Hướng dẫn viết bài dự thi Sáng kiến bảo đảm trật tự trường học về phòng ngừa bạo lực học đường và lao động trẻ em năm 2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
12/03/2024 23:45 PM

Xin cho tôi hỏi cách viết bài dự thi Sáng kiến bảo đảm trật tự trường học về phòng ngừa bạo lực học đường và lao động trẻ em năm 2024? - Minh Phúc (Đồng Nai)

Hướng dẫn viết bài dự thi Sáng kiến bảo đảm trật tự trường học về phòng ngừa bạo lực học đường và lao động trẻ em năm 2024

Hướng dẫn viết bài dự thi Sáng kiến bảo đảm trật tự trường học về phòng ngừa bạo lực học đường và lao động trẻ em năm 2024 (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Hướng dẫn viết bài dự thi Sáng kiến bảo đảm trật tự trường học về phòng ngừa bạo lực học đường và lao động trẻ em năm 2024

Ngày 15/01/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 287/QĐ-BGDĐT về việc ban hành Thể lệ Cuộc thi “Sáng kiến bảo đảm trật tự trường học về phòng ngừa bạo lực học đường và lao động trẻ em” năm 2024.

Theo đó, có thể tham khảo dàn ý bài dự thi Sáng kiến bảo đảm trật tự trường học về phòng ngừa bạo lực học đường và lao động trẻ em năm 2024 sau đây:

* Dàn ý bài thi viết chủ đề 1: Phòng ngừa bạo lực học đường

(1) Mở bài

Dẫn dắt, giới thiệu về vấn đề bài viết: phòng ngừa bạo lực học đường.

(2) Thân bài

- Bạo lực học đường là gì?

Căn cứ theo khoản 5 Điều 2 Nghị định 80/2017/NĐ-CP, bạo lực học đường là hành vi ngược đãi, đánh đập, bạo hành; làm tổn hại đến sức khỏe, thân thể; sỉ nhục, lăng mạ đến danh dự và nhân phẩm; tẩy chay, cô lập, ruồng rẫy và những hành động gây ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn học trong các tổ chức, cơ sở giáo dục.

- Biểu hiện của bạo lực học đường.

- Nguyên nhân của bạo lực học đường.

- Hậu quả của bạo lực học đường.

- Giải pháp phòng ngừa bạo lực học đường.

(3) Kết bài

Khẳng định lại vấn đề: ý nghĩa của việc phòng ngừa bạo lực học đường.

* Dàn ý bài thi viết chủ đề 2: Phòng ngừa lao động trẻ em

(1) Mở bài

Dẫn dắt, giới thiệu về vấn đề bài viết: phòng ngừa lao động trẻ em.

(2) Thân bài

- Lao động trẻ em là gì?

Theo Điều 1 Luật Trẻ em 2016 quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi.

Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động. Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp quy định tại Mục 1 Chương XI Bộ luật Lao động 2019.

Như vậy, có thể hiểu người lao động dưới 15 tuổi làm việc theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động thì được xem là lao động trẻ em.

- Khi nào được phép sử dụng lao động trẻ em?

Cụ thể tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH quy định để ký hợp đồng lao động với người chưa đủ 15 tuổi, người có thẩm quyền ký hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động sẽ phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Có phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 06 tháng kể từ ngày cấp đến ngày giao kết hợp đồng lao động, trong đó không có án tích về hành vi xâm hại trẻ em;

+ Có Bản cam kết chưa từng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm hại trẻ em.

Bên cạnh đó, nếu sử dụng người lao động chưa đủ 13 tuổi thì phải được sự đồng ý của cơ quan sau:

+ Đối với người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính hoặc nơi có địa chỉ được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp…;

+ Đối với người sử dụng lao động là hộ gia đình, cá nhân: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đăng ký hộ khẩu thường trú/tạm trú.

- Thực trạng sử dụng lao động trẻ em.

- Nguyên nhân của tình trạng sử dụng lao động trẻ em.

- Hậu quả của tình trạng sử dụng lao động trẻ em.

- Giải pháp đối với tình trạng sử dụng lao động trẻ em.

(3) Kết bài

Khẳng định lại vấn đề: ý nghĩa của việc phòng ngừa lao động trẻ em.

2. Thể lệ cuộc thi Sáng kiến bảo đảm trật tự trường học về phòng ngừa bạo lực học đường và lao động trẻ em năm 2024

(1) Đối tượng dự thi 

Học sinh phổ thông (bao gồm học sinh các trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú; trường chuyên, trường năng khiếu, trường dành cho người khuyết tật; học viên học chương trình giáo dục phổ thông tại trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên). 

(2) Nội dung, hình thức bài dự thi 

(2.1) Cấp tiểu học

* Hình thức: Vẽ tranh cổ động trên khổ giấy A3 không giới hạn về màu sắc, không giới hạn nguyên vật liệu (như bút chì, màu sáp, bút lông...). 

* Chủ đề: 

** Chủ đề 1: Phòng ngừa bạo lực học đường 

- Khuyến khích hành động đẹp giữ gìn trường học hạnh phúc, an toàn trật tự; môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, không bạo lực học đường. 

- Phê bình các hình thức gây bạo lực học đường. 

** Chủ đề 2: Phòng ngừa lao động trẻ em 

- Tuyên truyền về tác hại của lao động trẻ em. 

- Tuyên truyền về tầm quan trọng của việc đi học nhằm góp phần trang bị tri thức, kỹ năng cho trẻ em hướng tới việc làm bền vững, tương lai tươi sáng. 

(2.2) Cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông 

* Hình thức: Bài thi viết của cá nhân học sinh, chưa từng dự thi tại các cuộc thi khác, chưa được đăng báo, trang tin điện tử hoặc mạng xã hội. Bài viết tham dự Cuộc thi được viết tay hoàn toàn có độ dài tối đa không quá 1.200 từ. 

* Chủ đề: 

** Chủ đề 1: Phòng ngừa bạo lực học đường 

- Viết về cảm xúc, nhận định bản thân trước hành vi bạo lực học đường gây mất trật tự trường học và sáng kiến, giải pháp, mô hình hay cách thức phòng chống bạo lực học đường, góp phần xây dựng trường học an toàn thân thiện. 

- Viết về 1 câu chuyện phòng ngừa bạo lực học đường, giữ gìn an ninh trật tự trường học mà em tâm đắc. 

- Viết về cảm xúc của bản thân nếu em đã từng là nạn nhân của bạo lực học đường từ đó đề xuất giải pháp, cách thức ngăn chặn bạo lực học đường. 

- Viết về sáng kiến bản thân với nhà trường trong việc xây dựng trường học hạnh phúc, trường học không bạo lực học đường. 

** Chủ đề 2: Phòng ngừa lao động trẻ em 

- Viết về những tác hại của lao động trẻ em và tầm quan trọng của giáo dục. 

- Viết về 1 câu chuyện về một trường hợp trẻ em tham gia lao động được giúp đỡ quay lại trường học mà em tâm đắc. 

- Viết về sáng kiến, giải pháp, cách thức phòng ngừa lao động trẻ em, hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em có nguy cơ và trẻ em phải lao động trái với quy định của pháp luật và vai trò của các bên liên quan (nhà trường, gia đình, cộng đồng, bản thân trẻ em). 

(3) Quy định bài tham dự Cuộc thi 

- Số lượng bài tham dự cuộc thi: Mỗi học sinh thực hiện tối đa 01 bài. 

Tác phẩm tham dự cuộc thi phải ghi rõ thông tin cá nhân (ở mặt sau bài thi vẽ hoặc ở trên đầu với bài thi viết): Họ và tên tác giả, giới tính, tên lớp, tên trường, địa chỉ trường, số điện thoại của (tác giả và cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp), địa chỉ email (nếu có). 

Ghi chú: 

Khuyến khích các nhà trường tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm tuyên truyền, cung cấp kiến thức cho học sinh trong nhà trường về các nội dung liên quan đến phòng ngừa bạo lực học đường và lao động trẻ em và có các tác phẩm tham gia cả hai chủ đề của cuộc thi.

(4) Phương thức xét chọn bài tham dự Cuộc thi 

Xét chọn theo 04 vòng: 

- Vòng cấp trường: Tổ chức thi, chấm và chọn ra 05 bài và xét trao giải (gồm: 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 02 giải Ba) gửi về Cơ quan quản lý giáo dục cấp quận/huyện. 

- Vòng cấp quận/ huyện: Tổ chức chấm và chọn ra 05 tác phẩm ở mỗi cấp (Tiểu học, Trung học cơ sở) và xét giải cho mỗi cấp (01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 02 giải Ba), lập danh sách gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo. 

- Vòng cấp tỉnh: Tổ chức chấm và chọn ra 05 tác phẩm ở mỗi cấp (Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông) và trao giải cho mỗi cấp (01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 02 giải Ba). Sau đó, lập danh sách gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo để dự thi vòng cấp Toàn quốc. 

- Vòng cấp Toàn quốc: Tổ chức chấm và chọn ra 05 bài viết/vẽ ở mỗi cấp (Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông) và trao giải cho mỗi cấp (01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 02 giải Ba). 

Ghi chú: 

- Đối với cấp THPT: Kết quả vòng thi cấp trường được gửi về Sở GDĐT. Sở GDĐT để tổ chức chấm và chọn ra 05 tác phẩm để gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo để dự thi vòng cấp Toàn quốc. 

3. Thời gian thi Sáng kiến bảo đảm trật tự trường học về phòng ngừa bạo lực học đường và lao động trẻ em năm 2024

- Thời gian tổ chức Cuộc thi 

+ Thời gian tổ chức cuộc thi: Từ ngày 01/3/2024 đến 30/6/2024 

+ Phát động Cuộc thi: Dự kiến tuần thứ nhất tháng 3/2024 

+ Thời gian tổng kết: Dự kiến tuần thứ ba tháng 6/2024 

- Thời gian hoàn thành chấm các vòng thi 

+ Vòng cấp trường: Hoàn thành chấm, trao giải và gửi các bài đoạt giải về Ban tổ chức vòng thi cấp quận/huyện trước ngày 15/04/2024 

+ Vòng thi cấp huyện: Hoàn thành chấm, trao giải và gửi các bài đoạt giải về Ban tổ chức vòng thi cấp tỉnh/thành phố trước ngày 30/4/2024 

+ Vòng thi cấp tỉnh: Hoàn thành chấm, trao giải và gửi các bài đoạt giải về Ban tổ chức vòng thi cấp toàn quốc trước ngày 19/5/2024 

+ Vòng thi cấp toàn quốc: Hoàn thành chấm và tổ chức trao giải dự kiến 12/6/2024. 

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 47,336

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn