Tải App trên Android

Đề xuất khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cả ngày thứ bảy và chủ nhật

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
21/01/2025 10:59 AM

Sau đây là nội dung giải đáp của Bộ Y tế về đề xuất khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cả ngày thứ bảy và chủ nhật.

Đề xuất khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cả ngày thứ bảy và chủ nhật

Đề xuất khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cả ngày thứ bảy và chủ nhật (Hình từ Internet)

Bộ Y tế ban hành Công văn 145/BYT-VPB1 ngày 07/01/2025 trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Cần Thơ trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Đề xuất khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cả ngày thứ bảy và chủ nhật

Bộ Y tế nhận được Công văn 942/BDN ngày 06/11/2024 của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có kiến nghị khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cả ngày thứ bảy và chủ nhật của cử tri thành phố Cần Thơ như sau:

“(1) Cử tri kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục quan tâm khắc phục triệt để tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư, trang thiết bị y tế khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở cơ sở. Cũng như, kiến nghị Bộ Y tế xem xét sớm (2) thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế toàn quốc và thực hiện việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế kể cả ngày thứ bảy và chủ nhật tại các cơ sở y tế để thuận tiện cho Nhân dân.”

Với kiến nghị trên thì Bộ Y tế đã có trả lời như sau:

* Về việc thiếu thuốc, thiếu vật tư, trang thiết bị y tế khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở cơ sở.

Thời gian qua, có thực trạng ở một số nơi, một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu thuốc gây nên tình trạng thiếu thuốc cần thiết để chỉ định sử dụng cho bệnh nhân. Ngoài các nguyên nhân khách quan như tác động của dịch bệnh, nguồn nguyên liệu sản xuất khan hiếm, việc nhập khẩu, cung ứng thuốc khó khăn, giá thuốc tăng cao so với trước nên các đơn vị cung ứng khó khăn và hạn chế hơn trong việc tham gia dự thầu, ... còn có các nguyên nhân chủ quan như do cơ chế đấu thầu, vướng mắc của văn bản quy phạm pháp luật, chậm có kết quả đấu thầu tập trung Quốc gia và cấp địa phương, thiếu nhân lực thực hiện công tác đấu thầu,...

Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, thời gian qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu đã được ban hành như Luật Đấu thầu 2023Nghị định 23/2024/NĐ-CP, Nghị định 24/2024/NĐ-CP đã góp phần giải quyết khó khăn trong vấn đề mua sắm đấu thầu nói chung cũng như mua sắm thuốc nói riêng.

Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành các thông tư hướng dẫn, bổ sung trong công tác đấu thầu thuốc, thiết bị y tế như: 

(1) Thông tư 03/2024/TT-BYT ban hành danh mục thuốc có ít nhất 03 hãng trong nước sản xuất trên dây chuyền sản xuất thuốc đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương EU-GMP và đáp ứng tiêu chí kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế và về chất lượng, giá, khả năng cung cấp; 

(2) Thông tư 04/2024/TT-BYT quy định danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc; 

(3) Thông tư 05/2024/TT-BYT quy định danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá; 

(4) Thông tư 07/2024/TT-BYT quy định về đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập. Bộ Y tế cũng đã thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực, hỗ trợ cho đơn vị có chức năng đấu thầu tập trung quốc gia; đề nghị người đứng đầu cơ sở y tế thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, thiết bị y tế và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế; tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi để phát hiện kịp thời những hạn chế, sai sót và rút kinh nghiệm trong công tác đấu thầu.

Để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 22/2024/TT-BYT quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ Bảo hiểm y tế đi khám bệnh, chữa bệnh. Trường hợp người bệnh có thẻ Bảo hiểm y tế đi khám bệnh, chữa bệnh phải tự mua thuốc do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có thuốc, thiết bị y tế theo quy định tại Thông tư 22/2024/TT-BYT, Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người bệnh. Ngày 27/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có quy định về điều chuyển thuốc, thiết bị y tế giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi thuốc, thiết bị y tế không có sẵn và không thể thay thế.

* Về việc thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế toàn quốc.

Hiện nay, người tham gia bảo hiểm y tế đã được thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh ở cấp huyện và cấp tỉnh trên toàn quốc. Tuy nhiên, việc mở rộng chính sách thông tuyến lên tuyến Trung ương (cho phép chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh trái tuyến) cần được nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng. Điều này nhằm tránh tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến Trung ương, vốn chỉ chiếm chưa đến 100 cơ sở trong tổng số gần 14.000 cơ sở y tế trên toàn quốc, đồng thời đảm bảo chất lượng điều trị và sự cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế. 

Các bệnh viện tuyến Trung ương được giao nhiệm vụ chuyên môn cao như điều trị bệnh nặng, triển khai kỹ thuật chuyên sâu, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực, do đó không thể tập trung vào điều trị các bệnh lý thông thường hoặc chăm sóc ban đầu. Nếu quá tải, nguy cơ xảy ra sai sót, tai biến y khoa sẽ tăng cao, làm giảm chất lượng và hiệu quả điều trị, ảnh hưởng đến người bệnh.

Ngày 01/01/2025, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 01/2025/TT-BYT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật bảo hiểm y tế, trong đó có (1) danh mục 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển viện, người bệnh vẫn được hưởng 100% mức hưởng bảo hiểm y tế; (2) quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, quy định chuyển người bệnh về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu.

* Về việc triển khai thực hiện việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế kể cả ngày thứ bảy và chủ nhật.

Tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định giờ làm việc hành chính của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là khoảng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xác định, công bố công khai để giải quyết các công việc hành chính của cơ sở bảo đảm phù hợp với quy định về thời giờ làm việc của pháp luật về lao động.

Theo khoản 10 Điều 27 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có tổ chức khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế vào ngày nghỉ, ngày lễ như sau: 

(1) Người có thẻ bảo hiểm y tế đến khám bệnh, chữa bệnh được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trong phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế; 

(2) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn, công khai những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế và phải thông báo trước cho người bệnh; thông báo bằng văn bản cho cơ quan bảo hiểm xã hội để bổ sung vào hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh trước khi thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh vào ngày lễ, ngày nghỉ để làm cơ sở thanh toán.

Như vậy, khi khám bệnh vào ngày thứ bảy, chủ nhật đối với các bệnh viện có tổ chức khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế vào ngày nghỉ thì người có bảo hiểm y tế vẫn sẽ được chi trả trong phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế.

Đối với các bệnh viện không tổ chức khám chữa bệnh vào thứ bảy, chủ nhật thì được xác định là đúng tuyến khám bệnh, chữa bệnh của bảo hiểm y tế trong trường hợp cấp cứu tại khoản 4 Điều 11 Thông tư 40/2015/TT-BYT.

Xem thêm tại Công văn 145/BYT-VPB1 ban hành ngày 07/01/2025.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

Bảo hiểm y tế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]