Thủ tục đổi Chứng minh nhân dân hết hạn ở những tỉnh chưa cấp căn cước
Bước 1: Công dân làm Đơn đề nghị cấp CMND với lý do CMND hết giá trị sử dụng, xin xác nhận của Công an cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, ảnh dán vào đơn và đóng dấu giáp lai.
Bước 2: Thực hiện thủ tục tại Công an cấp huyện:
- Nộp Đơn đề nghị cấp CMND (mẫu CM3), Sổ hộ khẩu.
- Chụp ảnh (như trường hợp cấp mới);
- Kê khai tờ khai cấp chứng minh nhân dân theo mẫu CM4;
- Vân tay hai ngón trỏ có thể in vào tờ khai theo mẫu hoặc cơ quan Công an thu vân tay hai ngón qua máy lấy vân tay tự động để in vào tờ khai và CMND.
Mẫu đơn, tờ khai CM3, CM4 |
Lưu ý, trường hợp đổi CMND do hết hạn nhưng đi kèm lý do khác thì:
- Đối với những trường hợp kèm theo thay đổi họ tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc ngoài các thủ tục nêu trên phải kèm theo Quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép thay đổi các nội dung trên hoặc xuất trình một trong các loại giấy tờ như Giấy khai sinh, Giấy khai sinh đăng ký lại, các giấy tờ khác như học bạ, bằng tốt nghiệp, lý lịch cán bộ và đã được điều chỉnh trong Sổ hộ khẩu để thống nhất với nội dung cần điều chỉnh;
- Đối với những trường hợp kèm theo việc xác định lại giới tính và phẫu thuật thẩm mỹ làm thay đổi cơ bản đặc điểm nhận dạng của công dân (thay đổi khuôn mặt, mũi, miệng...)
Ngoài các thủ tục theo quy định cần có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền nơi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ.
Bước 3: Nộp lệ phí theo quy định của HĐND tỉnh, thành phố và nhận giấy hẹn trả kết quả.
Mục 4 Phần I Thông tư 04/1999/TT-BCA(C13) quy định CMND có giá trị sử dụng 15 năm. Mỗi công dân Việt Nam chỉ được cấp một CMND và có một số CMND riêng. Nếu có sự thay đổi hoặc bị mất CMND thì được làm thủ tục đổi, cấp lại một giấy CMND khác nhưng số ghi trên CMND vẫn giữ đúng theo số ghi trên CMND đã cấp. |
Quý Nguyễn