Xét thăng hạng giáo viên 2019: Toàn bộ thông tin cần biết

12/10/2019 08:03 AM

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giới thiệu những thông tin cần biết xoay quanh việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT; đã được xếp hạng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên.

1. Không bắt buộc dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp

Hiện nay không có bất cứ một quy định nào bắt buộc giáo viên phải đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

2. Không bắt buộc tham gia học để thi thăng hạng chức danh

Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT  quy định “Việc cử giáo viên dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, nhu cầu của các cơ sở giáo dục công lập và tình hình thực tế của địa phương”.

Những giáo viên được cử không bắt buộc phải tham giao học các lớp đào tạo thi thăng hạng, nếu ai có nhu cầu thì tham gia, ai không có nhu cầu thì thôi.

3. Mối quan hệ giữa lương và thăng hạng giáo viên

Một trong những cái được của giáo viên sau khi thăng hạng đó là liên quan đến vấn đề chuyển xếp lương; đơn cử như:

- Chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 (từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89);

- Sau khi được xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II thì được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98).

4. Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp

(1) Cơ sở giáo dục có nhu cầu về vị trí việc làm của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự xét và được cấp có thẩm quyền cử tham dự kỳ xét thăng hạng.

(2) Được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian công tác 03 năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự xét;

Có đủ phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp; không trong thời gian bị thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.

(3) Có đủ đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự xét; cụ thể:

- Đối với giáo viên mầm non:  Áp dụng theo Điều 4, 5, 6 Thông tư liên tịch 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 14/09/2015.

- Đối với giáo viên tiểu học: Áp dụng theo Điều 4, 5, 6 Thông tư liên tịch 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/09/2015.

- Đối với giáo viên THCS: Áp dụng theo  Điều 4, 5, 6 Thông tư liên tịch 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/09/2015.

- Đối với giáo viên THPT: Áp dụng theo   Điều 4, 5, 6 Thông tư liên tịch 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2015.

5. Những trường hợp được miễn xét trình độ ngoại ngữ, tin học

Giáo viên tính đến ngày 31 tháng 12 của năm tổ chức xét thăng hạng, có tuổi đời từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nam và từ đủ 50 tuổi trở lên đối với nữ thì được miễn xét trình độ ngoại ngữ, tin học theo quy định của hạng chức danh nghề nghiệp.

6. Nội dung và hình thức xét thăng hạng

- Xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT sẽ thông qua việc xét và chấm điểm hồ sơ theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên đã đăng ký dự xét.

- Giáo viên mầm non, tiểu học hạng III dự xét thăng hạng lên hạng II; giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông hạng II dự xét thăng hạng lên hạng I khi điểm hồ sơ đạt 100 điểm thì được tham gia sát hạch. Những giáo viên không được tham gia sát hạch được thông báo không đủ điều kiện để tiếp tục xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

- Việc sát hạch được thực hiện thông qua các hình thức làm bài khảo sát hoặc phỏng vấn.

+ Bài khảo sát được thực hiện thông qua làm bài viết hoặc trắc nghiệm; thời lượng làm bài khảo sát không quá 45 phút; nội dung khảo sát liên quan đến nhiệm vụ của nhà giáo quy định tại tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp (theo từng hạng chức danh của mỗi cấp học);

+ Phỏng vấn: Việc phỏng vấn được thực hiện trực tiếp đối với từng người; thời lượng phỏng vấn 01 (một) người không quá 15 (mười lăm) phút; nội dung phỏng vấn liên quan đến nhiệm vụ của nhà giáo quy định tại tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên ở mỗi cấp học.

Căn cứ pháp lý:

- Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT  ngày 30/11/2017.

- Thông tư liên tịch 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 14/09/2015.

- Thông tư liên tịch 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/09/2015.

- Thông tư liên tịch 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/09/2015.

- Thông tư liên tịch 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2015.

Quý Nguyễn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 128,400

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn