Đốt pháo trái phép dịp Tết Âm lịch 2025 bị phạt bao nhiêu? (Hình từ internet)
Theo Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau:
Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Như vậy, Tết Âm lịch 2025 người dân hoàn toàn được phép sử dụng pháo hoa. Tuy nhiên, khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa, mà cụ thể hiện nay là pháo hoa do nhà máy Z121 thuộc Bộ Quốc phòng sản xuất.
Đồng thời, chỉ được phép sử dụng pháo hoa, và không được phép sử dụng pháo nổ, kể cả pháo hoa nổ.
(điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP)
Trong dịp Tết Âm lịch 2025 này, những cá nhân, tổ chức có hành vi sử dụng (đốt) pháo hoa trái phép sẽ bị xử phạt hành chính như sau:
* Hành vi đốt pháo trái phép:
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với người có hành vi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép;
(điểm i khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)
* Hành vi tự chế pháo trái phép:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ.
(điểm a khoản 4 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)
* Vận chuyển, mua bán pháo trái phép:
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp: Trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
(điểm a khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP);
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp: Vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo.
(điểm e khoản 4 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Căn cứ Điều 11 Nghị định 137/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 3 Nghị định 56/2023/NĐ-CP), quy định các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ bao gồm:
(1) Tết Nguyên đán
- Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút.
- Các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút.
-Thời gian bắn vào thời điểm giao thừa Tết Nguyên đán.
(2) Giỗ Tổ Hùng Vương
- Tỉnh Phú Thọ được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, địa điểm bắn tại khu vực Đền Hùng.
- Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 09/3 âm lịch.
(3) Ngày Quốc khánh
- Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút.
- Các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút.
- Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 02/9.
(4) Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ
- Tỉnh Điện Biên được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, địa điểm bắn tại Thành phố Điện Biên Phủ.
- Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 07/5.
(5) Ngày Chiến thắng (ngày 30/4 dương lịch)
- Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút.
- Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 30 tháng 4.
(6) Kỷ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút.
- Các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút.
- Thời gian bắn vào 21 giờ ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
(7) Sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế
(8) Trường hợp khác do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định sau khi có văn bản trao đổi thống nhất với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.