BAN CHỈ ĐẠO
TRUNG ƯƠNG VỀ CẢI CÁCH CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG, BẢO HIỂM XÃ HỘI VÀ ƯU ĐÃI NGƯỜI
CÓ CÔNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
10/QĐ-BCĐCCTLBHXH
|
Hà Nội, ngày
03 tháng 3 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG VỀ CẢI CÁCH CHÍNH SÁCH TIỀN
LƯƠNG, BẢO HIỂM XÃ HỘI VÀ ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG
TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG VỀ CẢI CÁCH CHÍNH SÁCH
TIỀN LƯƠNG, BẢO HIỂM XÃ HỘI VÀ ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG
Căn cứ Quyết định số 2016/QĐ-TTg ngày 04
tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung
ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này
Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách
tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương và các thành viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
|
TRƯỞNG BAN
PHÓ THỦ TƯỚNG
Vũ Văn Ninh
|
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT
ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG VỀ CẢI CÁCH CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG, BẢO HIỂM XÃ
HỘI VÀ ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 10/QĐ-BCĐCCTLBHXH ngày 03 tháng 3 năm 2014 của
Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã
hội và ưu đãi người có công)
Điều 1. Nhiệm vụ và phạm vi công việc của Ban
Chỉ đạo
Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách
tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ
đạo) được thành lập theo Quyết định số 2016/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2013
của Thủ tướng Chính phủ, có nhiệm vụ và phạm vi giải quyết như sau:
1. Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo:
a) Nghiên cứu, xây dựng và đôn đốc triển khai
thực hiện các Đề án sau:
- Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với
cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các
doanh nghiệp;
- Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội;
- Đề án cải cách chính sách ưu đãi người có công
với cách mạng;
- Đề án đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài
chính và tiền lương gắn với kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
b) Phối hợp với các Bộ, cơ quan nghiên cứu các
chính sách kinh tế - xã hội có liên quan đến chính sách tiền lương, bảo hiểm xã
hội và ưu đãi người có công với cách mạng theo sự phân công của Thủ tướng Chính
phủ.
c) Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc
các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm
xã hội và ưu đãi người có công với cách mạng; đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế
tài chính và tiền lương gắn với kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập
và cơ chế tạo nguồn cho cải cách tiền lương; đề xuất các biện pháp để xử lý kịp
thời những vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách tiền
lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công với cách mạng.
2. Phạm vi công việc chính sách tiền lương, bảo
hiểm xã hội và ưu đãi người có công; đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính
và tiền lương gắn với kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập và các
chính sách kinh tế - xã hội liên quan nêu tại Khoản 1 Điều này, bao gồm:
a) Về chính sách tiền lương, gồm:
- Mức lương cơ sở, quan hệ mức lương thấp nhất -
trung bình - tối đa và tương quan tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức
các ngành nghề và lực lượng vũ trang; các thang lương, bảng lương; ngạch, bậc
lương; nâng bậc lương; chế độ trả lương và các chế độ phụ cấp đối với người
hưởng lương thuộc khu vực nhà nước (từ Trung ương đến cấp xã);
- Tiền lương đối với người lao động làm việc ở
các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và
các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động.
b) Về chính sách bảo hiểm xã hội, gồm:
- Bảo hiểm xã hội bắt buộc;
- Bảo hiểm xã hội tự nguyện;
- Bảo hiểm hưu trí bổ sung.
c) Về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng,
gồm:
- Chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng và chế độ trợ
cấp một lần đối với người có công với cách mạng;
- Các chính sách ưu đãi khác đối với người có
công với cách mạng.
d) Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và
tiền lương gắn với kết quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, dịch vụ
công;
đ) Giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền
lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công với cách mạng.
Điều 2. Tổ chức và nhiệm vụ của các thành
viên Ban Chỉ đạo
1. Ban Chỉ đạo có Trưởng ban, các Phó Trưởng ban
và các Ủy viên theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 2016/QĐ-TTg và có các tổ
biên tập giúp Ban Chỉ đạo nghiên cứu xây dựng các Đề án thuộc nhiệm vụ của Ban
Chỉ đạo.
2. Nhiệm vụ của Trưởng Ban Chỉ đạo:
Điều hành chung các hoạt động của Ban Chỉ đạo và
chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về các hoạt động của Ban Chỉ đạo.
3. Nhiệm vụ của các Phó trưởng Ban Chỉ đạo:
a) Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Phó Trưởng ban thường
trực Ban Chỉ đạo:
Chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ,
cơ quan có thành viên tham gia Ban Chỉ đạo nghiên cứu xây dựng Đề án cải cách
chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang
và người lao động trong các doanh nghiệp; Quyết định thành lập Tổ biên tập giúp
Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án này.
b) Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
- Phó Trưởng Ban Chỉ đạo:
- Chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ,
cơ quan có thành viên tham gia Ban Chỉ đạo nghiên cứu xây dựng 02 Đề án, gồm:
Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và Đề án cải cách chính sách ưu đãi
người có công với cách mạng;
Quyết định thành lập 2 Tổ biên tập giúp Ban Chỉ
đạo xây dựng các Đề án này.
- Nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương đối
với khu vực doanh nghiệp theo nhiệm vụ được phân công.
c) Bộ trưởng Bộ Tài chính - Phó Trưởng Ban Chỉ
đạo:
Chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ,
cơ quan có thành viên tham gia Ban Chỉ đạo nghiên cứu xây dựng 02 Đề án, gồm:
Đề án đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương gắn với kết quả
hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập và Đề án các giải pháp tạo nguồn để
thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có
công; Quyết định thành lập 02 Tổ biên tập giúp Ban Chỉ đạo xây dựng 02 Đề án
này.
4. Nhiệm vụ của các Ủy viên:
a) Bộ trưởng Bộ Tư pháp theo chức năng phối hợp
với các Bộ, cơ quan có thành viên tham gia Ban Chỉ đạo xây dựng các Đề án, văn
bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, tính
đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật;
b) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an
theo chức năng và lĩnh vực được phân công chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ,
cơ quan có liên quan nghiên cứu và đề xuất chính sách tiền lương, bảo hiểm xã
hội và ưu đãi người có công với cách mạng đối với lực lượng vũ trang;
c) Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách
nhiệm cung cấp cho Ban Chỉ đạo các chỉ số về tốc độ tăng GDP, giá tiêu dùng,
thu nhập dân cư; phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính cân đối nguồn đối với các
đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước;
d) Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng
Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Bộ Khoa học và
Công nghệ theo chức năng và lĩnh vực được phân công, chịu trách nhiệm nghiên
cứu xây dựng các Đề án về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tiền
lương gắn với kết quả hoạt động của ngành theo định hướng nêu tại Kết luận số
63-KL/TW ngày 27 tháng 5 năm 2013 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung
ương Đảng khóa XI một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã
hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020; đồng
thời tăng cường các biện pháp bảo đảm cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản về giáo
dục, y tế, văn hóa… cho các đối tượng chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu
số, trẻ em…;
đ) Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phối
hợp với các Bộ, cơ quan có thành viên tham gia Ban Chỉ đạo đề xuất chính sách
tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công và chịu trách nhiệm
thẩm tra các tờ trình, kiến nghị của Ban Chỉ đạo trước khi trình Thủ tướng
Chính phủ xem xét, quyết định;
e) Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ
trì phối hợp với Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và các Bộ, cơ quan có
thành viên tham gia Ban Chỉ đạo tuyên truyền các định hướng cải cách chính sách
tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công nêu tại Kết luận số
63-KL/TW;
g) Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương chủ
trì, phối hợp với Phó Chánh Văn phòng Trung ương, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung
ương, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao
động Việt Nam và các Bộ, cơ quan có thành viên tham gia Ban Chỉ đạo đề xuất
chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, mặt
trận và các tổ chức chính trị - xã hội;
h) Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ
nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính -
Ngân sách Quốc hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có thành viên tham gia
Ban Chỉ đạo đề xuất chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức trong các
cơ quan Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp;
i) Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Phó
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ
quan có thành viên tham gia Ban Chỉ đạo đề xuất chính sách tiền lương đối với
cán bộ, công chức ngành Tòa án, Kiểm sát;
k) Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
tham gia với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng chính sách tiền lương
đối với người lao động trong các doanh nghiệp và chính sách bảo hiểm xã hội;
tham gia với Ban Tổ chức Trung ương xây dựng chính sách tiền lương đối với cán
bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã
hội.
Điều 3. Hoạt động của Ban Chỉ đạo
1. Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ tập thể
thông qua các cuộc họp do Trưởng Ban Chỉ đạo hoặc các Phó Trưởng ban triệu tập,
thảo luận tập thể và theo kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo về nội dung của các
Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.
Kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo tại các cuộc họp được thể hiện dưới hình thức
thông báo của Văn phòng Chính phủ.
2. Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm
tham gia đầy đủ các phiên họp của Ban Chỉ đạo; đóng góp ý kiến trực tiếp tại
phiên họp Ban Chỉ đạo hoặc trả lời các văn bản lấy ý kiến do Ban Chỉ đạo gửi
đến và chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về nội dung, kết quả các nhiệm vụ được
Trưởng ban phân công.
3. Các thành viên Ban Chỉ đạo được giao chủ trì
các nhiệm vụ theo phân công của Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo xây
dựng kế hoạch nghiên cứu đăng ký thời gian trình và báo cáo tiến độ gửi Phó
Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo xem xét,
quyết định.
4. Sau khi các Đề án về cải cách chính sách tiền
lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công được cấp có thẩm quyền thông qua,
các Bộ, cơ quan theo chức năng được phân công xây dựng các văn bản quy phạm
pháp luật để triển khai thực hiện các nội dung của Đề án; có trách nhiệm báo
cáo và xin ý kiến Ban Chỉ đạo về các văn bản này trước khi trình Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ ban hành.
5. Các Phó trưởng ban căn cứ chương trình công
tác và theo sự phân công chỉ đạo các Tổ biên tập lập kế hoạch và nội dung cụ
thể cho từng cuộc họp báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo.
6. Trình tự chuẩn bị các nội dung đưa ra xin ý
kiến Ban Chỉ đạo như sau:
a) Bộ, cơ quan chủ trì có trách nhiệm gửi dự
thảo Đề án, văn bản quy phạm pháp luật đến Trưởng Ban Chỉ đạo, các Phó Trưởng
ban và đề nghị thời gian họp Ban Chỉ đạo;
b) Các Phó Trưởng ban chỉ đạo các Tổ biên tập
kiểm tra về mặt thủ tục, thảo luận và chuẩn bị ý kiến tham gia; đồng thời gửi
giấy mời và tài liệu họp đến các thành viên Ban Chỉ đạo (các cuộc họp do Trưởng
Ban Chỉ đạo chủ trì thì Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ gửi giấy mời
họp và tài liệu họp đến các thành viên Ban Chỉ đạo);
c) Căn cứ ý kiến của Ban Chỉ đạo, các Bộ, cơ
quan có liên quan hoàn chỉnh dự thảo Đề án, văn bản quy phạm pháp luật trình
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo chức năng;
d) Trong trường hợp vấn đề không nhất thiết phải
xin ý kiến tập thể Ban Chỉ đạo hoặc vấn đề xử lý gấp, không có điều kiện họp
toàn thể Ban Chỉ đạo thì theo chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng ban
thường trực mời các Phó Trưởng ban và một số thành viên có liên quan họp để
quyết định, sau đó thông báo kết luận cuộc họp cho các Ủy viên Ban Chỉ đạo biết;
đ) Các cuộc họp của Ban Chỉ đạo có thể mời thêm
lãnh đạo và chuyên viên của các Bộ, ngành có liên quan cùng tham dự.
7. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo do ngân
sách nhà nước bảo đảm và được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên hàng
năm của Bộ Nội vụ. Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan theo
phân công của Thủ tướng Chính phủ được bố trí trong kinh phí hoạt động thường
xuyên hàng năm của các Bộ, cơ quan chủ trì thực hiện.
8. Trưởng Ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của Thủ
tướng Chính phủ, các Phó Trưởng ban sử dụng con dấu của Bộ mình để thực hiện
nhiệm vụ được phân công.
Điều 4. Điều khoản thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương và các thành viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm thi hành Quy
chế này./.