Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 197/2003/QĐ-BTC Điều lệ Tổ chức hoạt động Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam

Số hiệu: 197/2003/QĐ-BTC Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
Ngày ban hành: 05/12/2003 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 197/2003/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 2003 

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM VIỆT NAM

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Luật doanh nghiệp Nhà nước ngày 20/04/1995;
Căn cứ Luật kinh doanh bảo hiểm ngày 09/12/2000;
Căn cứ Nghị định số 42/2001/NĐ-CP ngày 01/8/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm.
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 39/CP ngày 27/06/1995 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của Tổng công ty nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 169 /2003/TC/QĐ ngày 10/10/2003  của Bộ trưởng Bộ Tài chính về tổ chức  lại hoạt động kinh doanh của Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 170/2003/TC/QĐ ngày 10/10/2003  của Bộ trưởng Bộ Tài chính về vốn điều lệ và cấp vốn kinh doanh cho Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam;
Xét đề nghị của Hội đồng quản trị Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam, Vụ trưởng Vụ  Bảo hiểm, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Bảo hiểm Việt  Nam kèm theo Quyết định này.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Bãi bỏ Quyết định số 461/TC/QĐ/TCCB ngày 11/05/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc phê chuẩn Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam.

Điều 3: Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Nguyễn Sinh Hùng

(Đã ký)

 

ĐIỀU LỆ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 197/2003/QĐ-BTC ngày  05 tháng 12 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam (sau đây gọi tắt là Tổng công ty) là  doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính, có chức năng kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm, đầu tư tài chính và các dịch vụ tài chính khác.

Tổng công ty do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thành lập theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Tổng công ty có:

1. Tên thương mại tiếng Việt là Bảo Việt.

2. Tên thương mại tiếng Anh là BAOVIET.

3. Tên giao dịch quốc tế là VIETNAM INSURANCE CORPORATION.

4. Trụ sở chính đặt tại thành phố Hà Nội.

5. Tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt  Nam.

6. Điều lệ tổ chức và hoạt động.

7. Bộ máy quản lý và điều hành; các đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập; các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc; các đơn vị sự nghiệp (sau đây gọi chung là đơn vị của Tổng công ty).

8. Vốn và tài sản, chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ trong phạm vi số vốn Nhà nước do Tổng công ty quản lý.

9. Con dấu, tài khoản bằng tiền Việt Nam và bằng ngoại tệ mở tại các ngân hàng ở trong nước và ở nước ngoài.

10. Bảng cân đối tài sản, các quỹ theo quy định của Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 3. Vốn điều lệ

Vốn điều lệ của Tổng công ty là 3.000 tỷ đồng Việt Nam.

Điều 4. Tổng công ty được quản lý bởi Hội đồng quản trị và được điều hành bởi Tổng Giám đốc Tổng công ty.

Điều 5. Tổng công ty chịu sự quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các lĩnh vực có liên quan, đồng thời chịu sự quản lý của Bộ Tài chính với tư cách là đại diện chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam trong Tổng công ty hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quy định của Đảng Cộng sản Việt  Nam.

Tổ chức công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác trong Tổng công ty hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật.

Chương 2:

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA TỔNG CÔNG TY

Mục I. TỔNG CÔNG TY CÓ QUYỀN

Điều 7. Đối với vốn và tài sản

Quản lý, sử dụng vốn, tài sản được nhà nước giao để kinh doanh, thực hiện các lợi ích hợp pháp từ vốn và tài sản đó.

Giao lại cho các đơn vị của Tổng công ty quản lý, sử dụng vốn, tài sản  mà Tổng công ty đã nhận của Nhà nước; điều động vốn và tài sản đã giao trong trường hợp cần thiết, phù hợp với kế hoạch phát triển chung của toàn Tổng công ty.

Đầu tư, liên doanh, liên kết, góp vốn cổ phần, mua một phần hoặc toàn bộ tài sản của doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chuyển nhượng, thay thế, cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản trên nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn theo các quy định của pháp luật và của điều lệ này.

Điều 8. Đối với hoạt động kinh doanh

1. Kinh doanh những ngành nghề theo quy định trong Giấy phép thành lập và hoạt động. Tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng.

2. Tổ chức quản lý và kinh doanh phù hợp với đặc điểm ngành nghề, đảm bảo kinh doanh có hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Mở rộng quy mô kinh doanh theo sự phát triển và nhu cầu của thị trường.

4. Xây dựng và áp dụng quy tắc, điều khoản và biểu phí của các loại hình bảo hiểm theo đúng quy định của Nhà nước về quản lý bảo hiểm.

5. Nhượng tái bảo hiểm và nhận tái bảo hiểm trong và ngoài  nước.

6. Nhận làm dịch vụ đại lý cho các tổ chức bảo hiểm trong và ngoài nước về các vấn đề liên quan đến bảo hiểm.

7. Quyết định biểu phí và phí bảo hiểm cụ thể đối với từng khách hàng theo cơ chế thoả thuận đối với các loại hình dịch vụ bảo hiểm tự nguyện, quyết định biểu phí và mức phí dịch vụ tài chính đối với từng khách hàng.

8. Quyết định các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

9. Quyết định giá mua sản phẩm, dịch vụ để phục vụ hoạt động kinh doanh.

10. Nộp tiền ký quỹ hoặc cấp thư bảo lãnh trong những trường hợp cần thiết.

11. Tham gia hoặc thay mặt khách hàng trong và ngoài nước (theo ủy nhiệm hoặc thế quyền) giải quyết các vụ tranh chấp tại các toà án trong và ngoài nước.

12. Thành lập phòng khu vực, trung tâm dịch vụ khách hàng của các đơn vị của Tổng công ty ở địa bàn trong nước; trình Bộ Tài chính cho phép thành lập công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài.

13. Xây dựng, áp dụng các định mức lao động, đơn giá tiền lương và các định mức chi phí khác trên cơ sở đảm bảo hiệu quả kinh doanh và phù hợp với quy định của pháp luật.

14. Phân cấp quyền hạn cho các đơn vị của Tổng công ty về tổ chức, cán bộ, nghiệp vụ, hạch toán hiệu quả kinh doanh, đầu tư trong phạm vị thẩm quyền được giao.

15. Thuê chuyên gia, tư vấn trong nước, nước ngoài làm việc hoặc cung cấp dịch vụ cho Tổng công ty theo quy định của pháp luật.

16. Mời và tiếp đối tác nước ngoài đến làm việc. Quyết định cử cán bộ của Tổng công ty ra nước ngoài công tác, học tập, tham quan, khảo sát, du lịch, giải quyết việc riêng  theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Tổng công ty phải được Bộ trưởng Bộ Tài chính cho phép; các thành viên khác của Hội đồng quản trị ra nước ngoài do Chủ tịch Hội đồng quản trị quyết định; Phó Tổng giám đốc Tổng công ty và các chức danh lãnh đạo khác trong toàn Tổng công ty do Tổng giám đốc Tổng công ty quyết định.

17. Các quyền hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Đối với tài chính doanh nghiệp

1. Huy động vốn để kinh doanh dưới các hình thức: phát hành trái phiếu, vay vốn của các tổ chức, cá nhân ngoài Tổng công ty, vay vốn của các đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật.

Việc huy động vốn để kinh doanh thực hiện theo nguyên tắc tự chịu trách nhiệm hoàn trả, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn huy động và không làm thay đổi hình thức sở hữu.

2. Chủ động sử dụng vốn cho hoạt động kinh doanh của Tổng công ty; được sử dụng và quản lý các quỹ của Tổng công ty theo quy định của pháp luật.

3. Quyết định trích khấu hao tài sản cố định theo nguyên tắc mức trích khấu hao tối thiểu phải bảo đảm bù đắp hao mòn hữu hình, hao mòn vô hình của tài sản và không thấp hơn tỷ lệ trích khấu hao tối thiểu do Nhà nước quy định.

4. Được hưởng các chế độ trợ cấp, trợ giá hoặc các chế độ ưu đãi khác của Nhà nước khi thực hiện các dịch vụ bảo hiểm, phục vụ quốc phòng an ninh, phòng chống thiên tai, hoạt động công ích hoặc cung cấp sản phẩm dịch vụ theo chính sách giá của nhà nước không đủ bù đắp chi phí.

5. Được chi thưởng sáng kiến đổi mới, cải tiến quản lý và công nghệ, thưởng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí và hạch toán vào chi phí kinh doanh trên cơ sở đảm bảo hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty .

6. Được hưởng các chế độ ưu đãi đầu tư hoặc tái đầu tư theo quy định của Nhà nước.

7. Từ chối và tố cáo mọi yêu cầu cung cấp các nguồn lực không được pháp luật quy định của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào, trừ những khoản tự nguyện đóng góp vì mục đích nhân đạo và công ích.

8. Được sử dụng phần lợi nhuận còn lại sau khi đã làm đủ nghĩa vụ đối với nhà nước để trích lập quỹ đầu tư phát triển, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ khác theo quy định của pháp luật. 

Mục II. TỔNG CÔNG TY CÓ CÁC NGHĨA VỤ

Điều 10. Đối với vốn và tài sản

1. Quản lý, sử dụng có hiệu quả vốn, mọi nguồn lực nhà nước giao kể cả phần vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khác.

2. Bảo toàn, phát triển vốn nhà nước và vốn tự huy động, chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số tài sản của Tổng công ty.

3. Đánh giá lại tài sản của Tổng công ty theo quy định của Nhà nước.

Điều 11. Đối với hoạt động kinh doanh

1. Kinh doanh đúng ngành nghề đã ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động; chịu trách nhiệm trước khách hàng, trước pháp luật về sản phẩm, dịch vụ do Tổng công ty thực hiện.

2. Đổi mới, hiện đại hoá công nghệ và phương thức quản lý để nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

3. Bảo đảm quyền, lợi ích và quyền tham gia quản lý doanh nghiệp của người lao động theo quy định của pháp luật.

4. Tuân thủ các quy định của nhà nước về quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường, di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh.

5. Chịu sự giám sát, kiểm tra, thanh tra của chủ sở hữu và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

6. Tuân thủ các nghĩa vụ khác trong kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Đối với  tài chính doanh nghiệp

1. Kinh doanh có lãi, đảm bảo chỉ tiêu kinh doanh do đại diện chủ sở hữu giao, đăng ký, kê khai và nộp đủ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật

2. Sử dụng vốn và các nguồn lực khác để thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt khi Nhà nước yêu cầu.

3. Thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý vốn, tài sản, các quỹ, về hạch toán kế toán, về kiểm toán; chịu trách nhiệm về tính trung thực và hợp pháp của các hoạt động tài chính của Tổng công ty.

4. Thực hiện chế độ báo cáo tài chính, công khai tài chính hàng năm và các thông tin để đánh giá trung thực về hoạt động của Tổng công ty.

5. Thực hiện các quy định về quản lý tài chính, đảm bảo khả năng thanh toán, đáp ứng các cam kết đối với người tham gia bảo hiểm.

Chương 3:

HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ, BAN KIỂM SOÁT TỔNG CÔNG TY

Điều 13.

1. Hội đồng quản trị là đại diện của chủ sở hữu, thực hiện chức năng quản lý hoạt động của Tổng công ty, chịu trách nhiệm về sự phát triển của Tổng công ty.

2. Hội đồng quản trị có các nhiệm vụ  và quyền hạn sau:

a. Nhận vốn (kể cả nợ), đất đai và các nguồn lực khác do Nhà nước giao cho Tổng công ty.

b. Xem xét, phê duyệt phương án giao vốn và các nguồn lực khác cho các đơn vị của Tổng công ty và phương án điều hoà vốn, các nguồn lực khác giữa các đơn vị của Tổng công ty, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các phương án đó.

c. Kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổng công ty về sử dụng, bảo toàn, phát triển vốn và các nguồn lực được giao; về việc thực hiện các nghị quyết và quyết định của Hội đồng quản trị; thực hiện các quy định của pháp luật và việc thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước.

d. Tổ chức xây dựng chiến lược phát triển, phê duyệt kế hoạch dài hạn, kế hoạch 5 năm, quyết định mục tiêu, kế hoạch hàng năm của Tổng công ty.

đ. Tổ chức thẩm định các dự án đầu tư mới, dự án hợp tác đầu tư với bên ngoài bằng vốn  của Tổng công ty theo quy định của pháp luật .

e. Trình Bộ Tài chính phê duyệt hoặc phê duyệt theo uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính các dự án liên doanh với nước ngoài theo quy định của pháp luật; trình Bộ Tài chính quyết định các dự án đầu tư thuộc quyền quản lý của Bộ; quyết định các dự án đầu tư, các dự án liên doanh trong nước, các hợp đồng kinh tế thuộc thẩm quyền; ủy quyền hoặc phân cấp cho Tổng Giám đốc Tổng công ty, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc các đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập duyệt các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

g. Ban hành và giám sát việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật, đơn giá tiền lương, giá dịch vụ, sản phẩm trong Tổng công ty theo quy định của pháp luật.

h. Trình Bộ Tài chính:

- Ban hành, sửa đổi, bổ sung Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Tổng công ty;

- Thành lập công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài theo quy định của pháp luật;

- Thành lập, tách, nhập, giải thể các đơn vị của Tổng công ty theo quy định của pháp luật.

i. Ban hành, sửa đổi, bổ sung Điều lệ, Quy chế Tổ chức và hoạt động của các đơn vị của Tổng công ty; ban hành Quy chế tài chính của Tổng công ty sau khi được Bộ Tài chính thông qua; ban hành Quy chế Tài chính của các đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập; ban hành Quy chế đầu tư tài chính, phê duyệt Quy chế lao động, Quy chế dân chủ, Quy chế tiền lương, khen thưởng, kỷ luật áp dụng trong Tổng công ty.

 k. Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật các chức danh thành viên Hội Đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Tổng công ty.

l. Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật các chức danh Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng Tổng công ty, Tổng Giám đốc (hoặc Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (hoặc Phó Giám đốc) và Kế toán trưởng các đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập; thông qua để Tổng Giám đốc Tổng công ty  quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với các chức danh Giám đốc các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc; thông qua để Tổng Giám Đốc hoặc Giám đốc đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Giám đốc các đơn vị thành viên của đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập.

m. Quyết định, điều chỉnh bộ máy quản lý, điều hành và kinh doanh của Tổng công ty.

n. Phê duyệt phương án đề nghị về việc hình thành và sử dụng các quỹ tập trung tương ứng với kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính của Tổng công ty.

o. Phê duyệt kế hoạch huy động vốn, bảo lãnh các khoản vay; thanh lý tài sản của các đơn vị của Tổng công ty hoặc trình Bộ Tài chính quyết định theo quy định của pháp luật.

p. Thông qua báo cáo hoạt động theo định kỳ của Tổng công ty, các báo cáo tài chính tổng hợp hàng năm của Tổng công ty và của các đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập do Tổng Giám đốc Tổng công ty trình và yêu cầu Tổng giám đốc Tổng công ty công bố báo cáo tài chính hàng năm theo quy định của pháp luật.

q. Ban hành nội quy bảo mật trong kinh doanh, các thông tin kinh tế nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật để áp dụng thống nhất trong toàn Tổng công ty.

2. Hội đồng quản trị có từ 5 đến 7 thành viên do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm.

3. Hội đồng quản trị gồm một số thành viên chuyên trách, trong đó có Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Đồng Quản trị, một thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty, một thành viên kiêm Trưởng ban Ban kiểm soát và một số thành viên kiêm nhiệm là Tổng Giám đốc Bảo Việt Nhân thọ, Tổng Giám đốc Bảo Việt Phi Nhân thọ (khi thành lập) và các chuyên gia về ngành bảo hiểm, kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh, pháp luật.

4. Chủ tịch Hội đồng quản trị không kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty.

5. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị là 5 năm. Thành viên Hội đồng quản trị có thể được bổ nhiệm lại. Thành viên Hội đồng quản trị bị miễn nhiệm và được thay thế trong những trường hợp sau:

a. Vi phạm pháp luật, vi phạm Điều lệ của Tổng công ty.

b. Không đủ khả năng đảm nhiệm công việc và theo đề nghị của ít nhất 2/3 số thành viên đương nhiệm của Hội đồng quản trị.

c. Xin từ nhiệm.

d. Khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về điều chuyển hoặc bố trí công việc khác.

6. Chủ tịch Hội đồng quản trị có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị quy định tại Khoản 2 của Điều này.

7. Chế độ làm việc của Hội đồng quản trị:

a. Hội đồng quản trị làm việc theo chế độ tập thể, định kỳ tổ chức họp hoặc lấy ý kiến các thành viên bằng văn bản để xem xét và quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của mình. Khi cần thiết, do Chủ tịch Hội đồng quản trị, hoặc Tổng Giám đốc Tổng công ty, hoặc Trưởng ban Ban kiểm soát, hoặc trên 50% số thành viên Hội đồng quản trị đề nghị, Hội đồng quản trị có thể họp bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách.

b. Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Hội đồng quản trị, trường hợp vắng mặt vì lý do chính đáng, Chủ tịch ủy nhiệm cho Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập và chủ trì cuộc họp.

c. Cuộc họp của Hội đồng quản trị được coi là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số thành viên có mặt. Các tài liệu họp Hội đồng quản trị phải được gửi đến các thành viên Hội đồng quản trị và các đại biểu được mời dự họp trước ngày họp 5 ngày. Nội dung và kết luận của các cuộc họp Hội đồng quản trị đều phải được ghi thành biên bản và phải được tất cả các thành viên dự họp ký tên. Nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị có hiệu lực khi có trên 50% tổng số thành viên Hội đồng quản trị biểu quyết tán thành. Thành viên Hội đồng quản trị có quyền bảo lưu ý kiến của mình.

d. Khi Hội đồng quản trị họp để xem xét những vấn đề về chiến lược phát triển, quy hoạch và kế hoạch 5 năm và hàng năm, các dự án đầu tư lớn, các dự án liên doanh với nước ngoài, báo cáo tài chính hàng năm, ban hành hệ thống định mức, tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật của Tổng công ty thì phải mời đại diện có thẩm quyền của các Bộ, ngành liên quan dự họp; trường hợp có nội dung quan trọng liên quan đến chính quyền địa phương thì phải mời đại diện chính quyền địa phương dự họp; trường hợp có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động trong Tổng công ty thì phải mời đại diện công đoàn đến dự. Đại diện của các cơ quan, tổ chức được mời dự họp có quyền phát biểu nhưng không tham gia biểu quyết; khi phát hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị có phương hại đến lợi ích chung thì có quyền kiến nghị bằng văn bản đến Hội đồng quản trị, đồng thời báo cáo Thủ trưởng cơ quan mà mình đại diện để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

đ. Nghị quyết và quyết định của Hội đồng quản trị có tính bắt buộc thi hành đối với toàn Tổng công ty. Trong trường hợp ý kiến của Tổng Giám đốc Tổng công ty khác với nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng công ty có quyền bảo lưu ý kiến và kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý. Trong thời gian chưa có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Tổng Giám đốc Tổng công ty vẫn phải chấp hành nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị.

e. Chi phí hoạt động của Hội đồng quản trị, của Ban kiểm soát (kể cả tiền lương và phụ cấp cho các thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát và chuyên viên giúp việc) được tính vào chi phí quản lý của Tổng công ty. Tổng Giám đốc Tổng công ty bảo đảm các điều kiện và phương tiện cần thiết cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát làm việc.

Điều 14. Giúp việc Hội đồng quản trị

1. Hội đồng quản trị sử dụng bộ máy quản lý và điều hành, con dấu của Tổng công ty để thực hiện nhiệm vụ của mình.

2. Hội đồng quản trị có không quá 5 chuyên viên giúp việc, hoạt động chuyên trách.

3. Hội đồng quản trị thành lập Ban kiểm soát để thực hiện các nhiệm vụ, kiểm tra, giám sát do Hội đồng quản trị giao.

Điều 15. Quyền lợi và trách nhiệm của thành viên Hội đồng quản trị

1. Quyền lợi: các thành viên chuyên trách được xếp lương cơ bản theo ngạch viên chức nhà nước, hưởng lương theo chế độ phân phối tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật, được thưởng tương ứng với hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty. Các thành viên kiêm nhiệm được hưởng phụ cấp trách nhiệm và tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Trách nhiệm của thành viên Hội đồng quản trị:

a. Không được đặt mình vào vị trí làm hạn chế chí công vô tư hoặc gây mâu thuẫn giữa lợi ích Tổng công ty và lợi ích cá nhân;

b. Không được lợi dụng chức vụ để trục lợi hoặc có hành động chiếm đoạt cơ hội kinh doanh của Tổng công ty, làm thiệt hại lợi ích của Tổng công ty;

c. Không được hành động vượt quyền hạn của Hội đồng quản trị quy định trong Điều lệ này.

3. Thành viên Hội đồng quản trị là Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tổng công ty  không được nhân danh cá nhân để thành lập doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, không được giữ các chức danh quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, không được có các quan hệ hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần do vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con giữ chức danh quản lý, điều hành trong các đơn vị này.

4. Vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Tổng công ty không được giữ chức vụ kế toán trưởng, thủ quỹ của Tổng công ty và của các đơn vị của Tổng công ty.

5. Các thành viên Hội đồng quản trị cùng chịu trách nhiệm trước Bộ Tài chính và trước pháp luật về nghị quyết và quyết định của Hội đồng quản trị; trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ được giao, vi phạm Điều lệ này, quyết định sai hoặc vượt thẩm quyền, lạm dụng chức quyền, gây thiệt hại cho Tổng công ty và nhà nước thì phải chịu trách nhiệm và bồi thường vật chất đối với các thiệt hại do mình gây ra theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Ban kiểm soát

1. Ban kiểm soát có 5 thành viên, trong đó một thành viên Hội đồng quản trị làm Trưởng ban theo sự phân công của Hội đồng quản trị và 4 thành viên khác do Hội đồng quản trị quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, gồm: hai thành viên là viên chức tài chính, kế toán, một thành viên do Đại hội đại biểu công nhân viên chức Tổng công ty giới thiệu, một thành viên do Bộ trưởng Bộ Tài chính giới thiệu.

2. Thành viên Ban kiểm soát không được là vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của Tổng Giám đốc Tổng công ty, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty, Kế toán trưởng Tổng công ty và các thành viên này không được kiêm nhiệm bất cứ nhiệm vụ nào trong bộ máy quản lý và điều hành của Tổng công ty hoặc bất cứ chức vụ nào trong các doanh nghiệp bảo hiểm khác.

3. Thành viên Ban kiểm soát phải có đủ các tiêu chuẩn sau:

Là chuyên gia về tài chính, kế toán, kiểm toán, kinh tế, bảo hiểm, pháp luật.

Thâm niên công tác về các chuyên ngành liên quan không dưới 5 năm.

Không có tiền án, tiền sự về các tội danh liên quan đến hoạt động kinh tế.

4. Nhiệm kỳ của thành viên Ban kiểm soát là 5 năm. Thành viên Ban kiểm soát có thể được bổ nhiệm lại. Trong quá trình công tác, nếu không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị thay thế.

Thành viên Ban kiểm soát được hưởng tiền lương, tiền thưởng do Hội đồng quản trị quyết định theo chế độ của pháp luật.

Điều 17. Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Ban kiểm soát

1. Kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổng Giám đốc Tổng công ty, bộ máy quản lý và điều hành và các đơn vị của Tổng công ty trong việc chấp hành pháp luật của nhà nước và các quy định tại điều lệ này.

2. Báo cáo Hội đồng quản trị theo định kỳ hàng quý, hàng năm và theo vụ việc về kết quả kiểm tra, giám sát của mình; kịp thời phát hiện và báo cáo ngay Hội đồng quản trị về những hoạt động không bình thường, có dấu hiệu phạm pháp trong Tổng công ty.

3. Không được tiết lộ kết quả kiểm tra, giám sát khi chưa được Hội đồng quản trị cho phép; phải chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và pháp luật nếu cố ý bỏ qua hoặc bao che những hành vi phạm pháp.

Chương 4:

TỔNG GIÁM ĐỐC TỔNG CÔNG TY VÀ BỘ MÁY GIÚP VIỆC

Điều 18.

1. Tổng Giám đốc Tổng công ty do Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật theo đề nghị của Hội đồng quản trị. Tổng Giám đốc Tổng công ty là đại diện pháp nhân của Tổng công ty, chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị, trước Bộ trưởng Bộ Tài chính và trước pháp luật về hoạt động của Tổng công ty. Tổng Giám đốc Tổng công ty là người có quyền điều hành cao nhất trong Tổng công ty.

2. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty là người giúp Tổng Giám đốc Tổng công ty  điều hành một hoặc một số lĩnh vực hoạt động của Tổng công ty theo phân công của Tổng Giám đốc Tổng công ty. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty  chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc Tổng công ty và  trước pháp luật về nhiệm vụ được Tổng Giám đốc Tổng công ty  phân công thực hiện.

3. Kế toán trưởng giúp Tổng Giám đốc Tổng công ty chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kế toán, thống kê của Tổng công ty, có các quyền và nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

4. Văn phòng, ban, phòng, trung tâm của Cơ quan Trụ sở chính Tổng công ty có chức năng tham mưu, giúp việc Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Tổng công ty trong quản lý, điều hành công việc.

Điều 19. Tổng Giám đốc Tổng công ty  có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1. Cùng Chủ tịch Hội đồng quản trị ký nhận vốn (kể cả nợ), đất đai và các nguồn lực khác của nhà nước để quản lý, sử dụng theo mục tiêu, nhiệm vụ Nhà nước giao cho Tổng công ty. Giao các nguồn lực đã nhận của nhà nước cho các đơn vị của Tổng công ty theo phương án đã được Hội đồng quản trị phê duyệt. Trình Hội đồng quản trị phương án điều chỉnh vốn và nguồn lực khác khi giao lại cho các đơn vị của Tổng công ty và điều chỉnh khi có sự thay đổi nhiệm vụ của các đơn vị đó.

2. Sử dụng có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn theo phương án được Hội đồng quản trị phê duyệt. Xây dựng phương án huy động vốn, trình Hội đồng quản trị phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án đó. Chỉ đạo thực hiện việc huy động vốn, cho vay vốn, bảo toàn phát triển  vốn.

3. Tổ chức xây dựng kế hoạch dài hạn và hàng năm của Tổng công ty, dự án đầu tư mới và đầu tư chiều sâu, dự án hợp tác đầu tư với nước ngoài, phương án liên doanh, phương án phối hợp kinh doanh của các đơn vị của Tổng công ty không được phân cấp để trình Hội đồng quản trị xem xét, quyết định hoặc trình tiếp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định. Tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch, phương án, dự án, biện pháp đã được phê duyệt;

4. Điều hành các hoạt động kinh doanh của Tổng công ty, chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của Tổng công ty và thực hiện các nhiệm vụ nhà nước giao cho Tổng công ty.

5. Trình Hội đồng quản trị phê duyệt các định mức kinh tế - kỹ thuật tiêu chuẩn sản phẩm, giá dịch vụ, sản phẩm của Tổng công ty, đơn giá tiền lương theo quy định của pháp luật. Tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, đơn giá này trong toàn Tổng công ty.

6. Trình Hội đồng quản trị quyết định, phê duyệt các vấn đề thuộc về công tác cán bộ đối với các chức danh Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng Tổng công ty, Tổng Giám đốc (hoặc Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (hoặc Phó Giám đốc) và Kế toán trưởng các đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập, Giám đốc các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc.

7. Quyết định các vấn đề thuộc về công tác cán bộ trong phạm vị được phân cấp .

8. Trình Hội đồng quản trị phê duyệt, điều chỉnh tổ chức bộ máy của Tổng  công ty.

9. Trình Hội đồng quản trị ban hành Điều lệ tổ chức hoạt động của các đơn vị của Tổng công ty.

10. Trình Hội đồng quản trị ban hành Quy chế Tài chính, Quy chế dân chủ, Quy chế đầu tư, Quy chế lao động, Quy chế về tiền lương, khen thưởng, kỷ luật để áp dụng trong Tổng công ty.

11. Tổ chức điều hành hoạt động của Tổng công ty, báo cáo Hội đồng quản trị và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tình hình hoạt động của Tổng công ty theo quy định của pháp luật và điều lệ này.

12. Thực hiện và kiểm tra các đơn vị của Tổng công ty trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và các khoản nộp khác theo quy định của pháp luật. Lập phương án phân phối lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty trình Hội đồng quản trị phê duyệt theo quy định của pháp luật.

13. Cung cấp đầy đủ các tài liệu theo yêu cầu của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Chuẩn bị các tài liệu cho các cuộc họp Hội đồng quản trị.

14. Chịu sự kiểm tra, giám sát của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện nhiệm vụ điều hành; bảo đảm thực hiện Quy chế dân chủ trong doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

15. Được quyết định áp dụng các biện pháp vượt thẩm quyền của mình trong trường hợp khẩn cấp (thiên tai, địch hoạ, hoả hoạn, sự cố) và chịu trách nhiệm về những quyết định đó; sau đó phải báo cáo ngay cho Hội đồng quản trị và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết tiếp.

Chương 5:

TẬP THỂ NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG TỔNG CÔNG TY 

Điều 20. Đại hội đại biểu công nhân, viên chức của Tổng công ty là hình thức trực tiếp để người lao động tham gia quản lý Tổng công ty. Đại hội đại biểu công nhân viên chức có quyền sau:

1. Tham gia thảo luận xây dựng Thoả ước lao động tập thể để người đại diện tập thể lao động thương lượng và ký kết với Tổng Giám đốc Tổng công ty.

2. Thảo luận và thông qua Quy chế dân chủ, quy chế sử dụng các quỹ có liên quan trực tiếp đến lợi ích của người lao động trong Tổng công ty.

3. Thảo luận và góp ý kiến về kế hoạch, đánh giá hiệu quả quản lý kinh doanh, đề xuất các biện pháp bảo hộ lao động, cải thiện điều kiện làm việc, đời sống vật chất và tinh thần, vệ sinh môi trường, đào tạo và đào tạo lại người lao động của Tổng công ty.

4. Giới thiệu người tham gia Ban kiểm soát.

Điều 21. Đại hội đại biểu công nhân viên chức được tổ chức và hoạt động theo hướng dẫn của Tổng liên đoàn lao động Việt  Nam.

Chương 6:

CÁC ĐƠN VỊ CỦA TỔNG CÔNG TY

Điều 22.

1. Tổng công ty có các đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập, các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc và các đơn vị sự nghiệp. Danh sách đơn vị của Tổng công ty kèm theo Điều lệ này.

2. Các đơn vị của Tổng công ty có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam, có con dấu, được mở tài khoản tại ngân hàng .

3. Đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập và đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc có Điều lệ tổ chức và hoạt động; đơn vị sự nghiệp có Quy chế tổ chức và hoạt động.

Điều 23. Đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập

1. Đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập của Tổng công ty có quyền tự chủ kinh doanh và tự chủ tài chính, chịu sự ràng buộc về quyền lợi và nghĩa vụ đối với Tổng công ty theo quy định của pháp luật và Điều lệ này.

2. Quyền hạn, nhiệm vụ của đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập được cụ thể hoá trong Điều lệ Tổ chức và hoạt động của đơn vị.

3. Đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập chịu trách nhiệm về các khoản nợ, về cam kết của mình trong phạm vi số vốn  do đơn vị được giao quản lý sử dụng.

Điều 24. Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng công ty có các quyền đối với các đơn vị trực thuộc là doanh nghiệp hạch toán độc lập như sau:

1. Giao nhiệm vụ cho Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc đơn vị trực thuộc quản lý, điều hành hoạt động của đơn vị phù hợp với Điều lệ tổ chức và hoạt động của đơn vị đã được Hội đồng quản trị ban hành. Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc đơn vị trực thuộc chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng công ty và trước pháp luật về hoạt động của đơn vị.

2. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật các chức danh do Tổng công ty quản lý.

3. Phê duyệt kế hoạch, kiểm tra thực hiện kế hoạch và quyết toán tài chính, quy định mức trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi ở đơn vị theo quy định của pháp luật.

4. Trích một phần quỹ khấu hao tài sản cố định và lợi nhuận sau thuế của đơn trực thuộc hạch toán độc lập để thành lập các quỹ của Tổng công ty theo quy định của pháp luật và Quy chế tài chính của Tổng công ty.

5. Phê duyệt các phương án, kế hoạch đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu, hợp tác liên doanh, thu hồi một phần vốn, chuyển nhượng cổ phần thuộc quyền quản lý của Tổng công ty do các đơn vị đang nắm giữ.

6. Điều hòa, điều động các nguồn tài chính, kể cả ngoại tệ của đơn vị theo nguyên tắc vay trả nhằm sử dụng vốn có hiệu quả nhất trong Tổng công ty.

7. Phê duyệt đơn giá tiền lương và các biện pháp bảo đảm đời sống, điều kiện lao động cho cán bộ công nhân viên của đơn vị .

8. Quyết định mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi kinh doanh của đơn vị theo chiến lược phát triển chung của Tổng công ty.

9. Ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của đơn vị; quy định việc phân cấp cho Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc đơn vị về tổ chức bộ máy, quản lý cán bộ, quản lý kinh doanh, hạch toán kinh doanh, hạn mức tín dụng (vay, cho vay và mua, bán trả chậm), mua bán tài sản cố định, mua bán cổ phần của các công ty cổ phần, tham gia các đơn vị liên doanh, các hiệp hội kinh tế, những vấn đề khác có liên quan đến quyền tự chủ của một doanh nghiệp nhà nước hạch toán độc lập trực thuộc Tổng công ty theo quy định của phát luật.

10. Kiểm tra và yêu cầu báo cáo về tình hình hoạt động của đơn vị.

Điều 25. Đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc

1. Có quyền tự chủ kinh doanh theo phân cấp của Tổng công ty, chịu sự ràng buộc về nghĩa vụ và quyền lợi với Tổng công ty. Tổng công ty chịu trách nhiệm cuối cùng về các nghĩa vụ tài chính phát sinh do sự cam kết của các đơn vị này.

2. Được ký kết các hợp đồng kinh tế, được chủ động thực hiện các hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính, tổ chức và nhân sự theo phân cấp của Tổng công ty.

3. Quyền hạn, nhiệm vụ của đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc được cụ thể hoá trong Điều lệ tổ chức và hoạt động của đơn vị do Hội đồng quản trị ban hành.

Điều 26. Các đơn vị sự nghiệp của Tổng công ty có Quy chế tổ chức và hoạt động do Hội đồng quản trị phê chuẩn, thực hiện chế độ lấy thu bù chi, được tạo nguồn thu do thực hiện các dịch vụ, hợp đồng nghiên cứu khoa học và đào tạo cho các đơn vị trong  và ngoài Tổng công ty, được hưởng quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi theo chế độ, trường hợp thấp hơn mức bình quân của Tổng công ty thì có thể được hỗ trợ từ quỹ khen thưởng và phúc lợi của Tổng công ty.

Điều 27. Khi có nhu cầu và có đủ điều kiện quy định, Tổng công ty đề nghị Bộ Tài chính xem xét, quyết định thành lập mới các đơn vị của Tổng công ty chuyên kinh doanh các dịch vụ tài chính, bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật.

Chương 7:

QUẢN LÝ PHẦN VỐN GÓP VÀO CÁC DOANH NGHIỆP KHÁC

Mục I. QUẢN LÝ PHẦN VỐN GÓP CỦA TỔNG CÔNG TY 

Điều 28. Đối với phần vốn góp của Tổng công ty vào các doanh nghiệp khác, Hội đồng quản trị có quyền và nghĩa vụ sau:

1. Xem xét phương án góp vốn do Tổng Giám đốc Tổng công ty xây dựng để quyết định theo phân cấp, hoặc trình Bộ Tài chính quyết định.

2. Quyết định hoặc uỷ quyền cho Tổng Giám đốc Tổng công ty  quyết định cử, bãi miễn, khen thưởng, kỷ luật người trực tiếp quản lý phần vốn của Tổng công ty tại doanh nghiệp có vốn góp của Tổng công ty.

3. Giám sát, kiểm tra việc sử dụng vốn của Tổng công ty góp vào các doanh nghiệp khác, chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn đã góp và thu lợi nhuận từ phần vốn của Tổng công ty góp vào các doanh nghiệp khác.

Điều 29. Quyền và nghĩa vụ của người trực tiếp quản lý phần vốn của Tổng công ty góp vào doanh nghiệp khác:

1. Tham gia các chức danh quản lý, điều hành ở doanh nghiệp có vốn góp của Tổng công ty theo Điều lệ của doanh nghiệp này;

2. Theo dõi và giám sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp này;

3. Thực hiện chế độ báo cáo và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị của Tổng công ty về hiệu quả sử dụng phần vốn của Tổng công ty góp vào doanh nghiệp này.

4. Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Mục II. QUẢN LÝ PHẦN VỐN GÓP CỦA ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HẠCH TOÁN ĐỘC LẬP

Điều 30. Đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập được góp vốn vào các doanh nghiệp khác theo phân cấp của Tổng công ty. Đối với phần vốn góp vào các doanh nghiệp khác, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc đơn vị có quyền và nghĩa vụ như sau:

1. Xây dựng phương án góp vốn để Tổng Giám đốc Tổng công ty trình Hội đồng quản trị phê duyệt.

2. Cử, bãi miễn, khen thưởng, kỷ luật người trực tiếp quản lý phần vốn của đơn vị góp vào doanh nghiệp khác theo phân cấp của Tổng công ty.

3. Giám sát, kiểm tra việc sử dụng phần vốn góp của đơn vị; chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển số vốn đã góp; thu lợi nhuận từ phần vốn của đơn vị góp vào các doanh nghiệp khác.

Điều 31. Quyền và nghĩa vụ của người quản lý trực tiếp phần vốn của đơn vị góp vào doanh nghiệp khác:

1. Tham gia các chức danh quản lý, điều hành ở doanh nghiệp có vốn góp của đơn vị  theo Điều lệ của doanh nghiệp này;

2. Theo dõi, giám sát tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có vốn góp của đơn vị;

3. Thực hiện chế độ báo cáo do Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc quy định; chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc đơn vị về hiệu quả sử dụng phần vốn của đơn vị tại doanh nghiệp được cử vào để tham gia quản lý, điều hành.

Mục III. QUẢN LÝ PHẦN VỐN GÓP VÀO CÁC ĐƠN VỊ LIÊN DOANH

Điều 32. Đối với các đơn vị liên doanh hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài mà Tổng công ty hoặc đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập của Tổng công ty tham gia góp vốn, Tổng công ty hoặc các đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập thực hiện mọi quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với phần vốn góp vào các đơn vị liên doanh này theo quy định của pháp luật và theo hợp đồng đã ký kết.

Chương 8:

TÀI CHÍNH CỦA TỔNG CÔNG TY

Điều 33.

Tổng công ty thực hiện chế độ hạch toán độc lập, tự chủ tài chính trong kinh doanh phù hợp với Luật Doanh nghiệp nhà nước, các quy định khác của pháp luật và Điều lệ này.

Điều 34.

1. Vốn điều lệ của Tổng công ty hình thành từ các nguồn:

a. Vốn  Nhà nước giao.

b. Vốn do Tổng công ty tự bổ sung ;

c. Các nguồn vốn khác (nếu có).

2. Khi có sự tăng hoặc giảm vốn điều lệ, Tổng công ty phải điều chỉnh kịp thời trong bảng  công khai tài chính  và công bố vốn điều lệ đã được điều chỉnh theo quy định của pháp luật.

3. Năm tài chính của Tổng công ty bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 hàng năm (theo dương lịch) và kết thúc vào cuối ngày 31 tháng 12 cùng năm.

Điều 35.

1. Tổng công ty được lập và sử dụng các quỹ để bảo đảm cho quá trình phát triển của toàn Tổng công ty đạt hiệu quả cao.

2. Các quỹ của Tổng công ty được thành lập theo quy định của pháp luật, của Điều lệ này và của Quy chế tài chính của Tổng công ty bao gồm:

a. Quỹ đầu tư phát triển được lập từ nguồn trích lợi nhuận của Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập theo quy định của Bộ Tài chính, lợi nhuận thu được từ phần vốn góp của Tổng công ty ở các doanh nghiệp khác và các nguồn khác.

b. Quỹ khấu hao tài sản cố định và lợi nhuận tái đầu tư của các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc đều tập trung tại Tổng công ty để đầu tư theo kế hoạch hàng năm.

Tổng công ty huy động quỹ khấu hao tài sản cố định của các đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập theo nguyên tắc vay, trả và lãi suất do Tổng Giám đốc Tổng công ty quyết định theo ủy quyền và chủ trương đã được Hội đồng quản trị phê duyệt.

Quỹ dự trữ tài chính bắt buộc, các quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi.

Điều 36. Tự chủ về tài chính của Tổng công ty

1. Tổng công ty hoạt động trên nguyên tắc tự chủ về tài chính, tự cân đối các khoản thu chi, có trách nhiệm bảo toàn và phát triển các nguồn vốn kinh doanh, kể cả phần vốn góp vào các doanh nghiệp khác.

2. Tổng công ty chịu trách nhiệm thanh toán các khoản nợ ghi trong bảng cân đối tài sản của Tổng công ty và các cam kết tài chính khác (nếu có).

3. Tổng công ty thực hiện kiểm tra, giám sát các hoạt động tài chính trong toàn Tổng công ty.

4. Mọi quan hệ tín dụng (vay, cho vay và mua, bán hàng trả chậm, bảo lãnh) giữa Tổng công ty với những đối tác bên ngoài phải tuân theo quy định của pháp luật.

5. Tổng công ty có trách nhiệm xây dựng, đăng ký kế hoạch tài chính và trình các báo cáo tài chính của Tổng công ty với các cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

6. Tổng công ty có trách nhiệm nộp các khoản thuế và các khoản nộp khác theo của pháp luật và theo Quy chế tài chính của Tổng công ty trừ các khoản thuế mà các đơn vị của Tổng công ty đã nộp. Được sử dụng phần lợi nhuận sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với nhà nước theo quy định của pháp luật.

7. Hoạt động tài chính của các đơn vị của Tổng công ty và mối quan hệ về hoạt động tài chính giữa Tổng công ty với các đơn vị đó được thực hiện phù hợp với Điều lệ này và Quy chế tài chính của Tổng công ty.

8. Trách nhiệm vật chất của Tổng công ty trong các mối quan hệ kinh doanh và trong quan hệ dân sự được giới hạn ở mức tổng số vốn chủ sở hữu tại thời điểm công bố gần nhất.

9. Tổng công ty phải thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật kế toán, thống kê, chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán, báo cáo tài chính và chế độ kiểm toán hiện hành đối với doanh nghiệp nhà nước.

10. Tổng công ty chịu sự kiểm tra, giám sát về tài chính và các hoạt động kinh doanh của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Chương 9:

TỔ CHỨC LẠI, GIẢI THỂ, PHÁ SẢN TỔNG CÔNG TY

Điều 37. Việc tổ chức lại Tổng công ty do Hội đồng quản trị đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, quyết định.

Điều 38. Tổng công ty bị giải thể trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Tài chính thấy không cần thiết duy trì doanh nghiệp này. Khi giải thể Tổng công ty, Bộ trưởng Bộ Tài chính thành lập Hội đồng giải thể. Số tài sản của Tổng công ty sau khi đã thanh toán các khoản phải trả theo quy định của pháp luật sẽ thuộc về sở hữu nhà nước.

Điều 39. Việc tổ chức lại, tách, nhập, giải thể, bổ sung và thành lập mới các đơn vị của Tổng công ty do Hội đồng quản trị đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, quyết định.

Điều 40. Tổng công ty và các doanh nghiệp trực thuộc hạch toán độc lập nếu mất khả năng thanh toán mà chủ sở hữu không cấp bổ xung vốn thì xử lý theo quy định tại Luật Phá sản doanh nghiệp.

Chương 10:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 41. Hội Đồng Quản trị Tổng công ty, Tổng Giám đốc Tổng công ty và tất cả các cá nhân và đơn vị trong Tổng công ty chịu trách nhiệm thi hành Điều lệ này.

Điều 42.

1. Tổng công ty căn cứ vào Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Điều lệ của Tổng công ty để xây dựng Điều lệ hoặc Quy chế tổ chức và hoạt động của các đơn vị thành viên trong Tổng công ty. Điều lệ hoặc Quy chế của các đơn vị thành viên không được trái với Điều lệ của Tổng công ty.

2. Trường hợp cần bổ sung, sửa đổi Điều lệ của Tổng công ty, Hội đồng quản trị trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.

 

DANH SÁCH

CÁC ĐƠN VỊ CỦA TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM VIỆT NAM
(Kèm theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam được ban hành theo Quyết định số 197/2003/QĐ/BTC ngày 05 tháng 12 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

I. ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HẠCH TOÁN ĐỘC LẬP

1. Bảo hiểm nhân thọ Việt Nam (Bảo Việt Nhân thọ).

2. Công ty Đại lý bảo hiểm (BAVINA) tại London-Vương Quốc Anh

II. ĐƠN VỊ THÀNH VIÊN HẠCH TOÁN PHỤ THUỘC

1. Công ty Bảo hiểm An Giang (Bảo Việt An Giang)

2. Công ty Bảo hiểm Bà Rịa Vũng Tàu (Bảo Việt Bà Rịa -Vũng Tàu)

3. Công ty Bảo hiểm Bạc Liêu (Bảo Việt Bạc Liêu)

4. Công ty Bảo hiểm Bắc Ninh (Bảo Việt Bắc Ninh)

5. Công ty Bảo hiểm Bắc Giang (Bảo Việt Bắc Giang)

6. Công ty Bảo hiểm Bến Tre (Bảo Việt Bến Tre)

7. Công ty Bảo hiểm Bình Dương (Bảo Việt Bình Dương)

8. Công ty Bảo hiểm Bình Định (Bảo Việt Bình Định)

9. Công ty Bảo hiểm Bình Phước (Bảo Việt Bình Phước)

10. Công ty Bảo hiểm Bình Thuận (Bảo Việt Bình Thuận)

11. Công ty Bảo hiểm Cà Mau (Bảo Việt Cà Mau)

12. Công ty Bảo hiểm Cao Bằng (Bảo Việt Cao Bằng)

13. Công ty Bảo hiểm Cần Thơ (Bảo Việt Cần Thơ)

14. Công ty Bảo hiểm Đà Nẵng (Bảo Việt Đà Nẵng)

15. Công ty Bảo hiểm Đắc Lắc (Bảo Việt Đắc Lắc)

16. Công ty Bảo hiểm Đồng Nai (Bảo Việt Đồng Nai)

17. Công ty Bảo hiểm Đồng Tháp (Bảo Việt Đồng Tháp)

18. Công ty Bảo hiểm Gia Lai (Bảo Việt Gia Lai)

19. Công ty Bảo hiểm Hà Giang (Bảo Việt Hà Giang)

20. Công ty Bảo hiểm Hà Nam (Bảo Việt Hà Nam)

21. Công ty Bảo hiểm Hà Nội (Bảo Việt Hà Nội)

22. Công ty Bảo hiểm Hà Tây (Bảo Việt Hà Tây)

23. Công ty Bảo hiểm Hà Tĩnh (Bảo Việt Hà Tĩnh)

24. Công ty Bảo hiểm Hải Dương (Bảo Việt Hải Dương)

25. Công ty Bảo hiểm Hải Phòng (Bảo Việt  Hải Phòng)

26. Công ty Bảo hiểm Hoà Bình (Bảo Việt Hoà Bình)

27. Công ty Bảo hiểm Hưng Yên (Bảo Việt Hưng Yên)

28. Công ty Hảo hiểm Khánh Hoà (Bảo Việt Khánh Hoà)

29. Công ty Bảo hiểm Kiên Giang (Bảo Việt Kiên Giang)

30. Công ty Bảo hiểm Kon Tum (Bảo Việt Kon Tum)

31. Công ty Bảo hiểm Lai Châu (Bảo Việt Lai Châu)

32. Công ty Bảo hiểm Lâm Đồng (Bảo Việt Lâm Đồng)

33. Công ty Bảo hiểm Lạng Sơn (Bảo Việt Lạng Sơn)

34. Công ty Bảo hiểm Lao Cai (Bảo Việt Lao Cai)

35. Công ty Bảo hiểm Long An (Bảo Việt Long An)

36. Công ty Bảo hiểm Nam Định (Bảo Việt  Nam Định)

37. Công ty Bảo hiểm Nghệ An (Bảo Việt Nghệ An)

38. Công ty Bảo hiểm Ninh Bình (Bảo Việt Ninh Bình)

39. Công ty Bảo hiểm Ninh Thuận (Bảo Việt Ninh Thuận)

40. Công ty Bảo hiểm Phú Thọ (Bảo Việt Phú Thọ)

41. Công ty Bảo hiểm Phú Yên (Bảo Việt Phú Yên)

42. Công ty Bảo hiểm Quảng Bình (Bảo Việt Quảng Bình)

43. Công ty Bảo hiểm Quảng Nam (Bảo Việt Quảng Nam)

44. Công ty Bảo hiểm Quảng Ngãi (Bảo Việt Quảng Ngãi)

45. Công ty Bảo hiểm Quảng Ninh (Bảo Việt Quảng Ninh)

46. Công ty Bảo hiểm Quảng Trị (Bảo Việt Quảng Trị)

47. Công ty Bảo hiểm Sài Gòn (Bảo Việt Sài Gòn)

48. Công ty Bảo hiểm Sóc Trăng (Bảo Việt Sóc Trăng)

49. Công ty Bảo hiểm Sơn La (Bảo Việt Sơn La)

50. Công ty Bảo hiểm Tây Ninh (Bảo Việt Tây Ninh)

51. Công ty Bảo hiểm Thái Bình (Bảo Việt Thái Bình)

52. Công ty Bảo hiểm Thái Nguyên (Bảo Việt Thái Nguyên)

53. Công ty Bảo hiểm Thanh Hoá (Bảo Việt Thanh Hoá)

54. Công ty Bảo hiểm Thừa Thiên Huế (Bảo Việt Thừa Thiên Huế)

55. Công ty Bảo hiểm Tiền Giang (Bảo Việt Tiền Giang)

56. Công ty Bảo hiểm Trà Vinh (Bảo Việt Trà Vinh)

57. Công ty Bảo hiểm Tuyên Quang (Bảo Việt Tuyên Quang)

58. Công ty Bảo hiểm Vĩnh Long (Bảo Việt Vĩnh Long)

59. Công ty Bảo hiểm Vĩnh Phúc (Bảo Việt Vĩnh Phúc)

60. Công ty Bảo hiểm Yên Bái (Bảo Việt Yên Bái).

61. Công ty Bảo hiểm Bắc Kạn (Bảo Việt Bắc Kạn)

III. ĐƠN VỊ SỰ  NGHIỆP

1. Trung tâm đào tạo Bảo Việt.

IV. CÁC DOANH NGHIỆP CÓ VỐN GÓP CỦA TỔNG CÔNG TY VÀ CỦA CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HẠCH TOÁN ĐỘC LẬP CỦA TỔNG CÔNG TY

1. Công ty cổ phần Bảo hiểm Nhà Rồng.

2. Công ty cổ phần Khách sạn Sài Gòn Hạ Long.

3. Công ty liên doanh Bảo hiểm quốc tế Việt Nam (VIA)

4. Công ty liên doanh Môi giới Bảo hiểm INCHINBROK.

5. Ngân hàng Thương mại cổ phần á Châu.

6. Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải.

7. Công ty cổ phần Xe khách Khánh Hoà.

8. Công ty cổ phần Xe khách và Dịch vụ thương mại

9. Công ty cổ phần Giao thông Vận tải Quảng Nam

10. Công ty cổ phần Cáp treo Núi Bà Tây Ninh.

11. Công ty cổ phần Dịch vụ Giải trí Hà Nội.

12. Công ty cổ phần Bao bì Xi măng Bỉm Sơn.

13. Công ty cổ phần Văn hoá phẩm Phương Nam.

14. Công ty cổ phần Vận tải Tây Ninh.

15. Công ty cổ phần Xi măng Thăng Long.

16. Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt

17. Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Long Việt.

18. Công ty TNHH Sài Gòn Phú Quốc.

19. Công ty TNHH Bao bì nhựa Sài Gòn.

20. Công ty Vận tải biển Hải Âu.

21. Công ty cổ phần đầu tư Xây dựng Quốc tế.

22. Công ty cổ phần Công viên Vạn Sơn.

23. Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 197/2003/QĐ-BTC ngày 05/12/2003 ban hành Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.309

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.115.139
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!