BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1376/QĐ-BHXH
|
Hà Nội, ngày 16
tháng 12 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BAN KIỂM
TOÁN NỘI BỘ
TỔNG GIÁM ĐỐC BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
Căn cứ Nghị định số 05/2014/NĐ-CP
ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
Xét đề nghị của Trưởng Ban Tổ chức
cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và
chức năng
Ban Kiểm toán nội bộ là tổ chức giúp
việc Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (sau đây gọi là Tổng Giám đốc), có
chức năng tham mưu, giúp Tổng Giám đốc kiểm tra,
đánh giá tính đúng đắn, trung thực và hợp pháp của tài liệu, số liệu kế toán,
báo cáo quyết toán tài chính các đơn vị trong Ngành và của Ngành; đánh giá việc
tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng
các quỹ bảo hiểm, chi quản lý bộ máy, chi đầu tư xây dựng, các nguồn kinh phí
khác và tài sản trong toàn Ngành.
Ban Kiểm toán nội bộ chịu sự quản lý
trực tiếp, toàn diện của Tổng Giám đốc.
Điều 2. Nhiệm vụ
và quyền hạn
1. Xây dựng quy trình nghiệp vụ kiểm
toán nội bộ của Ngành; sửa đổi, bổ sung,
hoàn thiện phương pháp kiểm toán nội bộ và phạm vi hoạt động của kiểm toán nội
bộ trong Ngành.
2. Xây dựng kế hoạch kiểm toán nội bộ
hàng năm (hoặc đột xuất) trình Tổng Giám đốc phê duyệt; tổ chức thực hiện hoạt động kiểm toán theo đúng quy trình, thủ tục kiểm toán nội bộ và kế hoạch đã
được phê duyệt.
3. Kiểm toán nội bộ đối với báo cáo
quyết toán tài chính của các đơn vị trong Ngành và báo cáo quyết toán tài chính của toàn Ngành; tổng hợp kết
quả kiểm toán, đánh giá báo cáo quyết
toán tài chính của các đơn vị trong Ngành và của toàn Ngành trình Tổng Giám đốc
xem xét trước khi ký báo cáo quyết toán tài chính toàn Ngành.
4. Thực hiện kiểm toán, đánh giá một
cách độc lập, khách quan đối với các hoạt động thu, chi, quản lý, sử dụng các quỹ bảo hiểm, chi quản lý bộ
máy, các chương trình, dự án đầu tư xây dựng
cơ bản, tài sản của các đơn vị trong toàn Ngành. Đề xuất những biện pháp nhằm
hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý tài chính của
Ngành.
5. Báo cáo kết quả kiểm toán nội bộ
hàng năm và kết quả thực hiện kiến nghị của kiểm toán nội bộ với Tổng Giám đốc;
chịu trách nhiệm bảo mật tài liệu, thông tin của Ngành và của các đơn vị được
kiểm toán theo đúng quy định của pháp luật
hiện hành.
6. Kiến nghị các biện pháp sửa chữa,
khắc phục sai sót đối với đơn vị được kiểm toán nội bộ; kiến nghị sửa đổi cơ chế,
chính sách và kiến nghị xử lý những vi phạm sau khi thực hiện kiểm toán nội bộ.
Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện các kiến nghị của kiểm toán nội
bộ đối với các đơn vị trong toàn Ngành.
7. Chủ trì phối hợp với các đơn vị
liên quan tổng hợp, báo cáo việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm
toán Nhà nước. Theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện kiến nghị của Kiểm toán
Nhà nước.
8. Tổng hợp, theo dõi, hướng dẫn và
chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về nghiệp vụ
kiểm toán nội bộ.
9. Xử lý giải quyết kiến nghị, khiếu
nại, tố cáo về công tác kiểm toán nội bộ trong Ngành.
10. Tham gia nghiên cứu khoa học; ứng
dụng công nghệ thông tin; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ kiểm
toán nội bộ cho công chức, viên chức trong Ngành.
11. Thực hiện chế độ thông tin, thống
kê, báo cáo, cải cách hành chính theo quy định.
12. Quản lý công chức, viên chức và
tài sản của đơn vị.
13. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Tổng
Giám đốc giao.
Điều 3. Chế độ quản
lý và điều hành
1. Ban Kiểm toán nội bộ do Trưởng ban
quản lý, điều hành theo chế độ thủ trưởng. Trưởng ban chịu trách nhiệm trước Tổng
Giám đốc và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Ban. Giúp việc Trưởng ban
có các Phó Trưởng ban. Trưởng ban và các Phó Trưởng ban do Tổng Giám đốc bổ nhiệm,
miễn nhiệm, điều động, thuyên chuyển, khen thưởng và kỷ luật theo quy định.
2. Trưởng ban ban hành quy định về
phân công nhiệm vụ, mối quan hệ công tác và lề lối làm việc của Ban; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định đó.
3. Trưởng ban phân công hoặc ủy quyền cho Phó Trưởng ban giải quyết các công
việc thuộc thẩm quyền của Trưởng ban. Phó Trưởng ban chịu trách nhiệm trước Trưởng
ban và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao. Trưởng ban chịu trách nhiệm về
quyết định của Phó Trưởng ban được phân
công hoặc ủy quyền giải quyết.
Điều 4. Cơ cấu tổ
chức và biên chế
1. Cơ cấu tổ chức gồm 04 phòng:
a) Phòng Tổng hợp;
b) Phòng Nghiệp vụ 1;
c) Phòng Nghiệp vụ 2;
d) Phòng Nghiệp vụ 3.
Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của
các phòng trên do Trưởng Ban Kiểm toán nội bộ xây dựng trình Tổng Giám đốc quyết
định.
Phòng do Trưởng phòng quản lý và điều
hành theo chế độ thủ trưởng. Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Trưởng ban và
trước pháp luật về toàn bộ hoạt động
chuyên môn, nghiệp vụ của phòng. Giúp Trưởng phòng có các Phó Trưởng phòng. Trưởng
phòng, Phó Trưởng phòng do Tổng Giám đốc bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động,
thuyên chuyển, khen thưởng và kỷ luật.
2. Biên chế của Ban Kiểm toán nội bộ
do Tổng Giám đốc giao. Công chức, viên chức của Ban được tuyển dụng theo quy định
hiện hành và làm việc theo Quy chế làm việc của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt
Nam.
Điều 5. Trách nhiệm
của Trưởng ban
1. Tổ chức thực hiện các chức năng,
nhiệm vụ theo quy định tại Điều 1, Điều 2 Quyết định này.
2. Tổ chức thực hiện chương trình cải
cách hành chính; phòng, chống tham nhũng trong quản lý, điều hành mọi hoạt động
của Ban.
3. Quyết định các công việc thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý của Ban; quyết định các
biện pháp cụ thể để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của công chức, viên
chức; chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hiện
tượng tiêu cực khác trong Ban. Chịu trách nhiệm khi để xảy ra hành vi vi phạm.
4. Thực hiện quy định của pháp luật
và của Tổng Giám đốc.
5. Phối hợp với các đơn vị có liên quan trong và ngoài Ngành để thực
hiện nhiệm vụ được giao.
Điều 6. Hiệu lực
và trách nhiệm thi hành
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày
ký ban hành.
Trưởng Ban Tổ chức cán bộ, Chánh Văn
phòng, Trưởng Ban Kiểm toán nội bộ, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm
xã hội Việt Nam và Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 6;
- HĐQL (để b/c);
- Tổng Giám đốc;
- Các Phó TGĐ;
- Lưu: VT, TCCB (3).
|
TỔNG GIÁM ĐỐC
Nguyễn Thị Minh
|