CHƯƠNG 10
ĐẦU TƯ
Với mục đích của Chương này:
(a) khoản đầu tư được bảo hộ nghĩa là, đối với một Bên, một khoản đầu tư trong lãnh thổ của Bên đó của một nhà đầu tư của Bên khác tồn tại vào ngày Hiệp định này có hiệu lực hoặc được thành lập, mua lại, mở rộng sau đó, và tùy từng trường hợp cụ thể, đã được Bên chủ nhà chấp thuận1, 2 phù hợp với pháp luật và chính sách3 của mình;
(b) đồng tiền tự do chuyển đổi nghĩa là đồng tiền được Quỹ tiền tệ quốc tế xác định là đồng tiền tự do chuyển đổi theo Điều lệ của Quỹ này và các sửa đổi sau đó;
(c) đầu tư nghĩa là mọi loại tài sản mà nhà đầu tư sở hữu hoặc kiểm soát, trực tiếp hoặc gián tiếp, và có các đặc điểm của một khoản đầu tư, bao gồm các cam kết vốn hoặc các nguồn vốn khác, kỳ vọng về thu nhập hoặc lợi nhuận, hoặc chấp nhận rủi ro. Đầu tư có thể bao gồm các hình thức sau:
(i) cổ phiếu, cổ phần và bất kỳ hình thức tham gia góp vốn nào vào pháp nhân, gồm cả các quyền phái sinh từ đó.
(ii) trái phiếu, giấy nhận nợ, các khoản vay4 và bất kỳ công cụ nợ nào khác của pháp nhân và các quyền phái sinh từ đó;5
(iii) các quyền theo hợp đồng, bao gồm hợp đồng chìa khóa trao tay, xây dựng, quản lý, sản xuất hoặc phân chia lợi nhuận;
(iv) quyền sở hữu trí tuệ và lợi thế thương mại, và được công nhận phù hợp với pháp luật của Bên chủ nhà;
(v) quyền đòi tiền hoặc quyền đối với việc thực hiện hợp đồng liên quan đến kinh doanh và có giá trị tài chính;6
(vi) các quyền được trao theo pháp luật của Bên chủ nhà hoặc hợp đồng, như nhượng quyền, giấy phép, ủy quyền và giấy phép, bao gồm cả những quyền thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên; và
(vii) động sản và bất động sản, và các quyền tài sản khác như cho thuê, thế chấp, cầm cố, đặt cọc.7
Thuật ngữ “đầu tư” không bao gồm quyết định hoặc phán quyết được ban hành trong quá trình tố tụng tư pháp hoặc hành chính hoặc tố tụng trọng tài.
Với mục đích của định nghĩa khoản đầu tư thuộc khoản này, thu nhập được dùng để đầu tư sẽ được coi là đầu tư, và bất kỳ việc thay đổi hình thức nào theo đó tài sản được đầu tư hoặc tái đầu tư sẽ không ảnh hưởng đến tính chất của tài sản đó là một khoản đầu tư.
(d) nhà đầu tư của một Bên không ký kết nghĩa là, đối với một Bên, là một nhà đầu tư chuẩn bị thực hiện,8 đang thực hiện hoặc đã thực hiện một khoản đầu tư trên lãnh thổ của Bên đó mà không phải là nhà đầu tư của một Bên;
(e) nhà đầu tư của một Bên nghĩa là thể nhân của một Bên hoặc pháp nhân của một Bên chuẩn bị thực hiện,9 đang thực hiện hoặc đã thực hiện một khoản đầu tư trên lãnh thổ của Bên kia;
(f) pháp nhân nghĩa là bất kỳ tổ chức được thành lập hoặc hoạt động phù hợp với luật áp dụng, bất kể vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận, và bất kể tư nhân hay nhà nước, bao gồm bất kỳ công ty, quỹ tín thác, hợp danh, liên doanh, doanh nghiệp tư nhân, hiệp hội hoặc các tổ chức tương tự và chi nhánh của một pháp nhân;10, 11, 12
(g) pháp nhân của một Bên nghĩa là pháp nhân được thành lập hoặc hoạt động phù hợp với luật của Bên đó, và chi nhánh được đặt tại lãnh thổ của Bên đó và đang thực hiện các hoạt động kinh doanh ở đó13, 14, 15
(h) biện pháp của một Bên nghĩa là bất kỳ biện pháp nào được ban hành và duy trì bởi:
(i) chính quyền trung ương, cấp vùng hoặc địa phương và cơ quan có thẩm quyền của Bên đó; và
(ii) các cơ quan không thuộc chính phủ thực hiện quyền lực do chính quyền và các cơ quan trung ương, cấp vùng hoặc địa phương giao cho.
(i) thể nhân của một Bên nghĩa là, với mục đích của điểm (e), là thể nhân theo pháp luật của Bên đó:
(i) là công dân của Bên đó; hoặc
(ii) có quyền thường trú tại Bên đó, trong trường hợp cả Bên đó và một Bên khác công nhận người thường trú và về cơ bản đối xử tương tự với người thường trú của họ như đối xử với công dân của họ liên quan đến biện pháp ảnh hưởng đến đầu tư.
1. Chương này áp dụng đối với các biện pháp được ban hành hoặc duy trì bởi một Bên liên quan đến:
(a) nhà đầu tư của Bên kia; và
(b) khoản đầu tư được bảo hộ.
2. Chương này không áp dụng với:
(a) mua sắm của chính phủ;
(b) trợ cấp hoặc hỗ trợ được cung cấp bởi một Bên;
(c) các dịch vụ được cung cấp trong quá trình thực thi quyền lực nhà nước bởi cơ quan liên quan hoặc cơ quan có thẩm quyền của một Bên. Với mục đích của Chương này, “dịch vụ được cung cấp trong quá trình thực thi quyền lực nhà nước” nghĩa là bất kỳ dịch vụ được cung cấp không dựa trên cơ sở thương mại cũng như không cạnh tranh với một hoặc nhiều nhà cung cấp dịch vụ khác;
(d) biện pháp được ban hành hoặc duy trì bởi một Bên trong trường hợp các biện pháp đó thuộc phạm vi điều chỉnh của Chương 8 (Thương mại dịch vụ); và
(e) các biện pháp được ban hành hoặc duy trì bởi một Bên trong trường hợp các biện pháp đó thuộc phạm vi điều chỉnh của Chương 9 (Di chuyển tạm thời của thể nhân).
Để rõ ràng hơn, Chương này không ràng buộc bất kỳ Bên nào liên quan đến bất kỳ hành động hoặc sự kiện đã diễn ra hoặc bất kỳ tình huống nào không còn tồn tại trước ngày Hiệp định này có hiệu lực.
3. Mặc dù có quy định tại điểm 2(d), Điều 10.5 (Đối xử đầu tư), Điều 10.7 (Quản lý cấp cao và hội đồng quản trị),16 Điều 10.9 (Chuyển tiền), Điều 10.11 (Bồi thường thiệt hại), Điều 10.12 (Thế quyền) và Điều 10.13 (Tước quyền sở hữu) sẽ áp dụng, với những sửa đổi thích hợp, với bất kỳ biện pháp ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ bởi một nhà cung cấp dịch vụ của một Bên thông qua hiện diện thương mại trên lãnh thổ của bất kỳ Bên khác theo Chương 8 (Thương mại dịch vụ), nhưng chỉ trong phạm vi mà biện pháp đó liên quan đến một khoản đầu tư được bảo hộ và một nghĩa vụ theo Chương này.
1. Mỗi Bên sẽ dành cho nhà đầu tư của Bên kia và khoản đầu tư được bảo hộ sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà Bên đó, trong điều kiện tương tự, dành cho nhà đầu tư của mình và khoản đầu tư của họ liên quan đến thành lập, mua lại, mở rộng, quản lý, thực hiện, vận hành và bán hoặc định đoạt theo cách khác khoản đầu tư trên lãnh thổ của Bên đó.
2. Để rõ ràng hơn, khi một Bên dành sự đối xử theo khoản 1 nghĩa là đối với chính quyền không phải là cấp trung ương, sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử thuận lợi nhất mà cấp chính quyền đó, trong điều kiện tương tự, dành cho các nhà đầu tư và khoản đầu tư của nhà đầu tư của Bên đó mà cấp chính quyền đó là một bộ phận của Bên đó.
Điều 10.4: Đối xử tối huệ quốc18, 19
1. Mỗi Bên sẽ dành cho nhà đầu tư của Bên kia sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà Bên đó, trong điều kiện tương tự, dành cho nhà đầu tư của bất kỳ Bên khác hoặc Bên không ký kết liên quan đến thành lập, mua lại, mở rộng, quản lý, thực hiện, vận hành, và bán hoặc định đoạt khác khoản đầu tư trên lãnh thổ của mình.
2. Mỗi Bên sẽ dành cho khoản đầu tư được bảo hộ sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà Bên đó, trong điều kiện tương tự, dành cho khoản đầu tư trên lãnh thổ của mình của nhà đầu tư của bất kỳ Bên khác hoặc Bên không ký kết liên quan đến thành lập mua lại, mở rộng, quản lý, thực hiện, vận hành, và bán hoặc định đoạt khác khoản đầu tư.
3. Để rõ ràng hơn, đối xử nêu tại khoản 1 và 2 không bao gồm bất kỳ thủ tục hoặc cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế theo các điều ước quốc tế khác đang tồn tại hoặc sẽ có trong tương lai.
1. Mỗi Bên sẽ dành cho khoản đầu tư được bảo hộ sự đối xử công bằng và bình đẳng và bảo hộ đầy đủ và an toàn, phù hợp với tiêu chuẩn tối thiểu của luật tập quán quốc tế đối với người nước ngoài.
2. Để rõ ràng hơn:
(a) đối xử công bằng và bình đẳng yêu cầu mỗi Bên không từ chối công lý tại bất kỳ thủ tục hành chính hoặc tư pháp;
(b) bảo hộ đầy đủ và an toàn yêu cầu mỗi Bên thực hiện các biện pháp cần thiết hợp lý để bảo hộ an toàn vật chất cho khoản đầu tư được bảo hộ đó; và
(c) khái niệm đối xử công bằng và bình đẳng và bảo hộ đầy đủ và an toàn không yêu cầu sự đối xử dành cho khoản đầu tư được bảo hộ nằm ngoài hoặc vượt quá sự đối xử theo tiêu chuẩn tối thiểu của luật tập quán quốc tế đối với người nước ngoài, và không tạo ra các quyền bổ sung.
3. Việc xác định rằng đã có vi phạm một quy định của Hiệp định này hoặc của một điều ước quốc tế khác, không có nghĩa là đã vi phạm Điều này.
Điều 10.6: Các yêu cầu hoạt động
1. Không Bên nào ban hành hoặc áp dụng, như một điều kiện để thành lập, mua lại, mở rộng, quản lý, thực hiện, vận hành hoặc bán hoặc định đoạt khác một khoản đầu tư trên lãnh thổ của mình của nhà đầu tư của Bên khác, bất kỳ các yêu cầu sau:21
(a) xuất khẩu với một mức hoặc tỷ lệ hàng hóa cụ thể;
(b) đạt một mức hoặc tỷ lệ nhất định hàm lượng nội địa;
(c) mua, sử dụng hoặc dành lợi thế cho hàng hóa sản xuất trong lãnh thổ của mình, hoặc mua hàng hóa của các chủ thể trong lãnh thổ của mình;
(d) ràng buộc số lượng hoặc giá trị nhập khẩu với số lượng hoặc giá trị xuất khẩu hoặc nguồn thu ngoại tệ gắn với đầu tư của nhà đầu tư đó;
(e) hạn chế việc bán hàng trên lãnh thổ của mình mà do đầu tư của nhà đầu tư đó sản xuất thông qua sự ràng buộc việc bán hàng đó với số lượng hoặc giá trị xuất khẩu hoặc các khoản thu từ ngoại tệ;
(f) chuyển giao công nghệ đặc biệt, quy trình sản xuất, hoặc kiến thức độc quyền khác cho một người trong lãnh thổ của mình;
(g) cung cấp hàng hoá trên lãnh thổ của Bên ký kết do đầu tư sản xuất cho một thị trường khu vực cụ thể hoặc thế giới; hoặc
(h) Áp dụng một tỷ lệ hoặc giá trị tiền bản quyền nhất định theo hợp đồng li-xăng, đối với bất kỳ hợp đồng li-xăng nào đang tồn tại tại thời điểm yêu cầu được ban hành hoặc áp dụng, hoặc bất kỳ hợp đồng li-xăng nào trong tương lai được ký kết tự do giữa nhà đầu tư và một người trong lãnh thổ của mình, với điều kiện là yêu cầu đó được ban hành hoặc áp dụng theo cách tạo nên sự can thiệp trực tiếp vào hợp đồng li-xăng đó bằng cách thực thi quyền lực chính phủ phi tư pháp của một Bên.22 Để rõ ràng hơn, điểm này không áp dụng khi hợp đồng li-xăng được ký kết giữa nhà đầu tư và một Bên.
Mặc dù có Điều này, điểm (f) và (h) sẽ không áp dụng với Campuchia, Lào và My-an-ma.
2. Không Bên nào ban hành các điều kiện đối với việc nhận hoặc tiếp tục nhận một ưu đãi liên quan đến thành lập, mua lại, mở rộng, quản lý, thực hiện, vận hành hoặc bán hoặc định đoạt khác một khoản đầu tư trên lãnh thổ của mình của một nhà đầu tư của bất kỳ Bên khác phải phù hợp với bất kỳ các yêu cầu sau:
(a) đạt được một mức hoặc tỷ lệ hàm lượng nội địa;
(b) mua, sử dụng hoặc dành lợi thế cho hàng hóa sản xuất trên lãnh thổ của mình, hoặc mua hàng hóa từ các chủ thể trong lãnh thổ của mình;
(c) ràng buộc số lượng hoặc giá trị nhập khẩu với số lượng hoặc giá trị xuất khẩu hoặc nguồn thu ngoại tệ gắn với đầu tư của nhà đầu tư đó; hoặc
(d) hạn chế việc bán hàng trên lãnh thổ của mình mà do đầu tư của nhà đầu tư đó sản xuất thông qua sự ràng buộc việc bán hàng đó với số lượng hoặc giá trị xuất khẩu hoặc các khoản thu từ ngoại tệ.
3. (a) Khoản 2 sẽ không ngăn cản một Bên ký kết trong việc ban hành các điều kiện đối với việc nhận hoặc tiếp tục nhận các ưu đãi liên quan đến một khoản đầu tư trên lãnh thổ của mình của một nhà đầu tư của bất kỳ Bên khác phải phù hợp với yêu cầu về phân phối sản phẩm tại một địa điểm, cung cấp dịch vụ, đào tạo hoặc tuyển dụng lao động, xây dựng hoặc mở rộng cơ sở đặc biệt, hoặc thực hiện nghiên cứu và phát triển trên lãnh thổ của mình.
(b) Các điểm 1(f) và (h) sẽ không áp dụng:
(i) trường hợp một Bên cho phép sử dụng quyền sở hữu trí tuệ phù hợp với Điều 31 hoặc Điều 31bis của Hiệp định TRIPS,23 hoặc với các biện pháp yêu cầu công bố thông tin độc quyền thuộc phạm vi và phù hợp với Điều 39 HIệp định TRIPS.
(ii) trường hợp yêu cầu đó được ban hành hoặc áp dụng bởi tòa án, trọng tài hành chính, hoặc cơ quan tranh chấp để khắc phục một hành vi được xác định sau quá trình xét xử hành chính hoặc tư pháp là chống cạnh tranh theo pháp luật cạnh tranh của Bên đó.
(c) Điểm 1 (h) sẽ không áp dụng nếu yêu cầu được ban hành hoặc thực thi bởi trọng tài hoặc cơ quan cạnh tranh có thẩm quyền dưới dạng thù lao công bằng theo pháp luật về bản quyền của Bên đó
(d) Các điểm từ 1(a) đến (c), 2(a) và 2(b) không áp dụng đến yêu cầu về chất lượng của hàng hóa liên quan đến các chương trình xúc tiến xuất khẩu và hỗ trợ của nước ngoài.
(e) Điểm (2a) và (b) không áp dụng đối với các yêu cầu được ban hành bởi một Bên nhập khẩu liên quan đến hàm lượng hàng hoá cần thiết để đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế quan hoặc ưu đãi hạn ngạch.
4. Để rõ ràng hơn, khoản 1 và 2 không áp dụng với bất kỳ yêu cầu nào ngoài những yêu cầu được liệt kê tại hai khoản này.
Điều 10.7: Quản lý cấp cao và Hội đồng quản trị
1. Không Bên nào được yêu cầu pháp nhân của Bên đó là khoản đầu tư được bảo hộ phải chỉ định các chức danh quản lý cao cấp là thể nhân mang quốc tịch của một nước nhất định.
2. Một Bên có thể yêu cầu đa số thành viên Hội đồng quản trị, hoặc bất kỳ ủy ban nào của Hội đồng quản trị, của một pháp nhân của một Bên đó là khoản đầu tư được bảo hộ, mang một quốc tịch nhất định, hoặc cư trú trên lãnh thổ của Bên đó, với điều kiện yêu cầu này không ảnh hưởng đáng kể đến khả năng kiểm soát khoản đầu tư của nhà đầu tư.
Điều 10.8: Bảo lưu và các biện pháp không tương thích
1. Điều 10.3 (Đối xử đầu tư), Điều 10.4 (Đối xử tối huệ quốc), Điều 10.6 (Yêu cầu thực hiện), và Điều 10.7 (Quản lý cấp cao và Hội đồng quản trị) không áp dụng đối với:
(a) bất kỳ biện pháp không tương thích đang tồn tại mà được duy trì bởi một Bên tại:
(i) cấp chính quyền trung ương được Bên đó liệt kê tại Danh mục A của Biểu của mình tại Phụ lục III (Danh mục bảo lưu và các biện pháp không tương thích dành cho dịch vụ và đầu tư);
(ii) cấp chính quyền vùng được Bên đó liệt kê tại Danh mục A của Biểu của mình tại Phụ lục III (Danh mục bảo lưu và các biện pháp không tương thích dành cho dịch vụ và đầu tư); hoặc
(iii) cấp chính quyền địa phương;
(b) việc tiếp tục thực hiện hoặc sửa đổi nhanh chóng các biện pháp không tương thích được nêu tại điểm (a); và
(c) sửa đổi đối với các biện pháp không tương thích được nêu tại điểm (a) với điều kiện sửa đổi đó không làm giảm sự phù hợp của biện pháp:
(i) đối với Campuchia, In-đô-nê-xi-a, Lào, My-an-ma và Phi-líp- pin, đã tồn tại vào thời điểm Hiệp định có hiệu lực; và
(ii) đối với Ốtx-trây-li-a, Bru-nây, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ma-lay-xi-a, Niu Di-lân, Sinh-ga-po, Thái Lan và Việt Nam, đã tồn tại ngay tại thời điểm trước sửa đổi đó,
với Điều 10.3 (Đối xử đầu tư), Điều 10.4 (Đối xử tối huệ quốc), Điều 10.6 (Yêu cầu thực hiện), và Điều 10.7 (Quản lý cấp cao và Hội đồng quản trị).
2. Điều 10.3 (Đối xử đầu tư), Điều 10.4 (Đối xử tối huệ quốc), Điều 10.6 (Yêu cầu thực hiện), và Điều 10.7 (Quản lý cấp cao và Hội đồng quản trị) không áp dụng với bất kỳ biện pháp được một Bên ban hành hoặc duy trì liên quan đến các ngành, phân ngành hoặc các hoạt động được Bên đó liệt kê tại Danh mục B của Biểu của mình tại Phụ lục III (Danh mục bảo lưu và các biện pháp không tương thích dành cho dịch vụ và đầu tư).
3. Mặc dù có điểm 1(c)(ii), trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực, Điều 10.3 (Đối xử đầu tư), Điều 10.4 (Đối xử tối huệ quốc), Điều
10.6 (Yêu cầu thực hiện), và Điều 10.7 (Quản lý cấp cao và Hội đồng quản trị) không áp dụng với các sửa đổi đối với các biện pháp không tương thích được nêu tại điểm 1(a) với điều kiện sửa đổi đó không làm giảm sự phù hợp của biện pháp đó như đã tồn tại vào thời điểm Hiệp định này có hiệu lực liên quan đến Điều 10.3 (Đối xử đầu tư), Điều 10.4 (Đối xử tối huệ quốc), Điều 10.6 (Yêu cầu thực hiện), và Điều 10.7 (Quản lý cấp cao và Hội đồng quản trị).
4. Đối với những biện pháp được ban hành sau ngày Hiệp định có hiệu lực quy định tại Danh mục B của Biểu của mình tại Phụ lục III (Danh mục bảo lưu và các biện pháp không tương thích), không Bên nào được yêu cầu nhà đầu tư của Bên kia vì lý do quốc tịch, phải bán hoặc bằng cách khác từ bỏ một khoản đầu tư tồn tại vào thời điểm biện pháp đó có hiệu lực, trừ trường hợp được nêu tại chấp thuận ban đầu bởi cơ quan liên quan có thẩm quyền.
5. Điều 10.3 (Đối xử đầu tư) và Điều 10.4 (Đối xử tối huệ quốc) không áp dụng với bất kỳ biện pháp nào thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 5 Hiệp định TRIPS, và bất kỳ biện pháp nào thuộc phạm vi của ngoại lệ, hoặc vi phạm nghĩa vụ được quy định tại Điều 17 (Đối xử quốc gia) hoặc Điều 3 hoặc 4 của Hiệp định TRIPS.
1. Mỗi Bên sẽ cho phép việc chuyển tiền liên quan đến khoản đầu tư được bảo hộ được thực hiện một các tự do và không chậm trễ vào hoặc ra khỏi lãnh thổ của mình. Việc chuyển tiền đó bao gồm:
(a) phần vốn góp, bao gồm vốn góp ban đầu;
(b) lợi nhuận, thu nhập từ vốn, cổ tức, lãi, tiền bản quyền, hỗ trợ kỹ thuật và phí hỗ trợ kỹ thuật và phí quản lý, phí chuyển giao công nghệ, và các khoản thu nhập khác thu được từ khoản đầu tư được bảo hộ đó;
(c) tiền thu được từ việc bán hoặc thanh lý, toàn bộ hoặc một phần của khoản đầu tư được bảo hộ;
(d) các khoản tiền trả theo hợp đồng, bao gồm hợp đồng vay;
(e) các khoản tiền trả theo Điều 10.11 (Bồi thường thiệt hại) và Điều 10.13 (Tước quyền sở hữu);
(f) các khoản tiền phát sinh từ việc giải quyết tranh chấp bằng bất kỳ biện pháp nào bao gồm xét xử tại tòa án, trọng tài hoặc thỏa thuận giữa các bên tranh chấp;
(g) tiền lương và khoản thù lao khác của người lao động liên quan đến khoản đầu tư được bảo hộ.
2. Mỗi Bên sẽ cho phép chuyển tiền liên quan đến khoản đầu tư được bảo hộ được thực hiện bằng đồng tiền tự do chuyển đổi theo giá thị trường tại thời điểm chuyển tiền.
3. Mặc dù có các khoản 1 và 2, mỗi Bên có thể ngăn cản hoặc trì hoãn việc chuyển tiền thông qua việc áp dụng pháp luật của mình một cách công bằng, không phân biệt đối xử và có thiện chí liên quan đến:
(a) phá sản, vỡ nợ, hoặc bảo vệ quyền của chủ nợ;
(b) phát hành, mua bán hoặc giao dịch chứng khoán, hợp đồng tương lai, quyền mua cổ phần hoặc các công cụ phái sinh khác;
(c) tội phạm hoặc vi phạm hình sự và thu hồi thu nhập từ tội phạm;
(d) báo cáo tài chính hoặc việc lưu giữ sổ sách về chuyển tiền khi cần thiết để hỗ trợ cơ quan thực thi pháp luật hoặc cơ quan quản lý tài chính;
(e) bảo đảm việc tuân thủ bản án hoặc quyết định hoặc phán quyết trong quá trình tố tụng tư pháp hoặc hành chính;
(f) thuế;24
(g) an sinh xã hội, chế độ hưu trí công, chương trình hưu trí, hoặc chương trình tiết kiệm bắt buộc hoặc các chương trình các cung cấp lương hưu hoặc các lợi ích hưu trí tương tự;
(h) trợ cấp thôi việc của người lao động; và
(i) yêu cầu đăng ký hoặc đáp ứng các thủ tục do ngân hàng trung ương ban hành và các cơ quan liên quan có thẩm quyền của Bên đó.
4. Chương này không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của một Bên với tư cách là thành viên của IMF theo Hiệp định thành lập Quỹ này và các sửa đổi nếu có, bao gồm việc sử dụng hành vi ngoại hối phù hợp với Hiệp định thành lập Quỹ và các sửa đổi nếu có, với điều kiện Bên đó không áp đặt các hạn chế về bất kỳ các giao dịch chuyển vốn một cách không phù hợp với nghĩa vụ tại Chương này liên quan đến các giao dịch đó, trừ trường hợp theo Điều 17.15 (Các biện pháp bảo đảm cán cân thanh toán) hoặc theo yêu cầu của IMF.
Điều 10.10: Thủ tục đặc biệt và công bố thông tin
1. Quy định tại Điều 10.3 (Đối xử quốc gia) không được hiểu là ngăn cản một Bên ban hành hoặc duy trì biện pháp quy định các thủ tục đặc biệt liên quan đến khoản đầu tư được bảo hộ, bao gồm việc khoản đầu tư được bảo hộ phải được thành lập hợp pháp theo pháp luật của Bên đó, với điều kiện các thủ tục này không làm tổn hại đáng kể đến sự bảo hộ mà Bên đó dành cho nhà đầu tư của Bên khác và khoản đầu tư được bảo hộ theo Chương này.
2. Mặc dù có quy định tại Điều 10.3 (Đối xử quốc gia) và Điều 10.4 (Đối xử tối huệ quốc), một Bên có thể yêu cầu nhà đầu tư của Bên khác hoặc khoản đầu tư được bảo hộ cung cấp thông tin liên quan đến đầu tư chỉ nhằm mục đích thông tin hoặc thống kê. Bên đó, trong chừng mực có thể, sẽ bảo vệ để các thông tin bí mật không bị tiết lộ nếu việc tiết lộ các thông tin đó gây thiệt hại đến lợi ích thương mại hợp pháp hoặc vị thế cạnh tranh của nhà đầu tư và khoản đầu tư được bảo hộ. Khoản này không được hiểu là ngăn cản một Bên bằng cách khác thu thập hoặc tiết lộ thông tin thông qua việc áp dụng pháp luật nước mình một cách công bằng và có thiện chí.
Điều 10.11: Bồi thường thiệt hại
Mỗi Bên sẽ dành cho nhà đầu tư của Bên kia và khoản đầu tư được bảo hộ của nhà đầu tư đó, liên quan đến các biện pháp mà Bên đó ban hành hoặc duy trì liên quan đến thiệt hại mà khoản đầu tư phải chịu trong lãnh thổ của mình phát sinh từ xung đột vũ trang, xung đột dân sự, hoặc tình trạng khẩn cấp, sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà Bên đó dành cho:
(a) nhà đầu tư của mình và khoản đầu tư của họ; và
(b) nhà đầu tư của Bên kia hoặc Bên không ký kết, và khoản đầu tư của họ.
1. Khi một Bên hoặc một cơ quan được một Bên chỉ định thanh toán cho nhà đầu tư của Bên đó theo hơp đồng bảo lãnh, hợp đồng bảo hiểm hoặc hình thức bồi thường khác mà Bên đó đã cấp liên quan đến khoản đầu tư được bảo hiểm, thì Bên mà trong lãnh thổ của mình khoản đầu tư được bảo hộ đó đã được thực hiện sẽ công nhận việc thế quyền hoặc chuyển giao bất kỳ quyền hoặc quyền đòi tiền/khiếu kiện nào đối với khoản đầu tư được bảo hộ đó. Quyền hoặc quyền đòi tiền/khiếu kiện đã được thế hoặc đã được chuyển giao không được lớn hơn quyền hoặc quyền đòi tiền/khiếu kiện ban đầu của nhà đầu tư.
2. Trường hợp một Bên hoặc cơ quan được một Bên chỉ định đã thanh toán cho nhà đầu tư của Bên đó và đã tiếp nhận bất kỳ quyền hoặc yêu cầu nào của nhà đầu tư, nhà đầu tư đó sẽ không theo đuổi quyền đó hoặc yêu cầu/khiếu kiện chống lại Bên mà trong lãnh thổ của họ khoản đầu tư được bảo hộ đó đã được thực hiện, trừ khi nhà đầu tư đó được ủy quyền cho Bên thực hiện thanh toán hoặc cơ quan do Bên đó chỉ định.
3. Trong quá trình thực hiện quyền hoặc khiếu kiện được chuyển giao hoặc thay thế, một Bên hoặc cơ quan do một Bên chỉ định thực thi quyền hoặc yêu cầu/khiếu kiện đó phải công bố phạm vi thỏa thuận của các quyền/khiếu kiện đó với nhà đầu tư của Bên liên quan đó.
Điều 10.13: Tước quyền sở hữu25
1. Không Bên nào tước quyền sở hữu hoặc quốc hữu hóa một khoản đầu tư được bảo hộ một cách trực tiếp hoặc thông qua các biện pháp tương đương với tước quyền sở hữu hoặc quốc hữu hóa (sau đây gọi là “tước quyền sở hữu” trong Chương này), trừ khi:
(a) vì mục đích công cộng;
(b) trên cơ sở không phân biệt đối xử;
(c) thanh toán thiệt hại phù hợp với các khoản 2 và 3; và
(d) phù hợp với thủ tục của pháp luật.
2. Bồi thường thiệt hại nêu tại điểm 1(c) phải:
(a) được thanh toán không chậm trễ;26
(b) tương đương với giá thị trường của khoản đầu tư bị tước quyền sở hữu đó tại thời điểm việc tước quyền sở hữu đó được công bố công khai,27 hoặc việc tước quyền sở hữu đó xảy ra, tùy vào thời điểm nào xảy ra trước (sau đây gọi là “ngày tước quyền sở hữu” trong Chương này);28, 29, 30
(c) không phản ánh bất kỳ thay đổi trong giá trị do việc tước quyền sở hữu dự kiến đã bị tiết lộ trước đó; và
(d) có tính thanh khoản đầy đủ và được tự do chuyển nhượng.
3. Trong trường hợp chậm trễ, bồi thường thiệt hại sẽ bao gồm tiền lãi hợp lý phù hợp với pháp luật và chính sách của Bên tước quyền sở hữu với điều kiện pháp luật và chính sách đó được áp dụng trên cơ sở không phân biệt đối xử.
4. Điều này không áp dụng đối với việc cấp các giấy phép bắt buộc được cấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, hoặc việc thu hồi, giới hạn hoặc tạo ra các quyền sở hữu trí tuệ, trong phạm vi việc cấp, thu hồi, giới hạn hoặc tạo ra đó phù hợp với Chương 11 (Sở hữu trí tuệ) và Hiệp định TRIPS.31
5. Mặc dù có các khoản từ 1 đến 3, bất kỳ biện pháp tước quyền sở hữu nào liên quan đến đất đai sẽ được xác định phù hợp với pháp luật hiện hành của Bên tước quyền sở hữu, và sẽ theo các mục đích và việc trả tiền bồi thường, phù hợp với các luật và quy định nêu trên. Việc bồi thường đó sẽ phải tuân theo bất kỳ sửa đổi nào sau đó đối với các luật và quy định nói trên liên quan đến số tiền bồi thường khi những sửa đổi đó tuân theo xu hướng chung của giá trị thị trường của đất.
1. Một Bên có thể từ chối lợi ích của Chương này đối với nhà đầu tư của Bên kia mà là pháp nhân của Bên kia và khoản đầu tư của nhà đầu tư đó nếu pháp nhân đó:
(a) được sở hữu hoặc kiểm soát bởi một chủ thể của Bên không ký kết hoặc Bên từ chối lợi ích; và
(b) không có các hoạt động kinh doanh chủ yếu trên lãnh thổ của bất kỳ Bên nào ngoại trừ Bên từ chối lợi ích.
2. Một Bên có thể từ chối lợi ích của Chương này đối với nhà đầu tư của Bên khác là pháp nhân của Bên khác đó và khoản đầu tư của nhà đầu tư đó nếu các chủ thể của Bên không ký kết sở hữu hoặc kiểm soát pháp nhân đó và Bên từ chối lợi ích đó ban hành hoặc duy trì các biện pháp đối với Bên không ký kết hoặc một chủ thể của Bên không ký kết đó mà cấm giao dịch với pháp nhân đó hoặc có thể bị vi phạm hoặc bị lợi dụng nếu các lợi ích của Chương này được dành cho pháp nhân đó hoặc khoản đầu tư của pháp nhân đó.
3. Một Bên có thể từ chối lợi ích của Chương này đối với nhà đầu tư của Bên khác là pháp nhân của Bên khác đó và khoản đầu tư của nhà đầu tư đó nếu các chủ thể của một Bên không ký kết sở hữu hoặc kiểm soát pháp nhân đó và Bên từ chối lợi ích không duy trì quan hệ ngoại giao với Bên không ký kết đó.
4. Mặc dù có khoản 1, Thái Lan có thể, theo luật và quy định hiện hành của mình, từ chối lợi ích của Chương này liên quan đến việc chấp thuận, thành lập, mua lại và mở rộng đầu tư cho nhà đầu tư của một Bên khác là pháp nhân của Bên khác đó và khoản đầu tư của nhà đầu tư đó khi Thái Lan xác định rằng pháp nhân thuộc sở hữu hoặc kiểm soát bởi các thể nhân hoặc pháp nhân của một Bên không ký kết hoặc của Thái Lan.
5. Với mục đích của Điều này, đối với Thái Lan, một pháp nhân là:
(a) “sở hữu” bởi thể nhân hoặc pháp nhân của một Bên hoặc của một Bên không ký kết nếu hơn 50% cổ phần thuộc sở hữu của những chủ thể đó; và
(b) “kiểm soát” bởi thể nhân hoặc pháp nhân của một Bên hoặc một Bên không ký kết nếu các chủ thể đó có quyền chỉ định đa số thành viên hội đồng quản trị hoặc bằng các cách khác điều khiển hoạt động của pháp nhân đó một cách hợp pháp.
6. Phi-líp-pin có thể từ chối lợi ích của Chương này đối với nhà đầu tư của Bên khác và khoản đầu tư của nhà đầu tư đó khi Phi-lip-pin xác định rằng nhà đầu tư đó đã thực hiện khoản đầu tư bằng việc vi phạm quy định của Đạo luật thịnh vượng chung số 108, với tiêu đề Đạo luật trừng phạt các hành vi vi phạm pháp luật về quốc hữu hóa một số quyền, nhượng quyền hoặc đặc quyền, được sửa đổi bởi Nghị định số 715 của Tổng thống, được gọi là “Anti-dummy Law”, và các sửa đổi nếu có.
7. Một Bên có thể từ chối lợi ích của Chương này đối với nhà đầu tư của Bên khác hoặc một Bên không ký kết và khoản đầu tư của nhà đầu tư đó nếu nhà đầu tư đó đã thực hiện khoản đầu tư bằng cách vi phạm các quy định của pháp luật Bên từ chối lợi ích nhằm thực thi Khuyến nghị của lực lượng đặc nhiệm tài chính.
Điều 10.15: Các ngoại lệ an ninh
Mặc dù có Điều 17.13 (Các ngoại lệ an ninh), Chương này không:
(a) yêu cầu một Bên phải công bố hoặc cho phép tiếp cận bất kỳ thông tin mà việc công bố đó được cho là xung đột với lợi ích an ninh thiết yếu của Bên đó; hoặc
(b) ngăn cản một Bên áp dụng các biện pháp mà Bên đó coi là cần thiết để:
(i) thực thi các nghĩa vụ của mình liên quan đến việc duy trì hoặc gìn giữ an ninh hoặc hòa bình thế giới; hoặc
(ii) bảo vệ lợi ích an ninh thiết yếu của Bên đó.
Các Bên sẽ nỗ lực xúc tiến và tăng cường nhận thức của Khu vực như là một khu vực đầu tư thông qua:
(a) khuyến khích đầu tư giữa các Bên;
(b) tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư giữa hai hoặc nhiều Bên;
(c) thúc đẩy các sự kiện kết nối kinh doanh;
(d) tổ chức và hỗ trợ tổ chức hội thảo, diễn đàn giới thiệu về cơ hội đầu tư và pháp luật và chính sách đầu tư; và
(e) trao đổi thông tin về các vấn đề khác mà các Bên cùng quan tâm liên quan đến xúc tiến đầu tư.
Điều 10.17: Tạo thuận lợi cho đầu tư
1. Phù hợp với pháp luật của mình, mỗi Bên sẽ nỗ lực nhằm tạo thuận lợi cho đầu tư giữa các Bên thông qua:
(a) tạo môi trường cần thiết cho các loại hình đầu tư;
(b) đơn giản thủ tục đăng ký và chấp thuận đầu tư;
(c) tăng cường phổ biến thông tin đầu tư, bao gồm quy tắc, pháp luật và chính sách đầu tư;
(d) thành lập hoặc duy trì đầu mối liên lạc, trung tâm đầu tư một cửa, đầu mối, hoặc các thiết chế khác tại mỗi Bên để cung cấp hỗ trợ và dịch vụ tư vấn cho các nhà đầu tư, bao gồm tạo thuận lợi trong việc cấp phép.
2. Phù hợp với pháp luật của mình, các hoạt động của mỗi Bên theo điểm 1(d) có thể gồm, trong phạm vi có thể, hỗ trợ nhà đầu tư của Bên kia và khoản đầu tư được bảo hộ để giải quyết một cách thiện chí các vướng mắc hoặc khiếu nại đối với các cơ quan chính phủ phát sinh trong quá trình hoạt động đầu tư của họ, thông qua:
(a) tiếp nhận và, tùy trường hợp cụ thể, xem xét hướng dẫn hoặc đề xuất hướng xử lý theo quy định các vướng mắc do nhà đầu tư đưa ra liên quan đến các hành vi của chính phủ ảnh hưởng đến khoản đầu tư của họ; và
(b) cung cấp hỗ trợ, trong phạm vi có thể, để giải quyết khó khăn mà nhà đầu tư gặp phải liên quan đến khoản đầu tư được bảo hộ.
3. Phù hợp với pháp luật của mình, mỗi Bên có thể, trong phạm vi có thể, xem xét thành lập các cơ chế để đưa ra khuyến nghị cho các cơ quan chính phủ của mình nhằm xử lý các vấn đề ảnh hưởng đến nhà đầu tư của Bên kia.
4. Các Bên sẽ nỗ lực để tổ chức họp giữa các cơ quan có thẩm quyền nhằm trao đổi kiến thức và cách tiếp cận để tạo thuận lợi tốt hơn cho đầu tư.
5. Điều này sẽ không, hoặc bằng cách khác ảnh hưởng đến quá trình giải quyết tranh chấp theo Hiệp định này.
Điều 10.18: Chương trình làm việc
1. Không ảnh hưởng đến quan điểm của mỗi Bên, các Bên sẽ tiến hành thảo luận về:
(a) giải quyết tranh chấp đầu tư giữa một Bên và nhà đầu tư của Bên khác; và
(b) việc áp dụng Điều 10.13 (Tước quyền sở hữu) đối với các biện pháp về thuế cấu thành tước quyền sở hữu,
trong vòng 2 năm kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực, kết quả thảo luận phụ thuộc vào thỏa thuận của các Bên.
2. Các Bên sẽ kết thúc thảo luận các nội dung nêu tại khoản 1 trong vòng 3 năm kể từ ngày bắt đầu thảo luận.
(LUẬT TẬP QUÁN QUỐC TẾ)
Các Bên khẳng định cách hiểu chung của mình rằng “luật tập quán quốc tế” nói chung và nói riêng được nêu trong Điều 10.5 (Đối xử đầu tư), bao gồm tiêu chuẩn đối xử tối thiểu của luật tập quán quốc tế đối với người nước ngoài được hình thành từ thực tiễn chung và nhất quán của các Quốc gia mà họ tuân theo dựa trên nghĩa vụ pháp lý.
(TƯỚC QUYỀN SỞ HỮU)
Các Bên khẳng định cách hiểu chung của mình rằng:
1. Một hành động hay một loạt hành động của một Bên sẽ không cấu thành tước quyền sở hữu trừ khi hành động đó ảnh hưởng đến quyền tài sản hữu hình và vô hình hoặc lợi ích tài sản33 trong một khoản đầu tư.
2. Điều 10.13 (Tước quyền sở hữu) đề cập đến hai trường hợp:
(a) trường hợp đầu tiên là tước quyền sở hữu trực tiếp, khi một khoản đầu tư được bảo hộ bị quốc hữu hóa hoặc bị tước quyền sở hữu trực tiếp thông qua việc chuyển giao chính thức hoặc tước đoạt trắng trợn; và
(b) trường hợp thứ hai là khi một hành động hoặc một loạt các hành động của một Bên có tác động tương đương với tước quyền sở hữu trực tiếp mà không có sự chuyển giao chính thức hoặc tước đoạt trắng trợn
3. Việc xác định một hành động hoặc một loạt các hành động của một Bên, trong một tình huống thực tế cụ thể, có cấu thành tước quyền sở hữu được đề cập tại điểm 2(b) yêu cầu được xác định trong từng trường hợp cụ thể, dựa trên thực tế trong đó cân nhắc đến các yếu tố có liên quan đến đầu tư đó, bao gồm:
(a) tác động kinh tế của các hành động của chính phủ, mặc dù trên thực tế nếu một hành động hoặc một loạt các hành động của một Bên có tác động tiêu cực đến giá trị kinh tế của một khoản đầu tư, thì riêng việc đó không đủ cơ sở để xác định rằng việc tước quyền sở hữu đã xảy ra;
(b) liệu hành động của chính phủ có vi phạm cam kết bằng văn bản đã có của chính phủ với nhà đầu tư theo hợp đồng, giấy phép, hoặc các văn bản pháp lý khác; và
(c) đặc điểm của hành động của chính phủ, bao gồm mục đích và hoàn cảnh của hành động đó.34
4. Các hoạt động quản lý không phân biệt đối xử của một Bên được thiết lập và áp dụng để đạt được mục đích công cộng hợp pháp, như bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an toàn, đạo đức công cộng, môi trường, ổn định giá thị trường bất động sản sẽ không cấu thành tước quyền sở hữu nêu tại điểm 2(b).
1 Đối với Malaysia và Thái Lan, bảo hộ theo Chương này sẽ được dành cho khoản đầu tư được bảo hộ mà trong từng trường hợp cụ thể đã được phê chuẩn bằng văn bản để bảo hộ đầu tư với cơ quan có thẩm quyền của từng nước phù hợp với pháp luật và chính sách của từng nước.
2 Đối với Campuchia, In-đô-nê-xi-a và Việt Nam, “đã được chấp thuận” nghĩa là đã được đăng ký hoặc được phê chuẩn bằng văn bản, tùy từng trường hợp cụ thể.
3 Với mục đích của định nghĩa này, “chính sách” nghĩa là các chính sách ảnh hưởng đến một khoản đầu tư và được chính phủ của một Bên thông qua hoặc thông báo bằng văn bản và công bố bằng hình thức văn bản.
4 Khoản vay của một Bên với một Bên khác không phải là khoản đầu tư.
5 Một số hình thức nợ, như trái phiếu, giấy nhận nợ, và phiếu khoán dài hạn, thường có các đặc điểm của một khoản đầu tư, trong khi các hình thức nợ khác như yêu cầu thanh toán đến hạn thanh toán ngay lập tức và là kết quả của việc bán hàng hóa hoặc dịch vụ, ít có các đặc điểm của một khoản đầu tư.
6 Để rõ ràng hơn, đầu tư không có nghĩa là các yêu cầu đòi tiền phái sinh từ:
(a) hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc dịch vụ;
(b) việc cấp tín dụng liên quan đến hợp đồng đó.
7 Để rõ ràng hơn, thị trường chứng khoán, tiếp cận thị trường, lợi nhuận kỳ vọng, và cơ hội tạo lợi nhuận không phải là khoản đầu tư.
8 Để rõ ràng hơn, các Bên hiểu rằng một nhà đầu tư “chuẩn bị thực hiện” một khoản đầu tư khi nhà đầu tư đó đã một hoặc nhiều hoạt động cần thiết để thực hiện đầu tư. Khi quy trình thông báo/đăng ký hoặc chấp thuận/cấp phép được yêu cầu để thực hiện đầu tư, nhà đầu tư “chuẩn bị thực hiện” đầu tư là nhà đầu tư đã bắt đầu quy trình thông báo/đăng ký hoặc chấp thuận/cấp phép đó.
9 Để rõ ràng hơn, các Bên hiểu rằng một nhà đầu tư “chuẩn bị thực hiện” một khoản đầu tư khi nhà đầu tư đó đã một hoặc nhiều hoạt động cần thiết để thực hiện đầu tư. Khi quy trình thông báo/đăng ký hoặc chấp thuận/cấp phép được yêu cầu để thực hiện đầu tư, nhà đầu tư “chuẩn bị thực hiện” đầu tư là nhà đầu tư đã bắt đầu quy trình thông báo/đăng ký hoặc chấp thuận/cấp phép đó.
10 Để rõ ràng hơn, chi nhánh của một pháp nhân không có bất kỳ quyền khởi kiện bất kỳ Bên nào theo Hiệp định này.
11 Để rõ ràng hơn, việc quy định "chi nhánh" trong định nghĩa "pháp nhân" không ảnh hưởng đến khả năng của một Bên đối xử với chi nhánh theo luật của mình như một thực thể không tồn tại pháp lý độc lập và không được tổ chức riêng biệt.
12 Chi nhánh của một thực thể pháp lý của một Bên không ký kết không được coi là pháp nhân của một Bên.
13 Để rõ ràng hơn, chi nhánh của một pháp nhân không có quyền khởi kiện bất kỳ Bên nào theo Hiệp định này.
14 Để rõ ràng hơn, việc quy định “chi nhánh” trong định nghĩa "pháp nhân" không ảnh hưởng đến quyền của một Bên đối xử với chi nhánh theo luật của mình như một thực thể không tồn tại pháp lý độc lập và không được tổ chức riêng biệt.
15 Chi nhánh của một thực thể pháp lý của một Bên không ký kết sẽ không được coi là pháp nhân của một Bên.
16 Điều 10.7 (Quản lý cấp cao và Hội đồng quản trị) áp dụng với các biện pháp ảnh hưởng đến việc cung cấp một dịch vụ chỉ trong trường hợp một Bên có cam kết phù hợp với Điều 8 (Danh mục/Biểu các biện pháp không tương thích).
17 Để rõ ràng hơn, việc đối xử được dành cho trong “các điều kiện tương tự” theo Điều này hay không phụ thuộc vào tổng thể các điều kiện, bao gồm cả việc đối xử liên quan có phân biệt giữa các nhà đầu tư hay các khoản đầu tư trên cơ sở các mục tiêu phúc lợi công cộng hợp pháp hay không.
18 Điều này không áp dụng với Campuchia, Lào, My-an-ma, và Việt Nam. Sự đối xử theo Điều này không dành cho nhà đầu tư của Campuchia, Lào, My-an-ma, và Việt Nam và các khoản đầu tư được bảo hộ của các nhà đầu tư đó.
19 Để rõ ràng hơn, việc đối xử được dành cho trong “các điều kiện tương tự” theo Điều này hay không phụ thuộc vào tổng thể các điều kiện, bao gồm cả việc đối xử liên quan có phân biệt giữa các nhà đầu tư hay các khoản đầu tư trên cơ sở các mục tiêu phúc lợi công cộng hợp pháp hay không.
20 Điều này sẽ được giải thích phù hợp với Phụ lục 10A (Luật tập quán quốc tế).
21 Để rõ ràng hơn, mỗi Bên có thể duy trì các biện pháp đang tồn tại hoặc ban hành các biện pháp mơi hoặc các biện pháp hạn chế hơn mà không phù hợp với nghĩa vụ theo Điều này, như được liệt kê tại Danh mục A và B của Biểu của mình tại Phụ lục III (Danh mục bảo lưu và các biện pháp không tương thích)
22 Để rõ ràng hơn, “hợp đồng li-xăng” có nghĩa là bất kỳ hợp đồng nào liên quan đến việc cấp phép công nghệ, quy trình sản xuất hoặc kiến thức độc quyền khác.
23 Điều này bao gồm các sửa đổi đối với Hiệp định TRIPS thực thi khoản 6 của Tuyên bố Doha về Hiệp định TRIPS và sức khỏe cộng đồng (WT/MIN(01)/DEC/2) được thông qua tại Đô-ha ngày 14/11/2001.
24 Để rõ ràng hơn, nội dung này cũng bao gồm việc ban hành hoặc thực thi bất kỳ biện pháp về thuế nhằm bảo đảm thực thi công bằng và hiệu quả hoặc thu thuế bao gồm bất kỳ các biện pháp mà phân biệt đối xử giữa các chủ thể dựa trên nơi cư trú hoặc tổ chức.
25 Điều này được giải thích phù hợp với Phụ lục 10.B (Tước quyền sở hữu).
26 Các Bên hiểu rằng có thể có quy trình hành chính và thủ tục pháp luật cần tuân thủ trước khi thanh toán.
27 Đối với Phi-líp-pin, thời điểm tước quyền sở hữu được công bố công khai để xác định giá thị trường của khoản đầu tư bị tước quyền sở hữu là ngày nộp Yêu cầu tước quyền sở hữu.
28 Đối với Ốtx–trây-li-a, Bru-nây, Hàn Quốc, Ma-lay-xi-a, Niu Di-lân và Sinh-ga-po, ngày tước quyền sở hữu để xác định giá thị trường của khoản đầu tư bị tước quyền sở hữu là ngày ngay trước khi tước quyền sở hữu xảy ra.
29 Đối với Campuchia, Lào, My-an-ma và Việt Nam, ngày tước quyền sở hữu để xác định giá thị trường của khoản đầu tư bị tước quyền sở hữu là ngày quyết định tước quyền sở hữu được ban hành bởi cơ quan có thẩm quyền.
30 Đối với Thái Lan, ngày tước quyền sở hữu để tính giá thị trường của khoản đầu tư bị tước quyền sở hữu là ngày tước quyền sở hữu xảy ra.
31 Để rõ ràng hơn, các Bên công nhận rằng, vì mục đích của Điều này, "thu hồi" quyền sở hữu trí tuệ bao gồm việc hủy bỏ hoặc vô hiệu hóa các quyền đó và "giới hạn" của quyền sở hữu trí tuệ bao gồm các ngoại lệ đối với các quyền đó.
32 Quyền của một Bên để từ chối lợi ích của Chương này như được quy định tại Điều này có thể được thực hiện bất kỳ thời điểm nào.
33 Với mục đích của Phụ lục này, “lợi ích tài sản” là lợi ích tài sản được công nhận phù hợp với pháp luật của Bên đó.
34 Đối với Hàn Quốc, các vấn đề cần xem xét liên quan có thể bao gồm liệu hành vi của chính phủ có buộc nhà đầu tư hoặc khoản đầu tư cụ thể phải có sự hy sinh đặc biệt vượt quá những gì mà nhà đầu tư hoặc hoặc khoản đầu tư đó lẽ ra phải chịu để đạt được lợi ích công cộng. Ghi chú này không ảnh hưởng đến việc xác định đặc điểm của hành động của chính phủ của bất kỳ Bên khác.