Bám sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến nhiều chiều để xây dựng pháp luật

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
12/04/2022 10:31 AM

Bám sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến nhiều chiều để xây dựng pháp luật là yêu cầu của Chính phủ tại Công văn 301/TTg-PL về công tác xây dựng thể chế, pháp luật.

Bám sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến nhiều chiều để xây dựng pháp luật

Bám sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến nhiều chiều để xây dựng pháp luật (Ảnh minh họa)

Theo đó, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ một số nhiệm vụ, đơn cử:

- Trong quá trình xây dựng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cần tuân thủ đúng quy định, quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là:

+ Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ, chương trình được đề ra, nhất là các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trong chương trình của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội;

+ Bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, tham vấn ý kiến, nhất là ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn, đối tượng chịu tác động;

+ Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, Quốc hội và các cơ quan liên quan khác;

+ Tăng cường sự phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận, tăng cường công tác truyền thông để kịp thời thông tin chính sách, nhằm nâng cao chất lượng của các văn bản cũng như sự đồng thuận của xã hội trong xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật;

- Trực tiếp lãnh đạo và chịu trách nhiệm về công tác xây dựng thể chế, pháp luật của Bộ, cơ quan ngang bộ;

Trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách trình các cơ quan có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền;

Chịu trách nhiệm cá nhân trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ cũng như chất lượng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật;

- Thường xuyên chỉ đạo việc rà soát, đánh giá, tổng kết việc tổ chức thi hành pháp luật, nhằm phát hiện các khó khăn, vướng mắc, gây khó khăn, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống của Nhân dân, các vấn đề mới phát sinh cần điều chỉnh để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tiễn;

- Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật thời gian qua, Chỉ thị 43/CT-TTg về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế ngày 16/9/2021.

Xem chi tiết tại Công văn 301/TTg-PL ngày 06/4/2022.

Diễm My

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,076

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn