CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
23/2012/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 03 tháng 04 năm 2012
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI ĐỐI TƯỢNG THAM GIA CHIẾN TRANH
BẢO VỆ TỔ QUỐC, LÀM NHIỆM VỤ QUỐC TẾ Ở CĂM-PU-CHI-A, GIÚP BẠN LÀO SAU NGÀY 30
THÁNG 4 NĂM 1975 CÓ TỪ ĐỦ 20 NĂM TRỞ LÊN PHỤC VỤ TRONG QUÂN ĐỘI, CÔNG AN ĐÃ PHỤC
VIÊN, XUẤT NGŨ, THÔI VIỆC
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm
2001;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng, Bộ trưởng Bộ Công an;
Chính phủ ban hành Nghị định quy
định một số chế độ đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm
nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 có từ
đủ 20 năm trở lên phục vụ trong quân đội, công an đã phục viên, xuất ngũ, thôi
việc,
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Nghị định này quy định về chế độ
hưu trí, trợ cấp một lần, chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí đối với đối tượng
trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới
phía Bắc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a, giúp bạn Lào (sau đây gọi chung
là đối tượng trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế)
sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 có từ đủ 20 năm trở lên phục vụ trong quân đội,
công an, cơ yếu đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
1. Nghị định này áp dụng đối với sĩ
quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc quân đội nhân dân (gọi
tắt là quân nhân); sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc công an nhân dân (gọi tắt
là công an); người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công
an nhân dân (gọi tắt là cơ yếu), nhập ngũ, tuyển dụng sau ngày 30 tháng 4 năm
1975 trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế có từ
đủ 20 năm trở lên phục vụ trong quân đội, công an, cơ yếu hiện không thuộc diện
đang hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hoặc chế độ bệnh binh hàng
tháng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc
trước ngày 01 tháng 4 năm 2000;
b) Thương binh bị suy giảm khả năng
lao động từ 81% trở lên đang điều dưỡng tại các đoàn điều dưỡng thương binh hoặc
từ các đoàn điều dưỡng thương binh đã về gia đình;
c) Quân nhân, công an, cơ yếu đã có
quyết định chuyển ngành trước ngày 01 tháng 4 năm 2000 nhưng không thực hiện được
chế độ chuyển ngành hoặc đã thôi phục vụ tại ngũ về địa phương mà chưa giải quyết
chế độ phục viên, xuất ngũ, thôi việc;
d) Quân nhân, công an, cơ yếu đã được
giải quyết chế độ phục viên, xuất ngũ, thôi việc rồi đi lao động hợp tác quốc tế
hoặc được đơn vị cử đi lao động hợp tác quốc tế về nước và đã được giải quyết
chế độ phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 01 tháng 4 năm 2000.
2. Nghị định này không áp dụng đối
với các đối tượng sau đây:
a) Đối tượng không đủ điều kiện quy
định tại Khoản 1 Điều này;
b) Đối tượng đang hưởng chế độ hưu
trí hoặc đang công tác hưởng lương từ ngân sách nhà nước có tham gia bảo hiểm
xã hội bắt buộc hoặc đang hưởng chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh hàng
tháng;
c) Đào ngũ, đầu hàng, phản bội,
chiêu hồi;
d) Vi phạm pháp luật đang chấp hành
án tù giam, tù chung thân hoặc đã bị kết án về một trong các tội về xâm phạm an
ninh quốc gia mà chưa được xóa án tích; bị tước danh hiệu quân nhân, danh hiệu
công an nhân dân; bị buộc thôi việc;
đ) Xuất cảnh trái phép, đang định
cư ở nước ngoài bất hợp pháp hoặc bị tòa án tuyên bố là mất tích;
e) Quân nhân, công an nhân dân nhập
ngũ, tuyển dụng trước ngày 30 tháng 4 năm 1975;
g) Đối tượng quy định tại Khoản 1
Điều này đã từ trần nhưng không còn vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi; bố đẻ, mẹ
đẻ hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp.
Điều 3. Quy định
về địa bàn, thời gian xảy ra chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế
1. Trực tiếp tham gia chiến tranh bảo
vệ Tổ quốc là trực tiếp làm nhiệm vụ chiếu đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu ở
biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, làm nhiệm vụ truy quét Ful rô ở Tây
Nguyên trong địa bàn và thời gian quy định tại Khoản 2 và Điểm a, Điểm b, Điểm
c Khoản 3 Điều này.
2. Địa bàn xảy ra chiến sự trong
chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là các huyện thuộc biên giới Tây Nam, biên giới phía
Bắc, gồm cả các huyện đảo biên giới và khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, DK1; các tỉnh
Tây Nguyên và các địa bàn phụ cận có xảy ra chiến sự.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định
các địa bàn phụ cận có xảy ra chiến sự.
3. Thời gian xảy ra chiến sự trong
chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế được xác định như sau:
a) Ở biên giới Tây Nam từ tháng 5
năm 1975 đến ngày 07 tháng 01 năm 1979;
b) Ở biên giới phía Bắc từ tháng 02
năm 1979 đến ngày 31 tháng 12 năm 1988;
c) Truy quét Ful rô từ tháng 5 năm
1975 đến tháng 12 năm 1992;
d) Làm nhiệm vụ giúp bạn Lào từ
tháng 5 năm 1975 đến ngày 31 tháng 12 năm 1988;
đ) Làm nhiệm vụ quốc tế ở
Căm-pu-chi-a từ tháng 01 năm 1979 đến ngày 31 tháng 8 năm 1989.
Thời gian làm nhiệm vụ quốc tế đối
với một số đơn vị làm nhiệm vụ đặc biệt của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an do Bộ trưởng
Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
Điều 4. Chế độ
hưu trí
1. Thời gian công tác để tính hưởng
chế độ hưu trí được quy định như sau:
a) Thời gian công tác thực tế trong
quân đội, công an, cơ yếu có đóng bảo hiểm xã hội hoặc được coi là đã đóng bảo
hiểm xã hội để tính hưởng chế độ hưu trí, bao gồm: thời gian là sĩ quan, quân
nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân viên chức quốc phòng, công
nhân viên chức công an, người làm công tác cơ yếu. Thời gian công tác trên nếu
có gián đoạn thì được cộng dồn.
Đối với các trường hợp chuyển ngành
sang làm việc ở cơ quan, đơn vị, tổ chức ngoài quân đội, công an, cơ yếu sau đó
thôi việc hoặc đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc đi lao động hợp tác quốc tế hoặc
được cử đi lao động hợp tác quốc tế sau đó phục viên, xuất ngũ, thôi việc hoặc
thương binh điều dưỡng tại các đoàn điều dưỡng thương binh nặng do ngành Lao động
- Thương binh và Xã hội quản lý thì thời gian công tác ngoài quân đội, công an,
cơ yếu, thời gian lao động hợp tác quốc tế, thời gian điều dưỡng tại các đoàn
điều dưỡng thương binh nặng do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý không
được tính hưởng chế độ hưu trí theo quy định tại Nghị định này.
b) Thời gian công tác để tính hưởng
chế độ hưu trí nếu có tháng lẻ thì dưới 3 tháng không tính, có từ đủ 3 tháng đến
đủ 6 tháng được tính bằng một nửa (1/2) mức hưởng của một năm đóng bảo hiểm xã
hội, có từ trên 6 tháng đến 12 tháng được tính bằng mức hưởng của một năm đóng
bảo hiểm xã hội.
2. Mức lương hưu hàng tháng của các
đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định này được
tính theo số năm thực tế phục vụ trong quân đội, công an, cơ yếu. Mức lương hưu
và mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định như
sau:
a) Mức lương hưu: cứ đủ 15 năm tính
bằng 45% mức bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội; sau đó, cứ
thêm một năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 3% đối với nữ và 2% đối với
nam. Mức lương hưu hàng tháng tối đa bằng 75% mức bình quân của tiền lương
tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Trường hợp đối tượng thuộc diện hưởng
sinh hoạt phí thì mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 01 tháng lương tối
thiểu chung theo quy định của Chính phủ cho từng thời kỳ.
b) Mức bình quân tiền lương tháng
đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu hàng tháng là bình quân tiền lương tháng
của 5 năm cuối (60 tháng) trước khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc, chuyển
ngành hoặc chuyển sang đoàn điều dưỡng thương binh thuộc ngành Lao động -
Thương binh và Xã hội quản lý hoặc trước khi đi lao động hợp tác quốc tế.
c) Tiền lương tháng đóng bảo hiểm
xã hội của 5 năm cuối, bao gồm: tiền lương theo cấp bậc quân hàm, ngạch, bậc và
các khoản phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) được chuyển
đổi thành hệ số lương tương ứng quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày
14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức,
viên chức và lực lượng vũ trang. Mức lương quân hàm Chuẩn úy tính bằng hệ số
3,90.
Điều 5. Chế độ
trợ cấp một lần và chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí
1. Đối tượng quy định tại Điểm a, Điểm c và Điểm d Khoản 1 Điều 2 Nghị định này đã từ trần
trước ngày 01 tháng 01 năm 2012, bao gồm cả đối tượng từ trần khi đang tại ngũ
hoặc đang công tác thì một trong những thân nhân sau đây của đối tượng được hưởng
chế độ trợ cấp một lần bằng 3.600.000 đồng: vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi; bố
đẻ, mẹ đẻ hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp.
2. Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định này nếu chưa được hưởng chế độ bảo hiểm
y tế thì được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm
y tế; khi từ trần, người lo mai táng được hưởng chế độ mai táng phí, thân nhân
được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần và các chế độ,
chính sách khác như người hưởng lương hưu theo quy định hiện hành của pháp luật
về bảo hiểm xã hội.
Điều 6. Hồ sơ,
trình tự giải quyết chế độ
1. Hồ sơ xét
hưởng chế độ hưu trí, chế độ trợ cấp một lần được quy định như sau:
a) Hồ sơ xét hưởng chế độ hưu trí gồm:
01 đơn đề nghị của đối tượng; một hoặc một số giấy tờ gốc hoặc được coi như giấy
tờ gốc hoặc giấy tờ liên quan (bản chính hoặc bản sao của cấp có thẩm quyền) chứng
minh đúng đối tượng, đủ điều kiện hưởng chế độ theo quy định tại Khoản
1 Điều 2 và Điều 3 Nghị định này.
b) Hồ sơ xét hưởng chế độ trợ cấp một
lần (đối với đối tượng đã từ trần) gồm: 01 đơn đề nghị của thân nhân đối tượng;
một hoặc một số giấy tờ gốc hoặc được coi như giấy tờ gốc hoặc giấy tờ liên
quan (bản chính hoặc bản sao của cấp có thẩm quyền) chứng minh đúng đối tượng,
đủ điều kiện hưởng chế độ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 và Điều
3 Nghị định này.
2. Trình tự, thời hạn giải quyết chế
độ hưu trí, chế độ trợ cấp một lần được thực hiện như sau:
a) Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định này hoặc thân nhân đối tượng có trách
nhiệm làm đơn và nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều này cho Ủy ban
nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú;
b) Trong thời hạn không quá 7 ngày
làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn
thành việc tổng hợp, lập hồ sơ báo cáo Ban Chỉ huy quân sự đối với đối tượng là
quân nhân, cơ yếu; công an cấp huyện đối với các đối tượng là công an;
c) Trong thời hạn không quá 7 ngày
làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định (theo từng đợt), Ban Chỉ huy
quân sự hoàn thành việc xét duyệt, tổng hợp, báo cáo Bộ Chỉ huy quân sự, Bộ Tư lệnh
Thủ đô Hà Nội; công an cấp huyện hoàn thành việc xét duyệt, tổng hợp, báo cáo
công an cấp tỉnh, Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy;
d) Trong thời hạn không quá 7 ngày
làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định (theo từng đợt), Bộ Chỉ huy
quân sự hoàn thành việc xét duyệt, hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Bộ Tư lệnh quân
khu; công an cấp tỉnh, Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy hoàn thành việc xét
duyệt, hoàn thiện hồ sơ, tổng hợp, báo cáo Bảo hiểm xã hội Bộ Công an;
đ) Trong thời hạn không quá 10 ngày
làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định (theo từng đợt), Bộ Tư lệnh
quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội hoàn thành việc thẩm định, hoàn thiện hồ
sơ đối với các đối tượng là quân nhân, cơ yếu, chuyển Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc
phòng;
e) Trong thời
hạn không quá 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định (theo từng
đợt), Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng hoàn thành việc xét duyệt, ra quyết định hưởng
chế độ hưu trí, chế độ trợ cấp lần đối với đối tượng là quân nhân, cơ yếu và
chuyển Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện; Bảo hiểm xã hội Bộ Công an xét duyệt,
ra quyết định hưởng chế độ hưu trí, chế độ trợ cấp một lần đối với đối tượng là
công an, chuyển Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện.
Điều 7. Nguồn
kinh phí thực hiện
Kinh phí thực hiện chế độ, chính
sách quy định tại Nghị định này do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của
pháp luật về ngân sách nhà nước.
Điều 8. Trách
nhiệm thi hành
1. Bộ Quốc
phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế
độ đối với đối tượng là quân nhân, cơ yếu quy định tại Khoản
1 Điều 2 Nghị định này.
2. Bộ Công an,
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ đối
với đối tượng là công an quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định
này.
3. Bộ Tài chính có trách nhiệm bố
trí kinh phí hàng năm để thực hiện chế độ, chính sách quy định tại Nghị định
này theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
4. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có
trách nhiệm tiếp nhận, chi trả các chế độ đối với các đối tượng theo quy định tại
Nghị định này.
5. Việc xác nhận, xét duyệt đối tượng
hưởng chế độ, chính sách quy định tại Nghị định này phải bảo đảm công khai, chặt
chẽ, chính xác và thuận tiện.
6. Những người có hành vi làm sai lệch
hoặc giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ
bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và phải hoàn trả số tiền đã
nhận; bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Điều
khoản thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 19 tháng 5 năm 2012.
2. Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định này được hưởng chế độ hưu trí hàng
tháng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2012.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP; Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc,
Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b)
|
TM.
CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|