Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 2339/QCPH-TLĐ-BHXH Loại văn bản: Quy chế
Nơi ban hành: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Người ký: Nguyễn Thế Mạnh, Nguyễn Đình Khang
Ngày ban hành: 31/07/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

Ban hành Quy chế phối hợp thực hiện các quy định pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT

Ngày 31/7/2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quy chế phối hợp 2339/QCPH-TLĐ-BHXH trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, giai đoạn 2023-2028.

Phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT

Về phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT như sau:

- BHXH Việt Nam và Tổng Liên đoàn có trách nhiệm phối hợp trong việc tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT, việc thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT và các chính sách an sinh xã hội liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

- Trưởng đoàn kiểm tra, giám sát có trách nhiệm xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát.
 
Bên chủ trì đoàn kiểm tra, giám sát là cơ quan ký ban hành văn bản và gửi cho bên tham gia để theo dõi, tổng hợp và xử lý (trừ những vấn đề không được công bố theo quy định của pháp luật về thanh tra).

Căn cứ vào mục tiêu và kết quả kiểm tra, báo cáo có thể gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có liên quan.

- Theo yêu cầu và tính chất vụ việc, hai bên sẽ cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra, giám sát của mỗi bên.

Phối hợp trong công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT

Về phối hợp trong công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT như sau:

- BHXH Việt Nam có trách nhiệm thông báo cho Tổng Liên đoàn về kế hoạch và kết quả tổ chức thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT theo quy định của pháp luật.

- Tổng Liên đoàn có trách nhiệm chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT của đơn vị được thanh tra cho Đoàn thanh tra chuyên ngành của BHXH Việt Nam theo quy định của pháp luật.

- Căn cứ tính chất và yêu cầu của vụ việc, Tổng Liên đoàn cử cán bộ tham gia Đoàn thanh tra chuyên ngành theo đề nghị của BHXH Việt Nam.

Xem chi tiết Quy chế phối hợp 2339/QCPH-TLĐ-BHXH có hiệu lực kể từ ngày ký.

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM - BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2339/QCPH-TLĐ-BHXH

Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2023

QUY CHẾ PHỐI HỢP

GIỮA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM VÀ BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM TRONG VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ, BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP, GIAI ĐOẠN 2023 - 2028

- Căn cứ Bộ luật Tố tụng dân sự ngày 25 tháng 11 năm 2015;

- Căn cứ Luật Công đoàn ngày 20 tháng 6 năm 2012;

- Căn cứ Luật Việc làm ngày 16 tháng 11 năm 2013;

- Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng 11 năm 2014;

- Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế ngày 14 tháng 11 năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế ngày 13 tháng 06 năm 2014;

- Căn cứ Luật An toàn, vệ sinh lao động ngày 25 tháng 06 năm 2015;

- Căn cứ Nghị định số 89/2020/NĐ-CP ngày 04 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

- Căn cứ Quy định số 1838/QĐ-TLĐ ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy Cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Quy chế phối hợp giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, giai đoạn 2023 - 2028, cụ thể như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định nguyên tắc, nội dung phối hợp trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và các chính sách an sinh xã hội có liên quan đến người lao động, đoàn viên công đoàn.

2. Quy chế này áp dụng đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (sau đây gọi là Tổng Liên đoàn) và các đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (LĐLĐ tỉnh), Liên đoàn Lao động quận, huyện, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (LĐLĐ huyện), Công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế (Công đoàn KCN); BHXH Việt Nam và các đơn vị thuộc BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (BHXH tỉnh), BHXH quận, huyện, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (BHXH huyện).

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp

1. Thực hiện và tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi bên (theo thẩm quyền).

2. Bảo đảm các hoạt động phối hợp được thực hiện kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Tổng Liên đoàn và chỉ đạo tổ chức thực hiện của lãnh đạo BHXH Việt Nam.

3. Thường xuyên cung cấp, trao đổi thông tin về công tác xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT và phương án giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT.

Chương II

NỘI DUNG, CƠ CHẾ PHỐI HỢP

Điều 3. Phối hợp trong nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất, kiến nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT

1. BHXH Việt Nam có trách nhiệm chủ động nghiên cứu, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT; kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn; kịp thời phát hiện những tồn tại, bất cập và sửa đổi, bổ sung các quy định nghiệp vụ có liên quan.

2. Tổng Liên đoàn có trách nhiệm tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của người lao động về chính sách, pháp luật BHXH, BHTN, BHYT để phối hợp với BHXH Việt Nam đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Điều 4. Phối hợp trong công tác thông tin, truyền thông chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT

1. BHXH Việt Nam xây dựng kế hoạch, nội dung thông tin, truyền thông, chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT và hướng dẫn các giải pháp, hình thức tổ chức thực hiện.

2. Tổng Liên đoàn chủ động và tích cực tổ chức thực hiện việc thông tin, truyền thông chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT; chỉ đạo các cấp công đoàn tham gia thông tin, truyền thông, giáo dục pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT đến người lao động thuộc các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về BHXH, BHTN, BHYT để người lao động tự bảo vệ quyền lợi của mình, tạo điều kiện phát triển người tham gia; đồng thời giảm số chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT, bảo đảm hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

3. Tổng Liên đoàn, BHXH Việt Nam phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí và chỉ đạo các cơ quan báo chí thuộc quyền quản lý thường xuyên thông tin, truyền thông về chế độ, chính sách, pháp luật BHXH, BHTN, BHYT đến người tham gia BHXH, BHTN, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, thông tin danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật BHXH, BHTN, BHYT nhất là các đơn vị trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT.

4. Tổng Liên đoàn, BHXH Việt Nam phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam tăng cường thực hiện thông tin, truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Phối hợp phổ biến chính sách và triển khai thực hiện các Hiệp định song phương về BHXH sau khi được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước ký kết nhằm mục tiêu đảm bảo quyền và nghĩa vụ tham gia BHXH của người lao động khi lao động tại nước ngoài.

Điều 5. Phối hợp trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động

1. BHXH Việt Nam có trách nhiệm quản lý, chỉ đạo BHXH tỉnh tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHYT; tổ chức thu, chi chế độ BHTN; quản lý và sử dụng các quỹ: BHXH, BHTN, BHYT theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

2. Tổng Liên đoàn có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Công đoàn ngành Trung ương, LĐLĐ tỉnh thường xuyên theo dõi sát sao việc thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, việc giải quyết các chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; đặc biệt là các doanh nghiệp có nguy cơ giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn; chỉ đạo LĐLĐ tỉnh đại diện người lao động tại các đơn vị không còn người sử dụng lao động (đơn vị phá sản, chủ bỏ trốn...) lập hồ sơ đề nghị hưởng các chế độ ốm đau, thai sản gửi cơ quan BHXH giải quyết; chỉ đạo các công đoàn cơ sở quan tâm, tổng hợp các kiến nghị, phản ánh của người lao động về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm để kịp thời kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.

3. BHXH Việt Nam và Tổng Liên đoàn có trách nhiệm phối hợp trong việc nghiên cứu phương thức tổ chức thực hiện, không ngừng đổi mới, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận tiện trong thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT tạo thuận lợi cho người lao động.

Điều 6. Phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT

1. BHXH Việt Nam và Tổng Liên đoàn có trách nhiệm phối hợp trong việc tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT, việc thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT và các chính sách an sinh xã hội liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

2. Trưởng đoàn kiểm tra, giám sát có trách nhiệm xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát. Bên chủ trì đoàn kiểm tra, giám sát là cơ quan ký ban hành văn bản và gửi cho bên tham gia để theo dõi, tổng hợp và xử lý (trừ nhũng vấn đề không được công bố theo quy định của pháp luật về thanh tra). Căn cứ vào mục tiêu và kết quả kiểm tra, báo cáo có thể gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có liên quan.

3. Theo yêu cầu và tính chất vụ việc, hai bên sẽ cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra, giám sát của mỗi bên.

Điều 7. Phối hợp trong công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT

1. BHXH Việt Nam có trách nhiệm thông báo cho Tổng Liên đoàn về kế hoạch và kết quả tổ chức thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT theo quy định của pháp luật.

2. Tổng Liên đoàn có trách nhiệm chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT của đơn vị được thanh tra cho Đoàn thanh tra chuyên ngành của BHXH Việt Nam theo quy định của pháp luật.

3. Căn cứ tính chất và yêu cầu của vụ việc, Tổng Liên đoàn cử cán bộ tham gia Đoàn thanh tra chuyên ngành theo đề nghị của BHXH Việt Nam.

Điều 8. Phối hợp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết đơn, thư về BHXH, BHTN, BHYT

Việc giải quyết đơn thư khiếu nại hoặc tố cáo về chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT được thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Trường hợp cần tham khảo, các bên có văn bản trao đổi thống nhất trước khi trả lời khiếu nại, tố cáo.

Điều 9. Phối hợp trong việc thực hiện khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH

1. Tổng Liên đoàn có trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn các cấp công đoàn thực hiện quyền khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động.

2. BHXH Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan BHXH các cấp cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ và phối hợp với Công đoàn cùng cấp trong việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH khi tổ chức công đoàn có yêu cầu.

3. Các thông tin chuẩn bị cho việc khởi kiện và thông tin bổ sung trong quá trình khởi kiện:

a) Thông tin do ngành BHXH cung cấp:

- Danh sách của các đơn vị chậm đóng BHXH cần phải khởi kiện (bao gồm: số tiền phải đóng, số tiền chậm đóng, thời gian chậm đóng, tiền lãi chậm đóng BHXH).

- Hồ sơ xác định chậm đóng theo quy định của BHXH Việt Nam về quản lý thu BHXH, BHTN, BHYT; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT, gồm bản chính các giấy tờ sau:

+ Thông báo kết quả đóng BHXH, BHTN, BHYT;

+ Biên bản kiểm tra (nếu có).

- Bản cập nhật đến tháng trước thời điểm nộp đơn khởi kiện ra tòa án về tình hình chậm đóng và tình trạng áp dụng các biện pháp xử lý khác đối với các đơn vị sử dụng lao động mà tổ chức công đoàn đã gửi danh sách thông báo cho cơ quan BHXH trước khi khởi kiện.

- Danh sách của đơn vị sử dụng lao động mà cơ quan BHXH đã áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính (nếu có).

- Thông tin khác của đơn vị sử dụng lao động và người lao động do cơ quan BHXH quản lý để phục vụ việc khởi kiện hoặc theo yêu cầu của Tòa án (nếu có). Trường hợp văn bản quy định về hồ sơ xác định chậm đóng được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.

b) Thông tin do tổ chức Công đoàn cung cấp:

Danh sách đơn vị sử dụng lao động chuẩn bị khởi kiện để cơ quan BHXH kiểm tra, đối chiếu, cập nhật tình hình chậm đóng và việc áp dụng các biện pháp xử lý khác đối với đơn vị sử dụng lao động.

4. Các thông tin về kết quả khởi kiện:

Công đoàn các cấp thông báo về tình hình và kết quả khởi kiện các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH tại địa phương cho cơ quan BHXH cùng cấp.

Điều 10. Phối hợp trong báo cáo, trao đổi thông tin, nội dung phục vụ công tác quản lý

1. Để đảm bảo cho công tác quản lý, khi có yêu cầu, hai bên có trách nhiệm cung cấp, trao đổi thông tin, nội dung liên quan đến chỉ đạo, tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT và các báo cáo tình hình hoạt động trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, trừ các thông tin, nội dung không được cung cấp theo quy định của pháp luật.

2. Tổng Liên đoàn và BHXH Việt Nam chỉ đạo các cấp công đoàn và cơ quan BHXH tăng cường thực hiện quy định tại khoản 6 Điều 23 Luật BHXH về việc công đoàn có yêu cầu và cơ quan BHXH có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về việc đóng, quyền được hưởng chế độ, thủ tục thực hiện BHXH khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.

3. Hàng năm, BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh và BHXH huyện cung cấp danh sách đơn vị sử dụng lao động tham gia BHXH do đơn vị mình quản lý gồm các thông tin về số người, số tiền đóng BHXH cho tổ chức công đoàn cùng cấp để phục vụ nhu cầu quản lý.

Điều 11. Phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và nghiên cứu khoa học về BHXH, BHTN, BHYT

1. Hai bên có trách nhiệm tham gia trong việc xây dựng chương trình, tài liệu, tổ chức, quản lý và giảng dạy trong các lớp bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ BHXH, BHTN, BHYT do hai bên tổ chức. BHXH Việt Nam giúp Trường Đại học Công đoàn, Trường Đại học Tôn Đức Thắng và các cơ sở đào tạo của tổ chức Công đoàn báo cáo các chuyên đề về BHXH, BHTN, BHYT; Tổng Liên đoàn giúp Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH báo cáo chuyên đề chính sách, pháp luật về công đoàn khi có yêu cầu.

2. Trong nghiên cứu khoa học, căn cứ nhu cầu của đơn vị nghiên cứu, BHXH Việt Nam hoặc Tổng Liên đoàn có văn bản đề nghị BHXH các cấp, Công đoàn các cấp để phối hợp thực hiện và cung cấp số liệu, thông tin cần thiết.

Điều 12. Phối hợp trong hợp tác quốc tế về lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT

1. Hai bên có trách nhiệm phối hợp, xin ý kiến góp ý khi xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, dự án liên quan đến chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT.

2. Trường hợp hoạt động của đề án, dự án cần sự tham gia của BHXH tỉnh hay LĐLĐ tỉnh, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, BHXH Việt Nam và Tổng Liên đoàn có hướng dẫn chung để thống nhất thực hiện.

Điều 13. Phối hợp trong trao đổi thông tin về các đơn vị tham gia BHXH và các đơn vị mới thành lập tổ chức công đoàn

1. BHXH Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống cung cấp các đơn vị mới tham gia BHXH cho tổ chức công đoàn cùng cấp.

2. Tổng Liên đoàn có trách nhiệm chỉ đạo LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn thông báo về việc thành lập các công đoàn trực thuộc mới cho cơ quan BHXH cùng cấp.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Tổ chức thực hiện

1. BHXH Việt Nam có trách nhiệm phổ biến, triển khai Quy chế tới các đơn vị trực thuộc cơ quan BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh, BHXH huyện để thống nhất thực hiện.

2. Tổng Liên đoàn có trách nhiệm phổ biến Quy chế tới các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn, LĐLĐ tỉnh, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn để thống nhất thực hiện.

3. Căn cứ Quy chế này, BHXH tỉnh chủ trì, phối hợp với LĐLĐ tỉnh, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn xây dựng chương trình phối hợp công tác hàng năm; hướng dẫn, chỉ đạo BHXH và LĐLĐ trực thuộc xây dựng chương trình phối hợp theo từng cấp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, của ngành.

4. Định kỳ hàng năm, lãnh đạo hai cơ quan luân phiên tổ chức tổng kết đánh giá Quy chế phối hợp, kịp thời rút kinh nghiệm; đề xuất các nội dung, biện pháp phối hợp trong thời gian tới; biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quy chế phối hợp.

5. Tổng Liên đoàn giao Ban Chính sách - Pháp luật; BHXH Việt Nam giao các đơn vị trực thuộc theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức các hoạt động phối hợp đảm bảo hiệu quả, giao Văn phòng là đầu mối theo dõi, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Quy chế này.

Điều 15. Hiệu lực thi hành

1. Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

2. Quy chế này thay thế Quy chế phối hợp số 2803/QCPH-TLĐ-BHXH ngày 29/7/2015 trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2015 - 2020 và Quy chế phối hợp số 3601/QCPH-TLĐ-BHXH ngày 20/9/2016 về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT.

3. Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc phát sinh nội dung thì hai bên kịp thời trao đổi để phối hợp giải quyết, điều chỉnh, bổ sung./.

TỔNG GIÁM ĐỐC
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM




Nguyễn Thế Mạnh

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Khang

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Văn phòng Trung ương và các ban của Đảng;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN;
- HĐQL BHXH;
- Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH;
- Văn phòng Chính phủ;
- TGĐ, các PTGĐ BHXH Việt Nam;
- Các đơn vị trực thuộc cơ quan BHXHVN;
- BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các ban, đơn vị trực thuộc TLĐLĐVN;
- LĐLĐ các tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành TW
và tương đương; CĐ TCT trực thuộc TLĐ;
- Lưu: VP Tổng LĐLĐVN; VP BHXH VN.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quy chế phối hợp 2339/QCPH-TLĐ-BHXH ngày 31/07/2023 giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, giai đoạn 2023-2028

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.261

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.244.222
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!