàng dưới hình thức bất hợp pháp như hứa hẹn giảm phí bảo hiểm, hoàn phí bảo hiểm hoặc các quyền lợi khác mà doanh nghiệp bảo hiểm không cung cấp cho khách hàng.

3.5. Xúi giục bên mua bảo hiểm hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm hiện có để mua hợp đồng bảo hiểm mới.

4. Việc giám sát hoạt động của Bộ Tài chính đối với hoạt động đào tạo và sử dụng đại lý bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam

4.1. Doanh nghiệp bảo hiểm, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động đào tạo, sử dụng đại lý bảo hiểm.

4.2. Bộ Tài chính có thể tiến hành kiểm tra theo định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất đối với hoạt động tuyển dụng, đào tạo, quản lý và sử dụng đại lý của doanh nghiệp bảo hiểm, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam.

Việc kiểm tra trên không được làm ảnh hưởng đến quá trình hoạt động bình thường của doanh nghiệp bảo hiểm, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam.

5. Tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

VI. DOANH NGHIỆP MÔI GIỚI BẢO HIỂM

1. Nguyên tắc hoạt động môi giới bảo hiểm

Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm chỉ được tư vấn, giới thiệu cho bên mua bảo hiểm các quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính ban hành, phê chuẩn hoặc doanh nghiệp bảo hiểm đã đăng ký với Bộ Tài chính.

2. Đóng phí bảo hiểm và trả tiền bảo hiểm thông qua doanh nghiệp môi giới bảo hiểm

2.1. Doanh nghiệp bảo hiểm có thể ủy quyền cho doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thu phí bảo hiểm, bồi thường, hoặc trả tiền bảo hiểm.

2.2. Trong trường hợp doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được doanh nghiệp bảo hiểm uỷ quyền thu phí bảo hiểm, trách nhiệm đóng phí bảo hiểm của bên mua bảo hiểm hoàn thành khi bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm theo thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Trong trường hợp doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được doanh nghiệp bảo hiểm uỷ quyền thu phí bảo hiểm và bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm theo thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm thì doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có trách nhiệm thanh toán số phí bảo hiểm nói trên cho doanh nghiệp bảo hiểm theo thời hạn đã thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Trong trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn thanh toán thì doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải thanh toán số phí bảo hiểm nói trên cho doanh nghiệp bảo hiểm trong thời gian sớm nhất nhưng tối đa không quá 7 ngày, kể từ ngày nhận được số phí bảo hiểm.

2.3. Trong trường hợp doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền trả tiền bảo hiểm hoặc tiền bồi thường thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm trước người được bảo hiểm, hoặc người thụ hưởng về số tiền bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ trả cho người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng.

2.4. Trong trường hợp doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền trả tiền bảo hiểm hoặc tiền bồi thường thì doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có trách nhiệm thanh toán số tiền bảo hiểm nói trên cho người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng ngay khi nhận được số tiền bảo hiểm từ doanh nghiệp bảo hiểm.

3. Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không được thực hiện các hành vi sau:

3.1. Ngăn cản bên mua bảo hiểm cung cấp các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hoặc xúi giục bên mua bảo hiểm không kê khai các chi tiết liên quan đến hợp đồng bảo hiểm.

3.2. Khuyến mại khách hàng dưới hình thức hứa hẹn cung cấp các quyền lợi bất hợp pháp để xúi giục khách hàng giao kết hợp đồng bảo hiểm.

3.3. Xúi giục bên mua bảo hiểm hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm hiện có để mua hợp đồng bảo hiểm mới.

VII. VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN CỦA DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM, DOANH NGHIỆP MÔI GIỚI BẢO HIỂM NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

1. Hồ sơ xin cấp giấy phép đặt văn phòng đại diện

1.1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài muốn đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam phải gửi Bộ Tài chính một bộ hồ sơ xin cấp giấy phép đặt văn phòng đại diện theo quy định tại Điều 110 Luật kinh doanh bảo hiểm.

1.2. Đơn xin đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc người có thẩm quyền của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài, theo mẫu của Bộ Tài chính quy định tại Phụ lục 10 kèm theo Thông tư này.

1.3. Giấy phép đặt văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài được cấp theo mẫu quy định tại Phụ lục 11 kèm theo Thông tư này.

1.4. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ xin cấp giấy phép đặt văn phòng đại diện, Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận hoặc từ chối chấp thuận đề nghị của doanh nghiệp. Trong trường hợp từ chối chấp thuận phải nêu rõ lý do bằng văn bản. Trong trường hợp chấp thuận, Bộ Tài chính cấp giấy phép đặt văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam.

1.5. Trong thời hạn 7 ngày kể từ khi được cấp giấy phép đặt văn phòng đại diện hoặc gia hạn hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài phải nộp lệ phí cấp giấy phép; mức lệ phí cấp giấy phép hoặc gia hạn hoạt động là 1 (một) triệu đồng Việt Nam theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 42/2001/NĐ-CP ngày 01/08/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm.

2. Báo cáo hoạt động của văn phòng đại diện

2.1. Văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam phải báo cáo Bộ Tài chính các hoạt động của văn phòng đại diện theo định kỳ 6 tháng và hàng năm cho Bộ Tài chính và Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố nơi Văn phòng đại diện đặt trụ sở.

Báo cáo 6 tháng đầu năm phải gửi trước ngày 30 tháng 7 và báo cáo cả năm phải gửi trước ngày 1 tháng 3 của năm tiếp theo.

2.2. Nội dung báo cáo:

2.2.1. Cơ cấu tổ chức văn phòng đại diện, nhân sự, số người Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại văn phòng đại diện;

2.2.2. Những hoạt động chính:

a) Tiếp cận thị trường của văn phòng đại diện;

b) Quan hệ giữa văn phòng đại diện với các doanh bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và các tổ chức kinh tế Việt Nam;

c) Công tác tư vấn, đào tạo;

d) Các hoạt động khác của văn phòng đại diện.

2.2.3. Phương hướng hoạt động trong thời gian tới.

2.3. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính có thể yêu cầu văn phòng đại diện báo cáo đột xuất ngoài các báo cáo định kỳ nói trên, cung cấp tài liệu, giải trình những vấn đề liên quan đến hoạt động của mình.

3. Thay đổi nội dung giấy phép

3.1. Khi có nhu cầu thay đổi một trong số các nội dung sau đây trong giấy phép đặt văn phòng đại diện, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài phải có văn bản đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Giấy phép:

3.1.1. Thay đổi tên gọi, quốc tịch của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài hoặc tên gọi của văn phòng đại diện;

3.1.2. Thay đổi nội dung hoạt động của văn phòng đại diện.

Trong thời hạn 7 ngày kể từ khi nhận được văn bản đề nghị của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài, Bộ Tài chính sẽ có văn bản trả lời về việc chấp thuận hoặc từ chối chấp thuận. Trong trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính phải có văn bản giải thích lý do.

3.2. Trong trường hợp tăng, giảm số người từ nước ngoài vào làm việc tại văn phòng đại diện hoặc thay đổi địa điểm đặt trụ sở của văn phòng đại diện, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài phải thông báo ngay bằng văn bản cho Bộ Tài chính.

4. Gia hạn hoạt động của văn phòng đại diện:

4.1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài muốn gia hạn hoạt động cho văn phòng đại diện tại Việt Nam phải nộp Bộ Tài chính Hồ sơ đề nghị gia hạn hoạt động của văn phòng đại diện 30 ngày trước ngày hết hạn của Giấy phép đặt văn phòng đại diện. Hồ sơ đề nghị gia hạn hoạt động bao gồm:

4.1.1. Văn bản đề nghị gia hạn văn phòng đại diện có chữ ký của Chủ tịch HĐQT hoặc của người có thẩm quyền của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm;

4.1.2. Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài;

4.1.3. Bản sao Giấy phép đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam và quyết định gia hạn hoạt động trước đây của văn phòng đại diện doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài (nếu có).

4.1.4. Báo cáo tóm tắt hoạt động của văn phòng đại diện trong 3 năm gần nhất;

4.1.5. Báo cáo tài chính trong 2 năm gần nhất của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài;

4.1.6. Họ tên, lý lịch của Trưởng văn phòng đại diện trong trường hợp thay đổi Trưởng văn phòng đại diện.

4.2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ đề nghị gia hạn hoạt động, Bộ Tài chính sẽ có văn bản chấp thuận hoặc từ chối. Trường trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính sẽ có văn bản giải thích lý do.

5. Chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện:

5.1. Văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau:

5.1.1. Theo đề nghị của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài;

5.1.2. Khi doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài chấm dứt hoạt động;

5.1.3. Khi có quyết định về việc thu hồi, huỷ bỏ Giấy phép của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam.

5.2. Trong trường hợp chấm dứt hoạt động theo quy định tại các điểm a và điểm b Mục 5.1 nêu trên, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài phải gửi văn bản thông báo việc chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện đến Bộ Tài chính trong thời hạn không quá 30 ngày, trước ngày chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện và phải nộp lại bản gốc Giấy phép đặt văn phòng đại diện và các giấy phép, quyết định có liên quan trong quá trình hoạt động của Văn phòng đại diện cho Bộ Tài chính.

Trong thời hạn 7 ngày, Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận việc chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện và thông báo cho các cơ quan được gửi bản sao Giấy phép đặt Văn phòng đại diện.

5.3. Trong trường hợp chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm c mục 5.1 nêu trên, Bộ Tài chính sẽ gửi cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài quyết định về việc thu hồi, hủy bỏ Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện ít nhất 30 ngày, trước ngày Văn phòng đại diện, Chi nhánh bị buộc chấm dứt hoạt động và gửi bản sao quyết định này tới các cơ quan được gửi bản sao Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện.

VIII. THỦ TỤC, HỒ SƠ XIN CHUYỂN GIAO HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

1. Chuyển giao hợp đồng bảo hiểm

1.1. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm có thể chuyển giao toàn bộ hợp đồng bảo hiểm của một hay một số nghiệp vụ bảo hiểm (sau đây gọi tắt là chuyển giao) cho các doanh nghiệp bảo hiểm khác được phép hoạt động tại Việt nam theo quy định tại Mục 3, Chương III, Luật kinh doanh bảo hiểm.

1.2. Việc chuyển giao phải đảm bảo nguyên tắc không gây thiệt hại đến quyền lợi của bên mua bảo hiểm sau khi thực hiện việc chuyển giao.

2. Thủ tục chuyển giao

2.1. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm chuyển giao (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp chuyển giao): Doanh nghiệp chuyển giao phải có văn bản đề nghị chuyển giao gửi Bộ Tài chính trong đó nêu rõ lý do xin chuyển giao, kèm theo các tài liệu sau:

Kế hoạch chuyển giao trong đó nêu rõ:

a) Tên và địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm nhận chuyển giao (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp nhận chuyển giao);

b) Loại nghiệp vụ bảo hiểm và số lượng hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao;

c) Phương thức chuyển giao các quỹ, dự phòng nghiệp vụ và khiếu nại bảo hiểm liên quan tới các hợp đồng được chuyển giao;

d) Thời gian dự kiến thực hiện việc chuyển giao;

đ) Giải trình chi tiết của doanh nghiệp nhận chuyển giao về việc đáp ứng yêu cầu tài chính sau khi chuyển giao.

e) Hợp đồng chuyển giao giữa doanh nghiệp chuyển giao và doanh nghiệp nhận chuyển giao bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

g) Đối tượng của việc chuyển giao;

h) Thời gian dự kiến thực hiện việc chuyển giao;

i) Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia chuyển giao;

k) Phương thức giải quyết tranh chấp.

2.1.2. Cam kết của doanh nghiệp nhận chuyển giao về việc đảm bảo quyền lợi của bên mua bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao sau khi việc chuyển giao có hiệu lực.

2.2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày văn bản đề nghị chuyển giao hợp đồng bảo hiểm được Bộ Tài chính phê chuẩn, doanh nghiệp chuyển giao phải:

2.2.1. Đăng bố cáo về việc chuyển giao trên hai tờ báo trung ương trong 5 số liên tiếp với các nội dung chủ yếu sau:

a) Tên và địa chỉ của doanh nghiệp chuyển giao và doanh nghiệp nhận chuyển giao;

b) Loại nghiệp vụ bảo hiểm và số lượng hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao;

c) Thời gian dự kiến thực hiện việc chuyển giao;

d) Địa chỉ giải quyết các khiếu nại, thắc mắc của bên mua bảo hiểm liên quan đến việc chuyển giao.

2.2.2. Doanh nghiệp chuyển giao phải gửi thông báo kèm theo tóm tắt kế hoạch chuyển giao cho từng bên mua bảo hiểm ngay sau khi Bộ Tài chính phê chuẩn văn bản đề nghị chuyển giao. Thông báo gửi cho bên mua bảo hiểm phải nêu rõ thời hạn bên mua bảo hiểm được phép huỷ hợp đồng bảo hiểm nếu không đồng ý với kế hoạch chuyển giao và ngày kế hoạch chuyển giao chính thức có hiệu lực.

2.2.3. Bên mua bảo hiểm được phép huỷ hợp đồng bảo hiểm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về việc chuyển giao tính theo dấu bưu điện. Trong trường hợp bên mua bảo hiểm huỷ hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp chuyển giao phải hoàn lại cho bên mua bảo hiểm số phí bảo hiểm đã nhận tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm sau khi trừ đi các chi phí hợp lý có liên quan đối với bảo hiểm phi nhân thọ; hoặc số phí bảo hiểm bên mua bảo hiểm đã đóng sau khi trừ đi các chi phí hợp lý có liên quan đối với bảo hiểm nhân thọ.

2.3. Kể từ ngày Bộ Tài chính chấp thuận văn bản đề nghị chuyển giao, doanh nghiệp chuyển giao không được tiếp tục ký kết hợp đồng bảo hiểm mới thuộc nghiệp vụ bảo hiểm đã được chuyển giao.

2.4. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày Bộ Tài chính phê chuẩn kế hoạch chuyển giao, doanh nghiệp chuyển giao phải chuyển cho doanh nghiệp nhận chuyển giao:

2.4.1. Toàn bộ các hợp đồng bảo hiểm đang có hiệu lực thuộc kế hoạch chuyển giao đã được Bộ Tài chính phê chuẩn;

2.4.2. Các hồ sơ khiếu nại chưa giải quyết liên quan đến nghiệp vụ bảo hiểm được chuyển giao;

2.4.3. Toàn bộ tài sản, các quỹ và dự phòng nghiệp vụ liên quan đến những hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao và các hồ sơ khiếu nại chưa giải quyết liên quan đến nghiệp vụ bảo hiểm được chuyển giao.

3. Phê chuẩn hồ sơ đề nghị chuyển giao hợp đồng bảo hiểm

3.1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị chuyển giao, Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận, từ chối chấp thuận hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đề nghị chuyển giao. Trong trường hợp Bộ Tài chính có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu sửa đổi, bổ sung, doanh nghiệp chuyển giao phải hoàn chỉnh lại hồ sơ gửi Bộ Tài chính. Quá thời hạn trên, Bộ Tài chính có quyền từ chối chấp thuận hồ sơ đề nghị chuyển giao. Trong trường hợp từ chối chấp thuận hồ sơ đề nghị chuyển giao, Bộ Tài chính giải thích rõ lý do bằng văn bản.

3.2. Sau khi chấp thuận hồ sơ đề nghị chuyển giao, Bộ Tài chính sẽ cấp giấy phép điều chỉnh theo mẫu tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này cho doanh nghiệp chuyển giao phù hợp với các nghiệp vụ bảo hiểm mà doanh nghiệp chuyển giao còn được phép tiến hành.

4. Trách nhiệm của doanh nghiệp nhận chuyển giao

4.1. Doanh nghiệp nhận chuyển giao có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp chuyển giao trong việc xây dựng kế hoạch chuyển giao, xác định giá trị tài sản liên quan tới các quỹ và dự phòng nghiệp vụ của những hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao và thoả thuận ngày có hiệu lực của kế hoạch chuyển giao.

4.2. Kể từ ngày nhận chuyển giao, doanh nghiệp nhận chuyển giao có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ của hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao theo đúng các điều khoản đã ký kết giữa doanh nghiệp chuyển giao và bên mua bảo hiểm, kể cả trách nhiệm giải quyết các khiếu nại đã xảy ra nhưng chưa báo cáo. Doanh nghiệp nhận chuyển giao có quyền tiếp nhận tài sản liên quan tới các quỹ và dự phòng nghiệp vụ của hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao và sử dụng tài sản đó để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao.

IX. ĐỀ PHÒNG, HẠN CHẾ TỔN THẤT

1. Doanh nghiệp bảo hiểm được trích không quá 2% số phí bảo hiểm thực thu trong năm tài chính để chi cho các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất được quy định tại khoản 2, Điều 25 Nghị định số 42/2001/NĐ-CP ngày 01/08/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm.

2. Chi đề phòng, hạn chế tổn thất của doanh nghiệp bảo hiểm được thực hiện theo đúng các quy định hiện hành về quản lý tài chính doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

X. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 71/2001/TT-BTC ngày 28/8/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 42/2001/NĐ-CP ngày 1/8/2001 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Lê Thị Băng Tâm

 

PHỤ LỤC

1. Mẫu đơn xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm

2. Mẫu giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm

3. Mẫu giấy phép điều chỉnh

4. Bảng tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm tối đa áp dụng cho các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ

5. Bảng tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm tối đa áp dụng cho các nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ

6. Danh mục nghiệp vụ tái bảo hiểm bắt buộc và tỷ lệ hoa hồng tái bảo hiểm bắt buộc

7. Mẫu chứng chỉ đào tạo đại lý bảo hiểm

8. Báo cáo danh sách đại lý bảo hiểm

9. Báo cáo về hoạt động đào tạo đại lý bảo hiểm

10. Mẫu đơn xin cấp giấy phép đặt văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam

11. Mẫu giấy phép đặt văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam

12. Mẫu văn bản đề nghị đăng ký sản phẩm bảo hiểm

 

PHỤ LỤC 1

MẪU ĐƠN XIN CẤP GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 98/2004/TT-BTC ngày 19/10/2004 của Bộ Tài chính)

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

...., ngày.... tháng.... năm 200...

ĐƠN XIN CẤP GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG

Kính gửi: Bộ trưởng Bộ Tài chính

Căn cứ Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 9/12/2000 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Chúng tôi (tên của tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động, sau đây gọi tắt là chủ đầu tư) xin trình Bộ Tài chính Đơn xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động (sau đây gọi tắt là Đơn xin cấp giấy phép) theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm như sau:

I. CÁC THÔNG TIN VỀ CHỦ ĐẦU TƯ

Tên và địa chỉ của chủ đầu tư/sáng lập viên công ty.

- Nếu là cá nhân phải ghi rõ họ và tên, ngày tháng năm sinh, nơi thường trú;

- Nếu là doanh nghiệp, tổ chức phải ghi rõ:

+ Tên giao dịch, địa chỉ trụ sở chính, vốn điều lệ;

+ Ngày, tháng, năm thành lập, số giấy phép/quyết định thành lập;

+ Họ tên, chức vụ của người đại diện cho doanh nghiệp, tổ chức đó.

Chúng tôi xin phép thành lập doanh nghiệp bảo hiểm /doanh nghiệp môi giới bảo hiểm với các nội dung sau:

II. CÁC THÔNG TIN VỀ DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM/DOANH NGHIỆP MÔI GIỚI BẢO HIỂM DỰ KIẾN THÀNH LẬP

1. Tên đầy đủ, tên viết tắt và tên giao dịch:

Bằng tiếng Việt:

Bằng tiếng nước ngoài, nếu có:

2. Hình thức pháp lý:

3. Địa điểm dự kiến đặt trụ sở chính, chi nhánh, địa điểm giao dịch, số điện thoại, fax:

4. Tên và địa chỉ người đại diện trước pháp luật:

5. Lĩnh vực kinh doanh:

6. Phạm vi hoạt động:

7. Địa bàn hoạt động:

8. Đối tượng khách hàng:

9. Vốn điều lệ: (nêu bằng chữ và bằng số), tỷ lệ góp vốn, nguồn vốn:

10. Thời hạn hoạt động:

11. Đề nghị miễn, giảm thuế, nếu có:

Chúng tôi xin cam kết:

1. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự trung thực và chính xác của nội dung trong Đơn và các tài liệu kèm theo.

2. Nếu được cấp giấy phép thành lập và hoạt động sẽ chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến kinh doanh bảo hiểm và các quy định của giấy phép thành lập và hoạt động.

 

Ký tên và đóng dấu

(Người đại diện trước pháp luật hoặc người được chủ đầu tư uỷ quyền hợp lệ)

 

Hồ sơ kèm theo gồm có:

1. Điều lệ doanh nghiệp;

2. Phương án hoạt động năm năm đầu;

3. Danh sách, lý lịch, các văn bằng chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người quản trị, người điều hành doanh nghiệp

4. Mức vốn góp và phương thức góp vốn, danh sách những chủ đầu tư chiếm 10% số vốn điều lệ trở lên, tình hình tài chính và những thông tin khác có liên quan đến các chủ đầu tư đó;

 

PHỤ LỤC 2

MẪU GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG

(Ban hành kèm theo Thông tư số 98/2004/TT-BTC ngày 19/10/2004 của Bộ Tài chính)

 

BỘ TÀI CHÍNH

GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG

 

Số:

Ngày:

Cấp tại:

Nơi cấp: Bộ Tài chính

 

BỘ TÀI CHÍNH
Số:.....GP/KDBH
-----------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------

 

Hà Nội, ngày tháng năm 200...

 

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

- Căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 9/12/2000;
- Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ/CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
- Căn cứ Nghị định số 42/2001/NĐ-CP ngày 01/08/2001của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm;
- Xét đơn và hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động của............ ngày... tháng.... năm 200...

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập doanh nghiệp

Cho phép [Tên chủ đầu tư/sáng lập viên công ty

- Nếu là cá nhân phải ghi rõ họ và tên, ngày tháng năm sinh, nơi thường trú;

- Nếu là doanh nghiệp, tổ chức phải ghi rõ:

+ tên và địa chỉ giao dịch

+ ngày, tháng, năm thành lập, số giấy phép/quyết định thành lập;

+ họ tên, chức vụ của người đại diện cho doanh nghiệp, tổ chức đó].

được thành lập [tên đầy đủ, tên viết tắt và tên giao dịch; địa chỉ giao dịch và địa chỉ chi nhánh, nếu có; tư cách pháp lý của doanh nghiệp bảo hiểm/doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được thành lập] để kinh doanh bảo hiểm/hoạt động môi giới bảo hiểm theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm, các quy định khác của pháp luật và các quy định tại Giấy phép này.

Doanh nghiệp bảo hiểm có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và mở tài khoản tại ngân hàng theo các quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 2 - Vốn

Vốn điều lệ của [tên doanh nghiệp bảo hiểm/doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được thành lập] là:.... (nêu bằng số và bằng chữ), trong đó:

Tên các bên tham gia góp vốn Số vốn góp tính bằng tiền Tỷ lệ %

.............................................. ... .......................................... ............

.............................................. ... .......................................... ............

.............................................. ... .......................................... ............

.............................................. ... .......................................... ............

Điều 3. Lĩnh vực, nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động

[Tên của doanh nghiệp bảo hiểm/doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được thành lập] được phép tiến hành các hoạt động kinh doanh sau:

3.1. Lĩnh vực kinh doanh: [bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, môi giới bảo hiểm, tái bảo hiểm]

3.2. Các nghiệp vụ được phép tiến hành kinh doanh

[Kinh doanh bảo hiểm]:

[Kinh doanh tái bảo hiểm]:

[Đề phòng, hạn chế rủi ro, tổn thất]:

[Giám định tổn thất]:

[Đại lý giám định tổn thất, xét giải quyết bồi thường, yêu cầu người thứ ba bồi hoàn]:

[Quản lý quỹ và đầu tư vốn]:

[Các hoạt động khác theo quy định của pháp luật]:

[Hoạt động môi giới bảo hiểm: chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm]

-

-

3.3. Địa bàn hoạt động: [trên phạm vi cả nước hay trong những khu vực địa lý nhất định]

3.4 Đối tượng khách hàng:

Điều 4. Thời hạn hoạt động

[Tên doanh nghiệp bảo hiểm/doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được thành lập] được phép hoạt động trong thời hạn [ ] năm.

Điều 5. Nghĩa vụ nộp thuế

[Tên của doanh nghiệp bảo hiểm/doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được thành lập phải nộp các loại thuế sau:....

Điều 6. Điều kiện hoạt động

Trong quá trình hoạt động, [tên của doanh nghiệp bảo hiểm/doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được thành lập] phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, các quy định của Giấy phép thành lập và hoạt động, Điều lệ doanh nghiệp đã được Bộ Tài chính phê chuẩn.

Điều 7. Hiệu lực của giấy phép

Giấy phép thành lập và hoạt động này có hiệu lực từ ngày ký. Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày cấp Giấy phép thành lập và hoạt động, [tên của doanh nghiệp bảo hiểm/doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được thành lập] phải hoàn thành các thủ tục để khai trương hoạt động theo quy định của pháp luật và phải thông báo kết quả tiến hành các thủ tục trên cho Bộ Tài chính.

Sau thời hạn trên, nếu [tên của doanh nghiệp bảo hiểm/doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được thành lập] không hoàn thành các thủ tục đã quy định, Giấy phép thành lập và hoạt động này sẽ không còn hiệu lực.

Điều 8. Cấp giấy phép

Giấy phép thành lập và hoạt động này được lập thành 5 bản chính: 1 bản cấp cho [tên của doanh nghiệp bảo hiểm/doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được thành lập]; 1 bản lưu tại Bộ Tài chính; 1 bản gửi cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính; 1 bản gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và 1 bản gửi cho cơ quan đăng ký kinh doanh.

 

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

 

PHỤ LỤC 3

MẪU GIẤY PHÉP ĐIỀU CHỈNH

(Ban hành kèm theo Thông tư số 98/2004/TT-BTC ngày 19/10/2004 của Bộ Tài chính)

 

BỘ TÀI CHÍNH

GIẤY PHÉP ĐIỀU CHỈNH

 

Số:

Ngày:

Cấp tại:

Nơi cấp: Bộ Tài chính

 

BỘ TÀI CHÍNH
Số:.....GP/KDBH
-----------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------

 

Hà Nội, ngày tháng năm 200...

 

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

- Căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 9/12/2000;
- Căn cứ Nghị định số 77/2003/ NĐ/CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
- Căn cứ Nghị định số 42/2001/NĐ-CP ngày 01/08/2001của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm;
- Căn cứ Giấy phép thành lập và hoạt động số [ ], ngày [ ] tháng [ ] năm [ ] của Bộ trưởng Bộ Tài chính
- Xét đề nghị của [tên doanh nghiệp bảo hiểm/doanh nghiệp môi giới bảo hiểm]tại văn thư số [ ] ngày [ ] và hồ sơ kèm theo, nộp ngày [ ]...

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cho phép [tên doanh nghiệp bảo hiểm/doanh nghiệp môi giới bảo hiểm] được sửa đổi/bổ sung/điều chỉnh Giấy phép thành lập và hoạt động số [ ], ngày [ ] tháng [ ] năm [ ] của Bộ trưởng Bộ Tài chính với nội dung như sau:

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

Điều 2. Giấy phép điều chỉnh này là bộ phận không tách rời của Giấy phép thành lập và hoạt động số [ ], ngày [ ] tháng [ ] năm [ ] của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Giấy phép này đồng thời có giá trị là Giấy chứng nhận sửa đổi/bổ sung/điều chỉnh những nội dung quy định tại Điều 1 nêu trên.

Các nội dung quy định tại điều lệ của [tên doanh nghiệp bảo hiểm/doanh nghiệp môi giới bảo hiểm] và [hợp đồng liên doanh, trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm/doanh nghiệp môi giới bảo hiểm liên doanh] sẽ được sửa đổi phù hợp với các quy định của Giấy phép điều chỉnh này.

Giấy phép này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Giấy phép điều chỉnh này được lập thành 5 bản chính: 1 bản cấp cho [tên của doanh nghiệp bảo hiểm/doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được thành lập]; 1 bản lưu tại Bộ Tài chính; 1 bản gửi cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính; 1 bản gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và 1 bản gửi cho cơ quan đăng ký kinh doanh.

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

 

PHỤ LỤC 4

BẢNG TỶ LỆ HOA HỒNG BẢO HIỂM TỐI ĐA ÁP DỤNG CHO CÁC NGHIỆP VỤ BẢO HIỂM PHI NHÂN THỌ

(Ban hành kèm theo Thông tư số 98/2004/TT-BTC ngày 19/10/2004 của Bộ Tài chính)

STT

Nghiệp vụ

Tỷ lệ hoa hồng (%)

1.

Bảo hiểm sức khoẻ và bảo hiểm tai nạn con người

12

2.

Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại

5

3.

Bảo hiểm xây dựng và lắp đặt

5

4.

Bảo hiểm hàng hoá vận chuyển đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt và đường hàng không

6

5.

Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu đối với tàu biển và tàu pha sông biển

5

6.

Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu đối với tàu sông và tàu cá

10

7.

Bảo hiểm trách nhiệm chung

4

8.

Bảo hiểm hàng không

0,5

9.

Bảo hiểm xe cơ giới

5

10.

Bảo hiểm cháy, nổ tự nguyện

8

11.

Bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính

5

12.

Bảo hiểm thiệt hại kinh doanh

10

13.

Bảo hiểm nông nghiệp

10

14.

Bảo hiểm bắt buộc

a) Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe ô tô

b) Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ mô tô, xe máy

c) Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách

d) Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật

đ) Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm

e) Bảo hiểm cháy, nổ

 

5

12

3


3


3


8

 

PHỤ LỤC 5

BẢNG TỶ LỆ HOA HỒNG BẢO HIỂM TỐI ĐA ÁP DỤNG CHO CÁC NGHIỆP VỤ BẢO HIỂM NHÂN THỌ

(Ban hành kèm theo Thông tư số 98/2004/TT-BTC ngày 19/10/2004 của Bộ Tài chính)

I. Đối với các nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ cá nhân:

A. Trường hợp cho từng nghiệp vụ bảo hiểm riêng biệt: Hoa hồng bảo hiểm nhân thọ được áp dụng đối với các sản phẩm bảo hiểm chính theo bảng sau:

Đơn vị tính : %

Nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ

Tỷ lệ hoa hồng tối đa tính trên phí bảo hiểm toàn phần

Phương thức nộp phí bảo hiểm định kỳ

Phương thức nộp phí 1 lần

Năm hợp đồng thứ nhất

Năm hợp đồng thứ hai

Các năm hợp đồng tiếp theo

1. Bảo hiểm tử kỳ

40

20

15

15

2. Bảo hiểm sinh kỳ

- Thời hạn bảo hiểm 10 năm trở xuống

- Thời hạn bảo hiểm trên 10 năm

 

15

20

 

10

10

 

5

5

 

5

5

3. Bảo hiểm hỗn hợp:

- Thời hạn bảo hiểm 10 năm trở xuống

- Thời hạn bảo hiểm trên 10 năm

 

25

40

 

7

10

 

5

10

 

5

7

4. Bảo hiểm trọn đời

30

20

15

10

5. Bảo hiểm trả tiền định kỳ

15

10

7

7

B. Trường hợp kết hợp các nghiệp vụ bảo hiểm riêng biệt: Hoa hồng bảo hiểm nhân thọ được tính trên cơ sở tổng số hoa hồng của các nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ riêng biệt nêu trên.

II. Đối với nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ nhóm: Tỷ lệ hoa hồng tối đa bằng 50% các tỷ lệ tương ứng áp dụng cho các nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ cá nhân cùng loại.

 

PHỤ LỤC 6

TỶ LỆ HOA HỒNG TÁI BẢO HIỂM BẮT BUỘC

(Ban hành kèm theo Thông tư số 98/2004/TT-BTC ngày 19/10/2004 của Bộ Tài chính)

1. Đối với hợp đồng tái bảo hiểm cố định:

Nghiệp vụ tái bảo hiểm bắt buộc

Tỷ lệ hoa hồng tái bảo hiểm bắt buộc

(%)

1. Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại

- Nhóm các sản phẩm bảo hiểm xây dựng, lắp đặt...

- Nhóm sản phẩm bảo hiểm dầu khí

- Nhóm sản phẩm bảo hiểm khác phục vụ công trình đầu tư

 

26

15

24

2. Bảo hiểm hàng hoá vận chuyển đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt và đường không

20

3. Bảo hiểm hàng không

90% tỷ lệ hoa hồng tái bảo hiểm của cùng loại dịch vụ trên thị trường quốc tế.

4. Bảo hiểm cháy, nổ

27

5. Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự của chủ tàu

- Sản phẩm bảo hiểm thân tàu

- Sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu

 

22

15

Đối với nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ và nhóm sản phẩm bảo hiểm xây dựng, lắp đặt... Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm thoả thuận tỷ lệ hoa hồng lợi nhuận thực lãi tính theo năm tài chính.

2. Đối với hợp đồng tái bảo hiểm tạm thời: Tỷ lệ hoa hồng tái bảo hiểm bắt buộc bằng 90% tỷ lệ hoa hồng tái bảo hiểm của cùng loại dịch vụ trên thị trường quốc tế.

 

PHỤ LỤC 7

 MẪU CHỨNG CHỈ ĐÀO TẠO ĐẠI LÝ BẢO HIỂM

(Ban hành kèm theo Thông tư số 98/2004/TT-BTC ngày 19/10/2004 của Bộ Tài chính)

Tên cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm:

Địa chỉ giao dịch:

CHỨNG NHẬN

Ông/Bà: (Tên đầy đủ)

Ngày sinh:

Địa chỉ thường trú:

Đã hoàn thành chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm và thi đỗ kỳ thi cấp chứng chỉ đào tạo đại lý bảo hiểm.

Thời gian đào tạo từ ngày.............. đến ngày.................

Địa điểm đào tạo: tại

Chương trình đào tạo gồm các nội dung sau:

1/

2/

3/

4/

5/

 

 

 

..., ngày .. tháng ... năm ...

Người đại diện trước pháp luật của cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm

(Ký tên và đóng dấu)

 

Số chứng chỉ:

 

PHỤ LỤC 8

MẪU BÁO CÁO VỀ HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO ĐẠI LÝ BẢO HIỂM

(Ban hành kèm theo Thông tư số 98/2004/TT-BTC ngày 19/10/2004 của Bộ Tài chính)

- Tên cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm:

- Năm báo cáo: từ ngày đến ngày

Số thứ tự các khoá đào tạo trong năm

Số lượng đại lý bảo hiểm được đào tạo trong năm

Số lượng chứng chỉ đại lý bảo hiểm được cấp trong năm

1.

2.

 

 

Tổng số

 

 

Chúng tôi xin đảm bảo những thông tin trên là đúng sự thực.

Người lập biểu

(Ký và ghi rõ tên)

......, ngày .. tháng .. năm ...

Người đại diện trước pháp luật của cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm

(Ký và đóng dấu)

 

PHỤ LỤC 9

MẪU BÁO CÁO DANH SÁCH ĐẠI LÝ BẢO HIỂM

(Ban hành kèm theo Thông tư số 98/2004/TT-BTC ngày 19/10/2004 của Bộ Tài chính)

Tên doanh nghiệp bảo hiểm:

Kỳ báo cáo: từ              đến

Số thứ tự

Mã đại lý bảo hiểm

Họ và tên

Địa chỉ hoạt động

Ngày tuyển dụng

Ngày thôi việc

Ngày sinh

Trú quán

1

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

 

 

4

 

 

 

 

 

 

 

5

 

 

 

 

 

 

 

Chúng tôi xin đảm bảo những thông tin trên là đúng sự thực.

Người lập biểu

(Ký và ghi rõ tên)

 ..., ngày ... tháng ... năm ...

 Tổng giám đốc (Giám đốc)

(Ký và đóng dấu)

 

 

PHỤ LỤC 10

MẪU ĐƠN XIN CẤP GIẤY PHÉP ĐẶT VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN TẠI VIỆT NAM

(Ban hành kèm theo Thông tư số 98/2004/TT-BTC ngày 19/10/2004 của Bộ Tài chính)

 

[TÊN DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM, DOANH NGHIỆP MÔI GIỚI BẢO HIỂM NƯỚC NGOÀI]
 

ĐƠN XIN CẤP GIẤY PHÉP ĐẶT VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN TẠI VIỆT NAM

Kính gửi: Bộ Tài chính

Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài gửi Bộ Tài chính đơn xin đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam với các nội dung sau:

I. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài:

- Tên đầy đủ và tên viết tắt của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài;

- Địa chỉ của trụ sở chính, số điện thoại, fax;

- Vốn điều lệ (vốn đăng ký);

- Cơ quan cấp Giấy phép thành lập và hoạt động, ngày cấp và số của Giấy phép thành lập và hoạt động;

- Ngày thành lập, ngày đăng ký kinh doanh và ngày bắt đầu hoạt động;

- Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, ngày và số của Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

- Nội dung hoạt động chủ yếu :

II. Văn phòng đại diện xin đặt tại Việt Nam

- Tên đầy đủ và tên viết tắt của văn phòng đại diện tại Việt Nam:

- Địa điểm dự kiến đặt văn phòng đại diện:

- Mục đích chủ yếu xin đặt văn phòng đại diện:

- Số người làm việc tại văn phòng đại diện, trong đó:

+ Số người nước nước ngoài (tối đa)

+ Số người Việt Nam (tối thiểu)

- Thời hạn hoạt động của văn phòng đại diện dự kiến là ......năm

- Họ tên, năm sinh, quốc tịch Trưởng văn phòng đại diện

Chúng tôi cam kết trong thời gian hoạt động tại Việt Nam, văn phòng đại diện và các nhân viên của văn phòng đại diện tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật Việt Nam và hoạt động đúng nội dung mà Bộ Tài chính cho phép.

 

 

Ngày.........tháng...........năm..............

Ký đơn:

Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc người được Chủ tịch HĐQT uỷ quyền

 

PHỤ LỤC 11

MẪU GIẤY PHÉP ĐẶT VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN CỦA DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM, DOANH NGHIỆP MÔI GIỚI BẢO HIỂM NƯỚC NGOÀI

(Ban hành kèm theo Thông tư số 98/2004/TT-BTC ngày 19/10/2004 của Bộ Tài chính)

 

BỘ TÀI CHÍNH

GIẤY PHÉP ĐẶT VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN TẠI VIỆT NAM

 

Số:

Ngày:

Cấp tại:

Nơi cấp: Bộ Tài chính

 

BỘ TÀI CHÍNH
Số:.....GP/VPĐD
-----------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------

 

Hà Nội, ngày tháng năm 200...

 

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

- Căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 9/12/2000;
- Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ/CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
- Xét đơn và hồ sơ xin cấp giấy phép đặt văn phòng đại diện tại [nơi dự kiến đặt văn phòng đại diện] của [tên doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài] ngày... tháng.... năm 200...

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập văn phòng đại diện

Cho phép [Tên doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài

+ địa chỉ giao dịch: ................

+ quốc tịch: ................

+ ngày, tháng, năm thành lập, số giấy phép/quyết định thành lập: ................

được đặt văn phòng đại diện tại [nơi dự kiến đặt văn phòng đại diện]

Điều 2 - Tên chính thức của Văn phòng đại diện

[tên của văn phòng đại diện]

Điều 3. Số lượng nhân viên của Văn phòng đại diện

là người, trong đó:

- Số người từ nước ngoài vào: người;

- Số người địa phương: người;

Điều 4. Phạm vi hoạt động

1. Phạm vi hoạt động của văn phòng đại diện:
- Làm chức năng văn phòng liên lạc của [tên doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài];

- Nghiên cứu thị trường;

- Xúc tiến xây dựng các dự án đầu tư của [tên doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài];

- Thúc đẩy và theo dõi việc thực hiện các dự án do [tên doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài] tài trợ Việt Nam.

2. Văn phòng đại diện [tên của văn phòng đại diện] không được thực hiện các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Điều 5. Thời hạn hoạt động

Giấy phép này có giá trị đến ngày tháng năm

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

 

PHỤ LỤC 12

MẪU VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ ĐĂNG KÝ SẢN PHẨM BẢO HIỂM

(Ban hành kèm theo Thông tư số 98/2004/TT-BTC ngày 19/10/2004 của Bộ Tài chính)

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------------------

...., ngày.... tháng.... năm 200...

Kính gửi: Bộ Tài chính

Căn cứ Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 9/12/2000 và các văn bản hướng dẫn thi hành, ... (tên doanh nghiệp bảo hiểm ) đề nghị được đăng ký .... (tên sản phẩm bảo hiểm) theo quy định với các nội dung chính của sản phẩm như sau:

1. Tên sản phẩm bảo hiểm: (viết rõ cả tên thương mại và ký hiệu sản phẩm nếu có)

2. Nghiệp vụ bảo hiểm: (viết rõ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nào) được quy định tại điểm... mục ... Điều ... Giấy phép thành lập và hoạt động (Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện kinh doanh bảo hiểm) số .... ngày ....tháng ... năm... do Bộ Tài chính cấp cho doanh nghiệp.

3. Nội dung chính của sản phẩm bảo hiểm: (ghi tóm tắt các nội dung cơ bản)

- Đối tượng bảo hiểm:

- Phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, điều khoản bảo hiểm:

- Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm:

- Thời hạn bảo hiểm, thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm, thời điểm chấm dứt trách nhiệm bảo hiểm:

...(tên doanh nghiệp bảo hiểm) xin chịu trách nhiệm về sự chính xác và phù hợp với pháp luật của quy tắc, điều khoản, biểu phí (tên sản phẩm bảo hiểm).

 

Ý KIẾN CỦA BỘ TÀI CHÍNH

TỔNG GIÁM ĐỐC (GIÁM ĐỐC)

(Ký tên và đóng dấu)

 

INISTRY OF FINANCE

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence Freedom Happiness

No. 98/2004/TT-BTC

Hanoi, October 19th, 2004

 

CIRCULAR

ON PROVIDING GUIDELINES FOR IMPLEMENTATION OF DECREE 42/2001/ND-CP OF THE GOVERNMENT DATED 1 AUGUST 2001 PROVIDING DETAILED REGULATIONS FOR IMPLEMENTATION OF A NUMBER OF ARTICLES OF THE LAW ON INSURANCE BUSINESS

Pursuant to the Law on Insurance Business 24/2000/QH10 dated 9 December 2000;
Pursuant to Decree 42/2001/ND-CP of the Government dated 1 August 2001 providing detailed regulations for implementation of a number of articles of the Law on Insurance Business;
Pursuant to Decree 77/2003/ND-CP of the Government dated 1 July 2003 on functions, duties, powers and organizational structure of the Ministry of Finance;

The Ministry of Finance provides the following specific guidelines:

I. ESTABLISHMENT AND OPERATION OF INSURERS AND INSURANCE BROKERS

1. Application file for issuance of licence for establishment and operation:

1.1 An application file in accordance with article 64 of the Law on Insurance Business shall comprise:

1.1.1 An application form for issuance of a licence prepared in the sample form in Appendix 1 to this Circular and signed by the legal representative of, or the person authorized by, the investor;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1.1.3 List, curriculum vitae and notarised data about company managers and operators proving their ability, skills and professional qualifications;

1.1.4 Levels of capital contribution, list of organizations and individuals owning 10% or more of the charter capital, and financial and other information on such organizations and individuals;

1.1.5 Rules, terms and conditions, premium rates, and insurance commission scales for the insurance products proposed to be provided;

1.1.6 For an insurance broking enterprise, an application file for issuance of a licence shall not contain item 1.1.5 above, and the operational plan for the first five years of a broker shall not include methods of establishing professional reserves, a reinsurance program, investment capital nor [data proving] solvency of the enterprise.

1.2. In addition to the documents stipulated in clause 1.1 above and depending on the type of enterprise proposed to be established, the application for issuance of a licence must include the following data:

1.2.1 For a State owned insurer or insurance broker:

(a) Draft charter of the enterprise containing the principal items as stipulated in the Law on Enterprises and its implementing guidelines;

(b) Letter from the body which made the decision on establishment of the enterprise, agreeing to it conducting insurance business or insurance broking business;

(c) Explanatory statement of the capital sources funding the establishment of the insurance enterprise or insurance broking enterprise, certified by the competent body.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



(a) Draft charter of the enterprise containing the principal items as stipulated in the Law on Enterprises and its implementing guidelines;

(b) Minutes of meeting of the investors on the establishment of a shareholding insurance company, shareholding insurance broking company, limited liability insurance broking company, private insurance broking enterprise or insurance broking partnership;

(c) Certification by the competent body of the legal capacity of the investors and founding shareholders:

- If the investor is a legal entity, it must lodge a notarised copy of the decision on establishment of the enterprise, the business registration certificate, and the investment licence (if any);

- If the investor is an individual he must lodge his curriculum vita in the form stipulated by law.

(d) Certification of the legality of the funding sources for establishing the company:

- If the investor is a legal entity, it must lodge audited financial statements for the 3 most recent years;

- If the investor is an individual he must lodge bank certification of the balance in his deposit account, or a term deposit certificate with at least six months of the term remaining (from the date of lodging the application file), or a certificate of a deposit account in the investor's own name. Files and documents on land and housing shall not be used to prove an investor's financial capacity and ability to contribute capital;

(dd) Power of attorney to the investors' representative;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1.2.3 For an insurance enterprise or insurance broking enterprise with 100% foreign owned capital:

(a) Draft charter of the insurer with 100% foreign owned capital containing the principal items stipulated in the Law on Foreign Investment in Vietnam and its implementing guidelines;

(b) Charter of the foreign investor;

(c) Operational licence of the foreign investor;

(d) Letter of confirmation from a competent foreign body:

- Permitting the foreign investor to establish an enterprise with 100% foreign owned capital in Vietnam; and if the regulations of the country where the foreign investor has its head office do not require such a letter of approval, then there must be evidence confirming this;

- Confirming the foreign investor is permitting to conduct the type of insurance business proposed to be conducted in Vietnam;

- Confirming the foreign investor is in a healthy financial state and satisfies the regulatory requirements of his own country.

1.2.4 For a joint venture insurance enterprise or insurance broking enterprise:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



(b) Charter of the joint venture enterprise containing the principal items stipulated in the Law on Foreign Investment in Vietnam and its implementing guidelines;

(c) Charter of the foreign party to the joint venture;

(d) Operational licence of the foreign party to the joint venture;

(dd) Letter of confirmation from the authorized foreign body:

- Permitting the foreign investor to establish a joint venture insurance enterprise in Vietnam; and if the regulations of the country where the foreign investor has its head office do not require such a letter of approval, then there must be evidence confirming this;

- Confirming the foreign investor is permitting to conduct the type of insurance business proposed to be conducted in Vietnam;

- Confirming the foreign investor is in a healthy financial state and satisfies the regulatory requirements of his own country.

(e) Letter from the authorized body permitting the Vietnamese party to contribute capital to the joint venture;

(g) Explanatory statement of the sources funding the Vietnamese party, certified by the competent body.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Procedures for receiving and dealing with applications for a licence:

2.1. An application file for issuance of a licence shall be received and checked by the Ministry of Finance on the following bases:

2.1.1 The requisite number of sets and the requisite number of documents to be included in the file;

2.1.2 The validity of the application for the licence;

2.1.3 The documents certifying legal entity status and financial status of the investor.

2.2. Within a time-limit of sixty (60) days from the date of receipt of a complete application file for issuance of a licence from an investor, the Ministry of Finance shall make a decision to issue or to refuse to issue a licence. In the case of refusal, the Ministry of Finance shall provide a written explanation.

During evaluation of an application file for issuance of a licence, and within a time-limit of fifteen (15) working days from the date of receipt of a complete application file as stipulated in clause 2.1 above, the Ministry of Finance may send a notice to the investor to amend or add to the file where it considers it necessary.

The investor shall provide amendments or additions within a time-limit of thirty (30) working days from the date of receipt of such request from the Ministry of Finance. If the investor fails to complete the file as required within the time-limit for providing amendments and additions to the application file for issuance of a licence, including any extension thereof, the application file shall no longer be valid for consideration.

2.3. A licence shall be issued in the sample form in Appendix 2 (attached to this Circular).

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3.1. An application for issuance of a licence shall be evaluated on the following bases:

3.1.1 Law on Insurance Business and its implementing guidelines;

3.1.2 Other relevant laws.

3.2. An application for issuance of a licence shall be evaluated with respect to the following:

3.2.1 Evaluation of legal entity status and financial status of the investor by reference to:

(a). Document establishing the enterprise and the organizational and operational charter of the enterprise (where the investor is a legal entity) or the document proving legal entity status (where the investor is an individual);

(b). Audited financial statements for the preceding three consecutive years (where the investor is a currently operating legal entity), including revenue, asset value, and annual profit; the ability of the investor to raise capital, and evidence from banks of balances in deposit accounts of the investor (where the investor is an individual); assistance from the head company (if any);

(c). Capital levels, amount of deductions for insurance reserves and other reserve funds in accordance with regulations; investment activities, and business plan of the insurance enterprise or insurance broking enterprise proposed to be established.

3.2.2 Evaluation of consistency of establishing the insurance or insurance broking enterprise with socio-economic planning and interests:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



(b). Consistency shall be considered on the basis of the following specific items:

-. Ensuring the healthy development of the insurance market;

-. Requirements of the national economy for the types of insurance products proposed to be marketed;

-. Consideration of the ability to develop the potential of domestic insurance and the ability of the domestic market to retain premiums; the ability to create jobs;

-. Process of integration and development of commercial relationships between Vietnam and other countries.

3.2.3 Evaluation of insurance products in application for issuance of a licence:

(a). Whether the regulations, terms and conditions, and premium scales which have been drafted are consistent with the current provisions of the law, whether they are economically and technically feasible, and whether they are consistent with Vietnamese socio-economic conditions, customs and practices;

(b). Development of new insurance products which insurers currently operating in the market are unable to provide shall be encouraged.

4.. Fees for issuance of licence:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Amendment of or addition to licence:

The procedures for approving changes under article 69 of the Law on Insurance Business shall be specifically implemented as follows:

5.1. Changing the name of an enterprise:

An insurer or insurance broker wishing to change the name of its enterprise shall forward to the Ministry of Finance an application for a change of name signed by the legal representative of, or person authorized by, the enterprise and the written confirmation of the change of name from the competent body or person having authority of the enterprise.

5.2. Increasing or decreasing charter capital of an insurer or insurance broker:

An insurer or insurance broker wishing to increase or decrease charter capital of the enterprise shall forward to the Ministry of Finance the following:

5.2.1 Explanatory statement of the increase or decrease in charter capital, bearing the signature of the legal representative of, or person authorized by, the enterprise and specifying the amount of the increase or decrease, the reasons for it, the plan for use of capital, and the period within which it is proposed to be implemented;

5.2.2 The written approval of the competent body or person having authority of the enterprise of the increase or decrease in the charter capital;

5.2.3 Explanatory statement of the financial sources used for increase in capital, in the case of increase in charter capital.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5.3.1 An application file for the opening of a branch or representative office of an insurer or insurance broker shall be implemented in accordance with the provisions in articles 11 and 12 of Decree 42/2001/ND-CP of the Government dated 1 August 2001 providing detailed regulations for implementation of a number of articles of the Law on Insurance Business.

5.3.2 An application file for the opening of an overseas branch or representative office of an insurer or insurance broker shall be implemented in accordance with the provisions of the laws relating to investment overseas.

5.3.3 An application file for the termination of a branch or representative office of an insurer or insurance broker shall comprise:

-. Application requesting termination of operation;

- Report on status of operation of the branch or representative office in the preceding three years. Where the branch or representative office has not been operating for three years, a report on the status of operation from the time of commencement of operation shall be required;

- Responsibilities and matters arising out of the termination of operation.

5.4. Changing the location of a head office, branch or representative office of an insurer or insurance broker:

An insurer or insurance broker wishing to change the location of its head office, branch or representative office shall forward to the Ministry of Finance an application file for change of the location of its head office, branch or representative office signed by the legal representative of, or person authorized by, the enterprise.

5.5. Changing the area, scope or duration of operation:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5.6. Transferring shares or capital contribution share:

An application for the transfer of shares or capital contribution share amounting to ten (10) per cent or more of the charter capital shall be prepared in one set and submitted to the Ministry of Finance, and shall comprise the following documents:

5.6.1 Application for the transfer of shares or capital contribution share amounting to ten (10) per cent or more of the charter capital, signed by the legal representative of, or person authorized by, the enterprise. The application shall specify the number and value of the shares, the proportion of capital contribution to be transferred, and the reasons for the transfer;

5.6.2 Information on the organization or individual being the transferee of the shares or capital contribution share;

5.6.3 Contract for transfer of the shares or capital contribution share.

5.7. Changing the chairman of the board of management or the general director (director):

5.7.1 No later than fifteen (15) days prior to the date of issuance of the written appointment or removal, either during a term or at the end of a term, of the chairman of the board of management or the general director (director) of an insurer or insurance broker, the chairman of the board of management or the person authorized by him shall forward to the Ministry of Finance a request for approval of the change.

5.7.2 An application file for change of the chairman of the board of management or the general director (director) shall comprise:

(a) Written request for approval of change;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



(c) Curriculum vita of the appointee, certified by the board of management or the person authorized by the insurer or insurance broker;

(d) Certificates and diplomas showing the professional qualifications and expertise of the new chairman of the board of management or the general director (director) who is to be appointed;

(dd) Minutes of the meeting which approved the appointment or removal of the chairman of the board of management or the general director (director) of the insurer or insurance broker, (if any).

5.8. Division, split, merger, consolidation, dissolution, or conversion of the form of an enterprise:

The application, the procedures and the time-limit for resolution of any request for division, split, merger, consolidation, dissolution, or conversion of the form of an enterprise shall be implemented in accordance with the provision of the relevant laws.

5.9. Time-limit for resolution of requests for amendment of or addition to licence:

Within a time-limit of thirty (30) days from the date of receipt by the Ministry of Finance of a complete file requesting amendment of or addition to the licence of an insurer or insurance broker as stipulated in clauses 5.1 to 5.8 of Part I of this Circular, the Ministry of Finance shall notify the enterprise of its approval or refusal to approve the request of the enterprise. In the case of refusal to approve, written reasons must be provided. In the case of approval, the Ministry of Finance shall provide an amended licence in the sample form in Appendix 3 (attached to this Circular). The amended licence shall be an integral part of the licence for establishment and operation of the insurance enterprise.

II. INSURANCE OPERATIONS

1. Registration of insurance regulations, terms and conditions, and premium scales applicable to insurance products:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1.2. An insurer may only register insurance rules, terms and conditions, and premium rates applicable to insurance products for the insurance business it is authorized to conduct in its licence for establishment and operation (or certificate of satisfaction of all standards and conditions for insurance business) issued to the insurer by the Ministry of Finance.

1.3. An insurer shall be responsible for the contents and legality of the insurance rules, terms and conditions, and premium rates applicable to insurance products which it registers with the Ministry of Finance.

1.4. At the time of registration of its rules, terms and conditions, and premium rates for insurance products, an insurer shall submit to the Ministry of Finance the following documents:

1.4.1 Written request for registration of an insurance product in the sample form in Appendix 12 to this Circular;

1.4.2 Rules, terms and conditions, and premium rates which the insurer proposes to apply (in Vietnamese). In the case of insurance products underwritten pursuant to international practice such as maritime and aviation insurance and so forth, then the rules, terms and conditions, and premium rates may be registered in English.

1.5. Within a time-limit of 3 working days from the date an insurer lodges complete documents for registration of insurance rules, terms and conditions, and premium rates, the Ministry of Finance shall certify that the insurer has finalised the procedures for registration of such insurance rules, terms and conditions, and premium rates.

1.6. If an insurer needs to change or amend the insurance rules, terms and conditions, and premium rates of its insurance products which have been registered with the Ministry of Finance, it must register such changes following the procedures set out in clause 1.4 above. In the case of special risks or risks not yet fully mentioned in the insurance rules, terms and conditions, and premium rates which have already been registered with the Ministry of Finance, then the insurer and the purchaser of insurance shall be permitted to agree the insurance conditions and the premium rates so that the risk will be insured, and then the procedures for registration of the product shall be conducted after the contract is signed.

2. Approval of insurance products:

2.1. Prior to underwriting life, health or personal accident insurance, an insurer must file an application for approval of the particular insurance product, comprising:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2.1.2 Rules, terms and conditions, premium rates and commission applicable to the insurance product which the insurer proposes to underwrite;

2.1.3 Formula and methods for calculating premium and reserves, with an explanation of the bases for same, relevant to the insurance product which the insurer proposes to underwrite;

2.1.4 Relevant data comprising sample form for request for insurance cover, the insurer's explanatory material on its products and services, any sales literature the insurer uses, and sample forms of information which a client must disclose and sign when purchasing insurance.

In the case of life products which distribute dividends, the bases for calculating premium for the proposed product must include principles, methods and the percentage dividend distribution the insurer promises to clients which must not be less than 70% of the total revenue from the insurance contract following the method which has been agreed by the Ministry of Finance. This provision shall only apply to contracts for life products which distribute dividends and which are signed as from 1 January 2006.

2.2 The rules and conditions which an insurer submits to the Ministry of Finance for approval must ensure:

2.2.1 That purchase of subsidiary products or riders to the main product is not a mandatory condition for maintaining effectiveness of the main insurance product;

2.2.2 That there are no terms and expressions which are difficult to understand, vague or ambiguous; or if such terms must be used, then insurers must fully define them and provide a full explanation of them so as to avoid misunderstanding on the part of clients;

2.2.3 The application file for approval of a life product must be signed by the head of the enterprise or his legally appointed proxy, and must be certified by an appointed actuary approved in accordance with the provision in Part III below.

3. Provisions on underwriting life insurance:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3.1.1 To ensure that their brochures use terms and expressions which are simple, clear and easy to understand, and do not include any information which will confuse clients;

3.1.2 When describing products, to distinguish clearly between benefits which the client is guaranteed to receive and benefits which are non-guaranteed, and to notify clients of the total insurance benefits receivable pursuant to any non-guaranteed contract when those benefits are variable;

3.1.3 At least once each year, insurers must check the assumptions used in the explanations in their brochures. If the assumptions are no longer consistent with the actual situation, insurers must amend their sales brochures accordingly;

3.1.4 To ensure that the brochures which introduce life insurance products and services do not contain information about insured interests which is contrary to the rules, terms and conditions already approved by the Ministry of Finance.

3.2. Sales literature:

3.2.1 An insurer must provide clients with sales literature giving illustrations or examples of its insurance products, either directly or via agents or brokers permitted to operate in Vietnam;

3.2.2 Assumptions used to make calculations in sales literature must be approved by an actuary appointed by the insurer before such sales literature is used in order to be provided to clients; and sales literature must be clear, complete and accurate so as to help clients make an appropriate choice;

3.2.3 Insurers shall be liable for the accuracy of the brochures which introduce their products and services and of all their sales literature, and insurers shall be liable to keep such material up-dated throughout the whole period of its use.

3.2.4 Insurers shall explain in their sales literature the conditions for receipt of surrender value together with the benefits and specific sum which the client will receive as surrender value, and must specify if such benefits are guaranteed or non-guaranteed.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



If an insurance policy does not contain specific provisions, then an insurer must provide a client with the following information in writing when the insurer issues the policy:

3.3.1 Method of paying premium and dates when periodical payments of premium are due;

3.3.2 Name of an individual or of a section within the enterprise to contact if the client requires assistance or if the client needs to have any contract issue resolved;

3.3.3 Responsibility of the client to notify the insurer of any change of address of the person participating in insurance.

Insurers must provide annual notice to policy owners of the status of their contracts.

3.4. Surrender value of life insurance contracts:

3.4.1 A life insurance contract shall only have a surrender value after it has been effective for twenty four (24) months or more in the case of insurance contracts with periodical payments of premium;

3.4.2 Insurers shall have the right to deduct unpaid debts prior to payment of surrender value to the insurance purchaser.

4.. Publication of list of insurance products:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Insurance commissions:

5.1. Insurers may only pay insurance commissions from that part of insurance premium actually collected in accordance with the rates of insurance commission stipulated by the Ministry of Finance for each type of insurance product to the entities specified in article 20 of Decree 42/2001/ND-CP of the Government dated 1 August 2001 providing detailed regulations for implementation of a number of articles of the Law on Insurance Business.

5.2. Insurance commissions shall be treated as a cost of the insurer payable to insurance brokers and insurance agents. An insurer may on its own initiative use insurance commissions for the following items of expenses:

5.2.1 Initial operating expenses (finding, persuading and introducing clients);

5.2.2 Expenses of collecting premiums;

5.2.3 Expenses of monitoring insurance contracts and persuading clients to maintain them.

5.3 The maximum permissible rates of insurance commission payable to insurance agents shall be as stipulated in Appendix 4 List of Maximum Rates of Insurance Commission Applicable to Non-Life Insurance Products and Appendix 5 List of Maximum Rates of Insurance Commission Applicable to Life Insurance Products attached to this Circular.

Insurance commission applicable to a package insurance contract shall be calculated as the total commission for each risk insured by the package contract.

5.4. Rates of insurance commission payable to an insurance broker shall be implemented in accordance with the agreement between the insurer and the broker, consistent with the laws of Vietnam and with international practice. Depending on the scope, level and contents of the insurance broking services which are provided, insurance commission may be paid to an insurance broker up to fifteen (15) per cent of the amount of premium actually collected.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. A life insurance enterprise must use an appointed actuary to fulfil the following duties:

1.1. To sign, together with the general director (director) of the life insurance enterprise, an application file for approval of an insurance product;

1.2. To establish mathematical reserves for life insurance contracts in accordance with law;

1.3. To approve distribution of any annual surplus of the policy owners' fund on a fair and reasonable basis and in compliance with law;

1.4. To assess the financial capacity of the life insurer by checking its solvency at the end of each accounting period;

1.5. To provide quarterly and annual reports to the board of management of the life insurer on the current financial status and future prospective financial status of such life insurer;

1.6. To promptly report in writing to the general director (director) and board of management of the life insurance company any irregular incidents which may prejudice the financial status of such life insurer, and to propose remedial measures;

1.7. If a life insurer fails to apply the appropriate remedial measures within a reasonable time- limit as proposed by the appointed actuary to overcome financial difficulties, then the appointed actuary shall be responsible to pass onto the Ministry of Finance a copy of the above-mentioned report so that the Ministry of Finance may deal with the matter.

2. An appointed actuary must satisfy the following standards:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2.2. Have good professional ethics, not have committed any breach of professional conduct of actuaries, and not be subject to criminal prosecution for any crime relating to his profession;

2.3. Be a staff member of the insurance enterprise or of a company providing actuarial consultancy, or practise independently as an individual actuary.

3. An appointed actuary may not concurrently hold one of the following positions:

3.1. General director;

3.2. Chief accountant;

3.3. Member of the board of management.

4. Procedures for approval of appointed actuaries:

4.1. The board of management of a life insurance enterprise, or the general director (director) where there is no board of management, shall be responsible to assign an appointed actuary to carry out the work stipulated in clause 1 above. The Ministry of Finance must provide prior approval in writing of an appointed actuary.

4.2. An application file for approval of an appointed actuary shall comprise:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4.2.2 Evidence, curriculum vita and data about the proposed appointed actuary proving his ability and professional qualifications;

4.2.3 Notarised copy of a certificate proving membership of a recognised Association of Actuaries.

5. Procedures for approval of a change in the appointed actuary:

If an insurance company changes its appointed actuary, it must forward the Ministry of Finance an application file for approval of the change, comprising:

5.1. Written request to the Ministry of Finance to relieve the current appointed actuary and to approve a new appointed actuary, signed by the chairman of the board of management or by the general director (director) where there is no board of management;

5.2. Evidence, curriculum vita and data about the proposed new appointed actuary proving his ability and professional qualifications;

5.3. Notarised copy of a certificate proving the proposed new appointee's membership of a recognised Association of Actuaries.

6. Cessation of status as appointed actuary:

The status of a person as appointed actuary shall automatically cease in the following circumstances:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6.2. Written request from the insurance enterprise for a change in the appointed actuary;

6.3. Within a time-limit of fifteen (15) days from the date of receipt of a complete file as prescribed above, the Ministry of Finance shall provide written approval. In the case of refusal, the Ministry of Finance shall provide a written explanation.

7. The provisions on appointed actuaries shall apply as from 1 January 2006.

IV. REINSURANCE ACTIVITIES

1. Insurers shall arrange compulsory reinsurance as provided in article 22 of Decree 42/2001/ND-CP of the Government dated 1 August 2001 providing detailed regulations for implementation of a number of articles of the Law on Insurance Business.

The list of products which must be reinsured shall comprise:

1.1. Property insurance and damage insurance;

1.2. Insurance for goods in transit by road, sea, river, rail and air;

1.3. Aviation insurance;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1.5. Hull insurance and ship owner's civil liability insurance.

2. Insurance commissions shall be paid by Vinare to insurers which compulsorily cede part of their liability, in accordance with Appendix 6 to this Circular.

3. Reinsurance business activities:

3.1. When insurers arrange reinsurance overseas, they may only arrange reinsurance with a reinsurance company which satisfies the following conditions:

3.1.1 The company has financial capacity and operational experience in the market;

3.1.2 At the time of arranging reinsurance overseas, the company is classified at least "BBB" by Standard & Poor's, "B++" by A. M. Best, "Baa" by Moody's or achieves an equivalent classification result.

If reinsurance is arranged with the parent company overseas or with another company in the group which does not have the credit rating prescribed in this clause, then the insurer must report this to the Ministry of Finance.

3.2. Insurers may only retain the maximum liability for each risk or each loss up to 10% of owner's equity, and liability in excess of such 10% must be reinsured.

V. INSURANCE AGENTS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1.1. Any insurance agent training establishment wishing to organize insurance agency training must forward a written request to the Ministry of Finance for approval of the program for insurance agency training in accordance with the provisions of article 31.3 of Decree 42/2001/ND-CP.

1.2. Issuance of certificates of training as insurance agent:

1.2.1 Only insurance agent training establishments which have been permitted to operate by the Ministry of Finance shall have the right to issue certificates of training as an insurance agent. People issued with a certificate must have completed a program for training insurance agents and must have passed an exam for the issuance of such certificates.

1.2.2 Certificates of training as insurance agent shall be issued in the uniform sample form (Appendix 7 to this Circular).

1.3. Annually, at the latest by 30 January of the following year, insurance agent training establishments shall forward to the Ministry of Finance reports (in the sample form in Appendix 8) on the number of training courses held, the number of agents trained, and the number of certificates of training as insurance agent issued in the year. Quarterly, no later than the fifteenth day of the first month of the following quarter, insurers shall forward to the Ministry of Finance lists of insurance agents of the insurer (in the sample form in Appendix 9 to this Circular).

2. Rights and obligations of insurers and insurance agents:

2.1. The rights and obligations of insurers in administration of insurance activities, and the rights and obligations of insurance agents shall be as stipulated in articles 29 and 30 of Decree 42/2001/ND-CP of the Government dated 1 August 2001 providing detailed regulations for implementation of a number of articles of the Law on Insurance Business.

2.2. Insurers shall be prohibited from signing an insurance agency contract with an individual with whom another insurer has compulsorily terminated his agency contract for a serious breach of the law and of the agency contract, for three years from the date of such termination.

When an insurer compulsorily terminates an agency contract for the above-mentioned reason, such insurer shall notify the Vietnam Insurance Association so that the Association may in turn notify all other insurers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3.1. To provide false information or false advertising about contents, scope of operation of the insurer, and insurance conditions and terms, thereby harming the legal rights and interests of purchasers of insurance;

3.2. To prevent purchasers of insurance providing information or incite them not to declare all details, as relevant to insurance contracts;

3.3. To compete for clients by obstruction, coercion, enticement or threats to staff or clients of other insurers, insurance agents or brokers;

3.4. To promote clients by unlawful means by promising to provide them with a reduction or refund of premiums or other benefits which are not provided by the insurer;

3.5. To incite purchasers of insurance to rescind current insurance contracts in order to purchase new ones.

4. Supervision by the Ministry of Finance of the activities of insurers and of the Vietnam Insurance Association in training and employing insurance agents:

4.1. Insurers and the Vietnam Insurance Association shall be responsible before the law for all of their activities in training and employing insurance agents;

4.2. The Ministry of Finance may conduct periodical or one-off inspections of insurers or of the Vietnam Insurance Association of their recruitment, training, management and use of insurance agents.

The above inspections must not interfere with the normal activities of insurers or the Vietnam Insurance Association.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



VI. INSURANCE BROKERS

1. Principles in insurance broking activities:

Insurance brokers shall only be permitted to advise on, or to offer to parties purchasing insurance, the insurance regulations, terms and conditions, and premium scales which have been issued or approved by the Ministry of Finance, or which an insurer has registered with the Ministry of Finance.

2. Payment of premiums and payment of insurance indemnity through insurance brokers:

2.1. An insurer may authorize an insurance broker to collect premiums or to pay indemnity or insurance proceeds.

2.2. Where an insurer authorizes an insurance broker to collect premiums, the responsibility of the purchaser of insurance to pay the premium shall be fully discharged when the purchaser pays the premium in accordance with the agreement in the insurance contract to the insurance broker.

Where an insurer authorizes an insurance broker to collect premiums and the purchaser of insurance pays the premium in accordance with the agreement in the insurance contract, the broker shall be responsible to pay the above premium to the insurer within the period agreed by the insurer and the insurance broker. Where no agreement on period for payment is made, the broker shall be responsible to pay the above premium to the insurer at the earliest time, but within seven days of receipt at the latest.

2.3. Where an insurer authorizes an insurance broker to pay insurance proceeds or indemnity, the insurer shall remain liable to the insured person or to the beneficiary for the amount that the insurer is liable to pay to such insured person or beneficiary.

2.4. Where an insurer authorizes an insurance broker to pay insurance proceeds or indemnity, the insurance broker shall be responsible to pay such sum to the insured person or to the beneficiary immediately upon receipt of such sum by the broker from the insurer.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3.1. To prevent purchasers of insurance providing information or incite them not to declare all details, as relevant to insurance contracts;

3.2. To promote clients by promising to provide them with unlawful benefits in order to induce them to enter into an insurance contract;

3.3. To induce purchasers of insurance to rescind current insurance contracts in order to purchase new ones.

VII. REPRESENTATIVE OFFICES OF FOREIGN INSURERS AND FOREIGN INSURANCE BROKERS IN VIETNAM

1. Application file for issuance of licence for establishment of representative office:

1.1. A foreign insurer or a foreign insurance broker wishing to establish a representative office in Vietnam shall forward to the Ministry of Finance a file as stipulated in article 110 of the Law on Insurance Business.

1.2. An application to establish a representative office in Vietnam shall bear the signature of the chairman of the board of management or person authorized by the foreign insurer or foreign insurance broker and shall be in the sample form in Appendix 10 to this Circular.

1.3. Licences for establishment of a representative office of a foreign insurer or broker in Vietnam shall be issued in the sample form in Appendix 11 to this Circular.

1.4. Within a time-limit of thirty (30) days from the date of receipt of a complete application file for issuance of a licence for establishment of a representative office, the Ministry of Finance shall notify the enterprise of its approval or refusal of approval of the request of the enterprise. In case of non-approval, written reasons must be provided. In case of approval, the Ministry of Finance shall issue a licence for establishment of a representative office of a foreign insurer or insurance broker in Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Reports on operations by representative offices:

2.1. Representative offices of foreign insurers or foreign insurance brokers in Vietnam shall provide six-monthly and annual reports on their operations to the Ministry of Finance and to the people's committee of the province or city where they have opened their offices.

Reports for the first six months of the year must be forwarded prior to 30 July, and annual reports prior to 1 March of the following year.

2.2. Contents of reports:

2.2.1 Organizational structure of the representative office, its personnel, and the number of Vietnamese and foreigners respectively working in the office;

2.2.2 Main activities:

(a) Marketing activities;

(b) Relationship between the representative office and Vietnamese insurers, brokers and economic organizations;

(c) Consultancy activities, training activities;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2.2.3 Direction of activities to be taken in the immediate future.

2.3 In necessary cases, the Ministry of Finance may require a representative office to provide a random report in addition to the above periodical reports, or to provide information or to explain issues relating to its activities.

3. Change in contents of a licence:

3.1. If a representative office wishes to change any of the following listed details in its licence for establishment, the foreign insurer or broker shall forward a request to the Ministry of Finance for an amendment to its licence:

3.1.1 A change of name or a change of nationality of the foreign insurer or insurance broker, or a change of name of the representative office;

3.1.2 A change in the operational items of the representative office.

Within a time-limit of seven days from the date of receipt of a written request from a foreign insurer or broker, the Ministry of Finance shall notify the enterprise of its approval or refusal of approval of the request of the enterprise. In case of non-approval, written reasons must be provided.

3.2. In the case of an increase or decrease in the number of foreigners working in a representative office or change of address of a representative office, the foreign insurer or insurance broker must provide immediate written notification thereof to the Ministry of Finance.

4. Extension of operation of a representative office:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4.1.1 An application for extension of the representative office signed by the chairman of the board of management of, or the person authorized by the foreign insurer or foreign insurance broker;

4.1.2 Licence for establishment and operation of the foreign insurer or foreign insurance broker;

4.1.3 Copy licence for establishment of the representative office plus any previous decision on extension of operation;

4.1.4 Summarised report on operation of the representative office in the preceding three years;

4.1.5 Financial statements for the two most recent years of the foreign insurer or foreign insurance broker;

4.1.6 Name and curriculum vita of the proposed new head of the representative office if there is to be a change of head.

4.2 Within a time-limit of thirty (30) days from the date of receipt by the Ministry of Finance of a complete file requesting extension of operation a representative office, the Ministry of Finance shall notify the foreign enterprise of its approval or refusal to approve the request of the enterprise. In the case of refusal to approve, written reasons must be provided.

5. Termination of operation of a representative office:

5.1. The operation of a representative office shall be terminated in the following circumstances:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5.1.2 When the operation of the foreign insurer or foreign insurance broker is terminated;

5.1.3 When there is a decision revoking or rescinding the licence by the competent State body in accordance with the law of Vietnam.

5.2 In the cases prescribed in clauses 5.1.1 and 5.1.2 above, the foreign insurer or foreign insurance broker shall notify the Ministry of Finance thirty (30) days prior to the date of termination of operation of the representative office, and shall hand in the original licence for establishment of the representative office plus any other licences and decisions relating to operation of the representative office.

Within a time-limit of seven (7) days, the Ministry of Finance shall approve termination of operation of the representative office, and notify the agencies which were sent a copy of the licence for establishment of the representative office.

5.3. In the cases prescribed in clauses 5.1.3 above, the Ministry of Finance shall send the foreign insurer or foreign insurance broker the decision revoking or rescinding the licence at least thirty (30) days prior to the date operations must be terminated, and shall also notify the agencies which were sent a copy of the licence for establishment of the representative office.

VIII. PROCEDURES AND APPLICATION FILES FOR ASSIGNMENT OF INSURANCE CONTRACTS

1. Assignment of insurance contracts:

1.1. During the process of its operation, an insurer may assign all insurance contracts within one or a number of insurance products (hereinafter abbreviated as an assignment) to another insurer licensed to operate in Vietnam in accordance with Section 3 of Chapter III of the Law on Insurance Business.

1.2. An assignment must comply with the principle that it shall not adversely affect the interests of purchasers of insurance after the assignment has been carried out.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2.1. For an insurance enterprise which is assigning (hereinafter referred to as assignor enterprise): the assignor enterprise shall forward to the Ministry of Finance an application, specifying the reasons for assignment, and enclosing the following documents:

2.1.1 Assignment plan, specifying:

(a) Name and address of the insurance enterprise to which the assignment will be made (hereinafter referred to as assignee enterprise);

(b) Type of insurance product and number of insurance contracts to be assigned;

(c) Method of assigning the funds, insurance reserves and claims relating to the insurance contracts being assigned;

(d) Estimated period for carrying out the assignment;

(dd) Detailed explanation from the assignee enterprise on how it proposes to satisfy financial requirements after the assignment;

(e) Contract of assignment between the assignor enterprise and the assignee enterprise, with the following major items:

(g) Object being assigned;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



(i) Rights and obligations of the assignor and the assignee;

(k) Dispute resolution.

2.1.2 Undertakings from the assignee ensuring the interests of purchasers of insurance under the assigned insurance contracts after the assignment take effect.

2.2. Within a time-limit of fifteen (15) days from the date of approval by the Ministry of Finance of an application for assignment, the assignor enterprise shall:

2.2.1 Publish a notice of assignment in five consecutive issues of two central newspapers with the following main items:

(a) Names and addresses of the assignor enterprise and the assignee enterprise;

(b) Type of insurance product and number of insurance contracts to be assigned;

(c) Estimated period for carrying out the assignment;

(d) Address for resolving claims and problems of purchasers of insurance related to the assignment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2.2.3 A purchaser of insurance shall be entitled to rescind its insurance contract within a time- limit of fifteen (15) days from the date of receipt of the notice of assignment, with the time- limit to be calculated from the date of the stamp of the post office. If a purchaser of insurance rescinds its insurance contract, the assignor enterprise must refund to it, in the case of non-life insurance, the proportion of premium received which is equivalent to the remaining period of the insurance contract, after deducting reasonable related expenses; or in the case of life insurance, insurance premiums already paid by the purchaser of insurance, after deducting reasonable related expenses.

2.3. As from the date of written approval by the Ministry of Finance of the application for assignment, the assignor enterprise shall not continue to enter into new insurance contracts for the type of insurance product which is being assigned.

2.4. Within sixty (60) days from the date of approval by the Ministry of Finance of the assignment plan, the assignor enterprise shall transfer to the assignee enterprise:

2.4.1 All of the insurance contracts which are currently effective and are included in the assignment plan approved by the Ministry of Finance;

2.4.2 All of the unresolved claims files relating to the insurance product which is being assigned;

2.4.3 All of the assets, funds and insurance reserves for the insurance contracts being assigned and all of the unresolved claims files relating to the insurance product which is being assigned.

3. Approval of application for assignment of insurance contracts:

3.1. Within a time-limit of thirty (30) days from the date of receipt of a complete application, the Ministry of Finance shall notify the enterprise in writing of its approval or non-approval of the assignment, or request amendments of or additions to the application file. In the latter case, the assignor enterprise must submit an amended file to the Ministry of Finance within a time-limit of fifteen (15) days from the date of receipt of the request, and upon expiry of this period the Ministry of Finance shall have the right to refuse to approve the assignment application, and if the Ministry of Finance refuses it shall provide a written explanation of its reasons.

3.2. If the Ministry of Finance approves the assignment, it shall issue to the assignor enterprise an amended licence (in the sample form in Appendix 3 to this Circular), consistent with the insurance products in which it continues to conduct business.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4.1. An assignee enterprise shall be responsible to co-ordinate with the assignor in drafting the assignment plan, in valuing the assets relating to the funds and insurance reserves for the insurance contracts being assigned, and in reaching agreement on the date for the assignment plan to take effect.

4.2. As from the date on which the assignment plan officially takes effect, the assignee enterprise shall be liable to discharge all obligations in the insurance contracts which have been assigned, strictly in accordance with the terms and conditions which were entered into between the assignor and purchasers of insurance, including liability to resolve claims made which remain unresolved. The assignee enterprise shall have the right to receive all assets relating to the funds and insurance reserves for the assigned insurance contracts and to use them to discharge all obligations arising from the assigned insurance contracts.

IX. PREVENTION AND LIMITATION OF LOSS

1. Insurers shall deduct no more than two per cent of insurance premiums actually retained in a fiscal year in order to expend on measures to prevent and limit loss as stipulated in article 25.2 of Decree 42/2001/ND-CP.

2. Expenses for measures to prevent and limit loss shall be made in accordance with currently applicable regulations on financial management of enterprises and other relevant laws.

X. ORGANIZATION OF IMPLEMENTATION

1. This Circular shall be of full force and effect fifteen days after the date of its publication in the Official Gazette.

2. This Circular shall replace Circular 71-2001-TT-BTC of the Ministry of Finance dated 28 August 2001 implementing Decree 42/2001/ND-CP of the Government dated 1 August 2001 providing detailed regulations for implementation of a number of articles of the Law on Insurance Business.

3. Any problems or difficulties during implementation should be reported promptly to the Ministry of Finance for its consideration and resolution.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



FOR THE MINISTER OF FINANCE
DEPUTY MINISTER




Le Thi Bang Tam

 

LIST OF APPENDICES

1. Sample form: Application for Issuance of Licence for Establishment and Operation of Insurer or Insurance Broker.

2. Sample form: Licence for Establishment and Operation of Insurer or Insurance Broker.

3. Sample form: Amended Licence.

4. List of Maximum Rates of Insurance Commission Applicable to Non-Life Insurance Products.

5. List of Maximum Rates of Insurance Commission Applicable to Life Insurance Products.

6. List of Compulsory Reinsurance Products and Rates of Commission for Compulsory Reinsurance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



8. Report and List of Insurance Agents.

9. Report on Activity of Training of Insurance Agents.

10. Sample form: Application for Issuance of Licence for Establishment of Representative Office of Foreign Insurer or Insurance Broker.

11. Sample form: Licence for Establishment of Representative Office of Foreign Insurer or Insurance Broker.

12. Sample form: Application for Registration of Insurance Product.

APPENDIX 4

LIST OF MAXIMUM RATES OF INSURANCE COMMISSION APPLICABLE TO NON-LIFE INSURANCE PRODUCTS

No.

Product

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1

Personal accident and health care insurance

12

2

Property insurance and damage insurance

5

3

Construction and installation insurance

5

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Insurance for goods in transit by road, sea, river, rail and air

6

5

Hull insurance and shipowner's civil liability insurance for seagoing and river-sea vessels

5

6

Hull insurance and shipowner's civil liability insurance for river vessels and fishing vessels

10

7

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4

8

Aviation insurance

0.5

9

Motor vehicle insurance

5

10

Voluntary fire and explosion insurance

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



11

Credit and financial risks insurance

5

12

Business damage insurance

10

13

Agriculture insurance

10

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Compulsory insurance products:

 

(a) Car owner's civil liability insurance

5

(b) Motorcycle owner's civil liability insurance

12

(c) Air carrier's civil liability insurance with respect to passengers

3

(d) Professional indemnity insurance for legal consultancy activities

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



(e) Professional indemnity insurance for insurance brokers

3

(f) Fire and explosion insurance

8

 

APPENDIX 5

LIST OF MAXIMUM RATES OF INSURANCE COMMISSION APPLICABLE TO LIFE INSURANCE PRODUCTS

I. FOR INDIVIDUAL LIFE INSURANCE PRODUCTS:

A. Where each insurance product is separate: Life insurance commission shall be applicable in accordance with the following table:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Life insurance product

Maximum commission rate calculated on total premium

 

Method of paying premium periodically

Method of paying total premium in lump

 

First year of contract

Second year of contract

Following years of contract

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Death benefit insurance

40

20

15

15

2. Endowment insurance

 

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Insured term up to 10 years

15

5

5

5

- Insured term over 10 years

20

5

5

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Combined insurance:

 

 

 

 

- Insured term up to 10 years

25

7

5

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Insured term over 10 years

40

10

10

7

4. Whole of life insurance

30

20

15

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Periodical payments insurance

15

10

7

7

B. Where insurance products are combined: Life insurance commission shall be calculated on the basis of the total amounts of commission for the separate insurance products listed above.

II. FOR GROUP LIFE INSURANCE PRODUCTS: THE MAXIMUM RATE OF COMMISSION SHALL BE 50% OF THE EQUIVALENT RATE APPLICABLE TO THE INDIVIDUAL LIFE INSURANCE PRODUCT OF THE SAME TYPE.

APPENDIX 6

RATES OF COMMISSION FOR COMPULSORY REINSURANCE

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Compulsory reinsurance product

Rate of commission for compulsory reinsurance (%)

1. Property insurance and damage insurance:

 

- Group of insurance products of construction and installation, etc

26

- Group of petroleum insurance products

15

- Group of other insurance products servicing investment projects

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Insurance for goods in transit by road, sea, river, rail and air

20

3. Aviation insurance

90% of rate of reinsurance commission for service of same kind on international market

4. Fire and explosion insurance

27

5. Hull insurance and shipowner's civil liability insurance:

 

- Hull cargo insurance

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Shipowner's civil liability insurance

15

With respect to fire and explosion insurance products and the group of insurance products for construction and installation, etc, the Vietnam National Reinsurance Company and insurers shall agree on rates of commission on net profits calculated for the fiscal year.

2. For contracts temporarily reinsured:

The commission rate for compulsory reinsurance shall be 90% of the rate of reinsurance commission for the service of the same kind on the international market.

APPENDIX 12

SAMPLE FORM: APPLICATION FOR REGISTRATION OF INSURANCE PRODUCT

 

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



To: The Ministry of Finance

Pursuant to the Law on Insurance Business and its implementing guidelines, (name of insurer) hereby applies for registration of an insurance product(name of insurance product) containing these principal items:

1. Name of insurance product (commercial name plus any product symbols).

2. Type of insurance (specify) as prescribed in paragraph of the licence for establishment and operation (or certificate of satisfaction of all standards and conditions for insurance business) Number issued to the insurer by the Ministry of Finance.

3. Main contents of the insurance product (summarise the main contents):

- Object insured;

- Scope of insurance; terms and conditions;

- Conditions on exclusion of liability;

- Duration of insurance, time when liability arises, time when liability terminates.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



OPINION OF MINISTRY OF FINANCE

 

GENERAL DIRECTOR (DIRECTOR)
Signature and seal

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 98/2004/TT-BTC ngày 19/10/2004 hướng dẫn thi hành Nghị định 42/2001/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm do Bộ Tài chính ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


10.138

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.90.108
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!