Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 900/QĐ-BHTG Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam Người ký: Nguyễn Quang Huy
Ngày ban hành: 21/11/2016 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BẢO HIỂM TIỀN GỬI
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 900/QĐ-BHTG

Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2016

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH NỘI QUY LAO ĐỘNG CỦA BẢO HIỂM TIỀN GỬI VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ BẢO HIỂM TIỀN GỬI VIỆT NAM

Căn cứ Bộ luật Lao động năm 2012;

Căn cứ Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/05/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động;

Căn cứ Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động;

Căn cứ Quyết định số 1395/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; Quyết định số 527/QĐ-TTg ngày 01 tháng 04 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;

Căn cứ ý kiến của Ban chấp hành công đoàn Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;

Căn cứ ý kiến của thành viên Hội đồng quản trị;

Theo đề nghị của Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Nội quy lao động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Thành phố Hà Nội nhận được hồ sơ đăng ký Nội quy lao động theo quy định.

Điều 3. Bãi bỏ Quyết định số 419/QĐ-BHTG132 ngày 05/10/2011 của Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam về việc Ban hành Nội quy lao động và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Điều 4. Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Chánh Văn phòng, Trưởng phòng, ban tại Trụ sở chính, Giám đốc Chi nhánh, Trưởng văn phòng đại diện, Kế toán trưởng, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức và thi hành Quyết định này.


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Sở LĐTB&XH TP. Hà Nội;
- Thành viên HĐQT;
- Thành viên Ban điều hành;
- Kiểm soát viên;
- Công đoàn BHTGVN;
- Lưu VT, BTK HĐQT, TCCB.

TM. HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ
CHỦ TỊCH




Nguyễn Quang Huy

NỘI QUY LAO ĐỘNG CỦA BẢO HIỂM TIỀN GỬI VIỆT NAM

(Ban hành kèm theo Quyết định số 900/QĐ-BHTG ngày 21/11/2016 của Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích

1. Xác định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (viết tắt là BHTGVN) đối với việc tuân thủ, thực hiện các quyết định về lao động, các quy chế, quy định, quy trình nghiệp vụ theo quy định của pháp luật và của BHTGVN.

2. Là cơ sở để người lao động BHTGVN nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, nâng cao tinh thần trách nhiệm, xây dựng nề nếp, kỷ cương, dân chủ, phương pháp làm việc khoa học.

3. Là căn cứ để xử lý kỷ luật lao động và thực hiện trách nhiệm vật chất đối với người lao động có hành vi vi phạm.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Nội quy lao động này là những quy định có tính bắt buộc của người sử dụng lao động đối với người lao động làm việc tại các đơn vị thuộc BHTGVN, phù hợp với pháp luật về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; chấp hành quy định, quy chế nghiệp vụ và trật tự chung nơi làm việc; an toàn, vệ sinh lao động; bảo vệ tài sản và bí mật thông tin; các hành vi vi phạm kỷ luật; hình thức xử lý kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất.

2. Đối tượng áp dụng

a) Nội quy lao động này áp dụng đối với người lao động đang làm việc tại BHTGVN, kể cả người lao động trong thời gian thử việc; người lao động được BHTGVN cử làm việc tại các cơ quan, tổ chức khác có liên quan.

b) Cán bộ, người lao động của cơ quan, tổ chức khác được cử đến công tác tại các đơn vị thuộc BHTGVN phải thực hiện theo đúng Nội quy lao động này. Trong trường hợp vi phạm kỷ luật lao động sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của đơn vị đó và thỏa thuận giữa hai đơn vị (nếu có). Trường hợp BHTGVN xử lý kỷ luật lao động thì áp dụng theo Nội quy lao động này và các văn bản chế độ hiện hành có liên quan.

c) Tổ chức, cá nhân đến làm việc tại BHTGVN phải nghiêm túc chấp hành trật tự nơi làm việc được quy định trong Nội quy lao động này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Đơn vị: Là Trụ sở chính, Chi nhánh, Văn phòng đại diện của BHTGVN.

2. Đơn vị quản lý lao động trực tiếp: Là phòng, ban và tương đương tại Trụ sở chính; phòng, ban tại Chi nhánh, Văn phòng đại diện của BHTGVN.

3. Người quản lý lao động trực tiếp: Là Trưởng phòng, ban và tương đương tại Trụ sở chính; Trưởng phòng, ban tại Chi nhánh và Văn phòng đại diện của BHTGVN.

4. Người sử dụng lao động: Là Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

5. Người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động: Là Chủ tịch Hội đồng quản trị.

6. Người sử dụng lao động theo ủy quyền: Là người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản sử dụng lao động theo quy định của pháp luật và của BHTGVN.

7. Người lao động: Là cá nhân (trừ viên chức quản lý) đang làm việc tại các đơn vị của BHTGVN và được hưởng lương từ quỹ lương của BHTGVN.

8. Kỷ luật lao động: Là những quy định về việc tuân theo thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; trật tự trong đơn vị; an toàn và vệ sinh lao động; bảo vệ tài sản và bí mật thông tin; điều hành hoạt động và các quy định khác nêu tại Nội quy này.

9. Hành vi vi phạm kỷ luật lao động: Là hành vi của người lao động không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định tại Nội quy lao động này, các quy định nội bộ của BHTGVN và các quy định của pháp luật làm ảnh hưởng đến hoạt động, uy tín, trật tự, kỷ cương, văn hóa và an toàn tài sản, an ninh, bảo mật của BHTGVN.

10. Xử lý kỷ luật lao động: Là việc người có thẩm quyền áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người có hành vi vi phạm kỷ luật lao động theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định.

11. Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động: Là thời hạn theo quy định của pháp luật, người sử dụng lao động được xử lý kỷ luật lao động.

12. Tái phạm: Là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định.

13. Thời giờ làm việc: Là thời giờ làm việc và ngày làm việc trong tuần, không bao gồm ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, tết.

Điều 4. Trách nhiệm thực hiện nội quy lao động

1. Người sử dụng lao động, đơn vị quản lý lao động trực tiếp, người quản lý lao động trực tiếp có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nội quy lao động này.

2. Người lao động có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định tại Nội quy lao động này.

3. Tổ chức Công đoàn, Đoàn thể các cấp thuộc BHTGVN phối hợp với các cấp quản lý, điều hành, thường xuyên tuyên truyền, giám sát, kiểm tra người lao động thực hiện Nội quy lao động này.

Chương II

THỜI GIỜ LÀM VIỆC, THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI

Điều 5. Thời giờ làm việc

Thời giờ làm việc của người lao động: Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, không quá 08 giờ trong một ngày hoặc 40 giờ trong một tuần.

1. Tại Trụ sở chính: Giờ bắt đầu làm việc và kết thúc ngày làm việc:

- Buổi sáng từ 8 giờ 00 đến 12 giờ 00.

- Buổi chiều từ 13 giờ 00 đến 17 giờ 00.

2. Tại Chi nhánh, Văn phòng đại diện: Người sử dụng lao động ủy quyền cho Giám đốc Chi nhánh, Trưởng văn phòng đại diện quy định giờ bắt đầu làm việc và giờ kết thúc ngày làm việc phù hợp với quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi đơn vị đóng trụ sở làm việc. Giám đốc Chi nhánh, Trưởng văn phòng đại diện có trách nhiệm báo cáo với người sử dụng lao động, Sở Lao động thương binh và xã hội nơi Chi nhánh, Văn phòng đại diện đặt trụ sở và thông báo cho toàn thể người lao động tại Chi nhánh, Văn phòng đại diện biết và thực hiện.

Điều 6. Làm thêm giờ

1. Tùy theo yêu cầu công việc và sự thỏa thuận giữa người lao động với người sử dụng lao động, người lao động có thể được bố trí làm thêm giờ nhưng số giờ làm thêm phải đảm bảo không vượt quá 04 giờ làm việc trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 12 giờ trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, ngày tết và ngày nghỉ hàng tuần; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm; trường hợp làm thêm từ 200 giờ đến 300 giờ trong một năm được thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật lao động.

2. Sau mỗi đợt làm thêm tối đa 07 ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ. Trường hợp không bố trí nghỉ bù đủ số thời gian thì phải trả lương làm thêm giờ theo quy định của pháp luật và của BHTGVN.

3. Người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào và người lao động không được từ chối trong các trường hợp sau đây:

a) Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật.

b) Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa.

4. Người sử dụng lao động sắp xếp, bố trí người lao động làm thêm giờ trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ được giao. Việc làm thêm giờ và trả lương làm thêm giờ được thực hiện theo quy định của pháp luật và của BHTGVN.

Điều 7. Thời giờ học tập và hội họp

1. Thời giờ học tập

Người lao động có nghĩa vụ tham gia đầy đủ, chấp hành nghiêm túc các khóa đào tạo theo yêu cầu của BHTGVN. Thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động đồng ý được tính vào thời giờ làm việc và được hưởng lương.

2. Thời giờ hội họp

a) Thời giờ hội họp của BHTGVN do người sử dụng lao động quyết định và được xem là thời giờ làm việc.

b) Các tổ chức chính trị, đoàn thể tự quyết định về thời giờ hội họp và phải đăng ký với người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền nhưng tối đa không quá ba ngày làm việc trong một tháng.

Điều 8. Thời giờ nghỉ ngơi

1. Người lao động làm việc liên tục 08 giờ thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút, tính vào giờ làm việc; mỗi tuần người lao động được nghỉ 02 ngày (thứ 7 và chủ nhật).

2. Người lao động có đủ 12 tháng làm việc thì được nghỉ hàng năm, thời gian nghỉ là 12 ngày làm việc và được hưởng nguyên lương đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường.

Cứ 05 năm làm việc thì số ngày nghỉ hàng năm của người lao động được tăng thêm tương ứng 01 ngày.

Người lao động có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hằng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc.

3. Người sử dụng lao động quy định lịch nghỉ hằng năm và thông báo cho người lao động biết.

4. Khi người lao động có nhu cầu nghỉ hằng năm phải làm đơn gửi người có thẩm quyền theo quy định của BHTGVN và bàn giao công việc theo sự phân công của người quản lý lao động trực tiếp.

Điều 9. Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương

1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương những ngày lễ, tết theo quy định của Bộ luật Lao động và thông báo hàng năm của BHTGVN.

2. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau:

a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

b) Con kết hôn: nghỉ 01 ngày;

c) Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết: nghỉ 03 ngày.

3. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

Khi nghỉ việc theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều này, người lao động có trách nhiệm làm đơn xin nghỉ và thông báo cho người quản lý lao động trực tiếp biết để bố trí lao động thay thế.

4 . Người lao động được nghỉ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.

5. Trong trường hợp cần phải giải quyết việc riêng hoặc vì lý do sức khỏe, đi học tự túc trong giờ làm việc không do cơ quan cử, người lao động làm đơn gửi cấp có thẩm quyền xin nghỉ việc riêng không hưởng lương. Người lao động chỉ được nghỉ khi được sự chấp thuận của người có thẩm quyền.

6. Căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị, khả năng bố trí, sắp xếp, điều chỉnh công việc, sau khi có ý kiến của người quản lý lao động trực tiếp, người sử dụng lao động xem xét, quyết định cho người lao động nghỉ việc không hưởng lương.

7. Thời gian nghỉ việc không hưởng lương không được tính vào thời gian làm việc để xét nâng lương, xét thi đua - khen thưởng và các khoản phúc lợi liên quan khác.

8. Quy định về thời gian nghỉ việc không hưởng lương và các chế độ, chính sách có liên quan thực hiện theo quy định của pháp luật và BHTGVN.

Điều 10. Một số quy định riêng về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi đối với lao động nữ, lao động cao tuổi.

1. Thời giờ nghỉ ngơi của lao động nữ trong những trường hợp đặc biệt được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

2. Không bố trí lao động nữ có thai từ tháng thứ 07 hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm việc ban đêm, làm thêm giờ hoặc đi công tác xa.

3. Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hàng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.

4. Người lao động nữ trong thời gian kinh nguyệt được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc và vẫn được hưởng nguyên lương.

5. Người lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con cộng lại là 06 tháng. Nếu sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. Hết thời gian nghỉ thai sản người lao động có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thỏa thuận với người sử dụng lao động.

6. Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 5, Điều này, nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động và được người sử dụng lao động đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng.

Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

7. Thời giờ làm việc được rút ngắn mỗi ngày ít nhất một giờ đối với người lao động cao tuổi trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian và vẫn hưởng nguyên lương.

Chương III

TRẬT TỰ NƠI LÀM VIỆC

Điều 11. Chấp hành quy định về lao động và công tác

1. Người lao động phải nêu cao ý thức trách nhiệm, tinh thần làm chủ, phối hợp, hỗ trợ nhau trong công việc.

2. Căn cứ trách nhiệm, công việc được giao, người lao động phải xây dựng chương trình, kế hoạch công tác và kiểm điểm kết quả công việc theo từng tháng, quý, năm và gửi báo cáo cho người quản lý lao động trực tiếp theo quy định của BHTGVN. Trường hợp người lao động là lái xe, bảo vệ, lao công, công việc sẽ do người quản lý lao động trực tiếp phân công.

3. Người quản lý lao động trực tiếp có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch công tác hàng tháng của đơn vị mình theo quy định và báo cáo hoặc trình cấp trên phụ trách phê duyệt; bố trí, phân công công việc bằng văn bản (hoặc phiếu giao việc) cho người lao động trong đơn vị. Khi phân công công việc phải nêu rõ yêu cầu, nội dung, thời gian hoàn thành, đồng thời thường xuyên kiểm tra, theo dõi kết quả công việc đã giao.

4. Người lao động có trách nhiệm chấp hành sự phân công, điều động công tác của người sử dụng lao động, người quản lý lao động trực tiếp; hoàn thành công việc được giao đúng nội dung, yêu cầu, thời hạn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả công việc; có ý thức cải tiến quy trình nghiệp vụ, áp dụng hiệu quả công nghệ tin học trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phát huy sáng kiến; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ tài sản và bí mật thông tin, phương tiện làm việc.

5. Người lao động không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động đã ký (không hoàn thành chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ được giao) do yếu tố chủ quan, thì người quản lý lao động trực tiếp phải lập biên bản hoặc nhắc nhở bằng văn bản để người lao động khắc phục, đồng thời báo cáo người sử dụng lao động có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật và BHTGVN.

6. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, người lao động phát hiện bộ phận, tổ, nhóm hoặc cá nhân khác trong đơn vị có sai sót hoặc vi phạm quy chế, quy định, quy trình nghiệp vụ, phải có trách nhiệm báo cáo kịp thời bằng văn bản với người quản lý lao động trực tiếp hoặc người có thẩm quyền để xử lý và hạn chế hậu quả.

Khi nhận được thông tin, người quản lý lao động trực tiếp hoặc người có thẩm quyền có trách nhiệm xử lý kịp thời theo chức trách, thẩm quyền. Trường hợp sau 05 ngày, người được báo cáo không giải quyết hoặc giải quyết chưa thỏa đáng, người lao động có quyền báo cáo vượt cấp cho người quản lý cấp trên hoặc người sử dụng lao động biết.

Điều 12. Chấp hành quy chế, quy định của BHTGVN

1. Người lao động trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ phải chấp hành đầy đủ các quy định, chính sách, chế độ của Nhà nước; các quy chế, quy định, quy trình nghiệp vụ, an ninh, bảo mật trong mọi hoạt động của BHTGVN. Người quản lý lao động trực tiếp chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc chấp hành các quy định nói trên đối với người lao động thuộc bộ phận mình quản lý. Người sử dụng lao động hoặc người được ủy quyền chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc chấp hành các quy định nói trên đối với người quản lý lao động trực tiếp và người lao động tại đơn vị mình.

2. Nghiêm cấm mọi hành vi gian lận, lợi dụng vị trí công tác để cấu kết với tổ chức, cá nhân trong và ngoài BHTGVN nhằm giả mạo giấy tờ, hồ sơ, chữ ký hoặc thực hiện không đúng với quy định để mưu lợi cho cá nhân, gây tổn thất về tiền, tài sản và uy tín của BHTGVN.

Điều 13. Trật tự nơi làm việc

1. BHTGVN thực hiện quản lý thời giờ làm việc của người lao động tại Trụ sở chính bằng máy chấm công theo phương pháp lấy vân tay. Người lao động thuộc Trụ sở chính BHTGVN khi bắt đầu ngày làm việc và khi kết thúc ngày làm việc phải tuân thủ quy định này. Đối với các Chi nhánh, Văn phòng đại diện thuộc BHTGVN, việc quản lý thời giờ làm việc do Giám đốc Chi nhánh, Trưởng Văn phòng quyết định sau khi báo cáo cấp có thẩm quyền và phải thông báo cho toàn thể người lao động trong đơn vị biết để thực hiện.

2. Trong giờ làm việc, người lao động chỉ được phép ra khỏi cơ quan khi được người quản lý lao động trực tiếp đồng ý.

3. Mọi trường hợp người lao động đi muộn, về sớm, nghỉ làm việc phải có lý do chính đáng, phải xin phép người quản lý lao động trực tiếp. Trường hợp không được người quản lý lao động trực tiếp đồng ý thì ngày làm việc đó được xem là tự ý nghỉ việc.

4. Kết thúc ngày làm việc, người lao động không được tự ý ở lại phòng làm việc, trường hợp người lao động làm thêm giờ, phải có sự chấp thuận của người sử dụng lao động. Người lao động không được sinh hoạt cá nhân, ăn, ngủ, nghỉ tại trụ sở cơ quan khi kết thúc ngày làm việc (trừ lực lượng bảo vệ đang thực thi nhiệm vụ).

5. Người lao động phải để phương tiện đi lại của cá nhân đúng nơi quy định.

6. Người lao động không được đến nơi làm việc trong tình trạng say rượu, bia, không được tổ chức nấu ăn (trừ các đơn vị có bếp ăn tập thể), hút thuốc lá, uống rượu, bia tại nơi làm việc.

7. Người lao động phải giữ gìn đoàn kết nội bộ, hợp tác giúp đỡ nhau trong công việc, không nói tục, chửi bậy, gây gổ, to tiếng làm mất trật tự an ninh nơi làm việc.

8. Người lao động không được sử dụng hoặc tàng trữ ma túy và các chất kích thích khác; không chơi cờ bạc, lô đề, các tệ nạn xã hội; không truy cập vào các trang Web có nội dung đồi trụy, phản động; không thực hiện các hành vi khác trái với thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội và quy định của pháp luật tại nơi làm việc.

9. Tổ chức, cá nhân đến liên hệ công tác phải xuất trình giấy tờ tùy thân hoặc giấy giới thiệu với thường trực bảo vệ hoặc nhân viên lễ tân để đăng ký vào sổ theo dõi.

a) Đối với khách đến làm việc với Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc Chi nhánh, Trưởng văn phòng đại diện mà không có hẹn trước, thường trực bảo vệ cơ quan hoặc nhân viên lễ tân phải báo cáo Chánh Văn phòng hoặc Thư ký đón tiếp (tại Trụ sở chính), báo cáo Trưởng phòng hành chính nhân sự đón tiếp (tại Chi nhánh, Văn phòng đại diện).

b) Đối với khách không có giấy tờ tùy thân hoặc giấy giới thiệu nhưng có lý do chính đáng thì thường trực bảo vệ hoặc nhân viên lễ tân phải báo cho bộ phận Thư ký hoặc Văn phòng, đơn vị, phòng, ban hoặc cá nhân mà khách cần gặp để cử người đón tiếp.

Điều 14. Tác phong nơi làm việc và lề lối công tác

1. Người lao động phải tự rèn luyện, xây dựng và duy trì tốt tác phong làm việc khoa học, hiệu quả; sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử theo nếp sống văn minh; thực hành tiết kiệm trong việc sử dụng các phương tiện, vật dụng, trang thiết bị làm việc.

2. Người lao động có trách nhiệm thường xuyên cập nhật thông tin, kiến thức liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao, nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học; chấp hành nghiêm Nội quy lao động này.

3. Tại nơi làm việc, người lao động phải thực hiện đúng quy định về văn hóa công sở của BHTGVN, chấp hành mặc đồng phục theo quy định và thực hiện các quy định khác của BHTGVN về tác phong và lề lối làm việc. Người lao động không mặc quần bò, quần ngố, áo phông, áo hở nách, dép không quai hậu, váy ngắn trên đầu gối 10cm trở lên.

4. Người lao động chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, được quyền bảo lưu ý kiến hoặc đề đạt các ý kiến cá nhân nhưng phải chấp hành ý kiến tập thể; nói, viết và làm theo đúng quy định của pháp luật và của BHTGVN; có tinh thần xây dựng, gìn giữ uy tín và hình ảnh của BHTGVN.

5. Nghiêm cấm mọi hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, lợi dụng các tổ chức tham gia BHTG, các tổ chức, cá nhân khác, lạm dụng vị trí công tác để trục lợi cá nhân (dưới bất kỳ hình thức nào).

6. Nghiêm cấm hành vi viết đơn thư tố cáo có nội dung bịa đặt, không đúng sự thật, mang tính kích động; viết đơn thư tố cáo nặc danh, mạo danh; viết, ký tên tập thể vào đơn thư tố cáo để vu cáo, vu khống, bôi nhọ, xúc phạm cá nhân, tập thể; tổ chức, tham gia kích động, xúi giục, mua chuộc, cưỡng ép người khác viết đơn thư khiếu nại, tố cáo có nội dung bịa đặt, không đúng sự thật; gửi, phát tán đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp hoặc tới nơi không đúng thẩm quyền giải quyết; xúi giục, lợi dụng đơn thư phản ánh, góp ý để đả kích, vu cáo, xúc phạm cá nhân, tập thể; tổ chức, tham gia các hoạt động bè phái, chia rẽ gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân và đơn vị tại BHTGVN.

7. Nghiêm cấm mọi hành vi khủng bố, đe dọa, quấy rối, vu khống, bịa đặt, lăng mạ đồng nghiệp dưới mọi hình thức hoặc tuyên truyền, bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân, tập thể, gây mất an ninh, trật tự cơ quan, làm ảnh hưởng đến lợi ích, tinh thần của cán bộ, người lao động, lợi ích của BHTGVN.

8. Nghiêm cấm người lao động lợi dụng danh nghĩa, vị trí công tác để vay, mượn tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân khác để chơi đề, hụi, họ (hoặc các hình thức tương tự), kinh doanh tín dụng đen hoặc các hình thức kinh doanh khác mà pháp luật cấm.

9. Nghiêm cấm người lao động có quan hệ vay, mượn đối với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài BHTGVN gây tranh chấp, khiếu kiện, làm ảnh hưởng đến môi trường làm việc tại đơn vị, ảnh hưởng đến uy tín của BHTGVN.

10. Nghiêm cấm người lao động để người bên ngoài vào nơi làm việc khủng bố, đe dọa, hành hung người lao động khác, gây mất trật tự cơ quan, làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của đồng nghiệp.

Chương IV

AN TOÀN LAO ĐỘNG VÀ VỆ SINH LAO ĐỘNG NƠI LÀM VIỆC

Điều 15. Chấp hành biện pháp đảm bảo an toàn lao động

1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm trang bị đầy đủ phương tiện để bảo đảm an toàn lao động cho người lao động. Người lao động phải thực hiện đúng các quy định về an toàn lao động phòng chống cháy nổ tại nơi làm việc; học, sử dụng và bảo quản đúng quy trình đối với các phương tiện phòng cháy, chữa cháy, các thiết bị điện, máy tính, máy văn phòng và các thiết bị điện tử khác được cơ quan trang bị. Hết giờ làm việc, người lao động phải tắt tất cả các thiết bị điện trừ hệ thống máy chủ, thiết bị viễn thông, tổng đài điện thoại, hệ thống camera theo dõi; kiểm tra khóa, tủ tài liệu đảm bảo an toàn và khóa cửa phòng làm việc.

2. Nghiêm cấm việc mang vũ khí, chất nổ, chất gây cháy vào trụ sở làm việc, trừ trường hợp đang thực thi nhiệm vụ an ninh, bảo vệ và phải được cấp có thẩm quyền cho phép.

3. Người lao động có nghĩa vụ chấp hành các quy định, quy trình, nội quy về an toàn lao động liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao.

4. Người lao động phải sử dụng và bảo quản các phương tiện làm việc được trang bị theo đúng quy định; các thiết bị an toàn lao động, vệ sinh lao động nơi làm việc theo đúng quy định. Tham gia các lớp huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động khi người sử dụng lao động tổ chức.

5. Người lao động có trách nhiệm báo cáo kịp thời với người quản lý lao động trực tiếp khi phát hiện nguy cơ gây tai nạn lao động, hỏa hoạn; có trách nhiệm tham gia ứng cứu và khắc phục hậu quả (nếu có).

6. Người lao động có quyền từ chối làm công việc hoặc rời nơi làm việc khi thấy rõ nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình.

Điều 16. Vệ sinh lao động

1. Các đơn vị chức năng và người lao động trực tiếp được giao nhiệm vụ sử dụng, quản lý tài sản, trang thiết bị phải thực hiện nghiêm túc chế độ kiểm tra định kỳ, tu sửa, bảo dưỡng máy móc theo đúng quy trình, quy định của từng loại thiết bị; đề xuất cải tạo, sửa chữa trang thiết bị làm việc theo chức trách, nhiệm vụ được giao để đảm bảo môi trường, vệ sinh, an toàn cho người và tài sản.

2. Người lao động phải có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh phòng làm việc, máy móc và các trang thiết bị, phương tiện làm việc; bố trí, lưu giữ tài liệu gọn gàng, ngăn nắp và khoa học, tạo môi trường làm việc sạch đẹp.

Điều 17. Khám sức khỏe cho người lao động

Hàng năm, người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; khám chuyên khoa cho lao động nữ ít nhất 06 tháng một lần.

Chương V

BẢO VỆ TÀI SẢN VÀ BÍ MẬT THÔNG TIN

Điều 18. Sử dụng và bảo vệ tài sản

1. Người lao động phải tuân thủ các quy định về sử dụng, bảo quản công cụ, máy, thiết bị, phương tiện làm việc, phương tiện thông tin liên lạc và các tài sản khác; thực hiện đúng quy định về quản lý tài sản của Nhà nước và của BHTGVN.

2. Người lao động được giao sử dụng, quản lý, bảo vệ tài sản của BHTGVN có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ tài sản.

3. Nghiêm cấm người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô hoặc các hành vi gian dối dẫn đến thiệt hại hoặc thất thoát tài sản của BHTGVN.

4. Mọi tài sản của BHTGVN đưa vào hoặc đưa ra khỏi cơ quan đều phải xuất trình với thường trực bảo vệ các giấy tờ hợp lệ có liên quan (hóa đơn, văn bản chấp thuận của Tổng giám đốc, Giám đốc Chi nhánh, Trưởng Văn phòng đại diện hoặc người có thẩm quyền) để kiểm tra, theo dõi. Chỉ những tài sản có đủ thủ tục hợp lệ mới được phép đưa vào hoặc đưa ra khỏi trụ sở cơ quan. Thường trực bảo vệ có trách nhiệm ghi chép vào sổ theo dõi, kiểm soát và lập biên bản giữ lại những tài sản mang ra ngoài không có đủ thủ tục hợp lệ và báo cáo Tổng giám đốc tại Trụ sở chính hoặc Giám đốc Chi nhánh tại Chi nhánh, Trưởng Văn phòng đại diện tại Văn phòng đại diện.

Điều 19. Quản lý và sử dụng con dấu

Đơn vị, cá nhân thuộc hệ thống BHTGVN được giao quản lý con dấu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật và của BHTGVN về bảo quản và sử dụng con dấu.

Điều 20. Bí mật thông tin

1. Những thông tin, tài liệu sau đây được xếp loại là bí mật thông tin.

a) Thông tin, tài liệu thuộc phạm vi bảo vệ bí mật Nhà nước.

b) Thông tin, tài liệu mật do cấp có thẩm quyền cung cấp.

c) Thông tin, tài liệu mật của BHTGVN chưa công bố gồm:

- Hồ sơ đấu thầu đang trong quá trình xem xét;

- Báo cáo tài chính;

- Thông tin về nguy cơ mất khả năng chi trả có khả năng dẫn đến mất khả năng thanh toán của tổ chức tham gia BHTG;

- Báo cáo tài chính của các tổ chức tham gia BHTG;

- Số liệu phân tích, đánh giá liên quan đến tổ chức tham gia BHTG;

- Hồ sơ, tài liệu đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra;

- Hồ sơ cán bộ và những vấn đề liên quan đến tổ chức cán bộ.

d) Đơn thư khiếu nại, tố cáo đang thẩm tra, xác minh.

đ) Các hồ sơ, tài liệu khác theo quy định của pháp luật.

2. Người lao động phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định về an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin theo quy định của pháp luật và các danh mục quy định nêu tại Khoản 1 Điều này.

3. Nghiêm cấm mọi hành vi cung cấp, chuyển giao, mua bán, tiết lộ thông tin, số liệu, tài liệu bí mật, chứng từ và sổ sách kế toán, các phần mềm nghiệp vụ, công nghệ tin học của BHTGVN cho bất kỳ tổ chức, cá nhân (kể cả trong và ngoài BHTGVN) khi chưa có sự đồng ý của lãnh đạo BHTGVN.

4. Nghiêm cấm mọi hành vi của cá nhân không có thẩm quyền tiếp xúc, khai thác (kể cả trên mạng máy tính nội bộ), sử dụng các thông tin bí mật khi chưa có sự đồng ý của lãnh đạo BHTGVN nhằm bất kỳ mục đích gì.

Chương VI

CÁC HÀNH VI VI PHẠM KỶ LUẬT LAO ĐỘNG, HÌNH THỨC VÀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XỬ LÝ KỶ LUẬT, TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT

Điều 21. Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động

Tất cả các hành vi không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các điều khoản quy định trong Nội quy lao động này và các quy định khác của BHTGVN hoặc hành vi vi phạm pháp luật lao động đều được coi là hành vi vi phạm kỷ luật lao động và phải chịu các hình thức xử lý kỷ luật lao động theo quy định.

Điều 22. Các hình thức xử lý kỷ luật

Mọi trường hợp vi phạm kỷ luật lao động đều bị xem xét xử lý kỷ luật lao động. Tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, người lao động sẽ bị xử lý kỷ luật lao động theo một trong ba hình thức sau:

1. Cấp độ 1: Khiển trách (bằng văn bản).

2. Cấp độ 2: Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức.

3. Cấp độ 3: Sa thải.

Điều 23. Những hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật cấp độ 1 (Khiển trách bằng văn bản)

1. Vi phạm thời giờ làm việc, thực hiện nhiệm vụ

a) Tự ý bỏ việc dưới 3 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 30 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc (khi hết thời gian công tác, nghỉ phép, nghỉ chế độ...mà không đến cơ quan làm việc; nghỉ việc không có lý do chính đáng; tự ý bỏ học khi đang trong thời gian được cử đi học, đào tạo).

b) Không bảo đảm giờ làm việc trong ngày, không hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao mà không có lý do chính đáng.

c) Sử dụng giờ làm việc để giải quyết công việc riêng mà không được phép của người sử dụng lao động hoặc người quản lý trực tiếp, đã được nhắc nhở 2 lần/tháng.

d) Do lỗi bản thân (sơ suất, chủ quan) mà không hoàn thành khối lượng, chất lượng hoặc tiến độ công việc được giao hoặc ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị, của cơ quan.

đ) Không kịp thời thực hiện chế độ báo cáo, thống kê thuộc chức trách công việc được giao, nghĩa vụ phải làm hoặc khi có yêu cầu của cấp quản lý.

2. Vi phạm trật tự nơi làm việc

a) Mặc trang phục không đúng quy định.

b) Nói tục, chửi bậy, gây gổ, cãi hoặc đánh nhau, gây rối hoặc có hành vi kích động người khác gây rối tại nơi làm việc làm mất trật tự an ninh và đã bị lập biên bản.

c) Sử dụng các hình thức để cá độ, ăn tiền, ghi (đánh) lô, số đề tại nơi làm việc.

d) Không đảm bảo việc thanh toán đối với các khoản vay do BHTGVN xác nhận và bị tổ chức tín dụng gửi thông báo nhắc nhở đến lần thứ hai.

đ) Không chấp hành mệnh lệnh công tác của người quản lý trực tiếp hoặc người sử dụng lao động.

e) Cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu gây phiền hà cho đồng nghiệp hoặc đối tác trong khi giải quyết công việc.

f) Có hành vi phân biệt chủng tộc, giới tính.

g) Truy cập vào các trang Web, lưu hành các văn bản hoặc ấn phẩm đồi trụy, có nội dung trái với thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, quy định của pháp luật và của BHTGVN.

h) Có hành vi làm hư hỏng, thất thoát tài sản của BHTGVN ở mức độ không nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

i) Không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời cho cấp có thẩm quyền khi phát hiện có tham ô, lãng phí, trộm cắp tài sản của BHTGVN.

3. Vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động nơi làm việc

a) Không tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, thực hành tiết kiệm khi sử dụng các trang thiết bị văn phòng, đồ dùng tại nơi làm việc.

b) Sử dụng các phần mềm không cần thiết cho công việc tại máy tính của cơ quan.

4. Vi phạm về bảo vệ tài sản và bí mật thông tin

a) Sử dụng phương tiện, tài sản của đơn vị không đúng mục đích, quy định.

b) Sử dụng tên đơn vị, tổ chức trong giao dịch hoặc thực hiện công việc vì mục đích cá nhân.

c) Tháo dỡ, thay đổi vị trí máy móc, thiết bị, tài sản của đơn vị mà không được phép của cấp có thẩm quyền mà không có lý do chính đáng.

5. Vi phạm khác

a) Có hành vi bao che, tạo điều kiện, không ngăn chặn, không báo cấp có thẩm quyền khi thấy hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động dưới quyền hoặc của người lao động khác.

b) Thiếu trách nhiệm trong quản lý để người lao động dưới quyền vi phạm lý luật lao động tại nơi làm việc.

c) Thiếu trách nhiệm khi thực hiện công việc, làm sai lệch sổ sách, chứng từ hoặc các hành vi khác (không do sơ suất) dẫn đến gây thiệt hại về tài sản của BHTGVN có giá trị dưới 2 triệu đồng.

d) Người lao động do sơ suất làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị gây thiệt hại về tài sản của BHTGVN có giá trị dưới 20 triệu đồng.

đ) Vi phạm quy định khác của BHTGVN (trừ vi phạm theo Điều 25, 26 của Nội quy này).

Điều 24. Những hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật cấp độ 2 (Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức)

1. Người lao động bị xử lý kỷ luật cấp độ 1 mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật.

2. Thiếu trách nhiệm khi thực hiện công việc, làm sai lệch sổ sách, chứng từ hoặc các hành vi khác (không do sơ suất) dẫn đến gây thiệt hại về tài sản của BHTGVN có giá trị từ 2 triệu đến dưới 5 triệu đồng.

3. Người lao động do sơ suất làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị gây thiệt hại về tài sản của BHTGVN có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên.

4. Vi phạm chế độ quản lý tài chính của BHTGVN.

5. Cấp quản lý không hoặc chậm giải quyết công việc trong khả năng, quyền hạn, trách nhiệm gây thiệt hại về tài sản hoặc ảnh hưởng đến công việc, lợi ích của tập thể, cá nhân, uy tín của đơn vị dù đã nhận được báo cáo, xin chỉ đạo của cấp dưới về các vấn đề cấp bách, chính đáng.

6. Cố ý truyền đạt thông tin không chính xác gây mất đoàn kết nội bộ hoặc làm giảm uy tín của cá nhân và BHTGVN.

7. Có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự hoặc xâm phạm thân thể của đồng nghiệp, cấp quản lý và khách hàng trong quan hệ công việc.

8. Có hành vi gây rối, lạm dụng tình dục tại nơi làm việc.

9. Cố ý truyền bá virut vi tính vào hệ thống mạng của BHTGVN; truy cập vào máy tính hoặc hộp thư cá nhân của đồng nghiệp khi chưa được phép.

10. Mang vũ khí, chất nổ, chất cháy vào nơi làm việc mà không được phép.

11. Giả mạo hồ sơ, lý lịch hoặc có hành vi làm sai lệch về hồ sơ, lý lịch của bản thân và của người khác.

12. Báo cáo, tố cáo, phát ngôn, tuyên truyền thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của tập thể và cá nhân trong BHTGVN mà đã bị nhắc nhở bằng văn bản đến lần thứ ba.

Điều 25. Những hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật cấp độ 3 (Sa thải)

1. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.

2. Có hành vi trộm cắp tài sản của khách hàng, đối tác, đồng nghiệp, của đơn vị, tham ô tài sản của BHTGVN.

3. Tham gia đánh bạc, tổ chức đánh bạc, sử dụng ma túy tại nơi làm việc.

4. Có hành vi cố ý gây thương tích cho đồng nghiệp tại nơi làm việc.

5. Có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động.

6. Có hành vi tiết lộ, cung cấp, mua bán, khai thác trái phép bí mật thông tin quy định tại Điều 21 Nội quy lao động này.

7. Có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động, bao gồm những hành vi sau:

a) Thiếu trách nhiệm khi thực hiện công việc, làm sai lệch sổ sách, chứng từ hoặc các hành vi khác (không do sơ suất) gây thiệt hại về tài sản của BHTGVN từ 5 triệu đồng trở lên, hoặc làm mất uy tín của BHTGVN.

b) Lợi dụng chức vụ quyền hạn để lấy tài sản của BHTGVN từ 5 hiệu đồng trở lên.

c) Giả mạo chữ ký của cấp có thẩm quyền và dấu của BHTGVN.

d) Cố tình làm sai lệch hoặc gian dối trong việc cung cấp chứng cứ, hồ sơ tài liệu liên quan đến việc xử lý kỷ luật hoặc giải quyết khiếu nại cho người sử dụng lao động.

đ) Lợi dụng uy tín, vị trí công tác để vay, mượn đối với các cá nhân, tổ chức trong hoặc ngoài BHTGVN gây tranh chấp, khiếu kiện, làm ảnh hưởng đến môi trường làm việc tại đơn vị, ảnh hưởng đến uy tín của BHTGVN.

8. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 30 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc hoặc 20 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 365 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.

Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm:

a) Do thiên tai, hỏa hoạn;

b) Bản thân, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp bị ốm có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

Điều 26. Nguyên tắc, trình tự xử lý vi phạm kỷ luật lao động

1. Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:

a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;

b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;

c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa;

d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản.

2. Không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.

3. Khi một người lao động đồng thời có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.

4. Không xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:

a) Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;

b) Đang bị tạm giữ, tạm giam;

c) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi quy định tại khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 Điều 25 Nội quy lao động này.

d) Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

5. Không xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác mà mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Điều 27. Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động

1. Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động tối đa là 06 tháng, kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; trường hợp hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý kỷ luật lao động tối đa là 12 tháng.

2. Khi hết thời gian quy định tại các điểm a, b và c khoản 4 Điều 26, nếu còn thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động thì người sử dụng lao động tiến hành xử lý kỷ luật lao động ngay, nếu hết thời hiệu thì được kéo dài thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động nhưng tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên.

Khi hết thời gian quy định tại điểm d khoản 4 Điều 26, mà thời hiệu xử lý kỷ luật lao động đã hết thì được kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật lao động nhưng tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên.

3. Quyết định xử lý kỷ luật lao động phải được ban hành trong thời hạn quy định khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 28. Xóa kỷ luật, giảm thời hạn chấp hành kỷ luật lao động

1. Người lao động bị khiển trách sau 03 tháng, hoặc bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương sau 06 tháng, kể từ ngày bị xử lý, nếu không tái phạm thì đương nhiên được xóa kỷ luật. Trường hợp bị xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức cách chức thì sau thời hạn 03 năm, nếu tiếp tục vi phạm kỷ luật lao động thì không bị coi là tái phạm.

2. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời gian nâng lương sau khi chấp hành được một nửa thời hạn nếu sửa chữa tiến bộ, có thể được người sử dụng lao động xét giảm thời hạn.

Điều 29. Những quy định cấm khi xử lý kỷ luật lao động

1. Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động.

2. Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động.

Điều 30. Tạm đình chỉ công việc

1. Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp, nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại đơn vị.

2. Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt cũng không được quá 90 ngày. Trong thời gian đó người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc. Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người lao động được tiếp tục làm việc.

3. Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.

4. Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

Điều 31. Trách nhiệm vật chất

Người lao động có hành vi gây thiệt hại, thất thoát về tài sản, tiền vốn của BHTGVN, tùy từng trường hợp cụ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật lao động và của BHTGVN về thiệt hại đã gây ra.

1. Người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương ghi trong hợp đồng lao động của tháng trước liền kề trước khi gây thiệt hại bằng hình thức khấu trừ hàng tháng vào lương (Mức khấu trừ tiền lương hàng tháng không được quá 30% tiền lương hàng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập) do sơ suất làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị với giá trị thiệt hại thực tế không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng áp dụng tại nơi người lao động làm việc do Chính phủ công bố.

2. Người lao động phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Do sơ suất làm hư hỏng dụng cụ thiết bị với giá trị thiệt hại thực tế từ 10 tháng lương tối thiểu vùng trở lên áp dụng tại nơi người lao động làm việc do Chính phủ công bố;

b) Làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao;

c) Tiêu hao vật tư quá định mức cho phép của người sử dụng lao động.

3. Trường hợp người lao động gây thiệt hại cho người sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều này mà có hợp đồng trách nhiệm với người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm.

4. Trường hợp thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa hoặc do sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù người sử dụng lao động đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì người lao động không phải bồi thường.

5. Người lao động vừa gây thiệt hại, thất thoát tài sản, vừa vi phạm kỷ luật lao động thì ngoài việc bồi thường vật chất thì vẫn bị xử lý kỷ luật lao động.

Điều 32. Nguyên tắc và trình tự, thủ tục xử lý bồi thường thiệt hại

1. Việc xem xét, quyết định mức độ bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động.

2. Trình tự, thủ tục, thời hiệu xử lý việc bồi thường thiệt hại được áp dụng theo quy định tại Điều 26 và Điều 27 Nội quy lao động này.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 33. Nội quy lao động này của BHTGVN được áp dụng thống nhất tại tất cả các đơn vị thuộc BHTGVN.

Điều 34. Nội quy lao động này được phổ biến cụ thể đến từng người lao động tại BHTGVN để thực hiện. Đối với cán bộ tuyển dụng mới vào làm việc tại BHTGVN sẽ được phổ biến Nội quy lao động trước khi ký Hợp đồng lao động.

Điều 35. Nội quy lao động này gồm 7 chương 37 Điều và được đăng ký tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hà Nội.

Điều 36. Các vấn đề không được quy định trong Nội quy lao động này được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động và quy định của BHTGVN. Trường hợp pháp luật lao động và quy định của BHTGVN có sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng các văn bản mới thì áp dụng các văn bản mới đó.

Điều 37. Việc sửa đổi, bổ sung, thay thế Nội quy lao động này do Hội đồng quản trị BHTGVN quyết định phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 900/QĐ-BHTG ngày 21/11/2016 về Nội quy lao động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.663

DMCA.com Protection Status
IP: 18.188.223.120
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!