BỘ QUỐC PHÒNG
LIÊN CỤC
CHÍNH SÁCH-QUÂN Y-TÀI CHÍNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
727/LCCS-QY-TC8
|
Ngày 07 tháng 06
năm 2001
|
HƯỚNG DẪN
CÁC CƠ SỞ KHÁM CHỮA BỆNH
TRONG QUÂN ĐỘI CẤP “GIẤY CHỨNG NHẬN, NGHỈ ỐM ĐAU HOẶC THAI SẢN HƯỞNG TRỢ CẤP BẢO
HIỂM XÃ HỘI” CHO NGƯỜI BỆNH THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI
Thực hiện Thông tư Liên tịch số
11/1999/TTLT-BHXH-YT ngày 22/6/1999 của Liên tịch Bộ Y tế - Bảo hiểm xã hội Việt
Nam “Hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh cấp giấy chứng nhận nghỉ việc cho người
bệnh tham gia Bảo hiểm xã hội”.
Liên cục Chính sách - Quân y - Tài chính hướng dẫn
thêm một số điểm như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG:
Sĩ quan, Quân nhân chuyên nghiệp, Công nhân viên chức
Quốc phòng, lao động hợp đồng có tham gia bảo hiểm xã hội khi ốm đau đi khám,
chữa bệnh.
II. QUYỀN HẠN CỦA BÁC SĨ, Y SĨ,
Y TÁ, LƯƠNG Y trong việc cấp giấy chứng nhận cho Sĩ quan, Quân nhân chuyên nghiệp,
công nhân viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng có tham gia bảo hiểm xã hội
khám, chữa bệnh.
1. Trường hợp ốm đau điều trị nội trú:
Sĩ quan, Quân nhân chuyên nghiệp, Công nhân viên chức
quốc phòng, Lao động hợp đồng có tham gia bảo hiểm xã hội khi ốm đau phải điều
trị nội trú, thì các cơ sở khám, chữa bệnh trong Quân đội có trách nhiệm trong
việc lập, cấp giấy chứng nhận như sau:
1.1- Trường hợp người bệnh không chuyển giấy giới
thiệu cung cấp tài chính: Bệnh xá, bệnh viện có trách nhiệm lập, cấp giấy chứng
nhận.
1.2- Trường hợp người bệnh có chuyển giấy giới thiệu
cung cấp tài chính
- Nếu thời gian nhập viện và xuất viện trong cùng một
tháng:
Bệnh xá, bệnh viện chịu trách nhiệm lập, cấp giấy
chứng nhận kèm theo giấy ra viện.
- Nếu thời gian nhập viện và xuất viện không cùng
tháng:
+ Tháng đầu tiên: căn cứ vào giấy giới thiệu đi viện,
cơ quan quân y đơn vị chịu trách nhiệm lập giấy chứng nhận.
+ Từ tháng tiếp theo đến khi khỏi bệnh: Bệnh xá, bệnh
viện chịu trách nhiệm lập giấy chứng nhận.
2. Trường hợp ốm đau điều trị ngoại trú
Khi Sĩ quan, Quân nhân chuyên nghiệp, Công nhân
viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng có tham gia bảo hiểm xã hội bị ốm đau
không điều trị nội trú thì các bác sĩ, y sĩ, y tá, lương y ở các cơ sở khám, chữa
bệnh trong Quân đội được quyền cho người bệnh nghỉ điều trị ngoại trú và cấp giấy
chứng nhận cụ thể như sau:
2.1- Bệnh viện thuộc Tổng cục Hậu cần, Quân khu,
Quân đoàn, Quân chủng, Học viện quân y ... được quyền cho người bệnh nghỉ tối
đa không quá 10 ngày.
2.2- Bệnh xá ở các đơn vị được quyền cho người bệnh
nghỉ tối đa không quá 7 ngày.
Sau thời gian nghỉ điều trị ngoại trú theo quy định
tại Điểm 2.1, 2.2 nói trên, nếu người bệnh chưa khỏi thì phải khám lại và tiếp
tục cho nghỉ thêm, nhưng tối đa không quá 10 ngày (kể cả thời gian chờ làm xét
nghiệm, X quang ... để xác định bệnh).
2.3- Quân y ở các đơn vị được quyền cho nghỉ tối đa
không quá 5 ngày.
2.4- Tổng thời gian cho nghỉ chữa bệnh ngoại trú
nhiều nhất là 27 ngày (không kể thời gian điều trị ngoại trú tại đơn vị công
tác). Quá thời gian trên phải đưa vào điều trị nội trú.
Đối với bệnh truyền nhiễm mà thời gian cần cách ly đã được xác định rõ (như
sốt siêu vi trùng, cúm, tả ...) nếu bệnh nhân không có biến chứng được chữa bệnh
ngoại trú thì các bác sĩ, y sĩ, y tá, lương y được chứng nhận nghỉ ngay một lần
từ 01 đến 10 ngày tùy theo yêu cầu cách
ly của mỗi loại bệnh.
2.5- Trường hợp Sĩ quan, Quân nhân chuyên nghiệp,
Công nhân viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng có tham gia bảo hiểm xã hội
đi công tác, nếu đơn vị đến công tác không có cơ quan y tế riêng hoặc bị ốm đau
trên đường đi công tác, đi phép thì liên hệ với địa phương để khám, chữa bệnh
và xin cấp giấy chứng nhận nghỉ ốm theo quy định.
3. Trường hợp đi khám thai, sẩy thai: Bệnh
xá, bệnh viện chịu trách nhiệm lập, cấp giấy chứng nhận.
Riêng thời gian nghỉ trước và sau khi sinh con,
không phải lập giấy chứng nhận mà căn cứ vào giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy
khai sinh (có công chứng) đơn vị quản lý đối tượng giải quyết theo chế độ.
III. QUY ĐỊNH VỀ CẤP “GIẤY CHỨNG
NHẬN NGHỈ ỐM ĐAU HOẶC THAI SẢN HƯỞNG TRỢ CẤP BẢO HIỂM XÃ HỘI”.
- “Giấy chứng nhận nghỉ ốm đau hoặc thai sản hưởng
trợ cấp bảo hiểm xã hội” (theo mẫu đính kèm công văn này) do cơ quan Bảo hiểm
xã hội Quân đội in theo mẫu thống nhất, cấp cho các đơn vị để các bác sỹ, y sỹ,
y tá, lương y lập, cấp cho người bệnh để thanh toán chế độ trợ cấp bảo hiểm xã
hội.
Trong khi cơ quan Bảo hiểm xã hội Quân đội chưa cấp
giấy chứng nhận, các đơn vị căn cứ theo mẫu đính kèm công văn này để thực hiện.
- Giấy chứng nhận phải ghi bằng mực, rõ ràng, không
được tẩy xóa.
- Các nội dung khác thực hiện theo quy định tại
Thông tư Liên tịch số 11/1999/TTLT-BYT-BHXH ngày 22/6/1999 của Liên tịch Bộ Y tế
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
IV- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:
Hướng dẫn này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Quá trình thực hiện, có gì vướng mắc đề nghị các
đơn vị phản ảnh về Liên cục để nghiên cứu, giải quyết./.
KT. CỤC TRƯỞNG
CỤC TÀI CHÍNH
PHÓ CỤC TRƯỞNG
Thượng tá Phạm Văn Thảo
|
KT. CỤC TRƯỞNG
CỤC QUÂN Y
PHÓ CỤC TRƯỞNG
Đại tá Trần Thế Tăng
|
KT. CỤC TRƯỞNG
CỤC CHÍNH SÁCH
PHÓ CỤC TRƯỞNG
Đại tá Đỗ Quang Bích
|