Kết luận 126: Bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp tỉnh, sắp xếp cấp xã theo mô hình tổ chức mới (Hình từ internet)
Ngày 14/02/2025, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 126-KL/TW về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025.
Theo đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đảm bảo đúng lộ trình, tiến độ.
Trong đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã giao Đảng uỷ Chính phủ:
- Chỉ đạo Đảng uỷ Thanh tra Chính phủ và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề án tổ chức lại hệ thống thanh tra, báo cáo Bộ Chính trị tại phiên họp ngày 18/02/2025.
- Lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, đánh giá, tổ chức lại hoạt động của các tổ chức đảng trong các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước theo hướng chuyển các đảng bộ cơ sở (doanh nghiệp) thuộc đảng bộ các tập đoàn, tổng công ty về trực thuộc cấp ủy địa phương theo địa bàn hoạt động sản xuất kinh doanh (báo cáo Ban Bí thư vào cuối quý II/2025).
- Chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng uỷ Quốc hội, các cấp uỷ, tổ chức đảng có liên quan nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện); xây dựng phương án tiếp tục sắp xếp cấp xã phù hợp với mô hình tổ chức mới, đề xuất tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cấp xã; định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh; đề xuất chủ trương sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, quy định của Đảng có liên quan, báo cáo Bộ Chính trị trong quý III/2025.
Như vậy, một trong những định hướng được Bộ Chính trị và Ban Bí thư đưa ra trong việc sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong năm 2025 và nhiệm kỳ 2025-2030 là bỏ cấp huyện; sắp xếp cấp xã phù hợp với mô hình tổ chức mới, đồng thời định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 gồm có:
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh);
- Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện);
- Xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã);
- Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Theo Điều 3 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định về phân loại đơn vị hành chính như sau:
- Phân loại đơn vị hành chính là cơ sở để hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức của chính quyền địa phương phù hợp với từng loại đơn vị hành chính.
- Phân loại đơn vị hành chính phải dựa trên các tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính trực thuộc, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố đặc thù của từng loại đơn vị hành chính ở nông thôn, đô thị, hải đảo.
- Đơn vị hành chính được phân loại như sau:
+ Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt; các đơn vị hành chính cấp tỉnh còn lại được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III;
+ Đơn vị hành chính cấp huyện được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III;
+ Đơn vị hành chính cấp xã được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III.
Căn cứ vào quy định nêu trên, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể tiêu chuẩn của từng tiêu chí, thẩm quyền, thủ tục phân loại đơn vị hành chính.