CHƯƠNG 17

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG VÀ NGOẠI LỆ

Điều 17.1: Định nghĩa

Vì mục đích của Chương này, quyết định hành chính mang tính áp dụng chung nghĩa là một quyết định hoặc giải thích hành chính áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân và trong mọi tình huống thực tế, nhìn chung nằm trong phạm vi của quyết định hoặc giải thích hành chính đó và tạo ra một quy chuẩn hướng dẫn áp dụng nhưng không bao gồm:

(a) một phán quyết hoặc quyết định tố tụng hành chính hoặc tố tụng bán tư pháp áp dụng đối với một tổ chức, cá nhân, hàng hóa hoặc dịch vụ cụ thể của Bên kia trong một trường hợp cụ thể; hoặc

(b) một quyết định điều chỉnh một hành vi hoặc thực tiễn cụ thể.

Điều 17.2: Phạm vi địa lý áp dụng1, 2

Hiệp định này sẽ áp dụng đối với phạm vi địa lý mà một Bên thực hiện các nghĩa vụ của mình đối với một Bên khác theo Hiệp định WTO.

Điều 17.3: Công bố

1. Mỗi Bên sẽ đảm bảo rằng các luật, quy định, thủ tục và quyết định hành chính trong nước mang tính áp dụng chung liên quan tới bất kì vấn đề nào thuộc phạm vi Hiệp định này sẽ ngay lập tức được đăng tải, bao gồm trên internet khi có thể, hoặc công bố theo cách mà giúp các tổ chức, cá nhân và các Bên khác biết được các quy định, thủ tục và quyết định đó.

2. Trong chừng mực có thể, mỗi Bên sẽ:

(a) công bố trước các các luật, quy định, thủ tục và quyết định hành chính mang tính áp dụng chung liên quan tới bất kì vấn đề nào thuộc phạm vi Hiệp định này mà Bên đó dự kiến ban hành; và

(b) tạo cơ hội hợp lý, khi thích hợp, để các tổ chức, cá nhân có quan tâm và các Bên khác đóng góp ý kiến đối với các các luật, quy định, thủ tục và quyết định hành chính mang tính áp dụng chung liên quan tới bất kì vấn đề nào thuộc phạm vi Hiệp định này.

Điều 17.4: Cung cấp thông tin

Khi bất kỳ Bên nào có yêu cầu, một Bên sẽ ngay lập tức cung cấp thông tin và trả lời câu hỏi liên quan đến bất kỳ luật, quy định, thủ tục và quyết định hành chính mang tính áp dụng chung thực tế hoặc dự kiến áp dụng nào liên quan đến bất kỳ vấn đề nào thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định này mà Bên yêu cầu nhận thấy có thể ảnh hưởng đến việc thực thi Hiệp định này.

Điều 17.5: Tố tụng hành chính

Nhằm thực thi một cách nhất quán, công bằng, khách quan và hợp lý các luật, quy định, thủ tục và quyết định hành chính mang tính áp dụng chung đối với bất kỳ vấn đề nào thuộc phạm vi Hiệp định này, mỗi Bên sẽ đảm bảo trong các thủ tục tố tụng hành chính áp dụng các biện pháp cho các tổ chức, cá nhân, hàng hóa hoặc dịch vụ cụ thể của Bên khác trong các trường hợp cụ thể rằng:

(a) bất cứ khi nào có thể, tổ chức hoặc cá nhân của Bên khác bị ảnh hưởng trực tiếp bởi một thủ tục tố tụng được thông báo hợp lý, phù hợp với thủ tục trong nước, khi một thủ tục tố tụng được bắt đầu, bao gồm một mô tả về bản chất của thủ tục, một tuyên bố của cơ quan pháp lý mà theo đó thủ tục bắt đầu, và mô tả chung về bất kỳ vấn đề nào còn thắc mắc;

(b) tổ chức, cá nhân của Bên khác bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thủ tục tố tụng được có cơ hội hợp lý để trình bày sự việc và các lập luận bảo vệ quan điểm trước khi có bất kỳ quyết định hành chính cuối cùng nào, khi thời gian, bản chất của thủ tục và lợi ích công cộng cho phép; và

(c) Bên đó tuân thủ các thủ tục phù hợp với luật và quy định của mình.

Điều 17.6: Rà soát và Kháng cáo

1. Mỗi Bên sẽ thành lập hoặc duy trì các tòa án, cơ quan xét xử bán tư pháp hoặc hành chính hoặc thủ tục tư pháp, bán tư pháp hoặc hành chính nhằm mục đích rà soát ngay và, khi được phép, chỉnh sửa lại các quyết định hành chính cuối cùng liên quan đến bất kì vấn đề nào thuộc phạm vi Hiệp định này. Các cơ quan xét xử sẽ phải công bằng và độc lập với các cơ quan có thẩm quyền được giao nhiệm vụ thực thi hành chính và sẽ không có bất kì sự ảnh hưởng đáng kể nào đối với kết quả của vấn đề đó.

2. Mỗi Bên sẽ đảm bảo rằng, đối với bất kỳ cơ quan xét xử hoặc thủ tục nào, các bên trong vụ việc sẽ được trao quyền để:

(a) có cơ hội hợp lý để lập luận ủng hộ hoặc bảo vệ quan điểm của mình; và

(b) quyết định dựa trên bằng chứng và hồ sơ được nộp hoặc khi luật pháp quy định, việc ghi chép lại hồ sơ vụ việc sẽ được thực hiện bởi cơ quan phù hợp.

3. Mỗi Bên sẽ đảm bảo rằng, trong trường hợp có kháng cáo hoặc khi rà soát lại vụ việc theo quy định của pháp luật trong nước, quyết định được nêu tại điểm 2(b) sẽ được thực thi bởi, và sẽ điều chỉnh thông lệ của, văn phòng hoặc cơ quan liên quan đến quyết định hành chính được đề cập.

Điều 17.7: Công bố thông tin

Không quy định nào của Hiệp định này được hiểu là yêu cầu bất kỳ Bên nào cung cấp thông tin mật mà việc tiết lộ các thông tin đó sẽ đi ngược lại pháp luật trong nước của Bên đó hoặc ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật hoặc đi ngược lại lợi ích công cộng, hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích thương mại hợp pháp của các doanh nghiệp, công cộng hoặc tư nhân.

Điều 17.8: Bảo mật

Trừ khi có quy định khác trong Hiệp định này, khi một Bên cung cấp thông tin cho một Bên khác theo Hiệp định này và xác định thông tin đó là mật, Bên kia sẽ duy trì tính bảo mật của thông tin đó theo quy định pháp luật của mình.

Điều 17.9: Các biện pháp Chống tham nhũng

1. Mỗi Bên, phù hợp với luật pháp và quy định của mình, thực hiện các biện pháp thích hợp để phòng ngừa và chống tham nhũng đối với bất kỳ vấn đề nào được quy định trong Hiệp định này.

2. Không Bên nào được sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp quy định tại Chương 19 (Giải Quyết Tranh Chấp) cho bất kỳ vấn đề nào phát sinh từ Điều này.

Điều 17.10: Công ước về Đa dạng sinh học

Mỗi Bên khẳng định quyền và trách nhiệm của mình theo Công ước về Đa dạng sinh học được ký kết tại Rio de Janeiro vào ngày 5 tháng 6 năm 1992.

Điều 17.11: Cơ chế rà soát và giải quyết tranh chấp

Quyết định của cơ quan có thẩm quyền, bao gồm cơ quan đầu tư nước ngoài, của một Bên3,4, về việc có chấp thuận hoặc thừa nhận đề xuất đầu tư nước ngoài hay không và việc thực thi bất kỳ điều kiện hoặc yêu cầu nào liên quan đến việc phê duyệt hoặc chấp thuận phải tuân thủ, sẽ không chịu sự điều chỉnh của các điều khoản giải quyết tranh chấp tại Chương 19 (Giải Quyết Tranh Chấp).

Điều 17.12: Các ngoại lệ chung

1. Vì mục đích của Chương 2 (Thương mại Hàng hóa), Chương 3 (Quy tắc Xuất xứ), Chương 4 (Thủ tục Hải quan và Tạo thuận lợi Thương mại), Chương 5 (Các biện pháp Vệ sinh và Kiểm dịch động thực vật), Chương 6 (Tiêu chuẩn, Quy chuẩn Kỹ thuật, và Các thủ tục đánh giá sự phù hợp), Chương 10 (Đầu tư) và Chương 12 (Thương mại điện tử), Điều XX của GATT 1994 được đưa vào và trở thành một phần của Hiệp định này, với những sửa đổi phù hợp.5

2. Vì mục đích của Chương 8 (Thương mại Dịch vụ), Chương 9 (Di chuyển Thể nhân Tạm thời), Chương 10 (Đầu tư) và Chương 12 (Thương mại Điện tử), Điều XIV của GATS bao gồm cả chú thích được đưa vào và trở thành một phần của Hiệp định này, với những sửa đổi phù hợp.6

Điều 17.13: Các Ngoại lệ An ninh

Không quy định nào trong Hiệp định này được hiểu là:

(a) để yêu cầu một Bên phải cho phép tiếp cận bất kỳ thông tin nào mà Bên đó cho rằng việc cung cấp thông tin đi ngược lại với lợi ích an ninh thiết yếu của Bên đó; hoặc

(b) ngăn cản một Bên bất kỳ thực hiện hành động mà Bên đó cho là cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích an ninh thiết yếu của mình:

(i) liên quan đến việc tách hoặc làm giàu vật liệu hạt nhân hoặc vật liệu có chứa hạt nhân;

(ii) liên quan đến mua bán vũ khí, đạn dược và vật dụng chiến tranh và các hàng hoá và nguyên nhiên vật liệu khác hay liên quan đến cung cấp dịch vụ được thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp vì mục đích cung cấp cho quân đội;

(iii) được tiến hành để bảo vệ cơ sở hạ tầng công cộng trọng yếu7 bao gồm thông tin liên lạc, điện và nước;

(iv) được tiến hành trong tình huống khẩn cấp của quốc gia hoặc chiến tranh hoặc tình huống khẩn cấp khác trong quan hệ quốc tế; hoặc

(c) ngăn cản một Bên có những biện pháp thực hiện nghĩa vụ của mình theo

Hiến chương Liên Hợp Quốc nhằm duy trì hoà bình và an ninh quốc tế.

Điều 17.14: Các Biện pháp Thuế nội địa

1. Vì mục đích của Điều này:

(a) điều ước quốc tế về thuế nội địa nghĩa là một điều ước quốc tế về tránh đánh thuế hai lần hoặc các hiệp định hay thỏa thuận quốc tế khác về thuế nội địa; và

(b) thuế nội địa và các biện pháp thuế nội địa không bao gồm thuế nhập khẩu hoặc thuế quan.

2. Trừ khi được quy định tại Điều này, không quy định nào trong Hiệp định này được áp dụng đối với các biện pháp thuế nội địa.

3. Hiệp định này sẽ chỉ trao quyền hoặc đặt ra nghĩa vụ đối với các biện pháp thuế nội địa:

(a) trong phạm vi mà Hiệp định WTO trao quyền hoặc áp đặt các nghĩa vụ đối với các biện pháp thuế nội địa đó;

(b) trong phạm vi mà Điều 10.9 (Chuyển nhượng) trao quyền hoặc áp đặt nghĩa vụ đối với các biện pháp thuế nội địa đó.

4. Không quy định nào trong Hiệp định này sẽ ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của bất kỳ Bên nào theo bất cứ điều ước quốc tế về thuế nội địa nào. Trong trường hợp có sự không thống nhất về các biện pháp thuế nội địa giữa Hiệp định này và bất kỳ điều ước quốc tế về thuế nội địa nào thì điều ước quốc tế đó sẽ được ưu tiên áp dụng.

5. Không quy định nào trong Hiệp định này buộc một Bên phải dành cho bất kỳ Bên nào khác các lợi ích của bất kỳ đối xử, ưu đãi hoặc đặc quyền nào phát sinh từ bất kỳ điều ước quốc tế về thuế nội địa nào hiện có hoặc trong tương lai mà Bên đó bị ràng buộc.

Điều 17.15: Các Biện pháp Bảo vệ Cán cân Thanh toán

1. Khi một Bên đang gặp khó khăn hoặc nguy cơ tài chính bên ngoài và mất cân đối thanh toán nghiêm trọng, Bên đó có thể:

(a) đối với thương mại hàng hoá, thông qua hoặc duy trì các biện pháp hạn chế nhập khẩu phù hợp với Hiệp định GATT 1994 và Thỏa thuận về các Quy định về Cán cân Thanh toán;

(b) đối với thương mại dịch vụ, thông qua hoặc duy trì các hạn chế đối với thương mại dịch vụ mà Bên đó đã cam kết , bao gồm thanh toán hoặc chuyển tiền cho các giao dịch liên quan đến những cam kết đó.

2. Đối với đầu tư, khi một Bên đang gặp khó khăn hoặc nguy cơ tài chính bên ngoài và mất cân đối thanh toán nghiêm trọng, hoặc trong trường hợp đặc biệt, các khoản thanh toán hoặc chuyển tiền liên quan đến việc chuyển vốn gây ra hoặc đe dọa gây ra khó khăn nghiêm trọng cho quản lý kinh tế vĩ mô, Bên đó có thể áp dụng hoặc duy trì các hạn chế đối với việc thanh toán hoặc chuyển tiền liên quan đến các khoản đầu tư như được định nghĩa trong Điều 10.1 (Định nghĩa).

3. Những hạn chế được thông qua hoặc duy trì theo điểm 1(b) hoặc khoản 2 phải:

(a) phù hợp với Điều lệ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các sửa đổi nếu có;

(b) tránh thiệt hại không cần thiết đối với lợi ích thương mại, kinh tế và tài chính của bất kỳ Bên nào khác;

(c) không vượt quá mức cần thiết nhằm giải quyết các tình huống được quy định tại điểm 1(b) hoặc khoản 2;

(d) chỉ là tạm thời và phải bãi bỏ dần khi tình trạng quy định tại điểm 1(b) hoặc khoản 2 được cải thiện; và

(e) được áp dụng trên cơ sở không phân biệt đối xử để không một Bên nào bị đối xử kém thuận lợi hơn bất kỳ Bên nào khác hoặc một Bên không phải là thành viên của Hiệp định.

4. Đối với thương mại dịch vụ và đầu tư,

(a) thừa nhận rằng những áp lực cụ thể đối với cán cân thanh toán của một Bên trong quá trình phát triển kinh tế hoặc chuyển đổi kinh tế có thể cần sử dụng các hạn chế nhằm đảm bảo, cùng với các biện pháp khác, duy trì mức dự trữ tài chính đầy đủ để thực thi chương trình phát triển kinh tế hoặc chuyển đổi kinh tế của Bên đó;

(b) khi xác định tác động của những hạn chế này, các Bên có thể ưu tiên các ngành kinh tế thiết yếu hơn cho các chương trình phát triển hoặc kinh tế của mình. Tuy nhiên, những hạn chế này không được thông qua hoặc duy trì vì mục đích bảo hộ một ngành cụ thể.

5. Bất cứ hạn chế nào được thông qua hoặc duy trì bởi một Bên theo khoản 1 hoặc 2, hoặc bất kỳ thay đổi nào nếu có, sẽ được thông báo ngay lập tức cho các Bên khác.

6. Một Bên thông qua hoặc duy trì bất cứ hạn chế nào theo khoản 1 hoặc khoản 2 phải:

(a) đối với đầu tư, trả lời yêu cầu tham vấn của bất kỳ Bên nào liên quan đến các hạn chế được nước đó thông qua, nếu việc tham vấn đó không được tiến hành ngoài phạm vi của Hiệp định này;

(b) đối với thương mại dịch vụ, ngay lập tức tiến hành tham vấn với bất kỳ Bên nào yêu cầu tham vấn về các hạn chế được Bên đó thông qua, nếu việc tham vấn này không được tiến hành trong khuôn khổ WTO.

Điều 17.16: Hiệp ước Waitangi

1. Với điều kiện là các biện pháp trên không được sử dụng như là phương tiện phân biệt đối xử độc đoán và phi lý đối với tổ chức, cá nhân của các Bên khác hoặc như một hạn chế trá hình đối với thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư, không quy định nào trong Hiệp định này ngăn cản việc Niu-di-lân thông qua các biện pháp cho là cần thiết để dành đối xử ưu đãi hơn cho người Maori về các vấn đề chịu sự điều chỉnh của Hiệp định này, bao gồm việc hoàn thành các nghĩa vụ của nước này theo Hiệp ước Waitangi.

2. Các Bên đồng ý rằng việc diễn giải Hiệp ước Waitangi, bao gồm bản chất của các quyền và nghĩa vụ phát sinh theo Hiệp ước này, không chịu sự điều chỉnh của các quy định giải quyết tranh chấp của Hiệp định này. Chương 19 (Giải Quyết Tranh chấp) sẽ được áp dụng cho Điều này. Một hội đồng trọng tài được thành lập theo Điều 19.11 (Thành lập và triệu tập lại hội đồng trọng tài) có thể được yêu cầu xác định liệu biện pháp quy định tại khoản 1 có phù hợp với quyền của một Bên theo Hiệp định này hay không.

 

1 Không có quy định nào trong Hiệp định này sẽ làm ảnh hưởng đến lập trường của bất kỳ Bên nào đối với bất kỳ vấn đề nào liên quan đến chủ quyền lãnh thổ hoặc bất kỳ vấn đề nào liên quan đến luật biển.

2 Vì mục đích của Hiệp định này, "lãnh thổ" có cùng phạm vi địa lý như được xác định theo Điều này.

3 Vì mục đích của Điều này, khái niệm “cơ quan có thẩm quyền, bao gồm cả cơ quan đầu tư nước ngoài”, kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực, có nghĩa như sau:

(a) đối với Úc, Kho bạc của Khối thịnh vượng chung Úc theo Khuôn khổ Đầu tư Nước ngoài của Úc bao gồm Đạo luật Mua lại và Tiếp quản Nước ngoài năm 1975 (Khối thịnh vượng chung), và bất kỳ sửa đổi nào theo đó;

(b) đối với Campuchia, Hội đồng Phát triển Campuchia được chỉ định theo các luật và quy định sau, và bất kỳ sửa đổi nào trong đó:

(i) Royal Kram số 03 / NS / 94 ngày 5 tháng 8 năm 1994 ban hành Luật Đầu tư của Vương quốc Campuchia;

(ii) Royal Kram số NS / RKM / 0303/009 ngày 24 tháng 3 năm 2003 ban hành Luật sửa đổi Luật Đầu tư của Vương quốc Campuchia;

(iii) Tiểu Nghị định số 88 / ANK / BK ngày 29 tháng 12 năm 1997 về Thi hành Luật Đầu tư của Vương quốc Campuchia;

(iv) Tiểu Nghị định số 111 ANK / BK ngày 27 tháng 9 năm 2005 về Thi hành Luật sửa đổi Luật Đầu tư của Vương quốc Campuchia; và

(v) Tiểu Nghị định số 148.ANK.BK ngày 29 tháng 12 năm 2005 về Thành lập và Quản lý Đặc khu Kinh tế;

(c) đối với Trung Quốc, các cơ quan có trách nhiệm chấp thuận đầu tư nước ngoài cho các lĩnh vực cần sự chấp thuận của chính phủ theo các luật và quy định liên quan bao gồm Luật Đầu tư nước ngoài của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Thông qua ngày 15 tháng 3 năm 2019) và mọi sửa đổi bổ sung;

(d) đối với Indonesia, cơ quan có thẩm quyền bao gồm cơ quan đầu tư nước ngoài được chỉ định theo Luật số 25 năm 2007 về đầu tư và các luật, quy định và chính sách liên quan khác, có thể được sửa đổi;

(e) đối với Hàn Quốc, các cơ quan có thẩm quyền được liệt kê trong Đạo luật xúc tiến đầu tư nước ngoài (Luật số 16479, ngày 20 tháng 8 năm 2019), Nghị định thực thi Đạo luật xúc tiến đầu tư nước ngoài (Nghị định của Tổng thống số 29172, ngày 18 tháng 9 năm 2018), Quy định về Đầu tư nước ngoài (Thông báo của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng, số 2018-137, ngày 6 tháng 7 năm 2018), Thông báo công khai hợp nhất về đầu tư nước ngoài (Số 2018-191, ngày 27 tháng 2 năm 2018, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng), và Đạo luật ngăn chặn sự chia rẽ và bảo vệ công nghệ công nghiệp (Luật số 16476, ngày 20 tháng 8 năm 2019), và bất kỳ sửa đổi nào trong đó;

(f) đối với CHDCND Lào, Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ theo Luật Khuyến khích Đầu tư (Luật số 14, ngày 17 tháng 11 năm 2016), và bất kỳ sửa đổi nào của Luật này, và Bộ Công Thương theo Luật Doanh nghiệp (Luật Số 46, ngày 26 tháng 12 năm 2013), và bất kỳ sửa đổi nào trong đó;

(g) đối với Malaysia, các Bộ trưởng thực hiện các chức năng và quyền hạn theo quy định tại, nhưng không giới hạn bởi, Đạo luật Khuyến khích Đầu tư 1986 [Đạo luật 327], Đạo luật Thuế Thu nhập 1967 [Đạo luật 53], Đạo luật Phát triển Dầu khí 1974 [Đạo luật 144] , và Đạo luật Phối hợp Công nghiệp 1975 [Đạo luật 156], và bất kỳ sửa đổi nào trong đó;

(h) đối với Myanmar, Ủy ban Đầu tư Myanmar và các Ủy ban Đầu tư Nhà nước / Vùng theo Luật Đầu tư Myanmar, Luật Pyidaungsu Hluttaw số 40/2016 ngày 18 tháng 10 năm 2016 và Quy tắc Đầu tư Myanmar, Thông báo số 35/2017 của Bộ Kế hoạch và Tài chính của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Myanmar ngày 30 tháng 3 năm 2017, và các ủy ban theo Luật Đặc khu Kinh tế Myanmar, Luật Pyidaungsu Hluttaw số 1/2014 ngày 23 tháng 1 năm 2014 và Luật Khu công nghiệp, Luật Pyidaungsu Hluttaw số 7/2020 ngày 26 tháng 5 năm 2020, và bất kỳ sửa đổi bổ sung nào;

(i) đối với New Zealand, các Bộ trưởng ra quyết định được ủy quyền theo khuôn khổ đầu tư ra nước ngoài của New Zealand bao gồm Đạo luật Đầu tư ra nước ngoài 2005 và Đạo luật Thủy sản 1996, và bất kỳ sửa đổi nào trong đó;

(j) đối với Thái Lan, các cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm theo luật và quy định của nước này, nếu có thể được sửa đổi, đối với các lĩnh vực hoặc hoạt động mà đầu tư nước ngoài được đề xuất hoặc phê duyệt; và

(k) đối với Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Đầu tư và các Luật và quy định khác có liên quan như Luật Chứng khoán, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Dầu khí, nếu có thể được sửa đổi.

Nếu một Bên thành lập cơ quan có thẩm quyền, bao gồm cơ quan đầu tư nước ngoài sau ngày Hiệp định này có hiệu lực, thì Điều này cũng sẽ được áp dụng cho cơ quan có thẩm quyền đó.

4 Vì mục đích của Điều này, khái niệm “cơ quan có thẩm quyền, bao gồm cả cơ quan đầu tư nước ngoài”, kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực, có nghĩa như sau:

(a) đối với Nhật Bản, quyết định theo Luật Ngoại hối và Ngoại thương (Luật số 228 năm 1949), có thể được sửa đổi, liên quan đến một khoản đầu tư yêu cầu thông báo trước theo luật đó, bao gồm cả lệnh thay đổi nội dung đầu tư hoặc ngừng quá trình đầu tư; và

(b) đối với Philippines, quyết định của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch theo Đạo luật Cộng hòa số 11232, còn được gọi là Bộ luật Công ty Sửa đổi của Philippines; Hội đồng An ninh Quốc gia theo Lệnh hành pháp số 292, còn được gọi là Bộ luật Hành chính năm 1987, đã được sửa đổi; Ban Đầu tư theo Lệnh điều hành số 226, còn được gọi là Bộ luật Đầu tư Omnibus năm 1987, đã được sửa đổi; và các cơ quan liên quan của Chính phủ Philippines được trao quyền tài phán và nhiệm vụ điều chỉnh các lĩnh vực hoặc hoạt động cụ thể theo Đạo luật Cộng hòa số 7042, hay còn gọi là Đạo luật Đầu tư Nước ngoài năm 1991, đã được sửa đổi; và bất kỳ sửa đổi nào theo đó.

5 Các Bên hiểu rằng các biện pháp nêu tại điểm (b) của Điều XX của GATT 1994 bao gồm các biện pháp môi trường cần thiết để bảo vệ sự sống hoặc sức khoẻ của con người, động vật hoặc thực vật và điểm (g) của Điều XX của GATT 1994 áp dụng cho các biện pháp liên quan bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt sống và không sinh sống.

6 Các Bên hiểu rằng các biện pháp nêu tại điểm (b) của Điều XIV của GATS bao gồm các biện pháp môi trường cần thiết để bảo vệ sự sống hoặc sức khỏe của con người, động vật hoặc thực vật.

7 Để chắc chắn hơn, điều này bao gồm các cơ sở hạ tầng công cộng quan trọng cho dù thuộc sở hữu của nhà nước hay tư nhân.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,471

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]