Đưa, nhận hối lộ bị xử lý thế nào? (Hình từ internet)
- Theo Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc trung gian nhận hoặc sẽ bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
- Theo Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, đưa hối lộ là hành vi của một người trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Bên cạnh đó, theo Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, đưa, nhận hối lộ là một trong các hành vi tham nhũng.
Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm: - Cán bộ, công chức, viên chức; - Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; - Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; - Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức; - Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó. |
Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ với mức phạt cao nhất lên đến 20 năm tù.
(Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017)
Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ với mức hình phạt cao nhất là tử hình.
(Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017)
Người có hành vi đưa, nhận hối lộ có thể bị xử lý hành chính với các mức như sau:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi đưa, môi giới, nhận hối lộ trong việc đăng ký, quản lý cư trú.
- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ.
(Điều 9, 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)
Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định về phòng, chống tham nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị áp dụng thức thức kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo.
Đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức hoặc cách chức.
Trường hợp công chức, viên chức bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
(Khoản 4 Điều 8, khoản 5 Điều 16, khoản 2 Điều 30, khoản 2 Điều 37 Nghị định 112/2020/NĐ-CP)
Diễm My