CHƯƠNG 2

THƯƠNG MẠI HÀNG HÓA

PHẦN A

ĐIỀU KHOẢN CHUNG VÀ MỞ CỬA THỊ TRƯỜNG ĐỐI VỚI HÀNG HÓA

Điều 2.1: Định nghĩa

Trong Chương này:

(a) giao dịch lãnh sự nghĩa là bất kì yêu cầu rằng hàng hóa của một Bên muốn xuất khẩu sang lãnh thổ của Bên kia trước tiên phải được nộp cho cơ quan Lãnh sự của Bên nhập khẩu tại lãnh thổ của Bên xuất khẩu để lấy hóa đơn lãnh sự hoặc thị thực đối với các hóa đơn thương mại, giấy chứng nhận xuất xứ, bản kê khai hàng hóa, tờ khai xuất khẩu của bên gửi hàng hoặc bất kỳ các chứng từ hải quan nào khác cần thiết hoặc liên quan đến việc nhập khẩu;

(b) thuế quan nghĩa là bất cứ loại hình thuế hải quan hoặc thuế nhập khẩu và bất kỳ một khoản phí nào được áp dụng với việc nhập khẩu hàng hóa; nhưng không bao gồm:

(i) những loại phí tương đương thuế nội địa được áp dụng theo các quy định của khoản 2 điều III của Hiệp định GATT 1994;

(ii) thuế chống bán phá giá hoặc thuế đối kháng được áp dụng theo các quy định của Điều VI của Hiệp định GATT 1994, Hiệp định Chống bán phá giá, và Hiệp định về Trợ cấp và các Biện pháp đối kháng; hoặc

(iii) phí hoặc các khoản lệ phí khác liên quan tới chi phí dịch vụ được cung cấp;

(c) trị giá hải quan của hàng hóa nghĩa là giá trị của hàng hóa nhằm mục đích đánh thuế hải quan theo giá trị đối với hàng hóa nhập khẩu;

(d) miễn thuế nghĩa là miễn thuế quan;

(e) cấp phép nhập khẩu là một thủ tục hành chính quy định điều kiện đối với việc nhập khẩu vào lãnh thổ của một Bên yêu cầu phải nộp hồ sơ hoặc các chứng từ khác ngoài các giấy tờ thường phải nộp nhằm mục đích thông quan cho một cơ quan hành chính liên quan của Bên nhập khẩu;

(f) hàng hóa có xuất xứ nghĩa là hàng hóa đủ tiêu chuẩn là hàng hóa có xuất xứ theo Chương 3 (Quy tắc xuất xứ).

Điều 2.2: Phạm vi

Trừ khi có quy định khác trong Hiệp định này, Chương này áp dụng đối với thương mại hàng hóa giữa các Bên.

Điều 2.3: Đối xử quốc gia đối với thuế và quy định trong nước

Mỗi Bên phải dành cho hàng hóa của Bên còn lại quy chế đối xử quốc gia phù hợp với Điều III của Hiệp định GATT 1994. Trên tinh thần này, các nghĩa vụ tại Điều III của Hiệp định GATT 1994 được tích hợp và tạo thành một phần của Hiệp định này, cùng với những sửa đổi phù hợp.

Điều 2.4: Cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan

1. Trừ phi có quy định khác trong Hiệp định này, mỗi Bên phải cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa có xuất xứ của các Bên khác phù hợp với Biểu cam kết của mình tại Phụ lục I (Biểu cam kết thuế quan).

2. Để rõ ràng hơn, theo quy định của Hiệp định WTO, hàng hóa có xuất xứ của các Bên khác sẽ được hưởng thuế MFN hiện hành của một bên nếu mức thuế MFN đó thấp hơn so với mức thuế được quy định ở trong Biểu của Bên đó tại Phụ lục I (Biểu cam kết thuế quan). Theo luật và quy định của mình, mỗi Bên quy định rằng nhà nhập khẩu có thể xin hoàn lại bất kỳ khoản thuế vượt quá nào đã trả cho hàng hóa nếu nhà nhập khẩu không yêu cầu mức thuế suất thấp hơn tại thời điểm nhập khẩu.

3. Ngoài điểm 1(b) của Điều 4.5 (Tính minh bạch), mỗi Bên phải công bố công khai mọi sửa đổi đối với mức thuế MFN hiện hành và mức thuế hải quan mới nhất được áp dụng theo khoản 1, càng sớm càng tốt nhưng không được muộn hơn ngày áp dụng.

Điều 2.5: Đẩy nhanh các cam kết thuế quan1

1. Không quy định nào trong Hiệp định này ngăn cản các Bên sửa đổi Hiệp định này tuân theo điều 20.4 (Sửa đổi) nhằm đẩy nhanh hoặc cải thiện các cam kết thuế quan tại các Biểu cam kết của mình tại Phụ lục I (Biểu cam kết thuế quan).

2. Hai hoặc nhiều Bên2 có thể, trên cơ sở đồng thuận của các bên, tham vấn về việc đẩy nhanh hoặc cải thiện các cam kết thuế quan được đặt ra trong Biểu cam kết của mình tại Phụ lục I (Biểu cam kết thuế quan). Thỏa thuận nhằm đẩy nhanh hoặc cải thiện các cam kết thuế quan giữa các Bên này sẽ được thực hiện thông qua việc sửa đổi các Biểu cam kết của họ tại Phụ lục I (Biểu cam kết thuế quan) phù hợp với Điều 20.4 (Sửa đổi). Bất kỳ việc đẩy nhanh hoặc cải thiện các cam kết thuế quan như vậy sẽ được mở rộng cho tất cả các Bên.

3. Một Bên, tại bất kỳ thời điểm nào, có thể đơn phương đẩy nhanh hoặc cải thiện cam kết thuế quan của bên đó tại Biểu cam kết của nước đó tại Phụ lục I (Biểu cam kết thuế quan). Bất kỳ việc đẩy nhanh hoặc cải thiện các cam kết thuế quan như vậy sẽ được mở rộng cho tất cả các Bên. Bên đó phải thông báo với các Bên khác trong thời gian sớm nhất có thể trước khi mức thuế quan ưu đãi mới có hiệu lực.

4. Để giải thích rõ hơn, sau khi một Bên đơn phương đẩy nhanh hoặc cải thiện các cam kết thuế quan nêu tại khoản 3, Bên đó có thể tăng thuế quan ưu đãi của mình lên mức không vượt quá mức thuế quan ưu đãi nêu trong Biểu cam kết của nước đó tại Phụ lục I (Biểu cam kết thuế quan) cho năm có liên quan. Bên đó phải thông báo cho các Bên khác về ngày thuế suất ưu đãi mới có hiệu lực, càng sớm càng tốt trước ngày đó.

Điều 2.6 Khác biệt thuế

1. Hàng hóa có xuất xứ có khác biệt về thuế quan3 sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan áp dụng cho hàng hóa có xuất xứ của một nước thành viên xuất khẩu theo các cam kết thuế quan của nước thành viên nhập khẩu quy định trong Biểu thuế tại Phụ lục I (Biểu Cam kết Thuế quan) tại thời điểm nhập khẩu, với điều kiện nước thành viên xuất khẩu phải là nước xuất xứ RCEP.

2. Nước xuất xứ RCEP đối với hàng hóa có xuất xứ sẽ là nước thành viên mà hàng hóa có xuất xứ phù hợp với Điều 3.2 (Hàng hóa có xuất xứ). Đối với khoản (b) của Điều 3.2 (Hàng hóa có xuất xứ), nước xuất xứ RCEP đối với một hàng hóa có xuất xứ sẽ là nước thành viên xuất khẩu, với điều kiện là quy trình sản xuất ra hàng hóa có xuất xứ này, trừ các công đoạn gia công tối thiểu nêu trong đoạn 5, phải được diễn ra ở nước thành viên xuất khẩu đó.

3. Bất kể trường hợp tại khoản 2, đối với hàng hóa có xuất xứ được xác định bởi một nước thành viên nhập khẩu tại Phụ lục I (Biểu cam kết thuế quan) của nước thành viên đó, nước xuất xứ RCEP sẽ là nước thành viên xuất khẩu, với điều kiện hàng hóa đó đáp ứng quy tắc xuất xứ bổ sung quy định tại Phụ lục I.

4. Trong trường hợp nước thành viên xuất khẩu của một hàng hóa có xuất xứ không được xác định là nước xuất xứ RCEP theo các khoản 2 và 3, thì nước xuất xứ RCEP đối với hàng hóa có xuất xứ đó sẽ là nước thành viên đóng góp giá trị cao nhất của nguyên liệu có xuất xứ được sử dụng để sản xuất hàng hóa đó tại nước thành viên xuất khẩu. Trong trường hợp này, hàng hóa có xuất xứ đó sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi áp dụng cho hàng hóa có xuất xứ của nước xuất xứ RCEP.

5. Theo mục đích của đoạn 2, một “công đoạn gia công tối thiểu” là bất kỳ hoạt động nào được nêu dưới đây:

(a) các hoạt động bảo quản nhằm đảm bảo hàng hóa duy trì tình trạng tốt khi vận chuyển hoặc lưu kho;

(b) đóng gói hoặc trình bày hàng hóa để vận chuyển hoặc bán;

(c) các công đoạn đơn giản4, bao gồm sàng, sàng lọc, sắp xếp, phân loại, dũa, cắt, rạch, mài, uốn, cuộn lại hoặc bung cuộn;

(d) dán hoặc in các nhãn hiệu, nhãn mác, biểu trưng, hoặc các công đoạn tương tự khác như các dấu hiệu phân biệt trên hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa;

(e) chỉ pha loãng với nước hoặc một chất khác không làm thay đổi cơ bản các đặc tính của hàng hóa;

(f) tháo rời sản phẩm thành các bộ phận;

(g) giết mổ động vật5;

(h) các hoạt động sơn và đánh bóng đơn giản;

(i) bóc, ném hoặc bóc vỏ đơn giản;

(j) trộn lẫn hàng hóa đơn giản, có hoặc không khác loại; hoặc là

(k) bất kỳ sự kết hợp nào của hai hoặc nhiều công đoạn được đề cập trong các đoạn từ (a) đến (j).

6. Bất kể các khoản từ 1 đến 4, nước thành viên nhập khẩu sẽ cho phép nhà nhập khẩu được yêu cầu hưởng ưu đãi thuế quan theo một trong hai cách:

(a) mức thuế hải quan cao nhất mà nước thành viên nhập khẩu áp dụng đối với cùng một hàng hóa có xuất xứ từ bất kỳ nước thành viên nào có đóng góp nguyên liệu có xuất xứ được sử dụng để sản xuất hàng hóa đó, với điều kiện nhà nhập khẩu có thể chứng minh yêu cầu đó. Để rõ ràng hơn, nguyên liệu có xuất xứ chỉ đề cập đến những nguyên liệu có xuất xứ được tính đến trong công bố về tình trạng xuất xứ của hàng hóa cuối cùng; hoặc là

(b) mức thuế hải quan cao nhất mà nước thành viên nhập khẩu áp dụng cho cùng một hàng hóa có xuất xứ từ bất kỳ nước thành viên nào.

7. Bất kể Điều 20.8 (Rà soát chung), các nước thành viên sẽ bắt đầu xem xét lại Điều 2.6 trong vòng hai năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực và tiếp sau đó, cứ ba năm một lần hoặc theo thỏa thuận giữa các nước thành viên nhằm giảm bớt hoặc loại bỏ các yêu cầu của Điều này và số lượng dòng thuế và các điều kiện được quy định trong Phụ lục của một nước thành viên trong Biểu thuế của mình tại Phụ lục I (Biểu Cam kết Thuế quan).

8. Bất kể đoạn 7, đối với Phụ lục của Biểu cam kết tại Phụ lục I (Biểu cam kết thuế quan), một nước thành viên có quyền sửa đổi Phụ lục của mình, bao gồm cả quy tắc xuất xứ bổ sung trong Phụ lục này, trong trường hợp có quốc gia khác hoặc vùng lãnh thổ hải quan riêng biệt gia nhập Hiệp định này. Những sửa đổi đó sẽ phải tuân thủ thỏa thuận của tất cả các nước thành viên và sẽ có hiệu lực theo Điều 20.4 (Sửa đổi) và Điều 20.9 (Gia nhập).

Điều 2.7: Phân loại hàng hóa

Việc phân loại hàng hóa trong thương mại giữa các Bên phải phù hợp với Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng (HS).

Điều 2.8: Định giá hải quan

Với mục đích định giá hải quan của hàng hóa mua bán giữa các Bên, Điều VII của Hiệp định GATT 1994, và Phần I cũng như Chú giải của Phụ lục I của Hiệp định Định giá Hải quan sẽ được áp dụng, có sự sửa đổi phù hợp.

Điều 2.9: Hàng hóa quá cảnh

Mỗi Bên sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa quá cảnh đến từ hoặc đến một Bên khác theo khoản 3 Điều V của Hiệp định GATT 1994 và các quy định có liên quan của Hiệp định Tạo Thuận lợi Thương mại.

Điều 2.10: Hàng tạm nhập

1. Mỗi Bên phải cho phép, như trong luật và quy định của mình, hàng hóa được đưa vào lãnh thổ hải quan của mình không phải nộp, hoàn toàn hoặc một phần, thuế nhập khẩu và thuế, một cách có điều kiện nếu hàng hóa đó:

(a) được đưa vào lãnh thổ hải quan của Bên đó cho một mục đích cụ thể;

(b) dự định được tái xuất trong một khoảng thời gian cụ thể; và

(c) không trải qua bất kỳ thay đổi nào, ngoại trừ khấu hao và hao hụt bình thường do việc sử dụng;

2. Theo yêu cầu của cá nhân liên quan và với lý do được cơ quan hải quan chấp nhận là hợp lệ, mỗi Bên sẽ gia hạn thời gian tạm nhập quy định tại khoản 1 so với thời hạn quy định ban đầu.

3. Không Bên nào được phép quy định điều kiện đối với việc miễn thuế hàng tạm nhập quy định ở khoản 1, ngoài việc yêu cầu các hàng hóa đó:

(a) chỉ được công dân hoặc người cư trú của Bên khác sử dụng hoặc giám sát việc sử dụng nhằm mục đích thực hiện hoạt động kinh doanh, thương mại, chuyên môn hoặc thể thao của người đó;

(b) không được phép bán lại hoặc cho thuê khi còn ở trong lãnh thổ của Bên đó;

(c) được đặt cọc với số tiền không quá khoản phí lẽ ra phải trả khi tạm nhập hoặc nhập khẩu chính thức, khi hàng được xuất khẩu;

(d) có thể nhận dạng được khi nhập khẩu, xuất khẩu;

(e) phải được xuất khẩu khi cá nhân nêu tại điểm (a) xuất cảnh, hoặc trong khoảng thời gian khác gắn liền với mục đích tạm nhập theo quy định của Bên đó, trừ khi được gia hạn;

(f) được nhập khẩu với số lượng không quá con số hợp lý cho mục đích sử dụng dự kiến; và

(g) được phép nhập khẩu vào lãnh thổ của Bên đó theo luật pháp và quy định của nước này.

4. Nếu bất kỳ điều kiện nào mà một Bên đặt ra trong khoản 3 không được đáp ứng thì Bên đó có quyền đánh thuế nhập khẩu và các loại phí khác mà bình thường hàng hóa liên quan sẽ phải chịu, cùng với các khoản lệ phí hoặc tiền phạt khác theo pháp luật của Bên đó.

5. Mỗi Bên sẽ cho phép hàng hóa tạm nhập theo Điều khoản này được xuất khẩu qua cửa khẩu hải quan6 khác với cửa khẩu nhập khẩu.

Điều 2.11: Tạm nhập đối với công-te-nơ và pa-lét

1. Mỗi Bên, theo quy định tại luật và quy định của Bên đó, hoặc các quy định của các hiệp định quốc tế liên quan mà Bên đó tham gia, sẽ cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với mặt hàng công-te-nơ và pa-lét tạm nhập, bất kể xuất xứ từ đâu, đang hoặc sẽ được dùng để vận chuyển hàng hóa trong giao thông quốc tế.

(a) Trong Điều khoản này, “Công-te-nơ” là một phần của thiết bị vận chuyển (xe nâng, thùng có thể di chuyển, hoặc kết cấu tương tự khác):

(i) được đóng kín hoàn toàn hoặc một phần để tạo thành một ngăn chứa hàng hóa;

(ii) có tính chất cố định và đủ chắc chắn để sử dụng được nhiều lần;

(iii) được thiết kế chuyên để chở hàng hóa qua nhiều phương thức vận tải mà không cần phải dỡ hàng ở khâu trung gian;

(iv) được thiết kế để dễ dàng xử lý, đặc biệt khi được chuyển từ phương tiện vận chuyển này sang phương tiện vận chuyển khác;

(v) được thiết kế để dễ dàng xếp và dỡ hàng hóa; và

(vi) có thể tích bên trong là một mét khối trở lên.

“Công-te-nơ” sẽ bao gồm các phụ kiện và thiết bị của công-te-nơ, phù hợp với kiểu loại liên quan, với điều kiện là các phụ kiện và thiết bị đó được mang theo công-te-nơ. “Công-te-nơ” không được bao gồm các phương tiện, phụ kiện hoặc bộ phận thay thế của phương tiện, bao bì hoặc pa-lét. “Các bộ phận có thể tháo lắp được” sẽ được coi là công-te-nơ.

(b) Trong đoạn này, “Pa-lét” có nghĩa là một thiết bị trên tấm ván, trong đó một lượng hàng hóa có thể được lắp ráp để tạo thành một đơn vị lượng tải nhằm mục đích vận chuyển hàng hóa, hoặc xếp dỡ hoặc xếp chồng lên nhau với sự hỗ trợ của các thiết bị cơ khí. Thiết bị này được tạo thành từ hai tấm ván được chia ra bởi bệ đỡ hoặc một tấm ván có chân. Chiều cao tổng thể của nó được giảm xuống mức tối thiểu tương thích với việc vận chuyển bằng xe nâng tải, xe nâng pa-lét; nó có thể có hoặc không có cấu trúc thượng tầng.

2. Tùy thuộc vào cam kết ở Chương 8 (Thương mại Dịch vụ) và Chương 10 (Đầu tư), đối với các công-te-nơ được cấp phép tạm thời nhập cảnh theo khoản 1:7

(a) mỗi Bên sẽ cho phép một công-te-nơ sử dụng cho giao thông quốc tế từ lãnh thổ Bên khác đi vào lãnh thổ của mình được đi ra qua bất kỳ tuyến đường nào để xuất cảnh nhanh chóng và hợp lý về mặt kinh tế đối với công-te-nơ đó;8

(b) Không Bên nào được yêu cầu nộp bảo lãnh hoặc thu tiền phạt hoặc lệ phí chỉ vì lý do cửa khẩu đi vào và đi ra khỏi lãnh thổ đối với một công-te-nơ là khác nhau;

(c) Không Bên nào được quy định điều kiện để được giải phóng bất kỳ khoản bảo lãnh nào mà công-te-nơ phải nộp khi đi vào lãnh thổ Bên đó, là phải đi qua những cửa khẩu nhất định nào đó khi đi ra khỏi lãnh thổ của mình; và

(d) Không Bên nào được yêu cầu công-te-nơ khi đi ra khỏi lãnh thổ của mình phải được vận chuyển bằng cùng một phương tiện như lúc đi vào lãnh thổ của mình từ một Bên khác.

Điều 2.12: Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng mẫu không có giá trị thương mại

Mỗi Bên sẽ cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với các hàng mẫu không có giá trị thương mại, nhập khẩu từ lãnh thổ một Bên khác, bất kể xuất xứ từ đâu, tùy thuộc vào luật và quy định trong nước của Bên đó.

Điều 2.13: Trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp

1. Các Bên tái khẳng định cam kết của mình đưa ra trong Quyết định của Bộ trưởng vào ngày 19 tháng 12 năm 2015 về Cạnh tranh Xuất khẩu (WT/MIN(15)/45, WT/L/980), được thông qua tại Nairobi vào ngày 19 tháng 12 năm 2015, bao gồm việc loại bỏ các quyền trợ cấp xuất khẩu theo lịch trình đối với hàng hóa nông nghiệp.

2. Các Bên chia sẻ mục tiêu đa phương nhằm xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp và sẽ làm việc cùng nhau để ngăn ngừa việc tái áp dụng các biện pháp trợ cấp dưới bất kỳ hình thức nào.

Điều 2.14: Chuyển đổi biểu cam kết thuế quan

Mỗi Bên phải đảm bảo rằng việc chuyển đổi Biểu của mình trong Phụ lục I (Biểu cam kết thuế quan), được thực hiện để thực thi cam kết Phụ lục I (Biểu cam kết thuế quan) theo danh mục của Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng sửa đổi theo các sửa đổi định kỳ của Hệ thống HS, được thực hiện mà không làm ảnh hưởng đến các cam kết thuế quan nêu trong Phụ lục I (Biểu cam kết thuế quan).

Điều 2.15: Điều chỉnh các ưu đãi

Trong những trường hợp đặc biệt khi một Bên gặp phải những khó khăn không lường trước được khi thực hiện các cam kết thuế của mình, nếu được sự đồng ý của tất cả các Bên khác có quyền lợi liên quan, Bên đó có thể sửa đổi hoặc rút lại ưu đãi trong Biểu cam kết của mình tại Phụ lục 1 (Biểu cam kết thuế quan). Để đạt được thoả thuận này, Bên đề xuất sửa đổi hoặc rút lại ưu đãi thuế của mình sẽ thông báo cho Ủy ban thực thi Hiệp định RCEP và tham gia vào các cuộc đàm phán với bất kỳ Bên nào quan tâm. Trong khi đàm phán, Bên đề xuất thay đổi hoặc rút lại những ưu đãi của mình phải duy trì mức ưu đãi có lợi chung và có đi có lại không kém thuận lợi cho thương mại của tất cả các Bên khác có quyền lợi liên quan so với những ưu đãi quy định trong Hiệp định này trước đàm phán, có thể bao gồm những điều chỉnh đền bù đối với các hàng hóa khác. Kết quả được thống nhất qua đàm phán, gồm bất cứ điều chỉnh đền bù nào, sẽ được phản ánh tại Phụ lục I (Biểu cam kết thuế quan) theo Điều 20.4 (Sửa đổi).

 

PHẦN B

CÁC BIỆN PHÁP PHI THUẾ QUAN

Điều 2.16: Việc áp dụng các biện pháp phi thuế quan

1. Một Bên không được thông qua hoặc duy trì bất kỳ biện pháp phi thuế quan nào đối với nhập khẩu hàng hóa từ Bên khác hoặc đối với xuất khẩu hàng hóa đến lãnh thổ của Bên khác, ngoại trừ theo quyền và nghĩa vụ của nước đó trong WTO hoặc theo Hiệp định này.

2. Mỗi Bên phải đảm bảo tính minh bạch của các biện pháp phi thuế quan được quy định tại khoản 1 và phải đảm bảo rằng không có biện pháp nào được chuẩn bị, thông qua và áp dụng với mục đích hoặc có tác dụng tạo ra những trở ngại không cần thiết trong thương mại giữa các Bên.

Điều 2.17: Loại bỏ chung hạn chế định lượng

1. Trừ phi có quy định khác trong Hiệp định này, không Bên nào được thông qua hoặc duy trì lệnh cấm hoặc hạn chế ngoại trừ các loại thuế hoặc các khoản phí khác có hiệu lực thông qua hạn ngạch, giấy phép xuất nhập khẩu hoặc các biện pháp khác, đối với việc nhập khẩu hàng hóa từ Bên khác hoặc đối với việc xuất khẩu hàng hóa đến lãnh thổ của Bên khác, ngoại trừ theo quyền và nghĩa vụ của nước đó trong WTO. Theo tinh thần đó, Điều XI của Hiệp định GATT 1994 sẽ được bổ sung và trở thành một phần của Hiệp định này, với những sửa đổi phù hợp.

2. Trường hợp một Bên thông qua lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu theo điểm 2(a) của Điều XI tại Hiệp định GATT 1994, Bên đó, theo yêu cầu, phải:

(a) thông báo cho một Bên khác hoặc các Bên về lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu đó và lý do cùng với bản chất và thời hạn dự kiến của các lệnh trên, hoặc công khai các lệnh cấm hoặc hạn chế đó; và

(b) cung cấp cho một Bên hoặc các Bên khác mà có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng cơ hội hợp lý để tham vấn về các vấn đề liên quan đến việc cấm hoặc hạn chế đó.

Điều 2.18: Tham vấn kỹ thuật về biện pháp phi thuế quan

1. Một Bên có thể yêu cầu tham vấn kỹ thuật với một Bên khác về một biện pháp mà Bên đó cho rằng có ảnh hưởng bất lợi lên nền thương mại của mình. Việc yêu cầu phải được thể hiện dưới dạng văn bản, trong đó xác định rõ biện pháp cũng như quan ngại về cách biện pháp đó gây ảnh hưởng bất lợi như thế nào đến nền thương mại của Bên yêu cầu tham vấn kỹ thuật (sau đây gọi tắt là “Bên yêu cầu”) và Bên mà đã được yêu cầu tham vấn (sau đây gọi tắt là “Bên được yêu cầu”).

2. Các cơ chế tham vấn được quy định tại Chương này sẽ được áp dụng đối với các biện pháp được quy định tại các Chương khác của Hiệp định này, trừ khi có thỏa thuận khác giữa Bên yêu cầu và Bên được yêu cầu (sau đây được gọi chung là “các Bên tham vấn”).

3. Ngoại trừ quy định tại khoản 2, Bên được yêu cầu sẽ trả lời Bên yêu cầu và tham gia tham vấn kỹ thuật trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu theo quy định tại khoản 1, trừ khi các Bên tham vấn quyết định khác, nhằm đạt được giải pháp thỏa đáng đôi bên trong vòng 180 ngày kể từ ngày yêu cầu tham vấn. Tham vấn kỹ thuật có thể được thực hiện thông qua bất kỳ phương thức nào mà các Bên tham vấn nhất trí.

4. Ngoại trừ quy định tại khoản 2, yêu cầu tham vấn kỹ thuật sẽ được chuyển đến tất cả các Bên khác. Các Bên khác có thể yêu cầu tham gia tham vấn kỹ thuật dựa trên cơ sở lợi ích của họ. Sự tham gia của các Bên khác sẽ tùy thuộc vào thỏa thuận giữa các Bên tham vấn. Các Bên tham vấn sẽ xem xét tổng thể những yêu cầu tham gia này.

5. Nếu Bên yêu cầu cho rằng vấn đề nào đó là khẩn cấp hoặc liên quan đến hàng hóa dễ hư hỏng, Bên đó có thể yêu cầu tham vấn kỹ thuật trong khoảng thời gian ngắn hơn so với khoảng thời gian được quy định tại khoản 3.

6. Ngoại trừ quy định tại khoản 2, mỗi Bên sẽ phải gửi một thông báo thường niên đến Ủy ban Hàng hóa về việc áp dụng tham vấn kỹ thuật theo quy định của Điều này, với tư cách Bên yêu cầu hoặc Bên được yêu cầu. Thông báo này bao gồm một bản tóm tắt về tiến trình và kết quả của các cuộc tham vấn.

7. Để rõ ràng hơn, tham vấn kỹ thuật theo quy định tại Điều này sẽ không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các Bên liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp tại Chương 19 (Giải quyết tranh chấp) và quy định theo Hiệp định của WTO.

Điều 2.19: Thủ tục cấp phép nhập khẩu

1. Mỗi Bên phải đảm bảo rằng tất cả các biện pháp cấp phép nhập khẩu tự động và không tự động được thực hiện một cách minh bạch và có thể dự đoán được, và được áp dụng theo Hiệp định về Thủ tục Cấp phép Nhập khẩu. Không bên nào được áp dụng hoặc duy trì một biện pháp không phù hợp với Hiệp định về Thủ tục Cấp phép Nhập khẩu.

2. Mỗi Bên phải, ngay sau ngày Hiệp định này có hiệu lực đối với Bên đó, thông báo cho các Bên khác về các thủ tục cấp phép nhập khẩu hiện hành. Thông báo phải bao gồm thông tin quy định tại khoản 2 của Điều 5 của Hiệp định Cấp phép Nhập khẩu. Một Bên sẽ được coi như tuân thủ khoản này nếu:

(a) Bên đó đã thông báo các thủ tục cho Ủy ban về Cấp phép nhập khẩu như quy định tại Điều 4 của Hiệp định Cấp phép nhập khẩu (sau đây được gọi là “Ủy ban WTO về Cấp phép nhập khẩu” trong Chương này), cùng với những thông tin quy định tại khoản 2 của Điều 5 của Hiệp định Cấp phép Nhập khẩu; và

(b) khi trả lời bản câu hỏi hàng năm mới nhất trước ngày Hiệp định này có Hiệu lực đối với Bên đó về thủ tục cấp phép nhập khẩu và gửi cho Ủy ban WTO về Cấp phép nhập khẩu như quy định ở khoản 3 của Điều 7 của Hiệp định Cấp phép nhập khẩu, Bên đó đã cung cấp thông tin theo yêu cầu trong bản câu hỏi hàng năm về thủ tục đó.

3. Mỗi Bên phải thông báo cho các Bên khác việc áp dụng bất kỳ các thủ tục cấp phép nhập khẩu mới nào hoặc sửa đổi mà Bên đó thực hiện đối với các thủ tục cấp nhập khẩu hiện hành của mình, trong phạm vi có thể 30 ngày trước khi thủ tục hoặc sửa đổi mới có hiệu lực nhưng không được muộn hơn 60 ngày sau khi công bố. Thông báo phải bao gồm các thông tin quy định ở Điều 5 của Hiệp định Cấp phép nhập khẩu. Một Bên được coi là đã tuân thủ nghĩa vụ của đoạn này Bên đó thông báo thủ tục cấp phép nhập khẩu mới hoặc sửa đổi cho Ủy ban Cấp phép nhập khẩu theo khoản 1, 2, 3 của Điều 5 của Hiệp định Cấp phép nhập khẩu.

4. Trước khi áp dụng bất kỳ thủ tục cấp phép nhập khẩu mới hoặc sửa đổi nào, một Bên sẽ công bố thủ tục hoặc sửa đổi mới trên trang web chính thức của chính phủ. Trong phạm vi có thể, Bên đó phải làm như vậy ít nhất 21 ngày trước khi thủ tục hoặc sửa đổi mới có hiệu lực.

5. Việc thông báo theo quy định tại khoản 2 và 3 không ảnh hưởng đến việc liệu thủ tục cấp phép nhập khẩu có phù hợp với Hiệp định này hay không.

6. Một thông báo được thực hiện theo khoản 3 phải nêu rõ nếu theo bất kỳ thủ tục nào được nêu trong thông báo:

(a) giấy phép nhập khẩu bất kỳ mặt hàng nào có điều khoản hạn chế người được phép sử dụng sản phẩm cuối cùng;

(b) Bên đó yêu cầu nhà nhập khẩu đáp ứng bất kỳ điều kiện nào sau đây để được cấp phép nhập khẩu một sản phẩm:

(i) phải là thành viên của một hiệp hội ngành hàng;

(ii) phải được một hiệp hội ngành hàng chấp thuận việc xin giấy phép nhập khẩu;

(iii) đã từng nhập khẩu sản phẩm đó hoặc sản phẩm tương tự;

(iv) yêu cầu nhập khẩu tối thiểu hoặc yêu cầu năng lực sản xuất của người sử dụng cuối cùng;

(v) yêu cầu nhập khẩu tối thiểu hoặc yêu cầu vốn đăng ký của người sử dụng cuối cùng; hoặc

(vi) mối quan hệ hợp đồng hoặc quan hệ khác giữa nhà nhập khẩu và nhà phân phối tại lãnh thổ của Bên đó.

7. Mỗi Bên, trong phạm vi có thể, phải trả lời tất cả các câu hỏi hợp lý từ Bên khác trong vòng 60 ngày về các tiêu chí mà cơ quan cấp phép của mình sử dụng trong việc cấp hoặc từ chối giấy phép nhập khẩu. Bên nhập khẩu phải công bố đầy đủ thông tin để các Bên khác và thương nhân biết cơ sở để cấp giấy phép nhập khẩu.

8. Không đơn xin cấp phép nhập khẩu nào sẽ bị từ chối vì những lỗi tài liệu nhỏ không làm thay đổi thông tin cơ bản trong đó. Các lỗi tài liệu nhỏ có thể bao gồm lỗi định dạng, chẳng hạn như độ rộng của lề hoặc phông chữ được sử dụng và lỗi chính tả rõ ràng được tạo ra mà không có ý định gian lận hoặc không có sơ suất nghiêm trọng.

9. Khi một Bên từ chối đơn xin cấp phép nhập khẩu đối với một hàng hóa của một Bên khác thì theo yêu cầu của người nộp đơn, Bên đó phải trả lời lý do từ chối trong một khoảng thời gian hợp lý sau khi nhận được yêu cầu.

Điều 2.20: Phí và các thủ tục liên quan đến nhập khẩu và xuất khẩu

1. Mỗi Bên phải đảm bảo rằng, theo khoản 1 của Điều VIII của Hiệp định GATT 1994, tất cả các loại phí và lệ phí với bất kỳ tính chất nào (ngoại trừ thuế nhập khẩu hoặc xuất khẩu, phí tương đương với thuế nội địa hoặc các phí nội địa khác áp dụng phù hợp với khoản 2 của Điều III của Hiệp định GATT 1994, thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng) áp dụng với hoặc liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu chỉ giới hạn trong khoản giá trị tương ứng với phí dịch vụ phải nộp và không phải là phương thức bảo hộ hàng hóa nội địa hoặc là khoản thuế đánh vào hàng xuất khẩu, nhập khẩu nhằm mục đích tài chính.

2. Mỗi Bên phải ngay lập tức công bố chi tiết các khoản phí và lệ phí mà mình áp dụng liên quan đến xuất khẩu và nhập khẩu và phải cung cấp thông tin đó trên mạng.

3. Không Bên nào được yêu cầu giao dịch lãnh sự, bao gồm các loại phí và lệ phí liên quan đến việc nhập khẩu bất kỳ hàng hóa nào từ các Bên khác. Không Bên nào được yêu cầu bất kỳ chứng từ hải quan nào được cung cấp liên quan đến việc nhập khẩu bất kỳ hàng hóa nào của Bên khác phải được đại diện của Bên nhập khẩu ở nước ngoài, hoặc các tổ chức có thẩm quyền thay mặt cho Bên nhập khẩu xác nhận, chứng nhận, xem hoặc chấp thuận, hoặc áp đặt bất kỳ khoản phí hoặc lệ phí liên quan.

Điều 2.21: Sáng kiến theo ngành

1. Các Bên có thể quyết định khởi xướng một chương trình làm việc về các vấn đề cụ thể của ngành. Nếu các Bên quyết định bắt đầu một chương trình làm việc như vậy, chương trình đó sẽ được thành lập và giám sát bởi Ủy ban Hàng hóa. Các Bên sẽ cố gắng hoàn thành chương trình làm việc đó không muộn hơn hai năm sau khi bắt đầu chương trình làm việc.

2. Các Bên sẽ đồng ý về các lĩnh vực được đưa vào chương trình làm việc đó, có tính đến lợi ích của tất cả các Bên, bao gồm cả các lĩnh vực do các Bên đề xuất trong quá trình đàm phán Hiệp định này hoặc các lĩnh vực khác có thể được đưa ra bởi một Bên.

3. Bất kỳ chương trình làm việc nào được khởi xướng theo Điều này cần được tiến hành để:

(a) nâng cao hiểu biết của các Bên về vấn đề;

(b) hỗ trợ đóng góp ý kiến từ doanh nghiệp và các bên liên quan khác; và

(c) tìm hiểu các hành động có thể có của các Bên để tạo thuận lợi cho thương mại.

4. Dựa trên kết quả của bất kỳ chương trình làm việc nào được khởi xướng theo Điều này, Ủy ban Hàng hóa có thể đưa ra các khuyến nghị cho Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định RCEP.

 

 

1 Để giải thích rõ hơn, Điều này sẽ chỉ áp dụng với các cam kết thuế quan trong Hiệp định này.

2 Với mục đích của khoản này, “Hai hoặc nhiều Bên” có nghĩa là một số, nhưng không phải tất cả, các Bên.

3 Các nước thành viên nhận thức rằng “khác biệt thuế quan” đề cập đến việc đối xử thuế quan có sự khác biệt khi một nước thành viên nhập khẩu áp dụng cho cùng một loại hàng hóa có xuất xứ.

4 Theo mục đích của đoạn này, “đơn giản” mô tả một hoạt động không cần kỹ năng đặc biệt, hoặc máy móc, thiết bị hoặc trang thiết bị được chế tạo hoặc lắp đặt đặc biệt để thực hiện hoạt động này.

5 Theo mục đích của đoạn này, thì "giết mổ" có nghĩa là chỉ giết động vật một cách đơn thuần

6 Đối với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, “cửa khẩu hải quan” nghĩa là một cửa khẩu hải quan quốc tế.

7 Để giải thích rõ hơn, không có nội dung nào trong khoản này ảnh hưởng đến quyền của một Bên trong việc áp dụng hoặc duy trì các biện pháp phù hợp với Điều 17.12 (Ngoại lệ chung) hoặc Điều 17.13 (Ngoại lệ về an ninh).

8 Để giải thích rõ hơn, các quy định ở điểm này sẽ không ngăn cản một Bên thông qua hoặc duy trì các biện pháp an toàn đường sắt và đường cao tốc có tính áp dụng chung, hoặc cấm công-te-nơ đi vào và đi ra khỏi lãnh thổ của mình ở những nơi không có cửa khẩu. Một Bên có thể cung cấp cho các Bên khác danh sách các cửa khẩu có sẵn để công-te-nơ có thể rời khỏi lãnh thổ của mình phù hợp với luật và quy định của Bên đó.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 18,418

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn