“Hoàn toàn không để xảy ra ngộ độc thực phẩm là không khả thi”

21/06/2017 16:46 PM

Việc hoàn toàn không để xảy ra ngộ độc thực phẩm là không khả thi. Quan điểm này được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu tại báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020.

Nghị quyết này đã được Quốc hội thông qua sáng 21/6, trong phiên bế mạc kỳ họp thứ ba.

Đa số đai biểu Quốc hội tán thành thông qua nghị quyết giám sát chuyên đề.

Yếu kém do chủ quan là chính

Tán thành với kết quả giám sát, Quốc hội lưu ý nhiều hạn chế, yếu kém. Như, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm chưa được hệ thống hóa, một số quy định còn chưa rõ ràng, còn thiếu cụ thể về phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành và địa phương; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn thiếu. Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện và cơ chế phối hợp của các cấp, các ngành chưa theo kịp tình hình thực tế, hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước chưa cao.

Đầu tư nguồn lực, điều kiện làm việc chưa đáp ứng yêu cầu, chưa kiểm soát được theo chuỗi cung cấp thực phẩm. Việc phân tích, đánh giá nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, quản lý sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thủ công, thực phẩm tươi sống vẫn là khâu yếu, chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu.

Ngoài ra, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về an toàn thực phẩm còn thụ động, xử lý vi phạm chưa kiên quyết, còn có biểu hiện nể nang, né tránh.

Quốc hội khẳng định, nguyên nhân các hạn chế, yếu kém do yếu tố chủ quan là chủ yếu, trước hết thuộc về sự buông lỏng quản lý của chính quyền các cấp, sự nhận thức yếu kém và cố tình vi phạm của một số tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh nông sản, thực phẩm. Trách nhiệm chính thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, nhất là ở cấp chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, người sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm có vi phạm và một phần trách nhiệm thuộc về người tiêu dùng.

Cột mốc 2020

Nghị quyết giao Chính phủ tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ và giải pháp trong giai đoạn 2016 - 2020.

Đầu tiên là khẩn trương rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm để sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan theo hướng quy định rõ các điều cấm và tăng chế tài xử lý. Khắc phục tình trạng chồng chéo, không rõ trách nhiệm trong phân công quản lý an toàn thực phẩm; tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.

Mốc thời gian cụ thể là đến hết năm 2020 cơ bản hoàn thành các quy chuẩn kỹ thuật chính về an toàn thực phẩm cho các nhóm đối tượng và phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Nhiệm vụ tiếp theo là đến hết năm 2018, kiện toàn cơ bản xong bộ máy quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm các cấp theo hướng tập trung đầu mối, rõ trách nhiệm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả. Ở cấp xã, phân công cán bộ theo dõi an toàn thực phẩm. Tăng cường năng lực, điều kiện làm việc cho đội ngũ cán bộ quản lý an toàn thực phẩm ở các cấp.

Quốc hội cũng yêu cầu bố trí đủ ngân sách cho công tác quản lý an toàn thực phẩm theo dự toán. Cho phép sử dụng kinh phí xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm để phục vụ quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, trong đó được trích một tỷ lệ hợp lý khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có thành tích trong quản lý, tham gia bảo đảm an toàn thực phẩm.

Nghị quyết nêu rõ, hàng năm, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm năm trước vào kỳ họp đầu năm.

Nguyên Vũ

Theo Vneconomy

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,761

Bài viết về

Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIV

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn