Giải đáp về việc nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trung Tài
30/09/2021 09:17 AM

Hiện nay, nhiều NLĐ đăng thắc mắc rằng mình có thuộc trường hợp nhận hỗ trợ hay không? Và NLĐ cần làm gì để được nhận hỗ trợ? Bài viết này sẽ giải đáp những thắc mắc thường gặp liên quan đến việc nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 116.

GIẢI ĐÁP LIÊN QUAN ĐẾN QUY TRÌNH, THỦ TỤC NHẬN TIỀN HỖ TRỢ

 

Câu hỏi: NLĐ đang làm việc tại doanh nghiệp sẽ nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP bằng cách nào?

Các biểu mẫu thực hiện thủ tục nhận hỗ trợ

- Cơ quan bảo hiểm xã hội lập danh sách người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo Mẫu số 01, gửi người sử dụng lao động. Chậm nhất đến hết ngày 20 tháng 10 năm 2021, cơ quan bảo hiểm xã hội hoàn thành việc gửi danh sách đến tất cả người sử dụng lao động và công khai thông tin danh sách người lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ trên trang thông tin điện tử của cơ quan bảo hiểm xã hội

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách do cơ quan bảo hiểm xã hội gửi đến, người sử dụng lao động công khai danh sách người lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ để người lao động biết, đối chiếu, bổ sung thông tin (nếu có); lập và gửi danh sách người lao động có thông tin đúng, đủ và người lao động tự nguyện không nhận hỗ trợ theo Mẫu số 02 đến cơ quan bảo hiểm xã hội.

Người sử dụng lao động lập danh sách thông tin của người lao động cần điều chỉnh theo Mẫu số 03 (nếu có), gửi đến cơ quan bảo hiểm xã hội, kèm theo hồ sơ chứng minh thông tin điều chỉnh theo quy định pháp luật, chậm nhất đến hết ngày 10 tháng 11 năm 2021.

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách người lao động đúng, đủ thông tin và trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được danh sách người lao động điều chỉnh thông tin do người sử dụng lao động gửi đến, cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động. Khuyến khích chi trả thông qua tài khoản ngân hàng của người lao động.

Trường hợp không chi trả hỗ trợ, cơ quan bảo hiểm xã hội thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Câu hỏi: NLĐ đã chấm dứt HĐLĐ (không còn làm việc ở doanh nghiệp hoặc đang ở quê) sẽ nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 116 bằng cách nào?

- Người lao động đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh hoặc cấp huyện nơi người lao động có nhu cầu nhận hỗ trợ theo Mẫu số 04, Thời hạn tiếp nhận đề nghị hỗ trợ chậm nhất đến hết ngày 20 tháng 12 năm 2021.

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị hỗ trợ của người lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động, thời gian hoàn thành chậm nhất vào ngày 31 tháng 12 năm 2021. Khuyến khích chi trả thông qua tài khoản ngân hàng của người lao động.

Trường hợp không chi trả hỗ trợ, cơ quan bảo hiểm xã hội thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Căn cứ pháp lý:

Quyết định 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021.

Giải đáp về việc nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP (ảnh minh họa)

GIẢI ĐÁP LIÊN QUAN ĐẾN CÁC ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC VÀ KHÔNG ĐƯỢC NHẬN HỖ TRỢ

Câu hỏi: Hiện tại, nhiều NLĐ đang làm việc theo phương thức “3 tại chỗ” vậy NLĐ có được nhận hỗ trợ không?

Theo hướng dẫn tại Nghị quyết 116 thì

Người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30 tháng 9 năm 2021 (không bao gồm người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên).

NLĐ đang thực hiện “3 tại chỗ” đồng nghĩa với việc NLĐ vẫn đang hưởng lương và được đóng các loại BHXH trong đó có BHTN. Do đó, những NLĐ đang thực hiện “3 tại chỗ” tính đến ngày 30/9/2021 đủ điều kiện để nhận được hỗ trợ.

Câu hỏi: NLĐ đang nghỉ thai sản có được nhận hỗ trợ không?

Hiện hành, theo hướng dẫn tại khoản 6 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH:

“6. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho người lao động…”

Theo thông báo mới đây của BHXH, thì trường hợp người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 bao gồm cả NLĐ nghỉ không lương, tạm hoãn, ngừng việc, thai sản, nghỉ ốm.

Như vậy, trường hợp NLĐ đang nghỉ thai sản vẫn có thể nhận hỗ trợ từ quỹ BHTN.

Câu hỏi: Đã lãnh trợ cấp thất nghiệp, có được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 116?

Xét trường hợp NLĐ đã nghỉ việc (chấm dứt hợp đồng lao động), tức hiện không đóng BHTN, để nhận hỗ trợ từ quỹ BHTN thì NLĐ (không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng) phải đáp ứng 02 điều kiện:

(1) Không đóng BHTN do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2020 - 30/9/2021.

(2) Có thời gian đóng BHTN được bảo lưu theo quy định.

Có thể hiểu, ở điều kiện thứ (2) thì NLĐ chỉ cần có thời gian đóng BHTN được bao lưu thì sẽ được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 116 dù đã nhận hoặc chưa nhận tiền trợ cấp thất nghiệp.

Ví dụ đã nhận trợ cấp thất nghiệp nhưng vẫn dư ra tháng lẻ chưa nhận trợ cấp, số tháng lẻ này đang được bảo lưu thì NLĐ sẽ đủ điều kiện (2)

Xem chi tiết: Đã lãnh trợ cấp thất nghiệp, có được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 116?

Câu hỏi: NLĐ đã nhận trợ cấp thất nghiệp, có được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 116?

Nếu NLĐ đã hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng vẫn còn thời gian chưa hưởng do được bảo lưu theo quy định tại tại điểm c khoản 2 Điều 9 Nghị định 28/2015/NĐ-CP thì đươc nhận hỗ trợ:

c) Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động có những tháng lẻ chưa giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP.

NLĐ có thể tra số tháng chưa nhận trợ cấp trên app VssID theo hướng dẫn TẠI ĐÂY.

Câu hỏi: Nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 116 có bị mất thời gian đã đóng BHTN?

Về nguyên tắc, thời gian đóng BHTN chỉ mất đi khi NLĐ nhận tiền trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Luật Việc làm 2013. Thêm vào đó, chính sách hỗ trợ ở Nghị quyết 116/NQ-CP là chính sách hỗ trợ độc lập với chính sách hưởng BHTN được quy định ở Luật Việc làm 2013. Do đó, việc NLĐ nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 116 không ảnh hưởng, mất đi thời gian đã tham gia BHTN nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Câu hỏi: NLĐ nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp Việt Nam có được nhận hỗ trợ không?

Theo quy định hiện hành, NLĐ nước ngoài không thuộc trường hợp tham gia BHTN nên không được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 116

Câu hỏi: NLĐ chấm dứt HĐLĐ đã nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP thì có được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 116 không?

Chính sách hỗ trợ tại 2 Nghị quyết này hoàn toàn độc lập với nhau và Nghị quyết 116 cũng không quy định về việc NLĐ đã nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68 thì sẽ không nhận được tiền hỗ trợ từ Qũy BHTN theo Nghị quyết 116. Do đó, nếu NLĐ chấm dứt HĐLĐ đáp ứng đầy đủ các điều kiện về việc nhận hỗ trợ Covid-19 ở cả 2 Nghị quyết thì sẽ nhận được hỗ trợ ở cả 2.

Trung Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 214,084

Bài viết về

Phòng chống COVID-19

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn