QUY CHẾ
PHỐI HỢP
THỰC HIỆN LIÊN THÔNG CÁC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VỀ ĐĂNG KÝ KHAI SINH, ĐĂNG KÝ THƯỜNG
TRÚ, CẤP THẺ BẢO HIỂM Y TẾ CHO TRẺ EM DƯỚI 6 TUỔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 3281/QĐ-UBND ngày 22/9/2015 của UBND tỉnh Bình Định)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về nguyên tắc, hồ sơ, quy
trình và trách nhiệm phối hợp của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên
chức có liên quan đến việc tiếp nhận, chuyển giao, giải quyết hồ sơ và trả kết
quả trong quá trình thực hiện liên thông các thủ tục hành chính về đăng ký khai
sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi hoặc
đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi (sau đây gọi
chung là liên thông các thủ tục hành chính) khi việc đăng ký khai sinh cho trẻ
em dưới 06 tuổi thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các xã, phường, thị trấn
(sau đây gọi chung là UBND cấp xã) trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. UBND cấp xã, cơ quan Công an có thẩm quyền
đăng ký thường trú và cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp huyện.
2. Cá nhân có yêu cầu thực hiện liên thông các thủ
tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế
cho trẻ em dưới 06 tuổi.
3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan
trong quá trình thực hiện liên thông các thủ tục hành chính.
Điều 3. Nguyên tắc thực hiện liên thông các
thủ tục hành chính
1. Tuân thủ quy định của Quy chế này và các văn bản pháp luật
khác có liên quan.
2. Cá nhân có yêu cầu thực hiện liên thông các thủ
tục hành chính có quyền lựa chọn áp dụng hoặc không áp dụng thực hiện liên
thông các thủ tục hành chính.
3. Tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho
cá nhân trong việc thực hiện đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo
hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi.
4. Bảo đảm kịp thời, đúng thời hạn theo quy định
của pháp luật.
Điều 4. Các cơ quan, tổ chức thực hiện liên
thông các thủ tục hành chính
1. UBND cấp xã thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ
em dưới 06 tuổi.
2. Cơ quan đăng ký cư trú cho trẻ em dưới 06 tuổi,
cụ thể:
a. Công an xã, thị trấn thuộc huyện đăng ký thường
trú cho trẻ em dưới 06 tuổi trên địa bàn xã, thị trấn của huyện.
b. Công an thị xã, thành phố đăng ký thường trú
cho trẻ em dưới 06 tuổi trên địa bàn thị xã, thành phố.
3. Bảo hiểm xã hội huyện, thị xã, thành phố (sau
đây gọi chung là Bảo hiểm xã hội cấp huyện) cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới
06 tuổi.
4. Các cơ quan có thẩm quyền thực hiện liên thông
các thủ tục hành chính quy định tại các Khoản 1, 2, 3 Điều này phải cùng thuộc
địa bàn một huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Điều 5. Trách nhiệm của
cơ quan thực hiện liên thông các thủ tục hành chính
1. UBND cấp xã là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ
sơ, trả kết quả giải quyết liên thông các thủ tục hành chính; chịu trách nhiệm
về tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ thực hiện liên thông các thủ tục hành chính;
đăng ký khai sinh cho trẻ em dưới 06 tuổi; tạm thu lệ phí đăng ký thường trú; lập
và chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an có thẩm quyền để đăng ký thường trú và Bảo
hiểm xã hội cấp huyện để cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi.
2. Cơ quan Công an có thẩm quyền đăng ký thường trú và Bảo hiểm
xã hội cấp huyện tiếp nhận hồ sơ do UBND cấp xã chuyển đến, giải quyết theo thẩm
quyền và trả kết quả giải quyết cho UBND cấp xã để trả cho người dân theo đúng
thời gian quy định.
Chương II
HỒ SƠ, QUY TRÌNH TIẾP NHẬN, CHUYỂN GIAO, GIẢI QUYẾT VÀ TRẢ KẾT QUẢ
THỰC HIỆN LIÊN THÔNG
CÁC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Điều 6. Hồ sơ thực hiện liên thông các thủ tục
hành chính đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ
em dưới 6 tuổi
Người có yêu cầu thực hiện liên thông các thủ tục
hành chính nộp 01 (một) bộ hồ sơ; xuất trình các giấy tờ và tạm nộp lệ phí đăng
ký thường trú theo quy định của pháp luật tại UBND cấp xã nơi có thẩm quyền
đăng ký khai sinh cho trẻ em.
1. Hồ sơ gồm các giấy tờ sau:
a. Tờ khai đăng ký khai sinh (theo mẫu quy định);
b. Giấy chứng sinh do cơ sở y tế nơi trẻ em sinh
ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế thì giấy chứng sinh được thay bằng
văn bản xác nhận của người làm chứng; trường hợp không có người làm chứng thì
người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực. Đối với trường
hợp trẻ em bị bỏ rơi thì nộp biên bản về việc trẻ em bị bỏ rơi thay cho giấy chứng
sinh. Trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ thì nộp
thêm văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định của pháp luật.
c. Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (theo mẫu
quy định);
d. Sổ hộ khẩu.
Trường hợp trẻ em có cha, mẹ
nhưng không đăng ký thường trú cùng cha, mẹ mà đăng ký thường trú cùng với người
khác thì phải có ý kiến bằng văn bản của cha, mẹ, có xác nhận của UBND cấp xã;
ý kiến đồng ý của chủ hộ và Sổ hộ khẩu của chủ hộ.
đ. Tờ khai tham gia bảo hiểm y tế (theo mẫu
quy định).
2. Giấy tờ phải xuất trình:
a. Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của người yêu cầu
làm thủ tục liên thông.
b. Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu
cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn). Trường hợp công chức Tư pháp - Hộ tịch
biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha, mẹ trẻ em thì không bắt buộc phải xuất
trình giấy chứng nhận kết hôn.
3. Cá nhân có yêu cầu thực hiện liên thông các thủ
tục hành chính không có điều kiện trực tiếp đến UBND cấp xã để nộp hồ sơ thì có
thể ủy quyền cho người khác làm thay. Việc ủy quyền phải bằng văn bản và phải
được công chứng hoặc chứng thực hợp lệ. Nếu người được ủy quyền là ông, bà,
cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền, thì không cần phải
có văn bản ủy quyền, nhưng phải có giấy tờ chứng minh về mối quan hệ nêu trên.
Điều 7. Hồ sơ thực hiện liên thông các thủ tục
hành chính đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi
Người có yêu cầu thực hiện liên thông các thủ tục
hành chính đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế phải nộp 01 (một) bộ hồ sơ,
gồm các loại giấy tờ quy định tại Điểm a, b,
đ Khoản 1 Điều 6 và xuất trình các loại giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều 6
của Quy chế này.
Điều 8. Tiếp nhận hồ sơ
1. Công chức Tư pháp - Hộ tịch của UBND cấp xã
khi tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; hướng dẫn người dân lựa chọn,
đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu. Việc hướng dẫn phải chính xác, đầy đủ và rõ
ràng.
2. Trường hợp người dân chưa có Tờ khai đăng ký
khai sinh, Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, Tờ khai tham gia bảo hiểm y tế
thì công chức Tư pháp - Hộ tịch của UBND cấp xã cấp cho người dân các mẫu giấy
tờ đó theo quy định.
3. Trường hợp hồ sơ của người dân đầy đủ, đúng
quy định tại Điều 6 Quy chế này thì công chức Tư pháp - Hộ tịch có trách nhiệm
tiếp nhận hồ sơ và tạm thu lệ phí để đăng ký thường trú cho trẻ em (nếu có); viết
giấy nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cho người dân. Trong giấy hẹn trả kết quả phải
ghi rõ yêu cầu của người dân, giấy tờ nộp trong hồ sơ và thời gian trả kết quả
thực hiện liên thông các thủ tục hành chính.
4. Trường hợp yêu cầu thực hiện liên thông các thủ
tục hành chính không thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của cơ quan mình
thì công chức Tư pháp - hộ tịch có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn cụ thể để
người dân đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Thực hiện đăng ký khai sinh, lập và
chuyển hồ sơ giải quyết đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế tại UBND cấp
xã
1. Đăng ký khai sinh
Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ, công chức Tư pháp
- Hộ tịch của UBND cấp xã kiểm tra hồ sơ và tiến hành đăng ký khai sinh ngay
trong ngày; trường hợp hồ sơ tiếp nhận sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay
trong ngày thì tiến hành giải quyết trong ngày làm việc tiếp theo.
2. Lập và chuyển hồ sơ đăng ký thường trú và hồ
sơ cấp thẻ bảo hiểm y tế
Trong thời hạn hai (02) ngày làm việc, kể từ
ngày đăng ký khai sinh, công chức Tư pháp - Hộ tịch có trách nhiệm:
- Lập và chuyển hồ sơ, lệ phí đăng ký thường
trú cho cơ quan Công an có thẩm quyền đăng ký thường trú, hồ sơ gồm các loại giấy
tờ quy định tại Điểm c, d Khoản 1 Điều 6 của Quy chế này và bản sao Giấy khai
sinh;
- Lập và chuyển hồ sơ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho
trẻ em dưới 06 tuổi gồm: Tờ khai tham gia bảo hiểm y tế, danh sách đề nghị cấp
thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi của UBND cấp xã theo mẫu quy định.
Điều 10. Thực hiện đăng ký thường trú cho trẻ
em dưới 6 tuổi
1. Ngay sau
khi nhận được hồ sơ và lệ phí đăng ký thường trú (nếu có) do UBND cấp xã chuyển
đến cơ quan Công an có thẩm quyền đăng ký thường trú kiểm tra tính hợp pháp, đầy
đủ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ, lệ phí đầy đủ, đúng quy định thì trong thời hạn
mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an có thẩm quyền
đăng ký thường trú thực hiện đăng ký thường trú cho trẻ em và trả kết quả đăng
ký thường trú cùng biên lai thu lệ phí đăng ký thường trú cho UBND cấp xã để trả
cho người dân. Người được giao chuyển hồ sơ của UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm
tra các thông tin được ghi trong sổ hộ khẩu và ký nhận vào sổ theo dõi giải quyết
hộ khẩu.
2. Trường hợp hồ sơ chưa đúng quy định thì ngay
sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan Công an có thẩm quyền đăng ký thường trú thông
báo cho UBND cấp xã biết để hoàn thiện
hồ sơ theo quy định và gửi lại cho cơ quan Công an đăng ký thường trú để đăng
ký thường trú cho trẻ em. Thời hạn hoàn thiện hồ sơ chậm nhất là hai (02) ngày
làm việc kể từ khi UBND cấp xã nhận
được thông báo của cơ quan Công an có thẩm quyền đăng ký thường trú.
3. Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện đăng ký
thường trú thì cơ quan Công an có thẩm quyền đăng ký thường trú có văn bản trả
lời kèm theo hồ sơ trả lại cho UBND cấp
xã biết để xử lý theo quy định.
Điều 11. Thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho
trẻ em dưới 6 tuổi
1. Ngay sau khi nhận được hồ sơ do UBND cấp xã chuyển đến, Bảo hiểm xã hội cấp
huyện có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ đã nhận được. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, đúng
quy định thì trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bảo
hiểm xã hội cấp huyện thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em và chuyển cho UBND cấp xã tại Bộ phận một cửa của Bảo hiểm
xã hội cấp huyện.
2. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa đúng quy định thì
ngay sau khi nhận được hồ sơ, cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp huyện thông báo cho
UBND cấp xã biết để hoàn thiện hồ sơ và gửi lại cho cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp
huyện để cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em. Trường hợp nhận hồ sơ sau 15 giờ thì
thực hiện việc thông báo trong ngày làm việc tiếp theo. Thời hạn hoàn thiện hồ
sơ chậm nhất là hai (02) ngày làm việc kể từ khi UBND cấp xã nhận được thông
báo của Bảo hiểm xã hội cấp huyện.
Điều 12. Thời hạn thực
hiện liên thông các thủ tục hành chính và trả kết quả
1. Thời hạn thực hiện liên thông các thủ tục hành
chính được tính từ ngày UBND cấp xã
tiếp nhận hồ sơ, giao giấy biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cho công dân.
2. Thời hạn thực hiện liên thông các thủ tục hành
chính cụ thể:
a. Thời hạn thực hiện liên thông các thủ tục hành
chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em
dưới 06 tuổi không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ.
b. Thời hạn thực hiện liên thông các thủ tục hành
chính: Đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi không
quá 12 ngày làm việc, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ.
c. Trường hợp hồ sơ cần hoàn thiện theo yêu cầu của
cơ quan Công an có thẩm quyền đăng ký thường trú hoặc Bảo hiểm xã hội cấp huyện
thì thời hạn giải quyết được kéo dài thêm không quá 02 ngày làm việc.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN PHỐI HỢP
Điều 13. Trách nhiệm của Sở Tư pháp
1. Chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn triển khai thực hiện
liên thông các thủ tục hành chính trong phạm vi quản lý của ngành mình.
2. Chủ trì, phối
hợp với Công an tỉnh, Bảo hiểm xã hội, Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở Tài chính tổ chức
triển khai kiểm tra, sơ kết việc thực hiện liên thông các thủ tục hành chính;
báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 14. Trách nhiệm của Công an tỉnh, Bảo hiểm
xã hội tỉnh, Sở Y tế
1. Chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn triển khai thực
hiện liên thông các thủ tục hành chính trong phạm vi quản lý của ngành mình.
2. Phối hợp với Sở Tư pháp báo cáo định kỳ hoặc đột
xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền việc thực hiện liên thông các thủ tục
hành chính.
Điều 15. Trách nhiệm của Sở Tài chính
Tham mưu, giúp UBND tỉnh bảo đảm về kinh phí phục vụ công tác triển khai thực hiện
liên thông các thủ tục hành chính, tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật
chất cho UBND cấp xã thực hiện liên
thông các thủ tục hành chính.
Điều 16. Trách nhiệm của Sở Nội vụ
Tham mưu, giúp UBND tỉnh trong việc bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ, công
chức làm việc tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông.
Điều 17. Trách nhiệm của UBND cấp huyện
1. Tổ chức triển khai thực hiện liên thông các thủ
tục hành chính tại địa phương.
2. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên tổ chức tập huấn,
hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện liên thông các
thủ tục hành chính.
3. Kiểm tra, xem xét giải quyết kịp thời khó
khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện liên thông các
thủ tục hành chính ở địa phương.
4. Tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất để
thực hiện liên thông các thủ tục hành chính phù hợp với điều kiện ngân sách của
địa phương.
5. Báo
cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 18. Trách nhiệm của Công an cấp huyện và
Công an cấp xã
1. Xem xét, giải quyết đăng ký thường trú cho trẻ em dưới 06
tuổi theo thẩm quyền.
2. Giải quyết các khiếu nại và xử lý các vướng mắc
liên quan đến việc đăng ký thường trú cho trẻ em dưới 06 tuổi theo thẩm quyền.
Điều 19. Trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội cấp
huyện
1. Thực hiện
việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi theo quy định.
2. Giải quyết các khiếu nại và xử lý các vướng mắc
liên quan đến việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi theo thẩm quyền.
Điều 20. Trách nhiệm của UBND cấp xã
1. Tổ chức triển
khai thực hiện liên thông các thủ tục hành chính tại địa phương.
2. Thông tin, tuyên truyền về liên thông các thủ tục hành
chính bằng các hình thức thích hợp; phổ biến rộng rãi để người dân dễ tiếp cận
và thực hiện khi có nhu cầu.
3. Bố trí người có đủ trình độ, năng lực thực hiện
liên thông các thủ tục hành chính tại địa phương.
4. Tạo điều kiện đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật
chất, hỗ trợ cho cán bộ, công chức thực hiện liên thông các thủ tục hành chính
phù hợp với điều kiện ngân sách của địa phương.
5. Niêm yết công khai quy trình thực hiện liên
thông các thủ tục hành chính tại UBND
cấp xã, lệ phí, danh sách cơ sở khám chữa bệnh ban đầu do cơ quan Bảo hiểm xã hội
cung cấp.
6. Kịp thời phản ánh với UBND cấp huyện về các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá
trình thực hiện liên thông các thủ tục hành chính để được xem xét, hướng dẫn giải
quyết.
7. Hàng năm, căn cứ hướng dẫn của UBND cấp trên, xây dựng dự toán kinh phí thực
hiện liên thông các thủ tục hành chính, tổng hợp chung vào dự toán kinh phí của
cơ quan mình, gửi cơ quan tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền bố trí
kinh phí thực hiện.
8. Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của
cơ quan có thẩm quyền.
Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có
khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về UBND tỉnh (thông qua Sở Tư pháp) để được hướng
dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.